Đất Nghệ

Từ Đền Chín Gian, ngẫm về ý niệm Đất Tổ của người Thái

Hai ông Cầm Trọng và Nguyễn Văn Hòa viết:

Mương Then, tên đầy đủ là Mương Then- la- phạ- téng, hay Mường Thanh trần gian, gọi tắt là Mường Then, địa danh gắn với các truyền thuyết về sự phát triển của người Thái. Nơi đây được xem là "đất tổ" của nhiều ngành Thái ở Đông Nam Á.

Ở chỗ khác, hai ông này lại viết:

Mường Lò là một mường trong vùng Thập Châu miền Tây Bắc thế kỷ thứ XIV. Mường Lò xuất hiện từ thế kỷ thứ XI, khi Tạo Xuông, Tạo Ngân di dân chuyển từ Mường Ôm, Mường Ai đến cư trú. Sau đó thủ lĩnh Lạng Chượng dẫn dắt dân đi khai phá, mở mang đất đai khắp miền, do vậy người Thái Đen vùng Tây Bắc coi mường này là đất tổ của dân tộc mình. Trong tang lễ, có tục cúng dẫn đường đưa hồn người quá cố đi qua Mường Lò quê tổ rồi lên mường trời về với tổ tiên, theo từng dòng họ”.

Từ hai phần trích dẫn này, nên hiểu về ý niệm “đất tổ” của người Thái như thế nào? Đây là băn khoăn của một số nhà nghiên cứu về Thái học, và chắc hẳn cũng là điều băn khoăn của đông đảo những người quan tâm khác… Muốn được biết về “đất tổ” là một nhu cầu tâm linh bình thường của con người. Người Việt có câu “chim có tổ, người có tông”, còn người Thái thì nói “cỏ mạy mí cốc, tố nộc mí hắng” (cây có gốc, chim có tổ)… Tuy nhiên, đối với tất cả người Thái nói chung, người viết bài này e rằng ý niệm về “đất tổ” sẽ chỉ mang tính tương đối…

Mường Lò.

Được biết, cuộc thiên di của tổ tiên người Thái Đen từ vùng đất Xíp Xoong Ban Na nơi thượng nguồn sông Hồng thuộc tỉnh Vân Nam- Trung Quốc, được kể truyền miệng từ đời này sang đời khác. Do cuộc chiến tranh sắc tộc kéo dài liên miên giữa dân tộc Hán và các bộ tộc thiểu số khác, người Thái dạt xuống miền núi phía Bắc Việt Nam, Điện Biên là nơi họ đặt chân đầu tiên vào khoảng thế kỷ 7 rồi toả đi khắp vùng Đông Nam châu Á và vùng phía Nam tỉnh Vân Nam.

Hai anh em rể người Thái Đen có tên là Tạo Xuông và Tạo Ngân, đã dẫn đoàn di cư xuôi theo sông Hồng, khi gặp dòng suối Thia, họ dẫn đoàn người ngược dòng Thia vào khai phá đất đai. Từ núi Pú Lo nhìn xuống thấy một vùng bạt ngàn lau lách và cây rừng giống chư chiếc chảo nấu rượu, Tạo Xuông gọi là Lo Làu (nghĩa là Lò Rượu). Tạo Xuông dựng nhà và tổ chức khai phá ruộng nương. Vợ Tạo Xuông đẻ con trai đặt tên là Tạo Lò. Về sau Tạo Xuông trao quyền cho Tạo Lò cai quản vùng đất Lo Làu, người dân gọi là Mường Lò từ đó đến nay.

