Cuộc sống quanh ta

Sự sống và Sự chết

                                                                            Giữa sự sống và sự chết/Tôi chọn sự sống

                                                                            Để bảo vệ sự sống/Tôi chọn sự chết

                                                                                                         VĂN CAO

Năm 1991, tôi chuyển công tác từ huyện lên tỉnh vào đúng thời kỳ xộn rộn trong phe XHCN.

Những tháng đầu tiên “cơm niêu nước lọ” ấy, cái thú duy nhất là tối tối trong gian nhà của cơ quan cấp cho ở khu tập thể, chỉ còn mỗi một việc là đọc sách và nghe nhạc. Anh Phạm Văn Lộc chuyên viên văn hoá cho tôi mượn tập thơ Mưa Lá của chính tác giả là Nguyễn Thế Hùng tặng anh. Cuốn sách in đẹp và có minh hoạ đẹp. Tôi đọc thấy thích. (Chuyện này về sau có anh bạn tôi viết là lúc ấy tôi đọc tập thơ của Văn Cao, không phải thế. Nhưng chính Văn Cao đã đề tựa rất đáng giá cho tập thơ Mưa Lá này). Rồi tự nhiên muốn cầm bút! Lại thêm một băng nhạc của Văn Cao mới ra, có nhiều bài được “phục hồi”. Tôi nghe nhiều lần. Và cuối cùng thì Thu Cô Liêu được chọn nghe đi nghe lại mãi, tưởng như mòn cả cuộn băng, mà vẫn không chán. Ngoài phần nhạc ra, phần lời cũng lạ quá, cứ lâng lâng huyền ảo:

Thu cô liêu, tịch liêu, cô thôn chiều

Ta yêu Thu, yêu Thu, yêu mùa Thu!

Vàng hoen đáy nước soi rõ đường đi

Lá rơi, rơi rụng, buồn chi lá vàng

Trăng ấp lạnh non, sương cứng lá

Đã từng nghe gió biết Thu sang

Vàng theo cánh gió lấp bay tình em

Một chiều êm, một chiều êm…

Lời của Thu Cô Liêu không giống những bài hát tình Thu khác đầu những năm 40 của thế kỷ trước, là lúc không khí nhạc tình lãng mạn đều nói về mùa Thu, thường chịu ảnh hưởng văn thơ lãng mạn Pháp: Biệt ly ca của Doãn Mẫn, Bẽ bàng của Lê Yên, Bóng ai qua thềm của Văn Chung… Thu Cô Liêu ấp ủ cái buồn phương Đông, có vẻ thoát ra từ khung cảnh một bài thơ Đường, như Thu hứng của Đỗ Phủ chẳng hạn?... Tác động dồn dập của hai yếu tố trên đã đẩy tôi hoàn thành tập thơ đầu Sóng Bãi Ngang khá nhanh chóng. Và tên tuổi của Tác giả những bài ca hay nhất về mùa Thu cứ luôn luôn vương vấn…

Vài năm sau, Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và tôi tới thăm Văn Cao. Con người từng bấm cò súng tình báo, trông gầy gò nhỏ bé, gương mặt hiền hậu nhưng kiên quyết, nói năng điềm đạm nhưng dứt khoát. Vậy mà, những bài thơ và bản nhạc của ông, từ nhạc tình, nhạc hùng, đến hướng đạo ca cũng như lịch sử ca sau này đã từng mê hoặc cả một thế hệ lớn lên trong sự giao thoa của nhiều nền văn hoá lớn một thời, và ngay cả bây giờ nữa. Bởi sự phát kiến những đường hướng nghệ thuật mới mẻ do ông vỡ vạc khai phá, mà không bao giờ ông được đi tới tận cùng. Đó là một bi kịch, nhưng cũng đã đủ làm cho ông trở thành một trong số vài ba nghệ sĩ tài hoa nhất thế kỷ. Điều này được nhận ra rất sớm và được khẳng định muộn màng khi bóng tối chịu lùi trước ánh sáng. Tôi nhớ, Tiến sĩ Phan Hữu Phúc có lần nói với tôi về việc anh chở Văn Cao từ Chiếu Văn Sơn Tùng về nhà ông ở phố Yết Kiêu: Xe đạp đã dắt xuống lòng đường rồi mà Văn Cao vẫn còn đứng trên hè phố quan sát hai phía xem có chiếc xe tải nào đang “chờ” mình không?!... Giờ thì ông vui vẻ mang rượu Tây ra đãi khách. Một bài ca quen thuộc vang lên trên loa đài đường phố, ông nói: “Đời tôi chỉ viết về Khát Vọng!” rồi tiếp tục một câu chuyện thú vị. Phu nhân của ông đứng sau ghé tai ông nói nhỏ điều gì… Ông quay lại: “Bà là chúa thích… đề cao tuyên truyền!”. Nhưng rồi bà Thuý Băng cũng đã mang bản sao bức chân dung của ông do Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ký hoạ, để ông đề tặng khách. Tôi nhớ mãi câu ông nói khi bước xuống cầu thang: “Cậu có chút gì đó giống mình!”. Thật bất ngờ, không rõ là tôi giống ông về diện mạo, phong cách hay tư duy?...

