Cuộc sống quanh ta

Ông Hà Văn Thịnh đại ngôn rồi!

VHNA: Ngày 22.4.2012, VHNA có đăng bài của Hà Văn Thịnh bàn về một ý kiến  phát biểu của một đại biểu tại lễ kỉ niệm 55 thành lập khoa văn Đại học khoa học Huế. Chúng tôi  được biết ông Nguyễn Thế Thịnh cũng có một bài viết về câu chuyện này (ở đây). 

Để bạn đọc có cái nhìn khác hơn, chúng tôi đăng bài của tác giả Tú Mài gửi trao đổi về bài Bí thư tỉnh ủy Khánh Hòa "dạy khôn" ở Đại học khoa học Huế của Hà Văn Thịnh  đăng trên Văn hóa Nghệ An (ở đây).

Tôi là cựu sinh viên khoa Văn, trực tiếp dự Lễ kỷ niệm 55 xây dựng và phát triển của Khoa, ngồi từ đầu đến cuối buổi lễ tại Trung tâm văn hóa thông tin Tỉnh. Buổi Lễ nhanh, gọn, xúc động và hào hứng. Những người phát biểu hôm đó đều tránh được kiểu hành chính máy móc, khuôn sáo, ngược lại mỗi người trình bày một suy nghĩ riêng, một cách nói riêng, rất ấn tượng. Tôi không cảm nhận ý tưởng của Ông Lê Thanh Quang như ông Hà Văn Thịnh. Khi đọc bài viết của ông Thịnh trên báo Văn hóa Nghệ An, tôi thấy ông Thịnh đã vi phạm ba điều cơ bản:

Thứ nhất, ông Thịnh không dự trực tiếp buổi Lễ sao có thể trích dẫn ý của người ta trong ngoặc kép (tôi tin chắc ông Thịnh không có băng ghi âm). Do vậy, những trích dẫn trong ngoặc kép của ông Thịnh không có gì chính xác. Là người cầm bút, ông Thịnh đã vi phạm một nguyên tắc cơ bản.

Thứ hai, từ chỗ trích dẫn không chính xác, ông Thịnh suy diễn tùy tiện, chủ quan, cho nên không tránh khỏi hàm hồ, quy kết người khác bằng những đại ngôn. Đó là điều tối kỵ.

Thứ ba, ngay từ đầu bài viết ông dẫn chuyện khoa Văn hí hửng vì có nhiều người thành đạt về dự Hội Khoa, đoạn sau lại móc nối ý kiến của ông Quang để hàm ý chê thầy trò khoa Văn. Đó cũng là điều tối kỵ.  

Bây giờ, tôi xin lấy cái cái sự hiểu biết non cạn của mình để giải mã cái ý tưởng trong câu chuyện ngụ ngôn hiện đại của ông Quang. Câu chuyện do ông Quang kể như sau: Có một ông thầy dạy học trò, nói mãi mà học trò vẫn không hiểu, thầy mới hỏi: - Sao thầy dạy mãi mà em vẫn không hiểu. Ngày xưa thầy của thầy chỉ nói một lần là thầy đã hiểu. Cậu học trò sau một hồi suy nghĩ mới thưa rằng: - Thưa thầy, thầy may mắn hơn em là ngày xưa thầy được học thầy giỏi.

Câu chuyện này, theo tôi hiểu, có mấy ý tưởng như sau:

  1. Người thầy giỏi thì phải có năng lực sư phạm giỏi;
  2. Người học bao giờ cũng muốn mình được học với những ông thầy giỏi;
  3. Muốn có trò giỏi thì phải có thầy giỏi.

Cuối cùng tôi xin nhắc ông Thịnh lời khuyên của các vị tiền nhân: khi giận không nên cầm bút./.

                                                                                            

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513993

Hôm nay

2163

Hôm qua

2303

Tuần này

21930

Tháng này

220866

Tháng qua

121356

Tất cả

114513993