Những góc nhìn Văn hoá

Về sự kiện Unesco ra nghị quyết kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hồ Chí Minh

Sau khi Hồ Chí Minh qua đời tháng 9 năm 1969, các cá nhân, tổ chức chính trị-xã hội trên thế giới đã tập trung đánh giá cuộc đời, sự nghiệp Hồ Chí Minh. Những đánh giá đó từ những người cộng sản, từ những chính khách không cộng sản, từ những nhà hoạt động xã hội nổi tiếng, những văn nghệ sĩ có tên tuổi. Tất cả đều đánh giá sự cống hiến lớn lao của Hồ Chí Minh đối với sự phát triển của nhân loại, không những đối với thế kỷ XX mà còn đối với thế kỷ XXI và các thế kỷ tiếp theo.

Nay thì thấy một số mạng điện tử tiếng Việt và cả DVD nói xấu Hồ Chí Minh. Điều này xuất phát từ thái độ thâm thù đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam do ĐCS Việt Nam lãnh đạo và từ chủ trương "hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh" của các thế lực thù địch.
Trước khi nêu sự kiện Nghị quyết của UNESO năm 1987 về Kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi muốn nêu một vài sự kiện có liên quan.
Vào thời điểm sắp sửa kết thúc thế kỷ XX của thiên niên kỷ thứ hai và bước sang thế kỷ XXI của thiên niên kỷ thứ ba, tờ Time (Thời báo) của Mỹ đã phối hợp với Hãng Truyền hình CBS làm một cuộc lấy ý kiến bằng cách phát ra 7 triệu phiếu gửi đi nhiều nước để bầu chọn lấy 100 nhân vật nổi tiếng nhất, có ảnh hưởng nhất thuộc các lĩnh vực khác nhau của thế kỷ XX. Kết quả được công bố cuối tháng 12 năm 1999. Trong số 100 nhân vật được chọn, có Hồ Chí Minh. Trong số 100 nhân vật đó, người ta lại phân ra danh sách 20 nhà lãnh đạo có uy tín nhất trên thế giới trong thế kỷ XX. Hồ Chí Minh là một trong số 20 nhân vật đó, cùng với V.I. Lênin, M. Găngđi, W. Sớcxin, A. Khômêny, N. Manđêla, T. Rudơven, F.D. Rudơven, M. Xangơ, Luthơ Kinh, R. Rigân, v.v. Điều đó giải thích tại sao Trưởng Đại diện của tuần báo Time ở Hà Nội lúc ấy coi “Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong thế kỷ XX”.
Trước đó nữa, năm 1983, để chuẩn bị cho sự ra đời của tác phẩm loại từ điển tiểu sử mang tên Văn hoá thế kỷ XX (XXth Century culture) do Alan Bullock và R.B. Wodinger chủ biên (Do Harper and Row xuất bản năm 1983), 300 nhà khoa học trên thế giới đã được hỏi ý kiến để bình chọn danh nhân văn hoá thế kỷ XX. Các nhà khoa học này đã thảo luận những tiêu chí thế nào là danh nhân văn hoá thế giới trong thế kỷ XX. Các nhà khoa học đã đưa ra quan niệm như sau:
a. Thế kỷ XX là thế kỷ của những đảo lộn khoa học và công nghệ, chẳng hạn Thuyết Tương đối của A. Anhxtanh. Ai phát minh ra những kết quả khoa học và công nghệ làm đảo lộn thế giới thì người đó là danh nhân văn hoá thế giới.
b. Thế kỷ XX là thế kỷ của những cuộc chiến tranh tàn bạo. Ai tích cực đấu tranh cho quyền sống của con người, bênh vực con người, giải phóng con người, là người tiêu biểu cho chủ nghĩa nhân văn, người đó là danh nhân văn hoá thế giới.
c. Thế kỷ XX là thế kỷ phi thực dân hoá (décolonisation). Ai là người góp phần tích cực giải phóng các thuộc địa, giải phóng các dân tộc bị áp bức, làm đảo lộn thế giới thuộc địa, vẽ lại bản đồ chính trị thế giới, thì đó là danh nhân văn hoá thế giới.
Hồ Chí Minh đã được 300 nhà khoa học chọn là một nhân vật tra cứu trong công trình đó (các trang 322, 333). Các nhà khoa học đó thừa biết rằng, Hồ Chí Minh là người cộng sản, mà một số người trên thế giới không ưa chủ nghĩa cộng sản. Nhưng Hồ Chí Minh là người cộng sản đích thực, là nhà văn hoá, là chiến sĩ tiên phong của một dân tộc tiên phong tích cực nhất, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng các dân tộc bị áp bức, giải phóng con người, cho nên Hồ Chí Minh xứng đáng được chọn. Trong các cuộc thảo luận, 300 nhà khoa học nhất trí cho rằng: “Hồ Chí Minh là nhà mácxít hay nhà Nho, điều đó không quan trọng. Hồ Chí Minh là người cộng sản hay là người dân tộc chủ nghĩa, điều đó không quan trọng. Chỉ cần biết Hồ Chí Minh là Nguyễn ái Quốc – người yêu nước – thế là đủ để xếp ông vào hàng danh nhân văn hoá thế giới thế kỷ XX. Vì Hồ Chí Minh là người khởi xướng và giương cao ngọn cờ giải phóng các dân tộc thuộc địa và trở thành người dẫn đường chủ chốt được mặc nhiên thừa nhận và kính trọng của châu á và của thế giới thứ ba”[1].
