Cuộc sống quanh ta

Đấu pháp chiến lược kết thúc chiến tranh có một không hai

Vào mùa xuân năm 1975, Quân đội nhân dân Việt Nam đối diện với vấn nạn thiếu đạn dược nghiêm trọng, trong khi Quân đội Việt Nam Cộng hòa của chính quyền Sài Gòn “không hề là hổ giấy”. Merle L. Pribbenow, cựu nhân viên CIA về Đông Dương, nhận định như vậy về tình hình hai bên trong một bài nghiên cứu chi tiết có tựa đề: “Tổng tiến công Mùa Xuân 1975: Đấu pháp chiến lược kết thúc chiến tranh có một không hai”.

Gần một phần tư thế kỷ trước, một đất nước thuộc thế giới thứ ba đã giành thắng lợi trong trận đánh cuối cùng của một cuộc chiến tranh gian khổ kéo dài, nhờ áp dụng một chiến lược tấn công hiện đại, dứt khoát và bất ngờ. Ngày nay, bài học rút ra từ chiến thắng này vẫn thật đáng nhớ, khi chúng ta đang sống trong một thời đại có khuynh hướng cậy vào công nghệ hơn là vào tư duy chiến lược và mặc định rằng các kỹ năng chiến lược của đối phương cũng lạc hậu như nền kinh tế, cấu trúc xã hội và nền tảng công nghệ của họ.
Vào ngày mồng 4 tháng 3 năm 1975, Quân đội Nhân dân Việt Nam (miền Bắc) tiến hành chiến dịch cuối cùng trong cuộc chiến 30 năm của họ bằng một loạt đợt tấn công vào các vị trí của miền Nam ở đèo Măng Giang, Tây Nguyên. Chiến dịch của họ - kết thúc thắng lợi hoàn toàn không đầy hai tháng sau đó - không giống như bất kỳ trận đánh nào trong lịch sử kéo dài của cuộc chiến tranh.
Khác biệt là ở chỗ, lần đầu tiên, nghệ thuật làm chiến dịch của Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) không đặt cơ sở vào ý chí sẵn sàng hy sinh nhiều hơn đối thủ. Ngoài ra, họ cũng chỉ nhắc một cách chiếu lệ tới học thuyết cũ về một cuộc toàn dân nổi dậy. Thay vì tất cả những cái đó, chiến dịch của QĐNDVN dựa vào các kỹ năng đánh lừa, nghi binh (vu hồi), gây bất ngờ, tiếp cận gián tiếp , đánh lần lượt từng cụm căn cứ - nói tóm lại, một chiến dịch rất trí tuệ. QĐNDVN cuối cùng đã vươn tới một chiến dịch xứng tầm với một lực lượng quân đội chuyên nghiệp, hiện đại, thứ mà các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã nỗ lực rất lâu để xây dựng.
Nhiều sử gia vẫn cho rằng trong bối cảnh viện trợ quân sự của Mỹ cho miền Nam giảm toàn diện sau năm 1973, bất kỳ một cuộc tấn công lớn nào của cộng sản cũng sẽ thắng lợi. Tuy vậy, lực lượng đương đầu với QĐNDVN hồi đầu năm 1975 - Quân đội Việt Nam Cộng hòa (QĐVNCH) - không hề là hổ giấy. Khi QĐVNCH gặp phải những vấn đề nghiêm trọng về hậu cần và tinh thần chiến đấu, phần lớn lãnh đạo của họ kém năng lực, thì những người lính trong QĐVNCH, vốn dày dạn trận mạc, lại vẫn duy trì được một lượng đạn dược và trang thiết bị khổng lồ (như đã thể hiện qua số lượng cực lớn các phương tiện chiến tranh mà quân Bắc Việt thu được khi chiến tranh kết thúc). Cứ cho rằng sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam là không thể tránh khỏi, nhưng kết cục có lẽ đã đẫm máu và kéo dài hơn nhiều nếu những người cộng sản chọn một kế hoạch tấn công khác, theo kiểu truyền thống hơn . Đòn tiêu diệt mạnh nhất của toàn bộ chiến dịch tổng tiến công thực ra chính là đòn tâm lý choáng váng mà chiến lược tài ba và đầy bất ngờ của họ đã nện vào tổng tư lệnh Việt Nam Cộng hòa.
Kế hoạch ban đầu
Những hạt mầm của chiến dịch Tổng Tiến công 1975 của miền Bắc Việt Nam đã được gieo từ hai hội nghị quân sự cấp cao tổ chức tại Hà Nội vào tháng ba và tháng tư năm 1974 để đánh giá tình hình chiến sự. Hai hội nghị này đi đến kết luận rằng QĐNDVN đã giành lại được thế chủ động ở miền Nam, lần đầu tiên kể từ chiến dịch Quảng Trị 1972. Sau Hiệp định ngừng bắn ký tại Paris tháng giêng năm 1973, QĐNDVN đã mở rộng đáng kể tuyến đường huyết mạch chuyên chở hậu cần của họ tới miền Nam - Đường Hồ Chí Minh. Do con đường không còn chịu sự tấn công của không quân Mỹ, miền Bắc Việt Nam nay đã có thể vận chuyển khối lượng khổng lồ trang thiết bị và hàng tiếp tế vào Nam: chỉ riêng trong năm 1973, đã có 80.000 tấn hàng quân sự được cung cấp, trong đó có 27.000 tấn vũ khí, 6.000 tấn chế phẩm xăng dầu, và 40.000 tấn gạo. 100.000 quân nhân mới của QĐNDVN đã hành quân dọc Đường Hồ Chí Minh vào Nam trong suốt năm 1973, và 80.000 người khác lên đường Nam tiến trong nửa đầu năm 1974. Sức mạnh quân đội của QĐNDVN ở chiến trường miền Nam, vốn bị mất đi một phần trong chiến dịch Quảng Trị 1972, giờ đây ở mức hùng hậu nhất trong lịch sử cuộc chiến tranh: 400.000 lính chính quy. QĐNDVN đã có thể thấy ánh sáng cuối đường hầm. Vấn đề họ đang đối diện là làm thế nào để đi tới đoạn cuối đó.
 
