VHNA: Xin chào hai anh. Cảm ơn các anh đã nhận lời làm khách của VHNA. Thưa anh Tô Hồng Hải (THH), anh đến Liên Xô từ khi nào và sống ở bên ấy bao nhiêu năm?
THH: Tôi đi đại học đến Liên Xô lần đầu vào năm 1971, sống và học tập ở bên ấy 6 năm. Sau 1 năm học dự bị tiếng Nga ở thành phố Ba Cu thuộc nước Cộng hoà Ajerbaizan, tôi về học tại Học viện Kỹ thuật Lâm nghiệp Leningrad . Lúc này thành phố Saint – Petersbuarg mang tên là Leningrad (cho đến năm 1991), còn trước cách mạng tháng Mười Nga và hiện nay thành phố mang tên Saint-Petersbuarg. Đây là cố đô của nước Nga, một thành phố tuyệt đẹp với rất nhiều cung điện, 11 viện bảo tàng lớn và 10 nhà hát. Tất cả đều là những công trình kiến trúc từ thế kỉ 18-19 với phong cách độc đáo. Thành phố có 41 trường đại học, hơn 170 viện nghiên cứu khoa học, trên 2.000 thư viện... Saint-Petersburg là một trong những trung tâm bảo tàng trọng yếu của châu Âu, tài nguyên này thuộc về Bảo tàng Ermitage và Bảo tàng Nga. Thật ra, chính bản thân thành phố cũng là một bảo tàng khổng lồ. Ở đây cái gì cũng đẹp đẽ, duyên dáng và đầy ý nghĩa. Người ta đã kết hợp được cái đẹp với cái có ích. Thực tế, thành phố Saint –Petersbuarg được xây dựng trên hàng trăm hòn đảo và được gắn liền lại với nhau bằng 400 chiếc cầu. Mỗi một cây cầu được xây dựng theo một phong cách riêng, cứ đến 2 giờ sáng thì chúng được mở ra cho tàu thuyền lưu thông. Điều này trên thế giới không thành phố nào có được và tồn tại khi chúng tôi ở bên đó cách đây hơn 40 năm và bây giờ vẫn thế. Không chỉ đối với người nước ngoài, mà đối với người Nga, được sống ở Saint-Petersbuarg cũng đã là một vinh dự. Đây cũng chính là nơi có con tàu “Rạng Đông” đậu trên bờ sông Nheva. Những kỷ niệm của tôi về thành phố này, về nước Nga đậm đặc đến nỗi tôi không bao giờ quên. Và rất may mắn cho tôi, vừa rồi vào tháng 6 năm 2012, nghĩa là sau 40 năm, tôi lại có dịp được trở lại nơi này, trở lại với nước Nga mà tôi xem là quê hương thứ hai của mình.
VHNA: Còn anh Hồ Bất Khuất (HBK), anh đến nước Nga khi nào, sống ở những đâu?
HBK: Tôi đến Liên Xô sau anh Hải 5 năm, nhưng sống ở bên đó lâu hơn anh Hải. Tôi đến Liên Xô lần đầu tiên vào năm 1976,Tôi không có may mắn được sống và học tập ở cố đô của nước Nga. Bù lại, thời sinh viên tôi sống ở thành phố Krasnodar , có nghĩa là “quà tặng của Hồng quân”. Trong Chiến tranh vệ quốc vì đại, Hồng quân đã giải phóng thành phố này một cách nhanh chóng và đặt tên như vậy để kỷ niệm.
Năm 1982 tốt nghiệp đại học, về nước làm việc tại Tạp chí Cộng sản. Sau gần 10 năm, tôi quay lại nước Nga làm nghiên cứu sinh và sống và học tập tại Thủ đô Moskva. Tôi đi lại giữa nước Nga và Việt Nam nhiều lần, sống ở nhiều thành phố khác nhau, tôi rời nước Nga lần cuối cùng năm 2003 và bao giờ cũng dành cho nước Nga tình cảm sâu sắc.
