Cuộc sống quanh ta

Triết gia Trần Đức Thảo “Những ngày ấy”

Những ngày ấy, tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội rồi thêm trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, giữa những tên tuổi của các ông trùm văn hoá của đất nước như: Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai, Nguyễn Mạnh Tường, Cao Xuân Huy, Trương Tửu, Trần Văn Giàu… trong dư luận của giới thức giả, cũng như trong ấn tượng của thế hệ sinh viên Văn - Sử - Địa chúng tôi, giáo sư - triết gia Trần Đức Thảo vẫn là thần tượng số một.

Trong các buổi giảng về lịch sử triết học phương Tây trước Mác của triết gia, có một hiện tượng lạ mà hơn nửa thế kỷ qua, làm nghề dạy học, tôi chưa thấy có trường hợp thứ hai. Thầy đến lớp, không một mẩu giáo án. Chỉ ngồi trên ghế hoặc ngồi ghé lên bàn, mắt hướng lên trần nhà và nói thì rất khó khăn. Vậy mà không khí lớp học vẫn tĩnh lặng, trang nghiêm. Buổi giảng nào, ngoài số sinh viên thuộc 2 lớp Văn - Sử - Địa II, III học chung mà hầu như không ai vắng mặt còn rất nhiều giáo viên cấp III của Hà Nội, kể cả một vài sinh viên Y Dược, Đại học Sư phạm Khoa học tự nhiên cũng đến nghe nhờ. Nhà đạo học nổi tiếng của Việt Nam - Cao Xuân Huy - cũng nhiều lần có mặt. Đại giảng đường 35 Lê Thánh Tông, từ phòng học chính đến các chuồng gà ở tầng trên đều chật người. Đúng là một không khí sùng bái kỳ lạ. Chúng tôi thực sự không hiểu được gì đáng kể những điều thầy giảng nhưng cậu nào, cô nào cũng làm ra khoái chí, hiểu. Bởi nhận là không hiểu thì té ra mình dốt sao. Không ít bạn tập cách nói "Philôdôp" của thầy. Có hai bạn sau này một là giáo sư, một là nhà mỹ học đều nổi danh, viết bài tranh luận thế nào là "Hạt nhân duy lý trong triết học Hégel" đăng trên báo Sinh viên Việt Nam để khoe tài trong khi cùng đeo đuổi một bạn gái xinh đẹp nhất của lớp mà sau đó, có dịp tôi hỏi ý kiến nhận xét của thầy thì được thầy nói: "Cả hai đều nói rờ nói rận". Riêng tôi, về sau, trải qua nhiều năm dạy học lại nghiệm ra rằng: Theo cách nghĩ thông thường, trường hợp giảng bài của giáo sư Trần Đức Thảo là một hiện tượng phi sư phạm, phản sư phạm 100% (không giáo án, không quan sát đối tượng, nói năng thiếu trôi chảy, thuyết giảng một bề). Nhưng chính ở nhà giáo "phi sư phạm" này lại cho tôi một hiệu quả vô cùng lớn lao, chi phối, nâng đỡ tôi suốt hon 50 năm qua trong nghề dạy học và nghiên cứu văn học. Đó là cái ấn tượng vô cùng sâu đậm về cái gọi là năng lực tư duy trừu tượng, mà theo tôi nó là điều kiện cần có nhất, quyết định nhất cho bất cứ ai muốn dấn thân vào khoa học. Là điều mà theo tôi thì người Việt Nam ta vốn có hạn chế nhiều so với nhiều nước trên thế giới. Quả là về năng lực này, cho đến nay trên đất nước ta, tôi chưa thấy ai ngang tầm giáo sư Trần Đức Thảo. Và Trần Đức Thảo, sở dĩ làm nên một tên tuổi sáng giá, được dư luận thế giới, đây đó công nhận, tôn vinh cao độ, chính là nhờ có năng lực tư duy trừu tượng khoa học này.