Sau hai hội nghị tháng ba và tháng tư, vào tháng năm, Bộ Tổng Tham mưu ở Hà Nội hoàn thành dự thảo, “Đề cương sơ bộ về một kế hoạch giành chiến thắng trong chiến tranh ở miền Nam”. Nghiên cứu này được gửi tới Tổng Tư lệnh của QĐNDVN, đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp, để ông duyệt. Ngày 18-1-1974, sau khi đánh giá cẩn thận đề cương này, Tướng Giáp gọi người phó của ông, Tướng Hoàng Văn Thái, và ra lệnh chuẩn bị cho một kế hoạch chiến dịch chính thức nhằm vào việc giành thắng lợi hoàn toàn ở miền Nam muộn nhất trong năm 1976. Quan điểm chung của ông Giáp là một cuộc tấn công hai giai đoạn, bao gồm một đợt công kích lớn của quân chủ lực vào Tây Nguyên, sau đó là một cuộc tấn công dốc toàn lực nhằm vào lực lượng bảo vệ Sài Gòn. (Nhiều sử gia – những người khẳng định Tướng Giáp ít hoặc không đóng vai trò nào trong Tổng Tiến công 1975 - cho rằng tới lúc đó ông đã bị hạn chế đến mức chỉ còn vị thế bung xung, do sức khỏe kém và do thất bại của ông trong hai chiến dịch 1968 và 1972. Tuy nhiên, những tư liệu của chính quyền cộng sản lại mô tả Giáp với tư cách một người tham gia rất nhiều vào việc lập kế hoạch và chỉ huy tổng thể chiến dịch từ lúc hình thành ý tưởng cho tới thắng lợi cuối cùng). Ngày 26-8-1974, sau khi xem lại một số bản dự thảo trước đó, Bộ Tổng Tham mưu hoàn tất “Kế hoạch chiến lược 1975-76" và ban hành trong ban lãnh đạo cấp cao của Đảng cũng như chuyển cho các chỉ huy quân sự cấp cao để xin ý kiến. Kế hoạch hoàn chỉnh cuối cùng được trình các lãnh đạo Đảng duyệt tại một phiên họp kéo dài của Bộ Chính trị vào tháng 10 năm 1974.
Mặc dù QĐNDVN biết họ đã giành được thế chủ động chiến lược ở miền Nam Việt Nam, kế hoạch ban đầu của Bộ Tổng Tham mưu vẫn khá thận trọng, bởi họ vẫn đang phải đương đầu với một số vấn đề nghiêm trọng. Các nỗ lực của cộng sản nhằm xây dựng lại căn cứ du kích ở vùng nông thôn Việt Nam đã thất bại trên diện rộng, chỉ đạt 30% trong tổng số mục tiêu sức mạnh quân sự trong kế hoạch 1973-74 của các lực lượng vũ trang địa phương ở miền Nam. Thêm vào đó, cơ sở chính trị ở nội đô cũng rất yếu, và quan trọng nhất là, các lực lượng chính quy của QĐNDVN đối diện với tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng về vũ khí hạng nặng và đạn dược. Thêm nữa, mặc dù giới lãnh đạo của Bắc Việt tin rằng họ có một cửa cơ hội vài năm có một để giành chiến thắng trước khi Mỹ phục hồi trở lại sau những bê bối chính trị trong nước, QĐNDVN tin rằng họ vẫn phải cảnh giác với sự can thiệp có thể có từ nước ngoài. Trong các chỉ thị ban đầu của Tướng Giáp, có yêu cầu các lực lượng quân đội của miền Bắc phải chuẩn bị cho khả năng cuộc tổng tiến công có thể khiêu khích Mỹ ném bom trở lại vào miền Bắc hoặc thậm chí đổ bộ vào vịnh Bắc Bộ. Bộ Tổng Tham mưu quyết định rằng, xét các vấn đề này, QĐNDVN không thể đi tới một chiến dịch “tổng tấn công và nổi dậy toàn quốc” kiểu Tết Mậu Thân 1968, huy động lượng lớn du kích ở nông thôn và thành thị (mà họ không hề có), cũng như không có các nguồn lực để tiến hành một cuộc tấn công ồ ạt, trên toàn tuyến, theo kiểu truyền thống như chiến dịch Quảng Trị 1972.
Sự thiếu hụt về tăng thiết giáp và trọng pháo - điều kiện cần để tấn công vào các căn cứ ở cấp sư đoàn và trung đoàn vốn được trang bị rất đầy đủ của VNCH - đè nặng lên tâm trí những nhà hoạch định chiến lược của Bộ Tổng Tham mưu QĐNDVN, những người đã lập nên bản kế hoạch để trình Bộ Chính trị vào tháng 10 năm 1974. Sau này, người ta chủ yếu tìm hiểu xem tình trạng thiếu đạn trong quân đội VNCH tác động như thế nào đến sự sụp đổ của Miền Nam Việt Nam, mà không biết rằng chính QĐNDVN mới chịu thiếu hụt nghiêm trọng. Viện trợ quân sự của Liên Xô và Trung Quốc, đặc biệt ở danh mục “vũ khí tấn công” (xe tăng và pháo), đã giảm đáng kể từ sau Hiệp định Paris 1973. Những thiệt hại lớn của QĐNDVN trong chiến dịch Quảng Trị 1972 càng làm trầm trọng thêm vấn nạn thiếu hụt do sự suy giảm viện trợ này gây ra. Ngoài ra, phần lớn xe tăng và pháo của QĐNDVN ở trong tình trạng rất tồi tệ, phụ tùng thì thiếu. Nhiều đơn vị pháo binh của QĐNDVN, nhất là ở miền Nam, vẫn chỉ được trang bị súng cối hạng nhẹ, súng trường không giật (DKZ), hoặc ống phóng hỏa tiễn vác vai (B40).
