|
|
Hồ Phi Huyền sinh tại làng Quỳnh Đôi, tỉnh Nghệ An. Một làng Quỳnh nổi tiếng là đất văn vật, lắm khoa bảng, giàu nghĩa khí. Một làng Quỳnh có 40 dòng họ lớn nhỏ, mà trong đó, họ Hồ cùng các dòng họ Nguyễn Sinh, Nguyễn Cảnh, Cao Xuân, Ngô, Đặng… là những dòng khoa bảng nổi tiếng
. Hồ Phi Huyền thuộc chi hai của Hồ đại tộc mà khởi tổ Triệu cơ là Hồ Hưng Dật. Ông là Trạng Nguyên, chống chủ trương Hán hóa giòng giống Bách Việt, bỏ quan chạy về với dòng Lạc Việt, rồi trên đường chạy về Nam, trở thành người khai thôn lập ấp ra hương Bàu Đột (xã Quỳnh Lâm hiện nay). |
|
Hồ Hưng Dật có công to giúp Đinh Bộ Lĩnh thống nhất 12 sứ quân. Lời thề “Vạn đại vi dân” của ông trước Đinh Bộ Lĩnh đã trở thành triết lý sống của cả dòng họ Hồ suốt quá trình lịch sử trả đủ thăng trầm dâu bể.
Tiểu chi Hồ Phi (của Hồ Phi Huyền) “trước tới nay đã và đang thu hút mạnh mẽ lòng cảm hoài và sự quan tâm tìm hiểu của bàn dân thiên hạ (Phan Hữu Thịnh - sách in lưu hành nội bộ, phần I). Một tiểu chi người không đông nhưng nổi tiếng với nhiều nhân vật – chỉ kể từ đời 24, nửa sau thế kỷ 17 đến nay đã bao người lỗi lạc.
Hồ Phi Tích (1665-1731), đỗ Hoàng giáp, làm quan to đến tước Quỳnh quận công, hàm tam phẩm triều đình vì có công lớn với dân được dân tôn vinh là nhân quan (quan có lòng nhân) đề nghị nhà vua ân thưởng, lập nhà thờ và dựng bia muôn đời lưu phương công tích.
Hồ Phi Diễn, bố đẻ nữ sĩ Hồ Xuân Hương, một bà chúa thơ Nôm dùng ngòi bút để giải phóng phụ nữ, đả kích bọn dâm quan loạn chúa.
Hồ Phi Phúc thân sinh Hồ Thơm tức người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ, sử sách nhân loại ghi vào một trong 22 danh tướng thế giới (Almanách - Những nền văn minh thế giới, trang 297).
Hồ Phi Tứ, danh tướng triều Tây Sơn. Hồ Phi Hộn từng dâng lên Cần chánh điện Đại học sĩ Trương Đăng Quế và Hình bộ Thượng thư 4 điều trần lo vận nước (vững gốc giữ nước, cử hiền tài, chính nhân tâm, xét địa thế).
Hồ Phi Tự, thân sinh Hồ Phi Huyền, bỏ quan về hoạt động phong trào Văn thân dưới cờ khởi nghĩa Cần Vương, được Hàm Nghi trao chức Hình bộ Viên ngoại lang, ông đã chiến đấu anh dũng và hy sinh. Hồ Phi Khoa, em ruột ông cũng vì lòng yêu nước mà bị tù đày.
Hồ Phi Huyền (đi thi là Hồ Phi Thống), đỗ cử nhân năm Canh Tý (1900) đồng khoa với giải nguyên Phan Bội Châu. Bỏ quan nối chí cha, trở về dạy học, làm thuốc, viết sách, trực tiếp đương đầu chống lại cường hào, góp sức xây dựng cuộc sống quê hương (mở chợ, làm thủy nông…).
Ông ham học, đột khởi thông minh. Ngoài sự tinh thông sách vở Khổng Mạnh, ông đọc một số sách Tân thư như Vạn quốc sử ký, Tam dân chủ nghĩa, Vấn đề cơ bản của Triết học, Khái luận triết học về xã hội, các sách khoa học của Côpecních, Pờlatông, Kăng, các sách về anh hùng dân tộc như Oadinhtôn, Tôn Trung Sơn, Rôlăng, Cát Điền Tùng Am, Phúc Trạch Dụ Cát. Ông quan tâm theo dõi tình hình và sự phát triển của cách mạng tháng 10 Nga.
