Cuộc sống quanh ta

“Giai nhân” tháng Tư

"Giai nhân". Ảnh: KD

Có một loài hoa chỉ nở khi tháng Tư về. Tựa như đào thắm, mai vàng, chỉ nở mỗi lượt xuân đến. Tựa như giai nhân, nở nụ cười rạng ngời khi người tình xuất hiện.

Và “giai nhân” tháng Tư đây.

E ấp trong những chiếc thúng nan rộng chở sau xe đạp của những người đàn bà nhễ nhại bụi đường. E ấp trong những ki-ốt hoa Cửa Nam, Đội Cấn, Hàng Bè…, bên sắc màu lộng lẫy của hồng nhung, vàng rực rỡ của cúc, tím dịu dàng của lưu ly…, là cái màu trắng thanh khiết, ngời sáng và kiêu hãnh – hoa loa kèn.

Người nhắc tôi nhớ đến “giai nhân” lại là một bà lão gặp trên đường. Ấy là một buổi sáng tinh mơ, đến làn gió cũng thơm mơn man, nhìn theo gánh hàng hoa qua đường, bà lão nói một mình: “Sắp đến mùa loa kèn rồi đây”.

Giật mình, câu nói của bà lão chạm vào nỗi nhớ.

Mỗi năm tháng Tư về, tôi lại ngóng loài hoa còn có cái tên rất lãng mạn – hoa huệ tây. Đã bao lần, tôi lặng lẽ ngắm những bông hoa trắng muốt, thơm thoảng, điểm xuyết chút nhị vàng, tựa những chiếc loa kèn, khi nhớ đến cái Ngày 30/4 lịch sử năm ấy.

Đang đi bộ trên vỉa hè Tràng Tiền với bạn đồng nghiệp. Hà Nội của tôi thời chiến vẫn còn giữ được chút gì đó của sự thanh lịch hiếm hoi. Trời rất xanh, và nắng rất trong. Bỗng đường phố như xáo trộn, như chuyển dịch, như có một luồng khí thổi. Người đi trên đường cứ ghé tai nhau điều gì đó. Rồi có ai đó hét to lên: “Giải phóng Sài Gòn rồi!”

Như không tin, người ta nháo nhác hỏi: “Thật không?”. “Thật rồi!”.Đúng rồi!”. Rồi tiếng loa ở đâu rất lớn, cất lên: “Thưa đồng bào, chiến sĩ cả nước…”. Thôi, đúng thật rồi. Đường phố Hà Nội vỡ òa….

Khi đó, tôi còn quá trẻ để nhận biết rằng, khi chiến tranh kết thúc, có những niềm vui thì cũng có những niềm đau. Niềm vui của phía này, niềm đau của phía kia. Không biết rằng cũng vào giờ phút đó, có không biết bao nhiêu con người cũng máu đỏ da vàng đang hoảng loạn chen chúc trốn chạy. Họ bước lên những con tàu, lên trực thăng, cũng là bước lên con tim đau của họ. Họ ra đi, để lại phía sau cả quê nhà, cả ngọn lửa ấm nóng, cả khúc ruột rà và nước mắt chia ly…

Với tôi khi đó, chỉ có một cảm giác hân hoan, sung sướng ngất ngây. Trong cái phút giây ngỡ ngàng đến nghẹt thở ấy, tôi vụt nghĩ ngay đến con, thầm thì với con tôi mới là cái mầm sống: “Con ơi, thế là từ nay con được sống trong hoà bình rồi!”.

Chiến tranh. Tiếng còi báo động rú lên, rờn rợn. Hầm trú ẩn. Tiếng pháo cao xạ. Tiếng bom rền. Tiếng máy bay phản lực gào rú… Ám ảnh kinh hoàng tuổi thơ tôi, ám ảnh thời thiếu nữ buồn…

Cố len vào đám đông người người đang hớn hở, chen chúc nhau trong cái ki-ốt hoa Bờ Hồ, để mua kỳ được một bó hoa trắng muốt.

Đó cũng là lần đầu tiên tôi nhìn thấy hoa loa kèn.

Không phải chỉ là chiêm ngưỡng và cảm nhận cái thanh khiết toả ra, từ vóc ngồi của người thiếu nữ bên những bông hoa thanh sạch, thánh thiện đến kỳ lạ trong bức tranh của hoạ sĩ tài danh Tô Ngọc Vân. Mà đây là những bông huệ tây- loa kèn có thực. Những bông hoa tươi tắn, cứng cáp như còn ngậm những viên ngọc- những hạt sương đêm của đất trời.

