Thế là tất cả ồn ào cả lên. Đứa thì nói nhớ nhất là những bè tre, bè nứa đậu chật kín bên sông Cửa Tiền và những lần lăn xả vào để mót những đầu nứa gãy về làm củi đun, bất chấp những ngọn roi tre của những người làm công bốc vác cho chủ mua quất vun vút trong không khí phía trên đầu. Đứa thì bảo nhớ nhất là những buổi đổ dế trên bờ thành, “hồi hộp nhất là khi con dế đã thò ra cả nửa cái đầu đen trũi, thế mà chỉ vì thiếu mất nửa lon sữa bò nước nó lại thụt vào mất, tiếc thế…”…. Thế mà khi tôi nói: “Tao thì tao nhớ nhất ở Vinh là hàng quà và những tiếng rao quà!...”. Sau một phút sững sờ như ớ ra, hầu như tất cả đều cười phá lên và gật đầu lia lịa: “Đúng!... Đúng!..”… Thì ra không chỉ có tôi nhớ đến những hàng quà của Vinh.
Tài tình là cái ông Vũ Bằng khi tả về các món ăn Hà Nội. Thực tình mặc dù tôi đọc Vũ Bằng không nhiều nhưng tôi yêu Vũ Bằng, nhất là khi Vũ Bằng viết về ẩm thực. Và theo đánh giá của riêng tôi thì Vũ Bằng là nhà văn viết về ẩm thực giỏi nhất Việt Nam. Thú thật, mỗi lần đọc tới những câu:
“Bánh thơm dìu dịu. Cầm một chiếc, dầm vào trong chén nước chấm rồi đưa lên miệng, ta sẽ thấy cả một sự tiết tấu nhịp nhàng của bánh thơm dịu hoà với nước chấm dịu hiền, không mặn quá, không chua quá mà cũng không cay quá…”(1)
Hay: “… Thực vậy, món dựa mận, muốn ăn cho ra ăn, cần phải làm công phu rất mực… Thịt chó thơm mà ngọt, thui vàng ngầy ngậy lên rồi, đem ra nấu dựa mận mà không quánh, đưa bát đựng dựa mận lên ngang mặt, nheo một con mắt lại mà không thấy nổi lên những rằn ri của bảy sắc cầu vồng, thế là chưa biết nấu…” (2)
Và: “… Thoạt mới dùng, ta thấy nó dìu dịu, hiền hiền, nhưng điểm mấy lá húng chó vào rồi đưa đi mấy lá bún trắng tinh, chấm vào cái thứ nước đặc quánh một màu đào mận, ta thấy nhạc điệu khác hẳn đi, khác nhưng từ từ, chậm chậm, theo thứ tự từng gam một, chớ không lỡ điệu đột ngột.
Khẩu cái ta như nhảy múa tưng bừng, có lắm lúc tưởng như có cái gì sắp “hỏng kiểu”, làm cho ta hơi sợ; nhưng tài tình chính là lúc ta sợ như thế thì sự ngang trở uyển chuyển vượt qua một cách thần diệu và tạo nên một nét nhạc mới thần tình đến lạ lùng…”.(3)
Tôi lại cũng muốn vỗ đùi đánh đét mà kêu lên như nhân vật Hoàng trong truyện “Đôi mắt” của Nam Cao, mà có người cho rằng Vũ Bằng chính là nguyên mẫu của Hoàng:
- Tài thật, tài thật… Tài đến thế là cùng… Tiên sư ông Vũ Bằng…
(Kính mong hương hồn nhà văn Vũ Bằng tha cho con cháu cái tội bất kính).
và cả thanh lịch nữa. Có thể nói nếu không có ẩm thực Hà Nội thì Vũ Bằng không thể viết về ẩm thực hay đến thế.
Nếu được phép lấy ra ba thành phố lớn, đại diện cho ba miền để nhận xét về ẩm thực truyền thống (và chỉ trong phạm vi ẩm thực truyền thống thôi, ngày nay thì đã khác lắm rồi) thì theo tôi: Sài Gòn còn hơi có vẻ xô bồ, phức tạp. Điều này có lẽ bởi sự tiếp thu quá nhiều nền ẩm thực trong những trăm năm Nam tiến; mà thời gian còn ngắn chưa đủ để chắt lọc lấy những gì tinh tuý nhất chăng? Hay như một người bạn thân của tôi nhận xét: ẩm thực Sài Gòn phát triển theo hướng phong phú bất định hình? Huế thì điệu đà, kiểu cách hơi quá đáng. Có lẽ là bởi sự cố tạo ra của một kinh đô còn mỏng về bề dày thời gian chăng? Chỉ có Hà Nội là thực sự lịch lãm, tinh tế trong ăn uống. Hà Nội có nền móng là bề dày lịch sử của một kinh đô cổ kính hàng ngàn năm. Đó chỉ là một sự so sánh chứ không có ý phân biệt gì đâu nên kính mong những ai không đồng ý với tôi lượng thứ.
