Đất Nghệ

Năm 1902, Nguyễn Sinh Cung - Hồ Chí Minh theo cha chiêm bái đền Quả Sơn

Đền Quả Sơn ở Bạch Ngọc nay là xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương thờ Lý Nhật Quang. Ngài là con thứ tám của vua Lý Thái Tổ, được phong tước Uy Minh vương. Mùa xuân năm 1902, Nguyễn Sinh Cung  trên nẻo đường theo cha đi dạy học, thăm thú quê hương có đến chiêm bái đền Quả Sơn - một trong bốn ngôi đền linh thiêng nhất của tỉnh Nghệ.

Trong Địa chí "An Tĩnh cổ lục" của H.Le Bereton cho rằng: Xứ An Nam ở Nghệ An có bốn ngôi đền nổi tiếng linh thiêng nhất là Đền Cờn, Đền Quả, Bạch Mã, Chiêu Trưng.

Đền Cờn linh thiêng bậc nhất thờ "Tứ vị Thánh Nương linh hiển"ở làng Phương Cần, xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu.

Đền Bạch Mã có tên chữ là "Bạch Mã từ" ở thôn Tân Hà, nay thuộc xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, thờ tướng quân Phan Đà- một vị tướng trẻ của nghĩa quân Bình Định Vương Lê Lợi "Đô thiên Đại đế Bạch Mã thượng đẳng phúc thần".

Đền Chiêu Trưng trên núi Long Ngân, xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Đền thờ Chiêu Trương đại vương Lê Khôi- một tướng quân của Bình Định Vương Lê Lợi.

Trong hai bản thảo còn dở dang của cha tôi, Nhà văn Sơn Tùng có tựa đề “Những chuyện Bác Hồ cả trăm năm chưa dễ thấu ngọn nguồn”và “Đào Tấn trăm năm nhìn lại”, có nhắc đến câu chuyện thủa nhỏ Bác Hồ theo cha chiêm bái đền Quả Sơn ở xã Bạch Ngọc (Bồi Sơn) huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.

*       *

*

Đầu xuân, tháng giêng, thường những người đi làm quan, đi dạy học hay đi làm ăn xa khắp nơi về quê ăn tết chưa trở lại nơi làm việc. Nhân dịp này, tiết trời mát mẻ quan Phó bảng Sắc đưa hai con trai, Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Côn (tên gọi Bác Hồ hồi nhỏ) đi thăm hỏi các ân nhân, bạn hữu đã giúp đỡ mình trong việc đỗ đạt vừa qua. Đi tìm hiểu thời cuộc và cũng là dịp để cho các con sớm được tiếp cận với các bậc đại khoa của thời đại, các nhà trí thức tiến bộ, biết được cuộc sống dân tình và ngoạn cảnh núi sông, đền đài trong tỉnh…Một lý do nữa, cụ Phó bảng muốn lên Võ Liệt (Thanh Chương) dạy học, theo lời mời của các gia đình trên đó, sau khi họ nghe tiếng cụ Phó bảng Sắc. Năm đó, Nguyễn Sinh Khiêm 14 tuổi, Nguyễn Sinh Côn 11 tuổi, Nguyễn Thị Thanh 18 tuổi.  Cô Thanh phải ở nhà chăm sóc bà ngoại và trông coi nhà cửa.

Theo lời ông Nguyễn SinhKhiêmkể lại với Nhà văn Sơn Tùng: “Ba cha con bác đi bộ, đi dịch độ từng chặng một”.

Đầu tiên là đến nhà một người bạn ở Cầu Rầm - Vinh để liên hệ cho hai anh em Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Côn bí mật theo học chữ Quốc ngữ, thăm quan Tổng đốc An Tĩnh Đào Tấn. Hôm sau, ba cha con cụ Sắc đi ra làng Đông Chữ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An thăm thầy giáo Nguyễn Thức Tự đỗ Cử nhân khoa Mậu Thìn (1868), cùng khoa với cụ Hồ Sỹ Tạo. Qua núi Cấm sang đất Diễn Châu, ngắm nhìn đền Cuông nguy nga trên núi Mộ Dạ, ngắm thành Phủ Diễn xây cao, hào sâu bao quanh, vòng ngoài vòng trong thành. Trên mặt thành có xe song mã, tứ mã chạy trên đó…Vào thăm dinh Thự Hiệp biện Đại học sĩ Cao Xuân Dục ở làng Thịnh Mỹ để cảm tạ ơn "khoa thi Hội năm vừa qua nếu không có cụ Cao Xuân Dục tọa vị Chánh chủ khảo để phúc khảo thì hai thí sinh Phan Chu Trinh, Nguyễn Sinh Sắc lại bị đánh hỏng một lần nữa"

