Cuộc sống quanh ta

Giao lưu văn hoá Việt Nam và thế giới

Ngày nay, khi thế giới chuyển từ đối đầu sang đối thoại cùng tồn tại hòa bình và tập trung nguồn lực quốc gia cho sự tăng trưởng kinh tế bằng những phương tiện hiện đại của cuộc cách mạng tin học thì việc giao lưu văn hóa trên thế giới càng được mở rộng hơn bao giờ hết;  các sản phẩm “văn hóa” kết hợp một cách tinh vi giữa nghệ thuật - kỹ thuật - kinh doanh tung ra khắp nơi đến mọi ngõ ngách trên thị trường thế giới đem lại lợi nhuận khổng lồ cho nhiều nước, nhất là nước Mỹ. Hành tinh của chúng ta trở nên nhỏ bé, không một quốc gia nào có thể phát triển trong sự biệt lập với thế giới bên ngoài, ngược lại, sự tùy thuộc lẫn nhau (Interdependance) ngày càng gia tăng và tác động trực tiếp đến từng quốc gia, từng khu vực và toàn thế giới. Hiện tượng cộng sinh văn hóa là một tất yếu và là một đặc trưng mới của văn hóa thế giới.

Mỗi người đều được sống với bản sắc văn hóa dân tộc mình, vừa được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác. Thái độ khoan dung (tolérance) do UNESCO đề xướng tạo ra ý thức tôn trọng những khác biệt của người khác để người khác tôn trọng những khác biệt của ta, sao cho loài người chung sống hữu nghị, bình đẳng trong khi vẫn khác nhau. Tuy nhiên tình hình đó cũng đặt ra hai vấn đề bức xúc, hai nỗi lo không phải chỉ của riêng ai. Một là, trong khi chạy theo tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống vật chất trong cơ chế thị trường, làm thế nào để những giá trị nhân bản của các nền văn hóa truyền thống không bị xói mòn và mai một? Hai là, trong khi tiếp xúc và giao lưu văn hóa với các nước khác nhau, nhất là với nền văn hóa phương Tây, làm thế nào để hiện đại hóa nền văn hóa đất nước mà không đánh mất đi bản sắc dân tộc? Điều đó đòi hỏi chúng ta phải hiểu một cách cặn kẽ những giá trị đích thực của các nền văn hóa thế giới và những tinh hoa của văn hóa dân tộc trên tinh thần khoan dung để hội nhập, nhằm xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến vừa dân tộc vừa hiện đại.

Là nhân tố quan trọng trong nền sản xuất tổng hợp có hàm lượng trí tuệ cao, văn hoá như chất keo dính kết các mối quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội tạo nên hình hài và bản sắc mỗi dân tộc, mỗi quốc gia, mỗi khu vực. Văn hoá có khả năng bao quát một cách trực tiếp, đảm bảo tính bền vững xã hội, tính kế thừa lịch sử và không bị trộn lẫn ngay cả khi hội nhập vào những cộng đồng lớn hơn. Tính độc đáo của mỗi nền văn hoá dân tộc, hay là sự khác nhau của các nền văn hoá không những chỉ bị quy định bởi những điều kiện môi trường, lịch sử xã hội khác nhau, mà còn vì con người, ngay cả khi rất gần nhau, vẫn có ý thức khu biệt "ta với người". Hơn thế nữa, cuộc sống của loài người không phát triển ngang bằng theo một quá trình như nhau mà qua những phương thức đa dạng đến lạ lùng (trí tuệ, tâm linh, tư duy, hứng thú thẩm mỹ, giá trị đạo đức...). Vì vậy trong quá trình hội nhập thế giới, nếu như khoa học kỹ thuật ngày càng nhất thể hóa bao nhiêu, thì ngược lại, văn hóa mỗi dân tộc như là tấm căn cước, lại càng được khu biệt bấy nhiêu. Như những dòng sông, văn hóa của các dân tộc bền bỉ tích lũy, thâu nhận, gạn lọc tinh hoa từ muôn nẻo, không ngừng chuyển tải và biến đổi, không ngừng giao lưu và mở rộng để rồi kết tinh lại thành cái của riêng mình và góp phần vào đại dương mênh mông đầy hương sắc của nhân loại, và đến lượt mình lại được tận hưởng hương vị xa lạ trong cái đại dương vĩ đại bao la đó. Nếu như chúng ta hiểu văn hóa là tất cả những gì do con người sáng tạo ra theo quy luật của cái đẹp, là “thiên nhiên thứ hai” nói theo cách nói của Marx, trong quá trình ứng xử với tự nhiên và xã hội, thì mọi cái liên quan đến con người đều có mặt văn hóa của nó.

Tuy nhiên trong quá trình nghiên cứu văn hóa của Việt Nam và Đông Nam Á, chúng tôi nhận ra rằng cái hàng rào ngăn cách chúng ta tiếp cận với nền văn hóa như là một tổng thể chính là phương pháp quá chuyên ngành với nhiều hạn chế, khi việc nghiên cứu văn hóa từng nước tách ra khỏi bối cảnh đồng văn, khi tổng thể văn hóa bị phân ra từng mặt riêng biệt, bỏ qua các mối quan hệ vốn là cốt lõi của bộ môn văn hóa học. Theo cách nói hiện đại của Claude Villereuve (Tạp chí người đưa tin UNESCO, số tháng 11 - 1991) thì kiến thức ngày càng chuyên môn hóa và manh mún giữa những cá nhân rất tài giỏi về một lĩnh vực, nhưng lại hầu như ngu dốt trong các kiến thức khác! Nói nôm na như các cụ nhà ta là kiểu "thầy bói xem voi"! Đấy là chưa nói, một thời "ấu trĩ tả khuynh", chúng ta đã hiểu sai chủ nghĩa duy vật (đối lập với chủ nghĩa duy tâm) đến mức tầm thường thô thiển và do đó, tước đi những giá trị nhân bản trong thế giới biểu tượng, trong đời sống tâm linh, cũng như những bận tâm, kể cả những bận tâm siêu hình nhằm giải quyết mối quan hệ giữa cái hữu hạn và cái vô hạn mà chính những cái đó tạo nên những biểu tượng văn hóa theo quy luật của cái đẹp – một năng lực đặc thù chỉ có ở con người nhờ khả năng biểu trưng hóa (symbolling) của hoạt động trí tuệ. Đã một thời chúng ta tách rời nghệ thuật với tôn giáo mà thật ra có nền nghệ thuật nào không gắn với tín ngưỡng, tôn giáo?

