Góc nhìn văn hóa
Nước mắt đàn ông ở Trung Quốc thời Tống (960-1279) - Kỳ II
Ảnh minh họa ( Nguồn Internet)
…
III. Nước mắt nam nhân, nước mắt nam tính
Trong bài viết này, tôi tập trung vào nước mắt nam nhân bởi rất dễ nhận thấy đàn ông rơi lệ trong các văn bản thời Tống, và cũng bởi những nam tử đó kỳ thực đều xem việc khóc là một trải nghiệm mang tính định giới khi là nam nhân. Phần lớn tư liệu thời Tống về khóc đều nói về đàn ông và do đàn ông viết nên. Di kiên chí 夷堅志 - tác phẩm bút ký quy mô nhất của thời Tống hiện còn đã cho thấy một cách cụ thể sự nổi bật của nước mắt đàn ông. Tác giả Hồng Mại 洪邁 (1123-1202) - một học giả - viên quan là nam giới, đã ghi lại 200 trường hợp khóc, 84 trường hợp trong số đó (chiếm 42%) thuộc về đàn ông. Trong khi đó, phụ nữ chiếm 25% các trường hợp rơi lệ, còn trẻ con chiếm 4%[1].
Hình 1. Sự phân bố của nước mắt trong Di kiên chí.
(Căn cứ trên Hồng Mại, Di kiên chí trong Chu Dịch An, Phó Tuyền Tông
và Chu Thường Lâm (Biên soạn), Toàn Tống bút ký, Tập 9, Quyển 3-7)
Chắc chắn, hiện tượng trên văn bản này không chứng tỏ rằng đàn ông, trên thực tế, hay khóc hơn phụ nữ. Việc đàn ông chiếm ưu thế trực tiếp phản ánh sự mất cân bằng giới tính trong việc tái hiện bằng văn chương cũng như một sự chiếm dụng mang tính chất định giới của đàn ông đối với hành vi khóc - vấn đề mà tôi sẽ nói cụ thể trong phần sắp tới.
Sự dễ thấy của nước mắt đàn ông cũng gắn với một thủ tục cụ thể trên thực tế, đó là tang lễ 喪禮 và “nghi thức khóc” phức tạp của nó[1]. Theo nghi lễ, nam nhân thời Tống bắt buộc phải khóc trong những hoàn cảnh nhất định, với một số người đàn ông (chẳng hạn người đứng đầu trong gia đình) được kỳ vọng là người chủ đạo trong việc gào khóc, khóc trước và khóc thường xuyên hơn những thành viên nữ trong gia đình[2]. Vai trò chủ đạo mà nam nhân đảm nhận trong việc gào khóc ở nghi lễ không phải là điều bất thường, vì những nghi thức của phần lớn các loại hình vẫn là hoạt động của nam giới, nơi mà phụ nữ tham gia với vai trò phụ trợ (nếu họ tham gia hoàn toàn). Tang lễ đem đến một bối cảnh thực tế mà tại đó, cảnh tượng đàn ông gào khóc diễn ra công khai và là một khung khổ có liên quan đến quyền thế - thứ định nghĩa nước mắt theo vai trò và quyền lực của người đàn ông.
Rõ ràng là từ ví dụ về tang lễ, nước mắt gắn với nam giới mang những giá trị tích cực đặc biệt. Thật vậy, tôi cho rằng việc đàn ông rơi lệ là một trải nghiệm mang tính định giới và biểu thị nam tính. Nam tính, như cách diễn đạt khéo léo của Mark Stevenson, là “những người đàn ông tồn tại với tư cách đàn ông với nhận thức rằng họ đang làm tốt hoặc tốt hơn việc mà những người đàn ông khác khao khát thực hiện được”[3]. Phiên bản nam tính mà tôi đang thảo luận là nam tính của những nam nhân tinh hoa thời Tống, những văn nhân thay thế tầng lớp quý tộc để trở thành tầng lớp tinh hoa mới cạnh tranh bằng học vấn xuất chúng chứ không phải bằng huyết thống. Họ đồng thời là những học giả định ra các chuẩn mực văn hóa của các thời đại và những chính khách với quyền lực chính trị vượt trội. Nam tính của kẻ sĩ là hệ thống định hình những thực hành xã hội để chiếu ứng với phiên bản nam tính của họ, và khóc là một trong số những thực hành đó.
