Người xứ Nghệ
Ngô Đức Kế - nhà báo, sĩ phu yêu nước
Tượng chí sĩ yêu nước Ngô Đức Kế tại Công viên Tuy Phước, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh
Ngô Đức Kế (1878 - 1929), sĩ phu yêu nước cận đại, hiệu Tập Xuyên, quê làng Trảo Nha, xã (X) Đại Lộc, huyện (H) Can Lộc, Hà Tĩnh. Ông xuất thân trong một gia đình, dòng họ Nho học, khoa bảng, con của Cử nhân, quan Tham tri Ngô Huệ Liên, cháu nội Cử nhân Ngô Phùng. Ông thi đậu Cử nhân năm 19 tuổi; Đậu Tiến sĩ năm 23 tuổi, khoa Tân Sửu - Thành Thái 13 (1901). Ông không ra làm quan mà ở nhà mở trường dạy học, phổ biến "Tân thư".
Đầu thế kỷ XX, khi "Tân trào nổi lên", ông hoạt động trong Minh Xã, nhưng vẫn có liên hệ với phái Ám Xã của chí sĩ Phan Bội Châu, Đặng Thái Thân. Năm 1907, ông cùng một số nhân sĩ, như Đặng Nguyên Cẩn, Lê Văn Huân thành lập Triêu Dương thương quán ở Vinh, buôn bán đồ nội hóa và Tân thư (sách báo), để lo kinh phí cho phong trào Đông Du. Trước đó, ông cùng người em là Ngô Đức Thiệu mở một hiệu buôn ở Nghèn (H. Can Lộc). Đông Kinh nghĩa thục được thành lập ở Hà Nội (1907), ông cũng tham gia trong ban Trước tác.
Tính ông khẳng khái, năm 1908, Phong trào chống thuế lan tới Nghệ Tĩnh, ông bị viên Án sát Hà Tĩnh Cao Ngọc Lễ, tay sai của Pháp bắt ông và khép tội: Âm tập khai thương, âm hành trợ nghịch, tiềm thông dị quốc (giả họp nhau buôn bán, bí mật giúp bọn phản nghịch, ngầm thông với nước khác để làm loạn), bị kết án "giảo giam hậu" (treo cổ nhưng không thi hành án), sau đó đổi thành tội đồ (đi đày) chung thân, rồi giảm xuống 13 năm, đày ra Côn Lôn Đảo (Côn Đảo, tháng 8/1908). Tại nhà ngục Hà Tĩnh, cụ sáng tác bài thơ:
Mã tự du long xa tự lưu/Vấn dư hà sự độc u sầu.
Niên lai ái thuyết văn minh học/Dinh đắc nam quan tác sở tù.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng dịch:
Xe như nước chảy ngựa như rồng/Vì cớ gì? ta vẫn bực lòng
Ham học văn minh đà mấy lúc/Mão tù đâu khéo cấp cho ông.
Ông trở thành bạn tù thân thiết với các chí sĩ nổi tiếng như Huỳnh Thúc Kháng, Đặng Nguyên Cẩn… Ông được cụ Huỳnh Thúc Kháng nhắc đến đầu tiên trong Thi tù tùng thoại. Sách viết: …Thân hào trong nước, mang cái chức tù vào nhà ngục thì cụ Tập Xuyên lại là người thứ nhất…
Cụ tên Đức Kế, họ Ngô, con quan Tham tri Ngô Huệ Liên, đỗ Tiến sĩ cùng khoa Tân Sửu triều Thành Thái. Khoa hoạn nối đời, vẫn là một nhà doanh phiệt ở tỉnh Hà Tĩnh.