Còn Thành Vinh của tôi? Tuy là một trong mấy thành phố lớn của miền Bắc trước đây thật, nhưng dẫu sao Vinh cũng chỉ là đô thị của một tỉnh lẻ. Tỉnh lẻ về bất cứ phương diện nào, càng tỉnh lẻ hơn nếu xét riêng về mặt ẩm thực. Vì đã là tỉnh lẻ nó còn là một vùng đất mới, một vùng “đất trại”. Từ thời nhà Lý nước ta được “chia” thành hai phần “đất kinh” là phần đất cũ của người Việt từ Ninh Bình trở ra và “đất trại” là vùng biên viễn mới mở rộng sau này gồm đất Thanh Nghệ trở vào. (Ngày trước khi lấy Trạng nguyên thì bao giờ trạng nguyên trại cũng được lấy nhẹ hơn trạng nguyên kinh một chút để tỏ ý triều đình khuyến khích nhân tài vùng đất mới).
Vâng, nói như thế để thấy, rõ ràng về ẩm thực thành phố chúng tôi không thể so sánh với kinh kỳ được, dù bản thân sự so sánh đã là khập khiễng rồi. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là chúng tôi không có những nét riêng của mình, những món ngon của riêng mình, cho dẫu chỉ là ngon với chúng tôi thôi, còn người ngoài thì không hẳn.
CHÀO NGÀY MỚI
Theo ký ức tuổi thơ của tôi thì những món ăn đáng nhớ nhất của thành Vinh lúc ấy là những món quà sáng.
Dù mưa hay nắng, mùa nóng cũng như mùa rét, bao giờ tiếng rao quà đầu tiên qua trước nhà tôi, vào lối năm giờ năm rưỡi sáng, cũng là tiếng rao của người bán bánh mỳ: “Bánh mỳ…đơi… bánh mỳ xa xíu nóng dòn … đơi…” như một lời chào ngày mới. Có ai biết bánh mỳ xa xíu là bánh mỳ gì không? Bây giờ có lẽ không ai biết và cũng không còn ai nhớ nữa đâu. Bánh mỳ ở Vinh hồi ấy có hai loại và đều là hình chữ nhật chứ không tròn dài như bây giờ: bánh mỳ không thì trên mặt không có gì cả. một loại khác thì trên mặt có mấy miếng tóp mỡ nhỏ (có lẽ những miếng mỡ nhỏ được đặt lên bánh trước khi đem nướng nên khi chín bánh có vẻ bóng mỡ óng ả trông rất ngon lành). Đấy, bánh mỳ xa xíu đấy. Giá bánh mỳ không thì 5 xu, bánh mỳ xa xíu thì một hào. Thứ bánh mỳ xa xíu ấy giá bây giờ cho tụi trẻ chúng chẳng thèm ăn đâu, nhưng đối với chúng tôi ngày ấy, nó như món thời trân thượng hạng mà ít khi nào được nếm (nhất là với những đứa trẻ xóm nghèo như xóm tôi ở). Thỉnh thoảng lắm, nếu tình cờ có được một hào (như bà ngoại dúi cho chẳng hạn) bao giờ tôi cũng để ăn bánh mỳ xa xíu, có khi trằn trọc cả đêm không ngủ được chỉ sợ quên, lỡ người bán bánh đã đi qua mất… Tuy vậy đến sáu giờ sáng mới là giờ rộn rịp, vì đây là thời gian mà nhà nào cũng sắp sửa ăn sáng, chuẩn bị đi làm. Lúc này các tiếng rao quà mới lảnh lót vang lên. Đầu tiên là những tiếng: “ai bắp nếp…”, “ai xôi bắp…” mà ai mới đến Vinh lần đầu nghe thật lạ tai: đã “bắp nếp” lại còn “xôi bắp”. Nhưng đối với dân Vinh và cả với lũ trẻ chúng tôi ngày ấy thì chẳng có gì là lạ cả vì đó là hai món quà sáng khác nhau, dù bắp nếp hay xôi bắp thì cũng làm từ bắp cả