Văn hóa và đời sống
Mùa Xuân nghĩ về Bác Hồ, Đảng và vận mệnh dân tộc
Chủ tịch Hồ Chí Minh là vĩ nhân đã in đậm dấu ấn vào lịch sử dân tộc và lịch sử nhân loại. Dù đã mãi mãi đi xa, nhưng hình ảnh giản dị, tư tưởng và tấm gương đạo đức sáng ngời của Người luôn sống mãi trong trái tim các thế hệ người Việt Nam và bè bạn quốc tế. Chính vì vậy, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đã có rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ, nghệ sĩ trong và ngoài nước bắt nguồn cảm hứng sáng tạo từ hình tượng của Người và hầu hết các tác phẩm viết về Bác đều có sức sống lâu bền cùng năm tháng, trong đó mùa Xuân với Bác Hồ là cả những biển trời rộng lớn, bao la gắn liền với những bước ngoặt lịch sử lớn lao của cách mạng Việt Nam rất đáng trân trọng, tự hào.
Thời gian cứ trôi đi, song mỗi khi Tết đến, Xuân về, dù là “người già hay trẻ nhỏ”, là “cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước hay người dân bình thường” trong lòng mỗi người chúng ta không khỏi bồi hồi cảm xúc thật thiêng liêng cao quý, cảm xúc ấy vừa có gì đời thường, máu thịt, thân thương vừa tâm linh khát vọng... Ấy là mùa chuyển giao tự nhiên của đất trời từ mùa Đông khí hậu lạnh, khô, băng giá, vạn vật như phải gồng mình lên để tồn tại,... sang mùa Xuân thời tiết ôn hòa, khí hậu ấm áp, hoa cỏ ngập tràn, vạn vật như thoát thai đón một thiên đường của sự sinh sôi phát triển.
Với đất nước, mùa Xuân như có một cái gì đó thật tâm linh luôn gắn với Bác Hồ, với Đảng, Nhân dân, với dân tộc, đó là những mùa Xuân đặc biệt ghi dấu ấn lịch sử của chặng đường cách mạng Việt Nam, tiếp bước lịch sử truyền thống hào hùng vẻ vang của cha ông từ buổi đầu dựng nước.
Mùa Xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Đó là kết quả sau những năm tháng bôn ba hải ngoại tìm đường, chọn đường cứu nước, cứu dân và hoạt động cách mạng của Bác Hồ ở Pháp, Mỹ, Anh... rồi sang Nga, Người đọc luận cương của Lênin để hiểu về cách mạng và làm người cách mạng. Người đã truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào yêu nước và phong trào công nhân. Năm 1925, Người thành lập tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, tập hợp những thanh niên Việt Nam ưu tú giác ngộ cách mạng, tổ chức các lớp huấn luyện cách mạng đầu tiên ở nước ngoài, làm hạt nhân cho phong trào cách mạng ở trong nước, tiến tới thành lập các tổ chức cộng sản. Và như định mệnh không thể là mùa khác, Bác Hồ đã chọn mùa Xuân năm 1930 khi tình hình cách mạng đã có những bước tiến mới, nắm bắt “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, với nhãn quan chính trị sắc sảo và tầm nhìn xa trông rộng, Bác đã thống nhất 3 tổ chức Cộng sản và ngày 03-02-1930, Người tổ chức Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là mùa Xuân lịch sử mở đầu một trang mới cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập cho dân tộc và tự do cho Nhân dân, đã có Đảng lãnh đạo và người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam là Bác Hồ kính yêu.
Đảng ta ra đời vào mùa xuân - mùa xuân của đất nước và dân tộc. Thật ngẫu nhiên, 11 năm sau sự kiện thành lập Đảng, và 30 năm sau kể từ năm Bác Hồ từ bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) ra đi tìm đường cứu nước, mùa Xuân năm 1941, Người từ nước ngoài trở về Tổ quốc qua biên giới Việt - Trung, thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Bác về ở hang Pác Bó, trực tiếp cùng Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam kháng chiến, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Từ đây, Bác Hồ ở trong nước, cùng Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Ở Pác Bó, Bác được đồng bào các dân tộc che chở, đùm bọc, yêu thương... Nỗi nhớ Tổ quốc, quê hương sau 30 năm trời đằng đẵng Người ra đi từ miền Nam yêu thương, bôn ba đất khách quê người, ngày trở về ở phía Bắc Việt Nam, cả đất trời mùa Xuân quê hương đón Bác thật cảm động. Người cúi xuống hôn lên đất Mẹ nặng nghĩa tình. Đó là mùa Xuân lần thứ hai, lịch sử lại gắn Bác, với Đảng với vận mệnh của dân tộc. Phải chăng “Định mệnh” đó mang tính thời đại. Đúng như một nhà thơ đã viết: Cuối trời Bác đi ngàn sóng tiễn/Ngày về hoa nở thắm rừng biên/Ba mươi năm thức tìm chân lý/Lập nước Việt Nam sáng vạn niên.
