Cuộc sống quanh ta
Văn học trong xu thế hội nhập hôm nay
Tôi nói hôm nay vì chúng ta đã trải ít nhất là hai lần hội nhập lớn.
Cuộc hội nhập lần thứ nhất là hội nhập dân tộc vào khu vực Đông Á diễn ra trong sự xâm lược và thống trị của Thiên triều Trung Hoa kéo dài suốt 2000 năm, trong đó 1000 năm đầu, nước ta trở thành thuộc địa, 1000 năm sau là tự chủ. Với chiều dài như thế, và với sự chênh lệch về lực lượng như thế mà giành được, rồi giữ được sự độc lập về tinh thần và văn hóa là chuyện khó hình dung, hoặc quá hiếm hoi trong lịch sử. Điều đáng quan tâm là cách cha ông chúng ta tiếp nhận văn hóa Trung Hoa - trong tư cách là cái nôi của văn minh phương Đông, để xây dựng văn chương- học thuật dân tộc - với các mô hình chính trị, với hệ ý thức Nho giáo, với chữ Hán - để từ chữ Hán mà có chữ Nôm; và từ hai loại chữ viết này - cùng với nền văn học dân gian có từ lâu đời mà xây dựng một nền văn chương- học thuật dân tộc có lịch sử ít nhất là 1000 năm, cho đến hết thế kỷ XIX, với những đỉnh cao như Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Nguyễn Du, Phan Huy Chú, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến...
Như vậy là từ trạng thái bị cưỡng chế, rồi chuyển sang chủ động, dân tộc và văn chương dân tộc vẫn tạo được một gương mặt riêng trong bối cảnh Đông Á, có cùng một hình thái kinh tế- xã hội và một phương thức sản xuất mà Trung Hoa là đại diện.
Cuộc hội nhập lần thứ hai, ngắn hơn - chỉ trên dưới 100 năm, đó là cuộc hội nhập với văn minh phương Tây, từ chủ nghĩa tư bản đã chuyển sang chủ nghĩa đế quốc. Cũng vẫn là một sự cưỡng chế - và không tránh được, theo cách nói của Mác, trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, đại ý: Nó - giai cấp tư sản, “đã bắt các dân tộc nông dân phụ thuộc vào các dân tộc tư sản. Bắt phương Đông phụ thuộc vào phương Tây”. Nhưng trong cưỡng chế, để từ xã hội phong kiến chuyển sang xã hội bán phong kiến- thuộc địa, nền văn hóa và văn chương- học thuật dân tộc vẫn có cơ hội để đạt được một trình độ cao hơn, trước hai yêu cầu văn minh và dân chủ mà thời đại đặt ra, do sự xuất hiện của giai cấp tư sản và các cuộc cách mạng tư sản trong lịch sử. Đó là một bước ngoặt lớn của văn minh nhân loại, nhằm lật đổ mọi uy lực của thế quyền và thần quyền mà đem lại một giải phóng lớn cho xã hội - là giải phóng cá nhân, cho họ biết cái hạnh phúc được tự do (qua khẩu hiệu: Tự do - Bình đẳng - Bác ái) trước hết là tự do thân thể, và những thứ gọi bằng hạnh phúc mà mỗi con người sinh ra ở đời đều có quyền được hưởng, tất nhiên là trong những giới hạn mà lịch sử, và lịch sử đấu tranh giai cấp cho phép, để làm nên gương mặt thời hiện đại. Thời hiện đại là thời chủ nghĩa thực dân áp đặt sự thống trị lên thế giới người da màu, trong đó có Việt Nam; nhưng ngay trong xã hội thuộc địa là xã hội được kiến lập theo mô hình phương Tây, thì dẫu với tất cả các tội lỗi do nó gây ra, vẫn cứ có những khoảng sống và khoảng sáng văn minh nhiều lần hơn xã hội phong kiến chuyên chế. Đó là điều giúp ta hiểu vì sao, trong cuộc hội nhập lần thứ hai, làm nên bước chuyển từ mô hình trung đại sang mô hình hiện đại, vào nửa đầu thế kỷ XX, sinh hoạt văn hóa, tinh thần và nền văn chương học thuật dân tộc đã đạt được những thành tựu có thể nói là kỳ diệu - để có chữ Quốc ngữ, phong trào báo chí- xuất bản, Thơ mới, tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, văn học hiện thực và những công trình biên khảo, nghị luận, phê bình sáng giá...
