Câu trả lời là: Phải đọc sách. Và phải ứng dụng những điều đọc được trong sách.
Những câu hỏi tiếp theo có thể là : ai là người cần đọc sách ? Cần đọc sách như thế nào ? Do khuôn khổ một bài viết ngắn, chúng tôi sẽ chỉ tập trung vào câu hỏi thứ nhất.
Ai là những người cần phải đọc sách? Câu hỏi có vẻ ngớ ngẩn, vì dường như câu trả lời đã có sẵn: tất cả mọi người. Vậy mà thực ra không ngớ ngẩn tí nào, bởi vì ngày nay có quá ít người đọc sách, và quá ít người đọc những sách cần cho công việc của mình. Ở đây chúng tôi chỉ giới hạn sự khai triển vấn đề ở phạm vi lĩnh vực giáo dục.
Muốn phát triển giáo dục, ai là những người cần đọc sách? Dĩ nhiên, tất cả mọi nhân tố giáo dục đều phải đọc sách: những người quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh sinh viên, gia đình (phụ huynh học sinh).
Bài viết này chỉ tập trung vào nhân tố thứ nhất trong toàn bộ danh sách vừa nêu. Chúng tôi sẽ đề cập tới những tác nhân khác của giáo dục trong vấn đề đọc sách ở một dịp khác.
Vì sao các nhà quản lý giáo dục cần phải đọc sách?
Chúng tôi sẽ đi lòng vòng một chút trước khi trả lời câu hỏi.
Việt Nam hiện đang khủng hoảng trên nhiều phương diện, không ai có thể phủ nhận điều đó, nhưng bài viết này không nhằm trình bày các khủng hoảng. Để giải quyết các khủng hoảng đó, vấn đề của Việt Nam là, trong bộ máy quản lý và lãnh đạo các cấp cần có những người hiểu một số điều căn bản, nền tảng, mà thiếu chúng thì sẽ không có những chuyện khác, sẽ không có các giải pháp cũng như các chương trình phát triển hiệu quả. Việt Nam cần có những người lãnh đạo hiểu rằng quyền lợi của họ gắn với lợi ích của tổ quốc, của dân tộc. Cần có những người hiểu rằng sự thành công của họ phụ thuộc vào sự phát triển của đất nước, phụ thuộc vào sự thịnh vượng và hạnh phúc của toàn thể nhân dân, chứ không phải chỉ của một bộ phận nhỏ đặc quyền đặc lợi. Việt Nam ngày nay cần có những người lãnh đạo hiểu rằng hình ảnh của quốc gia chính là hình ảnh của họ, hình ảnh của nhân dân cũng chính là hình ảnh của họ. Vinh và nhục của đất nước chính là vinh và nhục của họ.
Việt Nam cần có những người lãnh đạo ở các cấp hiểu rằng: uy tín của họ gắn với uy tín của đơn vị, của quốc gia. Và uy tín của đơn vị hay của quốc gia tuyệt đối không đồng nhất với túi tiền cá nhân. Dù cho họ có là những người giàu nhất thế giới đi chăng nữa, nhưng nếu đa số nhân dân lầm than, đất nước lụn bại, thì xét về mặt chính trị và xét ở cương vị lãnh đạo, họ không thể được coi là những người thành công, mà thực chất đấy là sự thất bại thảm hại của họ trên chính trường. Họ có là những người giàu nhất thế giới nhưng người dân của họ đến củ sắn cũng không có mà ăn thì thành tựu của họ về mặt phát triển cũng chỉ được đánh giá bằng những củ sắn thiếu đó. Họ có là những người giàu nhất thế giới mà đất nước bị xếp vào hạng các nước nghèo nhất, thì họ cũng chỉ là đại diện cho một dân tộc nghèo hèn mà thôi. Và trên cương vị lãnh đạo, họ phải chịu trách nhiệm vì đã để cho quốc gia lâm vào tình trạng tồi tệ ấy. Khủng hoảng của đất nước chính là khủng hoảng của lãnh đạo, chính là biểu hiện của sự bất lực và thất bại của giới lãnh đạo trong công việc quản lý và điều hành quốc gia.
