Khách mời văn hóa

Chúng ta đã có tình trạng lệch chuẩn trong nhận thức về di sản văn hóa

Lời Tòa Soạn: Gs.Ts Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, nguyên Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia. Ông là một nhà nghiên cứu văn hóa, một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng và lễ hội, đặc biệt là những nghiên cứu về Đạo Mẫu và tín ngưỡng lên đồng ở Việt Nam. Gần đây, VHNA đã có cuộc trao với  gs về lĩnh vực bảo tồn di sản, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc nội dung cuộc trao đổi này.

PV:Mặc dù nhà nước và nhân dân đã bỏ ra rất nhiều tiền để gìn giữ, trùng tu tôn tạo các di sản văn hóa, cả vật thể và phi vật thể, nhưng các di sản vẫn mai một, nhiều di tích vẫn bị hư hại do thời tiết, khí hậu và do cả con người phá hoại một cách cố ý và vô ý. Dư luận đang hết sức lo ngại hiện tượng càng bỏ tiền vào thì di sản càng bị làm cho hư hại, méo mó. Có rất nhiều ví dụ về tình trạng này. Thậm chí có những ngôi chùa, ngôi đền đang nguyên vẹn cũng bị hạ xuống và “hóa” bằng cách đốt đi để làm mới. Rồi có nhiều di sản văn hóa phi vật thể đang bị “hiện đại hóa” một cách kệch cỡm, vô lối. Theo giáo sư thì nguyên nhân chính của tình trạng này là gì, tại trời hay tại người?

Gs NĐT: Có nhiều người cho rằng gần đây chúng ta “được mùa di sản” khi lần lượt nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được công nhận di sản văn hóa quốc gia và di sản văn hóa nhân loại. Đó cũng có thể coi là một thành công vì xét trên một số khía cạnh nào đó, chúng ta đã làm được một số việc trong vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa. Nhưng nhìn kỹ thì đúng là chúng ta đang diễn ra tình trạng nhà nước và nhân dân bỏ nhiều tiền bạc, công sức để bào tồn di sản nhưng kết quả là di sản văn hóa lại bị biến đổi, bị phá hoại đến cùng cực và có phần kệch cỡm. Nguyên nhân chính của tình trạng này, theo tôi nghĩ xuất phát từ hai vấn đề chủ yếu:

Thứ nhất là ý thức về bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa của cả cán bộ quản lý di sản và người dân đều thấp kém. Chúng ta có một hệ thống cơ quan quản lý di sản văn hóa các cấp từ Trung ương đến địa phương, được đầu tư khá tốt nhưng hoạt động không hiệu quả. Bộ máy quản lý cồng kềnh, thiếu nhanh nhạy trong việc xử lý các sự việc liên quan đến quản lý văn hóa. Nhiều di tích lịch sử bị tàn phá mà các cơ quan quản lý không biết. Đến khi báo chí truyền thông và người dân lên tiếng thì các cơ quan quản lý mới vào cuộc mà vụ việc về Chùa trăm gian vừa rồi là một ví dụ. Tất nhiên, có nhiều chuyện liên quan đến lợi ích và sự tha hóa của một bộ phận cán bộ quản lý, họ biết những làm ngơ để trục lợi từ sự hủy hoại các di sản văn hóa. Đó là một biểu hiện cho sự thụ động, thiếu ý thức trong quản lý di sản của những người làm công tác quản lý. Người dân là chủ thể của các di sản văn hóa, nhưng ý thức của người dân về việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vẫn chưa cao. Chỉ có một bộ phận tích cực tham gia, lên tiếng phản đối khi thấy di tích văn hóa bị phá hủy, bị thay đổi, còn phần đông vẫn thờ ơ với việc này. Khi một di sản văn hóa bị xâm hại, nếu tất cả mọi người cùng lên tiếng phản đối thì những người thực thi sẽ không dám tiếp tục. Một số ít người làm việc này thì không có hiệu quả cao được.

Thứ hai là những tri thức, những hiểu biết về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của cán bộ và nhân dân còn hạn chế đã gây nên nhiều hậu quả lớn. Nhận thức sai thì dẫn đến hành động sai, đó là một nguyên nhân khiến cho chính những người đi bảo vệ di sản văn hóa lại làm hư hại di sản văn hóa. Ví dụ việc tập hợp 3000 người hát quan họ Bắc Ninh để lấy kỉ lục là một hành động sai, đó không phải là bảo tồn mà là phá hỏng di sản quan họ Bắc Ninh. Muốn bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa cần phải có những tri thức cả trong dân gian lẫn tri thức khoa học. Cần phải giáo dục cả các cán bộ lẫn người dân - những chủ thể của di sản văn hóa để họ hiểu về công tác bảo tồn di sản văn hóa. Khi đó, họ sẽ tham gia tích cực và hiệu quả hơn trong việc bảo vệ các di sản văn hóa.