Còn đối với UNESCO, có một sự kiện liên quan đến Hồ Chí Minh cần làm sáng rõ hơn.
Với sự cống hiến nổi bật của Hồ Chí Minh đối với sự phát triển của đất n­ước và đối với sự phát triển văn minh tiến bộ của nhân loại, Việt Nam -- một quốc gia thành viên -- đã gửi hồ sơ tới Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) để Tổ chức này xem xét kỷ niệm nhân dịp 100 năm Ngày sinh của Hồ Chí Minh.
Trong Khoá họp toàn thể lần thứ XXIV tại Pari (thủ đô nư­ớc Cộng hoà Pháp) từ ngày 20-10 đến ngày 20-11-1987, UNESCO có một ch­ương trình nghị sự thảo luận, xem xét và cuối cùng đã thông qua Nghị quyết về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh[2].
Cần nhắc lại rằng, năm 1974, tại Khoá họp lần thứ XVIII của mình, Đại Hội đồng UNESCO đã định với nhau rằng: định kỳ xét để tổ chức kỷ niệm các danh nhân văn hoá thế giới theo tiêu chí chung nhất là “những người đã để lại những dấu ấn quan trọng trong quá trình phát triển văn minh, tiến bộ của nhân loại”. Những danh nhân này sẽ được long trọng kỷ niệm nhân kỷ niệm các năm sinh chẵn 100, 200…Tại Khoá họp lần thứ XXIV, Đại Hội đồng UNESCO đã xem xét để ra nghị quyết kỷ niệm các danh nhân có các kỷ niệm năm sinh chẵn vào các năm 1988, 1989, 1990. Hồ Chí Minh là 1 trong 6 người có hồ sơ đề cử (có cả J. Nêru (ấn Độ), A. Macarencô (Liên Xô), 1 của Thái Lan, 1 của Cộng hoà Liên bang Đức, 1 của Thổ Nhĩ Kỳ). Tính đến Khoá họp Đại Hội đồng UNESCO lần thứ XXIV năm 1987 này, đã có 21 người được ra nghị quyết kỷ niệm.
Bối cảnh của việc xem xét các danh nhân trong Khoá họp Đại Hội đồng UNESCO cuối năm 1987 không mấy suôn sẻ, vì trước đó đã có một số quốc gia vì lý do chính trị đã rút ra khỏi danh sách thành viên của UNESCO. Có nước chỉ đề nghị nên xem xét những hồ sơ đề cử nào mà có năm chẵn 100 (đến năm 1988) thôi, vì họ còn “lấn cấn”, chưa thông lắm về các tiêu chí. Có nước đề nghị UNESCO nên hạn chế kỷ niệm các danh nhân…
Trong Khoá họp lần thứ XXIV này, UNESCO tôn vinh J. Nêru là “Nhà quán quân của phong trào giải phóng dân tộc”, với 45 phút thảo luận và thông qua nghị quyết.
Phía Việt Nam dự kiến khi xét Hồ Chí Minh có thể khó khăn hơn, bởi nhiều lý do. Lúc này, vấn đề Campuchia và vấn đề người Việt Nam vượt biên tỵ nạn đang nổi lên, nhiều nước đang hiểu lầm và không thiện cảm. Một bản kiến nghị gửi đến Đại Hội đồng có các chữ ký của 79 người Việt Nam vượt biên, di tản phản đối việc xét Hồ Chí Minh. Trong lúc đó, hệ thống xã hội chủ nghĩa đang “có vấn đề”, nghĩa là đang lún sâu vào cuộc khủng hoảng toàn diện. Trong tổng lượng phiếu 159 nước thành viên thì các nước xã hội chủ nghĩa chỉ có 8.
Thế nhưng, tình hình không rắc rối, phức tạp như chúng ta tưởng. Cuộc thảo luận của Đại Hội đồng Khoá họp XXIV diễn ra trong không khí hữu nghị, tình cảm chân thành đối với nhân vật được đề xuất trong hồ sơ là Hồ Chí Minh. Gần 30 nước đã ký tên đồng tác giả dự thảo Nghị quyết về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi lên Đại Hội đồng. Cuộc họp Tiểu ban các vấn đề văn hoá đã thảo luận dự thảo này và được thông qua tại Đại Hội đồng bằng biểu quyết với đa số tuyệt đối. Tại Hội thảo quốc tế về Hồ Chí Minh tại Thủ đô Hà Nội, các ngày 29 và 30 tháng 3 năm 1990, ông Nguyễn Dy Niên, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao của Việt Nam, Chủ tịch Uỷ ban UNESCO của Việt Nam, đã có bài thuật lại những nét cơ bản nhất của sự kiện này.
