Tôi tới Đà Lạt lần đầu năm 1991, cách đây hai mươi mốt năm. Hồi ấy Đà Lạt dường như sau một hồi bị bỏ quên đang được người ta làm cho sống lại. Từ Sài Gòn lên tôi cũng thấy có sương mù. Ngồi trong xe nhìn ra, ấn tượng nhất là những bông dã quỳ uể oải khoe mình trong cái nắng lành lạnh.
Hồi ấy, hồ Xuân Hương còn vắng tanh vắng teo. Mặt hồ buồn rười rượi. Chợ đêm Đà Lạt chỉ có vài ba người bán hàng ngồi xo ro ở cổng chợ.
Trong một lần dạo chơi tôi đã mua được một cái gạt tàn. Cái gạt tàn bằng đất nung, to và nặng chình chịch, nhưng cái hay của nó là trên đấy là một quần thể tượng gồm hai người lính xoay tròn bên một khẩu thần công. Những người lính đội nón dấu, đi chân đất, thân hình khoẻ mạnh, chất phác, từ bàn chân đến khuôn mặt đều thể hiện một nhịp điệu rất khẩn trương. Vì mua cái gạt tàn đó mà tôi đã được làm quen với người bán hàng lưu niệm và được anh mời đến nhà chơi. Nhà anh nằm trên một ngọn đồi cách chỗ tôi ở không xa. Một căn nhà ghép gỗ với những ô cửa kính, nó gợi một cái gì đó vừa đơn sơ, vừa đàng hoàng, nó có vẻ châu Âu chứ không có gì giống với những căn nhà truyền thống của ta. Đó là buổi tối. Chủ nhà và một người bạn của anh ta nữa đã chờ tôi bên một chiếc bàn kê ở giữa nhà, trên bàn đã đặt sẵn một đĩa thịt thỏ và mấy chiếc ly. Họ mời tôi uống thứ rượu làm từ hoa quả do gia đình anh tự chế. Câu chuyện vừa cởi mở, vừa dè dặt. Cả hai bên đều kín đáo tỏ lòng quý trọng lẫn nhau, quên đi những khác biệt trong quá khứ. Từ ngoài cửa vọng vào những tiếng cười khúc khích. Thấp thoáng bên ô cửa kính bóng một hai thiếu nữ. Có lẽ đấy là con gái người chủ nhà và cô bạn đồng trang lứa. Có lẽ đấy là kỉ niệm đáng nhớ nhất của tôi trong chuyến đi Đà Lạt năm ấy.
Đang là mùa hè. Hà Nội như tan chảy ra dưới ánh nắng gay gát. Đến Đà Lạt, lòng người ta như bỗng thấy dịu đi. Trong sắc nắng vừa phải, từ đất đai, cây cối đến nhà cửa dường như đều sạch sẽ, tinh khôi như sau một trận mưa rào. Trong khí sắc của đất trời ở đây có lẽ những bông hoa vàng là đẹp và quyến rũ hơn cả. Những bông dã quỳ trên tầm cao của một bờ rào, những bông bồ công anh nhỏ nhoi, đơn lẻ bên những gốc thông…Tôi nhớ đến quê nhà, những tháng Giêng, Hai, dạo chơi trên những cánh đồng, màu vàng của những bông hoa cúc, hoa cải, hoa rau diếp dại luôn làm cho tôi mê mẩn, ngỡ ngàng.
Trên một ngả đường vào thành phố có những ngôi nhà nhỏ đứng chụm lại với nhau với những biển hàng đủ các loại. Một hai chiếc xe tải nhỏ đi lại chậm chạp. Vài ba người lái xe ôm mặc áo rét đứng chụm lại với nhau bên chiếc xe máy của họ. Tôi nghĩ đến một thị trấn vùng cao Tây Bắc. Trên các sườn đồi, chạy dài xuống các thung lũng san sát cơ man nào là những khung kính nhà vườn. Trong đó là hoa. Đủ các loại hoa. Hoa mang lại sự giàu có cho từng nhà. Sự giàu có đang diễn ra âm thầm.