Tiếp nối cuộc hội nhập lớn với phương Tây từ cuối thế kỷ XIX đến mở đầu thế kỷ XX, đem lại những kết quả ngoạn mục cho tiến trình hiện đại hóa, và kết thúc ở thời điểm Cách mạng tháng Tám - 1945 thiết lập nền chính trị Dân chủ Cộng hòa, là một cuộc hội nhập có quy mô khu vực của dân tộc với phe xã hội chủ nghĩa, trong một thế giới chia đôi - kể từ 1950 đến 1975 trên miền Bắc, và trên phạm vi cả nước cho đến đầu 90, khi Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa tan vỡ. Hội nhập với phe xã hội chủ nghĩa và trong thế đối đầu với thế giới phương Tây - nền văn chương học thuật dân tộc trong ngót 50 năm kể từ sau 1945, đã thu được những thành tựu mới trong tương ứng và đáp ứng cho yêu cầu của hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ - kéo dài hơn 30 năm; nhưng lại cùng đi kèm với không ít vấp váp, lầm lạc do một định hướng sai lầm về phát triển xã hội.
Như vậy là, trong khuôn khổ, quy mô và sự nối dài của cuộc hội nhập lần thứ hai, có độ dài hơn một thế kỷ, dân tộc và văn hóa dân tộc đã tạo được hai bước chuyển quan trọng, - một là từ tình trạng bế quan tỏa cảng, khép kín đối với mọi nền văn minh khác mình (mô hình Trung Hoa) buộc phải mở cửa cho văn minh phương Tây xâm nhập vào nửa cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX; và hai là từ “phe” (trong một thế giới chia đôi) mà hòa vào một thế giới đang tan băng, để đến với những mục tiêu mà cả nhân loại cùng theo đuổi, và thoát ra khỏi thế cô lập cục bộ với nhân loại, trong phần cuối thế kỷ XX...
x
x x
Và bây giờ, dân tộc và văn hóa dân tộc lại đứng trước yêu cầu của một cuộc hội nhập lớn - cuộc hội nhập mang tính toàn cầu lần thứ Ba. Tôi nói lần thứ Ba, bởi theo cách nghĩ của các giới khoa học phương Tây, thì nhân loại đã trải qua hai cuộc Toàn cầu hóa. Cuộc thứ nhất, bắt đầu từ năm 1492 - là năm Cristophe Colombus phát hiện ra châu Mỹ cho đến 1800 - 11 năm sau Cách mạng Tư sản Pháp - 1789. Cuộc thứ hai, từ 1800 cho đến năm 2000, cũng 11 năm sau sự kiện bức tường Berlin đổ - 1989. Trong cả hai lần Toàn cầu hóa này, Việt Nam còn là một nước lạc hậu đứng ra ngoài guồng văn minh nhân loại, bởi còn phải tập trung toàn lực để giành cho được quyền độc lập dân tộc. Và bây giờ - với cuộc Toàn cầu hóa lần thứ 3 gắn với Kỷ nguyên Thông tin và Cách mạng số, bắt đầu từ năm 2000, Việt Nam đã có một cơ hội, và trong tư thế chủ động, để bước vào cùng một phòng chờ với nhiều dân tộc khác trên thế giới. Đó là một may mắn của lịch sử. Để không được chậm trễ và bỏ lỡ cơ hội, ta phải biết cách làm bạn với cả thế