Ông để lại cho đời một số trước tác đặc biệt là Đạm Trai Văn tập (ĐTVT) và Nhân đạo quyền hành (NĐQH). ĐTVT gồm chủ yếu những tác phẩm luận đề, những tiểu luận nghiên cứu, những bức thư trao đổi với bạn bè và người thân. NĐQH xuất bản bằng Hán văn năm 1928 và bằng quốc ngữ do tác giả dịch năm 1936 được đương thời đánh giá rất cao. Tạp chí Nam Phong cho rằng “NĐQH đã đề cập đến nhiều danh ngôn mà các bậc tiên hiền chưa nói tới”.
Tuần báo Thanh Nghệ Tĩnh 27/9/1935, trong một bài phê bình, viết: “NĐQH là một quyển sách triết học thế giới, nghiên cứu đạo lý, có hệ thống, có mực thước, phát hiện nhiều điểm cố nhân chưa từng phát hiện, đính chính nhiều điểm của lớp hậu nho. Học thuyết đạo người trong NĐQH tưởng chừng chưa sách gì hoàn toàn rõ ràng hơn”.
Đặng Thai Mai đã viết: “… giữa buổi Tây Tàu lẫn lộn, mới cũ dở dang, ngờ đâu rằng có một nhà tân học đã nói các chân lý rõ ràng cho mọi người mở mắt ra một tý”. Nguyễn Đổng Chi trong Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh, NXB Nghệ An, 1995 đã công nhận Hồ Phi Huyền cùng nhiều học giả khác có công góp thêm vào kho sách nước nhà nhiều bộ sách giá trị. Cao Xuân Huy xếp Hồ Phi huyền là một nhà triết học xuất sắc đầu thế kỷ ở nước ta.
ĐTVT đặc biệt là NĐQH đã toát lên tư thái trí tuệ của một học giả vừa cựu học vừa tân học rất uyên thâm với một cách suy nghĩ độc lập, nhiều điều trí tuệ và không ít sáng tạo độc đáo. Bao trùm lên là một trí tuệ, một tâm hồn nhân văn, thấm nhuần và kết hợp được lý tưởng nhân bản từ truyền thống đến hiện đại tạo nên giá trị đặc biệt của tác phẩm.
“Đạm Trai Văn Tập nói trong bài này là nguyên văn bản chữ Hán, chưa xuất bản”.
I
Trước hết, đó là nhân văn về mặt nhìn nhận, đánh giá, tin tưởng và thương yêu con người, có nhiều kiến giải để giải phóng con người đặc biệt là giải phóng người phụ nữ khỏi những ràng buộc của lễ giáo phong kiến.
Từ những năm đầu thế kỷ, nhiều dân tộc còn chìm đắm trong tối tăm mịt mùng cùa đêm dài nô lệ, Hồ Phi Huyền (HPH) đã viết “con người là cái quý trong bản nguyên của trời đất” theo quan điểm “thiên-địa-nhân” với những năng lực tiềm ẩn của sự phát triển”. “Tính người như hạt giống của loài thực vật. Hạt giống có trong nó đầy đủ gốc rễ, cành lá, lúc nẩy hạt mầm, cây sẽ xuất hiện”.
Ngày nay ta nói những điều đó trong ý nghĩa nội hàm của sức mạnh nội sinh phát triển. Ông khẳng định “nguồn năng lượng tiềm ẩn của con người tựa hồ như một sức mạnh; đó là lòng tự thương nên khi trưởng thành biết tự trọng. Tính tự thương từ yêu mình mà yêu kính cha mẹ, ông bà tổ tiên, yêu thương con cái. Và suy rộng ra là yêu nhà yêu nước, yêu đồng loại, yêu người cả hoàn cầu. Có lúc nào đó, người ta có thể bỏ đi sự sống để sát thân (Bài 14 ĐTVT), sát thân thành nhân, sát thân chủ nghĩa vì nhân quần, vì cộng đồng”.