Sau đó rồi, cụ ở nhà đóng cửa đọc sách, thường lưu tâm đến việc nước, học thuyết Âu Tây mà người Tàu đã dịch trong sách, cụ đọc được nhiều và có chỗ tâm đắc. Trong khoảng ấy kể phong triều bài xích khoa cử, đề xướng tân học, cụ là một người rất khẳng khái…
Trong khoảng 2 năm bị tù đày ra Côn Lôn khi được tin Ngư Hải - Đặng Thái Thân tự vẫn, cụ làm 3 bài thơ khóc lâm li khẳng khái:
Thập vạn hoành ma chí dĩ không/Đông minh tiêu tức trệ quy hồng
Long tuyền vị thí tân ma nhẫn/Do hướng gia sơn tác quỷ hùng.
Dịch:
Mười vạn mài gươm chuyện trống không/Biển Đông may gió bặt tin hồng!
Long tuyền chùi sẵn còn chưa thuở/Vẫn chiếm non quê một quỷ hùng.
Bài thứ 3:
Phi hồng khứ yến tổng thương tâm/Trọng phục quân thi lệ mãn khâm
Bác vọng Thần Châu yêu vũ cách/Cuồng phiên đông hiệp nộ triều ngâm.
Dịch:
Hồng bay yến tách mối thương tâm/Đọc lại thi người nhỏ lệ dầm!
Xa nhắm Thần Châu mưa khói tỏa/Gió xua sóng giận tiếng ì ầm.
Nguyên trước đó, các bạn tù và cụ Tập Xuyên nhận được thư của Ngư Hải gửi ra đảo, trong đó có phụ câu thơ:
Thiên hạ phân phân vô hảo trước/Phi hồng khứ yến tổng thương tâm.
Thời gian cụ Tập Xuyên ra sở ruộng làm xâu, chăn trâu và nấu ăn, có sáng tác mấy bài thơ, cụ Huỳnh chỉ nhớ được 1 bài như sau:
Bờ ao thum thủm một gian lều,
Ruộng cỏ xanh um, suối nước nhiều
Núi cách gần quên vùng biển bọc
Đêm khuya thoảng có tiếng gà kêu
Tóc hai mối rối già toan đến
Mưa một cày trâu khổ đủ điều.
Cho biết hèn hơn cao thượng đấy,
Văn minh học lối chớ nên kiêu.
Cụ Tập Xuyên là người nghĩa khí, coi chốn tù ngục làm trường học rèn luyện, mà đời sống của mình nhất định còn giúp ích cho đời. Nguyên cụ bị bắt vào nhà lao Vinh, cụ Huệ Liên thân sinh lúc đó đang làm quan Thị lang ở Huế, biết con mình không khỏi bị đày đi xa, sẽ rất gian khổ, nên đã viết thơ khuyên con tự quyết, trong đó có câu:
"Dữ kỳ du sanh ẩn nhẫn, chung vị dị địa chi tù; Hạt nhược khẳng khái thành nhân, du tác cố sơn chi qui".
- Nghĩa là: Nếu như ẩn nhẫn chờ ngày, không khói làm tù xứ khác; sao bằng liều mình khẳng khái, còn được làm ma đất nhà (tức là muốn cho con thà chết mà không chịu nhục, theo gương những bậc danh gia xưa, coi cái chết nhẹ như lông hồng). Nhưng Ngô Đức Kế không nghĩ thế, nên chịu ra ở tù Côn Lôn. Sau ra ở đảo, ông thường gửi thư về nhà thăm thân sinh, lúc đó đã nghỉ hưu, trong đó thường có câu rất kịch liệt và theo lối lộng hài, ẩn ngữ. Cụ thân sinh có ý kinh sợ, thường gửi thư răn, như ý trong bài thơ tứ tuyệt sau đây:
Xích trát tân tùng tuyệt đảo qui/Lệ lưu thấp chỉ mộng hồn phi
Bình an mặc tín cần tương báo/Tân khổ hà tu nhiễm hạn vi.
Dịch:
Được thư ngoài đảo dở xem ngay/Hồn vía lên mây lệ nhỏ đầy
Cần gửi bình yên bằng nét mực/Mồ hôi nhuộm giấy chuyện thêm rầy.
