A9 như một cỗ máy lớn đang chạy hết công suất, đua với từng thời khắc, cân nhắc mọi tình huống trong tình thế khẩn cấp để cứu người. Năm phút, ba phút một chuyến xe cấp cứu từ Hà Nội và khắp các tỉnh lân cận đến A9 Bạch Mai, không kể ngày, đêm. Những tiếng còi cấp cứu, những tiếng chân chạy, những bình ô xi, những thầy thuốc áo choàng trắng trầm tư chẩn bệnh, những y tá khẩn trương làm việc…
Tôi đã lặng lẽ hàng giờ chứng kiến điều đó mỗi ngày từ hơn một tháng nay. Chính ở đây, những ngày này các bác sỹ đang chăm sóc và chữa trị cho một con người mà tôi vô cùng yêu quý và kính phục, đó là nhà văn Sơn Tùng, một nhà văn lớn của dân tộc, của cách mạng và là một nhân cách tiêu biểu cho những nhà văn chiến đấu vì lẽ phải.
Gần sáng ngày 26 tháng 6 năm 2010, nhà văn Sơn Tùng trở dậy, như mọi ngày, ông tắm gội sạch sẽ, thắp hương các ban thờ danh nhân và tổ phụ trong nhà rồi tập thiền trước khi ngồi vào bàn viết. Thói quen ấy ông vẫn giữ suốt từ gần 40 năm trước. Dạo này ông đang ưu tư về những bản nhạc mà nhà soạn nhạc Tạ Tường viết cho bộ phim Về Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân kỷ niệm Đại tướng bước sang tuổi 100. Ông cũng đang soạn tài liệu để dựng lại ngôi đền cổ thờ vị Thái Uý Thành Quốc công Đào Lôi trước đây được thờ tự tại thôn Trang Hoa, Làng Hoa Luỹ quê hương ông… Thật không thể ngờ được, giữa lúc ông đang nhập thiền thì huyết áp lên đến 240/180, căn bệnh xuất huyết não đến đột ngột quật ngã ông. Hơn một tiếng đồng hồ sau, gia đình đã đưa ông vào cấp cứu ở A9, Bệnh viện Bạch Mai.
.
Nghe tin nhà văn Sơn Tùng bị trọng bệnh, dù đang bận công tác tại Thành Phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết đã gọi điện ra hỏi thăm. Và lúc 10h30 phút ngày 30-6-2010 Chủ tịch đã đến thăm nhà văn tại khu điều trị cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai. Ban giám đốc bệnh viện, lãnh đạo khoa cấp cứu A9 và gia đình nhà văn Sơn Tùng đã đón tiếp và báo cáo tình hình sức khoẻ của nhà văn cho Chủ tịch Nước. Theo các bác sỹ, tình trạng bệnh của nhà văn là nặng, nhưng anh em bác sỹ, cán bộ nhân viên đã cố gắng hết sức, áp dụng những biện pháp điều trị linh hoạt và sử dụng các liệu pháp tốt nhất có thể. Sau hơn 2 ngày, 2 đêm hôn mê nhà văn đã tỉnh lại và có dấu hiệu tiến triển tốt hơn, dù vẫn còn rất nặng.
Chủ tịch nước nói với các bác sỹ: “Anh Sơn Tùng và tôi là những người đồng chí gắn bó keo sơn từ khi ở chiến trường Nam bộ. Khi anh Sơn Tùng bị thương nặng, tôi là người cõng anh ấy đi cấp cứu. Anh Sơn Tùng là nhà văn được nhân dân yêu mến. Các đồng chí hãy cố gắng hết sức để cứu chữa cho nhà văn Sơn Tùng”. Rồi chủ tịch đi thẳng vào buồng bệnh, nơi đang cấp cứu cho nhà văn Sơn Tùng. Chủ tịch chia sẻ và an ủi bà Phan Hồng Mai, vợ nhà văn, và cùng bà Phan Hồng Mai đứng lặng bên giường bệnh nhà văn. Bà Phan Hồng Mai lay gọi nhà văn: “Anh Sơn Tùng ơi, người bạn thân thiết của anh ở chiến trường, Anh Nguyễn Minh Triết, chủ tịch Nước đến thăm anh đây”.
