Cuộc sống quanh ta
Di sản Hồ chí Minh trong thời đại ngày nay (Phần II)
II. DI SẢN HỒ CHÍ MINH TRONG THỜI ĐẠI NGÀY NAY
1. Độc lập-Tự do Hạnh phúc: giá trị chung của nhân loại
Theo Hồ Chí Minh, trong điều kiện các nước thuộc địa như Việt Nam thì trước hết phải đấu tranh giành độc lập dân tộc, nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì đó vẫn là độc lập kiểu cũ, và vì vậy độc lập đó cũng chẳng có nghĩa lý gì.
Với Hồ Chí Minh, nước có độc lập rồi thì dân phải được hưởng hạnh phúc, tự do, vì hạnh phúc tự do là thước đo giá trị của độc lập dân tộc. Muốn có hạnh phúc, tự do thì độc lập dân tộc phải đi tới chủ nghĩa xã hội. Người nhấn mạnh chỉ có trong chế độ xã hội chủ nghĩa thì mỗi người mới có điều kiện để cải thiện đời sống riêng của mình, phát huy tính cách riêng và sở trường riêng của mình, chăm lo cho con người và con người có điều kiện phát triển toàn diện. Khi Hồ Chí Minh xác định giành độc lập theo con đường cách mạng vô sản tức là đã khẳng định độc lập dân tộc đi tới chủ nghĩa xã hội.
Chủ nghĩa xã hội trong quan niệm của Hồ Chí Minh không phải là câu trả lời cho mong muốn chủ quan, duy ý chí của con người theo quan niệm duy tâm, không tưởng, mà là câu trả lời cho một sự vận động lịch sử hiện thực theo khái niệm duy vật phê phán. Chủ nghĩa xã hội là một vấn đề hiện thực, xuất phát từ thực tiễn khách quan, từ hiện thực vận động của lịch sử, từ đặc điểm Việt Nam, một nước vốn là thuộc địa, nông nghiệp lạc hậu, khoa học kỹ thuật kém phát triển, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Chủ nghĩa xã hội trong quan điểm Hồ Chí Minh không thể suy nghĩ chủ quan, giáo điều, nóng vội, duy ý chí mà phải dựa trên cơ sở thực tiễn, đặc điểm thế giới và xu thế của thời đại.
Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là cống hiến quý giá nhất của Hồ Chí Minh cho cách mạng Việt Nam. Đó cũng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tư tưởng Hồ Chí Minh, xuyên suốt đường lối và thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, chủ nghĩa xã hội nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc. Chủ nghĩa xã hội là giải phóng nhân dân lao động khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Chủ nghĩa xã hội là một xã hội không có chế độ người bóc lột người, một xã hội bình đẳng, nghĩa là ai cũng phải lao động và có quyền lao động, ai làm nhiều thì hưởng nhiều, ai làm ít thì hưởng ít, không làm không hưởng
Hạnh phúc, tự do theo quan điểm Hồ Chí Minh là người dân phải được hưởng đầy đủ đời sống vật chất và tinh thần do chủ nghĩa xã hội đem lại. Đời sống vật chất là trên cơ sở một nền kinh tế cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Người dân từ chỗ có ăn, có mặc, có chỗ ở đến chỗ ăn ngon, mặc đẹp, đời sống sung túc. Người đủ ăn thì khá giàu. Người khá giàu thì giàu thêm.