Khi ông Tập xuyên được tha về, cụ ông đã mất, chỉ còn cụ bà, đã làm nhiều bài thơ huyết tính, có bài với 2 câu cảm khái:
Nợ nước chưa đền mình mắc nạn/Nhớ con, thương mẹ tuổi thêm già!
Năm 1917, cuộc nổi biến của tù Thái Nguyên do các thủ hạ của cụ Đề Thám, như Lương Lập Nham chỉ huy đã làm rung động toàn quốc. Các tù nhân phá nhà ngục, chiếm giữ được 7 ngày, thì bị đàn áp. Các ông Đội Giá, Đội Trường, Đội Lư, Bình Thiều, Nho Địch… bị đày ra Côn Lôn. Cụ Tập xuyên có Làm bài ký gọi là "Thái Nguyên thất nhật quang phục ký" thuật lại chuyện tù biến ấy, ai đọc cũng hết sức xúc động (trích 2 bài, dịch của cụ Huỳnh):
Hạn địa hà lai tịch lịch thanh/Sổ trùng địa ngục kiếm năng minh
Ngã Nam cách mạng anh hùng sử/Thiên cổ thùy san trịnh đạt danh
Dịch:
Giữa đất bằng nghe trận sét rền/Tiếng gươm ngục tối dội rầm lên,
Sử Nam cách mạng nào ai đấy/Trịnh đạt ngàn năm hẳn có tên.
Bài 6:
Bút thiện vô công kiếm vị thành/Thập niên cùng đảo ám thôn thanh,
Uốt thông giai khí hà sơn tại/Dạ dạ phần hương chúc hậu sanh.
Dịch;
Bút chả xong, gươm cũng dở dang!/Mười năm nức tiếng chốn cung hoang,
Non sông un đúc người sau đấy/Cầu nguyện thương đêm cứ đốt hương.
13 năm sống kiếp tù đày trên đảo, ông vẫn kiên trì lập trường cứu nước theo đường lối "Tân thư" cho đến khi được trả tự do (1921).
Trở về quê nhà, Ngô Đức Kế tiếp tục hoạt động văn hóa - xã hội. Tháng 12 năm 1922, ông được cụ Lê Dư, hiệu Sở Cuồng viết thư mời ra Hà Nội, ở gần phố Hàng Da (nay là số 1, Phạm Phú Thứ). Ông được cụ Lê Dư nhờ dạy chữ Hán cho 2 con gái là Hằng Phương (sau là nhà thơ, vợ của nhà văn Vũ Ngọc Phan) và Hằng Phấn. Cũng dịp này, Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp muốn mời ông làm việc tại Viện, nhưng ông không chịu. Ông gặp ông chủ hiệu Tiên Duệ nơi viết/bán trướng điếu và được mời về ở 14 Hàng Điếu, tại đây ông viết thuê, làm báo. Ngày 29/4/1923, ông nhận được ân chỉ của triều đình khôi phục học vị Tiến sĩ (nguyên bản án sơ thẩm của quan tỉnh Hà Tĩnh năm 1908 đã xử Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn, Đặng Văn Bá, Lê Văn Huân "Đều tước khứ nguyên tịch Tiến sĩ (Ngô Đức Kế), Phó bảng (Đặng Nguyên Cẩn), Cử nhân (Đặng Văn Bá, Lê Văn Huân), các hạng cờ, biển, áo, mão đều thu tiêu), mặc nhiên là xóa chuyện quản thúc và ông yên tâm ở lại Hà Nội hoạt động báo chí. Thời gian này Mật thám Pháp vẫn thường xuyên theo dõi các động tĩnh của ông. Việc làm báo của ông đã bắt đầu từ cuối 1923, nhưng đến đầu 1924 mới chuyển nhà xuống Ngã Tư Sở (như mật thám Pháp đã ghi và lưu hồ sơ).