Chủ tịch Nguyễn Minh Triết nắm lấy bàn tay cầm bút bị thương còn có 3 ngón của nhà văn. Và như cảm nhận được hơi ấm nhà văn cũng siết lấy bàn tay chủ tịch. Nhà văn mở mắt nhìn chủ tịch Nguyễn Minh Triết. Chủ tịch cúi xuống nhìn sâu thẳm vào đôi mắt nhà văn. Chủ tịch nói: “Anh Sơn Tùng ơi, tôi rất xúc động khi nghe tin anh bị tai biến. Các bác sỹ nói với tôi, sức khoẻ của anh hôm nay đã tốt lên nhiều rồi. Anh phải cố gắng lên. Ngày xưa bom đạn Mỹ quật anh đến thế, mà anh vẫn vượt qua, bệnh tật này nghĩa lý gì, anh cố gắng lên”. Nhà văn dù chưa nói được, nhưng ông gật gật đầu đồng cảm và hai người lại thiết tay nhau.
Sau đó chủ tịch thăm và tặng quà cho các bệnh nhân trong phòng và thăm khu lưu trú cho bệnh nhân nghèo, chụp ảnh lưu niệm với gia đình và Ban lãnh đạo bệnh viện Bạch Mai.
Ngay những ngày đầu tiên biết tin nhà văn Sơn Tùng bị trọng bệnh, đại tá Nguyễn Huyên, ông Võ Điện Biên đại diện cho gia đình và văn phòng đại tướng Võ Nguyên Giáp, cựu bộ trưởng Ngoại Giao Nguyễn Di Niên, cựu bộ trưởng Tư Pháp Nguyễn Đình Lộc, nhà thơ Hữu Thỉnh chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Lãnh đạo Ban liên lạc Đồng Hương nghệ An, Lãnh đạo Huyện Diễn Châu, Lãnh đạo Xã Diễn Kim quê hương ông và đông đảo các nhà văn, nghệ sỹ, giáo sư, phóng viên báo chí, cùng bạn hữu của nhà văn từ khắp nơi đã đến thăm ông và chia sẻ với gia đình.
Trên các báo Công an nhân dân, Báo văn nghệ, Webside Hội nhà văn Việt Nam, báo điện tử Văn hoá Nghệ An… lần lượt có bài về nhà văn Sơn Tùng. Trên các blog cá nhân, các trang mạng người ta truyền tin nhau về tình hình sức khoẻ của nhà văn Sơn Tùng. Người ta đau buồn vì tin dữ và nhắc lại những kỷ niệm đã từng được gặp và nghe nhà văn nói chuyện, hoặc những ấn tượng về các cuốn sách, nhất là tiểu thuyết “Búp sen xanh” của nhà văn. Trong số những lời bình luận trên mạng dịp này, đáng chú ý là bình luận của nhà thơ Trương Hữu Lợi viết về nhà văn Sơn Tùng: “Đó là một nhà văn Việt Nam mà tên tuổi đã trở thành một niềm tự hào của những người cầm bút có nghĩa khí”.
Sau khi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến thăm, tiến sỹ Nguyễn Văn Chi đã nói riêng với tôi (Thiên Sơn) và đồng chí Bùi Thái Trọng, thư ký của Ban chỉ đạo Tây Bắc: “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để chữa trị cho nhà văn Sơn Tùng, một con người đặc biệt của đất nước”. Nhìn gương mặt đầy ưu tư và cảm động của anh, tôi nghĩ về tấm lòng chân thành cao quý của người thầy thuốc và thiên chức của anh trước những nguy nan của kiếp người.
