Xu hướng xã hội đề cao lý tưởng sống cho “cái chung” hay “cái riêng” đều có lý do nào đó.
Xã hội phương Tây dường như khuyến khích tự do cá nhân, tôn trọng ước muốn của cá nhân mỗi người, cổ vũ cho các cá nhân được dịp bày tỏ chính kiến của riêng mình, được pháp luật của quốc gia tôn trọng, bảo vệ quyền tự do cá nhân, quyền được thể hiện quan điểm dù rằng quan điểm này có là thiểu số và trái ngược hoàn toàn với phần còn lại của tập thể cộng đồng.
Xã hội phương Đông với các triết lý sống kêu gọi con người phải biết kiềm chế bản thân, phải biết hy sinh vì tập thể, hy sinh quyền lợi cá nhân cho cộng đồng, cho đất nước.
Một ví dụ về cái chung và cái riêng là: Nghĩa vụ quân sự là bắt buộc hay tự nguyện vẫn luôn là vấn đề tranh cãi. Cường quốc số 1 thế giới như Mỹ vẫn đang duy trì chế độ nhập ngũ vào quân đội trên tinh thần tự nguyện. Thanh niên vào quân ngũ được trả lương, học nghề, đóng bảo hiểm rủi ro, được hưởng nhiều chế độ phép ưu đãi để đi du lịch vòng quanh thế giới, tạo việc làm sau khi xuất ngũ, bù đắp cho các thiệt thòi khi phải hy sinh, cống hiến tự do cá nhân, tính mạng cho quê hương, đất nước. Cái riêng luôn được đề cao và tôn trọng dù rằng đang phục vụ cho cái chung.
Một số quốc gia có nguồn nhân lực ít như Singapore, Israel, ..v.v.. lại duy trì chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc thường xuyên vì không có đủ nhân lực tham gia quân đội. Cái riêng phục vụ cái chung được xem là nghĩa vụ bắt buộc, không thể trốn tránh …
Trong Gia Đình
Vẫn luôn có sự cạnh tranh giữa các người con hay vợ chồng, các thành viên trong cùng gia tộc về một điều gì đó, thầm lặng hay lộ rõ, như mức độ thành đạt về tài chính, học vấn, bằng cấp, nghề nghiệp, danh giá, mồ yên mả đẹp, ..v.v.. cho tới các giá trị không thể hoặc khó có thể đo lường được như mức độ thành công, mức độ hạnh phúc của mỗi cá nhân mỗi gia đình thành viên trong gia tộc.
Các thành viên có biết vì cái chung, tổng thể của gia đình, gia tộc hay không? Nhiều trường hợp các thành viên có tính ích kỷ hay độc lập tác chiến cao, không muốn phụ thuộc ai, không muốn giúp đỡ ai, .v.v. có khi sẽ tách rời hoạt động của mình ra khỏi hoạt động của gia đình và gia tộc.
Ngược lại, có những gia đình có truyền thống giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên, luôn đề cao cái chung, luôn lấy cái chung để giúp đỡ bằng vật chất hay làm cứu cánh cho mỗi cá nhân trong gia đình và gia tộc. Họ có thể cùng chia sẻ đắng cay, ngọt bùi, thành đạt trong cuộc sống và xã hội.
Trong Nhà Trường và hệ thống giáo dục – y tế
Ai đi học cũng có lần bắt gặp hay tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào hiện tượng “quay cóp” trong thi cử, hiện tượng “học nhóm”, giúp nhau học tập cũng như cạnh tranh, ganh đua quyết liệt giành lấy các thứ hạng cao, các kết quả học tập hay phần thưởng cao quý hơn trong trường lớp.
Điều này cũng phản ánh cái riêng và cái chung của học sinh, sinh viên trong môi trường nhà trường và giáo dục.
Thêm vào đó, việc xã hội có xu thế nhìn nhà trường và giáo viên như “trọng tâm” của sự phát triển giáo dục hay chọn “người học” mới chính là “trung tâm” cho động lực phát triển giáo dục, sẽ phản ánh “tinh thần” và bản chất của nền giáo dục quốc gia đang đứng trong một trình độ phát triển của nền kinh tế quốc gia và mức độ nhận thức về giáo dục ra sao so với tình hình chung của thế giới.