Ngày 15/10/1923 là một ngày có ý nghĩa trong cuộc đời Ngô Đức Kế, vì ông có bài viết đăng đầu tiên ở báo Hữu Thanh. Năm 1923, báo Hữu Thanh đã có 41 số, rồi thay chủ nhiệm báo là Nguyễn Duy Nho. Bài Cảm tưởng trong lúc biên tập của Ngô Đức Kế in ở số 2 (ngày 15/10/1923) và ông là Chủ bút báo Hữu Thanh cho đến hết năm 1924 thì báo bị đình bản. Báo Hữu Thanh là tờ tạp chí của Hội Trung Bắc Công Nông thương tương tế (nguyên Hội có tên Hội Bắc Kỳ Nông Công Thương đồng nghiệp dành cho các tỉnh Bắc Kỳ, năm 1924 mở rộng cả Trung Kỳ nên có tên như vậy). Dưới Tổng hội có các công ty con, Công ty Ích Hữu thư xã quản lý tờ Hữu Thanh, 1 nhà in và 1 nhà xuất bản (gọi là Tu thư cục, lo việc soạn và xuất bản sách). Chủ bút đầu tiên của Hữu Thanh là Tản Đà (Nguyễn Khắc Hiếu), qua mấy đời mới mời Ngô Đức Kế làm. Ngô Đức Kế đã đem hết tâm huyết, tài năng của mình để viết và luôn có tư tưởng thức tỉnh người Nam ta phải học tập những điều hay lẽ phải của các danh nhân, của thế giới, nhất tâm yêu nước, cứu nước, phục vụ Tổ quốc, dân tộc. Nó như là Tiếng kèn thức tỉnh. Ông có viết: "Nếu quốc dân ta từ rày về sau biết sửa mình đổi lỗi, biết tôn trọng cái nhân cách của mình, biết rèn mài cái tri thức của mình… lấy học vấn tài nghệ đua đuổi cùng nhau, mà bỏ những thói đua ăn, đua mặc, láo khoét ngông xằng, tằn tiện siêng năng, thực tâm thực sự, theo con đường ấy mà tới, thì cái giang sơn của tiền nhân mấy ngàn năm nay hẳn có một ngày được đẹp đẽ rực rỡ thật". Bài báo không chỉ nhằm trúng vấn đề xã hội đương thời cần cấp phải nhận chân, mà cho đến nay, lời nhắn nhủ của tác giả dường như vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Cùng một tính chất đề tài, ở số 12 (15/4/1924), Ngô Đức Kế tung tiếp bài Nền Quốc văn và đặt ngược luận đề: "Giả sử thượng đế ban cho quả đất này một chế độ đại đồng, tiếng nói chữ viết dùng chung một thứ, đâu đâu cũng văn minh tiến bộ như nhau, mọi người dìu dắt, yêu ấp nhau như con một nhà". Như thế, - Ngô Đức Kế trả lời, làm gì có "quốc văn", mà cũng cần gì phải có Quốc văn! Một cách tiếp cận rất sắc sảo. Loài người sinh sản ngày càng đông, trí khôn mở mang, sự vật tiến triển, mọi người không thể ngồi chung một nơi mà nghe nhau nói, phải chế chữ viết để ghi mà thông tin với hiện tại và mai sau, mỗi dân tộc vì thế phải có một ngôn ngữ văn tự riêng. Ngôn ngữ đã riêng, phong tục tập quán học thuật tôn giáo tất phải khác. Mạnh được yếu thua, dân tộc bị tiêu diệt thì ngôn ngữ văn tự cũng bị tiêu diệt (cũng như dân tộc ta còn thì tiếng ta còn)…"Lúc đi học không ở trong nền quốc văn mà ra, cho nên đối với quốc văn vẫn không chút gì là cảm tưởng… Đã không ai có nhiệt thành đối với quốc văn, thì còn ai ra sức giúp công mà xây đắp lại cái nền ấy. Người mình “cái tâm lý đối với việc học là cốt học mà đi thi, đi học cũng như đi buôn bán hay làm nghề, cái mục đích cầu lợi mà thôi…". Đi đôi với giáo dục là những vấn đề về bản chất và sự đánh giá nền văn hóa Việt Nam. Tiếp theo Nền quốc văn, Ngô Đức Kế đã nhanh chóng tiếp cận vấn đề này bằng cách thể hiện Cảm tưởng trong lúc vào xem Văn Miếu Hà Nội (Hữu Thanh số 3 - 1/5/1924). Ông đặt câu hỏi cho các bậc thức giả đương thời về một dân tộc đông dân mà hơn ngìn năm tôn sùng một đạo, để trật tự xã hội có lễ nghĩa, có phải là còn cái nền nếp đạo Khổng Phu Tử không?