Có hai đặc điểm khái quát đáng chú ý ở hình mẫu nam tính này và những giọt lệ của nam nhân mà hình mẫu ấy quy định. Đặc điểm đầu tiên liên quan đến quyền lực. Nam tính trong một xã hội nhất định ở dạng số nhiều và mang tính phân cấp, và phẩm tính đàn ông của những người nắm quyền lực và hiện diện như thể chuẩn mực của xã hội tồn tại một cách nổi bật với tư cách thứ nam tính được gọi là bá quyền[4]. Kẻ sĩ sử dụng quyền lực chính trị - xã hội rộng lớn hơn các đối tượng khác thời Tống, bao gồm phụ nữ và cả những nam nhân “kém cỏi hơn”, và hình ảnh bản thân[5] của họ kỳ thực mang tính bá quyền hơn những loại nam tính khác ở thời Tống[6]. Quyền lực nằm ở vị trí trung tâm trong nam tính của kẻ sĩ, vì nó được thiết kế bởi “một người đàn ông trong quyền lực, một người đàn ông với quyền lực và một người đàn ông của quyền lực”[7]. Theo đó, trái ngược với việc gắn nước mắt với sự yếu đuối ở thời hiện đại, đàn ông thời Tống khóc để biểu thị và củng cố vị thế thống trị. Nước mắt thường xuất hiện ở những nơi mà các nam nhân tinh hoa thực hiện sự thống trị của họ một cách chủ động nhất, như ở chính quyền chuyên chế và trên chiến trường - hai bối cảnh chính mà tôi thảo luận trong bài viết này.
Một sắc thái mà tôi muốn nhấn mạnh về quyền lực mang tính bá quyền của kẻ sĩ có liên quan đến mối quan hệ của họ với quân vương. Chắc chắn, hoàng đế và kẻ sĩ đều thuộc tầng lớp nam nhân tinh hoa mà tôi đang bàn đến, và họ đều biểu thị một thứ nam tính bá quyền chung từ thời này sang thời khác. Sau tất cả, họ làm việc cùng nhau nhằm duy trì và thúc đẩy nền thống trị của chính quyền phong kiến. Như tôi sẽ trình bày trong phần V, hoàng đế kỳ thực cũng có những thời điểm cùng rơi lệ với kẻ sĩ và thiết lập nên những giá trị tương tự về nam tính.
Tuy nhiên, tôi nhận ra rằng kẻ sĩ đóng vai trò tiên quyết trong việc thực hành thứ nam tính bá quyền này, vì vậy, tôi gọi đó là “nam tính của kẻ sĩ”. Các viên quan - học giả là những người sáng tạo và thực hành những giá trị đã phát triển đến đỉnh điểm ở thứ nam tính này. Hơn nữa, sự khác biệt về quyền lực giữa bậc quân chủ và kẻ sĩ nằm ở một yếu tố định hình thứ nam tính này và việc thực hành nó. Vừa là bề tôi của quân vương vừa là người thi hành quyền lực của chính quyền phong kiến, kẻ sĩ sử dụng quyền lực thống trị từ vị thế của cấp dưới. Trong một số trường hợp, hoàng đế là một phần của hoàn cảnh, chứ không phải một người đồng thực thi nam tính bá quyền - một luận điểm mà tôi sẽ trình bày ở phần IV.
Đặc điểm khái quát thứ hai ở nam tính của kẻ sĩ chính là sự thực hành đồng giới. Những học giả nghiên cứu về nam tính Trung Quốc nhất trí rằng đàn ông Trung Quốc trước thời kỳ hiện đại muốn có được sự khen ngợi phần lớn là từ những người đàn ông khác để xác lập phẩm tính đàn ông của họ. Như Susan Mann chỉ ra, các nam nhân tinh hoa trước thời kỳ hiện đại “dành phần lớn thời gian ngoài xã hội của họ cùng với những nam nhân khác, chứ không phải với phụ nữ”[8]. Thành ra nam tính “được phát biểu bằng giọng nam từ quan điểm của nam giới”[9], thứ hiếm khi gắn với sự hiện diện hay ý kiến của phụ nữ[10]. Điều này hoàn toàn đúng với hành vi khóc. Theo những tư liệu thời Tống cho thấy, hầu hết nước mắt mà đàn ông tiết ra đều hướng đến khán giả nam giới và chuyển tải những ý nghĩa do đàn ông ấn định gắn với những mối quan tâm của đàn ông. Như vậy, nam nhân rơi lệ hoàn toàn không phải là dấu hiệu của sự mềm hóa chủ nghĩa nam quyền, cũng không ngụ ý rằng đàn ông thời Tống nên được tung hô như “những người đàn ông đa cảm thời hiện đại”[11].