Ví dụ: các quốc gia có nền kinh tế phát triển cao Na Uy, Thụy Sĩ, Phần Lan, .v.v.., họ rất chú trọng mục tiêu giáo dục lấy học sinh làm trọng tâm. Nhà trường, giáo viên, chương trình học phải được xây dựng sao cho đáp ứng nhu cầu của “người học”. Chúng ta có thể thấy là cái chung của xã hội dường như đã được dùng để phụng sự lợi ích của cái riêng rất thành công và rất rõ ràng.
Các quốc gia nghèo, không đủ nền tảng an sinh xã hội mạnh để có thể chăm lo cho học sinh, sinh viên, những người trẻ, nên dù muốn hay không, có hô hào các lý tưởng cao đẹp như “miễn giảm học phí, phí khám chữa bệnh”, “mọi người đều có quyền đi học, có quyền được chăm sóc sức khỏe”, .v.v.. nhưng vì không đủ nguồn lực kinh tế vững mạnh, cũng đành chịu buông xuôi hoặc giả, vô hình trung hình thành việc xây một hệ thống giáo dục, y tế không thể có việc lấy người tiêu dùng, người học làm trọng tâm và các dịch vụ chắc chắn sẽ kém chất lượng.
Khi đó các hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh xuất hiện, lợi dụng các chính sách vì cái chung để trục lợi cho cái riêng.
Trong môi trường Chính trị - Kinh tế - Xã Hội
Trong các môi trường sản xuất kinh doanh, môi trường chính trị xã hội quanh ta, các biểu hiện tranh đấu giữa cái chung và cái riêng dễ làm chúng ta cho rằng “quyền lợi” của cái riêng là vĩnh viễn, còn các lý tưởng vì cái chung chỉ là các khẩu hiệu phong trào.
Tại sao như vậy? muốn trả lời đúng sai cho câu hỏi và vấn đề này sẽ không bao giờ đơn giản.
Có ai tin rằng các vị quan chức luôn có tâm vì dân và vì nước? Họ có thể bị quyền lợi làm cho tha hóa, có thể bị mua chuộc dễ dàng? Nếu điều này có thể xãy ra thì chúng chính là minh chứng cho việc cái riêng luôn lăm le chiến thắng cái chung.
Các vị giám đốc doanh nghiệp nhà nước ngồi trên một núi của cải vật chất của nhà nước mà tiền bạc thực chất từ tiền thuế của người dân, tài sản chung của đất nước, thì có ai dám tin rằng họ sẽ không bao giờ tham ô, bòn rút, biển thủ, trục lợi từ khối tài sản này?
Nếu câu trả lời là luôn luôn có, hay chắc chắn có vì “quyền lực luôn có xu thế tham nhũng” thì mối nguy cái riêng chắc chắn sẽ thắng cái chung là điều không thể tránh khỏi !
Liệu chúng ta có thể tin chắc là cái riêng sẽ luôn lấn lướt và thắng thế trước cái chung?
Hoặc cái chung nếu muốn có tương lai rõ ràng hơn thì phải có một số điều kiện hay một môi trường phù hợp nào đó …
Vậy các điều kiện hay môi trường để cái chung có thể “thu phục” được lương tâm của cái riêng là gì?
Hiện tượng các “nhóm lợi ích”
Hiện tượng trong một xã hội phương Đông như Việt Nam, nơi các truyền thống Nho giáo – Khổng giáo thường cổ vũ, suy tôn việc hy sinh cá nhân cho tập thể trong một thời gian dài, nhưng nay, trong thời đại mở cửa hội nhập thì các nền văn hóa quốc gia giao lưu, va chạm, tương tác, ảnh hưởng lẫn nhau là điều không thể tránh khỏi.
Việc xuất hiện các “nhóm lợi ích” là không thể tránh khỏi. Nhóm lợi ích có thể được hình thành từ các nhóm quyền lực tập trung, các nhóm có cùng quyền lợi vật chất và tinh thần, các nhóm có xu hướng hợp tác để cùng cạnh tranh, giành lấy ưu thế trên thương trường, các nhóm hợp tác giữa chính trị gia và thương gia, .v.v..
Nhà nước Pháp quyền chưa đủ lớn mạnh
Xã hội phương Tây có các nền tảng đấu tranh giai cấp, xây dựng nhà nước Pháp quyền từ hàng trăm năm cho tới nay, nên việc hóa giải các mâu thuẫn giữa các nhóm lợi ích bằng các thể chế hiến pháp và pháp luật, hoàn toàn có thể chế tài các nhóm lợi ích hùng mạnh trong xã hội.