Những vấn đề mà Ngô Đức Kế đặt ra qua 3 bài báo trên và những luận thuyết kiến giải sát thực tế đương thời của ông đã gây được tiếng vang và sự chú ý của giới trí thức Hà Thành. Tháng 8/1924, Hội Khai Trí tiến đức tổ chức một cuộc kỷ niệm cụ Nguyễn Du rầm rộ hiếm có. Trong buổi lễ này, ông Phạm Quỳnh đã hai lần hô lên một cách say sưa câu nói bất hủ của ông: "Truyện Kiều còn tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn". Ngô Đức Kế có những ý kiến về học thuật được dư luận chú ý, để công kích Phạm Quỳnh, vạch âm mưu đề cao Truyện Kiều của hắn nhằm đánh lạc hướng lớp thanh niên lúc bấy giờ trong bài “Luận về chính học cùng tà thuyết (Hữu Thanh tháng 9/1924). Vấn đề này, Ngô Đức Kế hiểu quá uyên sâu, bởi cách đó vài tháng trong bài Nền quốc văn ông đã viết: "Dân tộc nào còn thì ngôn ngữ văn tự còn, dân tộc nào tiêu diệt thì ngôn ngữ văn tự cũng tiêu diệt". Cái định đề ấy hẳn ông Phạm Quỳnh cũng biết rõ, chẳng cần đời Ngô Đức Kế viết ra. Nhưng ông Ngô nói theo logic thuận (rất chính xác). Ông Phạm lại chuyển cách nói ý theo logic ngược, trong đó ông lấy một cá thể là Truyện Kiều thay thế trọn vẹn cho cụm từ "Tiếng ta" (tức tiếng Việt) có nội hàm rộng lớn hơn nhiều. Truyện Kiều dù hay đến đâu cũng không thể thay ngang với phạm trù tiếng Việt để có thể dựa vào một tam đoạn luận như ông đã trình bày. Hơn nữa, đầu cuối của tam đoạn luận ấy lại là "nước ta", một đối tượng rất nhạy cảm, thường gắn với chuyện nước mất, nước còn. Ngô Đức Kế "chạm nọc" vì câu đó - hoặc như sau này Võ Phiến nói "Phạm Quỳnh tung hô Truyện Kiều quá khiến cụ Ngô Đức Kế nổi đóa". Nhưng Ngô Đức Kế chỉ chì chiết mấy chữ "quốc hồn", "quốc túy" thôi, còn chính câu tam đoạn luận ấy cụ lại không trích! Cụ chỉ cãi ở điểm, nói thế thì thời xưa chưa có Truyện Kiều nước ta không có quốc hồn, quốc túy? Cụ chỉ hỏi dồn: "Có còn quốc gì nữa không? v,v... Cụ lo trời sập (ưu thiên), sợ rằng việc đề cao Truyện Kiều thái quá như thế khác nào vẽ đường cho hươu chạy, rồi trai gái "Sinh cái tư tưởng trộm ngọc cắp hương… trong thời buổi Âu hóa nhốn nháo , "Âu chẳng ra Âu, Á chẳng ra Á".