thôi. Người ta đem luộc kỹ những hạt bắp nếp trong nước có pha thêm ít vôi cho tróc lớp vỏ lụa bên ngoài (nóí thì dễ thế chứ việc pha bao nhiêu vôi vào nước luộc bắp cũng phải có kinh nghiệm, ít quá không tróc vỏ luạ, nhiều quá món bắp nếp hay xôi bắp sau này bị nồng mùi vôi). Bắp đãi vỏ xong rồi đem hầm lên, khi bắp đã được hầm chín, nhìn bề ngoài như chỉ mới hơi nở ra nhưng bên trong thì đã chín kỹ, mềm và dẻo lắm rồi. Những hạt bắp chín đến độ vừa đủ để kết dính lại với nhau mà không rã ra nhưng cũng không nhão nhoẹt như món bắp xay hầm của miến Nam bây giờ. Với món bắp nếp thế là coi như xong, có thể mang đi bán được rồi. Khi có người mua thì tuỳ tiền mà xúc nhiếu hay ít gói vào miếng lá chuối, bên trên có rắc ít đậu trắng nấu chín nghiền nhỏ. Xôi bắp thì bắp hầm vừa chín tới, đem trộn đều với nếp đã vo và ngâm từ trước đem đồ chung lên, khi xôi chín thì bắp cũng vừa nở ra. Khi bán thì cũng gói vào lá chuối, nhưng rải bên ngoài không phải là đậu trắng mà là đậu xanh, trên mặt còn được rắc ít hành phi và mỡ nước. Mùi bắp hầm, mùi hành phi, mùi mỡ nước quyện vào nhau thơm đến nức mũi. Mà người bán xôi bắp cũng quả là tài tình. Tôi nhớ có lần đi mua xôi bắp cùng mẹ, nhìn bà hàng rưới mỡ và hành phi vào gói xôi bắp, mẹ tôi khen: “Nhìn tay bà làm khéo quá!...”. Mà khéo thật, một thìa cà phê vừa mỡ nước vừa hành phi thì có được là bao, vậy mà trong tay bà hàng nó được rải đều khắp gói xôi, không sót chỗ nào, và gói xôi bắp cũng tự nhiên sinh động hẳn lên, hình như thơm hơn, mời mọc hơn lúc trước rất nhiều. Âu cũng là nhờ nghề mà sống vậy… Ai nhiều tiền hoặc muốn ăn ngon thì ăn xôi bắp, dân lao động nặng như bốc vác, thợ nề… thì ăn bắp nếp, vừa rẻ vừa chắc dạ, no lâu.
Nhân đây cũng nói thêm một chuyện ngoài lề. Ở xứ Nghệ quê tôi ngưới ta gọi lúa là ló. Cái đó chẳng có gì lạ, nhưng cái lạ là hồi đi bộ đội, đóng quân ở Anh Sơn, trong nhà dân. Một buổi chiều tôi nghe bà chủ nhà bảo đứa con gái: “Ra nương bẻ ló, tối nướng cho các anh bộ đội ăn…”. Tôi ngạc nhiên: “Sao lại là bẻ ló?...”. Lát sau cô gái từ nương vào, tôi càng ngạc nhiên hơn khi thấy cô bưng vào một thúng nhỏ toàn trái bắp. “Ló là ló, bắp là bắp, sao lại gọi bắp là ló?...”, tôi mang thắc mắc trong người nhiều năm mà không hỏi ai được. Mãi tới khi đọc Vũ Bằng tôi mới biết không chỉ quê tôi gọi bắp là lúa mà cách gọi vậy còn có ở một số địa phương khác. Nhưng sao lại có sự gắn kết khập khiễng, thậm chí tréo nghoe đến thế? Nhưng ngẫm cho kỹ thì cũng chẳng có gì khập khiễng hết. Phải biết rằng đối với người nông dân ngày xưa, khi mà nền nông nghiệp lúa nước vẫn còn nhiều bấp bênh thì lúa và ngô là hai sản phẩm không thể tách rời nhau. Và khi đã là hai sản phẩm cứu cánh không thể tách rời nhau thì cách gọi như gắn kết cũng là sự thường...
