Đảng ta lãnh đạo đất nước thông qua đường lối và gắn liền với pháp luật. Công tác tư tưởng của Đảng phải dựa vào hiến pháp và pháp luật mà triển khai. Hiện nay có tình hình các nghị quyết của Đảng triển khai rất chồng chéo. Trong thực tiễn, nhân dân chưa thấm nhuần nghị quyết này, chỉ thị kia, pháp lệnh nọ thì một đợt triển khai các công văn, các chỉ thị, các nghị quyết mới lại xuất hiện. Do cách thức làm công tác tư tưởng như vậy mà sự quán triệt các công văn, chỉ thị, nghị quyết của Đảng vào đời sống chưa sâu, những tư tưởng quan trọng của Đảng chưa thâm nhập rộng được vào đời sống, chưa có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ, hiệu quả quá trình đổi mới, giải phóng, phát triển đất nước. Đó là chưa kể đến trình độ của những người làm công tác tư tưởng. Có người thật sự nắm chưa vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng trong quá trình thực thi nhiệm vụ của mình. Cần phải nhớ rằng trong những người tiếp thu đường lối, chính sách của Đảng có những trình độ nhận thức khác nhau. Có những nhà trí thức lớn, có những nhà chính trị hoạt động xuất sắc đã nghỉ hưu, có những vị lão thành cách mạng và hơn hết hiện nay mạng lưới thông tin toàn cầu tạo ra một sự phát triển dân trí rất đáng kể.
Các tư tưởng, đường lối, chính sách của Đảng được dự thảo, được đăng tải bởi những lý tưởng cao cả, những nội dung hàm xúc và có cả những tinh thần lạc quan cách mạng. Có tư tưởng thì bắt nhịp ngay được với đời sống. Không ít tư tưởng phải chờ đợi mới cập nhật được đời sống. Một số tư tưởng rất hay nhưng còn lâu mới bắt nhịp được vào đời sống và có cả tình hình khi đời sống đã vượt qua rồi, tư tưởng ấy mới tới nơi, do đó lạc hậu hơn đời sống. Công tác tư tưởng của chúng ta cần phải đặt trúng và đúng những vấn đề mà đời sống đòi hỏi và nội dung của nó phải gắn với cái có thể thực hiện được của đời sống. Làm như vậy thì công tác tư tưởng mới có ý nghĩa thiết thực trong quá trình giải phóng, đổi mới và phát triển đất nước.
Chúng ta giải phóng, đổi mới và phát triển đất nước theo hiến pháp và luật pháp nghĩa là theo ý nguyện của toàn dân. Công tác tư tưởng thường thực hiện theo ý nguyện của toàn dân bằng cách tạo ra các phong trào. Phòng trào hiến máu nhân đạo, phong trào ủng hộ đồng bào khó khăn, phong trào giúp đỡ nhân đạo, phong trào vì những người có công với cách mạng, phong trào vì trái tim, con mắt của tuổi thơ… Có thể nói, hiện nay quá nhiều phong trào, quá nhiều các hoạt động xã hội làm cho nhiều người nắm được luật pháp nhà nước tự đặt câu hỏi rằng, chúng ta đang giải phóng, đổi mới và phát triển đất nước theo luạt pháp và hiến pháp hay theo phong trào? Ngoài khoản nhân dân đóng góp thuế cho nhà nước để phát triển đất nước, việc phát động các phong trào như vậy tạo ra những khoản đóng góp rất mới mà nhiều người không vui… Quỹ khuyến học, quỹ vì người nghèo, quỹ bão lụt, quỹ thiếu nhi, quỹ thương binh liệt sĩ, quỹ thuỷ lợi, quỹ phòng trộm chống cắp, quỹ vì an sinh xã hội, quỹ tổ dân phố và còn nhiều thứ quỹ khác nữa cộng với tệ tham nhũng gia tăng đã làm giảm hiệu lực và uy tín của nhà nước.
Hệ thống chính trị của chúng ta còn quá công kềnh, bộ máy quản lý ăn lương nhà nước quá đông, tạo ra một quỹ tiền lương khá lớn có ảnh hưởng không nhỏ đến các lĩnh vực khác nhau trong phát triển đất nước. Có những việc làm rất chồng chéo: Đảng, nhà nước, thanh niên, phụ nữ, công đoàn, hội cựu chiến binh v.v và v.v… đều có quyền lực như nhau để giải quyết những vấn đề to nhỏ. Nếu như có sự thống nhất trong hệ thống chính trị, giảm bớt các chức sắc, các quỹ lương, quỹ thưởng, tập trung vào những lĩnh vực chủ yếu thì chắc chắn sự phát triển sẽ tốt đẹp hơn.