Ngoài lòng tự thương, ông còn nhìn thấy một năng lực tiềm ẩn khác trong con người; đó là năng lực của ý chí. “Làm người giữa đời, ai cũng muốn thực hành cái chí lớn. Nếu chí lớn không thành hoặc chưa thành thì đầu óc luôn luôn ám ảnh. Năng lượng tiềm ẩn đó, đời con người không ai tránh được (Bài 11 ĐTVT).
Từ nhìn con người trong bản nguyên trời đất với hai nguồn năng lượng của sự phát triển (tự thương – tự trọng – nghị lực – ý chí), HPH nhìn con người trong cộng đồng, trong tập thể càng đúng đắn và sấu sắc.
Với thiếu niên, ông khẳng định: “Phong trào càng đổi mới, càng thay đổi không ngừng, càng phải hoàn toàn dựa vào thiếu niên”… Nếu từ lúc thai nhi, nuôi dưỡng không đúng đắn, lúc ấu thơ dạy dỗ không cẩn thận thì sẽ làm hại con người ngay tại gốc rễ (Bài 16 ĐTVT). Những điều ông nói đang được chúng ta ngày nay thực hiện bằng pháp lệnh quốc gia và công pháp quốc tế. Về bản thân, ông tỏ ra ân hận bằng những lời tâm sự chân thành lúc môn sinh đến mừng ông thọ 60 tuổi.
Ông nói: “Ôi! Ta lúc nhỏ theo dõi nghiệp học, thư kiếm phong trần chưa dốc hết chí tu luyện. Trung niên, bệnh tật đói nghèo, đành mở lớp dạy học, học trò con cháu dăm ba đứa. Ngày tháng trôi qua, loáng cái đã tuổi lục tuần. Mỗi khi đêm về khuya nhớ lại thời niên thiếu không lúc nào không buồn bã như kẻ mất hồn. Vậy có gì mà để chúc tụng. Chúc thọ ta ư, mừng thọ ta ư? Đó là một câu hỏi đang đốt lòng ta. Các trò theo học ta đa phần đều ở tuổi thiếu niên bay nhảy sẽ là Oasinhton, là Tôn Dật Tiên chăng, là Cát Điền Tùng Am, Phúc Trạch Dụ Cát chăng? Trong lòng ta không dám tin mà cũng không dám nghĩ”… “60 tuổi 70 tuổi rồi 100, trên vũ đài chỉ còn biết gởi cái nhìn mong đợi”. Thật là thống thiết, tấc lòng đối với thiếu niên, tương lai của nước nhà.
Đối với phụ nữ, HPH giành 38% số chương ở thiên dưới tức là phần II của cuốn sách – phần bàn về thực tế đạo người để kiến giải nhiều vấn đề đặng thực hiện tốt đạo người (chương XVIII đến chương XXV NĐQH).
Lịch sử đến lúc này hầu như chưa một nhà Nho nào đặt vấn đề phụ nữ có tính cơ bản, trên nhiều phương diện như Hồ Phi Huyền.
Nho giáo đặt vấn đề nam tôn, nữ ti, xem phụ nữ là “phụ nhân nam hóa”; nam thì “nhất viết hữu”, nữ thì “thập viết vô”. Quan điểm của ông hoàn toàn khác. Ông viết: “Ở nước ta, nam nữ cùng lao động, sản phẩm được làm ra quá nửa là nhờ phụ nữ. Vả lại bậc anh hùng như Trưng Nữ vương, Triệu Ẩu chẳng thời nào thiếu, chẳng thời nào hiếm”. Ông khẳng định “giả sử có sự học hành bổ sung, có trường sở để giáo dục thì tương lai nữ giới sẽ làm vẻ vang cho cả lịch sử; sẽ sinh thành và nuôi dưỡng những kỳ tài thúc đẩy bước tiến của văn minh, chuyện ấy chưa lường được”.