giới, và phải biết cách đi tắt, đón đầu. Đó là điều khó tránh. Nhưng đi tắt, đón đầu là phải bỏ qua nhiều khâu, nhiều giai đoạn quan trọng, là phải đốt cháy giai đoạn, và khó tránh vi phạm những bước tiến theo quy luật tự nhiên của lịch sử. Kinh nghiệm của những bứt phá, những đại nhảy vọt, những cuộc cách mạng với những cái tên rất kêu, và một hệ thống lý thuyết nằm trong các đường lối, cương lĩnh, nghị quyết đậm đặc ý chí luận đã gây ra bao đứt gẫy với truyền thống, và mất gốc rễ lịch sử. Do vậy nếu ở các lĩnh vực sản xuất vật chất, khoa học, công nghệ cần phải nhanh gấp đến với các mục tiêu tiên tiến, thì ở lĩnh vực văn hóa, tinh thần lại cần biết cách điều chỉnh, cân bằng để tạo một môi sinh thuận theo tâm lý, thói quen, văn hóa ứng xử, không đột ngột cắt đứt với truyền thống cha ông. Ở đây, bài học về khả năng rút ngắn con đường đi và khả năng nhảy vọt của kinh tế, kỹ thuật ở Nhật Bản quả là đầy sức thuyết phục. Đó là bài học không cắt đứt đột ngột với quá khứ mà biết giữ gìn và tiếp nối quá khứ, trong sự nhận thức vai trò của Khổng giáo và việc sử dụng tầng lớp quý tộc Samurai - nguồn cung cấp đội ngũ cán bộ chủ chốt cho công cuộc canh tân. Bài học về sự huy động sức mạnh tổng hợp của đạo lý truyền thống và khoa học, của văn hóa và công nghệ, được đúc kết trong phương châm “Kỹ thuật phương Tây, đạo lý Nhật Bản”. Những cái giá phải trả nếu chỉ chọn duy nhất con đường Tây Âu hóa, như trong thế kỷ qua, tức là con đường chỉ đơn thuần dựa vào vốn, vào kỹ thuật và công nghệ của nước ngoài mà coi nhẹ hoặc bất chấơ văn hóa bản địa, bất chấp nền móng dân tộc như đã diễn ra ở một số khu vực của thế giới thứ ba, sẽ dẫn ngay đến sự suy thoái kinh tế, cùng biết bao hậu quả xã hội.
Khảo sát nền văn hóa dân tộc trong hai nghìn năm thời Trung đại cho ta thấy việc tiếp nhận ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa mà vẫn giữ được gốc Việt, không bị đồng hóa trong cả nghìn năm Bắc thuộc, không chịu khuất phục trong cả nghìn năm tự chủ. Ngót một 100 năm chịu sự xâm lăng và thống trị của thực dân Pháp, với sự tiếp nhận những giá trị văn hóa và tinh thần đến từ phương Tây ta đã nhanh chóng tạo được một nền văn chương- học thuật hiện đại, trong gắng gỏi đuổi kịp với trình độ chung của nhân loại. Như vậy là trong khi phấn đấu thoát ra khỏi sự phong bế (ở nhiều cấp độ), ta vẫn tạo được một cái gì vừa là của riêng mình, để không rời xa truyền thống; vừa vẫn có được cái mới - phù hợp với sự tiến triển chung, mà không bị loại ra khỏi các cuộc đua trên đại lộ của văn minh toàn cầu.
