Theo thống kê hàng năm dựa trên báo cáo của các thư viện gửi về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, người Việt đọc trung bình 0,8 cuốn sách/người/năm (tức là chưa được 1 cuốn sách). Tỉ lệ sách bình quân đầu người tại các thư viện công cộng là 0,38 cuốn. Trong khi đó người dân Malaysia đọc trung bình 10 cuốn sách/năm. Sự chênh lệch về bình quân đọc giữa hai quốc gia trong khu vực ASEAN là con số mà những người Việt có trách nhiệm đáng suy ngẫm và cần thiết có những hàng động cụ thể để cải thiện sự đọc trong tương lai.
Chúng ta cũng cần nhìn nhận ra rằng sự để lãng phí gần cả hàng trăm ngàn tỷ trang sách không được đọc trong gần 40 năm qua bởi không có hệ thống đến từng tay người dân, đặc biệt là học sinh, đã lũy tích rất nhiều vấn đề liên quan đến chính trị xã hội, an ninh quốc gia...Chẳng hạn, do thiếu tri thức và nhận thức thấu đáo, vô số người nông dân Việt Nam bị thương lái Trung Quốc lừa ngay trên làng xóm của mình. Thiếu tri thức lẫn được truyền thông một chiều đã tạo nên sự bất đối xứng thông tin và người dân đang rất yếu trong việc chắt lọc và tự kháng với lượng thông tin khổng lồ trên internet. Nếu không có tư duy vĩ mô về thư viện và khuyến đọc nhằm hướng mọi tầng lớp tham gia vào tiến trình khai trí kiến quốc, chúng ta sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng mù chữ so với thế giới đang thay đổi từng giây phút.
Để có bức tranh toàn cảnh đánh giá thực trạng văn hóa đọc trên bình diện xã hội và các giải pháp để xây dựng văn hóa đọc trong ngắn lẫn dài hạn, Văn hóa Nghệ An xin giới thiệu chia sẻ của đại diện cơ quản lý nhà nước về thư viện, các nhà sách, hệ thống sách điện tử và thư viện tư nhân.
PV: Thời gian qua, các đánh giá xã hội cho rằng văn hóa đọc của chúng ta xuống cấp. Có một số người lại cho rằng Việt Nam chưa có văn hóa đọc. Xin quý vị cho biết ý kiến về hai vấn đề này.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Vụ trưởng Vụ thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
Về nhận định “Thời gian qua, các đánh giá xã hội cho rằng văn hóa đọc của chúng ta xuống cấp”, theo tôi cách nhìn nhận như vậy có lẽ hơi bi quan. Nhận định đó có lẽ dựa trên lượng bạn đọc đến thư viện có giảm sút trong những năm vừa qua. Theo tôi đọc, mượn sách ở thư viện cũng chỉ là một trong những kênh để đo lường sự phát triển của VHĐ của một quốc gia, chúng ta cũng phải tính đến các kênh khác như: việc mua sách của các cá nhân, gia đình …
Tôi nghĩ VHĐ của chúng ta đang đứng trước những thách lớn – đó là có sự lấn át của văn hóa nghe – nhìn thì đúng hơn… Qua thực tế theo dõi hoạt động của các thư viện địa phương, chúng tôi thấy rằng, ở những nơi nào người cán bộ thư viện năng động, có tâm, có trách nhiệm với nghề nghiệp với bạn đọc, sẽ biết tạo ra những sản phẩm, dịch vụ thư viện mới, thiêt thực đáp ứng với nhu cầu của người dân, của cuộc sống thì ở đó lượng bạn đọc đến thư viện vẫn khá đông như ở Thư viện Tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Trà Vinh, Sóc Trăng ….. . Đặc biệt, trong 3 năm liên tiếp vừa qua (2011-2013), khi Bộ VHTTDL tổ chức Ngày hội Đọc sách và Văn hoá Đọc tại Trung tâm văn hóa, khoc học Văn Miếu - Quốc tử Gíam, với lượng người đến tham dự các hoạt động của Ngày hội thì rõ ràng người dân của chúng ta chưa quay lựng với VHĐ.
