Cuộc sống quanh ta

Khúc thương ca cho quê nhà

Còn nhớ, năm ngoái năm kia gì đó, mình có một người quen về hưu với hàm ngang chức Thứ trưởng. Ông này muốn cùng vài người bạn có “money” muốn đầu tư Nhà dưỡng lão cao cấp ở Văn Giang. Ông ấy gọi mình nhờ liên hệ với lãnh đạo huyện.

Vì là người con của quê hương nên mình xăng xái làm, huyện cũng xăng xái đón. Đoàn về, lãnh đạo huyện tiếp đãi ân cần, cho biết đất đai huyện này còn nhiều, có thể làm ở địa điểm này địa điểm kia. Trưa, huyện đãi cơm, cho túi bánh tẻ “răng bừa” làm quà và hy vọng, chờ đợi…Thế rồi “đoàn đầu tư” đi từ đấy cũng bặt vô âm tín luôn. Đồng nghĩa với việc dự án “ngoẻo”. Mình cũng hơi ngượng với lãnh đạo huyện nên từ đó cũng chả dám giao tiếp . Xong, nghĩ lại thấy cũng là may. Nếu dự án đó mà thành công, họ đền bù rẻ như ở ECOPARK ( theo báo mạng là 100.000đ/mét vuông- một sào 360 mét được 36 triệu bạc) thì mình cũng chết. Công chả thấy đâu lại mang tội với bà con quê mình.

Theo mình biết, không chỉ Văn Giang, Hưng Yên mà ở nơi nào, tỉnh nào cũng đều KHÁT dự án. Nơi nào cũng nghĩ rằng cần phải CNH-HĐH tỉnh mình, huyện mình…muốn vậy phải có dự án Khu CN này, Nhà máy kia…Khu sinh thái nọ…tất cả phải mọc lên thì không khí tỉnh mình, huyện mình mới” hoành tráng” bà con mới được đổi đời. Không ít nhà lãnh đạo Tỉnh, lãnh đạo Huyện vẽ ra trên bản đồ tỉnh, bản đồ huyện mình những dự án cực kỳ lãng mạn. Muốn có nó phải chạy đôn chạy đáo, phải mở rộng” cần ăng ten” quen biết, mời mọc, đãi đằng, quà cáp đặng chèo kéo được cho quê mình những dự án tiền tỷ. Và ECOPARK cũng là một trong những dự án được Tỉnh, Huyện hồ hởi chào đón  như vậy. Xuất phát từ thiện ý tốt, muốn làm lợi cho quê mình, nước mình nhưng…rõ ràng là còn trớ trêu nhiều nỗi.

Nói chung, nhiều địa phương đã bỏ sức, bỏ công đi cắm rất nhiều cái cần câu may lắm mới có một con cá giật giật . Thế là bắt tay với nhà đầu tư san san ủi ủi…Không ít dự án ma hay dự án “ nằm đắp chiếu” bao nhiêu năm nay vì sự cả tin một cách” hồn nhiên” như thế. Nhà đầu tư lòng tham có thừa nhưng vốn và tình thì lại thiếu. Và nhà đầu tư nào thì cũng chỉ muốn mua rẻ như cho để “ một vốn mười lời” chứ không dưng họ bỏ tiền bỏ công ra chỉ để phục vụ…CNXH chắc?

Chính vì đền bù rẻ mạt nên dân bức xúc mới đi kêu với Chính quyền các cấp. Chính quyền các cấp đều biết là quá rẻ, biết là dân của mình thiệt thòi nhưng Chính quyền cũng không thể lấy Ngân sách ra để” đền bù giúp” cho Nhà đầu tư. Thay vì Chính quyền đứng ra làm vị trọng tài công minh để Nhà đầu tư thỏa thuận đền bù cho dân của mình sát giá thị trường như luật pháp đã qui định thì lại không làm hay là ...“không làm được !”(Vì lý do gì có mà trời hiểu!). Mà, giả như có được đền bù như ý thì cũng chả còn đất để sinh nhai. Hàng trăm hộ dân sau một hai năm khi đã tiêu hết số tiền kia họ sẽ  sống bằng gì? Đây là vấn đề không phải nhỏ cần được tính đến. Vì thế nỗi bức xúc, lo lắng của người dân không chỉ còn là đất đai đơn thuần đắt rẻ nữa mà cao hơn, sâu xa hơn, đó là nỗi lo của sự sống còn.