Vợ Tạo Lò sinh ra được bảy người con trai. Vợ chồng ông chia cho mỗi con cai quản một vùng đất Mường Lò. Người con út là Lạng Chượng do sinh sau đẻ muộn không có đất lại có tới 27 người con, ông quyết định ngược Khau Phạ sang Mường Chiến (Sơn La) lập bản, lập mường. Đi tới sông Đà thì gặp người Khơ Mú, Lạng Chượng tham chiến rồi về sau thành rể của thủ lĩnh quân Khơ Mú là Khum Ăm Poi, rồi lập mưu giết chết bố vợ. Tiếp đó, Lạng Chượng dẫn quân tiến mãi đến tận Mường Theng nay gọi là Mường Thanh, chinh phục các bộ tộc nơi đây trong đó có những người Thái đã tới đây từ thế kỷ 7 để lập mường. Sau khi Lạng Chượng mất, những con cháu của Lạng Chượng tiếp tục cuộc thiên di về các vùng đất Lai Châu, Hoà Bình, Thanh Hoá rồi vượt núi rừng sang Lào, Thái Lan, Miến Điện... lập nên những bản làng người Thái đen. Như vậy, con cháu của Tạo Xuông, Tạo Ngân hiện đang có mặt ở khắp nơi trên vùng núi phía Bắc Việt Nam và một số nước Đông Nam châu Á. Người Thái đen Việt Nam và một số nước coi Mường Lò là đất tổ của mình, họ gọi Mường Lò là “Đin pẩu pú” hay “Bản pẩu mương pú”, nghĩa là đất tổ tiên của người Thái đen, coi Tạo Xuông, Tạo Ngân là thuỷ tổ của mình…

Tuy nhiên, việc này không ngăn cản các thế hệ con cháu của những người Thái đầu tiên đến Điện Biên (số định cư ngay lại nơi đó chứ không đi tiếp theo đoàn của Tạo Xuông, Tạo Ngân) coi Điện Biên là đất tổ của họ. Cũng không loại trừ những người coi Xíp Xoong Ban Na là vùng đất tổ của họ, v.v…

Nếu muốn tiếp cận sâu hơn về những vấn đề liên quan đến lịch sử, tâm linh, tín ngưỡng từ những tháng năm đã lùi xa về quá khứ, chỉ có cách dựa vào những người già trong vùng hoặc thông qua các tài liệu, văn bản cổ có ghi chép về những điều đó. Những vị được coi là am hiểu trong thời gian mười năm trở lại đây có thể kể đến các ông như Cầm Trọng (đã mất), Vương Trung (đã mất), Nguyễn Văn Hòa, Lò Văn Biến, Lò Văn Lả, Lô Khánh Xuyên… Các tài liệu cổ có ghi chép lại có thể kể ra các cuốn như “Quam phanh mương”, “Xên Mương La”, “Xồ chương tang Mương Lo”, “Tay pu xấc”, “Mo khuôn”, “Xổng phí”…

Ở Mường Lò (Nghĩa Lộ, Yên Bái), có thác nước Nặm Tốc Tát cùng những câu chuyện về “đường lên mường trời” và việc khai khẩn từ thời Tạo Xuông, Tạo Ngân đã được kể khá chi tiết ở phần trên nên tôi không sẽ không đi chi tiết vào cuốn “Xồ chương tang Mương Lo”. Phần tiếp theo đây tôi xin nêu những chi tiết khác khi tìm hiểu từ nguyên văn tiếng Thái trong cuốn “Mo khuôn” (Vương Trung giới thiệu). Nội dung của “Mo khuôn” dài 2971 câu, là những lời của thầy mo người Sơn La hát trong lễ “Mo khuôn” (Lễ làm vía cho người già). Trong lễ này, thông qua lời hát của mình, thầy mo phải đi đến khắp mọi nơi, từ mường trời đến mường đất, để tìm lại, giành giật, răn đe, dỗ dành, canh giữ, dẫn dụ các vía vì lí do này khác mà đang tạm thời (từ ngày nảo ngày nào) thoát ra khỏi thân thể của người được làm lễ. Sau khi thầy mo đưa được vía về với thân thể, con người sẽ khỏe mạnh và sung mãn hơn để tiếp tục làm người già cho con cháu trong những tháng năm tiếp đó… Những địa danh mà thầy mo phải đi bao gồm từ Mường Lò đi đến khắp các mường trời, rồi xuống trần gian, tiếp tục rong ruổi khắp các miền xuôi ngược, sang cả đất Lào… Qua đây, có thể biết được người xưa đã nghĩ gì về hai địa danh Mường Lò và Mường Thanh mà ta đã nhắc đến ở phần đầu bài viết này. Đoạn mở đầu của “Mo khuôn”, sau khi nêu ra các lý do cần thiết, ta thấy thầy mo cũng phải đi đến Mường Lò. Đoạn hát của thầy mo như sau:

Páo tì chài tấng hẻ lực lếch lực tóng pù Lạng Chượng

Háu cò mứa xu nặm tốc tạt Phỉ Pảy

Phỉ cài đáy mứa phạ

Xa cài chiệu cài chạt mứa bổn

(Dịch: Làm sạch cái chài có chuỗi chân chài bằng đồng và sắt của ông tổ Lạng Chượng/ Ta về gội nước thác rơi nơi Ma Đi Lại/ Ma bắc thang về trời/ Người Xá dăng cầu mây cầu song về mường Bôn- câu 80- 83 sách đã dẫn).

Thác nước “đường ma đi lại” nhắc ở đây chính là thác Nặm Tốc Tát. Tiếp đó thầy mo đi mãi và cũng thấy có một cánh đồng Lò (Mường Lò) ở trên trời: Háu cò tốc tồng Ló mướng Phạ (Ta đã đi đến cánh đồng Lò trên mường Trời- câu 359 sđd). Cánh đồng này được miêu tả là có nhiều hoa lá đẹp tươi, trai thanh gái đẹp nườm nượp bên nhau tỏ tình… Đây là nơi hồn vía của con cháu Tạo Xuông- Tạo Lò trở về quây quần vui chơi sau khi hết hạn ở trần gian: Mướng lực Xuống lực Ló má ỉn (Mường mà con cháu của [Tạo] Xuông, của [Tạo] Lò về quây quần vui chơi- câu 1849 sđd)… Sau khi gom góp, dẫn dụ được các hồn “thất lạc, vãi vương” trên mường Trời thì thầy mo đưa các hồn đó nhanh chóng trở về trần gian. Dù đã ở trần gian, đường “trở về” cũng xa xôi, lắm chặng. Và “trở về” nơi đâu? Ta nghe thầy mo hát tiếp: Háu cò tốc tỉn ham pà mạy mướng tàn bở hỏ, Pảy mướng Ló chua pảu (Ta bước chân qua rừng cây xứ người nhiều lá cong queo/ Đi về Mường Lò tổ tiên- câu 1971& 1972 sđd).

Mường Thanh?

Đã có hàng trăm bài viết từ trước đến nay đều cùng nêu rằng, tên gọi Mường Thanh là do đọc chệch từ Mường Then mà ra. Thực ra điều này chưa hẳn đã đúng.

Về mặt ngôn từ, người Thái sẽ không có sự nhầm lẫn giữa hai chữ Thanh và Then. Trong cách thể hiện bằng chữ Thái, chữ Then được ghép vần là ke- tho- no, và chữ Thanh được phát âm đúng là Theng, và được ghép vần là ke- tho- ngo. Với hình thức văn bản viết, chữ no và chữ ngo có hình thức hoàn toàn khác nhau. Vậy nên sự nhầm lẫn do hình thức văn bản viết gây ra là điều khó xảy ra. Về cách phát âm, người Thái cư trú ở những địa phương khác nhau thì có những đặc điểm riêng. Tuy nhiên dù ở đâu họ cũng hoàn toàn không có hiện tượng chuyển phụ âm vần N thành NG (hiện tượng này là phổ biến với người Việt ở Trung và Nam Bộ).

Cho đến nay, hình như chưa có một văn bản nào nêu dẫn chứng cụ thể về sự “nhầm lẫn” này.

Nhiều cuốn sách chữ Thái cổ (tôi đã xem) đều luôn ghi tên Mường Thanh (nguyên văn chữ Thái là mương Theng) chứ không thấy ở đâu có ghi là Mương Then. Trong bài “Mo khuôn” dẫn trên đây cũng có đoạn (trên đường quay lại Mường Lò):

Háu cò thỏ hứa hưn nặm Nùa hỉn cổm

Hưn nặm Nhốm xái kè

Háu cò tốc tỉn ham pà mạy mướng tàn bở lưởng

Mứa Mướng Thảnh tì quang

Thảnh tơ mí bò cửa

Thảnh nửa mí bò chứn…

(Dịch: Ta chống thuyền theo sông Nủa đá trơn/ Theo sông Nậm Rốm cát cứng/ Ta cùng bước chân qua rừng cây lá vàng của mường người ngoài/ Về Mường Thanh nơi rộng rãi/ [Mường] Thanh dưới có mỏ muối/ [Mường] Thanh trên có mỏ chì- câu 2301- 2307 sđd).