Trong quá trình thảo luận, Chủ toạ Phiên họp là một quý bà người Thái Lan. Bà đã cho rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản chung của nhân loại, có giá trị vĩnh hằng, là niềm tự hào của các dân tộc. Một đại biểu của Cộng hoà Dân chủ Đức cho rằng, chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh là chủ nghĩa nhân văn của mọi thời đại. Một đại biểu của Xri Lanca cho rằng, Hồ Chí Minh là một nhà tiên tri, Hồ Chí Minh là ngọn hải đăng của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Còn ông Trưởng Đoàn đại biểu của ấn Độ thì cho rằng, Hồ Chí Minh là một danh xưng cao quý, không chỉ nằm ngay trong mỗi chúng ta, mà gắn với sự tiến bộ của thời đại, vì vậy, việc kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Hồ Chí Minh vừa là một sự kiện quan trọng, vừa là niềm tự hào, niềm vinh dự lớn lao đối với mọi người lao động.
Nghị quyết về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh có đoạn viết:
“Xét thấy việc tổ chức kỷ niệm trên quy mô quốc tế những nhà trí thức lỗi lạc và danh nhân văn hoá là góp phần vào việc thực hiện những mục tiêu của UNESCO và vào sự hiểu biết trên thế giới,
Nhắc lại Quyết định số 18 C-4351 về việc tổ chức kỷ niệm những vĩ nhân và những sự kiện đã để lại dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại,
Ghi nhận rằng, năm 1990 sẽ đư­ợc đánh dấu bằng lễ kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị anh hùng giải phóng dân tộc và là nhà văn hoá kiệt xuất của Việt Nam”.
Các văn kiện của UNESCO được quy định công bố bằng 6 thứ tiếng: Pháp, Anh, Arập, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Nga. Nguyên văn tiếng Pháp đoạn cuối cùng của ba đoạn trích dẫn này trong Nghị quyết của UNESCO nh­ư sau: “Notant que, 1990 marquera le centième anniversaire de la naissance du Président Ho Chi Minh, héro de la libération nationale et éminent homme de culture du Vietnam”.Đáng chú ý là cụm từ éminent homme de culture được một số ngư­ời dịch là Nhà văn hoá lớn.
Theo tôi, bản Nghị quyết bằng tiếng Anh (trong đó có ghi là: Ho Chi Minh, Vietnamese hero of national liberation and great man of culture) thì có thể dịch Nhà văn hoá lớn, nhưng cũng có thể dịch là Nhà văn hoá ưu tú (hoặc cũng có thể dịch là Nhà văn hoá xuất sắc hoặc Nhà văn hoá kiệt xuất - great man of culture). Nhưng đối với bản tiếng Pháp thì phải dịch là Nhà văn hoá kiệt xuất mới đúng nghĩa. Mà đây cả hai cái danh: Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hoá kiệt xuất đều là của Việt Nam (du Vietnam), chứ không phải là Anh hùng giải phóng dân tộc là của Việt Nam, còn Nhà văn hoá kiệt xuất thì lại là của thế giới.
Một vấn đề cần lư­u ý nữa là: bản thân Nghị quyết này của UNESCO được thông qua theo lời mở đầu có tính mặc định mà tôi đã trích dẫn ở hai đoạn đầu bên trên. Đáng chú ý là những cụm từ, như "Những nhà trí thức lỗi lạc và danh nhân văn hoá" cũng như Quyết định khung số 18 C-4351 của UNESCO "Kỷ niệm những vĩ nhân và những sự kiện đã để lại dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại" thì có thể hiểu đã mặc nhiên công nhận Hồ Chí Minh là Danh nhân văn hoá thế giới rồi, chứ không nên gọi là Tổ chức UNESCO "phong" cho Hồ Chí Minh danh hiệu này, danh hiệu nọ. Tôi nghĩ rằng, nói đúng như thế thì sẽ không phức tạp hoá vấn đề.
Nghị quyết trên đây của UNESCO còn khẳng định rằng: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu t­ượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội… Sự đóng góp quan trọng về nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực văn hoá, giáo dục và nghệ thuật, là kết tinh của truyền thống văn hoá hàng nghìn năm của nhân dân Việt Nam, và những tư tưởng của Ng­ười là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”.
 Do đó, Nghị quyết của UNESCO đã nêu rõ: “Khuyến nghị các quốc gia thành viên kết hợp kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng cách tổ chức những hoạt động đa dạng để tư­ởng niệm Người, để làm cho mọi ngư­ời hiểu đ­ược tầm vóc to lớn của những tư tưởng và sự nghiệp của Ng­ười vì công cuộc giải phóng dân tộc”.
Việc thực hiện Nghị quyết này của UNESCO ở Việt Nam, nhất là ở trên bình diện quốc tế, ở các nước thành viên Tổ chức UNESCO, có nhiều trắc trở.
Phải thấy được hoàn cảnh đặc biệt lúc đó.