Chỉ có tăng trưởng kinh tế, thu nhập cao “ăn ngon, mặc đẹp” chưa thể gọi là chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội là cùng với việc không ngừng nâng cao đời sống vật chất, là phải không ngừng nâng cao đời sống tinh thần. Trong điều kiện nước ta, nhiều khi đời sống tinh thần, văn hóa phải đi trước “soi đường cho quốc dân đi; văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ”. Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Luymanitê (Pháp) về nhân tố nào biến nước Việt Nam lạc hậu thành một nước tiên tiến, Hồ Chí Minh trả lời: “Có lẽ cần phải để lên hàng đầu những cố gắng của chúng tôi nhằm phát triển văn hóa. Chủ nghĩa thực dân đã kìm hãm nhân dân chúng tôi trong vòng ngu muội để chúng dễ áp bức. Nền văn hóa nảy nở hiện thời là điều kiện cho nhân dân chúng tôi tiến bộ”[1]. Từ rất sớm, ngay khi còn phải tập trung vào nhiệm vụ hàng đầu là giành độc lập dân tộc, Hồ Chí Minh đã nhìn thấu ý nghĩa và sức mạnh của văn hóa, của đời sống tinh thần. Người cho rằng, con người cần phải có đời sống văn hóa tinh thần vì đó là lẽ sinh tồn và mục đích cuộc sóng chúng ta. Sau này, trong kháng chiến ác liệt, Hồ Chí Minh nhấn mạnh “không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng; không sợ nghèo chỉ sợ lòng dân không yên”.
Trong đời sống tinh thần thì hàng đầu là phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Bởi vì chủ nghĩa xã hội là do quần chúng nhân dân tự xây dựng lấy, đó là công trình tập thể của quần chúng lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng, Trong điều kiện đó, chỉ có phát huy quyền làm chủ của nhân dân thì mới có sáng kiến và động lực. Nhiều lần Hồ Chí Minh khẳng định “nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. Trong bộ máy cách mạng, từ người quét nhà, nấu ăn cho đến Chủ tịch một nước đều là phân công làm đầy tớ cho dân”. Đảng cầm quyền nhưng dân là chủ và để dân làm chủ. Theo quan điểm Hồ Chí Minh, dân chủ là giá trị lớn nhất mà cách mạng do Đảng lãnh đạo đem lại cho người dân. Vì vậy, dân chủ trong chế độ dân chủ nhân dân đến chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là động lực vừa là mục tiêu của cách mạng.
Chủ nghĩa xã hội là giai đoạn phát triển cao hơn chủ nghĩa tư bản về mặt giải phóng con người khỏi mọi áp bức, bóc lột đem lại cho con người hạnh phúc, tự do. Vì vậy Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò của tư tưởng, văn hóa, đạo đức, lối sống. Văn hóa nói chung, trong chủ nghĩa xã hội nói riêng không dừng lại ở trình độ học vấn, ở bề nổi “cờ, đèn, kèn, trống” mà đó là “chất người”, “trình độ người” trong các mối quan hệ giữa con người với con người, con người với xã hội, con người với thiên nhiên. Văn hóa là lối sống, là quyền con người, là cái chân, thiện, mỹ giữa người với người. Thống nhất với cách tiếp cận của chủ nghĩa Mác- Lênin, Hồ Chí Minh rất chú trọng sức phát triển sản xuất, chú trọng chế độ sở hữu coi đó là những nhân tố quyết định thắng lợi của chủ nghĩa xã hội. Nhưng điều đặc biệt mang sắc thái Hồ Chí Minh, đó là Người chú trọng tiếp cận chủ nghĩa xã hội theo phương diện đạo đức. Con người có hạnh phúc trong chế độ xã hội chủ nghĩa phải là những con người được giáo dục và có đạo đức. Chế độ xã hội chủ nghĩa mang lại hạnh phúc cho con người phải là chế độ xa lạ với chủ nghĩa cá nhân, với những gì phản văn hóa và đạo đức. Hồ Chí Minh chỉ rõ chủ nghĩa cá nhân là trái với đạo đức cách mạng, là trở lực trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân.
Hồ Chí Minh đã sớm phát hiện ra giá trị của chủ nghĩa xã hội. Chế độ xã hội chủ nghĩa theo quan điểm Hồ Chí Minh không chỉ là thước đo giá trị của độc lập dân tộc mà còn tạo nên sức mạnh để bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và tự bảo vệ. Độc lập dân tộc chỉ có đi tới chủ nghĩa xã hội thì mới có một nền độc lập dân tộc thật sự, hoàn toàn, nhân dân mới được hưởng hạnh phúc tự do; chủ nghĩa xã hội chỉ có phát triển trên nền độc lập dân tộc thật sự thì mới có điều kiện phát triển và hoàn thiện.