x
x x
Trở lại với cuộc Toàn cầu hóa lần thứ 3, chỉ mới diễn ra vào đầu thế kỷ và thiên niên kỷ thứ 3 đưa tới xu thế hội nhập với thế giới hôm nay - nó là hướng đi chung, là mục tiêu chung, cho tất cả các khu vực, các dân tộc, xét về kinh tế và xã hội, về khoa học và công nghệ. Nhưng xét về văn hóa, văn học, nghệ thuật, thì một khuôn mặt chung như thế cho tất cả là không ổn, thậm chí là không thể chấp nhận. Gắn với đời sống tinh thần và tâm lý con người, gắn với bản sắc riêng của dân tộc vốn có lịch sử rất khác nhau, văn học mỗi dân tộc như đã diễn ra trong lịch sử, đều có cách đi và gương mặt riêng của nó khiến cho Tây Âu - trung tâm của chủ nghĩa tư bản hiện đại và Mỹ, cũng có mặt khác với Bắc Âu và Đông Âu; càng khác với châu Mỹ la tinh, Trung Hoa và Ấn Độ... Văn học mỗi dân tộc có sứ mệnh trước lịch sử của dân tộc mình, và công chúng của chính nước mình, chứ đâu phải viết cho công chúng thế giới, hoặc “ăn theo” công chúng thế giới. Người Việt Nam chẳng ai phải xấu hổ khi so sánh Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) với Dostoievski (1821-1881), hoặc Nguyễn Khuyến (1835-1909) với L. Tolsstoi (1828-1910) vốn là những người cùng thời với nhau. Cũng không phải xấu hổ khi so sánh Vũ Trọng Phụng (1912-1939) với Camus (1913-1960)... Như thế, việc đòi hỏi văn học Việt Nam phải phát triển theo mô hình và đạt cái đích đến của văn học phương Tây hiện đại khi mà nhu cầu của thực tiễn và công chúng là chưa có, hoặc chưa đến, thì thật là không thể và không phải lẽ.
Thế giới trong xu thế hội nhập hôm nay đang chứng kiến sự xích lại gần nhau giữa các khu vực, các quốc gia, các dân tộc. Khó mà hình dung gương mặt mới của đất nước trong tương lai sẽ thế nào, nếu trở lại hình ảnh người phụ nữ mặc áo tứ thân đầu thế kỷ trước, để so với các loại mốt của phụ nữ hôm nay; nếu đứng ở nạn đói hai triệu người chết năm 1945 mà nhìn các tiệc nhậu tràn trề bia rượu nơi thế giới ẩm thực trên khắp các phố xá, làng mạc bây giờ. Thế nhưng tôi vẫn có lòng tin, khi các làn điệu dân ca trên đất nước vẫn còn thì 54 dân tộc anh em trên đất nước ta sẽ không thể có gương mặt chung của người Kinh; và người gốc Nghệ Tĩnh là tôi vẫn có chút phân biệt, để không giống với người xứ Quảng và Nam Bộ. Hẳn là thế, đọc Mạc Ngôn đương đại vẫn nhận ra nét cổ điển trong truyền thống văn học Trung Hoa, chứ không lẫn với F. Kafka hoặc G.G. Marquez...
Trở về với văn học Việt Nam, sau hơn một thế kỷ phát triển trên con đường hiện đại hoá, trong hội nhập từng bước với phương Tây, chúng ta đã dần dần rút ngắn được những so le vẫn còn là lớn giữa dân tộc và thời đại. Trên con đường hướng tới những cái đích xa hơn, nhằm vào công bằng xã hội và hạnh phúc của con người, nhằm vào sự giải phóng và phát triển con người, văn học mỗi dân tộc phải biết cách dựa vào bản sắc và bản lĩnh của chính mình để có thể theo kịp người, mà không tự đánh mất mình, như đã diễn ra trong lịch sử.