Rõ ràng, HPH nhìn vấn đề phụ nữ không chỉ trên hằng số 50% dân số mà ông đã nhìn nhận đánh giá vai trò và vị thế phụ nữ một cách dứt khoát chính xác lớn lao trên các bình diện chính trị, kinh tế, xã hội, lịch sử, bảo tồn và nâng cao nòi giống.
Nho giáo đề cao “tam cương” – những xiềng xích tinh thần vô cùng nghiệt ngã trói buộc con người không cho con người được tự do và phát triển. Ông hoàn toàn phủ định vì ông cho rằng “vua làm cương cho tôi, cha làm cương cho con, chồng làm cương cho vợ” thì rõ ràng “chỉ trọng lấy nửa trên còn nửa dưới thì khinh rẻ”; người tôi, người con, người vợ hoàn toàn bị vua, cha, chồng áp bức. Ông kết luận và lên án thẳng thừng “tam cương là sâu mọt của đạo người” (chương XXIV NĐQH).
Tại chương XXII NĐQH, HPH phán xét rằng: “Thánh nhân thế chế định lễ có 6 lễ thực là phiền hà mà lại thiếu lễ xem mắt” thì thật là sai lầm và phi lý. Theo ông xem mắt là tìm hiểu qua dung ngôn (trong công dung ngôn hạnh) mà hiểu tâm nhãn và tuệ nhãn. Họ phải thực sự hiểu nhau, tin nhau, “nếu một bên không bằng lòng thì việc đó phải đình, dẫu thế nào cha mẹ cũng không ép được”. Ông hoàn toàn lên án lối hôn nhân hình thức, áp đặt và tục lễ giáo “tại gia tòng phụ”; cha mẹ đặt ngồi đâu con ngồi đấy; chống đối trái ý là điều bất hiếu.
HPH đề cao đạo chung thủy nhưng ông phản đối, lên án lễ giáo tiết hạnh phong kiến đã gây nên bao đau khổ, bao chịu đựng vô lý cho người đàn bà đến hoa tàn nhụy lụi. “Xuất giá thì phải tòng phu” dù chồng là người tàn ác, hư hỏng đến đâu; “phu tử thì phải tòng tử” dù chồng chết, con bao nhiêu tuổi, tuổi xuân mình còn đang độ, là những điều xâm phạm đến quyền sống con người. “Tôn giáo pháp luật nghiêm ngặt đến đâu cũng không thể đoạt được tính tự nhiên của con người”.
Ông đề cao việc “bảo toàn quốc túy về đường trai gái”. Ông lên án thói học đòi kệch cỡm thậm chí hủ bại của ngoại lai; lên án bệnh ma độc; lên án nạn mãi dâm và ca ngợi nước ta không có tục bán vợ cho người khác, không có tục mua bán nô tì; “vì nghèo phải đi ở, đi làm thuê vẫn có quyền ở quyền về, đến tuổi thì có quyền hôn nhân xây dựng gia đình tự lập”.
Những kiến giải của HPH về vấn đề phụ nữ rất phù hợp với luật pháp hiện hành của nước ta hiện nay; là giải phóng phụ nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ được hưởng đầy đủ quyền sống làm người trên một tình thương sâu sắc. Tất nhiên cũng có một vài kiến giải như vấn đề lẽ mọn, chúng ta không thể chấp nhận dù ông lý giải bằng thuyết cân bằng sinh lý, bằng lý thuyết giải phẫu sinh học chứ không vì sự ích kỷ của nam giới.
II
Điều nổi bật thứ hai trong tư tưởng nhân văn của Hồ Phi Huyền là việc xướng xuất chính pháp đạo người với nội dung khá phong phú nhằm phục vụ con người, bảo vệ con người và giúp con người phát triển, đứng lên làm chủ xã hội, làm chủ cuộc sống, làm chủ bản thân.
Trước hết, nói về chính trị, HPH đề cao chủ nghĩa nhân quyền bình đẳng. Ông vạch ra cái sai lầm của thiên kiến giai cấp, trở lực cho sự phát triển tài năng và phát hiện hiền tài. Đó là “chế độ giai cấp chia người thành hai bậc, quý tộc và tiện tộc. Con nhà quý tộc đời đời lọt lòng ra đã là công hầu, vương bá. Con nhà tiện tộc, đời đời dẫu hiền tài đến đâu vẫn là nô lệ mà thôi” (XX NĐQN).