PV:Nó có phải là một hệ lụy, hay là biểu hiện, của tình trạng suy thoái văn hóa nếu nhìn tống thể đời sống văn hóa của xã hội, từ văn hóa chính trị, đạo đức, lối sống, làm ăn kinh tế, tinh thần/tâm linh, tín ngưỡng?

Gs NĐT: Đúng là hệ thống giá trị của chúng ta đang có vấn đề. Nhưng nếu nhìn vào việc bảo tồn di sản văn hóa không hợp lý và không hiệu quả mà nói đó là một sự suy thoái văn hóa thì có phần chưa đúng. Nhìn từ tổng thể, nền văn hóa, xã hội, chính trị, đạo đức của ta đang có sự thay đổi nhanh chóng và nhiều yếu tố mới xuất hiện. Việc đó làm thay đổi hệ thống giá trị nên cách đánh giá các yếu tố văn hóa mới trở nên phức tạp. Nhưng trên phương diện bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, ý thức của người dân trong những năm qua đã được cải thiện đáng kể. Đi cùng với nó là căn bệnh thành tích, háo danh của xã hội Việt Nam từ xưa đến nay. Cả nhà quản lý lẫn người dân đều thích được tôn vinh các di sản của mình nhưng lại không có hiểu biết để bảo tồn và phát huy các giá trị của các di sản dẫn đến các hành động một chiều, không hợp lý. Vừa rồi, UNESCO cũng có ý kiến với Việt Nam về vấn đề này: thích lập các hồ sơ di sản để xin công nhận nhưng sau đó lại bỏ ngỏ không bảo tồn hoặc bảo tồn sai làm hư hại di sản văn hóa. Nói cho cùng, đây là một căn bệnh đã có từ lâu trong xã hội và hiện nay bộc phát ra mạnh mẽ hơn.

PV:Hiện nay hình như đang có “phong trào” trình hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới cho các di sản/di tích văn hóa. Xin giáo sư cho biết về lợi ích của việc này? Liệu sẽ dẫn đến tình trạng làng làng, xã xã rồi nhà nhà - họ họ đua nhau xin xếp hạng di tích như xếp hạng di tích quốc gia (hoặc cấp tỉnh)? Liệu có dẫn đên tình trạng hăm hở được một thời gian đầu rồi chán dần và đi đến bỏ bê…?

Gs NĐT: Tôi nghĩ đây là một hội chứng, nó đi liền với thói háo danh. UNESCO không quy định về số lượng di sản văn hóa mà các quốc gia làm hồ sơ xin công nhận. Nhưng không phải cứ làm hồ sơ lên thì sẽ được công nhận. Họ tổ chức đánh giá nghiêm túc về chất lượng và giá trị của các di sản văn hóa trước khi quyết định công nhận hay bác bỏ. Và họ cũng tổ chức việc kiểm tra lại các công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa đã được công nhận. Trong khi đó, Hội đồng Di sản Quốc gia lại làm việc chưa được nghiêm túc. Trong việc đánh giá để công nhận Di sản Quốc gia đặc biệt, Hội đồng Di sản làm việc không thật nghiêm túc, đánh giá chưa chặt chẽ nên các tỉnh đua nhau làm hồ sơ để xin việc này. Điều này dễ gây ra hệ lụy là một số di sản được công nhận mà chất lượng chưa đạt trong khi một số xứng đáng hơn sẽ bị bỏ quên và có nguy cơ không được bảo vệ. Các di sản văn hóa được công nhận thì sẽ được bào vệ tốt hơn và sự công nhận đó là một cơ sở để cộng đồng, người dân đấu tranh với chính quyền nhằm bảo vệ di sản văn hóa. Ví dụ chuyện Đàn Xã tắc ở Hà Nội đã được công nhận là di sản văn hóa quốc gia thì chính quyền Hà Nội định phá bỏ nó là làm sai Luật Di sản của nhà nước. Hay việc Hát Chầu văn được công nhận là di sản văn hóa quốc gia thì chính quyền cấm hoạt động lên đồng cũng là làm sai Luật Di sản. Nếu không được công nhận thì về nguyên tắc, cộng đồng vẫn phải bảo vệ di sản văn hóa, nhưng nhiều khi họ không có cơ sở để đấu tranh bảo vệ nó. Chúng ta không thể công nhận tất cả các di sản văn hóa được trình duyệt mà phải đánh giá nghiêm túc để phân loại và bảo tồn được các giá trị của di sản văn hóa. Nếu Hội đồng Di sản Quốc gia làm việc không nghiêm túc thì việc có một số di sản văn hóa không được bảo vệ và người dân có tâm lý bỏ mặc, không quan tâm là hệ lụy tất yếu.