Sau ngày 30-4-1975, Việt Nam bước vào một cuộc thử thách mới, đầy chông gai trên bình diện quốc tế. Hầu như Việt Nam bị cô lập, ít được bạn bè cảm thông. Đây là một bi kịch lớn. Nói bi kịch lớn là vì lẽ ra mọi người, hay chí ít là bạn bè số đông của Việt Nam, sẽ cùng Việt Nam sẻ chia mừng vui và bắt tay vào công cuộc giúp Việt Nam băng bó vết thương chiến tranh, xây dựng một cuộc sống mới. Nhưng không đơn giản như vậy. Nói để cho người khác hiểu là việc không đơn giản. Việc Việt Nam đem quân sang Campuchia chẳng hạn. Đây là việc làm hợp với đạo lý, nhưng nhiều nước coi là Việt Nam đã xâm lược Campuchia. Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, sau khi bại trận "lấm lưng trắng bụng" ở Việt Nam, lại bước vào một cuộc phiêu lưu mới, tiến hành cấm vận mọi mặt với Việt Nam. Việt Nam bước vào những đợt khó khăn mới. Nạn đói đã xảy ra trong thời bình. Lòng người không yên. ở ngoài bắc thiếu lương thực phải ăn bo bo đã đành, nhưng đợt công tác mà tôi có mặt một tháng tại thành phố Hồ Chí Minh mùa hè năm 1977 ở giữa vựa thóc lớn đất nước mà vẫn không đủ gạo ăn, phải ăn bo bo. Đó còn là cơ chế vốn chỉ thích ứng trong chiến tranh nay đến thời bình tỏ ra cứng nhắc nhưng vẫn được vận hành và đương nhiên nó không phù hợp mà Đảng Cộng sản chưa sớm nhận ra.
Đã xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội nghiêm trọng. Làn sóng người Việt Nam ồ ạt ra đi khỏi đất nước, mà đây chủ yếu là lực lượng của chế độ Sài Gòn lòng đầy hận thù, trắc ẩn, mặc cảm với chế độ chính trị mới ở Việt Nam. Trung Quốc, sau những chuỗi không êm ả với Việt Nam, đầu năm 1979 đã đưa quân sang mấy tỉnh biên giới phía bắc Việt Nam gây chiến, nói là để "dạy cho Việt Nam một bài học".
Trong hoàn cảnh đó, có sự chống phá quyết liệt từ những phần tử cực đoan, nhất là từ một số người gốc Việt ở nước ngoài. Họ ngăn trở việc Tổ chức UNESCO đứng ra tổ chức lễ Kỷ niệm hoặc đứng ra cổ suý cho các quốc gia thành viên tổ chức các hoạt động tưởng niệm hoặc lễ kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh của Hồ Chí Minh theo đúng như Nghị quyết của UNESSCO, viết rằng: "Đề nghị ông Tổng Giám đốc UNESCO tiến hành những bước đi phù hợp để kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và giúp đỡ các hoạt động tưởng niệm chung được tổ chức nhân dịp này, đặc biệt là những hoạt động diễn ra ở Việt Nam".
Ngay tại Pari, trụ sở của Đại Hội đồng UNESCO, cũng không tài nào tổ chức nổi một lễ kỷ niệm, tưởng niệm Hồ Chí Minh. Chỉ có hai nước là đứng ra tổ chức được lễ kỷ niệm theo đúng tinh thần của Nghị quyết UNESCO, đó là Việt Nam (đương nhiên, vì là đất nước của Hồ Chí Minh) và ấn Độ. Lễ Kỷ niệm và cuộc Hội thảo nhân dịp Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Hồ Chí Minh được long trọng tổ chức tại Hà Nội với nhiều bạn bè quốc tế, những người có cảm tình với Việt Nam và những người nhận rõ những cống hiến về nhiều mặt của Hồ Chí Minh đối với những bước tiến của dân tộc Việt Nam cũng như đối với hành trình của nhân loại vươn tới tất yếu của tự do.
Trở lại vấn đề Nghị quyết 18.65 của phiên họp lần thứ 24 Đại hội đồng UNESCO năm 1987. Tại sao thế giới đánh giá Hồ Chí Minh như vậy? Tôi thấy chẳng phải ngẫu nhiên mà UNESCO đánh giá như thế. Tôi thấy như sau:
Một: Hồ Chí Minh là chiến sĩ tiên phong trong thế kỷ phi thực dân hoá.
Hồ Chí Minh là người lĩnh ấn tiên phong của dân tộc Việt Nam và của nhân loại cần lao tiến công vào chủ nghĩa thực dân để đưa lại độc lập, tự do cho mỗi dân tộc, mỗi con người. Thế giới thấy Hồ Chí Minh là một con người đặc biệt trong thế kỷ XX, một thế kỷ phi thực dân hoá. Chủ nghĩa thực dân là một vết nhơ lớn nhất trong lịch sử của loài người. Đúng là một vết nhơ thật. Một dân tộc đang yên đang lành thì bỗng nhiên có một thế lực thực dân đến bắt làm nô lệ, không cho người ta có quyền sống, hoặc nếu để sống thì cái quyền con người sống bị chà đạp. Thực dân xâm chiếm thuộc địa nhưng lại được che dấu bằng những lời lẽ mỹ miều là đi “khai hoá văn minh”.