Nói đến giá trị Hồ Chí Minh là nói đến những điểm tương đồng, mẫu số chung của nhân loại dù trong thời kỳ giải giáp chế độ thực dân, giải phóng thuộc địa hay trong công cuộc kiến thiết đất nước, xây dựng xã hội mới; dù trong thời kỳ chiến tranh lạnh hay trong thế giới toàn cầu hóa. Rõ ràng là trong thế giới ngày nay, khó tìm đâu ra một nhân vật đã “trở thành huyền thoại ngay khi còn sống”, một con người hội đủ khát vọng của các dân tộc dù màu da, tiếng nói, chủng tộc, tôn giáo, văn hóa khác nhau. Tại Hội thảo quốc tế kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 3-1990, một đại biểu phụ nữ nói: “Chúng tôi đến đây, có người theo đạo Hồi, có người theo đạo Phật, đạo Tin lành, Đạo Thiên chúa, trước chúng tôi không hiểu nhau, qua hai ngày hội thảo, chúng tôi có thể ngồi lại nói chuyện vui vẻ với nhau, vì chúng tôi có cái chung là lý tưởng Hồ Chí Minh: “muốn cho nhân loại được tự do, hạnh phúc”[2].
2. Hồ Chí Minh sống mãi trong trái tim nhân loại
Tư tưởng Hồ Chí Minh hình thành và phát triển từ thập kỷ đầu của thế kỷ XX đến khi Người qua đời. Đến hôm nay, Hồ Chí Minh đã đi xa hơn 40 năm, thế giới đã có nhiều đổi thay to lớn. Vì vậy, một hướng khai thác mới trong nghiên cứu Hồ Chí Minh hiện nay là cần làm rõ giá trị di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay. Chúng ta đang sống trong một thế giới có nhiều đổi thay, diễn biến nhanh chóng và phức tạp. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới tuy đã có dấu hiệu hồi phục nhưng còn diễn biến phức tạp, khó lường. Toàn cầu hóa kinh tế; cách mạng khoa học- công nghệ, hòa bình, hợp tác phát triển vẫn là xu thế lớn trên thế giới. Tuy nhiên có một luận điểm xuyên suốt cần được phân tích kỹ lưỡng trên tinh thần cách mạng, khoa học, thực tiễn, đó là di sản Hồ Chí Minh là một học thuyết đầy sinh khí trong thời đại ngày nay.
Rô-mét Chan-đra, Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới đánh giá ảnh hưởng to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh với thời đại: “Bất cứ nơi nào chiến đấu cho độc lập tự do, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Bất cứ ở đâu chiến đấu cho hòa bình và công lý, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Ở bất cứ đâu nhân dân chiến đấu cho một thế giới mới, chống lại đói nghèo, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao.
Phong trào hòa bình thế giới đã học được những gì ở Hồ Chí Minh và nước Việt Nam của Người? Một là tính chất chống đế quốc của phong trào hòa bình thế giới đã trở nên sắc bén hơn nhờ đứng bên cạnh cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Hai là đứng bên cạnh cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam và đứng bên cạnh Hồ Chí Minh, phong trào hòa bình thế giới đã nhìn thấy rõ hơn bao giờ hết sự gắn bó sống còn giữa cuộc đấu tranh vì độc lập và tự do, cuộc đấu tranh cho chính nghĩa và cuộc đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội. Đứng bên cạnh cuộc đấu tranh của nhân dân dân Việt Nam, chúng ta học được ở Chủ tịch Hồ Chí Minh sự cần thiết phải kết hợp cuộc đấu tranh bảo vệ hòa bình thế giới, chống chiến tranh, với cuộc đấu tranh để xây dựng một thế giới mới, trong đó chủ nghĩa đế quốc và đói nghèo vĩnh viễn bị xóa bỏ”[3].