Cứ luẩn quẩn thế đâm ra khiếu kiện liên miên. Chính quyền là của dân- phải bảo vệ quyền lợi cho dân thì hai bên lại phải giáp mặt nhau, đối đầu ( nghĩa đen) nhau . Hàng ngàn người dân dàn hàng ngang" nhìn" hàng mấy trăm cảnh sát – đều là con em mình - có lá chắn và lựu đạn cay cũng đang đứng "nhìn" mình. Còn nhà đầu tư- nhân vật chính của vụ việc cần đứng ra giải quyết, cần hứa hẹn đền bù, tìm cách tháo gỡ thì hình như chỉ ngồi đâu đó  quan sát!

Dù sao thì mình cũng chỉ biết lạy Giời,  đừng để xảy ra chuyện gì với người dân quê mình. Chính quyền quê mình cũng đủ khôn ngoan chắc sẽ không làm điều gì để nhân dân oán trách, xã hội phê phán như vụ ở Tiên Lãng. ( Và đây, Tuổi trẻ hôm nay 25-4 đưa tin" tạm giữ 20 người có hành vi chống đối" và " không có cán bộ chiến sĩ công an nào cũng như người dân bị thương"!!)

Văn Giang quê mình vốn là đất nho nhã, trọng tình nghĩa và đạo hiếu. Vùng đất này các cụ từ xa xưa đã đặt những cái tên cực hay: Xuân Quan, Cửu Cao, Liên Nghĩa, Thắng Lợi, Mễ Sở v..v… Đó là tên những xã văn hiến nằm dọc theo chiều dài của khúc đê sông Hồng – mảnh đất địa đầu của tỉnh Hưng Yên tiếp giáp, liền kề với Thủ đô Hà Nội.…Mình ở Mễ Sở- cuối huyện, cách  dự án ECOPARK khoảng 15- 20 cây số. Xã nhà mình giáp với xã Bình Minh của Huyện Khoái Châu- quê anh Giang Minh Sài ( nhà văn Lê Lựu). Ông nhà văn đàn anh này vài năm nay bị tai biến, ốm đau chứ không thì biết đâu Tỉnh cũng ” lôi” về và biết đâu ông cũng sẽ có mặt ở những điểm nóng như thế này  . Nhà văn Lê Lựu là người rất có duyên, rất có tài nói chuyện với đám đông để “ giải tán” đám đông đấy. Có nhà lãnh đạo một tỉnh trước đây đã nhờ đến cái tài này của anh ấy rồi. Nhưng đó là trước đây. Bây giờ mọi chuyện đã khác. Có yêu quí nhà văn đến mấy chắc người dân cũng không thể chỉ nghe thuyết phục  bằng bằng nhời xuông được.

Khu sinh thái ECOPARK , mình chỉ biết láng máng là khởi động từ đã lâu (Theo Tuổi trẻ ngày hôm nay 25-4 đưa tin chính xác là từ 2004 ,Thủ tướng đã phê duyệt quyết định thu hồi đất , giao đất để thực hiện dự án này rồi ) nhưng vụ việc lình xình kéo dài đến tận giờ vì việc đền bù gì đó chưa thỏa đáng . Những ngày gần đây ECOPARK càng nóng dữ dưới trời mùa hè cũng bắt đầu đổ lửa, trời nóng  đến  39 độ C. Thương hàng ngàn người dân quê mình vừa chả còn đất lại đứng dưới trời nắng, chịu sao thấu.

Mình về quê lần nào chả đi ngang qua khu ECOPARK. Cổng Khu ECOPARK ngay trên đường đê. Lối vào được trồng hai hàng cây to cao, xanh tốt như những cây dừa Tây ta thường thấy ở những Khu đô thị mới.Có bảo vệ canh gác 24/24.
Thỉnh thoảng nơi này mỗi lần mình đi qua cũng thấy đông bà con đứng đứng ngồi ngồi…mình đoán là chắc có “chuyện gì rồi”. Còn chuyện gì bây giờ nữa ngoài chuyện ĐẤT! Mấy năm nay vì đất  nên cảnh “tụ tập đông người”như thế vẫn thường xuyên diễn ra. Chỉ nghĩ quê mình Văn Giang- nghĩa là một dòng sông Văn hiền hòa êm đềm thế thì chắc hiếm có “ sự cố” như vậy  . Ai ngờ những ngày này lại là tâm điểm  chú ý của cả nước . Tâm điểm của sự buồn bực và trách móc.

Mình cũng chỉ biết lạy Giời thôi. Mong sao Giời trả lại sự bình yên vốn có của quê mình…

                                                        25-4-2012
(Bản tác giả gửi cho VHNA)


 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513999

Hôm nay

2169

Hôm qua

2303

Tuần này

21936

Tháng này

220872

Tháng qua

121356

Tất cả

114513999