Về ý kiến cho rằng “Việt Nam chưa có VHĐ”, tôi không đồng tình. Bởi lẽ, dân tộc ta là một dân tộc có truyền thống văn hiến, hiếu học, ham đọc sách. Thế hệ cha anh chúng ta, trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ cứu nước, trên bước đường hành quân của mỗi người lính, ngoài quân trang, quân dụng dụng thì không thể thiếu những cuốn sách yêu thích của mỗi người. Và bản thân tôi, ngoài công dưỡng dục của cha mẹ, của thầy cô, nhà trường, thì chính việc đọc sách, ham đọc sách đã giúp tôi lớn lên, trưởng thành trở thành người có nhân sách, có ích cho xã hội. Cùng với sự phát triển của xã hôi, của khoa học công nghệ … cũng đã khiến cho VHĐ của chúng ta cũng có những thay đối mà chúng ta cũng phải chấp nhận và thích ứng với nó như về phương thức đọc, thi hiếu đọc … Cái quan trọng là chúng ta phải định hướng cho người đọc, đặc biệt là giới trẻ một thị hiếu đọc lành mạnh, hữu ích. Cái mà tôi lo lắng, trăn trở nhất hiện nay là thói quen đọc của của một bộ phận giới trẻ hình như chưa được các bạn quan tâm.
Bà Trần Phương Thảo,Phó giám đốc nhà sách Thái Hà:
Tôi cho rằng về mặt bằng nói chung chúng ta đọc nhiều hơn 10 năm trở về trước, nhưng trên nhiều phương tiện khác nhau: báo sách điện tử trên máy tính, smart phone, tivi thông minh…. Tuy nhiên cái chúng ta cần tìm kiếm là thông tin thụ động chứ không phải là kiến thức có định hướng và tìm kiếm thông tin có định hướng. Ngoài ra việc báo hình, báo tiếng cũng ảnh hưởng nhiều đến báo đọc. Trước đây chúng ta có ít sự lựa chọn, ít kênh thông tin, ít sách báo và có định hướng chính vì vậy mà lượng sách báo có được bao nhiêu là quý hiếm bấy nhiêu và được sử dụng triệt để. Ngày nay khi các phương tiện thông tin đại chúng phổ biến và dễ kiếm tìm thông tin, khiến chúng ta cũng dễ dàng tiếp nhận những luồng thông tin tư tưởng khác nhau, trong khi việc định hướng đọc/tiếp nhận thông tin từ phía xã hội, nhà trường và gia đình còn yếu, thậm chí có thể nói là hỗn độn nên dẫn đến tình trạng hoang mang tìm trong việc tìm kiếm thông tin.
Chính vì việc không có định hướng rõ ràng trong việc quản lý xuất bản phẩm cũng như việc định hướng đọc cho các cấp học sinh tiểu học nên dẫn đến các nhà xuất bản, công ty xuất bản tư nhân đã xuất bản và phát hành tràn lan sách không có kiểm duyệt chặt chẽ, miễn là có lợi nhuận, dễ đọc dễ bán là xuất bản.
Giá trị vật chất được đề cao hơn giá trị tinh thần, mong muốn giàu nhanh, chính vì vậy việc trau dồi kiến thức qua sách vở bị giảm nghiêm trọng.
Nhận thức về bản quyền, tác quyền tác giả tác phẩm còn thấp, dẫn đến việc ham rẻ mà mua sách lậu, sách không có bản quyền.
ÔngĐoàn Tử Hoan, chủ thư viện cà phê Đông Tây:
Với cá nhân tôi thì cụm từ Văn hóa đọc có vẻ làm màu mè từ ngữ hơn là đánh giá sự đọc sách. Và có đi chăng nữa thì theo sự khảo sát được công bố, mỗi người Việt đọc 0,8 cuốn sách/năm (con số này tôi vẫn còn hồ nghi khi dựa vào thực tế công việc của người làm hoạt động dịch vụ sách) nên chưa thể gọi là văn hóa đọc.