Chỉ với hai đặc điểm khái quát này, nước mắt của đàn ông thời Tống đã tạo nên một cơ chế văn hóa - thứ thiết lập giá trị cho một số khía cạnh của hành động khóc và định nghĩa việc khóc có ý nghĩa bằng những thuật ngữ đặc trưng cho giới nam và tầng lớp trí thức. Kẻ sĩ kết hợp nước mắt với những hoàn cảnh gắn bó mật thiết với các vai trò chính trị - xã hội của họ (một bề tôi trong chính quyền phong kiến chẳng hạn) và với những giá trị đặc thù trong chủ trương tư tưởng của họ (chẳng hạn như Nho giáo). Họ truyền dẫn một số giá trị và những thứ bị xem là vô giá trị trong một hiện tượng sinh lý là khóc và bằng cách đó, chiếm dụng nó như thể đó là đặc quyền của họ.
Các nam nhân tinh hoa đề cao nước mắt đàn ông bằng việc hạ thấp một số Kẻ Khác, chẳng hạn phụ nữ và những người đàn ông có nền tảng thấp hơn. Quá trình ngoại vi hóa trở nên gắn kết với một số phương thức khóc không được yêu thích, chẳng hạn khóc tru tréo một cách thiếu suy nghĩ và giả khóc để thao túng - những hành vi hoàn toàn nằm ngoài hệ hình khóc có ý nghĩa[12]. Chẳng hạn, trong Thái bình ngự giám, nhóm biên soạn chọn “đề [啼]” là từ mang ý nghĩa thấp kém khi nó miêu tả tiếng khóc tru tréo giống như động vật và không có hàm ý trí tuệ. Những người “khóc tru tréo”, theo văn bản này, bao gồm phụ nữ, trẻ con, người lùn, khỉ và lợn, tất cả đều thấp kém hơn so với một người đàn ông mẫu mực[13]. Trong một ghi chép, một nhóm nữ tì khóc tru tréo vì sợ hãi, việc này không cho thấy gì hơn ngoài sự yếu đuối thảm hại[14]. Diễn ngôn của các nam nhân tinh hoa cũng chuyển những giọt nước mắt mơ hồ về mặt đạo đức sang phía phụ nữ và những người đàn ông kém cỏi hơn, chẳng hạn những người thiếu vắng nền tảng cảm xúc thực sự hoặc bị xem là nhu nhược. Một số khuôn mẫu có nhân vật phụ nữ khóc vì sợ hãi hoặc nhỏ nước mắt cá sấu. Như nhận định nổi tiếng của Tử Cao 子高 (khoảng 550-470 TCN), “đàn bà và kẻ nhu nhược dùng nước mắt để khiến người khác thương hại” (phụ nhân nọa phu dĩ khấp trước ái 婦人懦夫以泣著愛)[15].
