Có thể khẳng định một điều, trong tín ngưỡng dân gian của người Việt và của một số dân tộc anh em, việc tôn thờ nữ thần là một hiện tượng khá phổ biến và có nguồn gốc lịch sử lâu đời.
Có thể khẳng định một điều, trong tín ngưỡng dân gian của người Việt và của một số dân tộc anh em, việc tôn thờ nữ thần là một hiện tượng khá phổ biến và có nguồn gốc lịch sử lâu đời.
Khu vực miền Trung cũng không phải là điều ngoại lệ, có thể kể ra những nữ thần mà trong tâm thức dân gian, những nữ thần này đầy quyền năng và bảo hộ cuộc sống an lành cho người dân, đó là Thiên Y A Na, Ngũ Hành thượng giới, Tứ vị Thánh Nương, Thủy Long thần nữ, Thiên Hậu thánh mẫu, Chúa Ngung Man nương.
Ở huyện miền núi Trà Bồng tỉnh Quảng Ngãi, có một lễ hội dân gian hết sức độc đáo, thể hiện sự giao thoa văn hoá của nhiều dân tộc khác nhau cùng cộng cư trên miền đất này. Lễ hội Điện Trường Bà (Thiên Y A Na).
Trong quá trình mở mang bờ cõi, bắt đầu từ thời Nhà Lý (thế kỷ XI), người Việt càng ngày càng tiến sâu hơn vào phần lãnh thổ phía Nam. Và tại đây đã diễn ra quá trình đồng hóa giữa người Chăm với người Việt. “…gần mười thế kỷ, ở vùng từ Huế đến Nha Trang đã diễn ra quá trình hòa đồng chủng tộc và hòa đồng văn hoá rất sâu sắc giữa người Chăm và người Việt. Trên bình diện đời sống tín ngưỡng tôn giáo đã thể hiện sự hoà đồng, hỗn dung và tiếp biến ấy.”[i]
Nếu trên đia bàn miền Bắc hay nói chính xác hơn là từ phía bắc Đèo Ngang đổ ra, người Việt tôn thờ Mẫu Liễu Hạnh thì đến vùng Trung Bộ và Nam Trung Bộ đã được thay thế bằng Mẫu Thiên Y A Na với nguồn gốc và thần tích hoàn toàn khác. Thiên Y A Na được tôn là vị Thánh Mẫu cao nhất trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở miền Trung Việt Nam, có sắc chỉ của các vua triều Nguyễn phong làm “Thượng đẳng thần” là bậc thần cao nhất. Trong tâm thức dân gian, Bà là người đã giúp dân biết làm ăn, đánh đuổi giặc ngoại xâm, đem lại cuộc sống bình yên và no đủ cho họ. Chính vì vậy, để tưởng nhớ công ơn Bà, người dân đã lập đền thờ và hàng năm đều tổ chức thờ cúng mong Bà ban hồng ân cho quốc thái dân an, cho chúng sinh an bình, gia đình hạnh phúc.
Đối với người bình dân, nếu không phải vì tên gọi thì ít ai biết đây là một vị thần có nguồn gốc Champa vì các truyền thuyết đi kèm thường miêu tả như là nhân thần Việt. Sự tích Nữ thần Poh Inư Nưgar (Mẹ xứ sở) phản ánh chế độ mẫu hệ của người Chăm ngày trước. Còn với sự tích Bà Thiên Y A Na của người Việt biểu lộ tinh thần dân tộc rất sâu đậm, thấm đẫm tính nhân văn và cho chúng ta thấy ngay từ xưa người Việt đã coi nghĩa đồng bào nặng hơn tình cảm gia đình rất nhiều. Trong khuôn khổ bài viết, tác giả xin được phép không nêu lại các sự tích về Thánh Mẫu Thiên Y A Na của người Việt và người Chăm.