PV:Hiện tượng này có phải là một dẫn chứng của tâm lý làng xã hồi xưa của là “một miếng giữa làng bằng sàng dưới bếp”?

Gs NĐT: Ai cũng muốn được tôn vinh. Làng nào, địa phương nào cũng muốn di sản văn hóa của mình được công nhận, vì đó được xem là một vinh dự lớn. Trên một góc độ nào đó thì việc này là chính đáng, vì con người luôn cần có lòng tự tôn về quê hương của mình. Nhưng ào ạt công nhận các di sản văn hóa mà không đánh giá nghiêm túc là một sai lầm, nó làm trỗi dậy bệnh háo danh, thành tích của một thời. Giữa các làng, các địa phương sẽ có sự so sánh lẫn nhau về di sản được công nhận, được xếp hạng hay không xếp hạng. Tình trạng đó có thể tạo ra động lực để địa phương nâng cao ý thức bảo tồn di sản, nhưng cũng dễ gây ra sự đố kỵ, quấy phá lẫn nhau. Cần làm nghiêm túc để đề phòng những tình huống tiêu cực đó xẩy ra.

PV:Và có nguyên nhân từ sự buông lỏng quản lý và cố tình làm sai của các nhà quản lý không?

Gs NĐT: Dẫn đến tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có phần của chính sách nhà nước và sự yếu kém về tri thức cũng như ý thức của cán bộ làm quản lý di sản văn hóa. Về chính sách, nhà nước chưa tạo ra được một ba rem các tiêu chí để tính kinh phí trùng tu di tích. Thương lấy kinh phí xây dựng, sửa chữa làm kính phí trùng tu di tích trong khi trùng tu khác hẳn với xây dựng lại hay sửa chữa lại. Tức là những việc như nghiên cứu các phương pháp trùng tu, ứng dụng khoa học công nghệ, lấy ý kiến của người dân và của các nhà khoa học không được tính trong kinh phí trùng tu di tích. Phải hiểu trùng tu di tích một cách đúng đắn thì mới đưa ra chính sách hợp lý. Còn tính kinh phí xây dựng làm kinh phí trùng tu nên việc phá đi làm lại là nhanh nhất và kiếm được nhiều tiền. Như vậy là phá di tích văn hóa. Bên cạnh đó, ý thức và cả tri thức, phương pháp của người quản lý kém cỏi, không nhận ra vấn đề hay vì lợi ích của mình mà góp phần với các tổ chức khác làm hư hỏng, phá hoại di sản văn hóa của dân tộc.

PV:Thực tiễn hiện nay cho thấy có rất nhiều dự án trùng tu tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa nhưng các cơ quan thực hiện đã làm mới di tích, làm sai lạc giá trị gốc của di tích, nhất là các di tích được cho rằng để khai thác giá trị tài nguyên du lịch thì chăm chú quá nhiều vào vào các công trình hạ tầng phụ trợ như đường sá, nhà cửa…Không thể phủ nhận trách nhiệm của các chủ đầu tư nhưng liệu trách nhiệm của các cơ quan quản lý chuyên môn  về lĩnh vực này cần được xác định như thế nào? Các cơ quan chuyên môn của ngành văn hóa từ tỉnh đên bộ là người tham mưu/tư vấn cho lãnh đạo phê duyệt sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào đối với các dự án loại này?