Hơn thế nữa, điều này mới là quan trọng, toàn nhân loại đang đứng trước một nghịch lý: Khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, đời sống vật chất ngày càng được nâng cao, thì ngược lại đời sống đạo đức của con người ngày càng sa sút, những vấn nạn xã hội ngày càng gia tăng: “đồng tiền lên ngôi, lối sống vụ lợi vị kỷ, thực dụng, tôn thờ các giá trị vật chất, các tiện nghi tiêu dùng và hưởng lạc, sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân cực đoan… đã lấn át và làm xói mòn các giá trị tinh thần, làm hủy hoại đạo đức, nhân cách… phát triển có nguy cơ biến thành phản phát triển bởi sự coi thường đạo đức và các nền tảng của đạo đức xã hội”(). Nỗi lo không chỉ của riêng ai! Loài người đi tìm lời giải đáp. Cách đây hơn nửa thế kỷ, trong chuyến đi thăm nước Mỹ (1949), Jawahurlal Nerhu đã đến Princeton thăm Albert Einstein. Trong cuộc trao đổi mang tính lịch sử này, Nerhu phàn nàn: “Nền văn hóa toàn cầu ngày nay tạo ra nhiều của cải vật chất nhưng vô trách nhiệm đối với việc chăm sóc đạo đức con người!”. Einstein đáp: “Vâng, nền văn hóa chăm lo đến đạo đức chính là nền văn hóa phương Đông cổ truyền của các ông”(. Theo Einstein, nếu trong tương lai cần một tôn giáo vũ trụ có khả năng bao quát cả khoa học và tôn giáo thì đó là Phật giáo!

Hiện nay, hơn bao giờ hết, việc giao lưu văn hóa trên hành tinh trở nên nhộn nhịp, xô bồ với tốc độ quay cuồng đến chóng mặt. Trong khi đó con người phải bình tâm, sáng suốt để nhận diện được cái gì là tinh hoa tốt đẹp, cái gì là phản văn hóa nhằm lựa chọn và tìm cách thích nghi với những gì phù hợp, đấu tranh chống lại những gì làm hủy hoại phẩm giá con người.

Vì vậy, chúng tôi xin giới thiệu quá trình tiếp biến văn hóa ở Việt Nam để rút ra những bài học của ngày qua và định hướng cho sự hội nhập văn hóa hôm nay.

I. ĐÔI ĐIỀU NHẬN THỨC VỀ SỰ BIẾN ĐỔI VĂN HÓA

1) Để tiếp cận với văn hóa (vừa biến đổi liên tục như cuộc sống vốn có của nó, vừa bảo lưu bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc), chúng tôi áp dụng cấu trúc hai bậc.

- Cấu trúc bề mặt (được gọi là biểu tầng) là những biểu hiện bên ngoài và biến đổi liên tục. Ta gọi là biến số, là yếu tố động của văn hóa. Vì vậy văn hóa được bao chứa trong các hoạt động xã hội cũng như hoạt động chính trị, kinh tế. Trên bình diện đó các sáng tạo và hoạt động văn hóa mang tính xã hội và thường xuyên biến đổi. Nó như là phương thức sống của con người trong một xã hội nhất định.

- Cấu trúc chiều sâu (được gọi là cơ tầng) là cấu trúc bên trong của văn hóa, ít biến đổi. Ta gọi là hằng số, là yếu tố tĩnh của văn hóa. Nó là cái gốc điều chỉnh mọi sinh hoạt đời sống giữ cho xã hội tính liên tục và tính ổn định và nằm sâu trong tâm thức, trong đức tin tâm linh của con người khắc họa nên bản sắc văn hóa của tộc người này khác với tộc người khác.

Giữa biểu tầng và cơ tầng có mối quan hệ tương tác: Biểu tầng thường xuyên biến đổi dù có hỗn loạn và ngẫu nhiên vẫn theo một trật tự nhất định nào đó. Cái quy định sự biến đổi đó vừa trực tiếp vừa gián tiếp chính là hệ giá trị nằm sâu dưới cơ tầng. Còn cơ tầng tuy ít biến đổi, nhưng do sự tác động của sự biến đổi trên biểu tầng cho nên cơ tầng cũng biến đổi theo dù rất chậm rãi. Do đó văn hóa không phải là cái gì nhất thành bất biến mà cũng như mọi sự vật đều biến đổi. Khác với những biến đổi chính trị, kinh tế… là những biến đổi mang tính bột phát, cách mạng, còn biến đổi văn hóa mang tính tiệm tiến vì văn hóa là sự kế thừa và phải thỏa mãn những nhu cầu bất biến của con người. Đó chính là mối quan hệ giữa tính liên tục và sự đứt đoạn, giữa truyền thống và cách tân.

2) Trên bình diện cấu trúc bề mặt – hay biểu tầng người ta có thể phân loại thành hai hệ thống: ký hiệu biểu thị và ký hiệu biểu tượng. Đương nhiên ở đây không thể vạch một ranh giới rạch ròi mà có sự đan xen, lồng vào nhau và có mối quan hệ tương tác:

- Hệ thống ký hiệu biểu thị mang ý nghĩa trực tiếp thuộc tư duy khái niệm, tư duy khoa học. Đó là hệ thống ngôn ngữ, chữ viết, tư tưởng, khoa học công nghệ, hệ thống các ký hiệu xã hội như những thiết chế, những phù hiệu, biển hiệu… Những hệ thống này lại được chia thành những tiểu hệ thống (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội…).