Cuộc sống kháng chiến vô cùng gian khổ, thiếu thốn, nhưng trong lòng Bác một tình yêu đất nước, giống nòi, ý chí khôi phục giang sơn giải phóng dân tộc không lúc nào nguôi trong tư tưởng, tình cảm, ý chí, nghị lực của Bác, đã thể hiện trong bài thơ bất hủ được Bác viết tại hang Pác Bó, hội tụ của một nhà cách mạng vĩ đại và một thi nhân lớn: “Non xa xa nước xa xa/Nào phải thênh thang mới gọi là/Đây suối Lê nin, kia núi Mác/Hai tay xây dựng một sơn hà” [1]. Và từ Pác Bó mùa Xuân năm ấy, Bác và Đảng ta đã mở Hội nghị Trung ương lần thứ 8, họp từ 15 đến 19-5-1941. Hội nghị quyết định đường lối cách mạng, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, chuyển hướng chiến lược, chuẩn bị lực lượng toàn dân đấu tranh, làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đưa đất nước ta, Nhân dân ta từ kiếp nô lệ, thành một nước Độc Lập - Tự Do, lập nên Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam châu Á.
Bác Hồ, lãnh tụ kính yêu của Đảng và của dân tộc ta, là hiện thân sáng ngời của cách mạng và kháng chiến, của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Từ sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời cho đến khi Bác về cõi vĩnh hằng, Người đã có 24 năm cùng toàn dân và toàn quân đón Tết, vui Xuân. Năm nào Bác cũng có thư hoặc thơ chúc Tết.
Nếu có ai hỏi trong 24 cái Tết ấy, Tết nào là Tết đặc sắc nhất của Bác, câu trả lời sẽ là: Không! Không thể nói Tết nào là đặc sắc nhất, bởi mỗi cái Tết của Bác đều có nét tươi mới và đặc sắc riêng, không thể nào đo đếm đơn thuần được. Nhưng nếu lựa chọn bất kỳ, thì mùa xuân này, tôi xin lấy Tết Giáp Ngọ năm 1954 cách Tết Giáp Thìn năm nay (2024) vừa tròn 70 năm (năm 2024 tròn 70 năm kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ). Mùa Xuân Giáp Ngọ 1954, cuộc kháng chiến chống Pháp của Nhân dân ta đã bước vào năm thứ chín, lực lượng kháng chiến ngày càng lớn mạnh và giành được nhiều thắng lợi. Trước sự thay đổi của cục diện chiến tranh ở Đông Dương và trên cơ sở nhận định âm mưu mới của Pháp - Mĩ, tháng 9/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp và đề ra kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954. Năm 1954 cũng là năm thứ 2 tiến hành cải cách ruộng đất tại miền Bắc để dân cày có ruộng, tạo thành hậu phương vững chắc để chi viện cho chiến trường lập nên chiến công.
Nhân Tết Giáp Ngọ 1954, Bác Hồ đã gửi thơ chúc Tết quân dân cả nước đăng trên báo Nhân Dân số 163 từ ngày 01-05/02/1954.
THƠ CHÚC TẾT
Ngày Nguyên đán năm Giáp Ngọ
Năm mới, quân dân ta có hai nhiệm vụ rành rành:
- Đẩy mạnh kháng chiến để giành độc lập tự do,
- Cải cách ruộng đất là công việc rất to.
Dần dần làm cho người cày có ruộng, khỏi lo nghèo nàn.
Quân và dân ta nhất trí kết đoàn,
Kháng chiến, kiến quốc nhất định hoàn toàn thành công.
Hòa bình dân chủ thế giới khắp Nam Bắc Tây Đông,
Năm mới, thắng lợi càng mới, thành công càng nhiều” [2].