Từ một con đường trên cao nhìn xuống, Đà Lạt là một cái thung lũng rộng với trung tâm là hồ Xuân Hương. Xung quanh nó nhà cửa xây san sát, người xe đi lại tấp nập. Ven hồ có nhà thuỷ tạ, có những tụ điểm ăn uống, giải trí. Những con thuyền mang hình thiên nga bơi giữa mặt hồ. Chiều đến có vô số những con diều thả lên bầu trời.
Khác với hồ Hoàn Kiếm, hồ Xuân Hương không có mấy bờ. Thường là sát mép hồ đã là đường đi, sang bên đường là chân đồi. Ven hồ không có mấy cây. Cả một phía bên hồ chỉ có vài cây thông cọc còi, không biết được trồng từ bao giờ, trụi hết cả lá và dường như không thể lớn lên được. Có lẽ ở đây không nắng nóng nên người ta không cần có cây che phủ mặt hồ. Không có cây, bờ hồ như bị bỏ hoang, nhưng có lẽ vì thế những mẩu đất ở sát mép nước vẫn giữ nguyên màu hoang sơ. Con hồ như một cô gái vùng cao thẹn thùng và cô độc giữa một nơi phố thị.
Những cái mái nhọn của nhà thờ Con Gà vẫn nổi bật giữa nền trời xanh, bên cạnh nó là một chiếc cần cẩu đứng lừng lững chìa cánh tay thép vạch ngang ra ở một độ cao không kém. Khắp xung quanh đều lổn nhổn, lô xô những mái nhà màu đỏ, những bức tường nhà đủ các màu sắc, tựa như một bãi gạch vỡ khổng lồ người ta vừa đổ xuống đây.
Đó đây, bên những sườn dốc ta luôn gặp những biệt thự được xây mới hoặc sửa sang lại, người ta trang trí, trồng hoa khắp xung quanh với một nỗ lực cao nhất để ngôi nhà mang một vẻ sang trọng. Xen vào đó là những ngôi biệt thự không một chút giấu diếm thời gian và sự tàn tạ mà nó mang trên mình. Những ngôi biệt thự này thường do một cơ quan không có mấy tiền bạc được phân cho làm văn phòng hoặc một, hai hộ gia đình khó khăn lấy làm nơi ở tạm. Có những con phố ngắn một mẩu, cũng có một vài con phố khá dài, nhà cửa lúp xúp, rõ ràng là thường được xây vội, nó cũng từa tựa như những con phố vùng ven Sài Gòn hay bất kì một đô thị nào đó của miền Nam.
Ở Đà Lạt, một trong những cái sướng nhất có lẽ là đi lang thang. Đi bộ hoặc đi xe máy. Đạp xe thì với những triền dốc dài, lúc xuống hẳn là thích nhưng lúc lên thì e sức mình không nổi. Buổi sáng, trong cái rét ngọt như thế ai mà chẳng muốn ra đường. Chiều đến, trong tiếng ve râm ran, trong tiếng gió vi vu, đến những người ù lì nhất cũng không nỡ ngồi trong phòng. Cả những khi mưa, những hạt mưa nhỏ mang theo nỗi buồn man mác cứ len lén chui vào da thịt người ta.
Ở Đà Lạt, ve chỉ kêu vào những buổi chiều nắng ấm, mà cũng chỉ trong chừng vài tiếng từ lúc nắng tàn cho đến khi nắng tắt. Tiếng ve ở Đà Lạt dường như không ầm ĩ và đông đúc như ở Hà Nội. Tôi có cảm tưởng như con ve ở đây to hơn. Con ve ở đây đơn lẻ hơn nên tiếng ngân của nó phải to và dài hơn, cái nín hơi và thót bụng của nó phải kiệt cùng hơn.
