“Nhưng không hiểu bài vở thất lạc hay vì lẽ gì, điều mong mỏi của tôi không thực hiện được. Bất đắc dĩ tôi phải gửi in cuốn sách này vào Tập sách Dân chúng. Sự quyết định của tôi, tuy có miễn cưỡng, nhưng cần thiết”[1], trong hoàn cảnh đó, Tự chỉ trích đã ra đời.
Với bút danh Trí Cường, TBT Nguyễn Văn Cừ đã hoàn thành bản thảo tác phẩm Tự chỉ trích vào khoảng tháng 6-1939. Sau đó, ông đưa cho các đồng chí: Tô Hiệu, Đặng Xuân Khu, Võ Nguyên Giáp, Đặng Thai Mai... đọc tham gia ý kiến. Tháng 7-1939, tác phẩm Tự chỉ trích ra mắt bạn đọc và đã gây tiếng vang lớn.
Thông qua tác phẩm Tự chỉ trích, thực chất TBT Nguyễn Văn Cừ chỉ đạo triển khai cuộc đấu tranh nhằm lột mặt lạ bọn giả danh cách mạng tờrốtkít, tiến hành phê bình và tự phê bình, nâng cao sức chiến đấu của Đảng; nghiêm khắc lên án, chỉ trích những khuynh hướng cô độc hẹp hòi và khuynh hướng hữu khuynh thỏa hiệp với bọn tờrốtkít, đồng thời tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng.
Trong tác phẩm Tự chỉ trích, TBT Nguyễn Văn Cừ cho rằng, Đảng ta có đường lối chính trị đúng đắn, đảng viên kiên cường đấu tranh, tận tụy vì quyền lợi của nhân dân lao động, quyền lợi của dân tộc. Tuy nhiên, do Đảng còn non trẻ, lại hoạt động bí mật, bị chính quyền thuộc địa đàn áp tàn khốc nên không tránh khỏi có những sai lầm, khuyết điểm. Do vậy, mục đích của Tự chỉ trích là “để tìm ra những nguyên nhân thất bại và nghiên cứu phương pháp sửa lỗi và tiến thủ”, khi tiến hành kiểm điểm “không bi quan hoảng hốt mà cũng không đắc chí tự mãn”[2]; ngược lại, phải tiến hành cuộc tự chỉ trích nghiêm túc để rút ra những bài học cần thiết. Nguyên tắc của tự chỉ trích được TBT xác định là phải “phải lấy danh dự chung của toàn Đảng”, coi lợi ích của Đảng, của cách mạng là trên hết. “Người cộng sản có bổn phận phải nói thật với quần chúng, dẫn đường cho quần chúng”, chứ không phải theo đuôi quần chúng, phỉnh quần chúng. TBT đặc biệt nhấn mạnh “bao giờ sự chỉ trích cũng là tự chỉ trích bônsêvích, nghĩa là để huấn luyện quần chúng và giúp đảng viên tự huyến luyện, để làm tăng uy tín và ảnh hưởng của Đảng, để cho Đảng được càng thống nhất và củng cố, để đưa phong trào phát triển lên, đưa cách mạng thắng lợi; chớ không phải đặt cá nhân mình lên vai Đảng, đem ý kiến riêng- cho dù đúng- đối chọi với Đảng, vin vào một vài khuyết điểm mà mạt sát Đảng, phá hoại ảnh hưởng của Đảng, gieo mối hoài nghi, lộn xộn trong quần chúng, gây mầm bè phái chia rẽ trong hàng ngũ Đảng”[3]. Điều quan trọng nhất, theo TBT Nguyễn Văn Cừ là những người cộng sản phải nhận rõ khuyết điểm, song việc nêu khuyết điểm của Đảng nhất thiết phải xuất từ động cơ xây dựng Đảng. Đấu tranh tự phê bình và phê bình trong Đảng phải tuân theo nguyên tắc của Đảng, phải xuất phát từ lợi ích của Đảng.
Một nội dung rất quan trọng được trình bày trong tác phẩm Tự chỉ trích dành để phê phán những nhận thức và quan điểm lệch lạc của một số đồng chí và chính sách mặt trận của Đảng. Qua đó, nêu rõ và phân tích sâu sắc đường lối đúng đắn, những kinh nghiệm phong phú của Đảng thu được qua quá trình thực hiện chính sách này.
TBT Nguyễn Văn Cừ nêu rõ chủ trương “không đánh đổ một giai cấp nào, một đảng phái nào của người bản xứ” là sai lầm và đây chỉ là “ý kiến của cá nhân”, “còn chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương lúc này là liên hiệp các lớp nhân dân, các lực lượng cải cách dân chủ tiến bộ, không phân biệt giai cấp, đảng phái, tôn giáo, dân tộc, vào một Mặt trận dân chủ thống nhất, để chống phản động thuộc địa, chống phát xít, đòi tự do, cơm áo, hòa bình”.