Việt Nam cần có những người lãnh đạo hiểu rằng sự thành công trong sự nghiệp chính trị, hay sự thành công trong vai trò lãnh đạo không phải ở chỗ dành được một cái ghế nào đó, mà là ở chỗ: khi ngồi trên cái ghế đó họ làm được những gì để ghi lại dấu ấn của họ, để ghi lại giá trị của họ, để giúp cho sự phát triển của khu vực mà họ điều hành. Việt Nam cần có các nhà lãnh đạo biết sử dụng quyền lực để tạo ra sự phát triển thay vì bị quyền lực điều khiển và dẫn tới kìm hãm xã hội. Chúng ta cần những nhà lãnh đạo ý thức được điều mà John F. Kennedy, một trong những người từng đứng đầu nước Mỹ, nói tới trong bài diễn văn tưởng nhớ nhà thơ Robert Frost, ở đại học Amherst, Massachusetts, ngày 27/10/1963: “liệu chúng ta sử dụng quyền lực hay quyền lực sai khiến chúng ta”. Đấy chính là lý do để vị tổng thống này đánh giá cao thơ ca và nghệ thuật. Cũng trong bài diễn văn đó ông nói: “Khi quyền lực đưa con người đến sự ngạo mạn, thơ lại nhắc nhở con người hãy nên hạn chế. Khi quyền lực thu hẹp các lĩnh vực quan tâm của con người, thơ lại nhắc nhở con người về sự đa dạng và đẹp đẽ của sinh tồn. Khi quyền lực bị mua chuộc, thơ làm cho tinh khiết”. J. Kennedy, trong tư cách là người đứng đầu đất nước, hiểu rõ rằng người lãnh đạo là người biết sử dụng quyền lực để tạo ra sức mạnh cho quốc gia, tạo ra sự vĩ đại cho quốc gia. Các thành tựu mà ngày nay Hoa Kỳ có được, một phần quan trọng là nhờ ý thức và tinh thần trên đây được tiếp nối qua các thế hệ lãnh đạo của đất nước này.
Một vị tổng thống khác cũng đánh giá cao thơ ca và nghệ thuật, người đã lãnh đạo không chỉ bằng cách làm gương, mà còn bằng cách truyền cảm hứng cho người dân của mình, khiến họ làm được điều tốt hơn là họ nghĩ, khiến họ có thể vượt lên trên cả kỳ vọng của chính họ, đấy là điều, trong một trường hợp cụ thể, đã giúp đội bóng rugby của Nam Phi giành cúp vô địch thế giới năm 1995. Vị tổng thống ấy hiểu rằng: “Nếu tôi không chịu thay đổi khi hoàn cảnh đòi hỏi thì làm sao tôi có thể yêu cầu mọi người điều đó.” Ông ấy là Nelson Mandela.
Ở tất cả các Bộ, ngành của Việt Nam hiện nay cần có những lãnh đạo như vậy. Giáo dục không phải là ngoại lệ.
Ngoài ra, ngành giáo dục cần có những người lãnh đạo hiểu rằng: sự phát triển của giáo dục không đồng nhất với số trường lớp được mở ra, thành tích của giáo dục không đồng nhất với điểm số hay danh hiệu được cấp cho học sinh sinh viên (tiên tiến, giỏi, xuất sắc, giấy khen, bằng khen…), cũng không đồng nhất với số lượng học vị hay học hàm của giáo viên (tiến sĩ, PGS, GS…); chẳng có gì dễ ban phát hơn mấy thứ đó.
