Tiệm Thanh Thanh, tiệm Thanh Thanh
Góc đường La Xam Pen-lơ-ranh
Sách vở báo chí Trung Nam Bắc
Hán Việt từ điển Đào Duy Anh
Ruốc bông cá lóc
Rượu dâu Quảng Bình
Thuốc lá ngon cẩm Lệ
Nước mắm nhĩ Liên Thành…
Thế là tôi chẳng những biết tên giáo sư mà còn biết đến cả tên quyển từ điển nổi tiếng. Quyển Hán Việt từ điển thì về sau tôi mượn được của ông chú tôi là Hà Văn Thông. Có thể nói quyển từ điển đó đã giúp tôi rất nhiều trong những năm tháng ở trường phổ thông. Đặc biệt là tôi rất thích các tên nguyên tố hóa học bằng chữ Trung Quốc được ghi trong từ điển. Ngoài ra tôi còn học được nhiều điều qua quyển từ điển có tính chất bách khoa này.
Tôi đem tên của giáo sư Đào Duy Anh nói chuyện với phụ thân tôi thì tôi được biết phụ thân tôi có biết giáo sư Đào Duy Anh. Ông cho biết là ông có gặp giáo sư Đào Duy Anh ở tòa soạn báo Tiếng Dân ở Huế. Ông có kể lại rằng chữ viết của giáo sư Đào Duy Anh rất đặc biệt, ví dụ như chữ “cũng” thì giống một cái gánh có móc cong ở hai đầu. Về sau tôi có đem câu chuyện của phụ thân tôi nói cho giáo sư Đào Duy Anh nghe thì ông chỉ gật đầu và cười rất hiền. Thì ra giáo sư Đào Duy Anh không những chỉ biết phụ thân tôi mà còn quen cả bác tôi là Hà Văn Đại.
Năm 1954, ra Hà Nội, tôi mới được trực tiếp gặp giáo sư Đào Duy Anh. Tôi nhớ lần gặp nhau đầu tiên là ở hiệu sách Trường Tiền. Lần đó ông có hỏi thăm ông bác tôi. Từ đó về sau, ngoài giờ nghe ông giảng trên giảng đường, thỉnh thoảng tôi có đến nhà ông để đưa thắc mắc của anh em trong lớp vì tôi được phân công phụ trách môn cổ sử Việt Nam của lớp tôi. Tôi thường đến nhà ông cùng anh Hoàng Văn Lân, học trên tôi một lớp.
Tháng 7 năm 1954, năm tôi tốt nghiệp có một chuyện đáng nhớ. Một hôm ông cho người gọi tôi đến. Tôi hơi băn khoăn vì hàng ngày tôi đến nhà ông mà không ai bảo cả. Đằng này là có người gọi là giáo sư cần gặp. Lần đó, sau khi để tôi ngồi bên bàn nước, ông lấy trong ví ra 5 đồng để trước mặt tôi và nói:
- Cho anh tiền tàu xe về quê.
Chắc ông đoán ra hoàn cảnh tôi. Tôi vô cùng xúc động. (Xúc động cho đến giờ, khi tôi ngồi viết những dòng này).
Sau khi về quê lần đó, tôi trở lại trường, làm tập sự trợ lý ở bộ môn ông. Tôi coi đó là một dịp may hiếm có trong cuộc đời tôi. Có lần ông đã cho tôi chiếc bút máy kim tinh trên có khắc ba chữ Đào Duy Anh bằng chữ Hán. Tôi rất tiếc là chiếc bút máy đó tôi đã đánh mất. Đặc biệt là thỉnh thoảng ông lại cho tôi các tài liệu của ông. Gần đây tôi có tìm được quyển Các hình thức sản xuất trước chủ nghĩa tư bản in ở Trung Quốc, trên có dòng chữ “Tặng anh Trần Quốc Vượng và anh Hà Văn Tấn ngày 19-3-1957”. Quyển sách này là một tác phẩm quan trọng của Mác. Trước đây chỉ có bản dịch tiếng Trung Quốc và chỉ có ở thư viện Trung ương, đường Trường Thi. Tôi và anh Vượng phải ra đấy đọc. Chắc là biết chuyện đó nên trong một chuyến đi Trung Quốc, giáo sư Đào Duy Anh đã mua quyển sách đó và tặng anh Vượng và tôi. Điều đó nói lên sự quan tâm của giáo sư đối với chúng tôi.
Từ bé, tôi đã say mê cách nghiên cứu của giáo sư Đào Duy Anh. Tôi nhớ là từ năm 1951, tôi mượn được số báo Thanh Nghị có in bài Vấn đề Giao chỉ của giáo sư. Tôi đã phải ngồi chép lại cái bài rất dài đó. Và qua đó, tôi đã biết các vấn đề mà sau này giáo sư trình bày trong cổ sử Việt Nam. Cũng qua đó tôi học được rất nhiều, chẳng hạn tôi hiểu thế nào là đồ đẳng, tức tô- tem. Có thể nói là bài đó ảnh hưởng đến bài viết đầu tiên của tôi về tô-tem của người Việt cổ.