- Hệ thống ký hiệu biểu tượng mang ý nghĩa gián tiếp bao gồm nghệ thuật, tôn giáo, phong tục tập quán… là những biểu tượng hàm nghĩa thuộc tư duy hình tượng. Đó là những biểu hiện của đức tin, đức nhân và cái đẹp. Người ta lại chia thành các tiểu hệ thống (như nghệ thuật ngôn từ, nghệ thuật phi ngôn từ…). Đó chính là những mặt chủ yếu của văn hóa.

Ngôn ngữ là một hệ thống ký hiệu đặc biệt, vừa là hệ thống ký hiệu biểu thị vừa là hệ thống ký hiệu biểu tượng (vì nó được dùng làm chất liệu để xây dựng hình tượng – vừa có nghĩa đen vừa có nghĩa bóng).

3) Trên bình diện cấu trúc chiều sâu (cơ tầng). Đó chính là những đức tin tâm linh, những hệ thống giá trị. Giá trị phổ quát của văn hóa là chân – thiện – mỹ, trong đó cái Đẹp hướng con người tới lý tưởng, tới sự hoàn thiện hoàn mỹ và cái thiêng, cái thánh thiện. Do đó cái Đẹp được xem là hệ giá trị cao nhất, là cứu cánh của văn hóa, là chuẩn mực bao quát nhất cho tính nhân văn để đánh giá và định hướng cho sự phát triển của con người. Vì vậy, khi nói nguyên lý sáng tạo văn hóa không phải bất cứ hoạt động nào của con người mà chỉ nói tới “những hành vi người, chứa đựng trong bản thân chúng cú sốc sáng tạo căng thẳng, đột phá vào không gian tinh thần mới, đọc được ý nghĩa trong thế giới bao quanh, không ngừng sản sinh ra những vật thiêng, những giá trị” mang tính trường tồn (P. X. Gurevits). Còn kết quả của văn hóa đã được “vật chất hóa” trong những cơ chế cụ thể, những di tích, kiến trúc, công cụ lao động… thì người ta thường xếp vào văn minh, mặc dù không thể phân biệt một cách tuyệt đối giữa văn hóa và văn minh.

Các giá trị được chắt lọc và được kết tinh thành truyền thống của mỗi dân tộc, được cộng đồng lựa chọn tạo nên bản sắc dân tộc và được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Truyền thống như sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử, được gạn đục khơi trong để chỉ giữ lấy những gì là linh thiêng, là tinh hoa, là vốn quý của dân tộc giúp cho dân tộc đó phát triển trong cộng đồng nhân loại.

Do đó muốn các thành viên của cộng đồng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những người quản lý văn hóa không thể áp đặt cấm đoán người ta thay đổi trên cấu trúc bề mặt (vì ở đâu có áp đặt ở đấy có chống áp đặt), ngược lại phải cổ vũ và giáo dục họ tiếp nhận và sáng tạo cái mới, không ngừng đổi mới. Điều quan trọng là phải làm cho họ nhận thức được những đức tin, những giá trị và chuẩn mực để họ tự định hướng, tự điều chỉnh mọi hành vi và ứng xử một cách tự giác. Theo quan niệm của Bác Hồ thì “phải làm cho văn hóa vào sâu trong tâm lý quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Văn hóa phải làm thế nào cho nhân dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng. Văn hóa phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam, từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình và biết hưởng hạnh phúc của mình nên hưởng”.

4) Sự biến đổi văn hóa.

- Con người và văn hóa không nằm ngoài quy luật vận động và biến đổi của tạo hóa. Một trong những nguyên nhân của sự biến đổi văn hóa là do sự giao lưu tiếp xúc với các nền văn hóa khác nhau. Ở đây có sự gặp gỡ những kiểu lựa chọn khác nhau và diễn ra sự giao thoa, sự pha trộn văn hóa, dẫn đến độ khúc xạ khác nhau, làm cho văn hóa đổi mới.

- Khác với giao lưu văn hóa – sự gặp gỡ giữa các yếu tố văn hóa và làm phong phú thêm cho mỗi nền văn hóa, còn tiếp xúc văn hóa diễn ra trong một thời gian dài giữa hai mô hình văn hóa và kết quả là sự biến đổi mô hình văn hóa đi vay mượn.

Tiếp xúc văn hóa có thể diễn ra dưới trạng thái áp đặt hay tự nguyện nhưng kết quả đều dẫn tới sự biến đổi mô hình văn hóa. Vấn đề là phải nghiên cứu cách biến đổi văn hóa của mỗi dân tộc trong quá trình tiếp xúc.

Nền văn hóa Việt Nam từ thời lập quốc cho đến ngày nay là một nền văn hóa gồm hai dòng thống nhất trong một cấu trúc và có tác động lẫn nhau: yếu tố ngoại sinh được dân tộc hóa và yếu tố nội sinh được hiện đại hóa.

Dòng văn hóa bác học thời cổ đại và dòng văn hóa hiện đại là dòng văn hóa chịu nhiều ảnh hưởng ngoại lai và chiếm vai trò chủ đạo trên biểu tầng.

Dòng văn hóa dân gian thời cổ đại rồi dòng văn hóa dân tộc thời hiện đại đã bảo lưu được những yếu tố truyền thống và là cơ tầng của nền văn hóa Việt Nam.

II. VĂN HÓA VIỆT NAM – NƠI HỢP LƯU CỦA KHU VỰC VÀ THẾ GIỚI (những bài học lịch sử)

1) Văn hóa Việt Nam – một nền văn hóa đa sắc tộc.