Hồ Chí Minh chọn chủ nghĩa thực dân là mục tiêu lớn nhất để công phá. Hồ Chí Minh tố cáo mạnh mẽ chủ nghĩa thực dân ở tất cả mọi diễn đàn và sử dụng tất cả mọi vũ khí mà ông có. Người viết “Bản án chế độ thực dân Pháp”. Người tổ chức và lãnh đạo các cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Hồ Chí Minh là một con người tiên phong của một dân tộc tiên phong đấu tranh phi thực dân hoá trên đất nước ông và trên thế giới.
Với chiến thắng Điện Biên Phủ chiều ngày 7-5-1954, Việt Nam đã mở đầu cho một quá trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới. Với chiến thắng trưa ngày 30-4-1975 tại Sài Gòn, dân tộc Việt Nam đã báo hiệu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân mới trên toàn thế giới. Một dân tộc tiên phong và một con người tiên phong của nhân loại tiến bộ. Thế giới không đặt lầm. Thế giới đã đúng. Việt Nam không làm hổ danh, không phụ lòng tin của lương tri loài người tiến bộ. Nếu tạc tượng những vĩ nhân thế giới thuộc thế kỷ XX, một thế kỷ phi thực dân hoá, thì Hồ Chí Minh xứng đáng được tạc bức tượng đẹp nhất.
Hai: Hồ Chí Minh là một con người đầy lòng vị tha, khoan dung.
Trong một thế giới đầy bất trắc của quan hệ con người, Hồ Chí Minh hiển hiện như một tấm lòng bao dung. Hồ Chí Minh đã nói rằng, sự bao dung là như biển cả, nó có thể nhận bao nhiêu nước từ các sông suối. Hồ Chí Minh tiếp thu truyền thống văn hoá khoan dung của dân tộc Việt Nam, như ông đã viết rằng, dân tộc Việt Nam là một dân tộc giàu lòng đồng tình và bác ái. Hồ Chí Minh không bao giờ kỳ thị, bài bác các học thuyết, trong quan hệ ứng xử của con người và của cộng đồng này với cộng đồng khác. Sự khoan dung trong thái độ ứng xử của Hồ Chí Minh đến mức đến như một số người hiểu lầm là trong cuộc sống, giải quyết trong các mối quan hệ, Hồ Chí Minh hay nặng về tình. Thực ra, Hồ Chí Minh không duy tình, không duy lý, mà luôn luôn “vừa có lý, vừa có tình”, lấy chữ “nhân” làm nền tảng.
Trong khoan dung văn hoá Hồ Chí Minh, thì các giá trị văn hoá nhân loại như là một giòng chảy tự nhiên qua tâm hồn Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh chính là bộ lọc văn hoá chắt lọc cái chân, cái thiện, cái mỹ. Nếu tập hợp, lần dở những trang sách, trang báo của các nhà “Hồ Chí Minh học”, “Việt Nam học” nổi tiếng trên thế giới thì biết cơ man nào là những đánh giá rất đặc sắc về khía cạnh văn hoá khoan dung của Hồ Chí Minh. Trong thực tế cuộc sống, mặc nhiên có sự so sánh. Trong sự so sánh đó, nổi bật lên Hồ Chí Minh, một nhân vật sáng ngời của nhân văn, văn hoá, khoan dung trong cái thế giới có lúc cũng có vẻ hỗn mang về các mối quan hệ giữa con người với con người này.
Ba: Hồ Chí Minh là một chiến sĩ văn hoá, là một hiệp sĩ của UNESCO tích cực giải quyết những vấn đề toàn cầu.
Vấn đề lớn nhất mà Hồ Chí Minh nêu lên và hướng cả cuộc đời của mình cũng như hướng cả dân tộc Việt Nam cùng những dân tộc khác trên thế giới vào giải quyết là đấu tranh giải phóng con người. Đối với Hồ Chí Minh, mọi hoạt động, mọi cuộc đấu tranh đều hướng đích đó. Hồ Chí Minh tập hợp cả một véctơ lực vào cái đó.
Từ cái chung nhất đó, Hồ Chí Minh nêu lên và hướng vào giải quyết vấn đề hòa bình, hòa bình cho dân tộc Việt Nam và hòa bình cho thế giới, một nền hòa bình thật sự, hòa bình bền vững mà trên đó bảo đảm các quyền dân tộc cơ bản độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Cái nguyên tắc đó trở thành cái khung cho mọi hiệp định chính trị, mà nó đã thể hiện ở Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương ngày 20-7-1954 và Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam ngày 27-1-1973.
Hồ Chí Minh là con người của hòa bình. Hồ Chí Minh coi đó là nguyên tắc hành xử giữa con người với con người, giữa dân tộc này với dân tộc khác. Nhưng, cái chốt của Hồ Chí Minh là ở chỗ: đó phải là một nền hòa bình chân chính. Trước kẻ xâm lược, nhiều lúc Hồ Chí Minh nhân nhượng, nhưng kẻ cướp càng lấn tới thì ông kêu gọi cả dân tộc vùng lên đấu tranh gìn giữ hòa bình chứ không phải có hòa bình bằng mọi giá, hòa bình trong cái thế hèn kém của một kẻ nô lệ.