Ở Đà Lạt, mây không trôi lang thang. Những đám mây mỏng mảnh cứ nối theo nhau trên một con đường dường như đã được định sẵn trên bầu trời, mải miết đi về một hướng. Sao Đà Lạt có lẽ sáng hơn cả so với những nơi tôi từng đi qua. Đáng yêu biết bao những quả đồi, những con đường dốc, nhờ nó mà ở đây người ta vẫn còn có khá nhiều khoảng không để nhìn ngắm sao trời.
Trâm có đôi mát một mí, hơi xếch, đuôi mắt dài, khuôn mặt buồn buồn. Tôi bảo cô giống phụ nữ Nhật. Cô bảo: “Vậy hả? Có người lại bảo em giống người Hàn Quốc.” Người Hàn Quốc với người Nhật Bản chắc na ná như nhau. Tôi đã từng thực sự tiếp xúc với họ bao giờ đâu, chỉ biết sơ sơ qua văn chương, phim ảnh. Nhưng mà tôi có cảm tưởng rằng phụ nữ Nhật trầm lắng và sâu sắc hơn. Tôi có cảm tưởng rằng phụ nữ Nhật Bản giàu nam tính và đàn ông Nhật lại giàu nữ tính hơn ai hết.
Tôi bảo cô trùng tên với một nhân vật trong một cuốn tiểu thuyết. Cô bảo cô có đọc cuốn tiểu thuyết đó. Bạn bè thế hệ cô không mấy ai biết, chỉ một lần có một ai đó buột miệng gợi ra làm cho cô phải tìm đọc. Cô sinh năm 1974, bố mẹ cô đều là người Đà Lạt, hẳn là họ có biết tên nhân vật đó. Nếu biết tên nhân vật đó hẳn là họ đã tránh đặt tên cho con gái mình. Có thể vì biết mà họ vẫn cứ làm như thế để chứng tỏ rằng họ bất chấp.
Tôi nhớ đến một buổi sáng cách đây hai mươi mốt năm, một buổi sáng tinh sương, trên đường tản bộ từ khách sạn xuống trung tâm thành phố, tôi đã nhìn thấy một cô gái. Cô gái đang độ tuổi trăng tròn, mặc một chiếc áo dài màu tím nhạt, khoác ngoài một chiếc áo len màu trắng, mỏng, ôm cặp sách trước ngực, đứng đợi bạn bên một gốc thông trên một sườn dốc.
Cô gái đó không xinh, trên khuôn mặt bầu bĩnh của cô còn có cả những vết mụn trứng cá, nhưng sự trẻ trung, thơ ngây, dáng đứng e ấp của cô làm cho tôi thật sự ấn tượng.
Tôi nhớ tới tiếng khúc khích của những cô gái bên cửa sổ căn nhà của người bán đồ lưu niệm. Những thứ như thế qua thật rồi, tôi chẳng bao giờ có dịp gặp lại.
Chắc là ở thời con gái Trâm xinh đẹp hơn cô gái mà tôi đã gặp bên gốc thông ngày nào. Nhưng có gì đảm bảo rằng đó không phải là chính cô. Tôi hơi ngỡ ngàng khi cô bảo rằng cô đã là mẹ của hai đứa con, đứa đầu đang học lớp mười hai.
Tôi hỏi Trâm con gái Đà Lạt có xinh không. Cô bảo không xinh. Người vùng cao ở các tỉnh phía Bắc mới xinh. Vì rằng ở đây quanh năm mát mẻ, người ta không đổ mồ hôi bao giờ. Phải ra mồ hôi thì mới tốt cho cơ thể.
Trâm là người xinh đẹp. Vẻ đẹp của cô không làm cho ai phải loá mắt nhưng bất kì ai cũng đều có thể lấy làm hãnh diện vì được ngồi bên cô.