Không có ngoại lệ, các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, từ cổ đại cho đến ngày nay đều là những quốc gia đa dân tộc, đồng thời một dân tộc có thể sống trên nhiều quốc gia. Điều này dẫn tới hai mối quan hệ: Một là, trong quá trình tích hợp văn hóa tộc người thành một cấu trúc dân tộc trong một quốc gia gồm một dân tộc chủ thể và các dân tộc ít người, giải quyết mối quan hệ biện chứng giữa dân tộc chủ thể và dân tộc ít người, giữa các dân tộc với nhau là một quốc sách vô cùng quan trọng có thể nói là hàng đầu của Việt Nam. Hai là, dù có phân chia thành biên giới quốc gia, trong khi phải đảm bảo chủ quyền, nhưng vẫn không thể ngăn cản mối quan hệ đồng tộc của họ bên nước bạn. Xây dựng tình đoàn kết dân tộc trong một quốc gia đồng thời cần phải quan tâm đến xu thế hòa hợp hội nhập dân tộc trong khu vực và quốc tế. Điều đó có nguyên nhân sâu xa trong lịch sử khu vực Đông Nam Á. Tại đây đã diễn ra quá trình hội tụ - phát tán dẫn đến những phức thể văn hóa mới chung cho toàn vùng. Bước hội tụ sau cao hơn bước hội tụ trước đồng thời cũng để lại nhiều sắc tộc, nhiều dấu ấn địa phương khác nhau. Do đó, đặc trưng của văn hóa Đông Nam Á là “thống nhất trong đa dạng”([3]) và quá trình hội tụ bắt nguồn từ những trung tâm khác nhau nên nó không mang tính đơn tuyến trong sự biệt lập, mà là đa tuyến trong sự tiếp xúc đan xen nhiều chiều, tạo nên những đường đồng quy, những cơ chế văn hóa tộc người đa thành phần.

Việt Nam có thể nói là một Đông Nam Á thu nhỏ. Nói một cách khái quát văn hóa Việt Nam là một phức thể gồm ba yếu tố: văn hóa núi, văn hóa đồng bằng và văn hóa biển, trong đó yếu tố đồng bằng tuy có sau nhưng đóng vai trò chủ đạo. Việt Nam cũng là nơi hội tụ đủ các bộ tộc thuộc tất cả các dòng ngôn ngữ Đông Nam Á: Nam Á, Nam Đảo, Tày Thái, Tạng Miến. Điều khác biệt cho phép chúng ta nhận diện văn hóa Việt Nam chủ yếu là do bức tranh cấu tạo tộc người với nền văn hóa của họ và quá trình tích hợp văn hóa để hình thành nền văn hóa quốc gia dân tộc mang tên là Việt Nam. Quả thật chỉ có ở Việt Nam trong khung cảnh Đông Nam Á mới có một bức tranh đa dạng, đa sắc, đa hương, đa vị như vậy, với những gam màu đậm nhạt khác nhau: nơi giầu chất núi, nơi thấm đượm chất biển, nơi mỡ màng chất đồng bằng. Nói cách khác, cũng là mầu xanh nhưng có xanh núi rừng, xanh màu lúa, xanh nước biển. Hơn thế nữa, ở đây không chỉ có “đa” mà còn có “ẩn” trong ký ức thời gian. Thời gian đã dệt nên những bức màn lịch sử với bao sự biến động thăng trầm.

Trước đây do cách nghiên cứu tách biệt, nên chúng ta đã mô tả văn hoá các dân tộc ít người một cách rời rạc, không có mối liên hệ, nhất là với người Kinh - dân tộc chủ thể đã có vai trò to lớn trong lịch sử văn hoá dân tộc, cho nên không phát hiện ra quá trình tích hợp văn hoá Việt Nam. Chúng ta nói về người Tày Thái giỏi lúa nước, nhưng không biết họ đóng góp vào văn hoá lúa nước của Việt Nam như thế nào; nói người Chàm giỏi biển, nhưng không nói họ đã đóng góp cách nhìn và ứng xử với biển của người Việt ra sao... Nếu ngày nay chúng ta nói văn hóa Việt Nam là một phức thể gồm có yếu tố núi, đồng bằng và biển, thì đó là nói tới sự đóng góp của các dân tộc mà người Kinh – một cư dân đồng bằng đã tích hợp được để cùng với các dân tộc dệt nên bức tranh đa dạng của văn hóa Việt Nam ngày nay.

Còn người Việt là ai? Họ từ đâu tới? Theo kết quả nghiên cứu của mình, tôi và GS Hà Văn Tấn đã đưa ra một giả thiết như sau: vào khoảng thiên niên kỷ thứ hai trước Công nguyên, do sự dồn toa từ phương Bắc xuống, do sức ép của sự phát triển dân số vùng núi và chân núi trên các bậc thềm cổ quá hẹp của các dòng sông, và nhất là, do sự kích thích của năng suất lúa nước và cuộc sống tương đối ổn định của xã hội nông nghiệp lúa nước đã được người Tày cổ thể nghiệm thành công ở các vùng thung lũng hẹp chân núi, hàng loạt các tộc người nhất là cư dân Môn Khmer miền Bắc Đông Dương – cư dân Tiền Việt Mường – những người làm rẫy trên núi đã ào ạt xuống vùng trũng quanh vịnh Hà Nội và đã cộng cư với người Tày cổ sống tại đây. Họ đã áp dụng mô  hình kinh tế xã hội lúa nước của người Tày vào việc khai phá châu thổ Sông Hồng với việc quai đê lấn biển theo phương thức: cây cói đi trước lúa nước theo sau. Quá trình đó đã hình thành một cộng đồng mới: cư dân Việt Mường, chủ nhân của tiếng Việt Mường chung. Ngôn ngữ Việt Mường chung là kết quả của sự tích hợp nhiều ngôn ngữ ở Đông Nam Á, nhưng sự giao thoa ngôn ngữ ở đây được thể hiện chủ yếu trên cơ tầng Môn Khmer và được vận hành mô phỏng theo cơ chế ngôn ngữ Tày – Thái. Vì thế xét về quan hệ cội nguồn, như A. G. Haudricourt đã phục nguyên, thì tiếng Việt Mường có gốc Môn Khmer, nhưng nếu xét về quan hệ tiếp xúc (loại hình) như H. Maspéro đã phân tích thì ngôn ngữ Việt Mường đồng dạng về mặt cấu trúc giống hệt tiếng Tày. Với những cứ liệu mới của các ngôn ngữ Mày, Rục, Sách,… tôi đã dựng lại quá trình như đã trình bày. Và qua cứ liệu ngôn ngữ tôi đã phát hiện ra, trong ngôn ngữ Việt Mường chung còn ghi lại mô hình văn hóa – xã hội lúa nước với một hệ thống từ vựng chung giữa Tày và Việt. Điều này không có trong các ngôn ngữ Tiền Việt Mường… Vì thế, chúng tôi đã đi đến một nhận thức chung rằng, người Việt là cư dân đồng bằng châu thổ làm lúa nước. Họ rất giỏi về phương diện này nhưng kém nhạy cảm với môi trường rừng núi (theo họ là nơi “rừng thiêng nước độc”, “khỉ ho cò gáy”) cũng như môi trường biển (đứng trước biển họ chỉ biết quai đê lấn biển làm thành ruộng lúa). Nằm ở vùng châu thổ nơi hội tụ cả rừng và biển, ở giữa ngã tư đường của sự giao lưu khu vực và quốc tế, người Việt đã tiếp nhận nhiều nền văn hóa và có một khả năng: biến cái của người khác thành của mình và có khả năng thích nghi và rất năng động. Suốt thiên niên kỷ thứ nhất sau Công nguyên, khi tiếp xúc với văn hóa Hán, bộ phận lớn cư dân Việt Mường vùng đồng bằng (kẻ chợ) đã dần dần biến đổi theo hướng Hán hóa, bộ phận còn lại ở vùng cao (miền ngược) ít biến đổi và dần dần tách thành người Việt và người Mường. Thế kỷ thứ X người Việt giành lại nền độc lập từ tay người Hán và trở thành dân tộc chủ thể của nhà nước Đại Việt và họ đã thi hành sứ mệnh của mình là Đoàn kết tất cả các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, và mỗi dân tộc lại xây dựng quê hương của mình trong phạm vi phân bố từ núi rừng đến đồng bằng, duyên hải và đảo.

