Khách mời văn hóa

Trao đổi về thổ âm Nghi Lộc

VHNA: Vừa rồi trên báo Tuổi trẻ Tp Hồ Chí Minh và báo Lao động Nghệ An có in bài Người Nghệ nói tiếng Nghi” của tác giả Vũ Toàn. Cũng trên báo Tuổi trẻ còn có bài “Iêng phô ky?” - anh nói gì? Của tác giả Văn Định. [ Bạn đọc có thể đọc các bài này theo link http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Phong-su-Ky-su/518443/Nguoi-Nghe-noi-%E2%80%9Ctieng-Nghi%E2%80%9D.html; http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Phong-su-Ky-su/518991/%E2%80%9CIeng-pho-ky%E2%80%9D---anh-noi-gi.html].

Các bài báo này đã giới thiệu với bạn đọc cả nước về thổ ngữ Nghi Lộc và thôn An Tiến (Đức An, Đức Thọ). Trong các bài báo, tuy rằng các tác giả không trực tiếp khẳng định nguyên nhân hình thành các thổ âm này, nhưng cách dẫn ý kiến của Phó Giáo sư Ninh Viết Giao về nguồn gốc dân cư trong bài của tác giả Vũ Toàn và trích dẫn ý kiến “Một số cụ cao tuổi lại cho rằng làng An Tiến trước đây là nơi biên ải của đế chế Chămpa cổ. Khi vùng này thành đất Đại Việt thì vẫn còn một bộ phận người Chăm sinh sống. Do đó, dù trải qua bao biến cố lịch sử nhưng giọng nói người dân nơi đây chưa thay đổi” trong bài của tác giả Văn Định thì nhiều bạn đọc, trong đó có chúng tôi, hiểu rằng, nguyên nhân hình thành của các thổ âm này là do có một bộ phận cư dân Chiêm Thành (vốn là tù binh của nhà Lê hồi TKXV) cư trú trên địa bàn này. Chúng tôi nhận thức rằng đây là một vấn đề khoa học nghiêm túc, đồng thời là vấn đề văn hóa, lịch sử quan trọng không chỉ đối với cộng đồng dân cư “nói nhanh như chim, lít nhít như chuột” [chữ dùng của tác giả văn Định] mà là của một cộng đồng rộng lớn hơn nhiều. Vì vậy, để trao đổi với một số bạn đọc quan tâm, chúng tôi đã đề nghị các nhà nghiên cứu ngôn ngữ và folklore đưa ra quan điểm của mình về vấn đề này. Đây là vấn đề lớn, rất khó, phải giải thích bằng các luận cứ khoa học, mà điều đó thì không dễ và không thể thực hiện trong ngày một ngày hai, nên chúng tôi cũng chỉ hy vọng các ý kiến trao đổi lần này chỉ là bắt đầu từ những nhận định cơ bản nhất mà thôi. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số ý kiến ban đầu và hy vọng sẽ có nhiều người cùng trao đổi trên tinh thần học thuật.

Gs. Ts Trần Trí Dõi: “Nghi Lộc ngữ” (và cả thổ âm làng An Tiến) vẫn là giọng nói “thuần túy tiếng Việt”

Hỏi: Thưa GS, vừa rồi trên báo “Tuổi trẻ” có đăng hai bài viết về thổ âm, thổ ngữ ở Nghệ Tĩnh. Chắc ông có quan tâm đến những bài báo đó?

Trả lời: Vâng, thường thì những bài báo viết về thổ âm thổ ngữ tiếng Việt ở dạng báo chí, do thói quen nghề nghiệp, tôi đều tìm đọc để có thêm thông tin cho công việc. Tôi đã đọc hai bài báo này cũng như một loạt bài khác mà các tác giả cho là có sự “kỳ lạ” về tiếng nói ở những vùng khác nhau như Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Đúng là đối với những người thông thường nghe và nói tiếng Việt phổ thông hay nghe và nói những tiếng địa phương chỉ khác đi một ít so với tiếng Việt phổ thông thì khi nghe giọng thổ âm ở huyện Nghi Lộc của Nghệ An và thổ âm làng An Tiến ở huyện Đức Thọ của Hà Tĩnh, sẽ thấy giọng hay âm nói ở những nơi đây khá là “kỳ lạ”; thậm chí đối với nhiều người, nói đúng ra là nghe để hiểu thật là khó, đến mức không hiểu được, giống như người ta nghe “tiếng nước ngoài” vậy.