Và, theo một bài viết của GS sử học Lê Văn Lan, từ năm 1841, Mường Thanh cũng đã là trung tâm của một liên kết lịch sử Việt- Thái, ở thế kỷ 18. Ấy là lúc mà phong trào khởi nghĩa nông dân Hoàng Công Chất, từ giữa đồng bằng châu thổ sông Cái (sông Hồng) chuyển những hoạt động chiến đấu lên đất Mường Thanh, từ năm 1751. Khi ấy, nơi đây đang bị nạn “giặc Phẻ- giặc Hả” đến hoành hành. Chúng xây một tòa thành, gọi là “Xám Mứn” (Tam Vạn) ở phía nam cánh đồng Mường Thanh làm nơi hùng cứ. Thủ lĩnh nghĩa quân Hoàng Công Chất, nhận lời cầu cứu của các thủ lĩnh người Thái, đã điều quân đến đánh tan bọn “giặc Phẻ- giặc Hả”. Sau đó, cùng đồng bào địa phương- gồm cả người Thái, người Lự, người Lào… xây thêm một tòa thành lớn nữa- vẫn trên cánh đồng Mường Thanh- làm căn cứ của nghĩa quân, gọi là “Thành Chiềng Lê” (thành Bản Phủ), kéo dài cuộc khởi nghĩa đến tận năm 1769. Thời gian này được nhắc trong “Mo khuôn” như sau:

Mướng Thảnh quang đỉn piếng phạ tằm

Hạp nắc phai đẹt họn hặn cằm táng piếng

Dết viếng bo mí mạy

Mứa vay chau phèn pựn cò hạc bo phắng

Kẻo chằng pẳn đỉn hơ khút lẹo khút

Khút đỉn đẳm dết tèn

Pan đỉn kèn dết viếng

(Dịch: Mường Thanh rộng- đất bằng, trời thấp/ Gánh nặng đi dưới nắng cả ngày trên đường bằng/ Làm viềng mà không có cây cối/ Về thưa với chủ mường mà chủ không nghe/ [Người] Kinh chia phần đất cho đào, cứ phải đào/ Đào đất đen làm thành/ Đắp đất cứng làm lũy- câu 2339- 2345 sđd).

Mường Thanh luôn được gọi là mường “Thẻn đả phạ tành” (Trời tạo dựng). Câu mở đầu của bản “Quám xon côn” (Răn dạy con người) cũng khẳng định con người trên trần gian đều là do “thẻn đả phạ tành”. Mường Thanh rộng lớn và giàu đẹp, nhưng theo “Mo khuôn” thì khi đưa hồn về đến Mường Thanh, thầy mo qua hết địa danh này đến địa danh khác thuộc đất Mường Thanh, sau đó lại dẫn hồn xuôi về Mường Lò…

Nếu để ý tìm một công trình tâm linh ở Mường Thanh, thầy mo cũng có chỉ cho ta thấy một nhà thờ nhỏ ở “ven” của Mường Thanh:

Chau bài na mứa xù Nỏng Búa

Mí thiểng xển tể phạ

Xíp cằm ha quái đắm lống tể

Chọm tể lẹo phỉ phạ hạc lống

(Dịch: Chủ quay mặt về phía Nỏng Búa [Ao Sen]/ Nơi đó có nhà thờ nhỏ tế trời/ Ngày mười giết trâu đen để tế/ Tế rồi ma trời xuống nhập, xuống ăn- câu 2367- 2370 sđd).