Sau khi giành được chính quyền, thiết lập được Nhà nước mới – Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà -- Hồ Chí Minh tuyên bố trước toàn thể dân tộc Việt Nam cũng như toàn thể nhân dân thế giới rằng, nước Việt Nam đã thật sự trở thành một nước tự do và độc lập, toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững nền tự do và độc lập ấy. Nhưng thực dân Pháp quyết tâm chiếm nước Việt Nam một lần nữa. Cuộc kháng chiến đã nổ ra sớm ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ từ ngày 23-9-1945, tức là đúng 3 tuần lễ sau Ngày Độc lập 2-9-1945. Nhân dân miền Nam đã đi liền một mạch gian khổ, kiên cường, Thành đồng Tổ quốc, “đi trước về sau” từ ngày đó đến tận ngày 30-4-1975.
ý đồ của thực dân Pháp là gây chiến tranh trở lại, “gặm nhấm” dần lãnh thổ Việt Nam, chia cắt Nam Bộ ra khỏi đất nước Việt Nam. Quan điểm có tính nguyên tắc của Hồ Chí Minh là Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam, là tìm cách bảo vệ chính quyền còn non trẻ, tránh đụng độ với các thế lực có ý định xâm lược, bảo vệ nền hoà bình lâu dài cho đất nước. Chính vì thế mà Hồ Chí Minh gồng mình lên để bước qua những chông gai. Hồ Chí Minh hoà với quân Tưởng Giới Thạch để kìm quân Pháp, ông hoà với Pháp để đuổi quân Tưởng Giới Thạch, và ông ký Hiệp ước 6-3-1946, phái người đi dự Hội nghị trù bị Đà Lạt, cử đoàn đi dự Hội nghị ở Phôngtenblô (Pháp) và khi các hội nghị đó không đạt kết quả, thì Hồ Chí Minh ký Tạm ước 14-9-1946.
Hồ Chí Minh tìm cách hoà hoãn với cả kẻ cướp để mong cứu vãn hoà bình, có lúc chịu nhận Việt Nam là nước tự do trong Liên hiệp Pháp, bảo đảm quyền lợi kinh doanh và các quyền lợi kinh tế khác cho người Pháp ở Việt Nam, v.v. Hồ Chí Minh viết thư cho các tổ chức và cá nhân quốc tế, kể cả cho một số nước có vai trò lớn trong Liên hợp quốc bày tỏ quan điểm, nguyên tắc đối ngoại của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Hồ Chí Minh nêu rõ quan điểm Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với một ai; sẵn sàng dành và tiếp nhận sự đầu tư về kinh tế với tất cả các nước, các nhà tư bản vào Việt Nam với mục đích cùng có lợi. Và Hồ Chí Minh cũng “rắn” khi tuyên bố rằng: nhân dân Việt Nam sẽ đứng lên cầm tất cả mọi thứ có trong tay để làm vũ khí chiến đấu chống xâm lược, bảo vệ hoà bình, bảo vệ nền độc lập, tự do cho Tổ quốc. Đúng như Hồ Chí Minh đã viết: “Cây muốn lặng nhưng gió chẳng đừng”. Nhân nhượng của Hồ Chí Minh và của nhân dân Việt Nam chỉ có giới hạn, có nguyên tắc. Hoà bình không bằng mọi giá. Không có thứ hoà bình trong thân phận của những người nô lệ.
Thế là cuộc chiến tranh lần nữa lại nổ ra. Lần này kéo dài 9 năm binh đao khói lửa, bằng trận đại thắng của Việt Nam và cũng là trận đại bại của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ kết thúc vào hồi 17 giờ 30 phút ngày 7-5-1954 và bằng Hiệp định Giơnevơ 20-7-1954.
Sau này, chiến tranh đã qua đi nhiều năm, nhiều chính khách và các sử gia, các nhà quân sự, các nhà báo, các nhà hoạt động xã hội Pháp đã tốn bao giấy mực viết về cuộc chiến tranh đó. Có lúc, trong số đó, có người đổ lỗi cho Hồ Chí Minh gây ra cuộc chiến tranh. Nhưng, sự thật là sự thật, nó phơi bày ra đó, không ai có thể chỗi cãi được. ý kiến đổ lỗi cho Hồ Chí Minh là số rất ít và bị chìm nghỉm đi. Hồ Chí Minh vẫn luôn hiện lên với tư cách là chiến sĩ hoà bình quốc tế.
Còn đối với cuộc chiến tranh Mỹ – Việt? Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam không muốn cuộc chiến tranh này, nhất lại là “đấu” với lực lượng hùng mạnh, khổng lồ hơn Pháp nhiều. Hồ Chí Minh đã nhiều lần nêu quan điểm muốn “trải thảm đỏ” cho quân Mỹ ra khỏi Việt Nam. Nhưng, quân Mỹ cố bám lấy. Cuộc chiến đấu buộc phải diễn ra mà thiệt hại cho cả hai bên về vật chất và tinh thần không biết đến bao giờ mới hàn gắn lại được. Hồ Chí Minh quý từng giây phút hoà bình, khát khao hoà bình. Nhưng, cũng như trong cuộc kháng Pháp, ông biết đâu là giới hạn của sự chịu đựng, biết nguyên tắc “chơi” với kẻ xâm lược. Hoà bình của Hồ Chí Minh là một loại hoà bình chân chính. ở trong con người Hồ Chí Minh, thông điệp hoà bình cho mỗi một dân tộc, cho cả toàn thế giới là như thế.