2) Lịch sử văn hóa Việt Nam qua tiếp xúc và giao lưu với thế giới.

Nhà nước Đại Việt từ lúc ra đời cho đến hôm nay đã có ba lần tiếp xúc và biến đổi mô hình văn hóa của mình.

- Tiếp xúc với văn hóa Hán để hình thành và xây dựng mô hình văn hóa quốc gia dân tộc trên cơ tầng Đông Nam Á và mô phỏng theo mô hình văn hóa Trung Hoa xưa suốt cả trong thời kỳ cổ đại, để xây dựng một quốc gia văn hiến, khu biệt với văn hóa Hán, như Nguyễn Trãi đã viết:

“Nhớ Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng Văn hiến đã lâu

Sơn hà cương vực đã chia

Phong tục Bắc Nam cũng khác…”

Người Việt và các dân tộc đã bản địa hóa mô hình văn hóa Hán và cả văn hóa Ấn Độ theo tâm thức của mình. Nhà nước Đại Việt sau này cũng đã tích hợp trong lòng nó các nền văn hóa chịu ảnh hưởng Ấn Độ: văn hóa Phù Nam, văn hóa Champa. Vì vậy có thể xem Việt Nam là nơi hội tụ các văn hóa châu Á, và ở đây đã tạo nên một nền văn hóa quốc gia dân tộc gồm hai dòng: văn hóa bác học chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán (chủ đạo) và Ấn Độ, văn hóa dân gian bảo lưu các yếu tố văn hóa dân tộc với mối quan hệ tác động qua lại trong một thể thống nhất.

- Tiếp xúc với văn hóa Pháp và phương Tây để hiện đại hóa nền văn hóa dân tộc. Đây là nơi diễn ra cuộc tiếp xúc Đông – Tây mà ngày nay mang tính chất toàn cầu. Quá trình hiện đại hóa ấy dù trong hoàn cảnh thống trị của chủ nghĩa thực dân, đã được định hướng mô phỏng mô hình văn hóa phương Tây bằng cách du nhập các yếu tố ngoại sinh và biến đổi chúng theo một trật tự từ sao phỏng, mô phỏng đến Việt hóa. Đồng thời với các yếu tố nội sinh thì cũng đi qua ba bước từ giải thể cấu trúc rồi tái cấu trúc theo hướng hiện đại để cuối cùng hiện đại hóa chúng trong một mô hình văn hóa vừa dân tộc vừa hiện đại. Ở đây lại hình thành một nền văn hóa với cấu trúc gồm hai dòng: văn hóa dân tộc (hội nhập cả hai dòng văn hóa truyền thống: dân gian và bác học) và văn hóa hiện đại (những yếu tố ngoại sinh đã được Việt hóa) và có mối quan hệ tác động qua lại đưa văn hóa truyền thống của Việt Nam đi vào văn hóa hiện đại của thế giới.

- Tiếp  xúc với văn hóa xã hội chủ nghĩa để định hướng cho nền văn hóa Việt Nam đi vào quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Nền văn hóa này được chỉ dẫn bởi tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là một nền văn hóa tiên tiến vừa giữ được bản sắc dân tộc vừa hiện đại hóa theo trào lưu chung của quốc tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Người Việt Nam đi lên hiện đại bằng căn cước dân tộc.

Ta có sơ đồ tiếp xúc văn hóa như sau:

                                    Cấu trúc văn hóa hiện đại

 

          Yếu tố ngoại sinh                                  Yếu tố nội sinh

               Sao phỏng                                            Tháo rời

               Mô phỏng                                             Tái cấu trúc

               Dân tộc hóa                                          Hiện đại hóa

       
     

 

 

 

                                             Đặc trưng

                                    Vừa dân tộc vừa hiện đại

3) Những thách đố mới.

Ngày nay, nhìn trên tổng thể và toàn cục, loài người đang bước vào thế kỷ XXI với một bước ngoặt vĩ đại của lịch sử nhân loại. Sự chuyển hướng đó diễn ra dưới tác động sâu sắc, toàn diện của ba cặp các sự kiện vô cùng quan trọng.

Một là, hai sự chuyển hướng chiến lược toàn cầu: sự chuyển hướng chiến lược từ đối đầu chạy đua vũ trang sang đối thoại cùng tồn tại hòa bình; sự chuyển hướng chiến lược từ châu Âu – Đại Tây Dương sang châu Á – Thái Bình Dương.