Giáo dục Việt Nam cần có những nhà lãnh đạo hiểu rằng, thành tích của nền giáo dục không phải là những khẩu hiệu suông dán trên tường hay những văn kiện có thể được học sinh học thuộc lòng như vẹt nhưng không được thực hiện trong đời sống thực. Xây dựng thành tích theo kiểu đó là một trong những nguyên nhân hủy hoại nhân tính, tàn phá năng lực trí tuệ, bởi vì nó tập cho học sinh quen với sự giả dối, biến giả dối thành một tính cách tập thể. Và đó chính là nền tảng dẫn tới mọi thói hư tật xấu khác: vô cảm, vô nhân đạo, độc ác… Sự băng hoại của xã hội là tất yếu khi mà nền giáo dục tạo ra những con người như vậy.
Giáo dục Việt Nam cần có những nhà lãnh đạo hiểu rằng, chỉ có thành tích khi thực sự đào tạo được những con người phát triển về trí tuệ, có nhân phẩm và đạo đức, mạnh mẽ trong tính cách, tự lập, tự chủ, có khả năng và kỹ năng thực hiện những công việc lao động phù hợp với năng lực của mình để tạo ra sản phẩm vật chất và tinh thần cho xã hội, có khả năng xây dựng một xã hội phát triển trong đó mình có thể sống hạnh phúc cùng với những người khác trong sự bao dung, lòng trắc ẩn, vị tha và với ý thức hướng thiện, hướng tới cái đẹp. Thành tích của giáo dục biểu hiện ở chỗ nó đào tạo được những con người có khả năng giải quyết các vấn đề của cá nhân, của quốc gia, và cao hơn, của nhân loại, có khả năng phát triển nền kinh tế, có khả năng tạo ra các giá trị văn hóa, giá trị tinh thần, có khả năng thiết lập một thể chế pháp luật hợp lý, đảm bảo công lý, công bằng cho tất cả mọi người, và vì thế mà đưa lại an sinh và hạnh phúc cho xã hội.
Giáo dục Việt Nam cần có những người lãnh đạo hiểu rõ các dụng cũng như tác hại của mỗi chương trình được đưa ra. Vì thế họ cần hiểu rằng phải tiến hành nghiên cứu rất cẩn thận các điều kiện để thực hiện chương trình cũng dự phải dự đoán trước những hậu quả có thể xẩy ra trong tương lai gần và tương lai xa. Không thể đưa ra các chương trình một cách tùy tiện để rồi nhận chỉ trích của xã hội. Lại càng không thể bất chấp các chỉ trích, các phân tích lợi hại, các dự đoán về hậu quả, khăng khăng tiến hành chương trình, chỉ vì nó đã được quyết định, dù là quyết định trong vội vã và thiếu suy xét.
Sự khủng hoảng của Việt Nam hiện nay phần nào phản ánh sự bất lực của giáo dục Việt Nam, khi nó không đào tạo được những người có khả năng giải quyết tốt các vấn đề của quốc gia.[1] Giáo dục Việt Nam cần có các nhà lãnh đạo ý thức một cách sâu sắc về điều đó, dám thừa nhận và dối diện với thực trạng, dám nhìn nhận việc thành tích bị đồng nhất với danh hiệu và điểm số thực chất là một căn bệnh hiểm nghèo cần phải chữa trị, trước khi nó kịp trở thành một khối u ác tính và di căn cho tất cả các thế hệ, dám đối diện với những sự thật khác mà càng ngày càng không có cách nào giấu kín được. Trong một báo cáo về giáo dục Việt Nam, có tựa đề “Nhìn xa hơn các trường đại học đỉnh cao: hướng tới một cách tiếp cận hệ thống đối với cái cách giáo dục đại học ở Việt Nam”, các tác giả Ben Wilkinson (Trường Kennedy, đại học