Việc tách biệt “chúng ta” với Kẻ Khác không ngụ ý một sự phân định ranh giới nghiêm ngặt, vì việc vượt qua ranh giới kỳ thực vẫn xảy ra khi những giọt lệ có ý nghĩa của một số phụ nữ đã tuôn rơi và một số nam nhân nhu nhược đã hoảng sợ đến mức ứa nước mắt. Tuy nhiên, xu hướng chung là những Kẻ Khác có thể được kết nạp vào cơ chế của những giọt lệ có ý nghĩa nếu họ nỗ lực tuân thủ các nguyên tắc, điều thường đồng nghĩa với việc lặp lại những giá trị của nam nhân tinh hoa trong các vai trò cấp dưới mà nam nhân tinh hoa đã ấn định[16]. Như những gì mà các ví dụ trong bài viết này sẽ cho thấy, sự hiện diện của nước mắt của phụ nữ và dân chúng thường là từ vị thế của kẻ phụ trợ được nam nhân tinh hoa lãnh đạo. Một đấng minh quân có thể rơi lệ khi lo lắng cho chính quyền để thể hiện tinh thần hữu trách của mình. Một vị hoàng hậu, với tư cách một người vợ và “người mẹ thông thái”[17], có thể tham gia vào việc trình diễn những cử chỉ sướt mướt đó như một người thay thế (xem phần IV). Tương tự, người dân bình thường có thể khóc vì ái quốc khi xảy ra chiến tranh giữa các nước với nhau, nhưng việc đó thường diễn ra như một tấm phông nền cho sự sướt mướt của các lãnh đạo nam giới (xem phần V).
Đôi khi, một Kẻ Khác là phụ nữ trở thành một người khóc mướn mẫu mực về mặt đạo đức, chẳng hạn Mạnh Khương 孟姜 - người phụ nữ khóc thương người chồng tử trận và làm Vạn lý trường thành sụp đổ bằng chính nước mắt của mình. Câu chuyện về nàng là một tích truyện cổ được nhào nặn lại rất nhiều lần và quen thuộc với công chúng thời Tống[18]. Tuy nhiên, những giọt lệ trứ danh của nàng vẫn không vượt qua được những hạn chế đã được nhắc đến trên đây. Nguyên nhân khiến Mạnh Khương than khóc thay đổi từ lần diễn giải này đến lần diễn giải khác. Những ghi chép sớm hơn thể hiện rằng đó là sự phản đối những hành vi phi lễ của nhà cầm quyền trong tang sự của chồng nàng, trong khi những ghi chép muộn hơn có xu hướng mô tả đó là nỗi buồn sâu sắc khi mất đi một thành viên trong gia đình[19]. Cách giải thích đầu tiên trình bày lại một motif vốn có liên quan đến nước mắt đàn ông; giới tính của Mạnh Khương khiến nàng trở thành một người trình diễn đáng chú ý cho chủ đề này nhưng chắc chắn nàng không phải là chủ nhân đồng đẳng của nó[20]. Với cách giải thích thứ hai, các tác giả nam giới đã mô tả nỗi buồn của nàng xuất phát từ vị trí của một người vợ và rõ ràng là người tòng thuộc, nàng than khóc cho quyền lợi của mình, đó là “phụ nữ phải có người để nương dựa vào” (phụ nhân tất hữu sở ỷ giả 婦人必有所倚者) và Mạnh Khương không may đã bị mất đi quyền lợi đó[21].
Phân tích về hành động khóc như một chủ đề liên quan đến nam tính cũng đòi hỏi sự tinh tế trong cách sử dụng các khái niệm về giới, đặc biệt là cặp nhị nguyên nam tính/nữ tính. Để những giọt nước mắt được nam tính hóa, người nữ chắc chắn phải trở thành Kẻ Khác, nhưng điều này không đem đến một sự dịch chuyển đơn giản khỏi nữ tính. Như Martin Huang đã sáng suốt chỉ ra, việc kiến tạo nam tính Trung Quốc bao hàm những sự thương thảo giữa tính nam và tính nữ, và tính nữ dao động giữa sự thúc đẩy và sự mâu thuẫn với tính nam[22].
Sự phân biệt vi tế về mặt lý luận này là điều quan trọng đối với việc nghiên cứu về hành vi khóc, một phần là vì mối liên hệ giữa nước mắt và những phẩm tính nhất định của giới nữ là điều có thực vào thời Tống cũng như thời kỳ hiện đại. Việc thể hiện một cách rõ ràng tình trạng dễ bị tổn thương/sự yếu đuối quả thực được xem là phẩm tính của đàn bà, như trong các ví dụ về những người phụ nữ sợ sệt và những kẻ nhu nhược mong có được lòng thương hại. Các tác giả nam coi thường những khoảnh khắc ủy mị này như thể chúng chẳng phản ánh điều gì khác ngoài những thiếu sót bẩm sinh.