Trở lại hiện tượng sùng bái giáo sư Trần Đức Thảo một cách kỳ lạ như trên đã nói là có nguyên nhân. ấy là sự đồn đại mà sau này kiểm chứng lại thì nói chung là có thật và nhiều sách báo cũng đều nói vậy. Trần Đức Thảo là một thanh niên Việt Nam đầu tiên (không biết tới nay đã có người thứ hai chưa) tốt nghiệp thủ khoa trường Cao đẳng sư phạm ở phố Ulm tại Paris nước Pháp, vốn là trường tuy chỉ mang danh Cao đẳng sư phạm nhưng thực tế là trường đứng đầu bảng  nền đại học Pháp, có lúc còn hơn cả Sorbonne. Muốn thi vào đây, thường sau khi đậu tú tài, phải chuẩn bị thêm một vài năm. Thi vào khoảng ngàn người, chỉ lấy đậu dăm chục. Tốt nghiệp trường này ra, viết sách chỉ ghi: Ancien élève de l'école normale supérieure de la rue Ulm (cựu học sinh trường Cao đẳng sư phạm phố Ulm) thì thanh danh đã có thể ngang với các danh hiệu cao sang khác. Không ít danh nhân văn hoá Pháp từng xuất thân từ trường này. Việt Nam ta, theo chỗ tôi biết không rõ có chính xác không thì người đầu tiên được học trường Cao đẳng sư phạm phố Ulm là ông Phạm Duy Khiêm (con cụ Phạm Duy Tốn) tốt nghiệp đứng gần chót (thứ 35?) nhưng báo chí trong nước bấy giờ đã tôn vinh là bậc anh tài, kỳ tài của đất nước. Còn Trần Đức Thảo thì đậu đầu nhưng vì là dân thuộc địa nên chỉ được đồng thủ khoa (premier ex aequo). Trần Đức Thảo từng tranh luận triết học với Jean Paul Sartre vốn là một triết gia nổi tiếng của Pháp mà dư luận cho rằng phần thắng thuộc về Trần Đức Thảo. Trần Đức Thảo làm thư ký cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong dịp Người sang Pháp dự hội nghị Fontainebleau, Trần Đức Thảo làm chủ tịch Hội Việt kiều tại Pháp. Khi thực dân Pháp rục rịch trở lại xâm chiếm Việt Nam, báo chí phỏng vấn thì Trần Đức Thảo trả lời: "Chỉ có nổ súng". Trần Đức Thảo bị Chính phủ Pháp bỏ tù 3 tháng vì bị quy tội gây mất an ninh cho nước Pháp. Đặc biệt, năm 1951, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đang ở thời kỳ gay go, không ít trí thức cao cấp từng đi kháng chiến, do không kham nổi gian khổ, đã bỏ về thành. Trong khi đó, triết gia Trần Đức Thảo, ngược lại, từ bỏ Paris hoa lệ, theo đường Tiệp Khắc, Liên Xô, qua Trung Hoa, về chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến. Thuở ấy, những chuyện được nghe đồn đại về giáo sư Trần Đức Thảo như thế, với chúng tôi, một lớp thanh niên có học, vừa đi qua cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc và đang được hưởng không khí hoà bình tươi vui của miền Bắc, giữa thủ đô Hà Nội vừa được giải phóng, sao mà không mê li, không sùng bái được. Nhất là, một khi lại có thêm những lời nói, không phải là của người thường, mà của các bậc đại nhân về giáo sư Trần Đức Thảo. Tôi nhớ, ở năm thứ nhất, trong giờ giải lao sau giờ triết học Mác xít của giáo sư Trần Văn Giàu, thầy trò quây quần bên nhau tại sân trường, trò tán dương thầy dạy hay quá thì thầy nói: "Khoan, các cậu muốn biết thế nào là triết học thì hãy chờ sang năm thứ hai học với thầy Thảo. Thầy Thảo là người đọc gần hết sách của thư viện ở Paris".[1] Tôi lại còn biết chuyện: chính thầy Giàu sau ngày hoà bình lập lại (1954) đã đến mời kỳ được thầy Thảo bấy giờ đang công tác ở Ban Văn - Sử - Địa về đại học và tự nhường chỗ ở của mình tại 16Đ ngõ II Hàng Chuối cho thầy Thảo để sang ở nhà 16 Phan Huy Chú, không tốt bằng. Xin nói thêm, giáo sư Trần Văn Giàu cũng là một người từng được huyền thoại hoá ít nhiều như trong chuyện thầy Giàu là bạn học cùng Ti Tô (Tổng thống Nam Tư), Tô Rê (Tổng bí thư Đảng Cộng sản Pháp) và thủ khoa trường Đại học Phương Đông - mà còn nói về giáo sư Trần Đức Thảo như trên, chẳng gì mà không góp phần tạo thần tượng về Trần Đức Thảo trong lớp sinh viên trẻ bấy giờ là chúng tôi. Rồi nữa, thầy giáo dạy chính trị của chúng tôi bấy giờ là Hà Huy Giáp, một nhà cách mạng lão thành, vào Đảng Cộng sản Đông Dương từ ngày đầu có Đảng, lúc này lại là uỷ viên trung ương, thứ trưởng kiêm Bí thư Đảng đoàn Bộ giáo dục, trong giờ giảng, với cảm hứng tự hào dân tộc, đã nói: "Người Việt Nam ta rất thông minh - Có người như ông Trần Đức Thảo, học cho Tây thua liểng xiểng".