Ở địa bàn hoạt động của Văn phòng Trung ương cục Miền Nam, tức là nửa phía nam của đất nước, bảy sư đoàn bộ binh (số 3, 4, 5, 6, 7, 8 và 9) và khung quân đoàn 4 chỉ được yểm trợ bởi năm tiểu đoàn pháo (hai trong số đó có trang bị pháo lấy được của Mỹ nhưng còn rất ít đạn) và ba tiểu đoàn tăng thiết giáp thiếu bộ đội. Khi Quân đoàn 2 của QĐNDVN chiếm Sài Gòn vào tháng 4 năm 1975, họ cũng chỉ có tổng cộng 89 xe tăng và thiết giáp chở quân, 87 cỗ pháo.
Tuy nhiên, vấn đề gay go nhất là nạn thiếu nghiêm trọng đạn cho xe tăng và trọng pháo (tức là pháo dã chiến và cối 85mm trở lên). Hồi chiến dịch Quảng Trị 1972, quân đội miền Bắc đã bắn hơn 220.000 viên đạn xe tăng và trọng pháo, trong đó 150.000 viên đã được sử dụng chỉ riêng tại mặt trận Quảng Trị. Cho đến năm 1974, toàn bộ kho đạn pháo và đạn tăng của QĐNDVN, bao gồm tất cả đạn dược của cả các đơn vị chiến đấu ở chiến trường lẫn của các kho dự trữ chiến lược, tổng cộng chỉ được 100.000 viên. Tình hình đạn dược nghiêm trọng tới mức các chỉ huy pháo binh phải thay pháo lớn ở một số đơn vị bằng các khẩu pháo đã lỗi thời 76,2mm và 57mm, lấy từ kho ra.
Vì những vấn đề này, Bộ Tổng Tham mưu QĐNDVN ban hành sắc lệnh rằng tất cả các vũ khí hạng nặng và đạn dược còn lại phải được sử dụng thật tiết kiệm, để dành cho một đòn quyết định, chỉ tiến hành khi trận cuối cùng diễn ra. Kế hoạch 1975-76 chỉ cho phép dùng hơn 10% kho đạn tăng-pháo còn lại của QĐNDVN trong cả chiến dịch 1975. 45% được phân phối cho chiến dịch 1976, phần còn lại để dự trữ.
Ngày 26-8-1974, Bộ Tổng Tham mưu hoàn tất “Kế hoạch chiến lược 1975-1976”. Tháng 10-1974, Bộ Chính trị họp thông qua bản kế hoạch hoàn chỉnh.
Nếu theo đúng kế hoạch ban đầu của Bộ Tổng Tham mưu, cuộc tổng tiến công sẽ phải kéo dài hết năm 1975, sang năm 1976. Sở dĩ phải thận trọng như thế bởi QĐNDVN lúc đó đối diện với rất nhiều khó khăn mà nổi bật lên là vấn nạn thiếu đạn và nguy cơ can thiệp từ nước ngoài.
Vì các lý do trên, Bộ Tổng Tham mưu nhận định rằng không thể tiến hành một chiến dịch “tổng tấn công và nổi dậy toàn quốc” kiểu tết Mậu Thân 1968, huy động lượng lớn du kích ở nông thôn và thành thị (mà họ không hề có), cũng như không đủ lực để tiến hành một cuộc tấn công ồ ạt trên toàn tuyến theo kiểu chiến tranh quy ước như ở Quảng Trị hồi 1972.
“Thời cơ chiến lược”
Kế hoạch tháng 10 thận trọng song cũng rất đề cao yếu tố thời cơ. Mục tiêu tổng quát của kế hoạch là bằng bất cứ cách nào khả dĩ, tạo ra cái mà QĐNDVN gọi là “thời cơ chiến lược”. Thời cơ chiến lược này có thể là một cuộc binh biến ở Sài Gòn, một cuộc đảo chính dẫn tới sự sụp đổ của chính quyền Miền Nam Việt Nam, hoặc một chiến thắng quân sự quyết định của các đơn vị quân chủ lực QĐNDVN. Kế hoạch lệnh cho tất cả các lực lượng cộng sản hành động ngay lập tức và quyết liệt, bất cứ khi nào thời cơ chiến lược xuất hiện, để khai thác thời cơ ấy bằng cách tổ chức tấn công toàn diện, nhằm giành thắng lợi hoàn toàn trong thời gian ngắn nhất có thể trước khi các nước “có xu hướng can thiệp”, chủ yếu ám chỉ Mỹ và Trung Quốc, kịp phản ứng.
Kế hoạch tấn công năm 1975 được chia thành ba giai đoạn và sẽ được tiếp nối vào năm 1976 bởi một cuộc “tổng tiến công và nổi dậy” để “giải phóng” hoàn toàn miền Nam. Giai đoạn đầu của kế hoạch 1975 là một cuộc tấn công có giới hạn trong địa bàn tác chiến của Văn phòng Trung ương Cục Miền Nam, kéo dài từ tháng 12 năm 1974 tới tháng 2 năm 1975. Giai đoạn hai, trung tâm của Tổng Tiến công 1975, sẽ bắt đầu từ tháng 3 năm 1975 với cuộc tấn công tầm cỡ quân đoàn vào tiền đồn gần biên giới Đức Lập trên Đường 14 tại phần cực phía nam của Tây Nguyên. Trận Đức Lập sẽ được hỗ trợ bởi các hoạt động phụ có tính chất nghi binh ở miền Đông Nam Bộ (toàn khu vực từ Sài Gòn tới rìa Tây Nguyên), vùng hạ du ở miền Trung Việt Nam, và khu vực Trị Thiên (phía bắc vùng hoạt động của Quân đoàn I VNCH). Giai đoạn ba, từ tháng 8 đến tháng 10 năm 1975, kết hợp các cuộc tấn công truy đuổi ở phần phía bắc của miền Trung, củng cố lực lượng QĐNDVN trên phần còn lại của miền Nam, và chuẩn bị “kế hoạch bất ngờ” khi cần. Các mục tiêu kế hoạch cho năm 1975 là tiêu hao một phần đáng kể tổng lực của VNCH; làm thất bại chương trình “bình định”; mở rộng mạng lưới hậu cần tiếp tế của QĐNDVN xuống Đường 14 tới tận Đồng bằng Sông Cửu Long; chặt đứt đường liên lạc của đối phương; phá hoại nền kinh tế miền Nam Việt Nam; và kích động chống đối chính trị nhằm vào chính quyền miền Nam. Tất cả các mục tiêu khác nhau này đều hướng tới mục đích tối hậu: làm hao mòn sức kháng cự của miền Nam Việt Nam và tạo điều kiện cho sự xuất hiện “thời cơ chiến lược”.