Các phong cách chú trọng sử liệu của giáo sư cũng đã ảnh hưởng đến tôi.
Làm việc với giáo sư Đào Duy Anh, công việc đầu tiên mà tôi được giao là hiệu đính bản dịch Dư địa chí của Nguyễn Trãi. Sau đó lại phải chú thích các địa danh.
Về mặt này, tôi học tập được nhiều điều về địa lý học lịch sử ở giáo sư. Ngày nay, đọc lại Dư địa chí, tôi không thể nào hình dung được mình đã hoàn thành công trình đó thế nào ở tuổi 20. Nếu không có sự chỉ bảo của giáo sư và tấm gương của giáo sư thì tôi chắc là không thể hoàn thành được công trình đó. Ngày đó, tôi được giáo sư Đào Duy Anh giao cho trách nhiệm làm thư ký bộ môn. Bấy giờ bộ môn có một tủ sách riêng, có nhiều sách bày ở thư viện Cao Xuân Dục như bộ Đại Nam nhất thống chí - Tự Đức, bản viết tay. (Tôi chú thích Dư địa chí được là nhờ ở bộ sách này), về sau, giáo sư Đào Duy Anh lại đem về tủ sách rất nhiều sách Hán Nôm mượn được ở gia đình Hoàng Xuân Hãn. Giáo sư Đào Duy Anh giao cho tôi phải trông coi tủ sách, nhờ đó tôi đọc được rất nhiều điều có ích cho công việc sau này. Giáo sư Đào Duy Anh lại giao cho tôi nhiệm vụ phải dịch toàn bộ phần viết về Việt Nam trong bộ sử toàn thế giới của Liên Xô. Sau này giáo sư Đào Duy Anh có tâm sự với tôi: “Tôi già rồi không học được tiếng Nga nữa, anh còn trẻ, nên học tiếng Nga vì Đông phương học của Liên Xô có những tiến bộ đáng trân trọng”. Ông cũng từng nói với tôi rằng: “Muốn hiểu văn hóa Việt Nam thì phải hiểu biết về Ấn Độ và Trung Quốc”. Chính điều đó đã khiến tôi học chữ Phạn và tìm hiểu các trường phái triết học cổ Ấn Độ.
Tôi không thể nào kể hết các ảnh hưởng lớn lao của giáo sư Đào Đuy Anh đối với tôi. Giờ đây khi viết các công trình khoa học, tôi đã nhận ra những ảnh hưởng đó. Ảnh hưởng càng lớn khi mà tình cảm giáo sư đối với tôi, tôi biết là rất ấm áp, không chỉ là tình thầy trò mà còn pha lẫn mối tình cha con. Vì thế qua những lần nói chuyện riêng, ông đã để lộ ra nhiều tâm sự. Chúng ta có thể hiểu những tâm sự đó nếu hiểu được cuộc đời ông. Có lần tôi kể với ông là tôi đã đọc quyển Nguyễn Du kỷ niệm văn học phổ do ông biên tập trước cách mạng. Tôi đã thuộc lòng các bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du in trong tập sách này như U cư, Sơn cư, Độc Tiểu Thanh ký… Ông đã khen tôi là cường ký, và nhiều lần đề nghị tôi đọc lại những bài thơ đó cho ông nghe, đặc biệt là bài Độc Tiểu Thanh ký. Ông tâm đắc với những câu:
Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
Phong vận kỳ oan ngã tự cư
Và nhất là câu:
Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.
Tôi cũng nhận thấy tâm sự đó, khi nghe tôi đọc bài Điếu tam lư đại phu với những câu Thiên hạ thuỳ nhân lân độc tỉnh, Tứ phương hà xứ thác cô trung. Tôi nghĩ rằng với tâm sự đó, mà sau này ông dịch Sở từ của Khuất Nguyên. Đặc biệt là tôi nhớ lần ông tâm sự sau hội thảo kỷ niệm Nguyễn Trãi. Lần đó tôi thấy ông lo lắng về tình trạng văn bản tác phẩm của Nguyễn Trãi và khuyên rằng lớp trẻ chúng tôi nên tham gia vào công tác này. Hôm ấy ông còn thổ lộ tâm sự và ông đọc cho tôi nghe mấy câu thơ của ông:
Làm người khổ lắm ai ơi.
Kiếp sau tôi chẳng làm người nữa đâu
Một đời nước mắt ngập đầu
Cho hồn Tinh Vệ biết đâu mà tìm
Chẳng là ông vẫn ví mình như chim tinh vệ ngậm những hòn đá nhỏ để lấp biển. Tôi không biết rõ là ông đã có viết mấy câu thơ này ở đâu chưa, hay là ông chỉ đọc cho riêng tôi… Tôi kể lại ở đây để kết thúc những dòng kỷ niệm về giáo sư Đào Duy Anh.
* Nguồn: BS/Đến với LỊCH SỬ – VĂN HÓA VIỆT NAM, nhà xuất bản Hội nhà văn.