x
x x
Thành tựu và bước tiến trong xu thế hội nhập của đất nước trong hơn 20 năm qua cho ta thấy: mọi khát vọng đổi mới đều rất đáng trân trọng; và rất cần được ghi nhận trên từng chặng hành trình của văn học dân tộc. Hành trình đó đã được xác nhận bởi nỗ lực của nhiều thế hệ người viết, như trong một cuộc chạy tiếp sức – có người là cả một đời viết, có người chỉ là một cuốn tiểu thuyết, một tập truyện ngắn, hoặc chỉ một bài thơ. Có người như một ánh sao rực sáng, còn số rất đông người thì âm thầm rồi trở thành vô danh trong lịch sử. Từ những bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ qua Thư gửi Toàn quyền Beaux của Phan Châu Trinh, Hải ngoại huyết thư của Phan Bội Châu đến Đông Dương thức tỉnh của Nguyễn Ái Quốc...; từ Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu đến văn thơ Tản Đà, truyện của Hoàng Ngọc Phách, tiểu thuyết và truyện ngắn của Khái Hưng, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao... khát vọng thức tỉnh và đổi mới đất nước không lúc nào ngừng nghỉ trong hành trình của văn học dân tộc. Bây giờ thì con tàu của dân tộc đã thực sự lên đường, để cùng chung chuyến với nhiều bạn đường trên thế giới, sau những đột phá để rút ngắn khoảng cách với thế giới bên ngoài. Nhìn vào hiện tại thấy còn bao ngổn ngang, bề bộn trước yêu cầu của lịch sử, nhưng nhìn lại lịch sử – chỉ trong khoảng hơn một thế kỷ, sau khi khởi động văn học Quốc ngữ, trên từng chặng một,có phải là văn học ta đã đi được một hành trình dài, sau 10 thế kỷ trung đại gần như đứng yên một chỗ.
Nếu hiểu Baudelaire (1821-1867), ông tổ của chủ nghĩa Tượng trưng và cũng là người tiên khu (précurseur) cho thơ châu Âu hiện đại là người đồng thời với Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), Nguyễn Khuyến (1835-1909)... Nếu hiểu Marcel Proust (1871-1922), André Gide (1869-1951), Franz Kafka (1883-1924) là những người khởi đầu và triển khai tích cực những cách tân trong tiểu thuyết châu Âu thế kỷ XX, là người đồng thời với Tú Xương (1870-1907), Phan Bội Châu (1867-1940), Nguyễn Thượng Hiền (1868-1925), Phan Chu Trinh (1872-1926)... ta sẽ hiểu cái gọi là gia tốc lịch sử đã diễn ra nhanh gấp như thế nào trong nửa đầu thế kỷ XX, để đến được cái đích hôm nay, sau các mốc lịch sử 1945, 1975, 1995 và 2010... đã gần kề.
x
x x
Cuối cùng, một khoảng trống lớn, tôi vẫn còn để ngỏ trong bài viết này do chưa đủ tầm đón, đó là những biến động, do cuộc Cách mạng Thông tin và Kỹ thuật số đem đến cho nhân loại, không phân biệt thể chế chính trị, quốc gia, khu vực, đang nhanh chóng làm thay đổi diện mạo và tác động của văn học, cũng như thay đổi hình thái người viết và người đọc hôm nay.
Trong một thế giới đang được kết nối, và với vai trò con người cá nhân nổi lên bên cạnh vai trò của các quốc gia, các Tổng công ty, các cộng đồng dân cư, mỗi cá nhân có thể vươn ra toàn cầu theo cách riêng của mình để đạt các mục tiêu, thông qua hàng loạt phương tiện mới của “thế giới phẳng” như công cụ tìm kiếm (google), phần mềm xử lý công việc (work flowe), từ điển Wikipedia, khả năng tải lên mạng (uploading)... Với những khả năng như thế cho bất cứ ai làm chủ được phương tiện thông tin, thì có mục tiêu nào mà không thực hiện được, kể cả tốt và xấu, thiện và ác, lành và độc; kể cả những chuyện thuộc quốc gia đại sự đến những chuyện riêng tư, khó nói nhất ở mỗi con người, và trong quan hệ giữa con người với con người.
Chắc chắn, chẳng phải chờ đợi lâu, thế kỷ XXI sẽ cho ta chứng kiến những bất ngờ còn lớn hơn, sửng sốt hơn những bất ngờ đã diễn ra trong từng thập niên một của thế kỷ XX và 20 thế kỷ cộng lại./.
Thái Hà tháng 12-2008
P.L
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Phân tầng xã hội và di động xã hội ở Việt Nam hiện nay [kỳ 3]
Một nước Nhật quá xa xôi!
Lenk
Thống kê truy cập
114511986
Hôm nay
2312
Hôm qua
2337
Tuần này
22360
Tháng này
218859
Tháng qua
121356
Tất cả
114511986