Mặc dù Bộ Chính trị phê chuẩn kế hoạch của Bộ Tổng Tham mưu trong phiên họp tháng 10, nhưng họ không hoàn toàn thỏa mãn và quyết định gặp lần nữa vào tháng 12 để xem lại các bước tiến triển và duyệt lại kế hoạch nếu thấy cần thiết. Mọi sự cố xảy ra lúc này đều có thể làm thay đổi đáng kể kế hoạch của QĐNDVN. Tại phiên họp toàn thể hồi tháng 10, Bộ Chính trị đã nhận định rằng căn cứ tình hình nội bộ nước Mỹ (hậu quả chính trị của vụ Nixon từ chức), Mỹ sẽ không can thiệp trở lại vào cuộc chiến tranh một cách đáng kể. Điều này dẹp bỏ mối lo ngại chính yếu của các nhà hoạch định chiến lược miền Bắc, cho phép họ tự do cân nhắc khả năng tấn công mạnh hơn. Thêm vào đó, trong một cuộc giao tranh kéo dài từ tháng 8 đến tháng 12 năm 1974, Sư đoàn 304 của QĐNDVN đã phá được căn cứ Thượng Đức ở khu vực miền núi phía tây Đà Nẵng, và đánh bại một loạt cuộc phản công quyết liệt của hai sư đoàn VNCH - Sư đoàn số 3 và Sư đoàn Kỵ binh bay. Chiến thắng Thượng Đức thuyết phục các nhà lãnh đạo QĐNDVN rằng quân đội của họ giờ đây đã có thể đánh bại ngay cả những đạo quân tinh nhuệ nhất mà VNCH có thể xây dựng được.
Tuy nhiên, hai yếu tố tối hậu trong sự hình thành và phát triển chiến dịch cuối cùng của QĐNDVN, là hai điều mà các nhà hoạch định chiến lược ở bất kỳ nơi đâu đều cần đến: thời (thời cơ) và nhân (con người). Yếu tố con người trong trường hợp này là một vị tướng đầy tham vọng, Trần Văn Trà. Ông là tư lệnh quân đội của Trung ương Cục Miền Nam, một vị trí mà ông đã nắm giữ rồi thôi, rồi lại tiếp tục, suốt từ năm 1964 đến lúc đó. Tướng Trà bị nhiều ý kiến chê trách là người đã chịu trách nhiệm hoạch định cuộc tấn công thảm họa Tết Mậu Thân 1968 vào Sài Gòn, và hậu quả là sự nghiệp của ông bị chững lại từ hồi đó. Giờ đây, ông đã nhìn thấy một cơ hội để chuộc lỗi.
Như chúng ta đã biết, điểm chính trong kế hoạch tổng thể của Bộ Tổng Tham mưu là yêu cầu toàn quân phải chuẩn bị để khai thác ngay lập tức bất kỳ thời cơ chiến lược nào nảy sinh. Khi Tướng Trà nhận lệnh từ Bộ Tổng Tham mưu yêu cầu Trung ương Cục Miền Nam phải dự kiến các tình huống cho một cuộc tấn công thần tốc vào Sài Gòn trong trường hợp xảy ra một “sự biến chính trị - quân sự” (đảo chính), ông biến cái “dự kiến” này thành nền tảng kế hoạch của toàn Trung ương Cục Miền Nam cho năm 1975. Tướng Trà đặt việc chiếm Sài Gòn trong năm 1975, không kéo dài sang năm 1976, là mục tiêu cao nhất trong kế hoạch của Trung ương Cục Miền Nam. Ông yêu cầu Hà Nội ngay lập tức gửi cho mình 3-4 sư đoàn để triển khai kế hoạch này, và ông thay đổi giai đoạn một – giai đoạn tấn công của Trung ương Cục Miền Nam theo lời kêu gọi của Bộ Tổng Tham mưu - thành một chiến dịch lớn nhằm vào việc tạo cơ sở cho cuộc tấn công vào Sài Gòn, bằng cách chiếm quyền kiểm soát toàn tỉnh Phước Long. Bộ Tổng Tham mưu không đáp lại yêu cầu này, Tướng Trà bèn quay về Hà Nội để thuyết phục từng cá nhân.
Trở về Hà Nội vào cuối tháng 11 năm 1974, Trần Văn Trà được biết rằng Bộ Tổng Tham mưu đã bác phần lớn kế hoạch tấn công Phước Long của ông và không tán thành việc Trung ương Cục Miền Nam sử dụng trước bất kỳ xe tăng và trọng pháo nào trong các cuộc tấn công có quy mô nhỏ. Trần Văn Trà bắt đầu vận động các đồng chí cũ trong ban lãnh đạo Đảng, đặc biệt là Bí thư thứ nhất Lê Duẩn, ngõ hầu lật ngược quyết định của Bộ Tổng Tham mưu. Sau nhiều nỗ lực, may mắn cuối cùng đã mỉm cười với Tướng Trà. Suốt những cuộc tấn công đầu tiên, quân của Tướng Trà cả phá các đồn nhỏ của VNCH ở Bù Đăng và Bù Na trên Đường 14. Tổng Tư lệnh Quân đội Trung ương Cục Miền Nam báo cáo về Hà Nội vào ngày 20 tháng 12 rằng trong đợt phá hai đồn này, các lực lượng QĐNDVN đã thu được nguyên vẹn 4 khẩu lựu pháo 105 mm và 7.000 viên đạn pháo. Kho báu ngoài dự tính này làm các nhà lãnh đạo ở Hà Nội choáng váng. 7.000 viên đạn pháo là hơn nửa số đạn Bộ Tổng Tham mưu có kế hoạch sử dụng trên toàn quốc trong suốt chiến dịch 1975. Tướng Trà bây giờ đã có thể lập luận rằng ông có thể sử dụng kho báu này cho cuộc tấn công vào thủ phủ của tỉnh Phước Long theo kế hoạch ông đã lên mà thậm chí không cần động tới số dự trữ đạn dược hiện tại. Trên thực tế, QĐNDVN có thể kỳ vọng sẽ chiếm được thậm chí còn nhiều đạn được hơn ở các căn cứ lớn hơn. Đó là một lập luận mà các nhà lãnh đạo không thể bác được. Tướng Trà được phép triển khai kế hoạch ban đầu của ông.