VHNA: Xem ra các anh cũng “nặng nợ” với nước Nga. Vậy hãy kể về những kỷ niệm sâu sắc của các anh về nước Nga đi!
THH: Kỷ niệm thì có nhiều lắm! Những năm tháng thời sinh viên chúng tôi đã có những “đêm trắng” thả bộ ở thành phố được xem vào loại lãng mạn nhất thế giới này. Đó là vào hạ tuần tháng 6 hàng năm, thành phố Saint-Petersbuarg gần như không có bóng tối, vào khoảng 3 - 4 giờ sáng, thành phố chỉ tím đi một lúc rồi sáng trắng trở lại. Còn đêm 22 tháng 6 thì trắng hoàn toàn. Đền đài, cung điện, sông Nheva, chiến hạm “Rạng Đông”... chập chờn, mờ tỏ dưới vòm trời thoáng đãng, khiến con người có cảm giác được bay lên. Cảnh quan của nước Nga vô cùng hùng vĩ với sự hòa quyện giữa thiên nhiên và bàn tay, khối óc của con người. Những công trình kiến trúc ở đây hoành tráng và tinh tế như: Cung điện Mùa Đông, Pháo đài Petropaplopsk, Nhà thờ Thánh Isacc, Nhà thờ Chúa cứu thế, Cung điện Smonnưi... ăn nhập với sông ngòi và cây cối, tạo nên một không gian kiến trúc - nghệ thuật làm say đắm lòng người.
Tôi không am hiểu nhiều về hội họa nhưng tôi vẫn “mê mệt” Bảo tàng tranh, tượng ở Bảo tàng Ermitage. Đây chính là một kho báu của nhân loại hiện nay. Ra xa khỏi trung tâm thành phố khoảng 30-40 cây số có Cung điện mùa hè (Petergof), Thành phố Puskino, Thành phố Pavlópk là những địa chỉ mà ai đã từng sống tại đây đều không thể nào quên được về độ hoành tráng, xa hoa về kiến trúc. Đặc biệt, khi về Moskva, đến xem bức tranh tròn toàn cảnh trận đánh Borodino , tôi càng cảm phục người Nga về tinh thần quả cảm và lòng yêu nước của họ. Về lịch sử chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Nga và Việt Nam có những nét tương đồng. Có thể chính vì điều này mà người Nga và người Việt hiểu, thông cảm, tôn trọng và thân thiết với nhau hơn.
HBK: Tôi cũng có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Đó là khi học tiếng Nga, thấy khó quá, tôi định bỏ cuộc, nhưng một thầy giáo người Nga đã động viên tôi bằng cách là phải biết tiếng Nga để đọc nguyên bản tác phẩm của Puskin, Lev Tolstoi, Turghenhep... Vì thế nên tôi mới củng cố quyết tâm để học được tiếng Nga.
Lần đầu tiên đến thăm Sankt – Peterbuarg, tôi ngỡ ngàng trong vẻ đẹp lộng lẫy của nó. Khi ra thăm thành phố Puskin ở ngoại ô (ngày xưa được gọi là Hoàng thôn), tôi không thể rời Bảo tàng Puskin, ở đó có trưng bày những trang bản thảo là những bài thơ do chính tay ông viết. Nán lại cho đến lúc vắng người, tôi gạ người phụ trách (là một cô gái trẻ, xinh) là mở tủ kính, cho tôi chạm tay vào trang giấy. Cô gái cương quyết không cho. Tôi dọa: “Nếu không cho tôi động vào, tôi sẽ tìm cách ăn cắp!”. Cô gái sửng sốt một lúc, rồi nghiêm mặt, nói: “Anh đừng nói những lời điên khùng như thế được không?! Những trang bản thảo này đã trở thành tài sản chung của nhân loại, không ai có quyền được chiếm giữ một mình. Hơn nữa, anh đừng có mơ mà ăn cắp được. Hệ thống bảo vệ ở đây nghiêm ngặt không kém gì bảo vệ các công trình hạt nhân đâu!”. Thấy tôi nghệt mặt khổ sở, cô đổi nét mặt, nở nụ cười và nói: “Nhiều người yêu thơ Puskin, nhưng anh thuộc loại yêu một cách kỳ lạ. Anh bỏ ý định sờ vào bản thảo và bỏ ý định ăn cắp đi, tôi sẽ tặng anh cái này”. Cô gái tặng tôi Tập thơ Puskin mà cô luôn giữ bên mình để đọc. Đây thuộc loại kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên.