Đúng, những ngày ấy là những ngày vinh quang tột đỉnh của triết gia - giáo sư Trần Đức Thảo mặc dù có thể ông không hề nghĩ tới nó. Nhưng rồi! Trời đất ơi! Tổ quốc Việt Nam ta ơi! "Sự đâu sóng gió bất kỳ" đã ập đến cuộc đời Con người này, mà hôm nay trong cuộc hội thảo kỷ niệm 90 năm sinh của Người, tôi ngày ấy là học trò của thầy, rồi là trợ lý của thầy, được thầy thu xếp cho ở cùng nhà tập thể với thầy, hàng ngày được thầy vừa cho vừa bắt ngồi làm việc ở ngay bàn giấy tại phòng riêng của thầy, còn nay tôi là một giáo sư, một nhà giáo nhân dân đã rơi vào tâm trạng vừa muốn nói lại vừa không muốn nói lại cái sự thật đau lòng xót dạ này. Không muốn nói ra là vì thấy người đời vẫn có tâm lý cái gì không hay đã qua đi để nó qua đi, nói lại làm gì cho thêm nặng nề cuộc sống. Nhất là với những người đã có một vị trí xã hội thì lại thường phải né tránh chuyện đời rắc rối. Nhưng vẫn muốn nói vì nó là sự thật dù có đau lòng, cần nói ra để hậu thế rút kinh nghiệm mà tránh. Bởi ai dám cam đoan rằng, mai đây, trên đất nước ta, sẽ không còn những chuyện bi ai, đáng tiếc đó. Sau những giờ phút băn khoăn là nên nói hay không nên nói, cuối cùng thì tôi đã quyết định nói ra, trước hết xin coi như là một nén hương thơm để thêm một lần tạ ơn, để thêm một lần cảm thương, và cũng thêm một lần tạ tội với vị ân sư, nhân dịp kỷ niệm 90 năm sinh của Người. Dĩ nhiên là những gì tôi kể lại sau đây là theo chủ quan nhận thức của mình, có thể đúng với người này, không đúng với người khác trong một số chi tiết nhưng với tôi là có sao nói vậy, nhớ đến đâu nói đến đó, mong được chư vị thông cảm.