Hiện nay, chúng ta đang sống trong một giai đoạn mà nền kinh tế tư bản chủ nghĩa đang suy thoái và khủng hoảng. Sự khủng hoảng kinh tế từ nước Mỹ và nhanh chóng lan ra cả thế giới làm bừng tỉnh con đường phát triển của nhân loại. Bốn từ “chủ nghĩa xã hội” tưởng đã bị chôn vùi dưới đống gạch đổ của bức tưởng Béclin từ năm 1989 thì nay lại được vang lên một cách mạnh mẽ không chỉ ở các nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, mà ở Vênêxuêla với trào lưu của chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI, ở Nêpan, Ấn Độ, v.v.. Cho dù phong trào xã hội chủ nghĩa ở các nước Mỹ Latinh do Tổng thống Chavez đại diện và đề xướng đang trong quá trình vận động, nhưng điều quan trọng cần được khẳng định là người ta không coi chủ nghĩa tư bản là con đường duy nhất. Sự lựa chọn mục tiêu xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Hồ Chí Minh cách đây gần một thế kỷ đang được nhân loại tiến bộ tiếp tục chứng minh và khẳng định chân giá trị.
Nói đến giá trị Hồ Chí Minh là nói đến những điểm tương đồng, mẫu số chung của nhân loại dù trong thời kỳ giải giáp chế độ thực dân, giải phóng thuộc địa hay trong công cuộc kiến thiết đất nước, xây dựng xã hội mới; dù trong thời kỳ chiến tranh lạnh hay trong thế giới toàn cầu hóa. Rõ ràng là trong thế giới ngày nay, khó tìm đâu ra một nhân vật đã “trở thành huyền thoại ngay khi còn sống”, một con người hội đủ khát vọng của các dân tộc dù màu da, tiếng nói, chủng tộc, tôn giáo, văn hóa khác nhau.
Nơi này, nơi khác người ta vẫn đang tiếp tục tìm hiểu Hồ Chí Minh là nhà dân tộc chủ nghĩa hay người cộng sản. Nhưng nếu suy nghĩ kỹ những dòng sau đây của các loại chính kiến khác nhau thì chúng ta sẽ thấy có những giá trị còn lớn hơn thế. Năm 1983, để chuẩn bị cho sự ra đời của tác phẩm loại từ điển tiểu sử mang tên Văn hóa thế kỷ XX (XX Centurry culturre) do Alan Bullock và R.B Wodinger chủ biên (Do Harper and Row xuất bản năm 1983), 300 nhà khoa học trên thế giới đã được hỏi ý kiến để bình chọn danh nhân văn hóa thế kỷ XX. Hồ Chí Minh, với những tiêu chí được xác định, đã được 300 nhà khoa học chọn là một nhân vật tra cứu trong công trình đó. Trong các cuộc thảo luận, 300 nhà khoa học nhất trí cho rằng: “Hồ Chí Minh là nhà mácxít hay nhà Nho, điều đó không quan trọng. Hồ Chí Minh là người cộng sản hay là người dân tộc chủ nghĩa, điều đó không quan trọng. Chỉ cần biết Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc- người yêu nước- thế là đủ để xếp ông vào hàng danh nhân văn hóa thế kỷ XX. Vì Hồ Chí Minh là người khởi xướng và giương cao ngọn cờ giải phóng các dân tộc thuộc địa và trở thành người dẫn đường chủ chốt được mặc nhiên thừa nhận và kính trọng của châu Á và của thế giới thứ ba”[4].