Mặc dù vậy, việc kiến tạo nước mắt cao quý của nam nhân không phủ nhận mối liên hệ giữa hành vi khóc và tình trạng dễ bị tổn thương. Nước mắt đàn ông là những thực thể phức tạp phản ánh nhiều phẩm tính. Điều này tương tự như việc làm thế nào mà nhóm người chiếm đa số trong xã hội thì thường không bị đơn giản hóa, trái ngược với việc làm thế nào mà những nhóm thiểu số lại hay bị quy giản thành các kiểu mẫu được định nghĩa bằng một số “thiếu sót bẩm sinh”[23]. Phẩm tính của đàn bà, chẳng hạn tình trạng dễ bị tổn thương, là một trong nhiều thành tố trên trục bản lề của nước mắt đàn ông. Như những ví dụ trong phần V sẽ cho thấy, hoàng đế không che giấu tình trạng dễ bị tổn thương của mình trong lúc khóc khi triều đại gặp khủng hoảng. Đồng thời, ngài sẽ biểu lộ sự quan tâm tha thiết dành cho thần dân của mình và do vậy, xác nhận vị thế của một nam nhân ở địa vị tối thượng – một nhà cầm quyền có trách nhiệm. Một giọt lệ thời phong kiến cung cấp một lăng kính soi chiếu nhiều đặc điểm mà phần lớn là mang ý nghĩa tích cực.
Như vậy, việc nước mắt của nam nhân được tái hiện một cách nổi bật trong các trước tác thời Tống xuất phát từ một quan điểm mang tính định giới - quan điểm đã chiếm dụng hành vi khóc như một cách biểu đạt quyền lực của nam nhân và mang tính chất bá quyền. Nước mắt chắc chắn tô đậm phong cách riêng trong đường lối chính trị của kẻ sĩ mà ở đó, quyền lực được khẳng định thông qua việc thuyết phục chứ không phải sức mạnh bạo tàn. Phẩm tính đàn ông của tầng lớp tinh hoa thời Tống và phong cách quyền lực độc đáo của nó không phải là một hiện tượng lịch sử cá biệt. Xem xét nam tính Trung Quốc một cách khái quát, Kam Louie đi đến kết luận về hai kiểu nam tính ở Trung Quốc là văn (nam nhân có tri thức văn hóa) và võ (nam nhân uy dũng)[24]. Xuyên suốt lịch sử trước thời kỳ hiện đại, kẻ sĩ vẫn luôn chiếm chỗ của chiến binh trong thang bậc nam tính[25]. Nam tính của tầng lớp tinh hoa thời Tống có đặc trưng nổi bật là những phẩm chất văn, và nước mắt của đàn ông thời Tống thường xuất hiện trong những bối cảnh có liên quan đến nam tính văn như chính trị và triết lý đạo đức của chính quyền chuyên chế[26].
Cả kẻ sĩ lẫn nước mắt đàn ông đều không phải là điều cá biệt của riêng thời Tống. Tuy nhiên, quyền lực của sự sướt mướt được vận hành đặc biệt hiệu quả trong bối cảnh thời Tống, như đã được thể hiện rõ ràng qua sự dồi dào của nước mắt và những câu chuyện hấp dẫn về chúng trong các trước tác thời Tống. Trong phần tiếp theo, tôi giới thiệu hai nhóm ví dụ, một nhóm xuất hiện giữa những cuộc chiến giữa các bè phái và một nhóm xuất hiện giữa những cuộc khủng hoảng về lãnh thổ - hai hoàn cảnh thích hợp nhất cho một cuộc điều tra về nước mắt đàn ông. Những bối cảnh này cho thấy sự phong phú một cách bất thường của nước mắt vì mối liên hệ giữa sự sướt mướt của nam nhân và quyền lực của nam giới. Đấu tranh chính trị nội bộ và chiến tranh giữa các quốc gia là những vấn đề trọng tâm của chính trị thời Tống và tạo nên hai vũ đài chính cho kẻ sĩ cụ thể hóa sự thống trị của họ. Trong các tình huống phức tạp đi kèm, nước mắt đem đến một sức mạnh đặc biệt giúp ích cho việc thực thi quyền lực trong những thời khắc cam go.