Đúng là những ngày ấy, "sóng gió bất kỳ" đã ập đến cuộc đời triết gia Trần Đức Thảo. Triết gia bỗng chốc được "phong tặng" danh hiệu mới: Lãnh tụ tinh thần của phong trào Nhân văn Giai phẩm, phản cách mạng một cách nguy hiểm. Chuyện thật là dài dài. Xin tóm lược đôi điều như sau. Bấy giờ, sau khi sai lầm cải cách ruộng đất được thừa nhận và đã có lời nhận lỗi của Đảng và Nhà nước, nhưng tình hình tư tưởng của xã hội ở miền Bắc, đặc biệt là ở Hà Nội và chủ yếu trong giới tri thức, văn nghệ sĩ, đã tỏ ra không yên. Nhiều bức xúc vốn dồn chứa từ nhiều năm trước đã có cơ trỗi dậy. Ngoài xã hội, Giai phẩm mùa Đông (I-1956), Giai phẩm mùa xuân, Giai phẩm mùa thu (10-1956), Nhân văn, Ngôn luận (tờ này đã in nhưng không được phát hành) lần lượt ra đời, chủ yếu là với vai trò của một bộ phận văn nghệ sĩ. Một số giáo sư, giảng viên đại học, tham gia viết bài là: Trương Tửu, Phan Ngọc và Trần Đức Thảo. Đào Duy Anh vừa là người trả lời phỏng vấn của báo Nhân văn vừa là người cho NXB Minh Đức vay tiền in báo Nhân văn. Nguyễn Mạnh Tường thì chuyện lại là ở bài phát biểu tại Mặt trận Tổ quốc Hà Nội. Với giáo sư Trần Đức Thảo, theo chỗ tôi biết, vốn là người rất ít giao du nên cũng chẳng có quan hệ gì với số văn nghệ sĩ làm Nhân văn. Nhưng trước đó, trên Giai phẩm mùa đông, giáo sư đã có bài: "Nội dung xã hội và hình thức tự do". Nhân văn sau khi ra được 2 số, bị báo Nhân dân và một số người lên án thì đã định bỏ cuộc. Nhưng có người nghĩ ra kế lợi dụng uy tín giáo sư Thảo mời viết bài để mà tiếp tục. Do đó, Nhân văn số 3 đã có bài: "Nỗ lực phát triển tự do dân chủ" của giáo sư và Nhân văn ra thêm đến số 5 mới ngừng bản. Riêng trong phạm vi trường Đại học thì có tờ Đất mới do các anh Bùi Quang Đoài (tức nhà văn Thái Vũ hiện nay) Hà Thúc Chỉ (bút danh Thúc Hà, có bài thơ "Chờ con má nhé" được giải nhất trong liên hoan thanh niên thế giới tại Berlin năm 1955), Văn Tâm… đều là sinh viên lớp Văn 3 vừa mới tốt nghiệp được giữ lại làm tập sự trợ lý chủ trì mà khởi đầu không hẳn như báo chí về sau từng nói. Bởi đây có liên quan đến chủ trương của Đảng uỷ nhà trường (lúc này còn chung cho Sư phạm và Tổng hợp). Cụ thể là vào dịp đầu hè 1956 ngay sau khi lớp Văn 3, Sử 3 vừa kết thúc khoá học để ra trường thì thầy Hà Huy Giáp trực tiếp xuống Khu tập thể sinh viên tại Nhà C của Việt Nam học xá (ngày nay thuộc khu trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) phát động cho tự do tư tưởng - dĩ nhiên là với ý muốn để xây dựng nhà trường. Nhưng một không khí gay gắt lên án lãnh đạo Đảng trong nhà trường một cách không bình thường đã diễn ra và tờ Đất mới đã ra đời ngay sau cuộc họp đó để rồi chịu chung số phận với các tờ Nhân văn, Giai phẩm. Sau này, trong một bài viết có nhan đề "Cho tôi nói lại đôi lời", nhà văn Thái Vũ đã thanh minh rằng, ngày đó, làm "Đất mới", các anh không hề có ý gì gọi là chống chế độ, chống Đảng. Chẳng qua chỉ có chuyện ấm ức mà phê phán một số đảng viên lãnh đạo trong trường kể từ ngày còn là Dự bị đại học ở Thanh Hoá.