Nói đi thì cũng phải nói lại, trong bài viết của GS Lê Văn Lan cũng nêu rằng tên gọi Mường Then được chuyển thành Mường Theng (Mường Thanh). Nếu như có sự nhầm lẫn hoặc gán ghép cho rằng Mường Thanh từng là Mường Then thì sự gán ghép đó chỉ có thể đến từ người bên ngoài cộng đồng người Thái. Hoặc sự nhầm lẫn đó cũng bắt nguồn từ cách định danh “Mường Thanh là Mường- Then- Đa- Pha- Tảnh”, dần dần do lược bớt các từ phía trước và phía sau mà “Mường Thanh” được chuyển thành “Mường Then”…

Theo tâm thức, người Thái không bao giờ muốn đặt một cái gì thuộc về sở hữu, thuộc về hiện hữu xung quanh mình gắn với từ Then. Thậm chí, ban đêm nếu nằm mơ thấy mình được bước chân đến nhà Then, được cày bừa ở ruộng Then, được nói chuyện với xao Then (con gái mường Trời) thì họ sẽ cho đó là điềm gở. Nghĩa là, mường Then luôn được coi là một thế giới khác với trần gian…

Mường Quy Chú Pu Quai.

Người Thái ở tỉnh Nghệ An được chia thành 2 nhóm Tay Mương và Tay Thanh, có sự khác nhau khá rõ rệt về ngôn ngữ, trang phục và phong tục tập quán. Phụ nữ người Thái Nghệ An đều mặc váy thêu, khác biệt với váy không thêu của phụ nữ vùng Tây Bắc. Theo thông tin tổng hợp trên từ điển mở Wikipedia (chỉ mang tính tham khảo), các nhóm người Thái ở Nghệ An được xếp vào loại “chưa được phân định rõ ràng”- đơn giản chỉ vì nhiều nơi người ta đã quá quen với cách phân định 2 nhóm Thái Đen và Thái Trắng. Cũng theo thông tin từ nguồn trên, người Thái ở Nghệ An chiếm 19% trong tổng số người Thái ở Việt Nam, đứng thứ 2 sau Sơn La (Sơn La: 36,9%; Điện Biên: 12%; Yên Bái: 3,4%).

Cũng như người Thái ở Mường Lò, người Thái nhóm Tay Mương ở mường Quy Chú- Pu Quai (nay là các huyện Qùy Châu và Quế Phong của tỉnh Nghệ An) luôn coi núi Pu Quai (Núi Trâu) là nơi có đường lên trời của hồn người chết. Bài mo “Xổng phí” (Đưa hồn về trời) của người Thái Nghệ An dài đến 4034 câu. Được biết, từ thời thuộc Minh (1407- 1427) người Thái Nghệ An đã xây dựng Đền Chín Gian ở núi Pu Quai, nay thuộc địa bàn xã Châu Kim, huyện Quế Phong. Đền thờ này được dựng lên để thờ Trời (Pò Then), cầu mong bình an và sung túc cho “chín mường hạ giới”- là những mường người Thái ở trong tầm ảnh hưởng của Đền Chín Gian. Đền Chín Gian được coi là kỳ tích của người Thái Nghệ An, bởi con số 9 là con số thiêng của người Thái, thường được gắn với quyền năng của Trời. Và khi Đền Chín Gian đã được dựng lên, thì ở các mường hạ giới của người Thái không thể có ngôi đền thứ hai, bởi vì nếu có thì chỉ được coi là một công trình sao chép… Với một bề dày lịch sử như vậy, xung quanh Đền Chín Gian đã tồn tại rất nhiều câu chuyện kì bí được truyền tụng trong dân gian, trong đó có chuyện vinh danh “Căm” cho người trụ trì. Đây là câu chuyện mang tính thuyết phục tạo nên sự linh thiêng của Đền Chín Gian. Theo đó, nếu vị trụ trì (hoặc là ông đẳm gốc của mường) sau thời gian 12 năm trụ trì mà trong vùng không xảy ra thiên tai loạn lạc hoặc chết chóc bất thường thì trụ trì đó được phong “Căm” (danh hiệu Vàng). Ở thời kỳ thịnh nhất, danh hiệu “Căm” ở Đền Chín Gian được tiếp nối liên tục trong 3 lần phong, nghĩa là 36 năm liên tục người dân được sống trong bản mường thanh bình no ấm…