Thế nhhưng đối với chúng tôi, những người có nhiều năm chuyên nghiên cứu về “Lịch sử tiếng Việt” cũng như “Ngữ âm lịch sử các ngôn ngữ Việt - Mường”, hiện tượng này là rất “bình thường”. Vì, cho dù khó nghe đến đâu thì giọng nói của những cư dân huyện Nghi Lộc và làng An Tiến (đã được mô tả trong hai bài báo) vẫn là giọng nói của những người nói tiếng Việt chính hiệu. Tôi xin nhắc lại, tiếng Việt chính hiệu. Chỉ có điều là giọng nói ấy hoặc đã lưu giữ trạng thái tiếng Việt khá cổ xưa hoặc có những biến âm khá “đặc biệt” so với giọng phổ thông mà thôi.

Hỏi: Trong bài viết, tác giả bài báo đã dẫn ý kiến của PGS Ninh Viết Giao gián tiếp giải thích về nguồn gốc của hiện tượng “lạ” đó. GS chắc cũng lưu ý đến sự giải thích đó?.

Trả lời: Theo tôi, trong bài viết, các tác giả phần nhiều chỉ mô tả tình trạng khác biệt của hai thổ âm để minh chứng cho hiện tượng mà các tác giả cho là “kỳ lạ” về tiếng nói ở những vùng thuộc Nghi Lộc và An Tiến. PGs Nính Viết Giao không trực tiếp khẳng định nguyên nhân hình thành thổ âm Nghi Lộc là do yếu tố người Chiêm Thành cư trú trên địa bàn này, nhưng có lẽ, khi dẫn lại lời của PGS Ninh Viết Giao, các tác giả bài báo nhằm qua đó để giải thích nguyên nhân dẫn đến sự khác lạ của hai giọng thổ âm nói trên.

Theo như bài báo, PGS Ninh Viết Giao cho rằng “người Nghi Lộc là dân ‘ca có cuống, ca có đuôi’ ( có cuống, có đuôi)”. Sở dĩ có tình trạng này “là do cách phát âm các từ có dấu huyền, dấu sắc và không dấu na ná nhau”. Với cách giải thích như vậy có nghĩa là về mặt ngôn ngữ, theo PGS Ninh Viết Giao, cái “kỳ lạ” của giọng Nghi Lộc là do cách phát âm các dấu huyền, dấu sắckhông dấu “na ná nhau”. Cách nói “na ná nhau” có nghĩa là người nghe “khó” hoặc “không” phân biệt được sự khác biệt (thuật ngữ ngôn ngữ học gọi là nét khu biệt) giữa dấu huyền, dấu sắckhông dấu. Đó là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng “kỳ lạ” của giọng Nghi Lộc nhìn từ góc độ ngôn ngữ.

Cũng theo như bài báo, PGS Ninh Viết Giao cho rằng tình trạng kỳ lạ về ngôn ngữ như thế của tiếng nói vùng Nghi Lộc là do “nguồn gốc của cư dân những vùng làng này là người Chiêm Thành”. Cụ thể, theo PGS Ninh Viết Giao, “Nửa cuối thế kỷ 15, công thần khai quốc nhà Lê sơ Nguyễn Xí (1396-1465) quê xã Nghi Hợp bây giờ, có công lớn trong việc cảm hóa hàng binh người Chiêm Thành, đưa họ về Nghi Lộc, tậu ruộng đất cho họ sinh sống nhưng cũng cấm bỏ ruộng hoang. Từng bước Nguyễn Xí chuyển hàng binh thành công dân nước Việt, sinh sống ở Nghi Lộc. Hiện trong sử sách, gia tộc của Thái sư Quốc công Nguyễn Xí có 15 chi là con cháu và ba chi là con nuôi người Việt gốc Chiêm Thành vốn được ông yêu thương. Nhiều người dân ở Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò hiện nay mang họ Chế là vì vậy”. Nếu hiểu đúng theo lời giải thích của PGS Ninh Viết Giao, có nghĩa là cư dân những vùng làng này “gốc là người Chiêm Thành” (!).

Hỏi: Nhiều người sau khi đọc bài viết đã không đồng tình với cách giải thích trong hai bài báo về nguồn gốc của hiện tượng “lạ” đó. Là người chuyên nghiên cứu về “Lịch sử tiếng Việt” cũng như “Ngữ âm lịch sử các ngôn ngữ Việt - Mường”, xin GS cho biết ý kiến của mình.

Trả lời: Thú thực, tôi cũng không hoàn toàn đồng tình với cách giải thích của các tác giả hai bài báo và của PGS Ninh Viết Giao về nguồn gốc của hiện tượng “lạ” đó, mặc dù cách giải thích của ông có một chút ít cơ sở.