Sau những tiếng rao bắp nếp, xôi bắp một chút là tiếng rao không kém phần lảnh lót mà rõ ràng như có ý cạnh tranh là tiếng: “Ai xôi hành mỡ…”. Khác với hàng bắp nếp, xôi bắp gánh đi cả gánh, bà bán xôi hành mỡ chỉ có một cái mủng (thúng nhỏ) đội trên đầu. Khi có người gọi mua, bà đặt mủng xuống giở cái vỉ đan bằng cói ra. Cả một vùng nhỏ bỗng nhiên như mờ mịt đi vì làn hơi bốc ra từ thúng xôi (nhất là những sáng mùa đông): Mùi hành lá mùi mỡ nước bốc lên thơm lừng như mời gọi. Nhìn những hạt xôi bóng nhẫy những mỡ, lại điểm lấm tấm màu xanh của những cọng hành lá xắt ngắn có lẽ không có đứa trẻ nào cưỡng lại được sự cám dỗ của nó…
Khoảng bảy giờ rưỡi những tiếng rao quà sáng mới kịp dứt đi thì chừng tám rưỡi, chín giờ (khi mà bụng của những đứa trẻ đang tuổi lớn vừa kịp ngót đi). Thì đây, lại có tiếng rao mới: “Ai khoai đường độ (đậu)…”. Các bạn người khác xứ và có lẽ cả bọn trẻ ở Vinh bây giờ chắc không hình dung ra được nó là món gì đâu. Thì đúng như là tên gọi nó đấy thôi, chỉ là khoai với đường và đậu. Những lát khoai xắt mỏng phơi khô mà người nông dân thường để dành vào ngày ba tháng tám (thậm chí là cả khi không phải ngày ba tháng tám) đem độn với gạo thành một thứ cơm lẫn lộn với khoai mà quê tôi gọi là “cơm hấp khoai”. Khoai bây giờ được người ta nấu chín kỹ rồi đánh nhuyễn (ở xứ Nghệ công việc đánh nhuyễn này được gọi là “xéo”: xéo khoai), đậu đen dược đồ lên rồi cũng được xéo nhuyễn. Hai thứ này được để riêng nhưng trong cùng một mủng, đường phên (đường thẻ) cũng được cạo nhuyễn và để riêng trong một bát, một cái lọ thuỷ tinh… Khi bán thì cào cào một ít khoai và đậu trộn lẫn vào nhau, rắc thêm ít đường, đánh lại cho đều cũng gói vào lá chuối như khi bán xôi hay bắp. Thế thôi, chỉ có thế thôi mà đối với chúng tôi (những đứa trẻ thành Vinh ngày ấy) đó là một món ăn hấp dẫn làm sao, nhất là vào những giờ “linh”, khi mà bụng đã bắt đầu réo nhẹ, giờ cơm thì còn lâu. “Khoai đường đỗ” quyến rũ đến nỗi hồi đó chúng tôi đã có câu hát:
Khoai đường độ
Ăn dỗ tiền tau
Mẹ tau đập tau
Tổ cha khoai đường độ…
Và rồi còn nhiều thứ khác nữa như cháo canh, cháo lươn… ôi thôi đủ thứ
NGÀY XƯA CỦA MẸ
Có lẽ món canh mà những ngày ở Vinh tôi thường được ăn nhất và cũng được nhớ nhất là món canh hến. Thường ngày cứ khoảng mười giờ, mười rưỡi bao giờ cũng có người gánh hến đi bán dạo quanh xóm. Người bán hến gánh hai đầu hai thùng gỗ đựng nước luộc hến đã lọc kỹ và một cái rổ đựng đầy ruột hến đặt ở bên trên, người mua thì đem theo một bát to dùng để đựng canh (ở xứ Nghệ bấy giờ không hiểu sao người ta gọi thứ bát đó là bát “ô tô”) và một cái xoong nhỏ. Khi có người mua, người bán hến đặt gánh xuống giở cái vỉ đậy trên rổ ruột hến ra. Năm xu một bát, một hào hai bát nhỏ (thứ bát ăn chè bây giờ) đổ vào cái bát to đó. Người mua chìa ra cái xoong nhỏ, người bán liền múc vào đấy vài gáo nước luộc hến, tuỳ theo số tiền mua hến. Có cái buồn cười là hầu như bao giờ cũng có sự năn nỉ xin thêm ít nước hến của người mua và sự từ chối của người bán. Bạn có thể nghĩ: “Một chút nước luộc hến thôi có gì mà quan trọng thế?”