Có vẻ như thấy tôi không phải thợ chuyên nghiệp nên “sếp” Đ chỉ đồng ý trả cho 120 ngàn đồng cho một ngày lao động 9 tiếng, được ăn cơm của chủ 3 bữa/ngày. Tôi chấp nhận và cam kết sẽ bắt đầu làm việc vào ngày hôm sau...
Vào lúc 6 giờ ngày 24-3, trong bộ quần áo công nhân, đầu đội mũ cối, chân đi giày bata, tôi đã trở thành một công nhân “chính hiệu” có mặt tại công trường, bắt đầu một ngày làm thợ sắt. Sau khi ăn cơm sáng do cấp dưỡng nấu tại công trình, vào lúc 6giờ30, tất cả mọi người trong đó có tôi, bắt tay vào làm việc.
Được khởi công vào ngày 01-3-2012, công trình “Trường tiểu học Làng Sen – Kim Liên” này được Tổng Công ty Khí Việt Nam tài trợ xây dựng, với tổng trị giá là 20 tỷ đồng. Do Xí nghiệp Pvit 11- Công ty CP Đầu tư & Thương mại Dầu khí Nghệ An thi công. Theo thiết kế, trường được xây dựng trên diện tích 9.600 m2, cao 3 tầng và có tổng diện tích sàn xây dựng 4.000 m2, 39 phòng, gồm các phòng học, phòng tin học, âm nhạc, thư viện, phòng hiệu vụ…
Riêng phần móng của công trình này có tất cả 18 dầm trục chịu lực ngang, và 04 dầm trục chịu lực dọc. Các dầm này được tạo thành bởi 6 cây thép phi 20 (đường kính) dài, lồng vào trong những đai thép hình vuông, được làm từ thép phi 8. Khoảng cách giữa các đai sắt vuông này là 20 đến 25cm chạy dọc theo chiều dài cây thép, rồi dùng thép ly cột chặt cây thép dài và các đai thép vuông lại với nhau tạo thành. Sau khi đổ bê tông phủ lên, chúng sẽ trở thành những chiếc dầm bê tông cốt thép, có tác dụng chịu lực, chống lún và nứt gãy cho toàn bộ ngôi nhà.
Việc tiến hành “làm sắt” tại đây đã bắt đầu mấy ngày trước. Bây giờ là giai đoạn gấp rút để kịp đổ bê tông vào ngày 26-3-2012 nên không khí rất khẩn trương. Có khoảng 12 thợ sắt đang làm việc tại đây, mỗi người một công đoạn gồm: Duỗi sắt, cắt sắt theo độ dài quy định và rải sắt theo bản thiết kế. Biết tôi là một người mới, chưa thạo việc nên người đội trưởng tên là Ng. phân cho tôi việc buộc thép. Công việc này cũng khá đơn giản, chỉ cần dụng cụ nhỏ có tên gọi “móc xoay”, được làm từ một đoạn sắt phi (đường kính) 6, dài khoảng 20 cm, đầu mài nhọn và bẻ vuông 90 độ để xoay dây thép ly.
Dây để buộc các cây thép lại với đai vuông là thép ly sợi nhỏ, được cắt ra với độ dài khoảng 25 đến 27 cm, gấp đôi lại rồi thắt quanh thanh thép với đai sắt vuông, nơi cần buộc với nhau lại, rồi dùng “móc xoay” xoắn sợi thép ly chặt lại.
Xem ra việc buộc thép này cũng không khó lắm đối với người mới vào làm việc như tôi. Nhưng thật đen đủi, khí trời đang lạnh, tự nhiên lại nắng dữ dội. Cái nắng đầu mùa cộng thêm công việc nặng làm cho tôi hoa mắt rã rời. Mồ hôi như tắm, miệng khát nước liên tục. Đến 11 giờ trưa tất cả công nhân được nghỉ ăn cơm, sau đó mỗi người tự tìm cho mình một góc nào đó tại công trường để tạm nghỉ trưa lấy sức cho buổi chiều làm việc. Buổi chiều, công việc được tiếp tục lúc giờ 1 giờ 30 phút và kết thúc lúc 17 giờ. Hai bàn tay tôi đã bắt đầu phồng lên. Sang ngày hôm sau, các hộp thép đã được định hình, lắp ghép xong. Theo kế hoạch, ngày 26-3-2012 sẽ tiến hành đổ bê tông, chỉ chờ lắp cốp-pha nữa là mọi việc về phần sắt hoàn tất.
Anh bạn nói: “Là dân trong nghề nên tôi khẳng định 2 thanh thép phía dưới là thép “đểu” đấy ông ạ”. “Thép đểu là thép gì?” - Tôi hỏi, anh bạn trả lời: “Là thép do các “Lò” ở Diễn Châu- Nghệ An sản xuất”.
Anh bạn tiếp tục giảng giải cho tôi thêm về quy định quản lý xây dựng như sau: Sau khi làm xong phần sắt, trước khi tiến hành đổ bê tông bắt buộc phải có hội đồng nghiệm thu gồm tư vấn giám sát, chủ đầu tư, nhà thầu thi công và chính quyền địa phương, tiến hành kiểm tra đối chiếu với bản thiết kế. Sau khi nhận thấy số lượng thép không sai với bản thiết kế thì tất cả cùng ký vào biên bản nghiệm thu và cho phép nhà thầu thi công được phép đổ bê-tông.
Tôi nhớ lại, hai ngày qua, người Đội trưởng thi công tên Ng. đã yêu cầu tôi và một số công nhân cột thép khác chỉ được cột hờ, không được xoắn chặt, đối với thanh thép giữa phía trên, và thanh thép giữa phía dưới của dầm chịu lực, khoảng cách mỗi nút buộc cách nhau 1m.