Chắc chắn là ông chưa có quan điểm đầy đủ sâu sắc về vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp nhưng với tấm lòng nhân văn chủ nghĩa lấy con người làm trọng, tin tưởng ở con người mà ông tán thành việc “xướng thuyết nhân quyền bình đẳng để đả phá chế độ giai cấp ấy”. Ông chống chế độ quân chủ chuyên chế rằng “chế độ ấy phải dứt dần trên mặt địa cầu”. Ông cũng cảnh báo về một sự diệt vong tất yếu của chế độ quân chủ lập hiến đang rời rã như sao buổi sáng”. Ông đặt vấn đề “dân chủ lập hiến”, chế độ mà ông gọi là “tuyển quân lập hiến” (XXVII NĐQH) tức là chế độ tuyển cử để bầu ra cơ quan đại diện lập hiến pháp.
Dân chủ với con người, quý trọng con người, ông đề cao tư tưởng công bằng trong đường lối trị bình tức là đường lối quản lý xã hội của nhà nước, quán triệt vào các vấn đề lao động và hưởng thụ, công ích và phân phối, tư doanh và kinh doanh, các giới lao động (công nông, binh thái và quan lại vua chúa). Những vấn đề đó được đặt ra khá tập trung và rõ ràng trong hai luận đề nghề nghiệp và nghĩa lợi.
Ngày nay, ta mới nhấn mạnh vấn đề học nghề. Giữa thời học để làm quan, “vạn ban giai hạ phẩm duy hữu độc thư cao” mà có một nhà Nho xướng xuất và đề cao việc học nghề nghiệp thì thật là quý báu và hiếm hoi – một tư tưởng cách tân. Ông cho rằng có nghề là điều kiện đầu tiên để hưởng thụ sự công bằng, nhà Nho cũng phải có nghề trong tay, hết quan thì về đi dạy, làm thuốc làm việc cho dân, “có nghĩa vụ mới có quyền lợi”, “nghĩa như công lao, lợi như kết quả”. Tách ra thì nghĩa là trước, lợi là sau, họp lại thì nghĩa và lợi không thể tách rời (Bài 6 ĐTVT). Quan điểm ấy ngày nay được diễn tả bằng ngôn ngữ “có làm có hưởng, không làm không hưởng, làm bao nhiêu hưởng từng ấy”. Ông luận rằng “bậc trị nước trị thiên hạ lấy việc làm lợi cho thiên hạ để làm điều nghĩa”, tức là nghĩa vụ.
Quan chức (mà ông gọi là kẻ sĩ) lấy việc làm lợi cho quốc gia xã ấp làm nghĩa vụ của việc làm cho thân gia mình, điều đó có nghĩa là không làm tròn nghĩa vụ với dân thì việc “hưởng thụ” cho thân gia là không chân chính, là phi pháp. Ông đả phá lối vinh thân phì gia ấm tử, lối tham ô tham nhũng lấy của dân là vô đạo. Chống đặc quyền đặc lợi, ông nói “ruộng là ruộng công, xưởng là xưởng công, bao nhiêu thổ địa đều là của công cả”. Ngày nay nhà nước ta xác định đất đai là tài sản chung của toàn dân.
Ông viết “trên từ Tổng thống, dưới tới thành đinh đều phải làm việc; tiền công tiền lương mà ông gọi là “dung quyền sở hữu” sở đắc bao nhiêu thì chỉ được nhận bấy nhiêu, không được sử dụng quyền hành để dành quyền lợi riêng. Ông dứt khoát rằng “bất luận tư gia hay xã hội, không ai được mua bán ruộng đất, chỉ được thuê và cho thuê một thời gian mà thôi… Không ai được cướp bóc dung quyền tư hữu một mảy may, một mảng tóc”.
Chính ông đã từng dẫn đầu nhân dân địa phương nổi dậy chống lại bọn cường hào đòi lại ruộng đất cho nhân dân và bị tù tội.
