Cuộc sống quanh ta

Truyện đọc thiếu nhi - Đôi điều suy ngẫm

Đã có một thời, các thế hệ thiếu nhi Việt Nam từng nồng nhiệt, say mê với những thế giới thần tiên, huyền thoại của truyện kể, của cổ tích được lưu giữ từ bao đời... Tuổi thơ chúng ta đã bắt gặp những cô Tấm, bà Tiên, ông Bụt, chàng hoàng tử... rồi cả những điều kỳ diệu, bí ẩn, phù hợp tâm tư, tình cảm lứa tuổi, nuôi dưỡng lòng nhân ái, bao dung cùng niềm tin về cuộc đời tốt đẹp.

Bẵng đi một thời gian, mươi mười năm gần đây, các câu chuyện về cái thuở “ ngày xửa ngày xưa” ấy mỗi lúc thưa thớt, không còn sức thu hút mạnh mẽ đối với tuổi thơ. Thay vào đó,một mùa truyện tranh hiện đại nước ngoài nở rộ. Đã có Đôrêmon, Nhóc Marưkô, Subasa, Bảy viên ngọc rồng... Và gần hơn nữa, là Nữ hoàng Ai Cập, Harry Potter... Chúng có lúc được in rất nhiều, bán khá chạy, trở thành cơn sốt truyện tranh cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI. Một câu hỏi lớn được đặt ra là tại sao văn học thiếu nhi nước nhà lại có tình trạng đáng buồn như vậy? Tất nhiên, lý giải vấn đề này, chúng ta thấy nó xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau.
Trước hết, không thể phủ nhận rằng trong bối cảnh hiện nay, khi mà các phương tiện truyền thông đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ, thì văn hoá nghe - nhìn có phần nào “lấn át” văn hoá đọc. Đặc biệt đối với trẻ thơ, đó là lứa tuổi mà trong nếp nghĩ nếp cảm còn hết sức giản đơn, chúng thích những thứ mang đậm tính trực quan, sinh động, cụ thể, trực tiếp, có hình ảnh hơn là các trang viết “dài dòng”, đậm đặc câu chữ; do vậy, những sáng tác dành cho lứa tuổi này không còn là niềm đam mê, sự cuốn hút như trước nữa. Và “hậu quả” tất yếu phải xảy ra, là những câu chuyện vốn được xem là giàu tính văn chương, nghệ thuật dễ dàng bị “lọt thỏm”, “khuất lấp”, lấp chìm đi giữa dòng thác mạnh mẽ của luồng truyện tranh đến từ bên ngoài.
Không ai phủ nhận là nhiều khi thị hiếu thẩm mỹ của độc giả do bối cảnh thời đại quy định. Đành rằng không thể nhất nhất bắt các em phải quay lại đọc những tác phẩm “ngày xửa ngày xưa”, nhưng thiết nghĩ nếu phía sau những trang văn, người ta vẫn bắt gặp màu sắc trẻ trung, phù hợp với tâm tư trẻ nhỏ, thì một cách tự nhiên, chúng sẽ tìm đến. Trường hợp truyện kể của Anđecsen bên đất nước Đan Mạch xa xôi và thế giới cổ tích của hai anh em nhà Grim bên trời Đức, Hoàng tử bé của Antoine De Saint-Exupery bên trời Pháp, Cô bé bên cửa sổ của Tôt-tô-chan bên xứ sở mặt trời mọc, Bác sĩ Ai-bô-lít của Coóc-nây-Tru-cốp-xki bên trời Nga… là những dẫn chứng thuyết phục, nói lên rằng văn hoá đọc vẫn giàu sức sống nội tại. Vậy nguyên nhân bối cảnh thời đại, chưa hẳn là nhân tố giải thích sự “xuống dốc” của những sáng tác dành cho thiếu nhi ở Việt Nam. Phải chăng, phía sau đó vẫn còn nhiều “ẩn số” cần tìm lời giải đáp, trả lời thoả đáng?