Gs NĐT: Chúng ta phải nhìn nhận rằng, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển du lịch không đối nghịch nhau, mà nó còn phối hợp và hỗ trợ cho nhau. Di sản văn hóa cũng cần khai thác và khai thách tốt sẽ tạo điều kiện để người ta nhận thức sâu hơn về giá trị của di sản văn hóa và nâng cao ý thức về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Nhưng ở Việt Nam hiện nay, việc khai thác du lịch di sản văn hóa không hợp lý, gây ảnh hưởng sai lệch các giá trị văn hóa và gây nên sự xuống cấp di sản văn hóa một cách thảm hại. Việc thương mại hóa các di sản văn hóa vào kinh tế thị trường gây nên sự hư hại các giá trị văn hóa. Sự sân khấu hóa các di sản văn hóa, nhất là văn hóa phi vật thể làm biến đổi giá trị của di sản văn hóa. Đó là một sự phá hoại các di sản văn hóa một cách thẳng thừng và rộng lớn. Đã vậy, khi lấy tiền của nhân dân vào trùng tu di sản văn hóa lại không hợp lý. Đem tiền vào để xây dựng, sửa chữa mà không hỏi ý kiến của người dân, của các nhà khoa học, đến khi nghiệm thu thì chạy chọt cho qua, vô trách nhiệm với những di sản văn hóa dân tộc. Đó chính là việc nhà nước lấy tiền của nhân dân để phá hoại di sản văn hóa trong cái tên đẹp mĩ miều là trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa.

PV:Hiện nay ở một số đền ở các, ngoài các vị thần/thánh/nhân vật lịch sử đã được thờ từ trước, khi mới lập đền, nay mới phối thờ thêm các vị thần/thánh khác và rất lẫn lộn giữa các tín ngưỡng, phong tục thờ phụng. Điều nay có phải là phản ánh một thực trạng rối loạn tín ngưỡng của các cộng đồng cư dân, hay là biểu hiện của hiện tượng đa thần giáo mới phát sinh? Hay là một sự thiếu am hiểu của một số người trong các cộng đồng dân cư đã tạo ra sự ‘hợp tự”, “phối thờ” rất đa dạng và nhiều lúc khó hiểu ở không ít nơi?

Gs NĐT: Đúng là hiện nay chúng ta đã có tình trạng lệch chuẩn trong nhận thức về di sản văn hóa. Đó là hệ quả của đường lối và quá trình nhận thức về di sản văn hóa từ nửa sau thế kỷ XX. Đất nước phải trải qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, các di sản văn hóa bị tàn phá dữ dội và phần nhiều bị hư hại. Khi thực hiện đường lối xây dựng văn hóa mới thì nhận thức lại sai lệch. Cụ thể là chúng ta đã hiểu sai về những di sản văn hóa, quy một số lớn di sản văn hóa là sản phẩm mê tín dị đoan, là tàn dư của xã hội phong kiến lạc hậu, không phân tách, nhận thức được tất cả đó đều là di sản văn hóa dân tộc qua từng thời kỳ khác nhau. Do vậy mà đã có thời chúng ta chủ trương phá các di sản văn hóa một cách quyết liệt. Đó là một sai lầm, thể hiện sự thiểu hiểu biết, nhận thức kém cỏi và hạn chế về di sản văn hóa. Ở Nghệ Tĩnh, trong cải cách văn hóa đã tiêu diệt hầu hết các đình chùa được nhân dân xây dựng trước đó. Đó là một tổn thất vô cùng lớn. Hệ quả của những việc này là làm cho những tri thức về di sản văn hóa của các thế hệ trước không được truyền lại, tiếp nối. Đó là nguyên nhân tạo ra sự lệch lạc, xô bồ, rối loạn giá trị trong việc thờ cúng hiện nay. Nếu những tri thức về di sản văn hóa của thế hệ trước được thế hệ sau tiếp nhận có hệ thống thì những vấn đề này đã không diễn ra như vậy.

PV:Chúng ta cần nhận thức và giải quyết tính trạng này như thế nào?

Gs NĐT: Tôi nghĩ người dân đang thiếu tâm thế ứng xử trước các di sản văn hóa, đặc biệt là các di sản thuộc về văn hóa tâm linh và tín ngưỡng. Cần phải giáo dục con người về tâm thế đối với tín ngưỡng, với tâm linh. Phải làm cho con người có hiểu biết về di sản văn hóa để không bị một bộ phận khác lợi dụng nhằm trục lợi cá nhân. Ví dụ lễ hội Đền Trần hiện nay là một sự xuyên tạc nghi lễ để trục lợi cá nhân. Vốn là một lễ hội lớn để tôn vinh những giá trị văn hóa của triều đại nhà Trần trong nền văn hóa dân tộc thì nay biến thành một công cuộc bầu bán ấn để lấy tiền. Cần phải giáo dục người dân và những người làm công tác quản lý di sản để họ lấy lại tâm thế với di sản, tránh những toan tính vật chất, lợi dụng cộng đồng, lợi dụng di sản để trục lợi. Đó là bảo tồn di sản văn hóa một cách thiết thực và có ý nghĩa.