. Ấy! Quan trọng lắm đấy, nước hến làm nên hương vị món canh hến, sự ngọt ngào của món canh hến được làm nên bởi nước hến. Không có nó thì không thành canh hến: nồi canh đểnh đoảng vô cùng, dù có bỏ thêm bao nhiêu ruốc (mắm tôm) cũng không thể ngon được. Nước và hến ấy đem về, có thì cho thêm ít mắm tôm (ngày ấy đã làm gì có mỳ chính), không có hay không sẵn thì thôi cũng chẳng sao, riêng nước hến không cũng đủ ngọt chán rồi. Nấu canh với rau tập tàng: vài lá rau dền cơm, ít lá mồng tơi, ít lá rau ngót…đập thêm vào đó một tép gừng nhỏ thế là đã thành nồi canh tuyệt hảo rồi. Thứ canh hến ấy mà ăn với cà pháo thì… khỏi nói. Thứ cà nghệ ruột không hẳn trắng mà hơi vàng, cùi dày, ít hạt, muối cho thật vừa ăn, bỏ vào miệng nhai cứ dòn tan… như pháo nổ (có lẽ cái tên cà pháo bắt đầu từ đây chăng?). Không cần thức ăn gì cầu kỳ, có khi chỉ cần bát canh hến, mấy quả cà ăn cũng đủ chết cơm rồi. Thử tượng tượng trưa xứ Nghệ nắng như thiêu như đốt, lại những ngọn gió nam cào nam cuốc, nóng hút đến khô người thì giá trị của bát canh hến ngọt ngào, quả cà giòn không nói cũng biết lớn đến chừng nào. Ừ! mà cũng lạ là từ ngày xa Vinh đến bây giờ tôi chưa từng được ăn lại món canh hến ấy (dù đã được ăn rất nhiều món ăn làm từ hến), không biết nó còn ngon như ngày xưa nữa không và cũng không biết ở Vinh bây giờ còn có người bán hến dạo để cho người ta nấu canh hến nữa không?...
Không hiểu sao, mỗi khi nhớ lại những món ăn ngày xưa mẹ nấu, món nào tôi cũng thấy ngon cả. Này là món “mắm nục” kho (hồi ấy chưa có ai chở nước đá đi biển nên người ta dùng muối ướp cá để có thể để lâu được khi đi biển dài ngày, mắm nục là một dạng cá ướp ấy): Cá mắm, một chút mỡ nước, một vài tép hành lá, một chút ớt bột, vài cái vỏ quýt. Thế thôi, thế mà nó mới ngon làm sao, vị ngon vủa nó cứ bám riết lấy ký ức của tôi cho tới nửa thế kỷ sau vẫn không sao quên được. Sau này tôi đã cố gắng tìm lại hương vị đó bằng nhiều cách: thêm mỡ, thêm hành, thậm chí đem rán cả cá nục lên cũng không sao tìm được dư vị cũ. Rồi thì “món” nước kho cá thu ăn với cơm nguội: Cá thu, thậm chí chỉ là đầu cá thu thôi, đem kho với nước mắm ngon cho đến khi sền sệt nước kho lại. Không cần cá, chỉ cần thứ nước kho ấy rưới vào cơm. Cơm nóng đã ngon mà cơm nguội càng ngon: vị bùi bùi man mát của cơm nguội quyện với vị beo béo, ngòn ngọt thơm thơm của nước kho cá thu thành một hương vị tuyệt vời, đã ăn là không thể quên…