Điều đó có nghĩa là Đảng chỉ liên hiệp một cách có nguyên tắc với các đảng phái cách mạng, các đảng phái cải lương tán thành “cải cách dân chủ” chứ không thể liên hiệp với các đảng phái phản động làm tay sai cho đế quốc và phát xít.
Đối với vấn đề chống bọn tờrốtkít, TBT Nguyễn Văn Cừ khuyên những người cộng sản phải có đủ can đảm lột mặt nạ phản dân hại nước của chúng. Vì “bọn tờrốtkít, xét đến cốt tủy của chúng thì chúng chỉ gồm những cặn bã của phong trào nhóm họp nhau để chống cộng sản, chống cách mệnh, chia rẽ và phá hoại phong trào quần chúng”. Phải nhận thức một cách dứt khoát là đối với bọn tờrốtkít không thể có một thỏa hiệp nào, một nhân nhượng nào. Phải dùng mọi biện pháp tích cực để vạch trần, lột mặt nạ cam tâm làm tay sai cho thực dân đế quốc của chúng, phải tiêu diệt nó về chính trị,v.v...
Kết luận, Tự chỉ trích kêu gọi toàn thể đảng viên: “Chúng ta đã phải chiến thắng những xu hướng sai lầm trong hàng ngũ: xu hướng tả khuynh, cô độc nó muốn làm cho đảng ta co bé, rút hẹp bởi biệt phái, cách xa quần chúng, và xu hướng thỏa hiệp hữu khuynh, lung lay trước những tình hình nghiêm trọng nhãng quên hoặc che lấp sự tuyên truyền chủ nghĩa Mác- Lênin, lăm le rời bỏ những nguyên tắc cách mệnh.
Để đảm bảo thực hiện Mặt trận dân chủ thống nhất, chúng ta cần đấu tranh tẩy trừ những xu hướng tả khuynh lẫn xu hướng hữu khuynh trong hàng ngũ.
- Thống nhất tư tưởng; thống nhất hành động!
- Củng cố hàng ngũ để chóng thực hiện sự thống nhất các tầng lớp nhân dân”[4]
Tác phẩm Tự chỉ trích ra đời đã kịp thời đáp ứng yêu cầu của tình hình phức tạp, khi mà Đảng vừa phải hoạt động bí mật, vừa công khai; vừa thi hành một sách lược mềm dẻo nhằm lôi kéo các tầng lớp nhân dân trong một mặt trận dân tộc, dân chủ rộng rãi, vừa phải giữ vững những nguyên tắc cách mạng của chủ nghĩa Mác- Lênin; vừa chống “tả”, vừa chống “hữu” nhằm đi tới sự đoàn kết nhất trí trong toàn Đảng.
Đọc lại tác phẩm Tự chỉ trích của TBT Nguyễn Văn Cừ, chúng ta vô cùng khâm phục trước độ chín về chính trị- tư tưởng của một cây bút lí luận tuy còn rất trẻ nhưng đã thể hiện sự sắc bén trong tư duy chính trị, vừa tranh luận, vừa thuyết minh một cách sáng tỏ những khía cạnh tinh tế giữa cái tạm thời và cái lâu dài, giữa chiến lược và sách lược của Đảng, làm sáng tỏ đường lối, quan điểm của Đảng, góp phần đập tan mọi sự mơ hồ, lẫn lộn trong tư duy và hành động của cán bộ, đảng viên. Tác phẩm Tự chỉ trích của còn mang ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng khẳng định: “Tác phẩm Tự chỉ trích và một số bài báo trước đó của anh Cừ đã tạo điều kiện cho tư tưởng đúng đắn của Đảng đi sâu vào đông đảo quần chúng cách mạng, nhất là trong tầng lớp trí thức. Tư tưởng công khai tự chỉ trích táo bạo này của anh Cừ đến nay chúng ta phải học tập, phải coi đó là một kinh nghiệm quý”[5]. Trong bối cảnh hiện nay, khi mà toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang đẩy mạnh việc học học tập và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương bốn, khóa XI thì giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm Tự chỉ trích càng có ý nghĩa sâu sắc.
Vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng là vấn đề quan trọng đã được đặt ra trong nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương, khóa VII và Nghị quyết Trung ương sáu (lần 2), khóa VIII, song điểm mới của Nghị quyết Trung ương bốn, khóa XI là đã chỉ ra một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng rất xác đáng, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ; đồng thời, Nghị quyết đề ra những giải pháp và lộ trình cụ thể. Mục tiêu của đợt phê bình và tự phê bình được Bộ Chính trị xác định giống với tinh thần của tác phẩm Tự chỉ trích là: Giúp nhau cùng tiến bộ, vì sự trong sạch, vững mạnh của mỗi cá nhân, tổ chức và sự nghiệp chung của Đảng; vừa giữ đúng nguyên tắc, có tính thuyết phục vừa phải kiên trì, bền bỉ, thường xuyên, liên tục, không chủ quan, nóng vội, máy móc, cứng nhắc, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp cố tình không tự giác nhận và sửa chữa khuyết điểm, những trường hợp cố tình bao che sai phạm, khuyết điểm. Kết quả kiểm điểm phải đạt được mục đích xây dựng Đảng ta ngày càng vững mạnh hơn, cán bộ, đảng viên gương mẫu và đoàn kết nội bộ tốt hơn, gắn bó với nhân dân mật thiết hơn, thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt kết quả tốt hơn, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng cảnh báo: “…một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định ngày hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”[6]. Để tránh rơi vào tình trạng đó thì vấn đề cấp thiết đặt ra là phải kịp thời ngăn chặn sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên trong Đảng, khắc phục chủ nghĩa cá nhân, nêu cao ý thức phê bình, tự phê bình nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.
Từ những vấn đề Nghị quyết Trung ương bốn, khóa XI nêu ra, soi rọi trong tác phẩm Tự chỉ trích chúng ta thấy vấn đề phát huy dân chủ trong nội bộ Đảng, nêu cao ý thức phê bình và tự phê bình mang nhiều ý nghĩa quan trọng. TBT Nguyễn Văn Cừ chỉ rõ: “Mỗi đảng viên có quyền tự do thảo luận, tự do chỉ trích... Những cuộc thảo luận điều khiển một cách đúng đắn là cần thiết để thống nhất tư tưởng, một sự thống nhất thực sự, mạnh mẽ dựa trên sự giác ngộ và trung thành”. TBT Nguyễn Văn Cừ khuyến khích tranh luận, nhưng tranh luận khác với công kích Đảng, đối chọi với Đảng, hạ uy tín Đảng. Đồng chí nhấn mạnh: “Phải cần làm cho đảng viên giác ngộ rõ ràng và đầy đủ trách nhiệm của mình, biết xoay phương hướng trong những hoàn cảnh khó khăn nghiêm trọng, biết tự chỉ trích đúng và kịp thời những khuyết điểm sai lầm, đồng thời Đảng phải tìm cách kiểm soát một cách thật sự hơn những hành động của mỗi đảng viên”. Qua tác phẩm Tự chỉ trích, TBT Nguyễn Văn Cừ khơi dậy một tinh thần dân chủ thảo luận công khai, dám nói, dám viết, dám đấu tranh để đi tới sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Đó là bài học mang tính nguyên tắc, vì chỉ khi nào phát huy được tinh thần dân chủ thảo luận trong nội bộ Đảng, nêu cao ý thức “phê bình và tự phê bình” của cán bộ, đảng viên thì mới giải quyết được những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình xây dựng và phát triển Đảng ở thời điểm hiện tại và tương lai.
Hơn 70 năm trôi qua nhưng tác phẩm Tự chỉ trích vẫn vẹn nguyên giá trị. Đó không chỉ là một tác phẩm xuất sắc, có đóng góp quan trọng vào kho tàng lí luận của Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, để lại nhiều bài học quý đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
[1] Những đoạn trích tác phẩm Tự chỉ trích của Trí Cường đều lấy trong Nguyễn Văn Cừ- Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, Nxb CTQG, Hà Nội. 2002, trang 679-702.
[2] Trí Cường: Tự chỉ trích. In trong Nguyễn Văn Cừ- Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, Nxb CTQG, Hà Nội. 2002, tr.679.
[3]Trí Cường: Tự chỉ trích. In trong Nguyễn Văn Cừ- Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, Nxb CTQG, Hà Nội. 2002, trNxb CTQG, Hà Nội. 2002, tr.683.
[4] Trí Cường: Tự chỉ trích. In trong Nguyễn Văn Cừ- Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, Nxb CTQG, Hà Nội. 2002, tr.702.
[5] Võ Nguyên Giáp: Đồng chí Nguyễn Văn Cừ, một Tổng Bí thư trẻ tuổi và tài ba của Đảng ta, in trong sách Nguyễn Văn Cừ, một Tổng Bí thư tài năng của Đảng, Nxb CTQG, Hà Nội.1997, tr.24.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 10, tr.666.