PV:Di sản văn hóa và đời sống cộng đồng, bảo tồn và phát triển, khai thác giá trị di sản và yêu cầu đảm bảo phát triển bền vững…là những cặp đôi quan hệ không phải bao giờ cũng tỷ lệ thuận hài hòa, “dễ chịu” với nhau. Phố cổ Hà Nội, làng cổ Đường Lâm [Hà Nội] là những ví dụ điển hình. Rồi  bảo tồn không gian văn hóa cổ truyền làng Kim Liên/Hoàng Trù [Nam Đàn – Nghệ An] với nhu cầu dân sinh của dân làng là những bài toán khó giải. Theo giáo sư thì chúng ta nên ưu tiên lợi ích nào và cách giải nên như thế nào?

Gs NĐT: Tôi nghĩ những cặp đôi khái niệm này không mâu thuẫn với nhau. Bảo tồn và phát triển là song song nhau. Phát triển là nhu cầu của mọi cộng đồng. Bảo tồn văn hóa là để phát triển và cũng là sự phát triển. Tuy nhiên, do nhận thức của một số nhà quản lý di sản hạn chế đã làm cho những mối quan hệ này trở nên mâu thuẫn với nhau. Ví dụ như làng cổ Đường Lâm đã diễn ra việc nhiều người dân trả danh hiệu nhà cổ, làng cổ lại cho nhà nước để xây dựng lại nhằm đảm bảo cuộc sống gia đình. Nguyên nhân là do dân số tăng lên mà quy hoạch của ban quản lý đưa ra không hợp lý, không có sự co giãn không gian để người dân có thể hoạt động kinh tế đảm bảo cuộc sống của mình. Phố cổ Hà Nội cũng có tình trạng tương tự. Chỉ có phố cổ Hội An ở Quảng Nam giải quyết vấn đề này tốt hơn. Người dân giờ thực tế, họ không muốn giữ lấy một cái danh ảo để rồi cuộc sống gặp khó khăn mà không có cách giải quyết. Trong bảo tồn di sản văn hóa, cần tính đến lợi ích của người dân chủ thể. Nếu người dân có lợi ích ở đó thì họ sẽ tham gia tích cực để bảo tồn di sản văn hóa. Vậy nên phải phân chia lợi ích hợp lý, gắn lợi ích của người dân với việc bảo tồn di sản văn hóa. Xem xét sự phát triển bền vững cho cả di tích lẫn cuộc sống của người dân. Kinh nghiệm từ nhiều nước cho thấy để phát triển đời sống người dân thì có thể phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Những ngành này tạo ra thu nhập mới cho người dân nhưng không làm ảnh hưởng, biến đổi méo mó các giá trị truyền thống của di sản văn hóa.

PV:Những năm gần đây dư luận có nhận xét là chúng ta đang bùng nổ và lạm phát lễ hội. Khắp nơi đua nhau mở hội. Có hội cũ thì khôi phục, không có cũng làm mới với đủ kiểu mới – cũ “giao duyên’ rất bát nháo. Cùng với đó là hội chứng truyền hình trực tiếp các lễ hội, từ các đài trung ương đến địa phương làm cho không ít ý kiến phản đối. Giáo sư nhận định về vấn đề này như thế nào ạ?

Gs NĐT: Hiện nay, chúng ta có hơn 8000 lễ hội trong một năm. Trong đó có khoảng 7000 lễ hội dân gian ở các làng xã. Lễ hội dân gian của của cộng đồng, thuộc về người dân. Đây là những bảo tàng sống sinh động, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Nhưng lễ hội dân gian đang bị nhà nước hóa, bị sân khấu hóa. Nhà nước đã thọc tay vào lễ hội, cướp mất của người dân quyền làm chủ thể lễ hội. Bên cạnh đó, còn xuất hiện các lễ hội sự kiện do nhà nước đứng ra tổ chức. Đó là các lễ hội du lịch ở các địa phương, vùng, miền. Lễ hội loại này được nhà nước đứng ra thuê các công ty tổ chức sự kiện thực hiện. Đây là một hình thức trục lợi từ lễ hội do hàm lượng văn hóa trong lễ hội kiểu này rất thấp. Việc xây dựng các lễ hội kiểu này chưa hẳn là phát triển, bảo tồn văn hóa, mà có khi còn là phá hỏng văn hóa lễ hội.