Bởi lẽ, bên cạnh sự chi phối của đời sống đương đại, thì vai trò của cha mẹ trong gia đình đối với các em nhỏ cũng là nhân tố quan trọng góp phần định hướng văn hoá đọc cho các em. Thực tế cho thấy, các bậc phụ huynh chưa có những định hướng tốt giúp trẻ  lựa chọn một cách có hiệu quả loại sách mà các em cần đọc (vì sách dành cho thiếu nhi lúc nào cũng sẵn có trên thị trường). Đời sống vật chất mỗi gia đình ngày một nâng cao, nên những trẻ nhỏ trong gia đình cũng được chăm sóc, chiều chuộng nhiều hơn. Rất nhiều trong số các bậc phụ huynh, khi đưa con đi đến các hiệu sách, rồi cho chúng tự lựa chọn, thích đọc gì thì đọc; mà không hề dìu dắt, khuyên nhủ các em xem nên đọc gì và sách gì thì không nên đọc. Người lớn vốn từng trải, giàu kinh nghiệm. Cho nên, nếu họ biết gợi mở cho con cái những cuốn sách hay, bổ ích, thì chắc chắn sẽ thuận lợi và tốt hơn rất nhiều việc để bản thân các em tự do chọn lựa. Đã có lần tôi hỏi một cháu bé là tại sao lại thích đọc Những tấm lòng cao cả của nhà văn Edmondo de Amicis (người Italia), cháu hồn nhiên trả lời rằng: “Mẹ cháu nói hồi nhỏ, đã được đọc tác phẩm này. Nó ấn tượng đến mức cho đến bây giờ mẹ cháu vẫn không thể nào quên. Và nếu có thời gian, mẹ cháu vẫn đọc lại. Cháu tò mò, muốn thử xem sao”. Rất có thể lời của bà mẹ trên chưa chắc đã phổ biến, nhưng dẫu sao đó cũng là một cách định hướng tốt cho văn hoá đọc của các em. Từ câu chuyện có thật trên, người viết rất hy vọng rằng, về phía các bậc cha mẹ, nên thường xuyên tặng quà cho con cái vào các dịp lễ tết bằng những cuốn sách có giá trị thay vì những món quà theo ý chúng muốn (tất nhiên các tặng phẩm khác cũng rất cần).
Hơn thế nữa, chúng tôi nghĩ rằng bản thân các nhà văn hoặc các nhà xuất bản chưa có hình thức nhằm quảng bá tác phẩm trên các phương tiện truyền thông. Lướt qua các trang văn hóa – văn nghệ của một số báo, chúng ta thấy rất ít các bài điểm sách, các bài phê bình - nếu có thì cũng không phải là các bài viết về văn học thiếu nhi. Trên thực tế, ở Việt Nam đội ngũ sáng tác cho bộ phận này tuy chưa hẳn là đông đảo, nhưng không có nghĩa là chúng ta không có những tác phẩm hay, đáng để đọc. Tuy nhiên, do vài yếu tố nào đó, không đến được với đọc giả, chỉ vì thiếu một “công nghệ quảng bá sách”. Bước vào các hiệu sách, bạn không khỏi ngạc nhiên khi quầy nào cũng có riêng một gian sách dành cho thiếu nhi, nhưng số lượng “vô thiên lủng” như vậy, biết là nên đọc cái gì? Giá như các nhà văn, các cán bộ làm xuất bản “phổ cập ” sách viết về thiếu nhi trên truyền hình như chương trình “Mỗi ngày một cuốn sách ” vào mỗi buổi sáng trên VTV1 thì đó là một “định hướng” khá tốt và tiện lợi cho độc giả biết bao!... Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường như hiện nay, thì sách cũng giống như một món hàng, cần phải tiếp thị tốt thì “hàng hoá” mới đến được tay người tiêu dùng. Với những lời giới thiệu dù ngắn gọn, hấp dẫn, sinh động sẽ thôi thúc trí tò mò và đánh vào tâm lý hiếu kỳ của độc giả. Thực tế cho thấy công nghệ quảng bá sách ở nước ngoài khá tốt mà trường hợp Harry Poter là điển hình…Hay ở Trung Quốc, Hội nhà văn Trung Quốc hàng năm luôn tổ chức cuộc bình chọn sách thiếu nhi hay nhất, trao giải thưởng và phổ cập rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Đây thực chất là hình thức quảng bá sách có tính hiệu quả cao, bởi lẽ nó đã mở ra một diễn đàn, một sự giao lưu giữa tác giả với độc giả, giữa tác giả và các nhà xuất bản với nhau..