VHNA: Ồ, câu chuyện của anh Hồ Bất Khuất thú vị thật đấy. Anh Tô Hồng Hải có thể kể về những ấn tượng với người Nga được không? Chúng tôi nghe nói nhiều về tính cách Nga, nhưng chưa được chứng kiến cụ thể.
THH: Đúng là người Nga gây ấn tượng lớn nhất trong tôi bằng tính cách của họ. Người Nga mộc mạc, dịu dàng nhưng cũng vô cùng quyết liệt; hơi nguyên tắc một chút nhưng vô cùng đôn hậu. Điều này thấy rõ nhất ở những người lớn tuổi. Khi chúng tôi đi học, thầy giáo, cô giáo của chúng tôi hình như đối xử với sinh viên Việt Nam dịu dàng, cẩn thận và nồng ấm hơn so với sinh viên các nước khác. Điều này có được một phần là do sinh viên ta sang đó hầu hết là học giỏi lại chăm chỉ, phần nữa có lẽ là do các thầy muốn dành cho Việt Nam một cái gì đó lớn hơn, chia sẻ hơn. Tôi có cảm tưởng có những thầy cô giáo dạy tiếng Nga coi chúng tôi như anh em ruột thịt, người nhà. Ngay cả những người làm những công việc bình thường như bảo vệ, phục vụ ký túc xá sinh, hay nhà ăn của sinh viên cũng có những tình cảm tương tự. Thời tôi sinh viên, đất nước ta lại còn trong chiến tranh nên họ yêu thương chúng tôi như những người mẹ thương con, dành cho chúng tôi tình cảm rất chân thật, nhưng vẫn nghiêm khắc đòi hỏi phải tuân thủ những quy định của ký túc xá. Sau hàng mấy chục năm, trở lại nơi này, tôi rưng rưng cảm động thấy như xưa cuộc sống trong ký túc xá sinh viên, tính cách người Nga đôn hậu, chất phác. Khi họ biết chúng tôi là những sinh viên cũ của trường, họ vui lắm. Tôi nghĩ, về tâm hồn, tình cảm, cách ứng xử của người Nga cũng có những nét gần gũi với người Việt.
HBK: Đúng là tuy ở cách xa nhau hàng chục ngàn km, lại khác màu da nhưng người Nga và người Việt có nhiều điều giống nhau trong cách cảm, cách nghĩ. Có lẽ chính vì thế mà người Việt Nam ta luôn dành cho người Nga, nước Nga những tình cảm tốt đẹp. Những người Việt đã từng sống ở Nga, nhất là công nhân không phải khi nào cũng có điều kiện thuận lợi trong sinh sống, làm ăn; thậm chí họ vẫn thường bị cảnh sát truy đuổi, cưỡng đoạt tiền... nhưng khi về Việt Nam, hầu như không có ai nói xấu nước Nga. Đây là một điều tôi cho là hơi kỳ lạ. Có thể là thiên nhiên Nga, con người Nga, tính cách Nga... đã gây cho người Việt chúng ta một mối thiện cảm lớn nên chúng ta chỉ nhớ những điều tốt đẹp, hướng tới những điều tốt đẹp. Điều này cũng khiến người Nga cảm động. Tôi nhớ mãi lần đầu tiên Putin sang thăm Việt Nam , (vào năm 2001 thì phải) ông được đón tiếp nồng ấm và chân thành đến nỗi nhiều nhà ngoại giao nước ngoài ở Hà Nội nhận xét: “Chưa bao giờ, chưa một nguyên thủ quốc gia nào được người Việt Nam đón tiếp trang trọng và thân mật như Putin”. Thậm chí sau này, trước khi nguyên thủ quốc gia của một siêu cường đến thăm Việt Nam , theo con đương ngoại giao, họ “mặc cả” là phải đón nguyên thủ của họ giống như đón Putin.