Nhà nước phải trả lại quyền làm chủ các lễ hội dân gian cho người dân, cho cộng đồng. Không được biến người dân thành người đứng ngoài lễ hội, thành khách đi xem lễ hội. Đồng thời, cần phải quy hoạch hợp lý các lễ hội du lịch do nhà nước tổ chức, không để làm ảnh hưởng, biến chất các lễ hội văn hóa truyền thống.

PV:Vậy nhà nước các cấp cần quản lý vấn đề này như thế nào vì xem ra chính các địa phương - cơ quan đã vượt rào luật di sản và Quy chế lễ hội?

Gs NĐT: Tôi nghĩ ở đây chính nhà nước đã vượt rào, đã cướp mất quyền chủ thể lễ hội của người dân, biến người dân từ chủ thể của lễ hội thành người đi xem lễ hội. Làm vậy là sai với Luật Di sản của nhà nước. Nhà nước phải trả lại và tôn trọng quyền làm chủ lễ hội của người dân, của cộng đồng. Việc của nhà nước là đảm bảo an toàn cho cộng đồng, cho lễ hội phát triển một cách tự nhiên chứ không phải áp đặt vào lễ hội để gây ra sự lệch chuẩn nhằm trục lợi cá nhân. Nhà nước và các nhà khoa học phải giúp người dân khôi phục lại lễ hội truyền thống, giáo dục họ hiểu biết thêm về giá trị của lễ hội của chính họ và những tri thức, kỹ năng bảo vệ lễ hội, bảo vệ di sản văn hóa dân tộc.

PV:Xin được hỏi giáo sư câu cuối, chúng ta đã có luật Di sản rồi nhưng đi vào cuộc sống vẫn không phải lúc nào và ở đâu cũng thuận lợi. Vậy chúng ta cần xây dựng một bộ quy tắc hay nguyên tắc ứng xử với di sản như thế nào để ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện nhất?

Gs NĐT: Tôi nghĩ Luật không phải như văn chương, có thể tóm lược hay lý giải theo một cách khác. Làm như vậy sẽ gây ra nhiều cách hiểu khác nhau, không còn nghĩa tường minh như ngôn từ luật. Và điều đó sẽ bị một số người lợi dụng để xuyên tạc, trục lợi cá nhân. Chúng ta đã ban hành Luật Di sản và không cần một luật lệ khác nữa. Vấn đề ở đây là luật đã có nhưng có được hiểu biết, có được thực hiện hay không? Hiện nay có một tình trạng nguy hiểm là chúng ta có rất nhiều luật nhưng người dân vẫn thiếu luật. Vậy nên việc cần thiết bây giờ là giáo dục về di sản, tuyên truyền về luật di sản để nâng cao nhận thức của người dân và cán bộ quản lý về di sản. Chính các cán bộ quản lý cũng không nắm rõ luật di sản, chỉ khi nào xẩy ra sự cố mới đưa ra quy xét theo luật để xem sai phạm. Làm sai rồi mới tìm luật để xem thì làm sao có thể làm tốt việc bảo tồn di sản văn hóa. Người dân lại hạn chế hơn. Nhiều khi họ rất nhiệt tình bảo vệ di sản văn hóa nhưng do thiếu hiểu biết về luật nên từ bảo vệ lại trở thành phá hoại.

Tôi cũng xin nói thêm rằng, bên cạnh giáo dục nhận thức về Luật Di sản, các nhà quản lý cần chú ý đến ý kiến đóng góp của các nhà khoa học. Thực tế cuộc sống đang thay đổi nhanh chóng và luật cũng cần điều chỉnh cho phù hợp với tinh hình. Các nhà khoa học là những người nhận thức rõ về sự thay đổi nên tiếp nhận ý kiến của họ sẽ rất có ích cho việc bảo tồn di sản văn hóa. Quan hệ giữa nhà khoa học với người dân và người quản lý đang không được chặt chẽ, nhiều nhà khoa học sau khi phát biểu ý kiến còn bị kiện cáo, đe dọa. Vì dụ việc Hội những người yêu quan họ Bắc Ninh kiện PGS.TS Nguyễn Văn Huy sau khi ông phát biểu về việc tổ chức hát quan họ tập thể để lấy kỷ lục là một thể hiện về sự hạn chế trong nhận thức của người dân.

PV:Trân trọng cảm ơn Gs. Hy vọng chúng ta sẽ có nhiều cuộc trao đổi sâu sắc hơn về vấn đề này.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511180

Hôm nay

2179

Hôm qua

2359

Tuần này

21554

Tháng này

218053

Tháng qua

121356

Tất cả

114511180