Ngoài các bài xã luận quan trọng được dư luận rất quan tâm chú ý như trên, Ngô Đức Kế còn viết khá nhiều bài báo khác... Hai chủ đề được ông quan tâm nhiều nhất: Tạo lập xã hội văn minh tiên tiến và đi liền đó là vấn đề đạo đức mới nhất là đạo đức công cộng, có thế nước mình mới có được sự nhìn nhận bình đẳng, tôn trọng trước con mắt của năm châu thế giới.
Báo Hữu Thanh bị đóng cửa (1926), ông lập ra Nhà xuất bản Giác quần thư xã, xuất bản một số sách, như: Nam quốc dân tu tri; Nữ quốc dân tu tri; Sở âm tập, Thiên nhiên học hiệu ký… Ông còn là tác giả các sách: Phan Tây Hồ di thảo; Đông Tây vĩ nhân; Thái Nguyên thất nhật quang phục ký (bị thất lạc); Tác giả của nhiều bài thơ, câu đối… rất xuất sắc. Khi Ngô Đức Kế mất (10/02/1929), cụ Huỳnh Thúc Kháng đã viếng ông bằng đôi câu đối như sau:
Xanh trường khối lỗi, vô số vị thành thư, Á phách, Âu hồn, truyện đáo vĩ nhân phiên tuyệt bút;
Khảo mục hà sơn, kỷ đa bất thực quá, Tô chiêu, Quản mão, ca lai chính khí dũng triều âm.
Cụ huỳnh tự dịch:
Ngổn ngang gò đống, bao nhiêu bụng sách chép chưa xong, phách ngưới Á, mà hồn người Âu, đến chuyện vĩ nhân dừng ngọn bút;
Xơ xác non sông, những kẻ dư sinh còn được mấy, cờ họ Tô mà mão họ quản, ngẫm bài chính khí dậy cơn dông.
Tên của ông được đặt cho các con đường ở Thủ đô Hà Nội và các tỉnh thành khác; một con đường dài 1.200m ở phường Hồng Sơn, Tp. Vinh, là nơi tuổi trẻ ông thường đi đến trường học của thầy đồ họ Nguyễn (ông nội của GS Nguyễn Xiển), cũng là nhà thờ họ Nguyễn ở sau chợ Vinh, nay thuộc phường Vinh Tân, Tp. Vinh.
(Bài đã đăng VHTT Nghệ An số 13 - Tháng 6/2024)
…………………………..
Sách và tài liệu tham khảo:
1. Ngô Đức Kế cuộc đời và tác phẩm/Ngô Đức Thọ sưu tập, giới thiệu.- Sở VH,TT&DL Hà Tĩnh, 2008, tr 616.
2. Minh Viên Huỳnh Thúc Kháng. Thi tù tùng thoại. In theo bản Tiếng Dân.- H., VHTT, 2001- tr 365. (Tập thơ và truyện ký về các sự kiện, nhân vật liên quan đến Nhà tù Côn Lôn thời Pháp thuộc).
3. Ninh Viết Giao. Từ điển nhân vật xứ Nghệ.- HCM, Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2008, tr 796.
4. Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Bá Thế. Từ điển nhân vật Lịch sử Việt Nam. Tái bản lần thứ VIII có sửa chữa và bổ sung.- HCM., Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2006.- tr 1690.
5. Thái Kim Đỉnh. Các nhà khoa bảng Hà Tĩnh (từ đời Trần đến đời Nguyễn).- Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh, 2004.- tr 244.
- Và một số tài liệu khác…
tin tức liên quan
Videos
Đọc Martin Heidegger: Nguồn gốc của tác phẩm nghệ thuật [kỳ III]
Người Amish ở Mỹ
Nghệ An đạt nhiều giải cao tại Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ III, năm 2022
Đền Hồng Sơn
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Thống kê truy cập
114510975
2333
2347
21349
217848
121356
114510975