Cuộc sống quanh ta

Vụ Tiên Lãng: Ý nghĩ bật lên thành lời

Vụ việc xẩy ra ở Tiên Lãng gây chấn động dư luận. Cho đến thời điểm này đã có ngót nghét 1000 bài báo nói về sự kiện này. Tôi cũng là người cầm bút nhưng thấy các đồng nghiệp viết quá hấp dẫn rồi nên chỉ say sưa đọc và hừng hực suy nghĩ mà thôi. Nay vụ việc gần như ngã ngũ thì những ý nghĩ của tôi lại bật lên thành lời.

 
 
Chưa thể nói lời khen ngợi, dù đã ghi nhận
 
Ngày đầu tiên đi làm sau Tết, một đồng nghiệp (học cùng trường Đại học Tổng hợp Moskva) nhắc là nên có lời khen ngợi anh Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương vì báo chí được viết khá đầy đủ về “vụ Tiên Lãng”.
Tôi cũng thấy đây là vụ việc động đến nhiều cấp chính quyền nhưng báo chí hầu như không gặp khó khăn gì khi đăng bài (còn bị gây khó dễ ở địa bàn thì có). Như thế có nghĩa là Ban Tuyên giáo Trung ương không can thiệp vào công việc của các tòa soạn. So với nhiều vụ việc khác trước đây, điều này có vẻ đáng khen.
Bản thân tôi chưa bao giờ đánh giá thấp kiến thức và trí tuệ của anh Đinh Thế Huynh, nhưng tôi là người có điểm yếu kém cố hữu: Không phân biệt được giữa sự năng động, nhạy bén, khôn ngoan và cơ hội nên không dám khen. Vả lại, tôi cho rằng báo chí không cần sự chỉ đạo, chỉ cần không cản trở và cấm đoán là tốt rồi. Tuy nhiên, qua “vụ Tiên Lãng”, tôi cũng ghi nhận sự đóng góp của những người chịu trách nhiệm về truyền thông và văn hóa tư tưởng.
Cách đây ít lâu, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương có nói, đại ý là chính sách đúng thì công tác tuyên giáo thuận lợi, dễ dàng. Với tư cách là nhà báo, nay tôi muốn nói thêm: Khi không bị cấm đoán, cản trở, bóp méo, báo chí thực sự là một sức mạnh của quần chúng nhân dân.
 
Cám ơn Thủ tướng, nhưng…
 
Nếu có điều tra tín nhiệm theo như ở nước ngoài, chỉ số tín nhiệm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau khi chủ trì việc đánh giá đúng sai “vụ Tiên Lãng” được nâng cao lên rất nhiều. Tôi cũng có cảm giác biết ơn Thủ tướng. Tuy nhiên, tôi cho rằng cần suy nghĩ bình tĩnh và sâu sắc hơn về vấn đề khi nào thì Thủ tướng cần phải tham gia giải quyết những vụ việc xẩy ra ở các ngành, các địa phương. Việt Nam là một đất nước đã có pháp luật và chúng ta đang kêu gọi mọi người sống và làm việc theo luật pháp.
Trong “Vụ Tiên Lãng”, ngay từ đầu các chuyên gia và các luật sư đã chỉ ra là chính quyền làm sai, vi phạm pháp luật. Nếu là một đất nước, một xã hội tôn trọng luật pháp thì chỉ cần căn cứ vào luật pháp mà giải quyết, không cần phải có sự can thiệp của người đứng đầu Chính phủ. Nhưng ở nước ta hình như luật pháp chưa thực sự được tôn trọng. Nếu Thủ tướng không tham gia giải quyết “vụ Tiên Lãng”, có lẽ lãnh đạo TP Hải Phòng chỉ làm cho qua chuyện đối với lãnh đạo huyện, xã; phạt tù thật lâu anh em nhà ông Vươn và cho qua mọi chuyện.
Như vậy, vai trò Thủ tướng trong “vụ Tiên Lãng” là rất lớn nhưng tôi muốn về sau này Thủ tướng không phải ra tay mà chỉ cần căn cứ vào luật pháp để giải quyết những tranh chấp, những xung đột. Khi luật pháp được tất cả mọi người, kể cả những người có chức, có quyền tôn trọng, lúc đấy chúng ta mới hy vọng xây dựng được xã hội văn minh.
 