Chao ôi, thế mới biết, sức cảm hoá của con người và tác phẩm của nhà văn Sơn Tùng đã thấm sâu vào nhân dân, trở thành một nguồn năng lượng tinh thần lớn lao đến mức nào. Thế mới biết tình người vẫn đẹp đẽ và sâu nặng biết bao nhiêu!
Gần 20 năm nay, hàng ngày tôi vẫn thường đến căn phòng nhỏ của nhà văn Sơn Tùng ở ngõ Văn Chương. Tôi đã chứng kiến một lối sống vô cùng giản dị và liêm khiết của vợ chồng ông. Cứ mỗi sáng, bà Hồng Mai tỉnh dậy đã lo nấu đầy 6 phích nước cho chồng tiếp khách. Việc viết và nghiên cứu tư liệu của nhà văn chủ yếu là khi trời chưa sáng. Còn ban ngày, khách khứa khắp nơi tụ về đây để nghe nhà văn nói chuyện, tham khảo tư liệu, chia sẻ những nghĩ suy, cùng thẩm luận về tình hình đất nước và định hướng trên con đường lao động nghệ thuật. Dù bận rộn, nhưng bao giờ ông cũng hồ hởi tiếp đãi khách, bất kỳ đó là một cán bộ cấp cao, một văn nhân, một nghệ sỹ, nhà báo nước ngoài hay một cháu sinh viên, một người đọc thông thường… Ông ngồi tiếp khách suốt từ sáng đến trưa, từ trưa đến tối. Những lúc thưa vắng khách ông thường cầm tờ báo hay cuốn sách tranh thủ thời gian đọc. Từ cơ quan, tôi hay về thăm ông buổi trưa, tranh thủ thời gian vắng khách để được trò chuyện với ông nhiều hơn. Sau bữa cơm trưa đạm bạc, ông thường trải tờ báo xuống nền nhà, ngả lưng và tiếp tục trò chuyện. Đó là những câu chuyện riêng, nhắc lại những hoài vọng cũ, những người đã giúp đỡ ông trong chiến tranh mà sau khi bị thương không có điều kiện gặp lại; đó là những ưu tư về nhân tình thế thái và lời dặn dò gửi trao kinh nghiệm cả đời văn cho một người trẻ tuổi.
Trong suy nghĩ của tôi, ông không chỉ là một nhà văn lớn, một bậc thầy tôn kính, một người cha tinh thần mà ông còn là một người anh hùng. Một người anh hùng của hoà bình. Ông là một mẫu mực trong lối sống, thuộc tuýp người: “Giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”. Con một gia đình cách mạng 1930-1931, từ 9 tuổi đã mồ côi cha và chứng kiến những đồng chí của cha bị Pháp bắt. 19 tuổi vào Đảng Cộng sản Việt Nam. 20 tuổi tìm hiểu về tư liệu Bác Hồ qua người chị gái và anh trai của Bác. 27 tuổi trở thành đại biểu của Việt Nam đi dự đại hội thanh niên sinh viên thế giới. Trở thành giảng viên của trường Đại học nhân dân, rồi phóng viên được Bác Hồ tin cậy, nhiều lần được đi theo Bác viết bài. Trở thành người đứng đầu tổ phóng viên chiến tranh của báo Tiền Phong phụ trách từ Vĩnh Linh ra Thanh Hoá. Nhận nhiệm vụ vào chiến trường B2 lập và làm chủ bút Báo Thanh niên năm 1968 khi mới 40 tuổi, cùng lúc với việc nhận giấy báo tử của người em trai hy sinh ở chiến trường. Tại miền Nam, ông trở thành một nhà báo nổi tiếng, một người viết văn và làm thơ phục vụ cách mạng. Rồi bị thương khi mới 43 tuổi, thương binh nặng loại ¼, mất 81% sức khoẻ, 14 vết thương khắp cơ thể, 3 mảnh đạn còn găm trong đầu, nhưng ông đã phấn đấu để chống lại những cơn đau triền miên, những lần vết thương sọ nảo rỉ máu, luyện tập không ngừng, tranh thủ thời gian để viết.