Trong phạm vi trường đại học, ngoài việc một số thầy giáo viết bài trên Nhân văn , Giai phẩm, ngoài tờ Đất mới, về dư luận cũng đã có chuyện này chuyện khác, mà lúc đầu cũng chưa có gì đặc biệt. Nhưng rồi không khí căng dần lên. ở ngoài trường thì cuộc đấu tranh chống Nhân văn - Giai phẩm đã diễn ra khá quyết liệt. Bấy giờ (8/1957), sau khi tốt nghiệp được giữ lại làm trợ lý cho giáo sư Trần Đức Thảo về bộ môn lịch sử tư tưởng, tôi bắt đầu nghe phong thanh về giáo sư Thảo có chuyện này chuyện khác với lãnh đạo trường nên đã trực tiếp hỏi anh Võ Ất thường trực Đảng uỷ nhà trường sự đánh giá của Đảng uỷ về giáo sư Thảo thì được anh Võ Ất cho biết: "Giáo sư Trần Đức Thảo là một trí thức lớn rất tốt. Có chuyện gì đó, chẳng qua là do cá tính. Anh yên tâm". Và tôi đã yên tâm như thế không chỉ với giáo sư Trần Đức Thảo mà còn là với các giáo sư khác. Nhưng không ngờ, sự việc đã bùng nổ một cách bất ngờ đối với tôi. Chiều hôm đó, tôi nhớ là khoảng  đầu năm 1958, bỗng nhiên trong cuộc họp công đoàn của Khoa Sử không có mặt hai giáo sư Trần Đức Thảo và Đào Duy Anh, nổi lên một không khí lên án giáo sư Thảo một cách vô cùng gay gắt. Tôi nhớ nhất là ý kiến của anh V.H.T. tự giới thiệu là người năm 1951, công tác tại văn phòng Tổng bí thư Trường Chinh, là thành viên ban đón tiếp giáo sư Trần Đức Thảo từ biên giới Việt Trung về an toàn khu để ngay ngày đầu được Thủ tướng Phạm Văn Đồng mời cơm, hôm sau được đưa lên gặp Hồ Chủ tịch và Bác nói: "Chú là một trí thức lớn. Nay chú về nước tham gia kháng chiến, Bác rất mừng. Mong chú đem hết nhiệt tình và tài năng phục vụ kháng chiến thắng lợi.[1] Sau đó thì được bố trí làm việc ở Văn phòng Tổng Bí thư. Câu chuyện của anh V.H.T là muốn nêu cho mọi người thấy Trần Đức Thảo là một người đã được Bác Hồ, Đảng, Nhà nước trọng vọng hết mức như thế nhưng nay thì quay ra chống phá cách mạng. Tối hôm đó, tôi đã kể lại những gì vừa xảy ra hồi chiều về giáo sư Trần Đức Thảo cho chị Nhất (lúc này là vợ của Thầy đã cưới được gần 3 năm) nghe, thì chị nói: "Các anh chị hiểu sai anh Thảo rồi. Anh Thảo không phải người như thế". Sau cuộc lên án giáo sư Trần Đức Thảo của cuộc họp công đoàn Khoa Sử, trên báo Nhân dân, giáo sư Phạm Huy Thông lúc này là Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội có bài vạch tội Trần Đức Thảo từ ngày còn ở Pháp cho đến bây giờ mà tôi nghe phụ giảng Hoàng Thiếu Sơn - người ở cùng phòng với tôi bấy giờ nói lại là: Cụ Chấn Hưng - thân phụ của giáo sư Thông đã trách con: "Tôi không ngờ anh đối xử với bạn anh như thế". Tiếp đó, cuộc đấu tranh chống Nhân văn - Giai phẩm trong hai trường đại học Sư phạm và Tổng hợp đã diễn ra sôi nổi, dĩ nhiên là có lãnh đạo hẳn hoi. Người bị đấu tranh đầu tiên là giáo sư Trương Tửu trong 2 ngày liền. Kế đến, hai giáo sư Đào Duy Anh và Nguyễn Mạnh Tường, mỗi người bị đấu tranh non một ngày. Riêng giáo sư Trần Đức Thảo vì bị đau răng sưng cả má, phát sốt, nên hơn một tháng sau mới bị đấu tranh. Dự đấu tranh, có Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban khoa học Nhà nước Tạ Quang Bửu, Trưởng ban Văn - Sử - Địa Trung ương Trần Huy Liệu, hai Thứ trưởng Hà Huy Giáp, Nguyễn Khánh Toàn cùng nhiều quan chức khác, nhiều giáo sư thuộc các khoa Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội. Đại giảng đường 35 Lê Thánh Tông chật ních người tham dự (cuộc đấu tranh với mấy vị giáo sư khác trước đó thì chỉ ở Hội trường B). Trong những người đấu tranh, có giáo sư, có giảng viên, có trợ lý vốn là học trò giáo sư Thảo. Nội dung phê phán là đủ tội, nhưng nổi lên vẫn là vai trò lãnh tụ tinh thần của nhóm Nhân văn - Giai phẩm và các tội chính là:

- Dám phê phán Trung ương về triết học là duy tân chủ quan, sai tinh thần của Mác, vì đặt quan hệ sản xuất lên trước lực lượng sản xuất.

- Dám phê phán Đảng sau ngày dành được chính quyền đã tạo ra bộ máy quan liêu.

- Dám chê Mao Trạch Đông dốt - chê Mâu thuẫn luận Thực tiễn luận là sai học thuyết Mác.

- Đòi tự do dân chủ một cách vô chính phủ.