Trong công tác tư tưởng tham gia vào sự nghiệp giải phóng, đổi mới và phát triển đất nước thì truyền thông đại chúng có một vai trò đặc biệt quan trọng. Trong nửa cuối thế kỷ XX và đặc biệt những năm đầu của thế kỷ XXI các đổi mới trong hệ thống truyền thông đại chúng có ảnh hưởng sâu sắc tới môi trường xã hội của chúng ta. Máy điện thoại, vi tính, vô tuyến, nối mạng toàn quốc và toàn cầu đã tạo ra một cuộc cách mạng thông tin rất to lớn làm cho con người xích lại gần nhau rất nhiều. Người đi xa, người ở nhà có thể gặp nhau trong tiếng nói, trên màn hình rất nhanh chóng, thuận tiện. Các dịch vụ chuyển tiền, chuyển hoa và chuyển tin cực kỳ nhanh chóng làm cho cuộc sống văn minh hẳn lên. Kỹ thuật viễn thông tạo khả năng quốc tế hoá các quan hệ giao dịch, đồng thời nó cũng tạo ra quá trình đồng nhất hoá nền văn hoá của không ít các dân tộc. Các mạng vệ tinh tăng cường có thể dùng cho cả phát thanh, truyền hình, báo chí, thông tin, giải trí thoả mãn nhu cầu chung. Mỗi dân tộc là một điểm hưởng thụ và tác động như nhau đối với các vệ tinh không phân biệt gì về mặt địa lý. Người ta gọi hiện tượng “làng toàn cầu” là thành quả tuyệt vời của nhân loại nhưng mỗi dân tộc đều có những phản ứng về hiện tượng này. Nó có thể mang lại văn minh và hạnh phúc, nhưng nó cũng có thể gieo rắc các nọc độc bởi vì việc kiểm soát nó thật sự khó khăn đối với các dân tộc. Truyền thông đại chúng trong thế giới ngày nay có thể tạo nên những giá trị kỳ diệu trong sự phát triển nguồn tin nhưng nó cũng có thể tạo nên những trận đại hồng thuỷ nhấn chìm nhiều bản sắc văn hoá dân tộc xuống các dòng sông cuồn cuộn của những thước phim bạo lực, những câu chuyện giật gân, những sóng nhạc ầm ĩ…
Hệ thống thông tin đại chúng ở nước ta những năm gần đây đã tham gia tích cực vào việc mở mang dân trí, phát triển thể dục thể thao, tăng cường các nhu cầu đa dạng về văn học, nghệ thuật… Tác dụng tích cực của nó là không phải bàn. Tuy nhiên, cũng những năm gần đây, hệ thống này cũng đã làm rối loạn an toàn xã hội và đời sống tinh thần của nhiều gia đình. Các cuộc chơi games thâu đêm suốt sáng của tuổi trẻ, những tin tức thất thiệt từ các ý đồ xấu được truyền lên mạng, những thước phim, những hình ảnh kích dâm, bạo lực trên vô tuyến đã ảnh hưởng không nhỏ đến đạo đức của xã hội ta.
Báo chí của chúng ta những năm qua đã tích cực góp sức xây dựng những người tốt việc tốt. Tuy nhiên, một bộ phận những người làm báo thiếu trung thực, hiểu biết chính trị nông cạn, không tu dưỡng bản thân đã tạo nên những dư luận xã hội xấu làm ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ đến môi trường xã hội. Giải phóng, đổi mới và phát triển xã hội Việt Nam hôm nay phải quan tâm sâu sắc hơn đến việc phát triển đúng hướng, đúng tầm hệ thống thông tin đại chúng.
