Đất Nghệ

20 tháng giêng - ngày kỷ niệm người cưa đứt cột đồng Mã Viện

Năm 1982, khi biên soạn cuốn "Truyền thuyết và cổ tích lịch sử", tôi được cố Giáo sư Nguyễn Đổng Chi cung cấp cho mẩu chuyện dân gian "Người cưa đứt cột đồng Mã Viện" để đưa vào sách.

Câu chuyện tóm tắt như sau:

"Sau khi dẹp được cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (năm 42 đến năm 43) Mã Viện, tướng nhà Đông Hán, dựng cột đồng ở biên giới - tương truyền là trên ngọn rú Rum (Lam Thành). Cột đồng có khắc dòng chữ "Đồng trụ chiết, Giao chỉ diệt" (Cột đồng gãy, đất Giao chỉ sẽ giệt vong) làm cho dân Việt vô cùng căm giận.Có vợ chồng nhà kia ngày ngày lên núi hái thuốc về sao chế, đem ra chợ bán, làm kế sinh nhai...

Một hôm, lên núi, họ phát hiện ra nơi trồng cái cột đồng đáng nguyền rũa. Hôm sau, họ mang theo cái cưa lên núi, và hai vợ chồng dốc sức kéo cưa, quyết hạ cho được cột đồng. Chẳng bao lâu, chiếc cột đã bị cưa đứt và bị ném xuống sông. Người trong vùng nghe chuyện đều cảm phục.

Về sau dân Châu Hoan nhớ công lao, bèn lập đền thờ, tôn vợ chồng họ làm Thành hoàng. Trong đền có thờ cả đôi quang gánh để nhắc đến nghề nghiệp cũ của thần. Tương truyền, ngôi đền ấy ở một xóm nhỏ bên bờ biển đông, sau này là đất phường Trung Ca, huyện Thiên Lộc".

Cho đến sau cách mạng (1945), ở thôn Trung Thịnh (tên mới của phường Trung Ca, nay thuộc xã Thịnh Lộc - huyện Can Lộc), vẫn còn ngôi đền thờ một vị thần có hiệu "Dực bảo trung hưng Linh phù bản cảnh Thành hoàng Linh ứng Đôn ngung tôn thần" là tổ sư nghề hát, nghề thuốc, và là " Người cưa đứt cột đồng Mã Viện".

Đền bị dỡ phát mấy chục năm trước đây do sự thiếu hiểu biết, thiếu ý thức tôn trọng những giá trị tinh thần của dân tộc.

Nhưng hiện nay, vẫn còn có 3 đạo sắc phong thần (vào năm đầu đời Thành Thái (1889), năm thứ 3 đời Duy Tân (1909) và năm thứ 9 đời Khải Định (1922), cùng bản thần tích do ông Cung Khắc Lược, cán bộ Viện nghiên cứu Hán nôm (Hà Nội) phát hiện từ kho sách của Viện, và dịch ra tiếng Việt gần đây.

Bản thần tích (chữ hán) đề là "Hà Tĩnh, Can Lộc huyện, Trung Thịnh thôn bản cảnh Thần hoàng sự tích" do vị hương lão họ Trần viết vào tháng giêng Thành Thái năm đầu (1889).

Về cơ bản, thần tích cũng giống với truyền thuyết dân gian trên, nhưng có chi tiết khác, và cụ thể hơn, đại để là:

"Tương truyền, thời Trung Nữ Vương, ở Dung Sơn (Dung viết Dung + Mộc = Cây Đa, ông Cung Khắc Lược phiên là rú Rum, gần với âm Rum), có vật yểm.  Mã Viện muốn hại dân nước Nam, thường lập cột đồng tại các yếu địa. Đương thời ở thôn Trung Thịnh có chàng trai lực điện họ Hoàng tên Cơ Thạch, nhà nghèo, thân đơn chiếc, nhưng tính tình vui vẻ, ham thích hát ca. Ngày ngày, chàng lên Rum sơn, nơi bốn mùa cây cỏ tốt tươi, phong phú, là kho thuốc quý, hái thuốc về, trữ đầy cả gian nhà tranh, sao chế, đóng gói đưa ra chợ vừa bán, vừa cho, để giúp người bệnh và có tiền độc nhật.

Một hôm lên núi, chàng thấy có vật lạ; về hỏi các cụ già, mới biết đó là cây cột đồng chôn để yểm trấn. Hôm sau, chàng dậy sớm, mang theo cơm gạo, búa, cưa, vội vã lên núi quyết phá cho được cái vật đáng nguyền rũa kia. Chàng hì hục cưa từ sáng đến chiều thì cây cột đổ. Dân là biết chuyện đều hết sức thán phục.

Trong làng có phường hát, chàng họ Hoàng cũng nhập hội, quanh năm cùng vui vẻ hát hò, và vẫn làm nghề thuốc cứu người. Lúc về già chàng truyền nghề thuốc, nghề hát cho đám trai trẻ trong làng nên ở đây rất nhiều người giỏi thuốc, giỏi hát.

Ông già Hoàng Cơ Thạch không ốm đau, một hôm nằm ngủ thiếp đi và qua đời... hôm ấy là 20 tháng giêng. Dân làng vô cùng thương tiếc...

Hàng năm vào ngày này, họ làm giỗ ông, rồi về sau, dựng đền thờ, để tưởng nhớ công lao ông...

Nối nghiệp ông, cả làng ai cũng biết ca hát, và làm thuốc đem bán khắp trong vùng Nghệ - Tĩnh - Bình... nghề này sau cách mạng vẫn còn...".

*

**

Tên Trung Ca phường (có người cho là tên một phường hát) chỉ mới thấy chép trong một tài liệu danh mục làng xã năm Minh Mệnh thứ 17 (1836). Còn tên Trung Thịnh thôn thì xuất hiện khoảng trước Thành Thái năm đầu (1889). Tuy chưa có đủ cứ liệu, nhưng theo tôi làng này sớm nhất cũng chỉ mới có từ đời Lê mà thôi. Việc làng thờ vị Thành hoàng ở thế kỷ đầu Công nguyên có thể có thể có hai lẽ:

Một là, những người lập làng đã rước vị thần quê cũ về làm Thành hoàng quê mới.

Hai là đền vốn thờ vị tổ sư nghề hát, nghề thuốc, nhưng người ta vận huyền thoại xưa vào thần tích để thần được linh thiêng hơn.

Dẫu sao thì việc thờ phụng một vị tổ sư nghề nghiệp, đồng thời là người yêu nước thương dân, suốt đời lo làm ăn lương thiện, lo cứu giúp đồng bào, và sống thoải mái, lạc quan... là rất có ý nghĩa. Đó là một nhân cách phù hợp với truyền thống dân tộc, đáng được tôn thờ.

Các thế hệ dân Trung Thịnh - Trung Ca ngày nay hẳn là không thể quyên ông tổ đáng kính của mình./.

 

 

 

 

 

 

 

  

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511074

Hôm nay

273

Hôm qua

2359

Tuần này

21448

Tháng này

217947

Tháng qua

121356

Tất cả

114511074