Vậy ra, những nơi được người Thái coi là “đường lên trời” của các hồn vía thì được coi là “đất tổ” chăng? Theo ý niệm của cá nhân tôi cũng không hẳn như thế! Tôi chỉ là một cá nhân người Thái thuộc nhóm Tay Mương ở Nghệ An. Tôi nói “ý niệm” ở đây với nghĩa là những gì tôi cảm thụ, cảm nhận từ gia đình, từ cộng đồng và tổ tiên của mình ở trong bản mường mình chứ không mang tính đại diện cho người Thái ở các mường khác; và tôi cũng không quan tâm đến “ý niệm” của người Việt, người Lào hay Trung Quốc…

Trong số các bản cư trú ở mường quê tôi, có một bản giữ vai trò trung tâm được gọi là chiềng. Và, ví như trong một bản nọ có nhà ông A, ông A vừa mất và được người thân đón vía về ngự ở gian thờ chính trong nhà (chong hỏng); lúc này vía ông A có nhiệm vụ trông coi phù hộ cho con cháu xa gần, nhưng phạm vi chính là trông coi phù hộ bên trong ngôi nhà sàn. Vía của bố ông A trước đó ngự trên gian thờ chính, nay di chuyển xuống dưới sàn, có nhiệm vụ phù hộ cho con cháu xa gần, nhưng phạm vi chính là cả ngôi nhà sàn (cả trên nhà và dưới sàn) tính từ giọt gianh trở vào. Vía của ông ông A nay trông coi vườn tược, ruộng nương… tính từ hàng rào trở vào. Vía của cụ ông A đến ngự ở nhà thờ chung của bản, trông coi phạm vi trong bản. Lúc này, vía của kị ông A sẽ về ngự ở nhà thờ chung của chiềng… Như vậy, các vị tiên tổ của các dòng họ khác nhau ở trong mường đều ngự chung ở nhà thờ chung của chiềng để phù hộ cho con cháu trong mường (có thể ở các mường khác cũng na ná như thế hoặc ít hoặc nhiều)… Do mô hình này, mà người Thái ở mường quê tôi không có tục thờ tổ tiên riêng từng dòng họ, mà một khi đã thờ là thờ chung cả mường… Đến đây có thể nảy sinh thắc mắc rằng, vậy thì sao vía các vị còn theo đường lên trời làm gì v.v… (Vì bài viết đã dài nên tôi không trình bày ở đây, mong sẽ có một dịp khác).

Người Thái có câu “mướng lớ cờ mí thăm lạn, ban lớ cờ mí cốn hản”, nghĩa là: “Mường nào cũng có hang thiêng, bản nào cũng có người thực tài”- câu này thể hiện sự tự tôn ngay trong từng bản mường người Thái. Người Thái quê tôi tự gọi tộc danh mình là Táy, người cùng dân tộc Thái gọi nhau là Táy háu. Từ Táy sử dụng ở đây không mang nghĩa là Thái mà mang nghĩa là dân tộc, cộng đồng. Với người không phải dân tộc Thái, người Thái gọi họ là Táy pườn, nghĩa là “cộng đồng/ dân tộc bên ngoài”; người Kinh được gọi là Táy Kẻo, người Lào được gọi là Táy Láo v.v…

Người Thái chẳng ai xưng mình là “con trời”, nhưng ý niệm “trời tạo dựng”  và xếp đặt đều được nêu và bám chắc trong những truyện cổ như “Truyện xuống mường”, “Răn dạy con người” vừa là hiện hữu cả với con người lẫn bản mường, thiên nhiên, núi non, cây cối. Vậy nên, đối với người Thái ở quê tôi, đối với gia đình, họ hàng và bản mường chúng tôi, đã mang sẵn ý niệm rằng con người do cha mẹ sinh ra nhưng bản thể tâm linh đã được đúc kết ở trên cõi trời, sau khi chết thì sẽ đưa hồn vía của mình quay về cõi đó.

“Đường lên trời” dù là ngọn núi Pu Quai ở trung tâm của “chín mường hạ giới”, hay là Nặm Tốc Tát tận Mường Lò xa xôi, đều chỉ là chặng khởi đầu của hành trình về với cõi vĩnh hằng của tổ tiên!

Các nguồn tham khảo:

- Các sách chữ Thái cổ và phiên âm đã sưu tầm và lưu trong máy tính cá nhân.

- Internet. 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441412

Hôm nay

2129

Hôm qua

2283

Tuần này

21316

Tháng này

216586

Tháng qua

112676

Tất cả

114441412