Còn đánh giá “văn hóa đọc” xuống cấp thì tôi cho rằng không phải như vậy. Xuống cấp tính theo tiêu chí gì? Đọc ít đi hay đọc dễ dãi hơn? Nếu nói đọc ít đi cũng không đúng, vì ngày nay với sự phát triển của internet tôi chắc rằng lượng đọc qua nguồn này tăng (và không thể đánh giá số lượng được). Và cũng chính sự phát triển của khoa học công nghệ làm mọi người có nhiều sự lựa chọn giải trí hơn so với sách in chủ yếu trước kia, bên cạnh đó con người thời đại này có vẻ tất bật hơn, lo toan hơn nên cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến “văn hóa đọc”.
Đồng thời cũng cần nhìn nhận, sách hiện nay được xuất bản cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của người đọc sách. Một phần do cơ chế thị trường nên nhiều đầu sách làm ẩu, nội dung kém, lỗi chính tả, lỗi kiến thức,…người đọc sẽ quay lưng với sách dạng này. Còn những đầu sách được làm tốt, đáp ứng được nội dung thì số lượng người tìm đến vẫn rất lớn. Nhiều đầu sách với số bản in lên đến hàng chục ngàn bản trong thời gian rất ngắn. Chúng ta thử làm một phép tính, nếu rất nhiều đầu sách cũng làm được như vậy thì chắc chắn sách sẽ được đọc nhiều hơn.
Ông Trần Trọng Thành, Chủ tịch hội đồng quản trị công ty Vinapo, sáng lập viên hệ thống sách điện tử Alezaa.vn:
Không có số liệu cụ thể theo các năm để xác định mức độ đọc của người Việt, nên tôi không bình luận về việc chúng ta có văn hoá đọc hay chưa. Chỉ có điều dễ nhận ra là người Việt ít đọc.
Với học sinh và sinh viên, hình như người ta cũng không biết đọc để làm gì khi mục đích ở trường là điểm số, bám sát sách giáo khoa và những gì thầy cô dạy trên lớp. Hiếm ai đọc hướng dẫn sử dụng mà có thể làm được việc của mình.
Ông Nguyễn Cảnh Bình, Giám đốc Công ty sách Alpha (Alpha Books):
Để đánh giá sự giàu có của một quốc gia, người ta dùng GDP, dùng thu nhập bình quân theo đầu người; nhưng để đánh giá tri thức của một quốc gia, thì phải bằng chính nền xuất bản của họ và nền giáo dục của họ. Nếu so sánh điều này ở nước ta với các quốc gia, đặc biệt là những quốc gia phát triển thì Việt Nam chúng ta còn kém xa họ. Nói lên điều này để dễ hình dung văn hóa đọc chúng ta đang ở đâu?
Nói Việt Nam chưa có văn hóa đọc có lẽ cũng không phải cho lắm, vì suốt chiều dài lịch sử dân tộc ta, đã có không ít những nhà văn hóa lớn xuất hiện. Nếu như thời phong kiến, đọc sách thánh hiền là để đi thi, thi đỗ mới được làm quan. Vì vậy, sự đọc ngày xưa thiết thân lắm. Sách vở có chức năng giáo dục, cung cấp tri thức và dạy đạo lý làm người. Nói văn hóa đọc Việt Nam hiện nay đang có vấn đề thì có lẽ đúng hơn. Độc giả chủ yếu đọc loại sách bình dân, có tính chất giải trí, thư giãn; ít người đọc những tác phẩm có giá trị, là các tác phẩm giúp con người trưởng thành, có tư duy, và xa hơn, giúp một dân tộc được khai sáng, trở nên văn minh, tiến bộ và phát triển hơn. Sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin trong những năm gần đây, đặc biệt là sự phát triển kinh tế và tác động lớn của yếu tố thị trường, lại càng làm cho văn hóa đọc của người Việt nói chung kém hơn.