Trước hết, xin nói về sự “kỳ lạ” của giọng nói Nghi Lộc so với giọng nói của tiếng Việt phổ thông. Đúng là, nguyên nhân ngôn ngữ của sự khác biệt này đầu tiên là hiện tương “na ná nhau” về thanh điệu. Nhưng về bản chất, đối với tai nghe của người nói tiếng Việt phổ thông thì “na ná nhau” chứ đối với người bản địa Nghi Lộc, các thanh điệu tiếng Việt ở đây vẫn được “tri nhận” ra sự khác nhau. Bởi vì, trong thực tế người Nghi Lộc có nói “ca có cuống, ca có đuôi” thì người bản địa Nghi Lộc vẫn nhận biết âm ca thứ nhất mang thanh “huyền”, âm ca thứ hai mang thanh “sắc”.

Với lại, hiện tượng nghe giọng nói có thanh điệu “na ná nhau” trong tiếng Việt đâu chỉ có người Việt ở Nghi Lộc. Có cả những vùng khác các thanh điệu cũng lẫn vào nhau: như ở Thanh Hóa nhiều nơi thanh hỏi lẫn thanh ngã, ở Nghệ An một vài nơi thanh nặng lẫn thanh ngã, ở Quảng Bình một vài nơi cũng nghe thanh điệu “na ná” chỉ có bốn thanh (trên tổng số sáu thanh của tiếng phổ thông) như làng Cao Lao Hạ (xã Hạ Trạch, Bố Trạch), xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa) v.v. Ở Bắc Bộ, nếu ai có dịp nghe giọng nói của làng Tân Triều (huyện Thanh Trì, Hà Nội), nhiều làng ở vùng chùa Thầy (thuộc huyện Thạch Thất, Quốc Oai và Ba Vì, Hà Nội), thậm chí một vài làng ở huyện Bình Giang (Hải Dương) v.v. thì cũng có tình trạng “na ná nhau” như thế, Vậy thì nếu giải thích rằng những vùng có cách nói “na ná nhau” về thanh điệu như trên là do “nguồn gốc cư dân những vùng làng này là người Chiêm Thành” ở vào nửa cuối thế kỷ 15 thì tất cả những vùng vừa được kể ở trên cũng như thế hay sao.

Thứ đến, khi đọc bài báo chúng ta vẫn nhận ra những từ người Nghi Lộc nói tuy “lạ tai” nhưng vẫn nhận ra đó những từ tiếng Việt biến âm có “quy luật”. Ví dụ, trong trường hợp cho là đặc sệt vùng “Nghi Lộc ngữ” như “Về đai ăn khuây loang, uống chè choát là sướng” thì các từ lạ tai như “đai”  trong “về đai” (về đây, lẫn lộn vần ai/ây), “khuây loang” trong “ăn khuây loang” (ăn khoai lang, lẫn lộn vần oai/uây và vần ang/oang),  “choát” trong “chè choát” (chè chát, lẫn lộn vần at/oat) là những từ tiếng Việt biến âm có “quy luật” ở những vùng tiếng Việt khác cũng có. Chẳng hạn như, nhiều làng từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có giọng địa phương lẫn lộn vần ai/ây do biến đổi nguyên âm a/â như “con nai/con nây, con gái/con gấy. đi đái/đi đấy v.v”, lẫn lộn vần ang/oang do hiện tượng phát âm dài và mở rộng nguyên âm khiến cho a thành oa hay u thành âu (củ nu/củ nâu, cỏ /cỏ gấu, con tru/con trâu v.v). Nói một cách chung nhất, những quy luật biến đổi vần khiến cho tiếng Nghi Lộc khó nghe cũng thấy có ở nhiều địa phương khác. Vậy thì căn cứ vào sự khác biệt vần như thế để cho rằng “nguồn gốc cư dân những vùng làng này là người Chiêm Thành” ở vào nửa cuối thế kỷ 15 thì giải thích những biến đổi có quy luật ở những vùng vừa được kể ở trên như thế nào đây.

Còn như cho rằng “Nửa cuối thế kỷ 15... Nguyễn Xí (1396-1465) quê xã Nghi Hợp bây giờ, có công lớn trong việc cảm hóa hàng binh người Chiêm Thành,...chuyển hàng binh thành công dân nước Việt, sinh sống ở Nghi Lộc” và  viện dẫn tình trạng “gia tộc của Thái sư Quốc công Nguyễn Xí có 15 chi là con cháu và ba chi là con nuôi người Việt gốc Chiêm Thành ... ở Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò hiện nay mang họ Chế” để minh chứng cho giải thích “nguồn gốc của cư dân những vùng làng này là người Chiêm Thành” lại càng không thuyết phục. Bởi lẽ, liệu có khả năng cư dân “15 chi ...con cháu” chính hiệu là người Việt của cụ Nguyễn Xí lại nói theo giọng nói của “ba chi là con nuôi người Việt gốc Chiêm Thành” của cụ để có vùng “Nghi Lộc ngữ” như hiện nay. Tôi nghĩ rằng lẽ ra phải có tình trạng ngược lại, tức là những người “gôc Chiêm Thành” phải hòa đồng vào số đông người Việt thì có.