Sau khi từ biệt gia đình cụ Cao Xuân Dục, cha con cụ Phó bảng Sắc đi ra hướng Thành Trài, rẽ xuống làng Vạn Phần đến thăm và nghỉ ở nhà cụ Võ Tất Đắc mới từ quan về dạy học. Buổi chiều hôm sau qua làng Kim Lũy, nhờ cụ Tú Bùi Xuân Phong dẫn ra làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu thăm cụ Hồ Sỹ Tạo. Quan tri phủ Giải nguyên Hồ Sĩ Tạo là bạn thân của cụ Tú Hoàng Xuân Đường, thầy giáo của Đại học sĩ Cao Xuân Dục và quan Đốc học Trần Đình Phong. Nhờ có lời gửi gắm của cụ Hồ Sỹ Tạo nên cả hai người học trò này đã đứng ra giúp đỡ Nguyễn Sinh Sắc được vào học trường Quốc Tử Giám.

Sau vài ngày ở chơi và đàm đạo với các sĩ phu làng Quỳnh Đôi, ba cha con  quan Phó bảng Sắc quay về huyện Yên Thành, thămgia đình quan Đốc học Trần Đình Phong - đồng tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Mão (1879) ở làng Yên Mã và đi thăm các bạn đồng môn như Phan Tư Trị, xã Xuân Tiêu, Nguyễn Văn Tề, xã Quỳ Trạch…

Từ huyện Yên Thành qua núi “Tướng quân cụt đầu”, ba cha con cụ Phó bảng Sắc lên Đô Lương để xuôi đò dọc sang đất Thanh Chương. Bác Cả Khiêm bồi hồi nhớ lại:

- Hôm ba cha con bác đi qua xã Bạch Ngọc, thấy đền Quả Sơn uy nghi hơn cả đền Thục Phán An Dương Vương. Em Côn  ngạc nhiên hỏi cha:

- Chắc vị thần ni có công lớn lắm cho nên mới được dân làm đền thờ nguy nga, cha nhể?

- Con nghĩ hơi xốc nổi đó. Trong đám người làm quan có kẻ bất tài, đục khoét nhân dân, lại có người tài cao, đức trọng, làm lợi cho dân, được dân nhớ ơn làm đền thờ phụng. Con nên nhớ đền Quả Sơn ni là nơi thờ quan Lý Nhật Quang. Ngài là con thứ tám của vua Lý Thái Tổ, được phong tước Uy Minh Hầu. Năm Tân Tỵ, vua Lý Thái Tông cử Lý Nhật Quang vào làm quan coi giữ đất Nghệ. Ngài đã có công mở mang bờ cõi, dẹp yên giặc phía tây, phía nam của đất nước. Chính ngài đã giết chết vua Chiêm là Sạ Đẩu, khi SạĐẩu đem quân xâm lược nước ta. Nghề nông, nghề tằm tang, dệt lụa, đánh cá, làm muối được sớm thịnh hành khắp xứ Nghệ là do công lao của quan Lý Nhật Quang. Khi nghe tin triều đình vời Lý Nhật Quang trở về Thăng Long, dân Nghệ đã lũ lượt kéo đến tỉnh đường xin quan ở lại tiếp tục chăn dân. Nhưng ngài không thể làm khác với lệnh của triều đình được. Trên đường ngài về Thăng Long, bọn nịnh thần đã đón giết vì sợ có ngài tại triều đình thì chúng sẽ bị vạch mặt…Nhân dân Nghệ An nghe tin dữ ni đã tự ý để tang ngài và lần lượt làm ba mươi hai ngôi đền thờ Uy Minh Hầu Lý Nhật Quang.

Sau khi chiêm bái đền Quả Sơn, ba cha con quan Phó bảng Sắc ngồi đò sang đất Thanh Chương. Cụ Sắc ngồi dạy học ở làng Võ Liệt và gửi hai con ở trong nhà một người quen bên làng Nguyệt Bổng. Đất Thanh Chương cũng là nơi mà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở lại dạy học lâu nhất. Hai làng Nguyện Bổng và Võ Liệt, Bác Hồ cũng để lại nhiều dấu ấn tuổi thơ.

