Văn hóa và đời sống

Chung tay phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái

Chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em gái cần sự chung tay của toàn xã hội. Có như vậy, chúng ta mới xây dựng được một xã hội văn minh, tiến bộ, bình đẳng và an toàn cho phụ nữ, trẻ em gái, nhất là xóa dần sự bất bình đẳng về giới trên tất cả lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội.

                                  Chung tay phòng chống bạo lực phụ nữ và trẻ em gái 

Bàn về vấn đề bạo lực gia đình, năm 1993, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua một bản Tuyên ngôn về loại bỏ bạo lực đối với phụ nữ, trong đó định nghĩa thuật ngữ "bạo hành với phụ nữ" như sau: "mọi hành vi bạo lực dựa trên giới tính, có thể hoặc thực sự gây ra những thiệt hại thể xác, tình dục hoặc tâm lý, kể cả những đe dọa, cưỡng ép hay ngăn cấm cách độc đoán quyền tự do, dù công khai hay trong tư gia". Hay trước đó, trong cuộc mít tinh đầu tiên vào năm 1981 tại Bogota (Colombia), các nhà tranh đấu cho "Nữ quyền châu Mỹ Latinh và vùng Cari bê" đã lấy 25/11 làm "Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối phụ nữ". Đến cuộc họp ngày 17/12/1999, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chính thức ra Nghị quyết số 54/134, chỉ định ngày 25/11 hàng năm là "Ngày quốc tế loại bỏ bạo lực đối với phụ nữ".

Hiện nay đã có 85 nước trên thế giới có các quy định pháp luật riêng về chống bạo lực gia đình, trong đó có trên 60 nước có luật riêng về phòng chống bạo lực gia đình; 07 nước có luật riêng về phòng chống bạo lực đối với phụ nữ; đồng thời, nhiều năm qua, Liên hợp quốc và các nước trên thế giới đã có nhiều cố gắng trong việc phòng chống bạo lực gia đình, ban hành nhiều văn bản pháp lý liên quan đến phòng chống bạo lực gia đình… nhưng ở khắp nơi trên thế giới, nạn bạo lực gia đình vẫn xảy ra hàng ngày, có những vụ rất tàn bạo dẫn đến đến chết người và phụ nữ vẫn là nạn nhân chịu nhiều thiệt thòi nhất.

Ở Việt Nam, ngày 29/11/2006, Luật Bình đẳng giới được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 10 thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2007 và ngày 14/11/2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình số 13/2022/QH15 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023 (thay thế Luật PCBLGĐ năm 2007), và nhiều chủ chương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình, về bình đẳng giới được ban hành. Tuy nhiên, mỗi năm, trên cả nước vẫn còn nhiều vụ trọng án, ly hôn dẫn đến tan vỡ hạnh phúc gia đình, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do bạo lực gia đình mà nạn nhân chính là phụ nữ và trẻ em.

Bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đang là vấn đề báo động ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây được coi là trở ngại lớn nhất trong tiến trình xóa bỏ bất bình đẳng giới. Đặc biệt, tình trạng xâm hại, bạo lực với trẻ em gái đang ngày càng diễn biến phức tạp và trở thành vấn đề bức xúc trong xã hội. Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là nguy cơ tiềm tàng phá vỡ những giá trị tốt đẹp của gia đình, gây mất trật tự an toàn xã hội và đặc biệt là vi phạm nghiêm trọng tới quyền con người.

Hưởng ứng "Ngày thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ gái" (25/11) và Tháng hành động vì Bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực gia đình trên cơ sở giới năm 2023, Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 3187/KH-SVHTT ngày 13/10/2023 với nhiều hoạt động thiết thực được tổ chức từ ngày 15 đến ngày 30/11/2023 ở khắp các huyện, thành, thị. Các hoạt động tập trung vào chủ đề: “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”; “Vì một mái ấm không có bạo lực”.

Một góc trưng bày sách chủ đề “Ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” tại Thư viện tỉnh Nghệ An.

Phụ nữ và trẻ em là để yêu thương và trân trọng! Hành vi bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em là những hành vi không thể chấp nhận được trong xã hội hiện nay mà cần phải được lên án và loại bỏ, để không cản trở quá trình phát triển xã hội. Vì vậy, chúng ta phải đấu tranh chống bạo lực gia đình, xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em là mưu cầu tiến bộ của xã hội loài người, mong muốn cuộc sống của mỗi người ngày một hạnh phúc hơn trong sự tôn trọng, thương yêu, bình đẳng. Chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em gái cần sự chung tay của toàn xã hội. Có như vậy, chúng ta mới xây dựng được một xã hội văn minh, tiến bộ, bình đẳng và an toàn cho phụ nữ, trẻ em gái, nhất là xóa dần sự bất bình đẳng về giới trên tất cả lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Tổ chức các hoạt động thiết thực, hãy cùng nói lên tiếng nói chung và nhất thiết cần phải loại bỏ tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em gái ra khỏi đời sống xã hội./.

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511629

Hôm nay

2292

Hôm qua

2336

Tuần này

22003

Tháng này

218502

Tháng qua

121356

Tất cả

114511629