Truyền thông đại chúng của chúng ta có thể nói phần lớn là sự điều hành của nhà nước, các chương trình quảng cáo được kiểm soát theo luật quảng cáo của nhà nước. Tuy nhiên, nội dung của các chương trình này thiếu hấp dẫn và đôi khi tẻ nhạt, tính chất thương mại cũng không hay và tính thẩm mỹ cũng tệ. Người ta quảng cáo thuốc, dầu gội đầu, nước rửa bát và các bồn cầu vào những giờ cả nhà đang ăn cơm tạo ra những phản cảm. Văn hoá tiêu dùng ăn mặc, thời trang hầu như chiếm một vị trí thống trị. Người ta quan tâm quá nhiều đến các lĩnh vực vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao và làm từ thiện mà không thâm nhập sâu được vào lĩnh vực khoa học tự nhiên và xã hội cực kỳ có nhiều vấn đề trong quá trình giải phóng, đổi mới và phát triển đất nước.
Truyền hình với các hình ảnh của nó có tác dụng tức thời và phi thường, nếu nó phù hợp với các chuẩn mực của sự phát triển đất nước và nó có phản tác dụng cùng tức thời và phi thường khi nội dung của nó ngược lại với các chuẩn mực phát triển đất nước. ảnh hưởng của nó hiện nay về tác dụng và phản tác dụng trong không ít trường hợp đang được tranh cãi. Một bộ phim tình dục và bạo lực, một vài games show âm nhạc phương Tây, một số người này thì hoan nghênh, một số khác không thể chấp nhận được. Có rất nhiều bạo hành hư cấu trong các vở diễn trên tivi đã cổ vũ cho những bạo hành thực tiễn. Có rất nhiều những trò hài hước trong những phim nhiều tập làm hỏng thị hiếu thẩm mỹ của công chúng. Tội ác gia tăng, dễ dãi tình dục trong thực tế ngày một xuất hiện càng nhiều trong xã hội. Việc học hành lười biếng đối với một số học sinh có thể tìm thấy cội nguồn từ việc xem tivi.
Không thể đổ lỗi cho các phương tiện thông tin đại chúng về những tiêu cực xảy ra trong cuộc sống của chúng ta; nhưng có thể quy lỗi cho những nhà làm công tác tư tưởng non nớt đã thiếu quan điểm toàn diện khi sử dụng những phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại. Truyền thông đại chúng không chỉ/ không duy chỉ là phương tiện giải trí, thông tin, quảng cáo, xã hội hoá thế giới trẻ mà nó còn phải chuyển tải những đề tài sâu rộng, trọng đại để đề xuất trước đại chúng. Chính những đề tài này đã làm tăng uy tín của hệ thống thông tin đại chúng. Những vụ tham nhũng, những thái độ bạo hành trẻ em, những tội ác đối với phụ nữ… đã được hệ thống thông tin đại chúng vừa qua lên tiếng làm cho người ta biết ơn, yêu quý truyền hình và báo chí.
Cùng với truyền hình và báo chí, truyền thông đại chúng là vấn đề hệ tư tưởng trong quá trình giải phóng, đổi mới và phát triển xã hội ta ngày nay.
Hiện nay, chúng ta giải phóng, đổi mới và phát triển đất nước theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác –Lênin và tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Chủ nghĩa Mác – Lênin đã từng có sức mạnh to lớn trong quá trình giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và giải phóng con người trong xã hội ta. Tuy nhiên, sau khi chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ thì chủ nghĩa Mác – Lênin trước đây đã từng vượt qua rất nhiều thử thách nay lại đối diện với một thử thách rất to lớn. Trung Quốc có trên một tỷ dân đã Trung Quốc hoá chủ nghĩa Mác – Lênin để xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mầu sắc Trung Quốc. Sau những năm 1986 trở lại đây, chúng ta cũng nhận thức lại chủ nghĩa Mác trong hoàn cảnh mới khi xây dựng cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong xã hội Việt Nam hiện nay có rất nhiều câu hỏi, rất nhiều vấn đề đặt ra khi chúng ta coi chủ nghĩa Mác là hệ tư tưởng phát triển đất nước.
Trước hết cần thấy rằng, cho đến tận hôm nay cùng song hành với hệ tư tưởng Mác – Lênin – hệ tư tưởng chính thống của xã hội ta, trên đất nước Việt Nam còn tồn tại nhiều hệ tư tưởng khác. Hệ tư tưởng Phật giáo, với một số tín đồ tăng ni phật tử, những nhà chùa, những học viện cũng chiếm một số khá đông trong dân tộc. Hệ tư tưởng Thiên chúa giáo, với các giáo phái, với các nhà thờ và giáo dân, những mối liên hệ quốc tế của nó cũng giữ một vị trí khá đặc biệt trong xã hội. Ngoài hai hệ tư tưởng ấy, chúng ta có 54 dân tộc có những tín ngưỡng bản địa, có những niềm tin tâm linh khác nhau. Họ không phải là những người vô thần như những người theo chủ nghĩa Mác – Lênin chính hiệu. Tôi nói những người theo chủ nghĩa Mác – Lênin chính hiệu thì vô thần, còn không ít những người theo chủ nghĩa Mác – Lênin nhưng vẫn có niềm tin tâm linh đa dạng.