PV: Xin quý vị chia sẻ các giải pháp thúc đẩy thói quen đọc sách của cộng đồng gồm cả khu vực nông thôn và đô thị thông qua các dịch vụ và hoạt động của đơn vị mình.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Vụ trưởng Vụ thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
Để thúc đẩy thói quen đọc, xây dựng phong trào đọc trong xã hội, đặc biệt là ở vùng nông thôn, theo tôi cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ, phải có sự vào cuộc của toàn xã hội, mà trước hết tôi muốn nói đến vai trò của gia đình, cụ thể là của các bậc cha mẹ, người đặt nền móng đầu tiên cho việc hình thành thói quen đọc cho trẻ; một trong những giải pháp quan trọng, theo tôi mang tính đột phá, đó chính là thay đổi căn cơ phương pháp giảng dậy và học ở nhà trường, với nền tảng lấy việc tự học, tự nghiên cứu để nâng cáo chất lượng giáo dục, đào tạo trong nhà trường. Muốn thực hiện được điều này, thì việc đầu tư xây dựng, củng cố, phát triển thư viện trong nhà trường học phải là một trong những giải pháp quan trọng. Đặc biệt, chúng ta phải quan tâm đầu tư đúng tầm, tạo điều kiện cho mạng lưới thư viện công cộng phát triển, đặc biệt ở vùng nông thôn. Đây chính là môi trường quan trọng để tạo điều kiện cho người dân ở vùng nông thôn được học tập suốt đời. Bên cạnh việc phát triển mạng lưới thư viện công cộng nhà nước, tăng cường phục vụ lưu động của các TVCC nhà nước, tăng cường hoạt động phục vụ sách báo trong các điểm BĐVHX, thì việc phát triển mô hình thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, các tủ sách dòng họ, gia đình như trong thời gian vừa qua cũng là một trong giải pháp quan trọng để thúc đẩy văn hóa đọc của cộng đồng nói chung trong đó có vùng nông thôn.
Bà Trần Phương Thảo, Phó giám đốc nhà sách Thái Hà:
Tổ chức các chuỗi Ngày Hội đọc sách miễn phí tại các Trung tâm thương mại, Trường Đại học, Doanh nghiệp, Khu công nghiệp, Thư viện thành phố và thư viện các tỉnh. Tại những Ngày hội đọc sách này, ngoài việc mang sách trực tiếp đến phục vụ độc giả đọc sách, chúng tôi còn tổ chức chuỗi chương trình giao lưu tác giả, giới thiệu tác phẩm, giao lưu với những tấm gương thành công có sức ảnh hưởng tới xã hội & văn hóa đọc., các chương trình quyên góp sách cho các vùng xâu vùng xa, cho các chương trình Sách hóa Nông thôn (anh Nguyễn Quang Thạch), Thư viện Hồng (ca sĩ Thái Thùy Linh khởi xướng)
Tổ chức các chương trình nói chuyện về Văn hóa đọc, Kỹ năng đọc sách cho các độc giả tại các thư viện, các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông tại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, Hà Nội, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ….
Lập Câu lạc bộ Yêu sách Thái Hà tại 3 miền Bắc Trung Nam với số thành viên lên đến hơn 200 thành viên, thường xuyên tổ chức các hoạt động đọc sách, trao đổi sách, giới thiệu sách, đạp xe vì văn hóa đọc.
Nâng cao ý thức đọc sách có bản quyền, sách thật, sách có chất lượng. Xây dựng những mô hình tháp sách lớn mang tính nghệ thuật, ý nghĩa với mong muốn để độc giả và người dân gần gũi hơn với sách. Hàng năm tổ chức Tết sách 23/4 tại Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế nhằm tôn vinh sách, văn hóa đọc, tác giả, tác phẩm, tạo khoảng cách gần gũi giữa bạn đọc với sách, kéo theo truyền thông quan tâm đến sách và bạn đọc.