Thông điệp đó, cái nguyên tắc về hoà bình của Hồ Chí Minh đó cần được phát huy trong thời buổi hiện nay. Có những chuyện tréo ngoe. Để dập tắt đổ máu, nhân danh hoà bình, nhân danh dân chủ, tự do, người ta lại đi đổ xô bán vũ khí cho các nước hiện đang đổ máu, hoặc những nước đang gầm ghè nhau, đang ở bên miệng hố chiến tranh. Người ta đang lấy luật này luật nọ để hành xử không công bằng trong nhiều quan hệ quốc tế. Nước này có vũ khí hạt nhân, thử vũ khí hạt nhân thì có vẻ lo lắng đấy, nhưng rồi không sao, nhưng nước kia mà có thì không, nhất thiết không thể được, v.v. Khái niệm hoà bình, hoà bình chân chính đang bị thử thách một cách nghiệt ngã.
Hồ Chí Minh nói: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Độc lập, tự do đó là độc lập, tự do trong một nền hoà bình chân chính, trong sự hợp tác, hữu nghị của tất cả các dân tộc trên thế giới -- dù dân tộc lớn hay dân tộc nhỏ.
Hồ Chí Minh phấn đấu cho các dân tộc xích lại gần nhau, giao lưu, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Cuộc đời của Hồ Chí Minh chính là một biểu tượng, hiện thân về cái đó. Mà điều đó lại bắt nguồn từ sinh khí của dân tộc, từ truyền thống của dân tộc Việt Nam, một dân tộc hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình, tự do, công lý.
Có thể ai đó trong người Việt Nam cảm thấy bình thường, nhưng đối với thế giới, xét trong các vấn đề toàn cầu thì thấy rất thú vị, thú vị ở chỗ Hồ Chí Minh chính là người nêu ra và thực hành tích cực nhất cho việc bảo vệ môi trường, sinh thái.
Khỏi phải nói, vấn đề này hiện đang trở nên bức xúc, nhức nhối đến mức nào. Trong thời kỳ phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, con người đã tạo ra khối lượng vật chất khổng lồ cho chính mình đồng thời lại tạo ra những tố chất hại mình. Đó là sự xâm hại môi trường sinh thái. Hình như Ph. Ăngghen thì phải, đã viết đại ý rằng, chúng ta không nên quá ảo tưởng vào những chiến thắng của mình đối với thiên nhiên; thiên nhiên sẽ trả thù chúng ta cho mỗi “chiến thắng” ấy.
Thế giới đang trở nên bất an hơn bao giờ hết. Sự xâm hại tự nhiên chính là hành vi phản văn hoá. Cái gọi là “sự thắng lợi” chinh phục tự nhiên của con người chính là sự tác động gây hiệu ứng phản lại của tự nhiên. Chinh phục tự nhiên không như một kẻ xâm lược thống trị một dân tộc khác. Bản thân con người là một thực thể của tự nhiên. Nếu gọi là sự chinh phục một cách đúng đắn của con người đối với tự nhiên thì đòi hỏi con người phải nhận thức đúng đắn quy luật của tự nhiên để hành xử cho đúng. Con người sẽ đánh mất khả năng chủ thể văn hoá khi thoát ra khỏi hệ thống điều chỉnh của tự nhiên -- đó là sự cân bằng sinh thái. Chính con người hiện đại, mặc dù nắm được khoa học và công nghệ, lại là yếu tố phá vỡ một cách tệ hại nhất sự cân bằng sinh thái. Chính sự thống nhất của con người với tự nhiên tạo ra bản sắc văn hoá của mỗi vùng, miền.
Hiện thời, trên thế giới, người ta đã “quy” phát triển bền vững vào 6 nội dung:
1. Tăng trưởng kinh tế;
2. Công bằng xã hội;
3. Bảo vệ môi trường;
4. Phát triển văn hoá, giáo dục, công nghệ;
5. Bảo đảm tự do, dân chủ;
6. Phát triển con người.
Trong 6 nội dung đó, người ta lại hay tập trung vào ba nội dung có tính “trụ cột”, đó là Tăng trưởng kinh tế; Công bằng xã hội; Bảo vệ môi trường tự nhiên.
Quan niệm trên đây chính là phản ánh khái niệm phát triển, cho rằng, Phát triển là quá trình qua đó một xã hội người cùng nhau phấn đấu đạt tới chỗ thoả mãn được các nhu cầu mà xã hội ấy cho là cơ bản và hiện đại. Hoặc như quan niệm của Hội nghị của Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển họp ở Riô đơ Janerô (Braxin) năm 1992: Phát triển bền vững là một sự phát triển thoả mãn những nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm hại tới khả năng đáp ứng những nhu cầu của các thế hệ tương lai.