Thậm chí, các tập đoàn đa quốc gia, xuyên quốc gia, các thể chế tài chính hùng mạnh hơn cả quy mô một đất nước cũng phải chịu sự chế tài bằng pháp luật của các quốc gia phương Tây.
Các phân hóa giai cấp giàu, nghèo, trung lưu cũng đều phải tuân thủ pháp luật khi mà tinh thần thượng tôn pháp luật luôn được nhìn nhận như là yếu tố tiên quyết để xây dựng nền văn minh, xây dựng các nền tảng sống còn để phát triển và tồn tại cho mỗi quốc gia.
Tại các quốc gia đang phát triển, khi các thể chế pháp quyền chưa hình thành đầy đủ, các nhóm lợi ích có điều kiện thuận lợi phát triển nhanh, vượt qua sự kềm chế của thể chế pháp quyền, sẽ dẫn đến sự “nô lệ hóa” hay nhà nước pháp quyền chưa đủ lớn mạnh đã có thể bị bắt làm con tin trong vòng cương tỏa của các nhóm lợi ích.
Khi đó, hiện tượng xuất hiện các nhóm lợi ích, các nhóm vận động hành lang cho quyền lợi nhóm, sẽ thống trị và khống chế việc ban hành các chính sách sao cho có lợi nhất cho nhóm của mình.
Không thể triệt tiêu các nhóm lợi ích
Rõ ràng là từ cổ chí kim, xưa nay và trong mọi quốc gia đều có các nhóm lợi ích, các nhóm phân hóa từ các giai cấp giàu, nghèo, trung lưu, mà trình độ nhận thức và ứng xử của con người từ Đông sang Tây, cho tới giờ vẫn chưa thể xóa bỏ được.
Nếu chúng ta chấp nhận và tôn trọng “cái riêng” của mỗi cá nhân như xã hội phương Tây, không đơn thuần kêu gọi một cách giáo điều rằng mỗi người phải biết hy sinh bản thân cho tập thể và đất nước, chấp nhận sống chung với các “nhóm lợi ích”, thừa nhận sự khác biệt, đồng thời xây dựng một nhà nước Pháp quyền có các quyền lực được san sẻ, kiểm soát chéo lẫn nhau để không có quyền lực nào vượt trội tuyệt đối để có thể khống chế các nền tảng luật pháp của đất nước, liệu sẽ có một chuyển biến mà nền văn minh Đông và Tây sẽ gặp nhau ?
Xung đột giữa các nhóm lợi ích và đấu tranh giai cấp
Giữa các nhóm lợi ích và giữa các giai cấp luôn có mâu thuẫn quyền lợi từ vật chất tới tinh thần. Các mâu thuẫn và xung đột này sẽ luôn có dịp bùng phát nếu vấn đề thể chế Pháp quyền không đủ mạnh để làm trọng tài phân xử cho các nhóm lợi ích và các nhóm giai cấp.
Thực tế lịch sử đã cho thấy các mâu thuẫn và xung đột nếu không có sự hóa giải bằng một nền tảng nhà nước Pháp quyền văn minh, tôn trọng lợi ích riêng và chung của cá nhân và cộng đồng, sẽ dẫn tới xung đột bạo lực, thậm chí các nhóm có thể thành lập lực lượng vũ trang để tranh giành quyền lực khống chế đất nuớc.
Các ví dụ về trường hợp này có nhiều trong lịch sử thế giới trong cả quá khứ và cả các thời kỳ đương đại.
Thực trạng nền kinh tế: Điều gì đang diễn ra
“Cái chung” luôn được cổ vũ như kim chỉ nam, như một lý tưởng tốt đẹp cho cộng đồng, cho đất nước, nhưng liệu “cái riêng” có đang ẩn mình sau đó để tranh giành quyền lợi?
Tại nước ta, cho đến nay, vấn đề sở hữu đất đai vẫn luôn là điểm nóng, luôn có các khiếu kiện rất nhiều với tỉ lệ lớn về đất đai, chính sách qui hoạch, đền bù giải tỏa bất cập, xâm phạm quyền lợi của các tầng lớp đang chiếm giữ hay sở hữu tài nguyên đất hiện hữu khác, trong đó có nhiều nhóm lợi ích luôn lợi dụng chính sách “đất đai là sở hữu toàn dân” do nhà nước quản lý, để đền bù giá rẻ và bán lại giá cao hưởng lợi. Trong trường hợp này, cái chung chỉ là một chiếc ô bị lợi dụng cho cái riêng hưởng lợi và lên ngôi.