Vào ngày 6 tháng 1, Sư đoàn số 3 và số 7 của QĐNDVN hoàn tất việc chiếm tỉnh Phước Long bằng cách chiếm thủ phủ của tỉnh và thu được thêm 10.000 viên đạn pháo. Miền Nam thậm chí không có nổi một nỗ lực động tác giả để lấy lại Phước Long, và tuy Mỹ đe dọa hành động bằng cách cho tàu sân bay Enterprise cất cánh về phía Miền Nam Việt Nam, nhưng Enterprise đã sớm quay lưng và mối đe dọa từ Mỹ tan thành mây khói.
Chiến thắng bất ngờ ở Phước Long cuối cùng đã thuyết phục các nhà lãnh đạo cộng sản rằng kế hoạch ban đầu của họ là quá thận trọng.
Đánh giá của Bộ Chính trị rằng Mỹ sẽ không tái can thiệp vào chiến cuộc đã tỏ ra là đúng đắn, những điểm yếu trong hàng phòng thủ của VNCH đã bị bộc lộ, và, cũng quan trọng chẳng kém, là cuối cùng đã có giải pháp cho vấn nạn thiếu đạn dược nghiêm trọng: đánh và chiếm các kho đạn dược của VNCH. Thêm vào đó, trận chiến ở Phước Long chứng tỏ cho Bộ Chính trị thấy rằng kế hoạch cho cuộc tấn công chính của QĐNDVN vào năm 1975, cuộc tấn công tháng ba vào Đức Lập bởi ba sư đoàn QĐNDVN, bây giờ đã lỗi thời và cần phải thay đổi. Kế hoạch được phê duyệt vào tháng 10 đặt ra hai mục tiêu chính cho trận Đức Lập: thứ nhất, đánh thông Đường 14 để sử dụng làm đường vận tải chiến lược cho cuộc tấn công cuối cùng vào Sài Gòn; thứ hai, kéo quân vào tiêu diệt một phần đáng kể binh lính VNCH khi họ cố gắng lấy lại các vùng lãnh thổ đã mất. Căn cứ vào các kinh nghiệm thu được từ Phước Long, bây giờ đã rõ ràng rằng nếu Đức Lập bị tấn công thì mục tiêu thứ hai sẽ không đạt được. Chiến thắng Phước Long chứng tỏ rằng VHCN vốn đã có ý định bỏ các khu vực ở xa và không quan trọng về mặt chiến lược như Đức Lập. Nếu VNCH không cố gắng chiếm lại Đức Lập, thì toàn bộ ba sư đoàn của QĐNDVN sẽ bị bỏ lại ở nơi không có ai để đánh, và như thế, yếu tố bất ngờ đã bị mất. Trần Văn Trà cho rằng chính ông là người đầu tiên đề nghị thay đổi mục tiêu tấn công sang Buôn Mê Thuột. Dù Tướng Trà có phải là người đầu tiên đưa ra ý tưởng đó hay không, thì các nhà lãnh đạo cộng sản cũng đã giang rộng vòng tay ôm lấy cơ hội chiếm Buôn Mê Thuột.
Buôn Mê Thuột là một thành phố có hơn 100.000 dân, “thủ phủ” của người dân tộc ở Tây Nguyên. Nơi đây có cơ quan đầu não và hậu cứ của Sư đoàn 23 VNCH, trong đó có khu căn cứ hậu cần Mai Hắc Đế đầy cám dỗ với những kho đạn pháo lớn. Thành phố nằm trên một giao điểm quan trọng sống còn, là nơi Đường 14 - chạy từ Kontum xuống phía nam tới cửa ngõ phía bắc của Sài Gòn - gặp Đường 21 - chạy theo hướng đông tới thành phố duyên hải Nha Trang. Nếu chiếm được Buôn Mê Thuột, các lực lượng QĐNDVN có thể di chuyển nhanh chóng bằng đường bộ lên phía bắc để chiếm Pleiku ở hậu phương, sang phía đông để cắt Việt Nam làm đôi, hoặc xuống phía nam để tấn công Sài Gòn. VNCH không thể để mất một vị trí chiến lược như vậy và sẽ bị buộc phải tổ chức phản công. Điều này càng đúng hơn bởi vì các gia đình của những quân nhân trong Sư đoàn 23 lại đều sinh sống ở Buôn Mê Thuột – quân đội VNCH chỉ đơn giản là không thể bỏ mặc vợ con mà tháo chạy, không chiến đấu. Trước đó 10 năm, thôn Bình Giã nhỏ xíu ở phía đông Sài Gòn đã được chọn làm mục tiêu của chiến dịch hợp đồng tác chiến liên trung đoàn đầu tiên của quân đội miền Bắc trong chiến tranh (tháng 12 năm 1964) chủ yếu vì lẽ, gia đình của nhiều lính thủy đánh bộ VNCH sinh sống ở Bình Giã. Các chỉ huy của QĐNDVN đã biết từ trước rằng VNCH sẽ buộc phải tấn công để chiếm lại thôn này, cứu người thân, nên họ đã giăng bẫy và tiêu diệt lực lượng viện binh của VNCH. Giờ đây, QĐNDVN lặp lại mẹo đó trên một quy mô rộng lớn hơn. Bởi vì Buôn Mê Thuột được bảo vệ rất mỏng (chỉ bởi Trung đoàn Bộ binh số 53 thiếu quân số, một tiểu đoàn xe tăng và pháo, và vài tiểu đoàn lính địa phương), một cuộc tấn công mạnh và bất ngờ vào thành phố sẽ nhanh chóng chế ngự những người bảo vệ nó. Một khi thành phố đã mất, các lực lượng QĐNDVN có thể triển khai phong tỏa và bẻ gãy các cuộc phản công của VNCH, trong khi đó viện binh của VNCH bị kẹt ở nơi đồng không mông quạnh, không kịp đào công sự bảo vệ.