Rõ ràng, HPH mong một xã hội chính pháp, đạo người dân chủ và công bằng, dân chủ về chính trị, dân chủ trong kinh tế hưởng thụ, “lợi hại người này không được xung đột nhau, lợi hại việc công tư không được mâu thuẫn nhau, lễ nhạc hình phạt phải đúng”, công minh chính tại.
Hồ Phi Huyền đặt vấn đề giáo dục một cách cơ bản trong chính pháp đạo người trên quan điểm nhân văn là phục vụ con người, tạo điều kiện cho con người thực hiện nghĩa vụ và bình đẳng trong hưởng thụ.
Ông nói đạo người gốc ở tính người gồm hai nguyên lý là lý tính và vật tính. Nếu chỉ lấy lý tính làm căn cứ còn vật tính cứ gác ra ngoài thì dẫu nói hay đến bao nhiêu cũng không thực hành được mà thực hành ra cũng gây nên ác quỷ mà thôi”. Và ông kết luận “đạo người nguồn gốc là tính người gồm hai nguyên tố. Kết quả đạo người lấy lý và vật tương đắc làm chỗ hồi quy (hồi quy là chỗ rút cùng, ở đâu cũng quy về đấy). Cho nên phương pháp đạo người chỉ có hai bộ phận là ruộng nuôi lý dục và dè nuôi vật dục mà thôi”.
Lý dục, theo ông, gồm những tri thức về trung tín, từ hiếu, không làm điều mình không muốn người khác làm cho mình; là những hiểu biết về sự chết trung, chết trinh. Tóm lại là những đạo đức về tri thức và đạo đức làm người tốt.
Vật dục, theo ông, bao gồm những điều nói về vợ chồng, sinh đẻ, sắc đẹp, hát hay, ăn ngon; những vấn đề về dục vọng nguy hiểm như tội đạo, tội phạm. Tóm lại là những vấn đề về giáo dục thể chất, năng khiếu, nữ công gia chánh… những nhu cầu thiết yếu cần phát triển và những vấn đề phải ức chết, kìm hãm về dục vọng để sống đẹp, đúng pháp luật.
Hai mặt lý dục và vật dục chung đúc lại để hình thành nhân cách con người theo đạo người.
Ông đưa ra quan điểm về mối quan hệ giữa năng lượng tiềm ẩn chủ quan của con người với tác động của khách quan mà ta có thể hiểu là quy luật của sự giáo dục con người. Ông phê phán Mạnh Tử cho rằng người sinh ra vốn thiện, phê phán Tuân Tử cho rằng người sinh ra vốn ác, phê phán Lương Tử cho rằng người sinh ra ác hiền lẫn lộn rồi ông khẳng định “người thì có đạo nhưng ăn no mặc ấm ngồi rồi mà không giáo dục thì cách giống cầm thú chẳng bao xa”.
Ông nêu rõ “có giáo dục đạo người mới có giá trị nhân đạo người, có giá trị nhân đạo người mới có trị pháp đạo người”. Và ông chủ trương lấy giáo dục hương ấp làm nền tảng cho việc xây dựng xã hội; chính trị và giáo dục phải được thực hiện tịnh tiến, gắn giáo dục với nghề nghiệp theo nguyên tắc phân công xã hội giữa trí óc và chân tay; đào tạo gắn với sử dụng, từ gắn với sử dụng mà đào tạo. Đó là điều ta đang làm.
Giáo dục để giải phóng con người hành động trong xã hội và cho xã hội; vì vậy ông nói “học có đạt đến hành mới là đạt trí; sở học không ở chỗ đỗ đạt là chính mà là ở chỗ thực hành vì lợi ích cho đời”. Bản thân ông cũng là một sự thể hiện kết hợp học đi đôi với hành trong cuộc sống lao động và phục vụ dân sinh tại quê hương.