Cuộc đấu tranh diễn ra cũng trọn hai ngày. Trước lúc kết thúc, Thứ trưởng Hà Huy Giáp lên diễn đàn nói: Vừa qua, ông Trương Tửu viết thư cho đồng chí Tố Hữu nhưng đồng chí không trả lời. Còn ông Trần Đức Thảo viết thư cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng thì Thủ tướng có bưu thiếp trả lời và yêu cầu Thứ trưởng đọc trước cử toạ. Trong nửa thế kỷ qua, tôi vẫn nhớ không sai là: "Thân ái gửi anh Thảo. Tôi  đã nhận được thư anh. Mong anh nghĩ lại những điều anh em nói. Chúc anh khoẻ mạnh - Phạm Văn Đồng". Tiếp đó, giáo sư Trần Đức Thảo phát biểu mà tôi cũng hy vọng nhớ không sai như sau: "Khi viết các bài báo đó là tôi có suy nghĩ. Nay các vị bảo tôi sai. Tôi sẽ nghĩ lại". Nói xong chỉ chừng ấy thì chắp hai bàn tay giơ lên rồi dang cả hai cánh tay ra và đi xuống chỗ. Tôi tin rằng cử toạ hôm đó không một ai hiểu trong cái cử chỉ cuối cùng đó của giáo sư Trần Đức Thảo có ý gì? Riêng tôi thì hiểu. Bởi trước hôm giáo sư bị kiểm thảo vài ngày, trong một tối, tôi đã lên phòng Thầy và hai thầy trò tâm sự với nhau nhiều chuyện, trong đó Thầy có nói: Mình có nhược điểm không khắc phục được là sống cô độc, ít có khả năng hoà nhập. Ngày còn học trong nước, thấy mấy thằng Tây thuộc địa kém quá. Nghĩ bụng sang Pháp học, may gì gặp được những anh Tây chính quốc giỏi dang. Không ngờ, rồi cũng chán. Do đó, quyết định về nước, tham gia kháng chiến cùng nhân dân mong tìm một sự hoà nhập. Nhưng rồi vẫn thế! Họ bố trí làm việc ở văn phòng ông Trường Chinh, được mấy tháng là chán. Mình xin đi theo văn nghệ quân đội, được ít lâu thì về Ban Văn - Sử - Địa Trung ương. Sống ở đâu, cũng thấy cô độc. Biết vậy là nhược điểm nhưng không bỏ được. Thầy lại nói chuyện ở Việt Nam đang đấu nhau thế này, là do ở Trung Hoa, sau phong trào "Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng" (Bách hoa tề khai, bách gia tề minh) thì đang có phong trào chống phái hữu (Thầy muốn nói bấy giờ nếu Trung Quốc không có phong trào chống phái hữu thì Việt Nam cũng không có phong trào chống Nhân văn - Giai phẩm). Cuối cùng thì Thầy nói: Chuyện đời cứ ít mà xít ra nhiều. Vừa nói vừa làm cái cử chỉ mà hai hôm sau Thầy đã làm lại ở hội trường. Sau cuộc kiểm điểm toé lửa đối với giáo sư Trần Đức Thảo, anh L.K.T vốn là một sinh viên Sử vừa được giữ lại làm trợ lý đã viết bài "Quét sạch những nọc độc của Trần Đức Thảo trong việc giảng dạy triết" đăng Tạp chí Học tập [1958].  Trong cuộc đấu tố này, riêng tôi, theo yêu cầu của tổ chức do bạn H. và anh B, đảng ủy viên truyền đạt (trong lời truyền đạt, anh B còn nói với tôi: cậu phải thấy rằng chuyện ông Thảo không phải là “faute” mà là “crime”), vì đó phải viết bài phê phán Thầy. Bài viết xoay quanh một ý: Thầy từng là thần tượng lớn lao của tôi, vậy mà nay thầy lại nói với tôi là 40% người dân không tin vào Đảng nữa. Thầy muốn tôi cũng không tin vào Đảng. Lời kết bài là “mong thầy nghĩ lại để thầy trò ta mãi mãi vẫn là thầy trò ta”. Đọc xong bài phê phán Thầy, cả hội trường vỗ tay. Có người chúc mừng tôi đã được giải phóng tư tưởng. Sau đó, tôi còn được tổ chức giao việc chuẩn bị đến báo cáo tội trạng của Thầy ở lớp chỉnh huấn của giáo viên cấp Ba toàn miền Bắc tại trường Bổ túc công nông ở Giáp Bát. Thêm nữa, anh TQV cũng yêu cầu tôi góp ý cho bài viết của anh phê phán Thầy để đăng báo theo yêu cầu của lãnh đạo. Phúc may cho tôi là cả hai sự việc này sau không dùng đến. Đúng là bấy giờ, ở tư thế chim sợ làn cong sau ngày cải cách ruộng đất, thiếu bản lĩnh, nên tôi đã để hoàn cảnh đẩy vào tội phản Thầy, tuy chưa đến nỗi tệ mạt như mấy ai đó với Thầy, hoặc với Thầy Trương Tửu trong cuộc đấu tố này, nhưng ở tôi cũng đó là điều phải xấu hổ trong lương tâm hơn nửa thế kỷ nay không dứt.  