Mà sao khi ấy, nhiều hoa loa kèn đến thế. Có cảm giác, cả Hà Nội ngợp trong rừng hoa loa kèn, ngợp trong mùi thơm thanh tao, thoáng chút nồng say rất đặc biệt.

Hương của “giai nhân” tháng Tư!

Mẹ tôi, dì ruột tôi, những người đàn bà Hà Nội cổ xưa một thời tóc vấn khăn, ra đường phải mặc áo dài, xách ví đầm, đi những đôi guốc, đôi hài nhung kiểu cách. Trong nhà tôi, dù chỉ thuộc hạng trung lưu, lúc nào cũng có người giúp việc (mà bây giờ người ta quen gọi là ô- sin). Cuộc sống đã dạy cho mẹ, cho dì những trải nghiệm đắng cay của một thời sau tiếp quản Thủ đô, hiểu cả sự khốc liệt của chiến tranh qua những năm tháng sơ tán về những vùng quê xa.

Bấy giờ mẹ tôi, dì tôi trông chẳng khác gì những người đàn bà lao động lam lũ, áo cánh cộc, búi tóc, bàn tay nhăn nheo. Khác chăng là mẹ và dì vẫn giữ được cái nếp sống của người Hà Nội, đói no chẳng ai biết, ai hay…

Mẹ đón bó hoa loa kèn từ tay tôi. Mẹ cười. Con cười. Mà mắt ai đều ngấn lệ, đỏ hoe. Mẹ bảo: “Mợ nghĩ, chỉ cần hoà bình rồi có ăn cháo cũng được!”. Rồi mẹ trịnh trọng lấy chiếc lọ lục bình cổ, mỗi năm chỉ mang ra một lần cắm hoa đào vào đúng dịp Tết.

Những bông hoa loa kèn nở tươi rạng ngời, như đồng cảm với niềm hân hoan của lòng người.

Nhưng tôi không thể nghĩ rằng cái câu nói “có ăn cháo cũng được” của mẹ lại linh nghiệm đến thế. Chỉ có điều này, hiển nhiên như chân lý, rằng con người ta muốn sống cho ra con người, ngoài cái ăn còn cần nhiều thứ lắm.

Tôi – đứa con gái của mẹ, đứa con gái Hà Nội vốn sách vở, nhiều mơ mộng, dễ tổn thương, cả tin và khờ khạo, đã phải đối mặt với sự nghiệt ngã của số phận những năm dài sau hoà bình.

Không chỉ ăn cháo, rất nhiều bữa, gia đình tôi, và nhiều gia đình ở cái khu tập thể phải ăn sắn trừ bữa, thậm chí nhịn đói đi làm. Lương hai vợ chồng trẻ, với một đứa con trai nhỏ chỉ đủ ăn một tuần, ba tuần còn lại chẳng biết bấu víu vào đâu. Có những ngày đi làm về, tôi nằm vật ra giường, nước mắt chảy dài. Vì không biết tối nay cho cả nhà ăn gì?

Ông xã đưa cho mấy đồng bạc: “Có mấy đồng nhuận bút anh vừa lấy được, đi chợ đi”, tôi vội nhỏm dậy, gạt nước mắt còn hoen má, nhưng đã… cười. Thỉnh thoảng ông xã lén viết cho báo bạn, kiếm chút tiền còm nuôi vợ con, vậy nhưng phải ký tên khác. Nếu cơ quan biết, sẽ bị kết tội… “ngoại tình”.

Chao ôi, đói vàng mắt nhưng phải…chung tình!

Cái sự phải chung tình đó, cho đến tận giờ, vẫn còn đeo bám lắm. Ít nhất là chung tình bằng… lời nói! Hay người ta “nói vậy, mà hổng tin vậy”?

Đôi khi nghĩ lại, vừa cười buồn, vừa cay cay sống mũi. Khi ấy thật khốn khổ. Cuộc sống mong manh, bất ổn. Người với người sao chẳng yêu nhau, như câu thơ ai đó đầy tự tin? Mà người ta dò xét nhau, để ý nhau từng manh áo, miếng cơm, tấm quần. Soi nhau từng lời nói, để thăm dò… “tư tưởng”. Và để còn báo cáo với tổ chức.

Chao ôi, cái đầu của mình, nhưng suy nghĩ lại không thể là của mình. Như không còn là kiếp người? Hay Thơ và Đời, vốn khác?

Những năm tháng “Đêm trước đổi mới” ấy, hồi tưởng, tôi còn nguyên cảm giác kinh hoàng. Chỉ tự hỏi, vì sao vẫn có thể sống tử tế được, mà không tha hoá đi, không thấp hèn đi, không vụ lợi đi? Nhưng sống mà sao cô đơn giữa… “sa mạc người”.