Chính trên quan điểm nhân văn mà ông mong mỏi con đường học hành và thành tài ở thiếu niên, mong mỏi ở việc phổ cập giáo dục; có đưa về tận hương ấp phụ nữ mới có điều kiện để học tập rộng rãi. Ông vừa nhấn mạnh việc phổ cập giáo dục vừa nêu rõ phải mở rộng giáo dục ở các bậc trên theo yêu cầu của phân công lao động xã hội mà ông cho đó là một loại công trái đối với quốc gia. Để con người mở rộng tầm mắt ra thế giới, học hỏi thế giới, ông nêu vấn đề các bậc học trên phải quan tâm học ngoại ngữ.
Vừa tin tưởng con người, vừa phục vụ con người, nói như ngôn ngữ ngày nay, ông đã đặt môn sinh của mình ở vị trí là chủ thể giáo dục. Ông đề cao phương pháp phân tích, tổng hợp, kết hợp văn học với sử học, với triết học để dạy cho học sinh phương pháp tư duy độc lập. Giáo sư Đặng Thai Mai, giáo sư Đặng Thanh Lê, tiến sĩ Nguyễn Minh Hạc đã thừa nhận hiệu quả đó trong phương pháp giáo dục môn sinh của ông.
Ngày nay, giáo dục và công nghệ được đặt là quốc sách hàng đầu của nhà nước (mà ông gọi là chính pháp đạo người) do yêu cầu của sự nghiệp hiện đại hóa và công nghiệp hóa đất nước trên quan điểm “con người vừa là mục tiêu vừa là động lực”. Cách đặt vấn đề giáo dục của ông nói chung là phù hợp với quan điểm mới. Chỗ gặp nhau chính là tư tưởng, tư tưởng nhân văn chủ nghĩa của một trí thức tâm hồn của một cựu Nho tâm huyết đối với con người.
III
Không kém phần lớn lao trong trí tuệ và tâm hồn của ông là tư tưởng nhân văn về một xã hội đại đồng toàn nhân loại, hạnh phúc hòa mục cho mọi người trên trái đất.
Thấm nhuần những giá trị có tính toàn nhân loại của Nho giáo, lại được tiếp cận ít người với luồng tư tưởng mới, HPH đã có một tư tưởng nhân văn rộng lớn, có tính toàn cầu bao trùm toàn nhân loại.
Trên quan điểm con người không thể tách rời cộng đồng, tách rời xã hội, không thể “độc thiện kỳ thân”, HPH chủ trương phải cùng nhau “Đại đạo chi hành”. Viết NĐQH, ông viết “đạo người là đạo công của mọi hạng người. Nói hẹp là một thân người, nói rộng ra là cả loài người, nói ngắn lại là một đời người, nói dài ra là vạn đời người, gồm tất cả tụi đầu thẳng chân vuông đều noi theo được hết, chứ không phải chỉ một số ít người nào giữ riêng được một mình”. Ở nhiều vấn đề của cuốn sách ấy, như ngại người đời không hiểu hết mình nên ông thường nhắc lại các câu “sách của tôi vì loài người; sách của tôi không phải vì một nước, một giống mà thôi”.
Ông mong nhân loại có một nền học học thuật hòa hợp, cùng nhau sánh vai tiến bước, một nền đạo đức cùng nhau hòa đồng trong sự tín mục năm châu. Ông viết “ngày nay sách phương đông phương tây chú thích, bậc trí giả chuyên cần thâu nhập tư tưởng, coi đó là nghĩa vụ thì tương lai nhân loại tất sẽ có ngày học thuật thống nhất, nhân loại đại đồng” (Bài 25 ĐTVT).
Ông tin tưởng rằng “phàm đạo đức là của chung thiên hạ, quốc gia tộc loại nào cũng không thể cách biệt xa rời. Âu chân Á ngụy thì Á tất phải bỏ đi mà theo châu Âu. Âu ngụy Á chân thì Âu tất phải bỏ đi mà theo Á” (Bài 24 ĐTVT). Cái đạo đức mà ông nêu là chung sống hòa bình hữu hảo mà hiện nay đất nước ta đang thực hiện theo đường lối của Đảng, hòa nhập, hòa đồng, toàn cầu hóa; “yêu mến cái cổ xưa của châu Á thì cái cổ xưa của châu Mỹ (châu Âu) cũng không có chỗ nào không đáng yêu”, thu hút tinh hoa nhân loại đông tây kim cổ để xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Ông tán thành thế giới đại đồng và ông chỉ ra rằng “bao giờ các nước trên hoàn cầu đều biến làm đồng, tất cả các nước ấy làm thành một nước dân chủ lớn thì có thể bước tới đại đồng” (XXVII NĐQH). Phải chẳng, ở điểm này, ông đã chứng minh cho sự tán thành tư tưởng quốc tế chủ nghĩa của Cách mạng tháng 10 Nga mà ông tỏ ra tâm đắc.
