Khách mời văn hóa

Tiến vào không gian địa-chính trị để phát huy sức mạnh thời đại trong tình hình mới

LTS: “Rõ ràng, cách tiếp cận thông thường đôi khi gây bức xúc, thậm chí có thể đẻ ra tai họa. Vấn đề ở đây tùy thuộc vào ý chí lãnh đạo và tầm nhìn chiến lược có nắm bắt được tâm nguyện của dân chúng và đo lường được nguy cơ đối với độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia hay không”. TS. Đinh Hoàng Thắng phát biểu với phóng viên tạp chí Văn Hóa Nghệ An về những vấn đề thời sự trong khu vực. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi.

PV: Sau chuyến thăm của ngoại trưởng Vương Nghị tại bốn nước Đông Nam Á mới đây, dư luận vẫn chưa rõ là liệu Trung Quốc sẽ sớm ngồi vào bàn đàm phán với ASEAN để thảo luận về bộ COC từng được đòi hỏi trong hơn mười năm nay hay không. Với tư cách là một nhà nghiên cứu về quan hệ quốc tế, ông nhìn nhận và đánh giá vấn đề này thế nào?

Ts Đinh Hoàng Thắng:  Một thực tế trần trụi là từ nhiều năm nay, mỗi khi bàn đến việc nâng Tuyên bố ứng xử (DOC) lên thành Quy tắc ứng xử (COC), Trung Quốc luôn luôn dùng chiến thuật “câu giờ” và “nói nước đôi” để trì hoãn, kéo dài tiến trình này cho phù hợp với lợi ích của Trung Quốc. Lợi ích Trung Quốc là gì? Đó là lợi dụng so sánh lực lượng có phần thuận về mình, Trung Quốc không từ bất cứ thủ đoạn nào, từ chính trị đến ngoại giao, từ tuyên truyền đến vũ lực (phần lớn là trá hình nhưng đối với ngư dân Lý Sơn của Việt Nam thì đã khá công khai) để đặt mọi chuyện trước sự đã rồi. Mục đích trước mắt là nhằm khẳng định trên thực tế (de facto) sự chiếm đóng trái phép, phi lý và phi pháp của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

PV: Kết quả chuyến thăm Thái Lan, Indonesia, Singapore và Brunei vừa qua nên được đánh giá như thế nào nhìn từ chiến thuật “câu giờ” của Bắc Kinh?

Ts Đinh Hoàng Thắng: Nên đánh giá cả hai mặt. Cái “được” của Trung Quốc là tiếp tục tung hỏa mù. Tuyên bố đồng ý mở thương thuyết về COC ở cấp vụ và cấp chuyên gia ưu tú, nhưng ngoại trưởng Vương Nghị vẫn khẳng định đàm phán song phương trước, chờ “thời cơ chín muồi” rồi mới tính tới đa phương. Ở đây, theo tôi, cái “mất” của Trung Quốc mới là lớn. Sau chuyến thăm này, phương cách mà Trung Quốc tiếp tục hành xử trong vấn đề Biển Đông sẽ là bản sao của phương cách Trung Quốc, với tư cách là một cường quốc, đối xử với các nước láng giềng. Điều mà báo chí đại lục quảng bá cho phong cách ngoại giao mới, “Trung Quốc hóa trách nhiệm quốc tế” chỉ còn là một sáo ngữ và trống rỗng!

PV: Vấn đề Biển Đông, như ai cũng thấy, cũng là vấn đề giữa Trung Quốc với Mỹ và một số cường quốc khác. Vậy tứ giác quyền lực Mỹ-Trung-Nhật-ASEAN sẽ tác động đến cục diện khu vực như thế nào?