Hai là, hai cuộc cách mạng đồng thời: cuộc cách mạng khoa học công nghệ thần kỳ chuyển từ nền văn minh công nghiệp sang nền văn minh tin học hóa (hay hậu công nghiệp); cuộc cách mạng xã hội chuyển từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội (hay hậu tư bản).

Ba là, hai quá trình đồng thời diễn ra trên phạm vi toàn thế giới. Đó là quá trình khu vực hóa và toàn cầu hóa.

Ba cặp các sự kiện nêu trên đã làm thay đổi tận gốc bộ mặt thế giới và ảnh hưởng trực tiếp đến từng khu vực, từng quốc gia và chỉ có thể bằng công nghệ tin học mới giúp chúng ta tính toán để tìm con đường phát triển. Trong điều kiện đó, không một quốc gia nào dù lớn hay nhỏ, dù phát triển hay đang phát triển lại có thể sống tách biệt với thế giới bên ngoài, ngược lại, mỗi quốc gia đều là thành viên không thể tách rời, cùng sống trong một mái nhà chung (trái đất) với những mối quan hệ tùy thuộc lẫn nhau (interdependance). Do đó, chúng ta phải đổi mới nhận thức, đổi mới tư duy để có thể hiểu sâu sắc thế giới và tự nhận thức được mình nhằm từ đó xác định “vị thế” của mình trong quan hệ quốc tế. Ứng xử phù hợp với “thân phận” (nói theo thuật ngữ xã hội học) nhất định sẽ mang lại hiệu quả cao. Đó là tính ưu việt của lý thuyết hệ thống. Tuy nhiên việc xác định vị thế của mỗi yếu tố không dễ dàng, đơn giản vì các yếu tố phụ thuộc vào sự biến đổi như vũ bão của thế giới, hơn nữa, mỗi con người, mỗi quốc gia đều bị khống chế trong điều kiện của chính mình với những tham vọng khó kiềm chế. Thái độ thích nghi trong điều kiện cộng sinh văn hóa là điều bắt buộc đối với tất cả mọi người, nếu chúng ta không muốn bị tụt hậu và bị đẩy ra ngoài lề của sự phát triển. Vì vậy nền học vấn thế kỷ XXI đề xuất ba yêu cầu mới nhằm khắc phục những bất cập của thế kỷ XX. Đó là: Kiến thức đồng bộ, tư duy phức hợp và phương pháp liên ngành.

Lối tư duy chuyên ngành đã “bứt” một khách thể ra khỏi môi trường của nó, tước bỏ các mối quan hệ rồi xếp một cách tùy tiện vào những ô của những bộ môn khoa học, phá vỡ tính hệ thống và tính đa chiều vốn có của các hiện tượng. Người ta gọi đó là tư duy cơ giới manh mún tuân theo những định luật nhân quả mang tính tất định và nhị nguyên. Với những khám phá khoa học mới cho phép loài người chuyển từ tư duy cơ giới sang tư duy phức hợp hay tư duy trong bối cảnh. Đó là cách xem xét đối tượng như là một cái toàn thể với những tính chất, hành vi thuộc về toàn thể và nói chung không thể quy về hoặc suy ra từ tính chất các yếu tố cấu thành, theo mối liên hệ hồi quy và toàn hình: Cái bộ phận nằm trong cái toàn bộ và cái toàn bộ nằm trong cái bộ phận. Để nhận dạng sự vật người ta phát hiện ra tính hợp trội (émeergence) mang đặc trưng toàn thể, tồn tại và phát triển trong các hệ thống mở và phi tuyến tính vừa có thể dẫn đến hỗn độn bất định, vừa có thể từ hỗn độn, tự tổ chức để chuyển sang một trật tự mới có tính tổ chức cao hơn. Do đó “trái đất là một khối tổng thể sinh học / nhân học phức hợp, trong đó sự sống nẩy sinh từ lịch sử của trái đất, và nhân loại nẩy sinh từ sự sống của trái đất” (E. Morin) và người ta đưa ra công thức tư duy toàn cầu / hành động địa phương và tư duy địa phương / hành động toàn cầu.

Trong thời kỳ chuyển biến vĩ đại này, các dân tộc, các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam đang phải vật lộn, bươn chải giữa dòng thác phát triển có nhiều cơ may nhưng cũng đầy những rủi ro cạm bẫy, đầy thách đố, mâu thuẫn giữa cái cũ và cái mới, cái của người và cái của ta. Công cuộc đổi mới này tuy không đẫm máu như trong điều kiện chiến tranh nhưng cũng buộc chúng ta phải chấp nhận, phải trả giá, có gan từ bỏ những gì không còn phù hợp dù rất đau đớn để biến đổi truyền thống dân tộc theo hướng hiện đại. Có thể nói chúng ta là một dân tộc rất tài ba và dũng cảm trong quá khứ, nhưng lại bất cập trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Theo tôi nghĩ, muốn tiến nhanh kịp các nước phát triển, chúng ta không có con đường nào khác là phải biết sử dụng và khai thác lợi thế của người đi sau. Các dân tộc trong nước cũng vậy, và Việt Nam trên trường quốc tế cũng vậy!

III. HỘI NHẬP ĐÔNG – TÂY: NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

1. Sự hội nhập Đông – Tây.

- Nếu như trước đây trong thế trận đối đầu giữa Đông và Tây dẫn tới sự loại trừ lẫn nhau thì ngày nay thế giới đang đi vào đối thoại cùng tồn tại hòa bình, nhân loại đang cổ vũ cho xu thế hội nhập Đông – Tây và bổ sung cho nhau. Hơn thế nữa, thế giới đang chuyển từ châu Âu – Đại Tây Dương sang châu Á – Thái Bình Dương. Vì vậy sự hiểu biết sâu sắc về bản chất văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây là cần thiết. Thế kỷ XX người châu Á đi tìm những giá trị châu Âu để Âu hóa, thì cuối thế kỷ XX người châu Âu lại đi tìm những giá trị châu Á để hội nhập.