Khi tôi kể những điều này cho bạn bè nghe, họ đều bảo: “Đó là tại ngày xưa khổ quá, ăn cái gì có vẻ hơi ngon một chút là đã thấy ngon quá là ngon rồi. Thử đem những món đó đặt vào ngày nay xem, mấy người đã muốn ăn chứ đừng nói coi nó là một món ngon. Ngẫm nghĩ thì thấy họ nói cũng đúng, khổ quá thì cái gì mà chả ngon. Nhưng ngẫm đi rồi ngẫm lại thì lại không còn dám chắc điều ấy có đúng nữa hay không. Nhưng nếu là không phải thì vì cái gì? Hay tại bây giờ không còn hạt gạo “lúa lốc” (nước kho cá thu mà ăn với cơm nguội gạo lúa lốc thì càng tuyệt cú mèo). Thứ gạo lúa cạn màu hồng hồng, nấu cơm lên nhìn thì hơi khô nhưng khi ăn vào lại dẻo quẹo nơi chân răng và phảng phất một mùi thơm mà chỉ có nó mới có. Thứ gạo đó “tuyệt tích giang hồ” có lẽ đã từ lâu lắm rồi, vì tuy ngon nhưng giống lúa làm ra thứ gạo ấy lại có năng suất rất thấp… Hay tại bởi gạo, cá bây giờ không ngon như gạo cá ngày xưa? Không đúng, cá thì vẫn là cá ở biển đó thôi, còn gạo thì các loại gạo cao cấp ngày nay chắc gì đã thua nhửng loại gạo ngày trước. Vậy thì vì gì nhỉ? Không hiểu nổi nữa, thôi thì cứ đành để chiêm nghiệm thêm về sau vậy. Có điều chắc chắn rằng cái ngon của những món ăn ngày ấy không liên quan gì đến lĩnh vực tinh thần cả, kiểu như trong văn chương người ta hay nói đến trong những trường hợp tương tự: ngon là do không khí ấm áp hoà thuận của gia đình hay do tình cảm của mẹ gửi vào các món ăn, làm cho nó ngon thêm. Không phải thế, cái ngon ở đây rất thực thể. Ngon từ vị ngọt lừ của gạo, vị mằn mặn đậm đà của nước mắm ngon, ngon từ vị cay cay của ớt, hương thơm của những cọng hành lá, vị bùi béo của cá nục, cá thu…
Mà nếu nói cái ngon của những món ăn ngày trước là do sự thiếu thốn khốn khó của cuộc sống gây ra hay do sự ấm áp của gia đình, tình thương của mẹ đem lại thì sao có một món ngon mà tận bây giớ tôi vẫn thấy ngon, mỗi khi làm cho gia đình bạn bề thưởng thức. Món ăn này tôi không thấy ở đâu có cả ngoài xứ Nghệ quê tôi: món xáo gà.
Ngày ấy những đứa trẻ con gia đình công chức như tôi thường nhìn những đứa con các nhà buôn bán trong xóm ăn quà vặt hàng ngày mà ao ước thèm muốn. Tuy cha mẹ chúng chỉ là người bán nước chè xanh, bán kẹo, bán tàu pha hay rượu nếp nhưng chúng thường được ăn vặt và có tiền để ăn vặt hàng ngày, tuy nói cho cùng cũng chẳng nhiều nhặn gì. Ngay buổi sáng chúng cũng đã có thể được ăn ngon hơn chúng tôi nhiều: món cháo lươn hay món bánh mướt dò với chúng có lẽ là không lạ tuy không phải là luôn luôn. Còn với chúng tôi, những món ăn “cao cấp” ấy thì chỉ biết đứng nhìn mà thèm rỏ dãi, với ánh mắt đầy ganh tỵ. Tôi không nhớ mười năm ở Vinh, số lần tôi được ăn cháo lươn có đếm hết ngón trên hai bàn tay không. Sáng mai, nếu nhà không còn cơm nguội để rang và cũng không kịp mua đồ ăn sáng thì mẹ cho đúng 5 xu, ăn bắp nếp hay xôi bắp hay xôi thì tuỳ, ăn cái này thì đừng cái khác. Bọn nó thì khác, đến lớp mà trong túi rủng rỉnh 5 xu, 1 hào để mua kẹo bao hay khoai đường đỗ vào giờ ra chơi là chuyện bình thường. Cũng đúng thôi, những người buôn bán nhỏ (lúc đó không ai được buôn bán lớn, tất nhiên) có thu nhập vô ra hàng ngày nên cho con chút tiền bỏ túi, hay cho chúng ăn sáng với những món ăn thích khẩu là chuyện dễ dàng.