Mùa xuân năm nay, tôi đến thăm anh bạn thời sinh viên. Gặp anh đúng lúc nhạc Văn Cao đang vang lên và thấy anh ứa nước mắt. Anh nói: “Mùa Xuân Đầu Tiên đấy! Văn Cao sáng tác bài này khi chiến tranh kết thúc, mà nó bị lặng im bao nhiêu năm rồi!...”. Nhạc Văn Cao ít nhắc đến mùa Xuân. Thực ra trong Cung Đàn Xưa đã có mùa Xuân, nhưng là mùa Xuân đã tàn tạ mất hút trong mùa Thu, dù cho lời ca vẫn mượt mà lưu luyến: “ Chiều năm xưa gót hài khai hoa, mắt huyền lưu Xuân, dáng nồng thơm hương…”. Mùa Xuân Đầu Tiên thì khác hẳn:

Rồi dặt dìu mùa Xuân theo én về

Mùa Xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên

Người mẹ nhìn đàn con nay đã về

Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong Xuân vui đầu tiên

Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm

Từ đây người biết quê người

Từ đây người biết thương người

Từ đây người biết yêu người

Lời ca sao mà cảm lắng, đẹp đẽ, trong sáng và tin yêu đến thế! Từ đây… từ đây…, Từ đây… Không thể tưởng nổi cái tột đỉnh ước mong chờ đợi gần kề ấy, những kết quả máu xương của hàng triệu người trong nhiều chục năm ấy, lại tuột khỏi lòng người thêm nhiều chục năm nữa, - cho nỗi đau cuối cùng của Văn Cao!

Trước Cách mạng, Huy Cận có thơ như là điềm báo: “Từng tiếng lệ: ấy mộng sầu lá úa/Chim vui đâu? Cây đã gãy cành”. Tài năng và số phận Văn Cao cũng có gì như song song, đồng thời như đối ngược với Huy Cận: “ Sông chầm chậm chảy trong mưa/Nghe chừng cô gái đã thưa nhát chèo”… Chỉ có điều linh hồn Huy Cận buồn không duyên cớ về sau. Còn Văn Cao thì mang vạ đoạ trần đoạn trước.

Con người Văn Cao đã không quan tâm những gì nhạt nhẽo. Ông không chết vì hoa như ông lo lắng. Ông sống trong cái đau của mọi người. Ông không từ bỏ đứa con tinh thần nào của mình như nhiều người tầm cỡ. Còn nhớ năm nào hàng trăm người trong cả nước đóng cửa “thi sáng tác Quốc ca”, vào chung kết được 16 bài, công bố loa đài ra rả. Thì, trên trang 2 của một tờ nhật báo lớn lúc ấy, Văn Cao viết: “Nhạc sĩ  trúng giải chắc chắn phải là một  chiến sĩ, đồng thời là một nhà giáo, nhà thơ, hoạ sĩ tên tuổi”. Kết cục bi hài của cuộc thi đã làm vỡ lẽ lời ông! Tôi đã thấy tượng đồng ông ở Bảo tàng lớn nhất đất nước. Và con cháu ông đã dựng tượng ông ở quê nhà với đường nét đầy gan góc, tự tin, tự trọng:

Giữa sự sống và sự chết

Tôi chọn sự sống

           Để bảo vệ sự sống

          Tôi chọn sự chết

 

Đó là Tuyên Ngôn Cuộc Đời của một Nghệ Sĩ Lớn!

Lăng Cô - Hè 2013 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114568185

Hôm nay

2183

Hôm qua

2385

Tuần này

2568

Tháng này

226709

Tháng qua

129483

Tất cả

114568185