(Còn nữa, kỳ sau đăng tiếp)
Mai Thu Huyền dịch
(Nguồn: Ya Zuo, “Male Tears in Song China (960-1279)”, Journal of Chinese Studies, No. 73 (July 2021), pp.33-79)
Ya Zuo: Trợ lý Giáo sư (Assistant Professor), Đại học California, Santa Barbara, Hoa Kỳ.
[1] Tang lễ có nguồn gốc từ các kinh điển, chẳng hạn Lễ ký 禮記, và được phục hưng vào thời Tống khi nhiều học giả và nhà nước nỗ lực để cập nhật chúng theo nhu cầu đương thời. Về một nghiên cứu toàn diện liên quan đến hiện tượng này, xem Mihwa Choi, Death Rituals and Politics in Northern Song China (New York: Đại học Oxford ấn hành, 2017). Về một số ví dụ thời Tống liên quan đến nghi thức khóc, xem những chương trình tang lễ mà Tư Mã Quang 司馬光 (1019-1086) và Chu Hy 朱熹 (1130-1200) đã quy định, ở đó, những quy tắc cụ thể về việc gào khóc được trình bày rộng rãi từ phần này sang phần khác. Xem Tư Mã Quang, Tư Mã thị thư nghi 司馬氏書儀 trong Tùng thư tập thành sơ biên 叢書集成初編, Tập 1040 (Bắc Kinh: Thương vụ ấn thư quán, 1935-1940), Quyển 5-10; và Chu Hy, Nghi lễ kinh truyện thông giải 儀禮經傳通解, trong tập 2-5 của Chu Tử toàn thư 朱子全書 (Thượng Hải: Thượng Hải Cổ Tịch xuất bản xã; Hợp Phì: An Huy Giáo Dục xuất bản xã, 2002).
[2] Chẳng hạn, xem Tư Mã Quang, Tư Mã thị thư nghi, Quyển 5-8, và Trịnh Cư Trung 鄭居中 (1059-1123), Chính Hòa ngũ lễ tân nghi 政和五禮新儀 trong tập 647 của Cảnh Ấn Văn Uyên các tứ khố toàn thư 景印文淵閣四庫全書 (Đài Bắc: Thương Vụ ấn thư quán, 1983-1986), Quyển 215-220.
Để cho dễ hiểu, gào khóc (khốc) trong tang lễ khác với khốc tang (哭喪 - than khóc trong tang lễ), một hiện tượng phổ biến ở giai đoạn sau của thời kỳ phong kiến và trong thời hiện đại. Khốc tang kỳ thực do những ca nương là nữ giới thực hiện. Xem Elizabeth L. Johnson, “Singing in Separation, Lamenting Loss: Hakka Women’s Expression of Separation and Reunion” trong Charles Stafford (Biên soạn), Living with Separation in China: Anthropological Accounts (London: RoutledgeCurzon, 2003), tr.27-51; và Anne E. McLaren, “Lamenting the Dead: Women’s Performance of Grief in Late Imperial China”, trong Grace S. Fong và Ellen Widmer (Biên soạn), The Inner Quarters and Beyond: Women Writers from Ming through Qing (Leiden: Brill, 2010), tr.49-77. Việc gào khóc theo thường lệ là do đàn ông thực hiện, như đã được trình bày rõ ràng trong các văn bản về nghi lễ từ thời cổ cho đến đời Tống; thời kỳ sớm hơn này thiếu bằng chứng thích đáng bằng văn bản để xác định chắc chắn về sự tồn tại của khốc tang.
[3] Mark Stevenson, “Theater and the Text-Spatial Reproduction of Literati and Mercantile Masculinities in Nineteenth-Century Beijing”, trong Kam Louie (Biên soạn), Changing Chinese Masculinities: From Imperial Pillars of State to Global Real Men (Hồng Kông: Đại học Hồng Kông ấn hành, 2016), tr.68.
[4] Về định nghĩa và lịch sử của khái niệm này, xem R. W. Connell và James W. Messerschmidt, “Hegemonic Masculinity: Rethinking the Concept”, Gender and Society 19.6 (Dec. 2005), tr. 829-859.