Chủ nghĩa Mác – Lênin, cho đến tận hôm nay, sự thật chưa thâm nhập sâu vào những khu vực dân trí thấp. Chủ nghĩa Mác – Lênin là sản phẩm của sự khái quát xã hội phương Tây thế kỷ XIX và những thập niên đầu của thế kỷ XX mà như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết về chủ nghĩa Mác : phương Tây chưa phải là toàn thể thế giới. Giai cấp tư bản, tăng lữ ở phương Tây không thể đem so sánh với “người lùn” của các giai cấp này ở phương Đông. Vì thế, nó là một học thuyết có cơ sở lý luận khái quát cao. Những năm qua, nhiều nhà nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Việt Nam đã truyền đạt chủ nghĩa Mác theo đúng sách vở mà họ đã đọc. Một số người khác đã vận dụng được vào thực tiễn Việt Nam, một số đã vận dụng thành công, không ít những người không thành công do hoặc lý luận mà họ nắm chưa vững; hoặc thực tiễn mà họ chưa trải qua làm cho chủ nghĩa Mác hiện nay đang đứng trước rất nhiều thử thách mới của thực tiễn khi chúng ta phát triển cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong lý thuyết của những nhà hậu hiện đại như J.Derida đã viết Những bóng ma của Mác được xuất bản sau đổi mới ở Việt Nam, bằng tiếng Việt. Với quan niệm giải cấu trúc về bóng ma của chủ nghĩa cộng sản do chính C.Mác và Ph.Ăngghen đề xuất khái niệm này trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Derida đã coi lý thuyết duy vật về lịch sử, về thượng tầng kiến trúc, về hạ tầng cơ sở, về lực lượng sản xuất, về quan hệ sản xuất, về hình thái kinh tế xã hội đều là những bóng ma lúc ẩn, lúc hiện trong đời sống xã hội. Chủ nghĩa cộng sản là một bóng ma không biết bao giờ nó hiện hình, khi nó hiện hình thì hình hài của nó thế nào, những con người tò mò vẫn đang chờ đợi. Năm 2006, nhà xuất bản Trẻ thành phố Hồ Chí Minh lại cho xuất bản cuốn Thế giới phẳng của Thomas L.Friedman khẳng định, trong thế giới phẳng của toàn nhân loại thì nền văn minh xôviết, nền văn minh xã hội chủ nghĩa không có lý do tồn tại…
Tất cả những vấn đề, những sự kiện trên đây cũng đặt ra trước công tác tư tưởng của chúng ta việc nhận thức lại, làm sâu sắc hơn và giải thích có khoa học hơn về vai trò của chủ nghĩa Mác trong sự nghiệp giải phóng, đổi mới và phát triển đất nước ta hiện nay.
Để hoá giải các mâu thuẫn, để phát huy mọi nguồn lực phát triển đất nước ta, công tác tư tưởng của chúng ta nhất định phải bắt nguồn sâu sát từ thực tiễn hiện nay của dân tộc với rất nhiều những vấn đề nóng bỏng như đát đai, thế hệ trẻ, đô thị hoá, công ăn việc làm, giáo dục và dân số… Công tác tư tưởng phải hướng vào việc phát huy các nguồn các nguồn nhân lực, tài lực, tài nguyên một cách khoa học, khách quan. Công tác tư tưởng cần phải nhận diện được những mâu thuẫn, những cản trở trên con đường đổi mới vì chủ nghĩa xã hội một cách kỹ càng, phân tích đến cùng các nguyên nhân phân tầng xã hội, chấp nhận đối mặt với những phản bịên xã hội. Chỉ có như vậy, công tác tư tưởng mới đóng vai trò tích cực trong khắc phục các cản trở, các mâu thuẫn để không những phát triển xã hội mà còn phát triển bền vững, một khái niệm vô cùng quan trọng mà công tác tư tưởng hiện nay cần hướng tới.