Hồ Chí Minh đã phát động Tết trồng cây từ cuối năm 1959. Hồ Chí Minh cho đăng trên báo Nhân Dân, số 2082, ngày 28-11-1959 bài “Tết trồng cây”, trong đó cho rằng: “Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều”; rằng, miền Bắc hiện có độ 14 triệu người, trong đó có 3 triệu trẻ em thơ ấu, còn 11 triệu người từ 8 tuổi trở lên đều có thể trồng cây; như vậy là mỗi tết trồng được độ 15 triệu cây; từ năm 1960 đến năm 1965 là năm cuối cùng của Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, chúng ta sẽ có 90 triệu cây, vừa có cây ăn quả, cây có hoa, vừa có cây làm cột nhà; và trong vòng 10 năm, nước ta sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hoà hơn, cây gỗ đầy đủ hơn, đời sống nhân dân được cải thiện hơn.
Dịp cuối năm 1959, Hồ Chí Minh lại kêu gọi toàn dân hưởng ứng phong trào một tháng trồng cây (từ ngày 6-1-1960 đến ngày 6-2-1960) và mong nhân dân duy trì bền bỉ “Tết trồng cây” hằng năm.
Đi thăm các địa phương, các cơ quan, Hồ Chí Minh thường trồng cây. Hồ Chí Minh tham khảo ý kiến của các chuyên gia lâm nghiệp để có thể trồng cây gì phù hợp nhất. Theo tư vấn của các chuyên gia, Hồ Chí Minh hay trồng nhất là cây đa. Đây là loại cây nếu trồng ở nơi công cộng thì rất thích hợp, nó tỏa bóng mát nhiều, ít sâu bệnh, dễ sống, tuổi thọ lâu (khoảng 500-700 năm). Hồ Chí Minh quan niệm trồng cây nào phải sống cây ấy, cho nên ông trồng “thật”, ông tưới nước thật chứ không phải trên ngực áo có bông hoa giả, xẻng xúc đất thì quấn giấy xanh giấy đỏ để quay phim, chụp ảnh, và khi về Hà Nội Hồ Chí Minh thường hỏi thăm cây do mình trồng còn sống không, nó đang như thế nào.
Tới thăm xã Nam Cường, một xã mới thành lập do lấn biển của huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, đang đi trên đường làng, Hồ Chí Minh thấy hai hàng cây mới trồng. Hồ Chí Minh cho rằng, hình như cán bộ và nhân dân ở đây mới trồng vội hôm qua để đón mình (Ông Ngô Duy Đông, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Bình lúc đó thừa nhận đúng là như vậy). Hồ Chí Minh dặn rằng, phải rào lại khỏi bị trâu bò phá, và trồng cây nào phải cố gắng chăm sóc để tất cả đều sống.
Lạ thay và thật thú vị biết bao, đọc trong tài liệu Tuyệt đối bí mật, tôi thấy quan điểm của Hồ Chí Minh về môi trường sinh thái – vấn đề toàn cầu – rất rõ. Hồ Chí Minh đề cập trực tiếp vào vấn đề xử lý thi hài của mình khi qua đời. Đến bản viết năm 1966, Hồ Chí Minh viết lại như bản viết năm 1965 một đoạn: “Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là “hoả táng”. Tôi mong rằng cách “hoả táng” sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Khi ta có nhiều điện, thì “điện táng” càng tốt hơn”.
Đến cái chết của mình mà còn nghĩ đến giữ vệ sinh và để khỏi tốn đất nông nghiệp, nghĩ đến trồng cây, nghĩ đến môi trường sinh thái thì đến nay tôi chỉ thấy Hồ Chí Minh chứ không thấy người thứ hai.
Câu chuyện trên đây thật nhiều tầng ý nghĩa. Nhưng, xét riêng về mặt môi trường sinh thái mà nói, thì quả là đáng khâm phục về tư chất của con người, một con người luôn luôn hướng tới việc nêu lên và giải quyết những vấn đề toàn cầu.
Dẫn ra một số điểm trên đây để thấy rõ thêm rằng, Hồ Chí Minh chính là con người của văn hoá, một nhà văn hoá hoạt động chính trị, một con người có tư duy luôn ở tầm quốc tế.
Phiên họp lần thứ XXIV Đại Hội đồng UNESCO năm 1987 tại Pari đã thực hiện được một sứ mệnh lớn lao, có ý nghĩa quan trọng đối với việc làm cho các dân tộc hiểu biết nhau hơn, làm cho con người xích lại gần nhau hơn, làm cho thế giới đẹp hơn lên khi khuyến nghị các quốc gia thành viên có những hoạt động kỷ niệm, tưởng niệm những danh nhân, những sự kiện văn hoá theo tiêu chí của mình. Chỉ điều này mới có ý nghĩa văn hoá lớn lao, chứ không phải là sự chống đối, sự quậy phá của những người có đầu óc thâm thù đối với sự nghiệp của Hồ Chí Minh, của nhân dân Việt Nam rồi đi đến ghét bỏ Hồ Chí Minh.
 
 



[1] Tham khảo báo Quân đội nhân dân, số Xuân Canh Ngọ, 27-1-1990.
[2] Những đoạn trích dẫn Nghị quyết này là từ tài liệu lư­u tại Uỷ ban UNESCO của Việt Nam.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511343

Hôm nay

26

Hôm qua

2336

Tuần này

21717

Tháng này

218216

Tháng qua

121356

Tất cả

114511343