Vào ngày 7-1-1975, theo nghị quyết của phiên họp Bộ Chính trị phê duyệt kế hoạch mới, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đặt ra các mục tiêu của cuộc tấn công: Ở Quân khu 5 và Tây Nguyên, sử dụng ba sư đoàn chủ lực tấn công Tây Nguyên, mở ra một hành lang nối kết phần phía nam của Tây Nguyên với phía đông của Nam Bộ, và tạo điều kiện cho quân chủ lực di chuyển nhanh vào đông Nam Bộ, hợp tác với quân chủ lực của Trung ương Cục Miền Nam tấn công Sài Gòn. Các trận giao tranh mở màn sẽ nhằm chiếm Buôn Mê Thuột, đánh thông sang Tuy Hòa và Phú Yên, cắt đôi vùng hạ du ở Quân khu 5 (và miền Nam Việt Nam), và tạo ra một hướng khác để từ đó mau chóng tiến về phía nam, uy hiếp Sài Gòn.
Các triển vọng đầy hứa hẹn đến mức Bộ Chính trị, theo một đề xuất của Tướng Giáp, đã ra lệnh cho Bộ Tổng Tham mưu chuẩn bị kế hoạch mới để chiếm toàn bộ Miền Nam Việt Nam trong năm 1975.
Hai ngày sau, Quân ủy Trung ương họp và đặt ra các mục tiêu cụ thể cho chiến dịch Tây Nguyên 1975:
- Tiêu diệt từ 4 đến 5 sư đoàn bộ binh địch, 1 đến 2 chiến đoàn thiết giáp, gây tổn thất nặng nề cho các đơn vị thuộc Quân đoàn 2 VNCH.
- Giải phóng các tỉnh Đắc Lắc, Phú Bổn, Quảng Đức, đặt thành phố Buôn Mê Thuột làm mục tiêu chính.
- Nếu thời cơ phát sinh, mở rộng cuộc tấn công lên phía bắc để giải phóng Pleiku và Kontum, hoặc sang phía đông để chiếm Phú Yên, Khánh Hòa.
Để thể hiện tầm quan trọng mà các nhà lãnh đạo đánh giá đối với chiến dịch, Tổng Tham mưu trưởng, Thượng tướng Văn Tiến Dũng nhận lệnh vào Buôn Mê Thuột ngay lập tức với tư cách phái viên của Bộ Chính trị và Bộ Tổng Tham mưu trong Chiến dịch Tây Nguyên.
Kế hoạch mới này của QĐNDVN đầy táo bạo và sáng tạo. Sau này, khi Sài Gòn đã sụp đổ, một vị tướng cao cấp của Miền Nam Việt Nam phát biểu rằng ông đã nhìn thấy ở chiến lược của QĐNDVN sự phản ánh thuật “tiếp cận gián tiếp” của B.H. Liddell Hart**. Đòn đánh quyết định của QĐNDVN sẽ không nhằm vào quân đội chính của kẻ thù, mà vào những điểm chiến lược được phòng thủ yếu nhất mà đối phương lại không thể để mất được. Kế hoạch nhấn mạnh vào các nguyên tắc: tập trung binh lực, tốc độ, bất ngờ, nghi binh. Cuối cùng, việc chiếm Buôn Mê Thuột sẽ cho phép QĐNDVN lựa chọn bất kỳ nơi nào trong nhiều phương án để làm mục tiêu tấn công tiếp theo, do đó buộc VNCH vốn đã bị dàn mỏng phải vắt óc cố đoán xem QĐNDVN sẽ tấn công ở đâu tiếp theo. Việc triển khai kế hoạch này sẽ đặt Miền Nam Việt Nam vào một tình thế mà Liddell Hart rất thích bẫy kẻ thù của mình vào: “Lưỡng nan giữa muôn trùng gai”. Nó buộc các chỉ huy của VNCH phải phạm sai lầm và đảm bảo cho QĐNDVN chuẩn bị khai thác mọi thời cơ có thể.
Từ đây, mọi sự bắt đầu diễn tiến nhanh. Các đơn vị tham gia cuộc tấn công (gồm Sư đoàn số 10 và 320 của Mặt trận Tây Nguyên; Sư đoàn 968 từ Lào; Sư đoàn 316 tiến từ miền Bắc xuống phía nam; bốn trung đoàn bộ binh độc lập; các đơn vị tăng, pháo, và kỹ thuật; và 8.000 quân nhân tuyển mộ từ miền Bắc Việt Nam) bắt đầu tiến về điểm hẹn của họ. Mạng lưới tình báo tuyệt vời cho những người cộng sản biết rằng Miền Nam Việt Nam không hề hay biết gì về dự định thật của họ, cũng như họ đã giữ bí mật tuyệt đối lượng cung cấp hậu cần khổng lồ. Được đảm bảo như vậy, quân đội miền Bắc đã thực hiện một chiến dịch nghi binh vô cùng tinh xảo nhằm trực tiếp vào điểm mạnh nhất trong hệ thống tình báo của đối phương: hệ thống thiết bị điện tử và thám không của miền Nam Việt Nam và đồng minh Hoa Kỳ. Tại tất cả các đơn vị tham gia chiến dịch Tổng Tiến công, sóng vô tuyến đều im lặng tuyệt đối. Nhân viên tình báo của QĐNDVN gửi đi hàng trăm tín hiệu vô tuyến giả, tổ chức những đoàn xe tải di chuyển lộ liễu, và tiến hành các hoạt động làm đường – những con đường ma – tất cả đều nhằm làm Miền Nam Việt Nam tin rằng Sư đoàn số 10 và 320 của QĐNDVN đang tập trung về Pleiku và Kontum và hai thành phố ở phía bắc Tây Nguyên này là mục tiêu thật sự của Việt Cộng. Chiến dịch nghi binh hiệu quả đến nỗi các chỉ huy quân đội Miền Nam Việt Nam đã bỏ qua một số báo cáo từ các điệp viên và bản khai của tù binh cho thấy QĐNDVN thật ra đang sắp tấn công Buôn Mê Thuột.