Ts Đinh Hoàng Thắng: Liên quan đến đề tài lớn này, tôi chỉ đề cập đến một khía cạnh nổi trội nhất, đó là sự cộng hưởng của nhiều xu thế cùng một lúc. Sự cộng hưởng này được tạo nên bởi sự tương tác giữa các xu thế bấp bênh: Trung Quốc trỗi dậy, nhưng trỗi dậy một cách hòa bình hay gây chiến hiện vẫn còn là ẩn số. Mỹ tái cân bằng sang châu Á, chuyển 60% lực lượng hải quân sang Thái Bình Dương sẽ cạnh tranh và thỏa hiệp với Trung Quốc đến đâu, chưa ai lường trước được. Nhật Bản sửa đổi hiến pháp để chính thức hóa quyền phải có một quân đội quốc gia đúng nghĩa sẽ tác động cả hai mặt, thuận và nghịch. Và ASEAN, qua nhiều thăng trầm vẫn kiên trì vai trò trung tâm nhưng trong nhiều trường hợp, lực bất tòng tâm.

Sự tương tác không đồng đều về các chiều kích kinh tế, chính trị, quân sự… giữa các cực nói trên (hẳn nhiên, không thể so sánh ASEAN với một trong ba cực kia) sẽ tạo nên cục diện phức tạp cho cả khu vực. Sự tham gia của những chủ thế mới như EU, Nga và Ấn Độ sẽ làm cho “đấu trường” ngày càng sôi động. Trong bối cảnh ấy, vấn đề Biển Đông chưa được giải quyết và ngày càng có nhiều biểu hiện leo thang khiến cho các nước nghi ngờ sự thành công của chủ nghĩa khu vực. Bởi vì tất cả các thực thể trong/ngoài tứ giác nói trên đều đang tiếp tục chịu áp lực cực lớn từ nội bộ cũng như từ bên ngoài vào, kể cả Trung Quốc lẫn Mỹ. Điều này đến lượt nó khiến cho khu vực càng trở nên rất bấp bênh.

PV: Trong tình thế bấp bênh ấy, đâu là cơ sở để hy vọng các bên liên quan tìm kiếm được giải pháp, tránh cho khu vực rơi vào tình trạng bế tắc?

Ts Đinh Hoàng Thắng: Nói một cách thật giản lược, nhiều trường phái có thể giúp lượng định tình hình, mà phổ biến là: chủ nghĩa duy thực, quan niệm toàn cầu và trường phái đa tầng. Những người theo “duy thực” (realism) cho rằng cạnh tranh và đe dọa bằng vũ lực là tất yếu trong các mối bang giao. Quan niệm “toàn cầu” (globalism) cổ vũ cho sự tùy thuộc lẫn nhau về kinh tế/an ninh và coi đấy là chỗ dựa cho hòa bình và các định chế quốc tế. Còn trường phái “đa tầng” (pluralism) coi trọng các thực thể “phi quốc gia”/“xuyên quốc gia” trong quan hệ. Trên thực tế, mọi việc không rạch ròi như vậy, nhưng các nhà lãnh đạo châu Á ngày này dường như bắt đầu chấp nhận mối tương quan cơ hữu giữa các giá trị dân chủ, ổn định khu vực với trật tự quốc tế. Ý kiến bi quan trước tình thế lưỡng nan về an ninh châu Á trong thế kỷ 21 vẫn khá phổ biến, thậm chí có dự báo cho rằng châu Á sẽ lặp lại lịch sử châu Âu cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên, các bộ óc tỉnh táo/có trách nhiệm ở tầm quốc gia và quốc tế lại đang thiết kế/xây dựng các công cụ hữu ích để điều tiết mối liên hệ giữa tham vọng quyền lực và sự quản lý toàn cầu trong thế kỷ 21. Đấy chính là cơ sở để hy vọng!

PV: Tại Hội nghị cấp cao về an ninh châu Á sắp tới hay tại các diễn đàn toàn cầu khác như Thượng đỉnh Đông Á cuối năm nay liệu chúng ta sẽ được chứng kiến thành tựu của các nỗ lực ông vừa nói?