Đề tài của nhà văn Sơn Tùng kéo dài từ thời Cần Vương đến tận hôm nay. Qua khoảng 30 đầu sách, ông đã khẳng định vị trí đặc biệt của mình qua đề tài danh nhân cách mạng và chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiểu thuyết “Búp sen xanh” đến nay ấn hành gần một triệu bản, trở thành cuốn sách kỷ lục nhất trong ngành xuất bản, một hiện tượng tiểu thuyết của nền văn học nước nhà. Lai lịch tiểu sử của Bác Hồ, gia thế của Người ông là người nghiên cứu sâu nhất và phổ biến ra xã hội với tư cách là những tư liệu gốc. Văn của ông cũng tái hiện biết bao anh hùng, liệt sỹ có công với nước mà bị lịch sử lãng quên.
Một đời văn nổi tiếng “vua biết mặt, chúa biết tên”. Ông có ảnh chụp chung với nhiều đời tổng bí thư. Hàng trăm bức ảnh chụp với thủ tướng Phạm Văn Đồng, đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng đến tận khi ngoài 80 tuổi, ông vẫn chưa có một căn buồng riêng để đặt chiếc giường nằm. Căn hộ cũ kỹ của ông chật chội và không có công trình phụ. Thế mà ở đây, 84 nhà báo quốc tế, nghệ sỹ khắp hàng chục nước đã đến, hàng vạn người dân và độc giả đã đến thăm ông. Tôi không biết người ta sẽ nghĩ sao khi chứng kiến cảnh sống của một nhà văn tận tâm với cách mạng giữa một đất nước đang ngày càng phồn vinh? Tôi đã gặp chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến đây thăm ông mấy năm trước. Chủ tịch chắc biết rõ ông sống khó khăn như thế thế nào? Một nhà báo Nhật Bản, ông Aramaky có lần ngỏ ý muốn giúp đỡ để ông có căn nhà, ông cảm ơn và nói: “Có căn nhà không phải là mục đích của đời tôi.” Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngày xưa muốn cấp cho ông căn nhà, nhưng đó là lúc “Búp sen xanh” bị những người không đồng quan điểm tấn công. Ông nói với thủ tướng: “Cháu không muốn người ta lại nói, Sơn Tùng viết về Bác Hồ rồi lần lên thủ tướng xin nhà”. Thế rồi ngoài 80 tuổi ông vẫn nghèo. Hy sinh hết tất thảy cho văn chương và cho đất nước. Ông là một cán bộ trung cao cấp, có tiêu chuẩn được cấp nhà, ông là lão thành cách mạng, chiến đấu từ trong cái thở đầu rơi máu chảy, lại là thương binh nặng… Các đồng chí của ông liệu có ai phải sống vất vả, nhọc nhằn mà tận tuỵ với đất nước được như ông?
Văn của ông phản ánh một phần lịch sử dân tộc và những con người ưu tú của nhân dân, của cách mạng cuối thế kỷ 19 và cả thế kỷ 20. Văn ông không chỉ để lại những tư liệu quý giá mà còn là sự chưng cất những truyền thống vĩ đại, đạo lý của ông cha. Chính vì thế, nó sẽ vẫn còn tồn tại trong thời gian, bất chấp những thiên kiến, những biến thiên của thời cuộc.
Cầu mong ông vượt qua được cơn tai biến hiểm nghèo này, lại trở về Chiếu văn, nơi căn phòng nhỏ đã gắn bó kỷ niệm thiêng liêng một phần đời ông sau chiến tranh. Và bạn đọc sẽ sung sướng biết bao nếu ông lại có thêm những trang viết thấm đẫm tình yêu người, yêu nước, truyền lại cho đời sau nhân đạo và nghĩa khí của một dân tộc đã phải khổ đau phấn đấu vượt qua…
Hà Nội chớm thu 1-8-2010
Nguồn: trannhuong.com