Tiếp theo đợt đấu tranh là việc xử lý kỷ luật. Giáo sư Trương Tửu bị khai trừ khỏi ngành. Giáo sư Đào Duy Anh bị đưa sang Ban Văn - Sử - Địa. Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường bị đưa về làm nhân viên Nhà xuất bản Giáo dục. Phụ giảng Phan Ngọc đang là Tổ trưởng ngôn ngữ bị chuyển sang làm phiên dịch. Trợ lý Cao Xuân Hạo cũng bị chuyển làm phiên dịch. Các trợ lý khác: Văn Tâm, Phan Kế Hoành, Hà Thúc Chỉ, Bùi Quang Đoài bị chuyển về phổ thông hoặc cơ quan khác. Một số khác như Phạm Hoàng Gia, Đặng Đức Siêu bị hạ một bậc lương trong dịp xếp lương sau đó vào năm 1960. Riêng giáo sư Trần Đức Thảo, tôi được nghe nói là mấy tháng đầu nhà trường vẫn cho người đưa lương tới nhà nhưng Thầy chối không nhận với lý do: Không làm việc thì không nhận lương. Tiếp sau đó có chuyện Thầy lên nông trường Ba Vì (Sơn Tây) khoảng 3 tháng mà sau này người nói thế này, người nói thế khác. Có người nói là Thầy bị đưa đi lao động cải tạo, nhưng hôm Thầy đi (kể cả ngày về), tôi co chứng kiến. Chỉ thấy có xe còm măng ca đến đón đi, ngoài va ly đựng vật dụng còn khối là sách. Theo chị Nhất nói với tôi thì việc đi này là do chính Thầy yêu cầu, cho đi để giãn thần kinh sau những ngày căng thẳng. Lên nông trường, cũng nghe nói Thầy có dạy tiếng Pháp cho một vài cán bộ và trong một lần vừa thổi cơm vừa đọc sách, vô ý để lửa bốc cháy hết quần áo sách vở của mình, và cháy lây thêm một vài nhà của  nông trường. Do đó mà tổ chức cho đưa Thầy về lại 16Đ ngõ II, Hàng Chuối ngay.

Điều không thể không nói là sau đợt đấu tranh này, quan hệ giữa các thầy bị đấu tranh với mọi người, với các học trò, trong đó có quan hệ giữa thầy Thảo với tôi, coi như phải chấm dứt dù còn ở chung nhà tập thể. Cách đây vài năm, anh Cù Huy Chử cho tôi biết ngày Thầy sống ở Sài Gòn trước khi đi Pháp, có lần Thầy nói với anh: Nguyễn Đình Chú là người ghi bài giảng của Thầy để làm tài liệu học tập cho sinh viên nhiều nhất và tốt nhất nhưng sau cuộc đấu tố, gặp mình mà không chào. Quả có sự thật khốn nạn đó. Hàng ngày vẫn gặp Thầy lên xuống ở cầu thang mà tôi cứ phải cúi mặt xuống không dám chào Thầy vì sợ liên lụy, vì xấu hổ về tội phản Thầy. Chỉ một Đoàn Mai Thi là người duy nhất không sợ gì cả vẫn thường xuyên lui tới săn sóc Thầy trong hoạn nạn, để lại một điểm son về đạo tôn sư trong lòng chúng bạn. Một nhân cách như thế mà đã sớm qua đời! Các bạn trẻ hôm nay, khó lòng mà hình dung nổi cái không khí nặng nề thuở ấy mà chúng tôi đã trải qua. Năm 1960, tôi rời nhà 16Đ ngõ II Hàng Chuối về sống ở Khu tập thể Đại học Sư phạm tại Cầu Giấy. Giáo sư Trần Đức Thảo cũng chuyển nhà tới B6 Khu tập thể Kim Liên để rồi mấy năm sau đó sống một mình vì thầy cô chia tay nhau. Cảnh sống của triết gia Trần Đức Thảo ở Kim Liên ra sao, sau ngày triết gia qua đời, nhà văn Phùng Quán đã kể lại trong một bài viết có nhan đề "Chuyện vui về triết gia Trần Đức Thảo".[2]