[5] Hình ảnh bản thân (self-image) là một khái niệm trong tâm lý học, liên quan đến cách con người nhìn nhận chính mình qua vẻ bề ngoài, tính cách, vai trò xã hội… của bản thân họ. Hình ảnh này có thể không trùng khít với thực tế (ND).
[6] Về những nghiên cứu liên quan đến các loại nam tính ở Trung Quốc thời tiền hiện đại, chẳng hạn, xem Matthew H. Sommer, “Dangerous Males, Vulnerable Males, and Polluted Males: The Regulation of Masculinity in Qing Dynasty Law”, trong Susan Brownell và Jeffery N. Wasserstrom (Biên soạn), Chinese Femininities/ Chinese Masculinities: A Reader (Berkeley và Los Angeles: Đại học California ấn hành, 2002), tr. 67-92; và Giovanni Vitiello, The Libertine’s Friend: Homosexuality and Masculinity in Late Imperial China (Chicago: Đại học Chicago ấn hành, 2011).
[7] Michael S. Kimmel, “Masculinity as Homophobia: Fear, Shame, and Silence in the Construction of Gender Identity”, trong Harry Brod và Michael Kaufman (Biên soạn), Theorizing Masculinities (Thousand Oaks, CA: Sage Publications, 1994), tr.125.
[8] Susan Mann, “The Male Bond in Chinese History and Culture”, The American Historical Review 105.5 (12/2000), tr. 1603.
[9] Geng Song, The Fragile Scholar: Power and Masculinity in Chinese Culture (Hồng Kông: Đại học Hồng Kông ấn hành, 2004), tr.3.
[10] Phẩm tính đàn bà/Nữ tính tồn tại đơn thuần như một ẩn dụ khi phát biểu về nam tính. Xem Martin W. Huang, Negotiating Masculinities in Late Imperial China (Honolulu, HI: Đại học Hawai’i ấn hành, 2006), tr.2; cũng xem Paul Rouzer, Articulated Ladies: Gender and Male Community in Early Chinese Texts (Cambridge, MA: Trung tâm Châu Á của Đại học Harvard, 2001), tr.8.
[11] Xem một ví dụ nữa của việc nước mắt đàn ông khẳng định, thay vì thách thức lại, chế độ nam quyền trong bản phân tích The Man of Feeling của Thomas Dixon trong Weeping Britannia, tr.100-101.
[12] Điều này không đồng nghĩa với việc không có một nam nhân tinh hoa nào từng khóc tru tréo hay khóc lóc giả tạo; đúng hơn là kiểu khóc đại diện cho nam nhân tinh hoa với tư cách là một nhóm người không bao gồm những hành vi đó. Vẫn có những ngoại lệ với bất cứ nguyên tắc nào. Chẳng hạn, Vương Tăng 王曾 (978-1038), một trí thức, giả khóc để thao túng viên Tể tướng bạo ngược Đinh Vị 丁謂 (966-1037). Xem Vương Chí 王銍, Mặc ký 默記 (Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 1981), Quyển 1, tr.9. Trong các tự sự về loại này, tác giả có dụng ý miêu tả những giọt nước mắt giả tạo như là thứ khác biệt với việc khóc thực sự và có ý nghĩa.
[13] Lý Phưởng, Thái Bình ngự giám, Quyển 488, tr.2235b-2236a.
[14] Lý Phưởng, Thái Bình ngự giám, Quyển 488, tr.2235b.
[15] Khổng Phụ 孔鮒 (khoảng những năm 200 TCN), Khổng Tùng Tử 孔叢子, trong Tứ bộ tùng san sơ biên 四部叢刊初編 (Thượng Hải: Thương Vụ ấn thư quán, 1926), Tập 318, Quyển 13, tr.2a. Ví dụ này đặc biệt hấp dẫn vì Tử Cao hướng đến “phụ nữ và kẻ nhu nhược” như sự trái ngược hoàn toàn với những giọt nước mắt có ý nghĩa gắn với các giá trị của nam nhân.
