Văn hóa và đời sống
Lan tỏa nhận thức mới về hạnh phúc
Ảnh minh họa ( Nguồn Internet)
Hạnh phúc là mục đích lớn nhất mà con người hướng tới. Tuy nhiên, nhận thức về hạnh phúc của con người ở các thời đại khác nhau, dân tộc khác nhau không giống nhau. Tháng 6 năm 2012, Liên Hợp Quốc tuyên bố chọn ngày 20/3 là Ngày Quốc tế Hạnh phúc. Từ đó đến nay, một số nhận thức mới về hạnh phúc đã được lan tỏa và con người trên hành tinh đã có những nhận thức về hạnh phúc khá đồng nhất.
Sự cân bằng là nền tảng của hạnh phúc
Không phải ngẫu nhiên mà ngày 20/3 được chọn là Ngày Quốc tế Hạnh phúc. Đây là ngày duy nhất trong năm có độ dài giữa ngày và đêm hoàn toàn bằng nhau. Chọn ngày này làm Ngày Quốc tế Hạnh phúc, Liên Hợp Quốc muốn nêu bật sự cân bằng là nền tảng của hạnh phúc. Sự cân bằng ở đây cần được biểu hiện trên nhiều bình diện, trong nhiều lĩnh vực hoạt động của con người. Sự cân bằng không chỉ cần có trong lĩnh vực vật chất, mà còn rất cần trong lĩnh vực tinh thần, tình cảm, giao tiếp, quan hệ xã hội…
Trước hết, sự cân bằng vật chất được hiểu là con người cần có một môi trường sống ở mức chấp nhận được. Trong thế giới hiện đại, đó là có cái ăn, cái mặc, phương tiện đi lại, giải trí. Ở mỗi quốc gia khác nhau, những điều kiện này có thể khác nhau nhưng chúng phải ở mức đủ để duy trì cuộc sống tiện nghi và thoải mái. Đó là có đủ lương thực, thực phẩm, nước sạch, nhà ở, tivi, tủ lạnh, quần áo, chăn màn, xe cộ… Khi có đủ những thứ này và các nhu cầu cơ bản khác được đáp ứng, con người có thể cảm thấy an toàn và thoải mái, nghĩa là đã có sự cân bằng về vật chất.
Tuy nhiên, để thực sự cảm thấy hạnh phúc, con người cần sự cân bằng tình thần, cảm xúc. Nói cách khác, ngoài đời sống vật chất đầy đủ ra, con người cần đời sống tinh thần, cảm xúc. Đó là con người cần có điều kiện và khả năng quản lý cảm xúc và tinh thần của mình một cách cân bằng; lúc đó họ có thể tận hưởng hạnh phúc một cách tự nhiên và bền vững. Điều này bao gồm việc duy trì sự cân bằng giữa công việc kiếm ra tiền và hoạt động giải trí tiêu tiền, giữa thời gian riêng tư và thời gian giao tiếp xã hội.
Sự cân bằng xã hội và các mối quan hệ cũng là điều kiện quan trọng tạo nên hạnh phúc. Sự giao tiếp và kết nối với người khác, có mối quan hệ nồng ấm và đáng tin cậy là yếu tố tạo ra sự thoải mái, hứng khởi trong hoạt động hàng ngày. Sự cân bằng trong mối quan hệ xã hội giúp con người cảm thấy được yêu thương, chăm sóc và có mong muốn được yêu thương, chăm sóc người khác. Đây chính là môi trường của hạnh phúc.
Để chứng minh cho sự cân bằng là nền tảng của hạnh phúc, các nhà khoa học đã có những nghiên cứu cơ bản dựa vào thực tế cuộc sống. Các nghiên cứu đó chỉ ra rằng, những người sống ở trong một môi trường cân bằng về vật chất, tinh thần và xã hội thường có cách tận hưởng hạnh phúc hợp lý; họ thường có sức khỏe thể chất và tinh thần rất tốt.
Sự cân bằng là nền tảng của hạnh phúc, đồng thời cũng là cơ sở bảo đảm sự sự triển bền vững cho xã hội loài người. Sự cân bằng ở đây được hiểu là sự hợp lý, hợp quy luật.
Hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế Hạnh phúc
Ngày Quốc tế Hạnh phúc được xem là cơ hội để tất cả mọi người cùng nhau suy ngẫm về ý nghĩa của hạnh phúc và cách thức chúng ta có thể đóng góp vào việc tạo ra một môi trường sống hạnh phúc cho bản thân và cho người khác. Chúng ta hiểu rằng, con người không thể hạnh phúc một cách đơn lẻ, con người chỉ hành phúc khi sống trong một tập thể, một cộng đồng. Chính vì thế, Ngày Quốc tế Hạnh phúc cũng là dịp để chúng ta nâng cao nhận thức về các vấn đề xã hội, như cải thiện chất lượng cuộc sống, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, và đảm bảo trật tự và sự công bằng xã hội. Ở nhiều nơi trên thế giới còn xẩy ra xung đột, chiến tranh nên trong Ngày Quốc tế Hạnh phúc cần có hoạt động chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình.
Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An tổ chức tọa đàm kỷ niệm Ngày Quốc tế Hạnh phúc.
Những năm gần đây, Ngày Quốc tế Hạnh phúc được các quốc gia trên thế giới tưng bừng kỷ niệm nhằm tôn vinh và nhấn mạnh ý nghĩa của hạnh phúc trong cuộc sống con người. Các hình thức kỷ niệm vô cùng phong phú, đa dạng; từ những cuộc mít tinh rầm rộ, đến những hoạt động dọn rác bảo vệ một trường; từ những cuộc thi nấu ăn, đến những hội thảo khoa học; từ những cuộc đi bộ gây quỹ, đến những cuộc thăm hỏi, tặng quà những người yếu thế… Ngày Thế giới Hạnh phúc không chỉ là cơ hội để nhìn lại mọi cố gắng, mà còn là thời điểm để tập trung giải quyết các vấn đề xã hội được đặt ra. Việc đánh giá và nghiên cứu về hạnh phúc một cách khoa học có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những yếu tố ảnh hưởng đến hạnh phúc cá nhân và cộng đồng, từ đó đề xuất các biện pháp và chính sách thích hợp để cải thiện chất lượng cuộc sống.
Trong tình hình thế giới bất ổn hiện nay, người dân ở nhiều nơi trên thế giới một lần nữa nhấn mạnh: Hòa bình là điều kiện tiên quyết của hạnh phúc. Vì vậy, Liên Hợp Quốc và các nguyên thủ quốc gia trên thế giới phải tìm ra được các biện pháp để chấp dứt các cuộc xung đột đẫm máu ở châu Âu, châu Á, châu Phi… Đàm phán chính là phương tiện hữu hiệu để chấm dứt chiến tranh.
Việt Nam và Ngày Quốc tế Hạnh phúc
Từ năm 2014, Việt Nam chính thức tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc. Với những hoạt động này, Việt Nam cùng với cả thế giới biểu thị mong muốn, niềm tin và quyết tâm phấn đấu vì một thế giới hòa bình, không có chiến tranh, không còn đói nghèo; một thế giới phát triển thịnh vượng và bền vững.
Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm 2024 với thông điệp HẠNH PHÚC CHO TẤT CẢ MỌI NGƯỜI, các cấp, các ngành, các địa phương kêu gọi tất cả cùng chung tay kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, nhân ái, hiếu nghĩa của dân tộc để xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc - cộng đồng hạnh phúc - xã hội hạnh phúc.
Kỷ niệm Ngày Thế Giới Hạnh Phúc, Việt Nam vẫn tiếp tục tuyên truyền để tăng thêm nhận thức của cộng đồng về hạnh phúc. Các tổ chức xã hội, nhà trường, cộng đồng dân cư tổ chức các sự kiện, hội thảo, và hoạt động gây quỹ nhằm thúc đẩy ý thức về hạnh phúc và phát triển cá nhân. Ở các hoạt động đó, cần chia sẻ kinh nghiệm và thành công, thắt chặt tình đoàn kết và hỗ trợ xã hội.
Trong thế giới hội nhập, để bảo đảm cho người dân hạnh phúc, hoạt động hợp tác quốc tế đóng vai trò vô cùng quan trọng. Việt Nam luôn luôn tham gia các hoạt động quốc tế liên quan đến Ngày Quốc tế Hạnh phúc để thể hiện cam kết của mình đối với việc xây dựng một thế giới hòa bình, công bằng, và hạnh phúc; đồng thời, thông qua những hoạt động này, Việt Nam có thể học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm với cộng đồng quốc tế trong việc bảo đảm an sinh xã hội.
Ở Việt Nam, hạnh phúc gắn liền với gia đình và trẻ em
Lại thêm một Ngày Quốc tế Hạnh phúc nữa đang diễn ra trên đất nước Việt Nam. Với người Việt, hạnh phúc luôn luôn gắn liền với gia đình và trẻ em. Điều này được thể hiện rất cụ thể từ xa xưa: Chuyện lấy vợ, lấy chồng - làm đám cưới, sinh con được gọi là xây dựng hạnh phúc.
Như vậy, ở Việt Nam trong Ngày Quốc tế Hạnh phúc, cần đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn xem công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là một trong những mối quan tâm hàng đầu. Biểu hiện rõ nhất: Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em năm 1990. Vì vậy, dù Việt Nam là đất nước nghèo, lại phải trải qua những cuộc chiến tranh ác liệt nhưng nhìn chung phần lớn trẻ em vẫn được học tập, vui chơi và chăm sóc y tế.
Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã có điều kiện để quan tâm hơn nữa đến đời sống của trẻ em. Trong thời gian gần đây, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ to lớn cho 26 triệu trẻ em. Những thành tựu kinh tế cho phép Chính phủ thực hiện nhiều chính sách để trẻ em Việt Nam có cơ hội phát triển nhanh chóng. Hầu hết trẻ em hoàn thành cấp tiểu học và trung học cơ sở, gần 60% hoàn thành cấp trung học phổ thông, phần lớn được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Chúng ta phải thừa nhận với nhau thế này: Vẫn còn đó những tồn tại cần khắc phục để tất cả trẻ em Việt Nam có cơ hội phát triển. Không khó để nhận ra sự phát triển không đồng đều giữa thành phố và nông thôn, giữa miền xuôi và miền núi. Ví dụ, năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Bình Dương là 7,1 triệu đồng/người/tháng, của tỉnh Điện Biên là 1,81 triệu đồng/người/tháng. Đương nhiên là sự khác biệt này ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ em. Chính vì vậy, dù chúng ta mong muốn tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi đưa trẻ nhưng không thể không tính tới sự khác biệt này. Thậm chí những khác biệt còn được biểu hiện trong ước mơ của các em: Trẻ em ở Thủ đô Hà Nội ước mơ làm bộ trưởng, làm thủ tướng; Trẻ em ở vùng sâu, vùng xa ước mơ được một lần đến Hà Nội, được vào Lăng Bác Hồ.
Nêu lên như vậy để thấy, ngày nay sự chênh lệch ngày càng tăng vì bị ảnh hưởng bởi sự khác biệt về vùng miền, sắc tộc, giới tính, khuyết tật… và hoàn cảnh. Theo tính toán, có 20% trẻ em (khoảng 5,5 triệu em) vẫn gặp khó khăn, bị thiếu thốn trong giáo dục, y tế, dinh dưỡng, nơi ở, nước sạch, vệ sinh môi trường, hòa nhập xã hội… Đặc biệt, 74% dân số bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, trẻ em là những người bị tác động nặng nề nhất.
Những người quan tâm tới hạnh phúc của trẻ em cũng đã cố gắng chú ý tới sự khác biệt về hoàn cảnh của các em để có chính sách hỗ trợ phù hợp. Tại Điều 10 Luật Trẻ em 2016 quy định trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như sau: Trẻ em mồ côi cả cha và mẹ; Trẻ em bị bỏ rơi; Trẻ em không nơi nương tựa; Trẻ em khuyết tật; Trẻ em nhiễm HIV/AIDS; Trẻ em vi phạm pháp luật; Trẻ em nghiện ma túy; Trẻ em phải bỏ học kiếm sống chưa hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở; Trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bị bạo lực; Trẻ em bị bóc lột; Trẻ em bị xâm hại tình dục; Trẻ em bị mua bán; Trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo; Trẻ em di cư, trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha mẹ hoặc không có người chăm sóc.
Những trẻ em thuộc diện này được Nhà nước và các tổ chức xã hội quan tâm, các em dần dần vượt qua khó khăn và hòa nhập với xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, có những trẻ em không thuộc nhóm này nhưng các em đang rất cần sự quan tâm giúp đỡ. Đó là những đứa trẻ sau khi bố mẹ ly hôn, những đứa trẻ bị xác định không cùng huyết thống với người vẫn được xem là cha. Những đứa trẻ rơi vào hoàn cảnh này thực sự khó khăn, đặc biệt là về mặt tinh thần. Quan tâm, giúp đỡ những đứa trẻ này cũng không phải là chuyện dễ…
Chính vì vậy, để trẻ em Việt Nam hạnh phúc, chúng ta cần chu đáo và tinh tế trong hoạt động trợ giúp các em. Chúng ta đã nói tới sự khác biệt về hoàn cảnh của từng đứa trẻ, từng nhóm trẻ nhưng tất cả trẻ em đều cần những cái chung để hạnh phúc, để tự tin hội nhập vào thế giới rộng lớn. Nhà thơ xô viết Eptusenko đã từng viết: “Không có ai tẻ nhạt ở trên đời/Mỗi số phận chứa một phần lịch sử” nên dù các em có hoàn cảnh khác biệt thế nào thì các em vẫn mong muốn có được cơ hội để sống đúng với hoàn cảnh và cảm xúc của mình.
Sau 10 năm kỷ niệm Ngày Quốc tế Hạnh phúc, nhận thức mới về hạnh phúc đang lan tỏa trong các cộng đồng người Việt. Trước hết, chúng ta nhận thức sâu sắc rằng, chúng ta có thể hạnh phúc khi chưa giàu vì chúng ta biết cân bằng giữa nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần. Song, chúng ta cũng nhận thức rõ muốn hạnh phúc thì phải thoát nghèo; muốn thoát nghèo thì phải tìm ra những hình thức lao động hợp lý, hiệu quả. Điều này sẽ có được khi chúng ta biết đoàn kết, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau.
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
“Ông tơ” mối Trung Hoa đỏ với “chú Sam”
Đền Hồng Sơn
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Thống kê truy cập
114510951
2309
2347
21325
217824
121356
114510951