Chuyện về triết gia giáo sư Trần Đức Thảo sau ngày từ giã giảng đường đại học nước nhà còn dài, không thể kể hết. Chỉ biết là sau ngày giáo sư qua đời tại Pháp, Sứ quán đưa tro về nước, mặc dù trước đó đã được an táng tại nghĩa trang Père Lachaise ở Paris. Lễ tưởng niệm được tổ chức tại đại giảng đường 35 Lê Thánh Tông nơi ngày trước giáo sư từng gắn bó. Chính phủ tặng Huân chương độc lập hạng II. Mộ hiện chôn ở khu A nghĩa trang Văn Điển. Năm 2000, thì được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh. Báo chí đã giành cho giáo sư nhiều lời tốt đẹp, kể cả những lời cảm thương. Trong đó, đáng chú ý có ý kiến của giáo sư Trần Văn Giàu nói rằng: "Trên đất nước ta, nếu có một người đáng gọi là triết gia, thì đó chính là Trần Đức Thảo. Giàu này chỉ là giáo sư dạy triết học". Đặc biệt, trong tác phẩm "Thầy và bạn" của ông Nguyễn Hoà Bình, vốn là Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Thường vụ Đảng uỷ, người trực tiếp làm các văn bản trong cuộc đấu tranh hồi 1957-1958 tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong bài viết "Nhà thơ Tiếng địch sông Ô" có kể lại chuyện ông được giao trách nhiệm viết báo cáo tường thuật tội trạng của các vị giáo sư bị đấu tranh, viết xong, đưa đến cho Hiệu trưởng Phạm Huy Thông thông qua thì chính con người đã từng viết bài phê phán giáo sư Trần Đức Thảo mà trên kia tôi có nhắc lại đã nói với ông Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Nguyễn Hoà Bình bấy giờ có đoạn như sau: "Bản chất của con người trí thức chân chính là tôn trọng chân lý và rất tự trọng trên con đường chân lý. Chân lý được lĩnh hội bằng tự giác thông qua tinh thần dân chủ đối thoại đã trở thành lối sống của họ. Những người trí thức cụ thể này có cuộc đời của họ, phấn đấu vì chân lý, cũng có nghĩa vì sự nghiệp của dân tộc, của Đảng".[3]

Kính thưa quý vị, chuyện đời của triết gia - giáo sư Trần Đức Thảo những ngày ấy mà tôi kể lại sơ qua là thế. Quý vị nghĩ gì? Riêng tôi, tôi nghĩ: Chuyện đời quá ư khắc nghiệt. Hiểu cho đúng nhau cũng rất khó khăn. Sự khoan dung sẽ giúp làm vơi bớt sự khó khăn, khắc nghiệt đó. Cái bưu thiếp của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi giáo sư Trần Đức Thảo trong những giờ phút éo le, nghiệt ngã kia, đã hé lên chân lý đó. Tiếc rằng, khắc nghiệt vẫn còn khắc nghiệt. Hôm nay, tôi xin nói lên những ý nghĩ này trong sự biết ơn, cảm thương và cũng là tạ lỗi với Thầy tôi - Thầy Trần Đức Thảo vô vàn kính yêu ơi!.

                                         (Bài viết nhân dịp kỷ niệm 90  năm sinh

                                        Giáo sư - Triết  gia Trần Đức Thảo -2007)

 


 

[1] Những dòng được để trong ngoặc kép còn có sau đây chủ yếu là ghi theo trí nhớ, mong được chấp nhận tính tương đối của nó.

[2] Xem: Phùng Quán - ba phút Sự thật - NXB Văn nghệ 2006.

[3] NXB Giáo dục - 2003, tr.25

Nguồn: Viet - studies (31-3-12)

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114514000

Hôm nay

2170

Hôm qua

2303

Tuần này

21937

Tháng này

220873

Tháng qua

121356

Tất cả

114514000