Ông Đoàn Tử Hoan, chủ thư viện cà phê Đông Tây:
Riêng đơn vị tôi, động thái này đã có và đang làm. Với mô hình thư viện cafe, chúng tôi xây dựng và tạo một không gian liên kết người đọc với sách, bên cạnh đó là những hoạt động giao lưu tác giả sách với người đọc, điểm và giới thiệu sách mới,…Và đặc biệt một dịch vụ mới nhằm đáp ứng với sự phát triển của công nghệ và hỗ trợ thời gian cho người đọc, chúng tôi đã cho ra hình thức đặt mượn sách online (đặt trên internet và Thư viện đưa sách mượn đến tận người mượn), nhưng vẫn còn hạn chế là chúng tôi mới chỉ phục vụ được trong nội thành Hà Nội.
Để thúc đẩy đọc sách ở khu vực nông thôn, chúng tôi đã đồng hành với tủ sách Phụ huynh của anh Nguyễn Quang Thạch với cam kết hỗ trợ giá và cho nợ khi các trường, lớp chưa có kinh phí để mua sách. Và thời gian tới chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện như vậy, không hạn chế khu vực, không hạn chế số lượng…
Ông Trần Trọng Thành, Chủ tịch hội đồng quản trị công ty Vinapo, sáng lập viên hệ thống sách điện tử Alezaa.vn:
Để người dân đọc sách nhiều thì những công việc trong xã hội cần có chuẩn và có hướng dẫn rõ ràng, chỉ cần đọc theo hướng dẫn là có thể làm được việc của mình. Trong trường học cũng cần khuyến khích những ý tưởng không có trong sách giáo khoa, bài giảng.
Hiện tại ở Việt Nam có hàng triệu PC và các thiết bị điện tử xách tay khác, nhưng người ta sử dụng chủ yếu để lướt web hoặc chơi game chính vì vậy, ebook là một công cụ tốt để nâng cao văn hoá đọc cho những người đang sở hữu thiết bị.
Cụ thể chúng tôi đang tiến hành chương trình đổi ebook lấy sách giấy, qua đó người dân thành thị và nông thôn đều có thêm sách đọc. Ngoài ra chúng tôi đã, đang và sẽ liên kết với các đơn vị phát hành để tặng, hoặc bán một lượng lớn ebook giá rẻ cho học sinh sinh viên, đó là những cuốn sách hay, thiết thực.
ÔngNguyễn Cảnh Bình, Giám đốc nhà sách Alpha:
Bên cạnh việc tập trung xuất bản những cuốn sách hay, thực sự hữu ích cho độc giả, Alpha Books đã và đang thực hiện rất nhiều chương trình thú vị, hấp dẫn thúc đẩy thói quen đọc sách dành cho các bạn học sinh, sinh viên khắp cả nước. Cách đây không lâu tôi có buổi giao lưu với các học sinh trường chuyên Phan Bội Châu, sinh viên trường Đại học Vinh của tỉnh Nghệ An với chủ đề “Sách và văn hóa đọc”. Sáng ngày mai 18/5 tôi có buổi nói chuyện với các em trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam cũng về chủ đề này. Sau đó, Alpha Books cũng sẽ tổ chức nhiều buổi nói chuyện với các em học sinh, sinh viên các tỉnh thành miền Bắc khác như Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên… Các bạn trẻ hiện nay rất nhanh nhẹn, năng động và tự tin, việc trang bị và trau dồi thêm cho các em về văn hóa đọc, về giá trị của cuộc sống là trách nhiệm của những người đi trước. Alpha Books sẽ đồng hành với các bạn trẻ trên con đường này.
Ngoài ra, việc ủng hộ những chương trình có ý nghĩa xã hội như Thư viện Hồng do ca sĩ Thái Thùy Linh, các chương trình do TƯ Đoàn Thanh niên… tổ chức cũng là một giải pháp thúc đẩy thói quen đọc sách trong cộng đồng của Alpha Books…
Quang Thạch thực hiện