[16] Ở đây, tôi không có ý nói rằng trên thực tế, phụ nữ và thường dân hoàn toàn bị động và không thể thực hiện những giá trị tích cực thông qua việc khóc; mà thay vào đó, tôi đang miêu tả những vai trò khá là hạn chế mà các nam nhân thuộc tầng lớp tinh hoa đã ấn định lên những Kẻ Khác trong diễn ngôn lấy nam giới làm trung tâm.
[17] Keith McMahon, Celestial Women: Imperial Wives and Concubines in China from Song to Qing (Lanham, MD: Rowman & Littlefield, 2016), tr.32.
[18] Mạnh Khương là một nhân vật truyền thuyết xuất hiện trong nhiều tự sự lịch sử. Về lịch sử vấn đề này, xem Wilt L. Idema, “Meng Jiangnü: The Development of a Legend”, trong Meng Jiangnü Brings down the Great Wall: Ten Versions of a Chinese Legend (Seattle, WA: Đại học Washington ấn hành, 2008), nhất là tr.5-7.
[19] Chẳng hạn, ghi chép sớm nhất trong Tả truyện 左傳 nhấn mạnh việc không phù hợp với lễ giáo. Xem Dương Bá Tuấn 楊伯峻 (Chú giải), Xuân thu Tả truyện chú 春秋左傳注 (Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 1981), tr.1084-1085. Phiên bản này trong Liệt nữ truyện 列女傳 dành nhiều ngôn từ để miêu tả nỗi buồn của nàng. Xem Trịnh Hiểu Hà 鄭曉霞 và Lâm Giai Úc 林佳鬱 (Biên soạn), Liệt nữ truyện vựng biên 列女傳彙編, Tập 1 (Bắc Kinh: Bắc Kinh đồ thư quán xuất bản xã, 2007), tr.126-128.
[20] Có rất nhiều ví dụ, và tôi sẽ nhắc đến ví dụ nổi bật nhất. Khổng Tử 孔子 (551-479 TCN) thường xuất hiện trong Lễ ký với tư cách một người phản đối sự không đúng mực trong tang lễ bằng việc chỉnh đốn lại hành động khóc. Rất nhiều ví dụ về Khổng Tử và những dòng đề cập tới Mạnh Khương nằm ở cùng một thiên (“Đàn cung 檀弓”), chẳng hạn, xem Lễ ký chính nghĩa 禮記正義, trong Nguyễn Nguyên 阮元 (Biên soạn), Thập tam kinh chú sớ 十三經注疏 (Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 1982), Quyển 7, tr.55.
[21] Trịnh Hiểu Hà và Lâm Giai Úc (Biên soạn), Liệt nữ truyện hội biên, Tập 1, tr.126.
[22] Martin W. Huang, Negotiating Masculinities in Late Imperial China, tr.2.
[23] Định nghĩa của xã hội học về một kiểu mẫu tập trung vào việc đơn giản hóa quá mức theo đặc điểm chủ đạo của nó. Xem Allan G. Johnson, The Blackwell Dictionary of Sociology: A User’s Guide to Sociological Language, Bản in lần thứ 2 (Malden, MA: Blackwell Publishers, 2000), tr.312.
[24] Kam Louie, Theorising Chinese Masculinity: Society and Gender in China (Cambridge: Đại học Cambridge ấn hành, 2002), tr.4.
[25] Kam Louie, Theorising Chinese Masculinity: Society and Gender in China, tr.17-21.
[26] Kẻ sĩ thời Tống được đầu tư đặc biệt vào vốn văn hóa như một biểu hiện của nam tính. Xem Bret Hinsch, Masculinities in Chinese History (Lanham, MD: Rowman & Littlefield Publishers, 2013), tr.91-110. Chắc chắn, hai kiểu nam tính này không được cho là loại trừ lẫn nhau. Xem Kam Louie, Theorising Chinese Masculinity: Society and Gender in China, tr.11. Như tôi sẽ trình bày ở phần V, một trí thức đời Tống có cả những phẩm chất võ và tham chiến với tư cách tướng quân.
[1] Số liệu và biểu đồ sau đây dựa trên một khảo sát từ tác phẩm Di kiên chí theo những phương pháp mà tôi đã nói rõ ở chú thích 12.
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Đền Hồng Sơn
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Thống kê truy cập
114511083
282
2359
21457
217956
121356
114511083