Ts Đinh Hoàng Thắng: Năm nay, “Đối thoại Shangri-La” (SLD) lần thứ 12 vào ngày 31/5 tới sẽ bàn nhiều vấn đề “nóng” của khu vực, nhưng tôi muốn lưu ý hai đề tài đang thu hút dư luận. Đề tài thứ nhất là cách tiếp cận của Mỹ đối với an ninh khu vực và đề tài thứ hai, vai trò của Trung Quốc trong an ninh toàn cầu. SLD là một diễn đàn an ninh liên chính phủ tổ chức hàng năm bởi Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS). Hội nghị có sự tham dự của đại diện quốc phòng từ 28 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, nhưng không bị ràng buộc có tuyên bố chính thức hoặc thông cáo. Còn Cấp cao Đông Á lần thứ 8 vào cuối năm sẽ có 18 tổng thống và các vị đứng đầu chính phủ, trong đó hầu hết các nước lớn đều tham gia. Năm nay, chúng ta biết Mỹ vừa tuyên bố sẽ đưa vấn đề Biển Đông ra thảo luận tại Hội nghị. Tuy nhiên, phải nói ngay là các cấu trúc đang hình thành trong khu vực để giải quyết các tranh chấp như vấn đề Biển Đông là quá trình tiệm tiến (incrementalism), khó tính đến các bước đột phá.

PV: Có tin là tại “Đối thoại Shangri-La” tháng tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự diễn đàn và ông sẽ có bài phát biểu quan trọng? Liệu có bước ngoặt mới nào trong chính sách đối ngoại của Việt Nam?

Ts Đinh Hoàng Thắng: SLD từ trước tới nay đã từng có các tổng thống Hàn Quốc, Indonesia, thủ tướng Úc, Mã đến đọc diễn văn khai mạc. Lần này, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ là lãnh đạo cấp cao Việt Nam đầu tiên được mời làm diễn giả chính, hẳn nhiên có nhiều ý nghĩa. Chúng ta chưa biết thủ tướng sẽ phát biểu cụ thể điều gì và sẽ có hay không những tuyên bố về bước ngoặt trong chính sách đối ngoại như sự đón đợi cao độ của dư luận trong cũng như ngoài nước. Có điều là văn hóa châu Á nói chung và văn hóa chính trị Việt Nam nói riêng ít trưng diễn các kiểu tuyên bố “giật gân”. Mọi thay đổi, nếu có, đều nằm “giữa các dòng chữ được mã hóa”. Trong ngoại giao của các quốc gia như Việt Nam lại càng phải như thế! Khi chúng ta bắt đầu đường lối “đa dạng hóa, đa phương hóa” có nghĩa là chúng ta chia tay với “nền ngoại giao ý thức hệ”, nhưng đố ai tìm được một tuyến bố rành mạch như vậy trong các văn bản chính thức. Ở đây, “Hành động vang xa hơn lời nói!”. Lịch sử Việt Nam và thế giới đều cho thấy, khi nguy cơ đối với độc lập dân tộc ngày càng trở thành một thực tế, thì cách duy nhất để ngăn chặn việc lạm dụng ưu thế về sức mạnh từ những thế lực bên ngoài là phải tạo ra một sự đối trọng tương đương. Hệ thống các đối tác chiến lược mà Việt Nam đã/đang xây dựng rõ ràng đang tiến theo hướng ấy!

PV: Vâng, tuy nhiên, vấn đề bảo vệ biển đảo của Việt Nam hiện nay có vẻ như đang vượt khỏi khuôn khổ chính trị/an ninh thông thường. Theo ông, cách tiếp cận tiệm tiến như ông nói ở trên liệu sẽ mang lại hiệu quả?