Nguyên nhân cuối cùng mà cũng là nguyên nhân chủ yếu và quan trọng nhất, theo người viết vẫn là từ phía đội ngũ sáng tác. Cứ cho là bối cảnh đời sống hiện nay ít nhiều có ảnh hưởng đến nhu cầu và thị hiếu thẩm mỹ đọc của trẻ đi; nhưng Tô Hoài đã chẳng thành danh với Dế mèn phiêu lưu ký, còn Nguyễn Nhật Ánh cũng được các em yêu mến với hàng loạt các tác phẩm: Bàn có năm chỗ ngồi, Phòng trọ ba người, Lũ tiểu quỷ, Bong bóng lên trờ , Chuyện xứ Liang Biang, Cho tôi một vé đi tuổi thơ đó sao? Hơn thế nữa, các cuộc thi viết cho thiếu nhi vẫn được tổ chức và trao giải đều đều... Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong những lần trao giải ấy, chúng ta vẫn chưa thực sự có những tác phẩm xuất sắc. Xin đơn cử ra đây trường hợp của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần: Năm 2001, Hội nhà văn thành phố Hồ Chí Minh và Nxb Trẻ đã phát động cuộc thi sáng tác văn học cho thiếu nhi Vì tương lai đất nước lần thứ III (gần đây hơn, Nxb Kim Đồng đã vào cuộc bằng một đợt phát động khác), thì trong số 10 tác giả được trao giải thưởng, người đoạt giải A - Nguyễn Ngọc Thuần với truyện dài: Vừa nhắm mắt, vừa mở cửa sổ. Trong một chừng mực nhất định, anh Thuần đã ít nhiều tạo ra cho mình một lối viết và cách nhìn mới mẻ về thế giới tuổi thơ.  Bên cạnh đó, là văn phong giản dị, mực thước; câu chữ ngắn gọn, dễ hiểu. Nhưng như thế là nhiều mà chưa đủ, vẫn còn thiếu - bởi dường như anh chưa bứt hẳn, chưa tạm thời “đoạn tuyệt” với suy nghĩ ở tuổi ba mươi của mình - của người viết, để thật sự ngập chìm vào “khung trời tuổi thơ”. Nếu để ý kỹ sẽ thấy, phía sau các con chữ, trang văn của anh Thuần, khi thì lẩn quất, lúc lại bàng bạc một sắc thái triết lý không hoàn con trẻ nữa. Những kiểu câu như: “Khi một người thương yêu của ta ra đi cũng như chúng ta cắt lìa từng khoảng trời trong trái tim minh”; rồi ở chỗ khác, anh lại hạ bút: “khi ai đó buồn, họ rất cần nhiều người để chia sẻ. Nỗi buồn chỉ vơi đi bằng tình thương, chứ không có một phương thuốc nào khác”… xuất hiện khá nhiều trên những trang viết của anh, khiến tác phẩm của Nguyễn Ngọc Thuần lại ngả dần sang hơi hướng của luân lý, đạo đức - những thông điệp ấy, chỉ có người lớn mới hiểu được. Vô hình chung, tác phẩm của anh - mặc dù viết cho thiếu nhi, nhưng lại đi quá tầm nhận thức của các em.
Vì những lý do trên mà bộ phận văn học viết cho thiếu nhi ở Việt Nam đã bị các em dần dần lãng quên (trong khi đó, những tác phẩm hay so với sự đổi thay của thời đại vẫn còn vẹn nguyên giá trị). Hy vọng, trong thời gian tới, các em sẽ được cầm trên tay những cuốn sách thực sự bổ ích. Để hy vọng này trở thành hiện thực, còn phụ thuộc và chờ trông rất nhiều ở tài năng, tâm huyết của các nhà văn Việt Nam - đặc biệt là đội ngũ cầm bút trẻ.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512043

Hôm nay

2369

Hôm qua

2337

Tuần này

22417

Tháng này

218916

Tháng qua

121356

Tất cả

114512043