Do đó, theo tôi, nếu giải thích nguyên nhân những nét đặc thù như trên về tiếng nói của vùng Nghi Lộc là do “nguồn gốc của cư dân những vùng làng này là người Chiêm Thành ...ở thế kỷ 15” là thiếu cơ sở, khó thuyết phục. Những kết quả nghiên cứu đã có về lịch sử tiếng Việt cho phép chúng tôi nghĩ rằng “Nghi Lộc ngữ” (và cả thổ âm làng An Tiến) vẫn là giọng nói “thuần túy tiếng Việt”. Những khác biệt về giọng nói ở đây là sự biến đổi lịch sử ngữ âm có quy luật, kết hợp với một vài hiện tượng giao thoa (tiếp xúc) khác nữa mà thôi. Và như vậy, chỉ nên nói “có thể có một ít cư dân những vùng làng này là người gốc Chiêm Thành ...ở thế kỷ 15” thì dễ thuyết phục hơn.

Nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ – Giảng viên Đại học KHXH & NV Hà Nội: “ cái nước mình nó vậy, cứ nói đại đi cái suy nghĩ rất cảm tính của mình…”

 Cám ơn VHNA đã có nhã ý hỏi tôi về những vấn đề về "tiếng Nghi Lộc" hay rộng hơn là một số "thổ ngữ" mà gần đây báo Tuổi trẻ đã có một số bài đề cập tới.
Tôi xin có ý kiến của mình như sau:

1. Tôi không phải là nhà ngôn ngữ học, tuy vậy, vì là người nghiên cứu văn hóa dân gian nên những vấn đề đối với thổ ngữ, phương  ngữ, biệt ngữ, đặc ngữ tôi cũng có quan tâm. Tôi thấy vấn đề này vô cùng phức tạp mà cho đến nay, chưa ai giải quyết vấn đề đó một cách rốt ráo được. Có nghĩa là, khi đề cập đến vấn đề đó, chúng ta cần có một sự điềm đạm cần thiết để không xúc phạm người khác.
2. Tôi cũng đã đọc những bài viết của anh Hồ Trung Tú, anh Vũ toàn, và trong đó có phản ánh ý kiến của cụ Ninh Viết Giao, họ đều là những người tôi kính trọng. Tuy nhiên, tôi coi đó là "báo chí". Đối với dân làm khoa học như chúng tôi, đó là những câu chuyện giải trí lúc trà dư tửu hậu mà thôi. Vui là chính mà.
3. Tại sao tôi nói vậy? Vì tất cả những gì đã phản ánh trên những bài báo đó, nó chả có một cơ sở khoa học đáng tin cậy nào cả. Họ viết cho vui thôi mà. Nếu tôi hỏi lại họ: phương ngữ, thổ ngữ, đặc ngữ, biệt ngữ là gì? Thanh điệu là gì, điệu thức là gì, âm vực trong chuỗi phát ngôn là gì? Mối tương quan các âm vị trong diễn biến phát âm là gì? Ngữ âm thực nghiệm và giới hạn của ngữ âm thực nghiệm đến đâu? Theo trường phái thực nghiệm nào? v.v... thì chắc chắn họ sẽ tịt mít. Nhưng họ vẫn viết đó thôi, họ viết vô tư và sách viết của họ có thể là hot. Nhưng khoa học không phải là vậy.
4. Tất cả những ví dụ mà trong các bài báo đó đưa ra về thổ âm của một vùng nào đó, tuyệt đối không phải là một cứ liệu khoa học. Đó chỉ là giai thoại mà dân gian bịa ra để đùa tếu một thổ ngữ không quen thuộc với tai nghe của mình mà thôi, nó giống như người Hàn không quen uống trà người Việt vậy. Nếu đưa ví dụ đó cho một người "thổ ngữ", họ hoặc là cười, hoặc là nổi xung lên vì thổ ngữ của họ không phải là như thế.
5. Tôi cho rằng, một thổ ngữ, ngoài chức năng là một thông báo, nó còn là công cụ cho người ta tư duy, cho người ta bày tỏ tình cảm, thái độ, cho người ta sống. Nó phải đáp ứng đời sống trí tuệ và tình cảm của cộng đồng đó. Cho rằng một thổ ngữ nào đó ít thanh điệu hoặc không có những khả năng để hiểu, để tư duy, để tỏ tình... Đặc biệt, cho rằng nó kém cõi so với một thổ ngữ khác trong những vai trò đơn giản đó..., đó là tư duy thô sơ. Hãy sống đằm đìa với thổ ngữ đó, nghe người ta phát ngôn, mắng chửi, nựng nịu, làm duyên, tỏ tình, hát ca bằng thổ ngữ thì hãy nói về nó.
6. Còn nói rằng, tiếng Nghi Lộc, sở dĩ "chỉ có 2 hặc 3 thanh điệu" vì ảnh hưởng của cư dân Chàm thì buồn cười quá, vì có ai đã nghiên cứu thế kỉ XIV, thế kỉ XV cư dân Chàm, âm vị học nó ra sao đâu mà ảnh hưởng. Cho đến bây giờ, thanh điệu Chàm có hay không chả ai dám khẳng định nữa là. Nói liều như vậy sao được. Mà ảnh hưởng một ngôn ngữ đến một ngôn ngữ khác đâu chỉ mỗi một vấn đề thanh điệu hay điệu tính phát âm. Âm đầu, âm giữa, âm cuối, từ vựng ngữ nghĩa, ngữ pháp... lắm chuyện lắm. Nói liều thì được, nhưng nhìn kĩ ra thì quá liều.
7. Tôi là người sống trong thổ ngữ Xã Đoài, chúng tôi đọc kinh kệ, Truyện Kiều, chúng tôi nựng con, tỏ tình, chúng tôi hô khẩu hiệu... bằng chính thổ ngữ đó. Có sao đâu. Tại sao phải là tiếng Hà Nội chúng tôi mới nói hết lòng yêu với nhau được.
8. Nước mình nó vậy, cứ nói đại đi cái suy nghĩ rất cảm tính của mình bất chấp đúng – sai, hay - dở.