Ta có thể dùng sơ đồ sau đây để so sánh và tìm mối tương đồng và khác biệt giữa hai nền văn hóa lớn nhất của thế giới. Sơ đồ được bắt đầu từ quan niệm con người: châu Âu chịu ảnh hưởng của Cơ đốc giáo coi con người là sản phẩm hoàn chỉnh nhất của Chúa, còn tự nhiên thì man rợ, con người phải sắp xếp lại. Do đó châu Âu coi con người là trung tâm. Còn phương Đông gắn con người với tự nhiên “nhân sinh tiểu vũ trụ”, coi con người là một thành viên của vũ trụ. Vì thế trong ứng xử với tự nhiên, xã hội con người dù phương Tây hay phương Đông đều ứng xử hai mặt cân bằng, những vì mỗi bên đều nghiêng về một mặt nào đó nên văn hóa khác nhau.

                                                                   CON

 

 

 

 

               Phương Đông                                                                  PhươngTây        

Thành viên của vũ trụ                                                                  Trung tâm của vũ trụ

 
   

 

 

 

                                                                     TỰ

                                                                 NHIÊN

 
   

 

 

 

         Hài hòa với thiên nhiên                     Thích nghi              Phát triển khoa học kỹ thuật

           Kém phát triển khoa                        Cải tạo                  Mất cân bằng môi trường

                 học kỹ thuật                                                                             

 
   

 

 

 

                                                                    XÃ

                                                                    HỘI

 
   

 

 

 

              Cộng đồng luận                         Cộng đồng                        Cá nhân luận

            Cộng đồng hài hòa                         Cá nhân                      Giải phóng cá nhân

        Kém giải phóng cá nhân                                                       Cộng đồng lỏng lẻo

 
   

 

 

 

                                                                     TƯ

                                                                   DUY

 
   

 

 

 

            Tư duy biện chứng                        Tổng hợp                 Tư duy khoa học duy lý

      Kém phân tích, ít khoa học                  Phân tích                         Tư duy cơ giới

 
   

 

 

 

                                                                    LỐI

                                                                  SỐNG

 
   

 

 

 

     Coi trọng đời sống tinh thần                  Tinh thần                 Coi trọng kinh tế, giàu có

            Ít thực dụng, nghèo                        Vật chất                      Ít quan tâm đến đời

                                                                                                       sống tinh thần

                                                        .

                                                        .

                                                        .

Từ sơ đồ so sánh hết sức sơ lược trên đây, chúng ta có thể rút ra một số               kết luận:

Là CON – NGƯỜI dù phương Đông hay phương Tây đều có ứng xử hai mặt cân bằng, nhưng tùy theo sự lựa chọn nghiêng

về một phía nào đó mà mỗi nền văn hóa có những mặt mạnh và mặt yếu khác nhau, rất đa dạng phong phú. Do đó, không có

một nền văn hóa nào được phép xem là hoàn hảo, là cao hơn nền văn hóa khác.

Giữa hai nền văn hóa có một sự tương ứng theo trật tự: cái gì phương Tây mạnh thì phương Đông yếu, ngược lại cái gì

phương Đông mạnh thì phương Tây yếu.

Trong sự hội nhập Đông – Tây hiện nay, hai nền văn hóa có thể bổ sung cho nhau, chứ không loại trừ nhau hay thay thế lẫn

nhau. Hội nhập Đông – Tây phải được tiến hành theo phương châm: mỗi bên đều phải giữ cái bản thể của mình và trên cơ sở đó mà tiếp nhận cái mới, cái tinh hoa của người khác với mục đích làm tăng thêm sức sống chứ không để mất đi bản sắc của mình (nói theo cách của người Nhật Bản là “Đông học vi thể, Tây học vi dụng”).

Muốn hội nhập Đông – Tây mỗi dân tộc đều cần có thái độ khoan dung (tolérance) tức là chấp nhận cái khác mình nơi người khác, để người khác chấp nhận cái khác họ nơi mình. Nhân loại sống trong hòa bình hữu nghị với sự cộng sinh văn hóa và tôn trọng lẫn nhau.

2. Lợi thế của người đi sau và những định hướng cho sự phát triển.

Đối với các nước đang phát triển muốn theo kịp thế giới để không bị tụt hậu, thì không có một con đường nào khác là phải sử dụng tối ưu phép lợi thế của người đi sau.

Lợi thế của người đi sau thể hiện trên hai phương diện:

- Người đi sau có thể “đứng trên vai người khổng lồ” mà tiến. Họ được phép lựa chọn những giải pháp tiên tiến nhất của thời đại kết hợp với truyền thống tốt đẹp nhất của dân tộc để đưa đất nước đi vào guồng máy phát triển của thế giới.

Trong điều kiện khoa học công nghệ hiện nay, lợi thế lớn nhất của người đi sau là việc chuyển giao công nghệ. Người ta có thể lựa chọn những công nghệ mới nhất và thích hợp nhất để công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

- Lợi thế quan trọng của người đi sau là sự kết hợp giữa những yếu tố của nền văn minh nông nghiệp với những yếu tố của nền văn minh hậu công nghiệp, tức là kết hợp giữa quá khứ với tương lai để xây dựng một hiện tại tốt đẹp hơn.