Phản dân, hại nước vì kém trí tuệ hay…
 
Việc UBND huyện Tiên Lãng cho thu hồi và cấm đầu tư ở hàng trăm đầm tôm là một việc làm phản dân, hại nước. Hậu quả của việc này rất nặng nề và lâu dài. Tôi muốn được nghe lãnh đạo huyện Tiên Lãng giải thích về việc họ chỉ cho thuê đầm từ 4 – 15 năm là nhằm mục đích gì? Sau khi thu hồi và bỏ hoang hàng trăm hecta đầm, họ có biết xót thương không?
Qua việc ông Khánh – Chánh Văn phòng UBND huyện Tiên Lãng nói đi, nói lại việc huyện đã 8 lần thông báo cho ông Vươn về việc thu hồi đầm, tôi thấy chính quyền này không có bản lĩnh và trí tuệ. Những người có một chút trí tuệ, chỉ cần 2 – 3 lần thấy “lệnh” của mình không được thực hiện, họ thay đổi biện pháp ngay. Đến bưu điện gửi giấy mời đi lĩnh tiền, sau vài lần không thấy người đến nhận, họ gửi ngược lại nơi đã gửi. Đằng này, một chính quyền huyện mà lặp lại 8 lần một cái việc sai trái và vô nghĩa như vậy; hơn nữa lại còn dương dương tự đắc và ra rả nói về điều này, hỏi trí tuệ ở đâu?!
 
Không nên khép ông Vươn vào tội “giết người”
 
Anh em ông Vươn đã dùng mìn, dùng súng chống lại người thi hành công vụ (à, không phải, chính xác là những người “tưởng mình thi hành công vụ”), tất nhiên là vi phạm pháp luật rồi. Các chuyên gia trong lĩnh vực luật pháp đã nói nhiều, nhưng dẫu sao tôi cũng không “nuốt trôi” tội danh “giết người” gán cho ông Vươn. Tôi không hoàn toàn suy nghĩ theo luật pháp, mà suy nghĩ theo thực tế và đạo lý. Tôi nghĩ, ông Vươn không phạm tội giết người. Thứ nhất, trên thực tế chỉ có 6 người bị thương, không ai bị chết. Có thể thấy mục đích của anh em ông Vươn là gây thương tích, gây tiếng vang (họ đã đạt được) chứ không dám giết người. Thứ hai, anh em ông Vươn không chủ động đi tìm những người đó để gây thương tích, mà chính họ với súng ống đầy mình kéo đến nhà, đầm của các ông ấy nên các ông ấy phải ra tay. Thứ ba, trong đạo lý của dân tộc ta có luật bất thành văn là khi những kẻ khác xông vào nhà gây gổ thì chủ nhà có quyền đánh trả. Nếu có xẩy ra thương tích hay thương vong thì chủ nhà cũng được miễn giảm tội lỗi vì buộc phải bảo vệ ngôi nhà và sự sống của mình.
 