Theo lời kể của Nhà văn Sơn Tùng, ông Cả Khiêm còn cho biết thêm: Đó là vào tháng giêng năm Nhâm Dần (1902). Qua các nơi thăm thú nghỉ ngơi, khi về đến Đô Lương chiêm bái đền Quả Sơn để sang đất Thanh Chương chỉ trước hoặc sau lễ hội đền Quả Sơn vài ngày.

- Chuyến đi ấy, ngoài việc dạy học thân phụ bác muốn đi gặp các nhà khoa bảng ở Quỳnh Đôi, ở Thanh Chương… để tìm hiểu tình hình chuẩn bị cho chuyến đi thứ hai cùng các cụ Nghè Ngô (Ngô Đức Kế), cụ Bảng Đặng (Phó bảng Đặng Nguyên Cẩn), cụ Cử Vương (Cử nhân Vương Thúc Quý) đi ra Bắc tìm bạn đồng tâm sau ngày cụ Phan Bội Châu lập hội kín. Trong chuyến đi ra Bắc lần hai vào năm 1903, em Nguyễn Sinh Côn được theo cha ra Hà Nội, còn bác bị lên hạch ở bẹn không đi bộ dài ngày được, phải ở lại Quỳnh Đôi với quan Đốc Đặng Nguyên Cẩn tại nhà cụ Cử Hồ Phi Thống. Một cơ duyên đến sau này, con trai quan Đốc học Đặng Nguyên Cẩn là giáo sư Đặng Thai Mai kết duyên với con gái cụ Cử Hồ Phi Thống là Hồ Thị Toan. Bà Hồ Thị Toan là mẹ của giáo sư sử học Đặng Thị Hà – phu nhân cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

**

*

Tác giảLê Vĩnh Thọ trong bài "Ngôi nhà thờ họ Lê Kim gắn liền với tuổi trẻ Hồ Chí Minh"(tạp chí Xưa &Nay,tháng 4 năm 2009) có viết:

 “Năm 1902, sau khi đậu phó bảng ông Nguyễn Sinh Sắc chưa ra làm quan mà đi dạy học ở Thanh Chương. Ông Nguyễn Sinh Sắc dạy học ở Võ Liệt, gửi hai con Nguyễn Tất Đạt và Nguyễn Tất Thành ở nhà ông Lê Kim Tường, làng Nguyệt Bổng(bây giờ là xã Ngọc Sơn). Ông Lê Kim Tường là người tham gia cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng và đã hy sinh trong nhà lao Vinh. Vợ là bà Tôn Thị Chiêm con gái Cử nhân Tôn Huy Thân, cháu cụ Tôn Đức Tiến, thầy học của Giải nguyên Hồ Sĩ Tạo. Con trai bà, Tôn Thị Chiên là Lê Văn Hy sinh năm 1890 cùng tuổi với Bác Hồ. Ngày 16-5-2007, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ký quyết định số 1696/QĐ xếp hạng nhà thờ họ Lê Kim(Tức nhà ở ông Lê kim Tường) xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ an là di tích lịch sử gắn liền với tuổi trẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Theo tài liệu của Ban nghiên cứu lịch sự Đảng tỉnh ủy Nghệ An (1970) cũng xác định:"Năm 1902, một số gia đình ham học ở Võ Liệt (Thanh Chương) biết tiếng cụ Bảng, họ cho ông Đồ Cẩm tìm xuống làng Sen mời cụ Bảng về dạy học. Võ Liệt là nơi cụ ngồi dạy học lâu nhất ở Thanh Chương. Những học sinh của cụ mà chúng ta thường nghe nói là các ông Hàn Kháng, Tổng Vấn, Lê Thước, ông Cán, ông Nguyễn Dương, ông Vy, Phan Sĩ Bình, Nguyễn Hứa Đường…

Cậu bé Khiêm và Bác đều được cụ mang theo lên Thanh Chương nhưng ba người không ở một nhà. Ngoài Võ Liệt, cụ còn đi lại nhiều nơi ở làng Nguyệt Bổng, Tú Viêm và Xuân Lâm (quê cụ Đặng Thúc Nhẫn)".

**

*

Qua những tư liệu trên ta có thể nói mùa xuân năm 1902, Bác Hồ trên nẻo đường theo cha đi dạy học, thăm thú quê hương có đến chiêm bái đền Quả Sơn - một trong bốn ngôi đền linh thiêng nhất của tỉnh Nghệ An./.

 

[Viết theo tài liệu của nhà văn Sơn Tùng]

  

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434998

Hôm nay

2269

Hôm qua

2349

Tuần này

21648

Tháng này

212046

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434998