Còn với những gia đình mang tiếng là công chức nhà nước (thậm chí được coi là công chức bậc cao của tỉnh) như gia đình tôi thì lương ba cọc ba đồng, phải tính toán lắm mới đủ sống thì làm sao có tiền cho con “phung phí” vào những thứ không phải là nhu cầu thiết yếu của cuộc sông nên trong túi chúng tôi không mấy khi có nổi năm xu, một hào. Thử tính xem, lương cha tôi cộng với phụ cấp con (từ đứa thứ ba trở đi mỗi đứa được 5 đồng) mới được 100 đồng, mẹ tôi làm lao động phổ thông chưa tới 40 đồng một tháng. Thì việc nuôi sống một gia đình 6 người với đủ mọi thứ quan hệ xã hội, phải tính toán đến thế nào, không nói cũng rõ. Vì thế những ngày vui nhất của chúng tôi (và những gia đình kiểu chúng tôi) là những ngày chủ nhật, vì ngày chủ nhật có “bữa ăn tươi”.
Để bù đắp thêm chút ít năng lượng cho những bữa ăn kham khổ thường ngày chỉ có rau muống luộc hay canh hến, quả cà pháo, miếng đậu phụ, hoặc mấy con cá kho… những gia đình công chức thường tổ chức một bũa ăn tươi vào chủ nhật (là ngày rảnh rỗi nhất trong tuần). Nói là bữa ăn tươi nhưng thực ra cũng có gì nhiều đâu: Có khi chỉ là vài lạng thịt lợn đem rán lên, khi gặp mùa thì mấy con lươn con ếch om với cà “dái dê” hay cà dừa (cà bát), có khi là một miếng xương bò hầm lên làm phở. Thi thoảng lắm, có khi phải đến mấy tháng mới có một lần dám làm thịt con gà vào bữa ăn tươi. (Mà những gia đình có khả năng cũng không dám thịt gà luôn, vì sợ sẽ phải nghe những lời xì xào của hàng xóm: “ Nhà đó làm gì mà mấy tuần nay thấy làm thịt gà luôn?”… những lời xì xào đó đôi khi cũng đủ làm phiền người ta rồi, cái thời buổi nó thế). Thường mỗi khi làm gà vào bữa ăn tươi như thế mẹ tôi hay nấu xáo gà: Gà (quý nữa là gà trống thiến, ngày xưa chẳng có gà công nghiệp hay gà tam hoàng gì gì đâu chỉ rặt một thứ gà ta hơi nhỏ con nhưng thịt săn chắc mà thơm lắm) chặt miếng vừa ăn đem ướp kỹ với ít hành tăm đập dập (sau này vào Nam, không có hành tăm tôi phải thay bằng hành củ thái mỏng cũng giảm mất một phần cái ngon), mấy cái là chanh thái sợi, một ít mắm tôm xong để chừng nửa giờ cho ngấm mắm muối rồi đem “tao” (xào”) kỹ mới đổ nước vào nấu, cho đến khi thịt gà mềm vừa ăn, thế là xong. Xáo gà ăn với bánh mướt, món này mà ăn nóng với bánh mướt thì thật là tuyệt: vị ngọt thơm của nước xáo, vị mềm dẻo trơn lừ của bánh mướt, vị bùi béo của thịt gà, tất cả quyện vào nhau tạo nên một thứ hương vị tổng hợp tuyệt vời. Nhiều năm về sau tôi hầu như quên mất món này (không hiểu có phải vì tôi không còn được ăn ở đâu cả). Mãi cho đến những năm bảy mươi trở lại Vinh tôi mới được thưởng thức lại nó và học được cách nấu (ngày xưa còn bé tý, chỉ biết khen ngon khi mẹ nấu cho ăn). Đem nấu cho bạn bè dùng thử, ai cũng khen ngon và không phải chỉ một người muốn tôi truyền lại cho họ “bí quyết” nấu xáo gà đâu. Kể cũng lạ, tại sao một món ngon như xáo gà lại không được phổ biến rộng rãi ra các địa phương khác nhỉ? Tôi suy nghĩ mãi: phải chăng vì làm món này vô cùng đơn giản, đơn giản từ nguyên liệu đến cách thức chế biến. mà người đời thì lại mang tâm lý “ngon” nhưng còn phải “sang” ( giống như các đại gia ngày nay ăn thịt thu rừng thì “quý” nhưng còn phải “hiếm” nữa thì mới đạt tiêu chuẩn của họ). Còn người thành Vinh nói riêng và người xứ Nghệ chúng tôi nói chung thì luôn trọng thực chất, món gì ngon thì cứ “đả” đã, sang hay không sang tính sau. Tất nhiên nếu được cả ngon và sang nữa thì còn gì bằng, nhưng nếu chỉ là cái sang màu mè thì dân xứ Nghệ không ham./.
Còn tiếp...