Harvard) và Laura Chirot (trường New School) đã cảnh báo: “Tình trạng hiện nay của giáo dục đại học và khoa học biểu hiện một nguy cơ nghiêm trọng đối với tương lai kinh tế Việt Nam”[2]. Lời cảnh báo này được đưa ra vào tháng 6/2010, và cái nguy cơ nghiêm trọng đối với kinh tế Việt Nam chẳng cần phải đợi một tương lai xa xôi để được kiểm chứng, nó diễn ra ngay sau đó một năm, 2011 với 49.000 doanh nghiệp bị phá sản[3]; và tại thời điểm này, giá vẫn tăng với tốc độ mà người dân bình thường ở thành phố không hiểu làm sao mình vẫn còn trụ được trong cơn bão lốc này. Còn những cảnh đói nghèo, thiếu ăn, diễn ra với nông dân ở các vùng quê thì báo chí đã nói nhiều. Vấn đề có thể là ở chỗ: những người làm việc trong hệ thống giáo dục, từ giảng viên cho đến cán bộ quản lý và lãnh đạo các cấp, không nhận thấy hoặc không thừa nhận cái nguy cơ mà các nhà khoa học Mỹ cảnh báo, không thấy được mối liên hệ giữa sự tồi tệ của chất lượng giáo dục và sự suy thoái của nền kinh tế. Và tình hình sẽ tệ hơn nếu họ thấy được, hiểu được mối liên hệ đó nhưng họ không quan tâm, và cho rằng đấy không phải là việc của họ, không thuộc trách nhiệm của họ. Dù sao thì họ luôn có những lí do (đúng hơn là lí cớ) để chối bỏ trách nhiệm, tuy nhiên vấn đề này quá phức tạp để có thể được đề cập tới trong bài viết nhỏ này. Một cách vắn tắt, có thể nêu một câu hỏi ngắn gọn: nếu không ai chịu trách nhiệm về bất cứ điều gì, nếu không có cơ chế chịu trách nhiệm, thì điều gì sẽ xảy ra khi “chất lượng công việc” (ở mọi lĩnh vực) chỉ là một tử ngữ nằm chết gí trong từ điển mà thôi?
Để cho nền giáo dục này không tiếp tục bị tàn phá, để cho nền giáo dục này có thể được xây dựng lại, cần có các nhà quản lý giáo dục coi giáo dục là một sự nghiệp, và hiểu rõ cần phải làm gì để gây dựng sự nghiệp đó.
Các vấn nạn hiện nay của giáo dục đòi hỏi một phong trào cải cách sâu rộng. Điều đó chỉ có thể diễn ra nếu ý thức cải cách được khởi sự từ những người quản lý, và từ những người quản lý ở cấp cao nhất trong hệ thống giáo dục, hoặc trong hệ thống lãnh đạo quốc gia. Việc đề ra và thực hiện các chương trình cải cách lại càng đòi hỏi vai trò và vị trí của các nhà lãnh đạo giáo dục. Các giáo viên đứng lớp hay các công dân trong xã hội có thể đưa ra các phân tích và các ý tưởng cũng như gợi ý về các phương pháp và cách thức, nhưng để kiến thiết thành một hay nhiều chương trình và nhân chúng lên thành diện rộng thì chỉ có các nhà lãnh đạo giáo dục mới có đủ điều kiện để làm được.
Sự hình thành ý thức và kiến thức về giáo dục và quản trị giáo dục chỉ có thể có được khi các nhà quản lý chịu học hỏi. Một trong những cách chịu học là chịu đọc sách, chịu đọc, nếu muốn nói một cách khái quát hơn. Đọc là một cách học nhanh nhất và tiết kiệm nhất, trong bối cảnh hiện nay.
Dĩ nhiên sách không đem lại tất cả mọi câu trả lời. Nhưng sách cho ta biết người khác đã nghĩ gì làm gì để có thể thành công, hay thậm chí thất bại. Từ đó mà suy nghĩ về chính thực tế của mình, và để có thể hành động một cách hiệu quả.