Vẫn chưa “trọn niềm vui” về Tiên Lãng
 
Sau kết luận của Thủ tướng, chưa kịp vui đã “đụng” ngay phải tin “ông Thoại - dân - bức - xúc - phá” được cử làm tổ trưởng Tổ triển khai kết luận của Thủ tướng. Không hiểu lãnh đạo TP Hải Phòng ngây thơ trong chuyện này hay thách thức dư luận? Dẫu sao thì hành động này cũng cho thấy là lãnh đạo Hải Phòng chưa nhận thức hết mức độ nghiêm trọng của vụ việc xẩy ra tại Tiên Lãng. Họ chưa thực tâm nhận ra lỗi lầm, thiếu sót của mình; họ chưa sẵn sàng thay đổi tận gốc rễ cách nghĩ, cách nhìn về vụ việc ở Tiên Lãng. Họ vẫn ấm ức vì cho rằng dân đã “chiến thắng” trong vụ việc này.
Vì bị dư luận phản ứng nên “ông Thoại - dân - bức - xúc - phá” không làm tổ trưởng nữa nhưng vẫn làm tổ phó!!! Để thực hiện kết luận và chỉ đạo của Thủ tướng về vụ việc động trời ở Tiên Lãng mà Hải Phòng chỉ thành lập “tổ công tác” liệu có nghiêm túc không?! Nếu Hải Phòng thiếu cán bộ thực hiện, thiếu chuyên gia làm cố vấn thì Trung ương bổ sung, còn nên để “ông Thoại - dân - bức - xúc - phá” suy nghĩ về sự vu cáo dân của mình thật nghiêm khắc. Một khi con người mắc lỗi lầm, ít nhất phải tự hổ thẹn, tự trừng phạt mình mới mong khá lên được.
Một điều nữa khiến dư luận chưa yên tâm là trong các quyết định đình chỉ công tác của các quan chức cấp huyện, cấp xã; hiệu lực chỉ có 15 ngày. Hết thời hạn đó thì sao đây? Những người đó sau khi “kiểm điểm nghiêm túc” lại quay về vị trí cũ chăng? Đây là điều mà nhiều người lo lắng nhất.
Xét toàn diện tình hình ở Tiên Lãng (hàng chục đầm tôm bị thu hồi và bỏ hoang, hàng trăm đầm khác bị đe dọa thu hồi) trong thời gian qua và những gì bộc lộ sau ngày 5/1/2012, chúng ta thấy một số quan chức của Tiên Lãng và xã Quang Vinh không suy nghĩ và hành động vì dân. Không nên trao chức, trao quyền cho những người này thêm nữa.
 
Để hạn chế tranh chấp đất đai và đảm bảo đất nước phát triển thịnh vương và bền vững
 
Nguyên nhân sâu xa dẫn đến “vụ Tiên Lãng” là Luật đất đai của Việt Nam chưa hoàn thiện. Cần mở rộng và thay đổi cách nhìn về quản lý đất đai. Nếu một quốc gia nào đó muốn phát triển thịnh vượng và bền vững, phải có chính sách về đất đai thật minh bạch, rõ ràng và ổn định. Sao Việt Nam không tiếp tục phát huy hiệu quả của “Khoán 10”? Nghĩa là tiến thêm một bước nữa trong việc giao cho người dân làm chủ sản xuất đất nông nghiệp. Trước năm 1990, Việt Nam thiếu lương thực, sau khi thực hiện “Khoán 10”, Việt Nam xuất khẩu gạo. Cái gì làm nên điều kỳ diệu đó? Đó là khi nông dân được làm chủ mảnh đất mà họ cày bừa, vun xới; họ hiểu làm ra nhiều nông sản thì họ được hưởng nhiều. Vậy sao Việt Nam không tiếp tục quản lý đất đai theo hướng này?   Kinh nghiệm của nhiều nước chỉ ra rằng, đất đai cần có chủ sở hữu cụ thể. Nhà nước chỉ giữ lại cho mình cái quyền có thể trưng dụng đất đai của bất kỳ ai (có đến bù thoả đáng) vào mục đích an ninh, quốc phòng, giao thông, xây dựng công trình công cộng, công trình phúc lợi tập thể… Còn đất đai dùng vào việc trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản cần giao vĩnh viễn cho người sản xuất trên cơ sở đề ra chính sách thuế hợp lý.
 Việt Nam đã có Luật đất đai, bây giờ chỉ cần làm một việc nhẹ nhàng là sủa đổi, thay vì giao đất, giao rừng, giao đầm có thời hạn bằng cách giao vô thời hạn. Diện tích một người được giao cũng cần được nâng lên hàng trăm tới hàng ngàn hecta. Những thứ này chỉ bị Nhà nước lấy lại khi dùng vào mục đích an ninh, quốc phòng, công trình giao thông và công trình phúc lợi công cộng, ngoài ra không ai có quyền lấy để trao cho người khác sản xuất. Nước Mỹ có diện tích trên 9 triệu km2, có nền nông nghiệp sản xuất ra nông sản vào loại nhiều nhất thế giới nhưng chỉ có 2% dân số là nông dân. Để có được điều này là do nông dân sở hữu rất nhiều ruộng đất, họ không bao giờ lo bị thu hồi nên đầu tư lớn, đầu tư dài hạn.
Không viết về “vụ Tiên Lãng” thì thôi, chứ động vào viết thì có thể không dừng lại được. Vậy tôi xin ngắt thôi…

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513887

Hôm nay

257

Hôm qua

2303

Tuần này

21824

Tháng này

220760

Tháng qua

121356

Tất cả

114513887