Dầm chịu lực bị rút bớt, chỉ còn lại 4 thanh thép
Ngày thứ ba (25-03-2012), có thông tin trục trặc từ phía nhà cung cấp cốp - pha, nên việc đổ bê-tông phần móng của công trình này sẽ thay đổi không như kế hoạch ban đầu. Lúc này, việc bố trí cốt thép móng đã hoàn tất. Ngày 27-3-2012, tất cả công nhân có mặt lắp đặt cốp-pha để ngày mai sẽ tiến hành đổ bê-tông. Buổi chiều, chúng tôi được phát một bộ quần áo bảo hộ lao động có phù hiệu PVit 11 và được yêu cầu phải mặc bộ quần áo này. Theo giải thích của các “sếp” là chiều nay sẽ tiến hành nghiệm thu phần sắt nên công nhân phải ăn mặc chỉnh tề hơn ngày thường.
Nhưng mãi đến 17 giờ vẫn chưa thấy Đoàn nghiệm thu có mặt... Các dầm thép vẫn nguyên vẹn 6 cây thép phi 18 và lẫn phi 20, 3 cây thép phía trên có nhãn hiệu Tisco sản xuất, còn những cây dưới là thép “Diễn Châu”
Đúng 20 giờ ngày 27-3-2012, tôi và ông bạn được yêu cầu tới công trình để làm việc. Anh bạn nói “Kịch bản bắt đầu rồi đấy!”.
Khi chúng tôi có mặt tại công trình, có hai bóng đèn điện công suất lớn được thắp sáng trưng, soi rõ những dầm thép nằm im lìm, ngoan ngoãn! Có khoảng 8 công nhân đang ở đây, tôi cùng với họ bắt đầu “làm việc”! Mỗi dầm thép chịu lực được thiết kế có 6 thanh sắt phi 20. Chúng tôi được lệnh của “sếp” rút bớt ra khỏi dầm thép chịu lực 2 thanh thép phi 20, đều cả phía trên và phía dưới. Không khó khăn gì khi rút các cây thép này ra bởi chúng đã được chúng tôi buộc hờ với nhau. Chỉ cần một người rút, một người cầm xà beng để cạy nếu như những thanh sắt này bị vướng vào đâu đó...
Chúng tôi cứ lầm lũi, im lặng “làm việc”, rất ít khi nói chuyện với nhau. Các thanh thép sau khi rút ra có những công nhân khác kéo ngay ra khỏi công trình, nhập vào đống thép đang để ở sân. Đến 5 giờ sáng ngày 28-3-2012 thì chúng tôi được nghỉ, nhưng có lẽ chưa dừng lại ở đây nên một số công nhân vào ca ngày tiếp tục... rút tiếp vài thanh thép nữa.
Hóa ra việc đặt đủ 6 thanh thép là chỉ để qua mặt Hội đồng nghiệm thu! Nhưng tại phần móng của công trình này, việc nghiệm thu sắt thép theo quy định không được tiến hành và không biết vai trò của công ty tư vấn giám sát như thế nào đối với công trình.
Đến 8 giờ 30 phút sáng ngày 28-3-2012, việc đổ bê-tông được bắt đầu. Tiếng máy trộn bê-tông nổ ầm ầm, công trường náo nhiệt như mọi ngày. Những mẻ bê tông đầu tiên đã được đổ xuống thân móng của công trình. Công việc tiếp diễn, máy trộn bê tông vẫn nổ vang, công nhân vẫn tất bật khẩn trương. Đã có khoảng 10 m3 bê-tông được đổ xuống phủ kín hai dầm móng chịu lực phía nam và phía bắc.

Công an huyện Nam Đàn kiểm tra công trường
10 giờ 30 phút, chúng tôi thấy cảnh sát xuất hiện! Đó là lực lượng Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Công an huyện Nam Đàn, do Trung tá Hồ Nam Long làm Đội trưởng yêu cầu ngừng thi công, tiến hành kiểm tra. Biên bản kiểm tra thực trạng thép móng của công trường và biên bản kiểm tra hiện trường của công trình “Trường tiểu học Làng Sen- Kim Liên” được tiến hành, trong đó có đoạn “ Số lượng sắt của dầm dài, tất cả có 04 thanh thép phi 18, 02 cây phía trên có nhãn hiệu Tisco. 2 cây dưới cũng phi 18, có nhãn hiệu TIV và DOSIL” (thép đểu). Theo hồ sơ thiết kế thì mỗi dầm thép dọc và ngang đều phải đủ 6 cây thép phi 20 do Tisco sản xuất.

Biên bản kiểm tra hiện trường do công an huyên Nam Đàn lập
Anh em công nhân chúng tôi nhìn nhau, ngơ ngác... Và trên công trường, sao tìm mãi mà không hề thấy các “sếp” của chúng tôi ở đâu?...Chắc là tiền công đi làm của tôi, theo chân “sếp” mất rồi. Nhưng tôi tin, tôi không uổng phí mấy ngày đi làm “thợ sắt” mặc dù hai bàn tay phồng rộp, tóe máu. Đổi lại, tôi được biết thêm mánh khóe bớt xén vật tư khi xây dựng công trình…