Đến cuối tháng 2, tất cả các đơn vị QĐNDVN đều đã sẵn sàng. Ngày 1 tháng 3, Sư đoàn 968 tấn công vài đồn nhỏ ở phía tây Pleiku, thu hút sự chú ý của VNCH vào mối đe dọa đối với thành phố Pleiku. Ngày 4/3, chiến dịch của QĐNDVN bắt đầu với một cuộc tấn công của Sư đoàn 95A, phá tan vài đồn nhỏ của VNCH canh Đường 19 trên Đèo Mang Yang, do đó cắt đứt đường tiếp tế chính cho các lực lượng VNCH ở Tây Nguyên. Xa hơn ở phía đông, trên Đường 19, Sư đoàn số 3 QĐNDVN tổ chức tấn công cắt đứt tuyến đường huyết mạch này và uy hiếp Sư đoàn số 22 VNCH. Ngày tiếp theo, Trung đoàn số 25 của QĐNDVN cắt Đường 21 - con đường duy nhất còn lại nối từ bờ biển vào Tây Nguyên, nối Buôn Mê Thuột và Nha Trang. Các lực lượng VNCH ở Tây Nguyên giờ đây bị cô lập và hoàn toàn phụ thuộc vào tiếp tế từ trên không. Tuy nhiên, phương tiện vận tải hàng không nghèo nàn của không quân VNCH hoàn toàn không thích ứng với việc tiếp tế khẩn cấp ở quy mô này. Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu và Bộ Chỉ huy của ông nhận ra rằng nếu Đường 19 và 21 không được mở lại sớm, các lực lượng VNCH ở Tây Nguyên sẽ nhanh chóng cạn kiệt lương thực, hết nhiên liệu và đạn dược. Ngày 8 tháng 3, Sư đoàn 320 của QĐNDVN tràn ngập một huyện lỵ trên Đường 14 ở phía bắc Buôn Mê Thuột, cắt đường đi Pleiku và hoàn tất việc cô lập Buôn Mê Thuột. Sân khấu đã sẵn sàng cho cuộc tấn công cuối cùng của QĐNDVN, mà VNCH thì vẫn không đoán được Buôn Mê Thuột là mục tiêu.
Theo dõi các diễn biến từ Sài Gòn, Tổng thống Thiệu và Bộ Chỉ huy của ông không thể nào biết được đòn tiếp theo của cộng sản sẽ đánh vào đâu. Tiếp tục chiến dịch nghi binh của QĐNDVN và nhằm ngăn chặn lực lượng dự trữ của VNCH được chuyển lên để củng cố Tây Nguyên, trong những ngày trước khi đánh Buôn Mê Thuột, QĐNDVN tổ chức một đợt sóng các cuộc tấn công trên toàn Miền Nam Việt Nam. Ở phía bắc, vào ngày 5 tháng 3, công binh và du kích tấn công vùng hạ du Quảng Trị và Thừa Thiên, và ngày 8 tháng 3, Sư đoàn 324 của QĐNDVN đánh mạnh vào tuyến phòng thủ chính của VNCH ở tây nam Huế. Về phía nam, ngày 7 tháng 3, quân đội cộng sản tiến hành một loạt vụ tấn công vào khu vực Sài Gòn và Đồng bằng Sông Cửu Long, mà đỉnh cao là chiếm một huyện lỵ chính ở phía tây bắc Sài Gòn. Tổng thống Thiệu và các tướng nghĩ nát óc. Rõ ràng là một cuộc tổng tiến công tổng lực của phe cộng sản diễn ra đến nơi rồi, nhưng đâu là mục tiêu chính? Đâu là nơi nguy hiểm nhất? Với Thiệu và các tướng, câu trả lời đã hiển nhiên: thủ đô Sài Gòn. Kế hoạch nghi binh của QĐNDVN đã diễn ra một cách hoàn hảo.
Ngày 9 tháng 3, Sư đoàn 10 của QĐNDVN, với hai trung đoàn bộ binh (số 26 và 66) và được yểm trợ chỉ với hai khẩu lựu pháo 105mm, 50 viên đạn, tấn công và đánh chiếm Đức Lập cùng toàn bộ các vị trí phòng thủ ở đó trong vòng 24 tiếng. VNCH mất ở đây tổng cộng ba tiểu đoàn, 14 khẩu pháo và 20 xe tăng. Sau khi củng cố chiến thắng, Sư đoàn 10 tiến theo hướng bắc, lên Buôn Mê Thuột.
Rạng sáng 10 tháng 3, 12 trung đoàn QĐNDVN tổ chức tiến công bất ngờ mãnh liệt vào Buôn Mê Thuột. Sư đoàn công binh 198 và hai tiểu đoàn bộ binh đã bí mật lọt vào thành phố từ trước, sau đó tấn công hai sân bay của Buôn Mê Thuột, kho chứa hàng tiếp tế Mai Hắc Đế, và đầu não của Sư đoàn số 23 VNCH. 5 trung đoàn bộ binh (ba từ Sư đoàn 316, Trung đoàn số 24 thuộc Sư đoàn 10, và các chiến binh lão luyện của Trung đoàn 95B thuộc Sư đoàn 325) tiến vào thành phố từ ba hướng, dẫn đường là xe tăng và xe chở thiết giáp của Trung đoàn Thiết giáp số 273, và dưới một lưới lửa tạo bởi 78 súng hạng nặng của Trung đoàn pháo số 40 và 675. Trung đoàn chống máy bay 232 và 234 đi kèm các mũi tấn công, tạo ra một chiếc ô hỏa lực chắn máy bay rát đến mức các đợt tấn công bằng bom của không quân VNCH hầu như đều vô hiệu và gây hại cho chính quân đội họ ngang với cho đối phương. Sau 32 giờ giao tranh, các lực lượng QĐNDVN phá tan đầu não của Sư đoàn 23, bắt sống Phó tư lệnh Sư đoàn. Tướng Dũng báo về Hà Nội rằng quân của ông đã thu được 12 khẩu pháo và 100 tấn đạn pháo ở Buôn Mê Thuột. Điều này đảm bảo với Bộ Tổng Tham mưu rằng chiến dịch sẽ tiến triển mà không bị cản trở bởi nỗi lo thiếu đạn. Các nhà lãnh đạo Bắc Việt ngay lập tức nhận ra tầm quan trọng của chiến thắng này. Trong suốt cuộc họp Bộ Chính trị vào 11/3, Lê Duẩn thảo luận về khả năng thời cơ chiến lược - thời điểm để tiến hành cuộc tổng tiến công cuối cùng - sắp đến. Chiến thắng trong chiến tranh sẽ đến với bên nào sẵn sàng đón lấy nó. Miền Bắc Việt Nam đã sẵn sàng.
