Cuộc sống quanh ta

Trao đổi với ông “Tái Mù” và vài người nữa…

Sau khi tôi viết bài phê phán chuyện một cựu sinh viên “dạy khôn” quá trớn khi về thăm trường cũ, có một số người muốn “trị” tôi – tức là bảo vệ cựu SV Quang.

Tôi định không bàn nữa vì dù sao đó cũng là chuyện không hay ho gì, nếu không nói là đáng để đau lòng, nhưng nếu không nói, nói mà ẩn danh thì chỉ là “lòng dũng cảm ở nơi xa” theo cách định vị của câu ngạn ngữ của người da đỏ Bắc Mỹ. Hơn nữa, Văn hóa Nghệ An sợ đứng mũi chịu sào, thành thử tôi đành phải dựa vào cái hơi liều để ném đá qua về cho đời vui hơn…

1. Trước hết, tôi nghĩ và tin rằng ông Tú Mài là người rất sâu sắc, nếu không ông chẳng đề bút danh Tú Mài tức Tái Mù theo cách nói lái của người xứ Nghệ. Tái mù về mặt cơ học – tức là tiến tới mù lòa về kỹ thuật hay tái mù về mặt văn hóa, tức là trở về với mù chữ, tôi không phân định được. Nhưng, thường thì ai dám nhận như thế, đều là người khôn ngoan, xác đáng.

Ông Tái Mù (tôi xin gọi nôm na thế cho gần và tiện theo cách nói của quê tôi) đúng ở chỗ nói rằng tôi đã viết trong cơn nóng giận. Vâng, rất giận. Không ai có quyền phỉ báng thầy cô trường cũ bằng những ẩn dụ tăm tối. Hãy đọc blog của Nguyễn Thế Thịnh sẽ thấy ông cựu SV Quang: “quay lưng lại và đi loẹt quẹt” (đại ý). Sự hợm hĩnh và coi thường, ta đây là cực rõ. Tôi có thể sai về chi tiết, về cái ngoặc kép như ông nói nhưng về cơ bản là tôi đã chuyển tải đúng bản chất của vấn đề. Tại sao là một lãnh đạo mà ông Quang không hiểu rằng ngày xưa tuyển ít vì dân số ít, dân trí thấp; ngày nay dân số tăng gấp đôi thì tuyển đầu vào nhiều là lẽ đương nhiên? Chẳng có cơ sở nào để nói sinh viên thời nay ngu dốt hơn ngày xưa. Theo tôi biết chắc chắn, thế hệ trẻ bây giờ giỏi và sâu sắc lắm. Nếu họ không giỏi hơn thì chẳng khác gì nói đất nước đang lụi tàn. Hay ông cựu SV muốn ám chỉ là “Hãy để cho ngày hôm nay lụi tàn” (Let’s The Day Perish), như tên của một cuốn sách của nhà văn Mỹ nổi tiếng?

2. Ông cựu SV Quang không chỉ xử sự không đúng với giảng viên trong trường khi "dạy khôn" mà còn không phải với nhiều người đã chết. Theo số liệu tôi có, khoa Văn Đại học Tổng hợp Huế có tỷ lệ cán bộ, sinh viên hưởng dương nhiều nhất trường. Những người đó, công lao của họ như thầy Hồ Tấn Trai, thầy Nguyễn Đình Thảng, thầy Lê Xuân Việt, thầy Tạ Đình Nam, cô Phan Hồng Minh, không còn sống trên cõi đời này. Một khoa có vài chục cán bộ mà chết sớm đến 5 người là tỷ lệ rất cao, rất đỗi xót xa. Đó là chưa kể thầy Vương Hữu Lễ, PGS đầu tiên của Đại học Tổng hợp Huế bị tai biến mạch máu não (coi như “chết” về khoa học) là một trong những người tôi hết sức kinh trọng bởi trí tuệ mẫn tiệp. Không hiểu khi cựu SV về vui chơi, kỷ niệm, có dành ra ít phút để tưởng niệm những người đó không? Một người nữa vô cùng bức xúc về chuyện này là thầy Phan Đăng – hai lần đến Harvard nghiên cứu, giảng dạy. Sáng 23.4, thầy Phan Đăng nói đi nói lại với tôi rằng đó là cái tát vào cả nền giáo dục đại học. Tôi đính chính, rằng không phải, chỉ trường ta thôi. Thầy Đăng nói tôi dốt nát, chẳng hiểu chi cái thâm thúy và cùng tận của cuộc đời(!) Thầy Đăng đã nhắc đi nhắc lại 3 lần ý kiến trên. Nói nôm na là thầy Đăng chê tôi dốt, chậm hiểu. Nói chính xác như cựu SV Quang: Thầy kém quá nên nói tôi không hiểu, nếu gặp thầy giỏi hơn thầy Đăng thì tôi đã hiểu lâu rồi(!) Có đúng vậy không cà? Câu chuyện trên có thầy giáo khoa Văn là Nguyễn Hồng Dũng và các thầy giáo khoa khác chứng kiến.

 3. Một số người cho rằng cựu SV Quang là người hiếm có thời nay, là thẳng thắn, là chính trực… Tôi không hề tin bởi đó là sự công kênh quá tức cười. Hãy lên Google, thử bấm coi: Một trong 10 tỉnh đứng đầu về nhiều sự lùm xùm tai tiếng, làm báo chí tốn nhiều giấy mực nhất trong mấy năm qua. Có cần tôi kể về những vụ việc động trời như Rusalka, (SGGP ngày 4.5.2006 cho biết ít nhất có 13 quan chức liên quan), cảng Vân Phong thiệt hại 160 triệu USD/năm (Toàn cảnh Biển, 13.11.2011); chuyện cáp treo bất chấp đường vô cảng, phá miếu thờ chữ nghĩa để xây trụ sở…, mà ai cũng biết không? Chẳng lẽ cán bộ lãnh đạo chẳng có chút trách nhiệm nào sao?

Đó là tôi chưa kể đến chuyện ông cựu SV thậm sai về logic: Ông cứ ngỡ ông là người thành đạt(!). Cha mẹ ơi, ông ta chỉ thành đạt về đường quan lộ, còn là người thất bại về văn chương – bởi theo tôi biết, ông ta chẳng có gì nhiều cho tôi và những người khác đọc. Chuyện đời không được phép nhầm lẫn. Thành đạt của KHOA VĂN phải hiểu theo nghĩa là những gì thuộc văn chương. Còn chuyện khác thì chỉ liên quan đến cái éo le, phức tạp của đời mà thôi…

Tôi còn muốn tranh luận thêm nữa nhưng không có thì giờ. Đành phải nhắc ông rằng: Một đồng liêu là Nguyễn Thế Thịnh mà còn bức xúc như thế (tôi không đủ khả năng để mềm mỏng, vừa phải như NTT) thì câu chuyện là rất đáng buồn. Ông nghĩ sao khi cả 4 người (cha, mẹ, hai con) trong gia đình NTT đều là cựu SV và đương kim SV của khoa Văn mà vẫn phải nói? Những cái gọi là sai của tôi chỉ là vấn đề kỹ thuật bởi tôi luôn không biết cách nhẹ nhàng. Tôi sẽ không tranh luận tiếp trừ phi có tên thật, địa chỉ thật của Tú Mài – Tái Mù, tôi muốn thấy lòng dũng cảm ở rất gần…

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513998

Hôm nay

2168

Hôm qua

2303

Tuần này

21935

Tháng này

220871

Tháng qua

121356

Tất cả

114513998