Vấn đề kế đến là hiệu quả kém của các doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn nhà nước mà rất nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã lên tiếng cảnh báo. Nếu cứ tiếp tục dành thêm nhiều nguồn lực cho thành phần kinh tế yếu kém này thì sẽ kéo cổ máy kinh tế đất nước nói chung chạy giật lùi mãi. Cái chung và cái riêng, cái thật và cái giả bị lẫn lộn, trộn lẫn vào nhau, như quyền lợi công hay tư không hề được phân định rõ ràng, dẫn đến việc cái riêng núp bóng cái chung để tư lợi phục vụ cho các nhóm lợi ích một cách công khai.
Cải cách thủ tục hành chính, cải cách thể chế, cơ chế kiểm soát quyền lực, và cải thiện năng lực điều hành nền kinh tế của đất nước cũng là chuyện dài mà cho tới nay các thủ tục hành chính vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Tình trạng nhân sự trong bộ máy quản lý nhà nước đông nhưng không tinh, không hiệu quả, cơ chế bổ nhiệm nhân sự có nhiều vấn đề, nhiều thủ tục bộ ngành, trung ương và địa phương rườm rà mang lại nhiều bất cập cho quyền lợi người dân cũng đã được đề cập rất nhiều nhưng vẫn chưa có nhiều tiến bộ.
Đụng đến cải cách hành chính, cải cách thể chế là đụng tới quyền lợi cốt lõi của các nhóm lợi ích đang nắm giữ các hệ thống quyền lực trong xã hội. Có quan niệm cho rằng có thể kêu gọi lòng tốt của các nhóm lợi ích, chấp nhận từ bỏ các quyền lợi của nhóm mình vì đại cuộc chung của dân tộc, quyền lợi chung của đất nước.
Cũng có quan niệm cho rằng điều này là không thể, vì không bao giờ có nhóm lợi ích nào sẽ chấp nhận tự từ bỏ quyền lực và quyền lợi của bản thân mình ! Vấn đề trở nên một bài toán nan giải, một chiếc bẫy khổng lồ có thể làm cho cả một quốc gia vướng vào và khó bao giờ có cơ hội thoát ra được.
Điều này cũng hoàn toàn tương tự như kêu gọi lòng tốt của một người nên hy sinh cái riêng của bản thân mình vì cái chung của mọi người ! Một vấn đề rất khó mà các nước phát triển hầu như đã từ bỏ, họ không xây dựng pháp luật để bắt một cá nhân nào phải hy sinh quyền lợi bản thân cho cái chung của xã hội.
Một nan đề khác nữa là khả năng vận hành của hệ thống ngân hàng nhà nước (NHNN) và hệ thống ngân hàng quốc doanh và thương mại còn nhiều “lòng vòng”, chồng chéo, nhiều góc khuất, thiếu tính minh bạch, thiếu khả năng dự báo, cũng như khả năng đưa ra các giải pháp phù hợp mà chỉ thường là chạy sau thị trường. Một lần nữa ta thấy, NHNN dù mang tính chất của Ngân hàng Trung ương, vẫn còn tùy thuộc vào sự điều hành của chính phủ, đôi khi sẽ dẫn đến xung đột lợi ích chung và riêng.
Tình trạng rất nhiều doanh nghiệp trong nước, lên tới hàng trăm ngàn doanh nghiệp đang phá sản, kiệt quệ như hiện nay và hệ lụy thất nghiệp gia tăng, nền kinh tế đi vào khúc quanh suy giảm, là một minh chứng rõ ràng cho thực trạng còn nhiều yếu kém của đất nước ta trong bối cảnh hiện nay.
Điều này cần các nhà lãnh đạo quốc gia mạnh dạn nhìn nhận đúng mức, đúng với bản chất của sự vật và hiện tượng đang diễn ra, thì may ra mới có giải pháp cứu vãn được phần nào tình huống hiện nay. Đây cũng là cách phân xử, giải quyết vấn đề cho cuộc tranh đấu khốc liệt, không ngừng nghỉ giữa cái chung và cái riêng.
Nền văn minh của mỗi quốc gia còn được phản ánh tùy vào cách ứng xử về “cái chung” và “cái riêng” của từng nhà lãnh đạo quốc gia trong mỗi quyết sách được lựa chọn và ứng xử của mỗi người dân được bắt gặp trên đường phố !