Qua cửa công viên Hồ Than thở tôi không thấy muốn đi tiếp. Không biết có phải có phải những quầy bán hàng linh tinh trước mặt làm cho tôi hết thấy hứng. Hôm trước, ở Thung lũng Tình yêu tôi cũng chỉ đứng bên những con hươu con hổ đắp bằng xi măng, sơn trát loè loẹt mà nhìn xuống dưới. Có mấy bộ bàn ghế kê bên những gốc thông. Tôi ngồi vào một chiếc ghế. Người phụ nữ ăn mặc tuyềnh toàng mang đến cho tôi một phin cà phê đặt trên một cái cốc. Chiếc phin nhỏ làm bằng nhôm mỏng mang màu sỉn ố và có những vết bẹp. Cà phê chỉ chảy tới lưng chừng cốc. Tôi uống thứ nước đen đặc sánh ấy và thấy nó khá ngon. Tôi định chỉ ngồi bên gốc thông này một lúc rồi ra về. Đến Đà Lạt mà chưa từng ngồi bên một gốc thông thì chưa nên đi. Cây thông to, thẳng đứng, những chùm lá lơ thơ, nó như thông lòng ta với trời xanh. Dù sao thì đi hàng nghìn cây số tới đây chỉ để ngồi bên một gốc thông như thế này cũng không phải là uổng. Chợt có mùi thức ăn đưa tới. Đó là mùi xúc xích nướng. Tôi nhìn qua cổng công viên, phía bên kia đường có một bãi đỗ xe, một dãy những đầu xe chở khách du lịch đậu ở đấy, liền đấy là một dãy nhà bán hàng. Chắc hẳn mùi xúc xích nướng bay ra từ đó. Ôi con người ta, sao đi đâu cũng phải ăn, ở chỗ nào cũng phải có ăn nhỉ. Ngay trước mặt tôi, một người bán hàng từ lúc nào đã bầy ra một cái quầy nhỏ, chị ta đang vớt khoai tây rán lên một chiếc rổ nhỏ. Tôi đành phải đứng dậy. Những người dắt ngựa chào mời tôi khi tôi đi tới. Tôi ngắm những con ngựa. Chúng có vẻ cao, to, lông mượt hơn những con nghẽo mà đôi khi tôi thấy được dùng để kéo xe chở hàng ở ngoài Bắc. Có lẽ chúng là giống ngựa lai, được người Pháp đưa vào cùng với những chiếc xe thế này. Những chiếc xe có vành bánh rộng bọc lốp cao su, hai lớp nhíp chồng lên nhau. Tôi như thấy lại những ngôi biệt thự tàn tạ có ống khói lò sưởi trong ấy có những người tóc xoăn, mũi lõ sống với gia đình của họ.
Đi xuống một đoạn tôi gặp một căn nhà nhỏ. Nó có vẻ là nơi ở của một gia đình hơn là một quán giải khát. Chủ nhà là một người đàn ông tuổi ngoài sáu mươi, cả dáng dấp, giọng nói đều còn đặc sệt người Bắc. Hỏi ra thì mới biết ông người Hà Tây, vào đây sau năm 75. Ông kể đi kể lại một cách say sưa những truyền thuyết về hồ Than thở và đồi thông Hai mộ. Đến Đà Lạt tôi luôn được nghe kể về sự tích núi Langbiang mà người ta ví như chuyện Rômêô và Juliét. Chuyện về đôi trai gái của hai bản làng người dân tộc có vẻ thật. Chuyện về một viên tướng đi đánh giặc cứu nước thời Tây Sơn chắc là bịa. Chuyện của cô sinh viên văn khoa với ngôi mộ vẫn còn có thể đến xem được thì lại thật quá. Không hiểu tại sao, dường như không ở đâu có nhiều những câu chuyện tình lâm ly bi đát chồng chéo lên nhau đến vậy…
HN 20-7- 2012