Việc đọc sách, đối với những người lãnh đạo giáo dục các cấp, càng trở nên cần thiết hơn, khi sự tuột dốc của giáo dục để lại những hậu họa khôn lường mà có thể chúng ta chưa nhận thức được một cách đầy đủ. Tình thế toàn cầu hóa khiến cho các nước không thể tự cô lập mà còn có thể giữ được sự yên ổn. Còn một khi đã tham gia vào cục diện chung, nếu nền giáo dục không đào tạo được những con người đủ năng lực đưa đất nước tới sự hội nhập, đủ phẩm chất để chinh phục và được công nhận ở đẳng cấp quốc tế, thì sự tụt hậu rất có thể kéo theo sự lệ thuộc, kéo theo sự nô lệ dưới nhiều hình thức: nô lệ về văn hóa, về kinh tế, về chính trị… Rõ ràng, ở tình thế hiện tại, muốn cải cách giáo dục hay muốn tạo bước đột phá cho giáo dục, thì không còn có thể lãnh đạo theo quán tính, theo định kiến, theo những kinh nghiệm và thói quen đã trở nên lỗi thời hay thậm chí mang tính chất kìm hãm. Cần phải có những phương pháp khoa học và hiệu quả trong quản trị giáo dục. Những ai coi giáo dục là sự nghiệp (chứ không phải chỉ là một phương tiện để mở rộng túi tiền cá nhân) và hiểu được ý nghĩa của giáo dục đối với sự phát triển, đều thấy rằng cải cách quản lý giáo dục, thay đổi quan niệm về giáo dục, là yêu cấp bách, yêu cầu số một, nếu muốn hãm đà tuột dốc của nền giáo dục này và đưa nó ra khỏi cái vực thẳm suy thoái hiện nay.
Sẽ không phải là cường điệu khi nói rằng sự sống còn của nền giáo dục này phụ thuộc vào việc các nhà quản lý giáo dục có chịu học, có muốn đọc sách, có chịu bỏ thời gian đọc sách hay không, có khả năng chọn sách để đọc và xử lý được thông tin trong sách hay không; và cũng phụ thuộc vào việc hàng ngũ quản lý có chấp nhận hay không những người có năng lực lãnh đạo, chịu khó đọc sách và có khả năng biến kiến thức sách vở thành hiệu quả thực tế.
.......................................................................................................................
[1] Còn khi nếu có những người có khả năng giải quyết các vấn đề quốc gia mà quốc gia không chịu sử dụng thì đó lại là chuyện khác. Trong trường hợp này các nhà quản lý và lãnh đạo các cấp phải chịu trách nhiệm.
[2] Câu này nằm trong đoạn đầy đủ hơn sau đây: “Theo những tiêu chuẩn đo lường về chất lượng trường đại học, chẳng hạn như công bố khoa học của giảng viên cơ hữu trên các tạp chí có bình duyệt quốc tế và theo các bảng xếp hạng quốc tế, Việt Nam không có trường nào có chất lượng được quốc tế công nhận. Giảng viên ở các trường đại học nghiên cứu hàng đầu Việt Nam có số lượng các công trình khoa học được công bố ít hơn nhiều so với đồng nghiệp trong vùng ; hiện tượng thiếu kết quả nghiên cứu này cho thấy các nhà khoa học Việt Nam không theo kịp với những phát triển trong lĩnh vực chuyên môn của họ. Các nhà khoa học và học giả lo ngại rằng chất lượng giảng dạy không được cải thiện và ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Ngày càng nhiều sinh viên rời bỏ các trường đại học trong nước để đi học ở nước ngoài. Báo chí cho thấy tham nhũng học thuật đang hoành hành, nhất là trong các chương trình đào tạo sau đại học và tại chức. Tình trạng hiện nay của giáo dục đại học và khoa học biểu hiện một nguy cơ nghiêm trọng đối với tương lai của kinh tế Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài, như Intel chẳng hạn, đã coi sự thiếu hụt nguồn vốn con người như một rào cản cơ bản cho sự mở rộng hoạt động của họ ở Việt Nam ». (Trích theo bản dịch tiếng Việt « Nhìn xa hơn các trường đại học đỉnh cao : hướng tới một cách tiếp cận hệ thống đối với cải cách giáo dục đại học ở Việt Nam », với sự cho phép của người dịch, TS. Phạm Thị Ly. Có thể tham khảo bản tiếng Anh trên website của Đại học Harvard)
[3] Xem thông tin tại : http://vef.vn/2011-10-14-dang-sau-su-pha-san-cua-49-000-doanh-nghiep