 PGS.TS Phạm Văn Hảo ( Viện Từ điển học và bách khoa thư Việt Nam): “Tôi ngĩ là cần phải công phu và thận trọng hơn nhiều khi nghiên cứu và nhận định về vấn đề này”

Vừa rồi tôi có trả lời phỏng vấn qua điện thoại của báo Thanh niên về vấn đề phương ngữ, thổ ngữ, còn vấn đề này thì chưa. Đây là vấn đề phức tạp, rất khó của Ngôn ngữ học lịch sử và Phương ngữ học. Hiện vẫn rất ít người nghiên cứu. Nói gọn là ý kiến của các các tác giả các bài báo và của PGS N.V.G cũng chỉ là một giả thiết, như thường thấy.Muốn chứng minh phải có lí luận vả chứng cớ nhiều mặt, như ngôn ngữ học,văn hoá hoc.Về văn hoá thì ở đó có giếng vuông không,có tượng Chăm,có thờ linga-yoni không?Về ngôn ngữ thì có địa danh có tên Sở không? Về từ ngữ thì cái hái cắt lúa có gọi là Vơng, hoa có nói là Bông...Lại phải chứng minh cơ tằng(tầng nền) ở đó là Chăm hay Việt, phủ lên biểu tằng(tầng trên)là Việt hoặc Chăm, thể hiện qua ngữ âm của âm tiết.
Thông thường,người nơi khác đến,nếu ít sẽ bị hoà tan vào bản ngữ.Nếu đông,sống rải rác cũng bị đồng hoá.Phải tập trung gọn và sống khép kín như làng thì mới giữ được ngôn ngữ.Còn như ở Nghi Lộc thì phải có rất nhiều trại tù binh Chăm,nằm cạnh nhau.Liệu có hình thái trại nào từ đầu t.k 15 như thế.Tôi nghi ngờ.Ở ta,tại Thừa Thiên có làng nói tiếng Q.Nam là do cư trú tập trung như thế.Còn các thổ ngữ khác như Hà Tây,Vĩnh Thinh(Vĩnh Lộc,T.H),Đức An(Đức Thọ),Nghi Xuân...tôi đã đến cả,thì rất đáng ngờ về lí do di cư.Tôi đã tham gia chấm 1 luận án,1 luận văn về tiếng Nghi Lộc,nhưng chưa thấy ai khẳng dịnh như PGS N.V.G cả./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511094

Hôm nay

293

Hôm qua

2359

Tuần này

21468

Tháng này

217967

Tháng qua

121356

Tất cả

114511094