VHNA: Đúng là các anh đã từng gắn bó với nước Nga nên luôn nghĩ về nước Nga với sự trân trọng và nồng ấm. Liệu các anh có xem đó là điều may mắn đối với mình hay không?
THH: Tôi và vợ tôi được sang Liên Xô học tập vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước, lại được học ở thành phố Saint- Petersburg thì đúng là may mắn thật! Ngay khi chúng tôi còn học trong sinh viên đã có quan điểm là ai đi Liên Xô mà chưa đến Saint- Petersburg thì coi như chưa đến Liên Xô. Những năm học ở đó chúng tôi đã được nhiều thứ, từ kiến thức chuyên môn, cách nhìn nhận cuộc sống, bản lĩnh chính trị, đến những kỷ niệm ngọt ngào, tình bạn, tình người. Chính vì vậy chúng tôi không bao giờ tôi quên được nước Nga. Mỗi lần nhớ đến nước Nga là trong tôi sống dậy những tình cảm tốt đẹp.
HBK: Nếu tính “thời gian ròng”, tôi sống ở nước Nga khoảng 14 năm và nếm trải nhiều thứ. Cái quan trọng nhất đối với tôi, có lẽ là tôi học được tiếng Nga và biến nó thành chiếc chìa khóa mở cửa những nhận thức mới. Hiện nay tôi vẫn dùng tiếng Nga để đọc mỗi ngày khoảng 3 tiếng đồng hồ, tương đương với thời gian đọc bằng tiếng Việt. Có lẽ chính vì đọc bằng tiếng Nga nhiều mà tôi cũng biết được nhiều thứ. Đây là điều tôi rất biết ơn những thầy cô giáo người Nga. Còn tình cảm tôi dành cho nước Nga thì chỉ cần nói thế này là đủ: Trong thi đầu thể thao thế giới, khi nào có người Nga thi đấu ở bất cứ môn gì, tôi đều ủng hộ người Nga (chỉ trừ khi Nga thi đấu với Việt Nam mà thôi).
VHNA: Chúng tôi kém may mắn hơn các anh vì chưa hề được đặt chân lên đất Nga. Chúng tôi chỉ biết nước Nga qua sách vở, phim ảnh... và qua lời kể của người thân, bạn bè. Chúng tôi được biết rằng văn hóa Nga là một nền văn hóa độc đáo, và vĩ đại, các anh có thể cho chúng tôi biết được, có thể là ngắn gọn nhất, khái quát nhất sự độc đáo và vĩ đại đó?
THH: Trải qua quá trình công tác của mình đến nay đã sắp được nhỉ hưu, tôi đã được đi tương đối nhiều nước trên thế giới, lần này chúng tôi trở lại nước Nga, trở lại Saint- Petersburg tôi có dịp so sánh thấy rằng trong con người Nga tính tự hào dân tộc với bề dày lịch sử là rất lớn. Đi xem bảo tàng, cung điện thấy không chỉ văn hoá Nga mà cả văn hoá châu âu, văn hoá thế giới, thấy trước đây đế chế Nga ảnh hưởng rộng lớn ra làm sao, thấy cuộc sống của giới quý tộc nga xa hoa, lỗng lẫy đến mức nào!