Ts Đinh Hoàng Thắng: Nghệ thuật cao nhất của chính trị là vừa phải biết thỏa hiệp, nhưng vừa phải giữ nguyên tắc. “Dĩ bất biến ứng vạn biến!” chính là hồn cốt của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. Thế giới đang “vạn biến”, những kinh nghiệm trước đây như “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại” phải được cắt nghĩa và thực thi trong những nội hàm hoàn toàn mới! Các vấn đề an ninh và thịnh vượng ở khu vực đang có xu hướng tiến đến mức kịch trần.

Và ở đây, vấn đề không chỉ áp đặt mức kịch trần, mà còn áp đặt một giới hạn thời gian phải tìm ra giải pháp. Vì vậy, tôi đồng ý là không thể xứ lý như một vấn đề chính trị thông thường (câu giờ, cầu hòa rồi để các nhiệm kỳ tiếp nối giải quyết…). Rõ ràng, cách tiếp cận thông thường đôi khi gây nhiều bức xúc, thậm chí có thể đẻ ra tai họa. Vấn đề ở đây tùy thuộc vào ý chí lãnh đạo và tầm nhìn chiến lược có nắm bắt được tâm nguyện của dân chúng và đo lường được nguy cơ đối với độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia hay không. Tôi hy vọng, tới đây chúng ta sẽ có những cơ hội để kiểm nghiệm câu hỏi nhà báo nêu ra.

PV: Trở lại vấn đề quân bình lực lượng ông nêu trên, thì đâu là cơ sở bền vững để một nước như Việt Nam, từng có những “trang sử phức tạp” với hầu hết các nước trong P-5, có thể trở thành đối tác chiến lược thực sự, chứ không chỉ trên khẩu hiệu, với Trung Quốc, với Mỹ và các thành viên khác? Một không gian văn hóa chính trị như Việt Nam làm thế nào có thể cùng tồn tại hòa bình, bảo vệ được độc lập dân tộc và đồng hành với những nước đang xâm chiếm trái phép biển đảo của Việt Nam, những nước luôn đòi dân chủ/nhân quyền, những nước có quan niệm giá trị khác với chúng ta trong quan hệ?

Ts Đinh Hoàng Thắng:  Trước mắt, chúng ta thấy ngư dân của chúng ta bị trấn lột, bị cướp bóc trên biển đảo thuộc ngư trường truyền thống của ta, mà thế giới, thậm chí các thành viên ASEAN chẳng có ai hưởng ứng để cùng ta lên án kẻ thủ ác, kể cả những nước chung cảnh ngộ. Đây là một thực tế đau lòng phải nói ra để đừng tự ru ngủ với những sáo ngữ “vị thế Việt Nam ngày càng được nâng cao”. Sự rạn nứt của ASEAN trong năm ngoái cũng như những cố gắng trầy trật trong năm nay chứng tỏ rằng, giữa các đặc điểm chung của cái gọi là “không gian văn hóa Đông Nam Á”, chưa thấy đặc điểm nào có thể giúp tăng cường tính cố kết giữa các quốc gia trong một thế “quân bình quyền lực” – hiểu theo nghĩa hiện đại, tức là – quân bình các lợi ích.

Trong khi đó, chính “không gian địa-chính trị”, với những nhân tố mới, nổi trội, có ý nghĩa sống còn đối với an ninh quốc gia và thịnh vượng của mỗi nước, lại có hấp lực kết nối các giá trị. Thủ tướng Võ Văn Kiệt trước đây là một trong những người nêu ý tưởng “vươn ra thế giới bên ngoài để phát triển”. Ông cũng là vị lãnh đạo đã góp phần định hướng chính sách quốc gia theo “thang giá trị” toàn cầu: kinh tế thị trường, xã hội công dân, nhà nước pháp quyền. Một chính sách đối ngoại nếu lấy những giá trị phổ quát ấy làm động lực thì chắc chắn sẽ giải quyết được các mâu thuẫn nói trên./.

PHAN THẮNG (Thực hiện)

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511169

Hôm nay

2168

Hôm qua

2359

Tuần này

21543

Tháng này

218042

Tháng qua

121356

Tất cả

114511169