Điều tôi giữ lại cho riêng mình, dù cực nhọc đầy tổn thương, ấy là chút mơ mộng- chút lãng mạn cuối cùng trong cái góc khuất rất riêng của tâm hồn. Như không thể mất đi, không thể chết đi, là tôi vẫn rất thích hoa, thích cắm hoa.

Cái sở thích vô hại ấy, đôi lúc …hại lại chính mình, khi có những người bĩu môi: “Sống theo kiểu tư sản”. Nghe thấy mà đau.

Dù vậy, cứ mỗi tháng một lần vào ngày chủ nhật, tôi vẫn dành riêng vài đồng tiền chợ ít ỏi để mua hoa. Đến nỗi bác hàng xóm nhà bên cứ ngó vào nhà mà trêu: “Cái nhà này nhịn ăn để cắm hoa hay sao ấy?”. Đành cười trừ. Tôi chỉ thấy thảnh thơi mỗi  khi được nhìn những bông hoa đẹp, quà tặng của trời đất.

Những đêm trăng sáng, tắt ngọn đèn đỏ quạch duy nhất trong căn phòng nhỏ 18m2, tôi ngồi lặng một mình trong góc tối, ngắm nhìn ánh trăng tràn xuống qua ô cửa sổ, chiếu rạng ngời lên bình hoa, lung linh, thơm tho và tinh khiết… Để thấy tâm hồn mình được bình an.

Nhưng mỗi năm, vào ngày 30/4, trong nhà tôi không thể thiếu một bình hoa loa kèn. Những bông hoa sang trọng được cắm trong vỏ đạn pháo bình dị, mang hơi thở chiến trường, kỷ niệm duy nhất của những tháng năm chiến tranh, ông xã mang từ Quảng Bình về.

30/4, ngày của những người Việt máu đỏ da vàng cùng nhớ đến với những nỗi niềm khác nhau. Không còn thù hận, không còn u uất. Nhưng sao vẫn còn kia những day dứt con tim. Vì sao nhỉ? Vì sao mà máu không chảy cùng nhịp đập?

Đôi khi tôi kể lại cho con trai, cái cảm giác hãi sợ khi tiếng còi báo động thành phố rú lên. Cái cảm xúc rưng rưng trong ngày hòa bình. Cái ám ảnh của những tháng năm tem phiếu, ăn sắn, bo bo, mì độn, Và về những bông hoa loa kèn lần đầu tiên được biết trong đời, trong cái ngày đặc biệt 30/4, khiến con trai tôi- một kiến trúc sư- cứ mắt tròn, mắt dẹt. Có lần, vào tháng Tư, con tôi nhắc: “Mẹ chưa mua hoa loa kèn à?”.

Không, tôi quên sao được hoa loa kèn. Quên sao được cái ngày cả dân tộc bước ra khỏi chiến tranh. Cũng như quên sao được lời nói của mẹ tôi: “Mợ nghĩ, chỉ cần hoà bình…”. Nhưng mẹ chẳng thể nghĩ nổi, rằng không chỉ cần hòa bình, dân tộc này còn cần hòa hợp. Để nỗi đau chia cắt tâm hồn lên da non. Để máu chảy về tim. Để cây có gốc, lá có cội…

Nhưng tôi vẫn có ý đợi, như đã đợi bao năm. Gần giáp ngày 30/4 mới mua hoa và chỉ mua một lần. Tựa như mỗi năm chỉ khi xuân về, người ta mới cắm đào. Dường như những loài hoa càng hiếm gặp lại càng quý.

Nhưng nếu điều ta Đợi mà không đến? Thì nước cứ chảy qua chân cầu. Thì quê hương, chỉ còn là hoài niệm buồn! Khế ngọt và khế cũng… xanh?

Mẹ tôi mất rồi. Chiếc lọ lục bình em gái tôi muốn giữ, như muốn giữ chút hình bóng Mẹ. Chiếc vỏ đạn pháo năm xưa cũng đã đi vào dĩ vãng. Hoa loa kèn giờ được cắm trong bình pha lê. Sự thanh khiết gặp màu thanh khiết.

Còn tôi, mỗi lần cắm những bông hoa loa kèn, lại thật cẩn trọng, thật nâng niu. Cẩn trọng như một nghi thức, một nghi lễ với những bông hoa trắng muốt, dịu dàng, phơn phớt nhụy vàng, xen kẽ những chiếc lá xanh thon nhỏ, bình yên. Những bông hoa của một niềm yêu dấu, lặng lẽ mong chờ.

“Giai nhân” tháng Tư của tôi!

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513994

Hôm nay

2164

Hôm qua

2303

Tuần này

21931

Tháng này

220867

Tháng qua

121356

Tất cả

114513994