Xu thế lớn của thời đại ngày nay là hòa bình, hợp tác và phát triển. Hồ Chí Minh là hiện thân cho nền văn hóa hòa bình. Di sản của Người là một kho tàng đầy của báu, xét đến cùng là những giá trị văn hóa. Một nét nổi bật trong di sản văn hóa Hồ Chí Minh là mở cửa, hội nhập quốc tế, thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển. Ngày ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911), khám phá, tìm hiểu thế giới, Hồ Chí Minh đã gửi một thông điệp hội nhập thế giới. Trong kháng chiến chống xâm lược, Người hoan nghênh các nước thật thà cộng tác với Việt Nam, để xây dựng lại nước Việt Nam sau lúc bị chiến tranh tàn phá, để điều hòa kinh tế thế giới và giữ gìn hòa bình. Hơn nửa thế kỷ sau, ra đi về cõi vĩnh hằng (2-9-1969), Người lại mang theo khát vọng khôi phục khối đoàn kết các nước anh em trên thế giới “có lý có tình, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Tư duy về hạnh phúc cho con người của Hồ Chí Minh phù hợp với quan điểm hiện đại, phải gắn với phát triển bền vững. Bước vào thế kỷ XXI, nhân loại đã bàn tới Tuyên bố Thiên niên kỷ (hay gọi là Chương trình nghị sự XXI, tiếng Anh là MDS). Chương trình đó có 8 mục tiêu chứa đựng nội dung của phát triển bền vững. Những nội dung này, ở những mức độ đậm nhạt khác nhau, đã có sớm trong di sản Hồ Chí Minh. Đó là: (1) Xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực; (2) Đạt phổ cập giáo dục tiểu học; (3) Tăng cường bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ; (4) Giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em; (5) Tăng cường sức khỏe bà mẹ; (6) Phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh khác; (7) Bảo đảm bền vững về môi trường; (8) Thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển.
Trước đây, trong thập kỷ 40 của thế kỷ XX, khi bàn về giá trị của các nhà tư tưởng, Hồ Chí Minh đã nói rõ quan điểm của mình. Theo Người, “Khổng Tử có ưu điểm là tu dưỡng đạo đức cá nhân; tôn giáo Giêxu có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả; chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng; Tôn Dật Tiên có ưu điểm là phù hợp với hoàn cảnh nước ta. Tất cả những con người đó chẳng có ưu điểm chung đó sao, đó là mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu cầu phúc lợi cho xã hội. Nếu họ còn sống trên đời này, tôi tin rằng họ sẽ ngồi lại với nhau như những người bạn rất hoàn mỹ. Tôi sẽ cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”. Tư duy Hồ Chí Minh hướng vào việc khai thác ưu điểm chung của các vị ấy là mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu cầu phúc lợi cho xã hội. Tròn nửa thế kỷ sau, khi nhân loại tôn vinh Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”, người ta cũng khai thác điểm chung mà Hồ Chí Minh đã cống hiến cho nhân loại, đó là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Những mục tiêu đó chính là hạnh phúc, là đỉnh cao giá trị nhân văn, văn hóa của loài người.
Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp để chúng ta thêm một lần nữa tổng kết và ghi tạc cống hiến to lớn của Hồ Chí Minh không chỉ với cách mạng Việt Nam mà còn để lại một dấu ấn sâu đậm trong sự phát triển của nhân loại và tiếp tục đưa dân tộc Việt Nam sải bước cùng thời đại
Đúng là “thế giới đã và sẽ còn đổi thay nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn sống mãi trong kho tàng văn hóa của nhân loại”[5].
[2] Dẫn theo: Võ Nguyên Giáp: Tư tưởng Hồ Chí Minh, quá trình hình thành và phát triển, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1993, tr.9.
[3] Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh sống mãi trong trái tim nhân loại, Nxb Lao Động- Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1993, tr.90-91.
[5] Võ Nguyên Giáp: Tư tưởng Hồ Chí Minh, quá trình hình thành và phát triển, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1993, tr.72-73.
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Phân tầng xã hội và di động xã hội ở Việt Nam hiện nay [kỳ 3]
Đền Hồng Sơn
Một nước Nhật quá xa xôi!
Lenk
Thống kê truy cập
114512036
Hôm nay
2362
Hôm qua
2337
Tuần này
22410
Tháng này
218909
Tháng qua
121356
Tất cả
114512036