Thiên Y A Na là vị thần được thờ cúng ở khắp các miền quê của dải đất miền Trung với danh xưng “Thiên Y A Na Diễn Phi Chúa Ngọc”. Việc thờ cúng vị thiên thần này trải dài từ Huế đến tận vùng phía Nam Trung Bộ. Nổi bật các địa danh thờ cúng Bà có Điện Hòn Chén (Huế), tháp Bà Po Nagar ở Nha Trang. Không chỉ riêng miền Trung, nhiều nơi khác ở Nam Bộ như An Giang, Bến Tre cũng có miếu thờ Bà Thiên Y A Na…
Ở huyện đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi có một dinh thờ Thần Thiên Y A Na hay còn gọi là Dinh Bà, thuộc xóm Trung Yên, Thôn Tây, xã An Hải. Có thể nguyên thủy, đây là nơi thờ nữ thần Pô Inư Nưgar của người Chăm, sau đó người Việt ra định cư ở đảo đã xây dựng dinh thờ Thiên Y A Na theo kiểu kiến trúc Việt, với danh xưng thuần Việt.
Bên trong dinh có linh vị khắc bằng chữ Hán: “Sắc hoằng huệ phổ tuế linh mặc tướng trang uy dực bảo trung hưng Thiên Y A Na diễn ngọc phi thượng đẳng thần”. Cũng có nơi khác gọi bà là Thiên Y A Na Diễn Phi Chúa Ngọc.
Hằng năm tại đền Thiên Y A Na đều có tổ chức các lễ chính như Lễ vía Bà, tổ chức lễ tế xuân, tế thu và đặc biệt là lễ tế trong những ngày Tết Nguyên Đán được Ban tế tự của làng và chính quyền địa phương tổ chức hết sức trang trọng, phản ánh nét sinh hoạt văn hoá tâm linh và sự cố kết cộng đồng bền chặt. Ngoài ra, trong địa bàn tỉnh Quảng Ngãi còn có một số nơi khác thờ Thiên Y A Na, tiêu biểu có các địa danh như Cổ Lũy, Sa Huỳnh…
Điện Trường Bà toạ lạc trên mảnh đất khá bằng phẳng nay thuộc Thị trấn Trà Xuân cách trung tâm huyện lỵ Trà Bồng chừng 1 km. Hiện vẫn chưa thể xác định được chính xác niên đại của Điện Trường Bà. Bởi những ghi chép bằng chữ Hán lẫn sắc phong qua các triều đại nhà Nguyễn đã bị đốt cháy trong chiến tranh, loạn lạc. Chỉ biết rằng ngôi điện thờ này hình thức như một ngôi đền do nhân dân xây dựng để thờ phụng Bà. Một số nhà nghiên cứu văn hoá còn cho rằng đây vốn dĩ là ngôi đền cổ của người Chăm thờ Nữ thần Po Inư Nưgar. Tương truyền, Bà giáng trần và hiển linh ở đây để cứu giúp chúng sanh. Nhưng trong một lần mưa lụt lớn, cốt tượng Bà theo sông Trà Bồng trôi về Thạch An (xã Bình Mỹ - Bình Sơn), dân làng phải cúng kiến nhiều lần, tu sửa điện, mở chợ trước điện thì Bà mới thuận cho rước tượng về thờ. Phía sau câu chuyện phải lập chợ bên miếu thì Bà mới chịu về còn là một câu chuyện dài nữa. Nhưng có thể tóm lại, thì đây là một nét đặc trưng thể hiện sự giao lưu buôn bán, trao đổi hàng hoá giữa miền xuôi và miền thượng đã có từ lâu trong lịch sử.
Lễ hội Điện Trường Bà được tổ chức định kỳ hàng năm, và cũng giống như nhiều địa phương khác cũng có lệ tế xuân và tế thu. Tế xuân vào khoảng giữa tháng 4 Âm lịch và tế thu vào khoảng tháng 8 Âm lịch. Lễ hội được tổ chức thành nhiều phần khác nhau như: Lễ Mộc Dục (tắm tượng, đây có thể được coi là nghi lễ quan trọng nhất), lễ Tế ngoại đàn, Lễ đâm trâu, hội cồng chiêng, múa Cà đáo, lễ chánh tế (không có ngồi đồng và múa bóng như một số địa phương khác) và phần hội với nhiều hoạt động dân gian mang tính đặc trưng riêng như: Thi đấu cờ người, hát bội, múa lân... Lễ hội chính là sự dung hợp nhiều lớp văn hóa của các dân tộc Chăm, Cor, Việt… được thể hiện qua từng phần lễ và hội.