Hồ Phi Huyền không thể không chịu những ảnh hưởng, những hạn chế của lịch sử, những quy chiếu của các quan điểm Nho giáo nhưng ông đã tỏ ra một trí tuệ một tâm hồn nhân văn trong sáng cao đẹp thể hiện và quán triệt trong suy nghĩ của ông về các phương diện, chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục… Trí tuệ và tâm hồn nhân văn của ông gắn với tư tưởng dân chủ, với nhân quyền bình đẳng, với tư tưởng công bằng về nghĩa vụ và quyền lợi giữa các thành phần xã hội càng làm cho tư tưởng nhân văn của ông thêm sâu sắc. Tư tưởng nhân văn của ông thấm nhuần một tinh thần nhân loại, một tinh thần thế giới… Không ít việc chúng ta đã và đang làm đã được ông cảnh báo, đề xướng từ trước với mức độ đáng trân trọng và khâm phục.
Lý tưởng nhân văn là một hệ thông quan điểm và tư tưởng về sự nhìn nhận thương yêu con người, tin tưởng con người, phục vụ con người, chống bạo hành bất công đối với con người, tạo điều kiện cho con người phát triển toàn diện…
Chúng ta đang phấn đấu cho lý tưởng nhân văn của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Hồ Phi Huyền đã sớm nhìn thấy vấn đề, đã trình bày chủ kiến, đã phát hiện và đề xướng khá phong phú và sâu sắc. Đúng là một Cụ Nho cách tân.
Bụi thời gian không che lấp được những vẻ đẹp óng ánh của những tâm hồn, những trí tuệ ưu mẫn như Hồ Phi Huyền.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Lịch sử tư tưởng Việt Nam (tập 1), NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993.
- Đặng Thai Mai hồi ký, NXB Nghệ An – NXB Hội nhà văn.
- Nguyễn Văn Giao, Địa chí văn hóa Quỳnh Lưu, NXB Nghệ An, 1995.
- Nguyễn Văn Giao, Thơ văn nhà Nho xứ Nghệ, NXB VHTT, 1995.
- Nguyễn Đổng Chi, Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh, NXB Nghệ An, 1995.
- Đặng Thanh Lê, Tác giả Nhân đạo quyền hành và Đạm Trai Văn Tập (từ tư tưởng đại đồng trong Cổ thư đến ý thức thế giới tiếp nhận các Tân thư).
- Hồ Sĩ Giàng, Hồ Phi Huyền với tác phẩm NĐQH, Báo Nghệ An số 1425, 8/2/1993.
- Hoàng Thanh Đạm, Những triết gia của một làng văn hóa, Báo Nghệ An số 2353, 4/7/1999.
- Hồ Sĩ Giàng, Từ Thổ đôi trang đến xã Quỳnh Đôi, NXB Nghệ Tĩnh, 1988.
- Hồ Sĩ Giàng, Quỳnh Lưu huyện địa đầu xứ Nghệ, NXB Nghệ Tĩnh, 1990.
- Hồ Sĩ Giàng, Quỳnh Lưu chặng đường nối tiếp, NXB Nghệ An, 1993.
- Nghiên cứu phê bình lý luận văn học Nghệ An thế kỷ XX, NXB Nghệ An, 2000.
- Văn hóa các dòng họ ở Nghệ An (kỷ yếu hội thảo khoa học), NXB Nghệ An, 1997.
- Phan Hữu Thịnh, Dòng họ Hồ Phi Quỳnh Đôi, 15/10/2000.
|