Điều này theo dự báo của Allvin Toffler trong cuốn “Làn sóng thứ ba”. Đó là sự xuất hiện mối trùng hợp lạ lùng giữa các xã hội của đợt sóng thứ nhất (văn minh nông nghiệp) với nền văn minh của đợt sóng thứ ba (văn minh hậu công nghiệp hay văn minh tin học). Những nét đó là: Sản xuất phân tán theo quy mô thích hợp; đổi mới và đa dạng hóa năng lượng; giải đô thị hóa; làm việc tại nhà; trình độ cao về tiêu dùng…

Điều đó cho phép những nước đang phát triển sử dụng những mặt mạnh của mình (mà trước đây dưới con mắt của nền văn minh công nghiệp được xem là lạc hậu), kết hợp với những mặt mạnh của nền văn minh hậu công nghiệp để đi vào hiện đại. Ví như từ nền nông nghiệp sinh thái truyền thống tiến thẳng lên nền nông nghiệp sinh thái hiện đại hóa, không đi qua giai đoạn nông nghiệp hóa học hóa của nền văn minh ống khói! Từ đó người ta có thể phác họa một chiến lược phát triển dựa vào: 1) Công nghiệp nông thôn, ít vốn, hướng về làng mạc; 2) Công nghệ cao, được lựa chọn để tạo nên sự cân bằng mới giữa khoa học công nghệ tiên tiến với những đồng cỏ, những làng mạc đầy thơ mộng... một sự thay đổi ít đau khổ hơn; 3) Nền văn hóa coi trọng sự cân bằng với tự nhiên, với xã hội… nhằm khai phá những khả năng tiềm ẩn của con người, coi con người là cứu cánh chứ không phải là phương tiện. Và như vậy văn hóa sẽ trở thành động lực và hệ điều tiết của sự phát triển xã hội theo hướng an sinh, bền vững.

IV. KẾT LUẬN

1. Người ta nói thế kỷ XXI là thế kỷ của văn hóa, thế kỷ của xã hội tri thức, của toàn cầu hóa và đưa ra nhiều kịch bản khác nhau: văn hóa và phản văn hóa, đối thoại và xung đột. Nhân loại đang cổ vũ cho sự đa dạng văn hóa và đối thoại văn hóa để xây dựng một nền văn hóa của toàn hành tinh với tất cả những bản sắc văn hóa khác nhau của các cộng đồng.

Cách đây 4 năm (tháng 12/2004) ở Hà Nội đã diễn ra cuộc Hội nghị cấp Bộ trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương với hơn 200 nhà khoa học, nhà văn hóa, giáo dục tham dự với tiêu đề “Đối thoại giữa các nền văn hóa và văn minh vì hòa bình và phát triển bền vững” và đã thông qua “Tuyên bố Hà Nội” với sự nhấn mạnh vai trò của văn hóa, vai trò của giáo dục, việc thiết lập mạng lưới và sự cam kết của các chính phủ.

2. Ở nước ta, văn hóa được đặt cạnh phát triển để xây dựng cuộc sống được cân bằng và văn hóa phải đảm đương chức năng giáo dục, giáo dưỡng con người theo mục tiêu của Đảng và Nhà nước ta: tất cả vì con người – xây dựng xã hội có dân trí cao, có tự do dân chủ và bình đẳng theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Do đó, trong thế kỷ mới văn hóa Việt Nam sẽ mang dấu ấn của thời đại: Đó là xu thế toàn cầu hóa để đưa Việt Nam đi vào quỹ đạo phát triển của thế giới. Chúng ta với một tinh thần khoan dung, chấp nhận cộng sinh văn hóa với một thái độ thích nghi. Dù tình hình có thay đổi như thế nào, thì với lối ứng xử như vậy sẽ  giúp dân tộc ta đi vào dòng thác phát triển của nhân loại, tự mình làm phong phú thêm bản sắc, bản lĩnh văn hóa đồng thời khẩn trương kiên quyết từ bỏ những nếp nghĩ, nếp sống không còn phù hợp. Cuộc chiến tranh của Việt Nam kéo dài do đó cái không bình thường đối với chúng ta lại là bình thường. Muốn phát triển bình thường phải bình thường hóa mọi mặt của cuộc sống. Bình tĩnh, tự tin và khẩn trương hội nhập, không thể “sốt ruột” rồi tự dày vò mình và do dự trước sự biến đổi của tình hình.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Hêgen. Mỹ học (bản tiếng Việt), 2 tập. Nxb Văn học, Hà Nội, 1999.

Nhiều tác giả. Văn hóa học và văn hóa thế kỷ XX. Viện Thông tin khoa học xã hội, Hà Nội, 2001.

Nhiều tác giả. Văn hóa học đại cương và cơ sở văn hóa Việt Nam. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996.

E. B. Taylor. Văn hóa nguyên thủy. Tạp chí Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật, Hà Nội, 2001.

Konrat N. Phương Đông và phương Tây (bản tiếng Việt). Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997.

Edgar Morin, Anne Brigitte Kern. Trái đất tổ quốc chung – Tuyên ngôn cho thiên niên kỷ mới. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2002.

Edgar Morin. Tri thức về tri thức – Nhân học về tri thức. Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2006.

Alvin Toffler. Đợt sóng thứ ba. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996.

F. De Saussure. Giáo trình ngôn ngữ học đại cương. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1973.

Rozdextvenski. I.U. V. Những bài giảng ngôn ngữ học đại cương. Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997.

M. De Bruyne, J. Herman, M. De Schouthrete. Động thái nghiên cứu khoa học xã hội. Ban chủ nhiệm đề tài KX – 06, Hà Nội, 1992.

Phan Ngọc. Một nhận thức về văn hóa Việt Nam. Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007.

Cao Xuân Huy. Tư tưởng phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995.

Phạm Đức Dương. Việt Nam – Đông Nam Á: Ngôn ngữ và văn hóa. Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



[1] Xem Nguyễn Duy Quý (chủ biên). Đạo đức xã hội ở nước ta hiện nay: vấn đề và giải pháp. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2007.

[2] Trích theo Phạm Việt Hưng. Đâu là lời giải bài toán đạo đức. Tạp chí Khoa học và Tổ quốc, số tháng 2/2008.

[3] Nói theo câu châm ngôn của Mpu Tantular, nhà thơ cung đình của vương triều Môjôphít thế kỷ 14 – 15: “bhinneka tunggal ika”. Câu châm ngôn trên ngày nay được ghi trên quốc huy nước Cộng hòa Indonesia.

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 


 

 


 

 


 

 


 

 


 

 


 

 


 

                                                                 NGƯỜI

 

 

 

 

 


 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114444150

Hôm nay

292

Hôm qua

2309

Tuần này

21963

Tháng này

219324

Tháng qua

112676

Tất cả

114444150