HBK: Ngắn gọn thì thế này: Thứ nhất, dân tộc Nga có một thứ ngôn ngữ riêng, chữ cái riêng thuộc “gia đình’ ngôn ngữ Slavo. Thứ hai, dân tộc Nga là một dân tộc thượng võ và lại yêu văn chương. Thứ ba, dân tộc Nga luôn luôn sản sinh ra những nhà văn hóa kiệt xuất mà đại diện là Lomonosov, Puskin, Lev Tolstoi, Lenin, Solzhenitsyn... , Thứ tư, nước Nga luôn luôn có một đội ngũ trí thức đông đảo, có ý thức độc lập và giàu sức sáng tạo. Những gì thuộc về văn hóa (vật thể và phi vật thể) đều được người Nga trân trọng giữ gìn và truyền lại cho đời sau. Sự độc đáo và vĩ đại của văn hóa Nga là giản dị, sâu sắc và đầy sức mạnh.
VHNA: Nước Nga vắt mình trên hai lục địa Á – Âu. Phải chăng đặc điểm địa lý, địa văn hóa này đã tạo nên sự độc đáo, kỳ vĩ đó cho văn hóa Nga?
THH: Theo tôi, thật đúng như vậy. Trên thế giới chưa có nước nào như nước Nga, rộng đến mức đầu này mặt trời mọc thì đầu kia đất nước mặt trời lặn. Lần này sang Nga gặp thầy giáo cũ, khi trao đổi thầy nói nước Nga quá giàu về tài nguyên, không phải tiết kiệm gì cả, đó vừa là tiềm nhưng cũng là hạn chế làm cho nền khoa học kỹ thuật Nga không cần phải chú ý đi vào lĩnh vực tiết kiệm năng lượng khi đang là xu hướng của thế giới
HBK: Đúng là như vậy, nước Nga rộng nhất thế giới, có thiên nhiên hùng vĩ nhất thế giới, con người mạnh mẽ và tài năng nên đã tạo ra một nền văn hóa kì vĩ.
VHNA: Là người Việt, lại có tình cảm sâu sắc với nước Nga và văn hóa Nga, các anh có thấy, hay là cảm nhận những nét tương đồng giữa văn hóa Nga, tính cách Nga với văn hóa Việt và tính cách Việt.
THH: Tương đồng theo tôi là ở chỗ bề dày lịch sử của dân tộc, con người thì đôn hậu và sâu sắc. Năm 1973 khi ký Hiệp định Pari, tôi nhớ người Nga mừng như người Việt. Các cụ cựu chiến binh từ sáng sớm đã đến ký túc xá chúng tôi nói: Liên Xô là người chiến thắng, Việt Nam là người chiến thắng
HBK: Điều này hình như tôi đã trả lời rồi, nhưng sẵn sàng nhắc lại: Người Nga và người Việt giống nhau ở chỗ giản dị, mộc mạc, quyết liệt và sâu sắc.
VHNA: Thế giới đang chuyển động và biến động ghê gớm. Thế giới ngày càng phẳng. Có lúc nào các anh lo sợ rằng văn hóa Nga sẽ nhạt nhòa đi trong thời đại văn minh số hóa?
THH: Tôi thì không tin.
HBK: Không, tôi không lo sợ điều đó!
VHNA: Vì sao?
THH: Số hoá mới đây thôi. Nhạc hiện đại với nhạc cụ điện tử mới đây thôi, còn dân ca thì đã từ rất lâu rồi. Thế nhưng như chúng ta thấy dân ca không những không bị phai nhạt mà ngày càng phong phú, bền vững, càng nghe càng thấm không thấy chán.
HBK: Vì người Nga biết bảo vệ bản sắc văn hóa của mình. Ví dụ, hiện nay dường như họ có một nền khoa học công nghệ truyền thông riêng. Họ chỉ dùng tiếng Anh trong những trường hợp cần thiết, còn lại họ dùng tiếng Nga
VHNA: Tin tưởng sẽ như thế. Cảm ơn các anh vì cuộc trao đổi thú vị hôm nay. Tôi nghĩ là hai anh đã dành cho độc giả VHNA những thông tin, những chia sẻ, những kỷ niệm đáng nhớ nhất. Chúc các anh sức khỏe và có thêm cơ hội để gắn bó với nước Nga hơn!
Phan Thắng (Thực hiện)