Lời thơ chúc Tết nêu rõ hai nhiệm vụ chiến lược rõ ràng, khẳng định nhiệm vụ tiền tuyến, nhiệm vụ hậu phương cùng nhau đoàn kết thì thắng lợi của cuộc kháng chiến và kiến quốc nhất định sẽ thành công, đồng thời lạc quan, tin tưởng đến phong trào đấu tranh của nhân dân thế giới sang năm mới cũng có những thành công mới.
Những lời thơ chúc Tết của Bác vừa là mừng xuân, vừa căn dặn, chỉ bảo cụ thể mà khái quát sâu xa, sâu lắng, tác động mạnh mẽ đến tấm lòng mỗi người dân đất Việt, góp phần không nhỏ vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Thật vậy, với tinh thần đoàn kết, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã lập được nhiều chiến công vang dội. Thắng lợi của cuộc tiến công Đông - Xuân 1953 - 1954 và đặc biệt là thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử năm 1954 gây chấn động địa cầu, đã đập tan hoàn toàn kế hoạch Nava, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, làm xoay chuyển cục diện chiến tranh, tạo cơ sở thực lực về quân sự cho cuộc đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Giơnevơ. Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp của Nhân dân Việt Nam.
Mùa xuân nối tiếp mùa Xuân. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thần thánh của dân tộc ta do Đảng, Bác Hồ lãnh đạo kéo dài hơn 20 năm trải qua những biến cố, thăng trầm với nhiều gian khổ, hy sinh, đã Giải phóng hoàn toàn miền Nam (lại đúng vào mùa Xuân năm 1975), đưa non sông ta thu về một mối. Tổ quốc thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh, cả nước ta quá độ đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiếp đó là thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước với tư duy mới, sáng tạo và hội nhập quốc tế, đang từng bước đem lại cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.
Tuy nhiên, trong sự nghiệp đổi mới đất nước đã gần 40 mùa Xuân, bên cạnh những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, Đảng ta vẫn cảnh báo sự tồn tại nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới; nguy cơ diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Trong khi đánh giá công tác xây dựng Đảng đã đạt được những kết quả quan trọng, Đảng vẫn thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm trong các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, cán bộ, kiểm tra, dân vận và trong phương thức lãnh đạo của Đảng làm cho Đảng ta chưa thật sự trong sạch, vững mạnh, làm giảm sút lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Vì vậy, trong thời gian tới, Đảng chủ trương tập trung những cố gắng lớn cho việc tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; đồng thời xây dựng và phát huy cao độ sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Phải đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Phải xác định rõ “Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với Nhân dân”, tinh thần này được Đảng ta khẳng định rõ: Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”. Trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh khi Người viết Di chúc được coi như cương lĩnh xây dựng đất nước sau chiến tranh theo tinh thần đổi mới (quốc bảo). Theo Bác, xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn là một nhiệm vụ hết sức to lớn, nặng nề và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này, cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân.
Tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn cách mạng Việt Nam cho thấy chỉ có dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân, làm hợp lòng dân thì mới đi tới thắng lợi hoàn toàn. Quan liêu, tham nhũng, độc đoán, chuyên quyền xa rời Nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của dân tộc, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng.
Xuân Giáp Thìn 2024 này, cũng như bao mùa xuân khác từ khi Người về cõi vĩnh hằng, chúng ta vẫn thấy như luôn có Bác bên mình, những lời Bác Hồ nói về Đảng và về xây dựng Đảng vẫn đang chỉ dẫn Đảng ta vững vàng hành động. Mong xuân này sẽ khởi đầu một năm mới đầy khởi sắc, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng bộ máy lãnh đạo và quản lý tinh gọn, hiệu quả sẽ gặt hái thêm nhiều kết quả mới; việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tiếp tục được đẩy mạnh, để vườn xuân đất nước ngày càng nảy lộc, đơm hoa, kết trái; đặc biệt đây là năm bản lề của Nghị quyết Đại hội XIII chuẩn bị về công tác nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp, đây thật sự là bản thông điệp đầy trách nhiệm Đảng gửi đến toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, động viên và cổ vũ mọi người chúng ta hăng hái tiến lên. Mừng năm mới, mừng Xuân mới, mừng Đảng, mừng đất nước, mừng dân tộc. Những cái mừng ấy quyện chặt với nhau làm một, tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn để Tổ quốc đi lên./.
Chú thích:
* Khoa Hồ Chí Minh học, Học viện Chính trị, BQP
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 3, tr.227.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 8, tr.400.
tin tức liên quan
Videos
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Thống kê truy cập
114511570
2233
2336
21944
218443
121356
114511570