Hồi trống trận tiến công lúc đầu dường như nhằm vào Pleiku, sau là vào Sài Gòn và Huế, và bây giờ, thật bất ngờ, lại là cuộc tấn công Buôn Mê Thuột. Đó là những đòn tâm lý làm choáng váng các nhà lãnh đạo phía VNCH. Bối rối, tuyệt vọng, và hẳn là trong trạng thái sốc thực sự, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra hai quyết định trọng yếu vào ngày 10 và 11 tháng 3, đánh dấu chấm hết cho số phận của Miền Nam Việt Nam. Việc đầu tiên là Thiệu ra lệnh rút lập tức Sư đoàn Kỵ binh bay VNCH, vốn là nền tảng phòng thủ của Quân đoàn 1, để về chống đỡ cho Sài Gòn. Khi các chỉ huy của VNCH cố gắng rút những đơn vị này về và tái triển khai để lấp đầy lỗ hổng để lại sau khi Sư đoàn Kỵ binh bay đã rút đi, hệ thống phòng thủ của Quân đoàn 2 bắt đầu nghiêng ngả như một căn nhà xây bằng các lá bài.
Tiếp theo, đúng như Miền Bắc Việt Nam đã đoán trước, Thiệu ra lệnh phản công lập tức để chiếm lại Buôn Mê Thuột “bằng mọi giá”. Do đường lên Buôn Mê Thuột đã bị cắt, viên chỉ huy Quân đoàn II của VNCH, Tướng Phạm Văn Phú, buộc phải dùng trực thăng đưa hai trung đoàn còn lại trong Sư đoàn 23 của ông lên trận địa, thả 5 tiểu đoàn vào một khu đất ở phía đông Buôn Mê Thuột trong thời gian từ ngày 12 tới 14 tháng 3 mà không có xe tăng và chỉ có sự trợ lực giới hạn của pháo binh. Trung đoàn đã hạ cánh vào chính giữa “vùng chết” (quyết chiến điểm) mà QĐNDVN giăng ra. Sư đoàn 10 của QĐNDVN, vừa trở về từ Đức Lập, có xe tăng và pháo binh hùng mạnh yểm trợ, đã chờ sẵn. Trong một cuộc tấn công chớp choáng bốn ngày, Sư đoàn 10 tràn lên và đánh tan hoang phần còn lại của Sư đoàn 23 và Chiến đoàn Biệt động quân số 21. Trong lúc đó thì với những kẻ hấp hối trong đội quân một thời hùng mạnh của VNCH ở Tây Nguyên, khi đường tiếp viện đã bị cắt và không còn hy vọng được cung ứng thêm hay cứu trợ, số phận của họ đã được định đoạt. Mệnh lệnh ngày 14 tháng 3 của Thiệu rút các lực lượng khỏi Pleiku xuống theo Đường 7B ra biển là một hành động tuyệt vọng nhằm cứu vãn những gì còn lại của lực lượng VNCH ở Tây Nguyên. Mệnh lệnh ngu xuẩn, thực hiện thì dốt nát, nhưng trong tình hình ấy thì đó là điều có thể hiểu được.
Khi các đoàn quân của Tướng Dũng hoàn tất việc tiêu diệt mũi rút lui của VNCH khỏi Pleiku, Tướng Giáp ra lệnh cho các lực lượng của ông xung quanh Huế đi vòng qua tuyến phòng thủ của VNCH – những dãy núi đã cản trở các cuộc tấn công trước kia của QĐNDVN. Ông Giáp ra lệnh cho Quân đoàn 2 QĐNDVN phái Sư đoàn 324 và 325 đánh trực tiếp vào vùng hạ du ở duyên hải, cắt đứt Đường 1 - đường rút lui chính của VNCH - và phá tan các đoàn quân tháo chạy trước khi họ có thể tập hợp và củng cố lại. Bị kẹt giữa đồng không mông quạnh, bị cô lập và cắt mọi đường tiếp tế, các đơn vị VNCH trên đường rút lui trong hoảng loạn đã bị quét sạch. Tới ngày 29 tháng 4, Huế, Đà Nẵng, và toàn bộ Quân đoàn 1 của VNCH đã nằm trong tay những người cộng sản.
Hồi kết
Trong khi đó, trong một phiên họp lịch sử của Bộ Chính trị vào ngày 18 tháng 3, Tướng Giáp đã đóng nhát búa cuối cùng vào cỗ quan tài của chế độ Miền Nam Việt Nam với một quyết định chiến lược lớn cuối cùng trong sự nghiệp quân sự chói sáng của ông. Tướng Giáp tuyên bố rằng cơ hội chiến lược chờ đợi từ bao lâu nay đã đến. Ông lệnh cho QĐNDVN ngay lập tức tổ chức một cuộc tổng tiến công trên toàn chiến trường để kiểm soát hoàn toàn Miền Nam Việt Nam ngay trong năm 1975. Lực lượng dự bị chiến lược cuối cùng của Miền Bắc Việt Nam - Quân đoàn số 1 tinh hoa - bây giờ đã đến lúc xung trận. Bộ Chính trị tức tốc phê chuẩn đề nghị của Tướng Giáp và ra lệnh tổng tiến công Sài Gòn từ mọi hướng.
Với quyết định này, kết cục của cuộc chiến không còn gì phải nghi ngờ nữa. Giấy báo tử coi 30 tháng 4 năm 1975 là ngày giỗ, nhưng phát súng hạ gục VNCH đã được bắn từ ngày 18 tháng 3 bởi Tướng Võ Nguyên Giáp. Chiến thắng cuối cùng này của Tướng Giáp đồng thời cũng là chiến thắng ít đổ máu nhất.                                                                                   Đoan Trang lược dịch và chú thích

(*)Cựu nhân viên CIA về Đông Dương
(**) Liddell Hart (1895-1970), nhà tư tưởng quân sự nổi tiếng người Anh, đưa ra khái niệm chiến lược “tiếp cận gián tiếp”, nghĩa là thay vì tấn công trực tiếp thì đánh vào chỗ đối phương không ngờ tới (ví dụ tập hậu, tạt sườn…).

Nguồn: Chungta.com

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511124

Hôm nay

2123

Hôm qua

2359

Tuần này

21498

Tháng này

217997

Tháng qua

121356

Tất cả

114511124