Điều khác biệt dễ nhận thấy đầu tiên của điện Trường Bà ở Trà Bồng so với những đền thờ Thiên Y A Na trên địa bàn tỉnh và ngoài tỉnh là ngoài việc thờ phụng Bà (thiên thần), người dân địa phương còn thờ phụng 2 vị nhân thần có thật khác trong lịch sử. Một là Trấn Nam dinh phó đô tướng dương võ công thần Mai Quới Công, hai là Trấn quốc công Bùi Tá Hán (người có công trong việc đề xuất và thực thi chính sách Kinh – Thượng hoà đồng)[ii]. Trong khi đó, thông thường, mô típ chung ở các đền thờ Thiên Y A Na ở Quảng Ngãi bên cạnh thờ Bà còn phối thờ hai cậu (theo dân gian là hai con trai của Bà) với danh xưng Tả linh Châu Thái tử thần tướng, Hữu linh Bảo Thái tử thần tướng. Ngoài ra, nơi đây không chỉ là sự giao thoa văn hoá Việt – Chăm mà còn cả Việt – Cor, phối thờ trong điện còn có cả Bạch hổ, vị thần của rừng núi và được Bà phong tặng là Bạch hổ chi thần, luôn túc trực bên Bà. Tại Trà Bồng còn có miếu thờ, mộ lẫn tượng Bạch Hổ, cách điện Trường Bà khoảng 1km. Bên cạnh đó, ta còn thấy bóng dáng của văn hoá người Hoa qua việc thờ cúng Quan Công, xem Bà như Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu. Vì vậy, trong dịp lễ, ngoài người Kinh thì người Cor từ các xã vùng cao trong huyện và người Hoa từ khắp các nơi cũng về tham dự (đặc biệt là người Hoa ở Hội An – Quảng Nam). Nếu như Lễ tế ngoại đàn, chánh tế, múa gươm hầu thần, hát bộ thể hiện văn hóa của người Kinh, thì cũng tại lễ hội điện Trường Bà, lễ đâm trâu, múa cồng chiêng, múa cà đáo… mang nét đặc trưng của đồng bào người Cor tại địa phương.
Cứ đến thời điểm rằm tháng 4 và tháng 8 âm lịch hàng năm, đồng bào người Cor lại tụ tập về Điện Trường Bà để làm lễ cầu an và thể hiện lòng biết ơn đến các vị thần linh. Mỗi dịp như vậy, họ đều dâng vật phẩm của núi rừng như mật ong, trầu cau, quế… Đồng bào Cor từ xưa vẫn coi lễ hội Trường Bà là lễ hội chung, mang ý nghĩa đoàn kết của nhân dân miền xuôi và miền ngược.
Di tích lịch sử văn hóa Điện Trường Bà với những đặc trưng riêng có vai trò to lớn trong đời sống văn hóa của người dân, nó còn mang ý nghĩa nhân văn vô cùng cao cả. Việc tổ chức lễ hội hằng năm nhằm giáo dục cho người dân hiểu biết ý nghĩa truyền thống lịch sử của quê hương, biểu trưng cho công cuộc mở mang bờ cõi sông núi ở vùng lãnh thổ phía Tây của Tổ quốc trong nhiều thế kỷ. Đồng thời góp phần ổn định chính trị, an ninh trật tự, tăng cường tình đoàn kết giữa đồng bào miền xuôi và miền ngược, các dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, việc tổ chức tốt lễ hội sẽ góp phần thu hút khách du lịch, tạo điều kiện cho người dân phát triển thương mại- dịch vụ tại địa phương. Với tinh thần đó, di tích lịch sử văn hóa Điện Trường Bà xứng đáng được bảo lưu và gìn giữ cho muôn đời sau.
[i] Ngô Đức Thịnh 2010: Đạo Mẫu Việt Nam. – Nxb Thời đại, tr. 277
[ii] Xem thêm Nguyễn Đăng Vũ 2007: Quảng Ngãi – Một số vấn đề văn hoá lịch sử. – Nxb KHXH, tr.184
2192
2340
21455
213793
121009
114515854