Góc nhìn văn hóa
Chơi chữ
1. Khái niệm CHƠI CHỮ vượt khỏi nghĩa từng từ đơn tạo nên nó. “Chữ” ở đây không chỉ dùng để chỉ các ký tự tương ứng với một âm nào đó và mang một ý nghĩa nào đó, mà nó có nghĩa như là ngôn ngữ nói chung. Con người ta khi chưa biết chữ thì đã có thể chơi chữ trong nói năng rồi. Ca dao dân ca truyền thống để lại nhiều minh chứng. “Chơi” ở đây chỉ dùng cho hành vi ngôn ngữ, nó chú trọng vào ý nghĩa là khác với “thật”, đồng thời nó cũng chỉ hành vi tư duy xáo trộn cái thông thường của ngôn ngữ để tạo ra một trạng thái liên tưởng và ý nghĩa mới, khác lạ, thú vị.
Phạm vi của chơi chữ vô cùng rộng lớn, ứng dụng cho mọi lĩnh vực hành chức ngôn ngữ (kể cả ngôn ngữ khoa học), thể hiện trên mọi hình thức thể hiện như nói năng, ký tự, trang trí. Bởi vậy, một định nghĩa đầy đủ về chơi chữ là không thể có. Chúng ta cần một quan niệm chung đủ dùng để mô tả nó trong đời sống ngôn ngữ, một quan niệm có lợi cho công việc.
Theo đó, chúng tôi tạm quan niệm chơi chữ là: Chơi chữ là một hoạt động ngôn ngữ dựa trên quan hệ liên tưởng ngữ âm, ký tự, từ vựng - ngữ nghĩa, kết nối ngữ pháp…để tạo nên một cấu trúc mới khác lạ, bất ngờ, thú vị, đáp ứng nhu cầu tạo nên nghĩa mới mang giá trị nhận thức và giá trị thẩm mĩ mới như giải trí, hài hước, châm biếm, đả kích, phê phán và cả gửi gắm tâm trạng sâu xa của người chơi.
Tiếng Việt - do tính chất hết sức phức tạp của quá trình hình thành và phát triển của nó, cọng với tính chất đơn tiết của từ vựng - là một ngôn ngữ rất thuận lợi cho chơi chữ.
2. Trong tiếng Việt, không thể nói chơi chữ có từ bao giờ. Những từ thư trung đại để lại xưa nhất cho ta chứng cứ có thể từ thế kỷ thế kỷ X, khi đã có chứng cớ đặt tên người của các gia đình hoặc các dòng họ, tùy từng thế hệ mà đặt theo vận bộ chữ Hán.
Tiếp đến, có thể thế kỷ XIV, Đại Việt sử ký toàn thư chép về thời Lý Anh tôn, ghi câu nói của Tả hưng thánh hỏa đầu tên là Nguyễn Dương mắng Điện tiền chỉ huy sứ Vũ Đái: “Điện tiền là Vũ “cát” chứ đâu phải là Đái!”. Ở đây Nguyễn Dương đã chơi chữ đồng âm: chữ “đái” là giải mũ được hiểu ra “đái” là tiểu tiện. Và ông dùng chữ “cứt” (viết tránh tục nên ghi bằng chữ “cát”) để rủa kẻ ăn của đút mà phản bội anh em. Đồng thời phong cách phát ngôn kiểu khẩu ngữ đã được sử dụng.
Đến Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, thế kỷ XV, ta chứng kiến một số chơi chữ trong thơ tinh tế, ý nhị. Ví dụ khi viết về hoa dâm bụt trong bài Mộc cận, ông có câu thơ: Sự lạ cho hay tuyệt sắc không. Ba chữ “tuyệt sắc không” theo ý tứ nhà Phật trong bài thơ thì nghĩa rõ là đạt đến tột cùng cái tâm Như lai, không vướng víu “sắc” hay “không” nữa. Nhưng cũng có thể hiểu là: hoa dâm bụt duy chỉ có sắc mà thôi (không có hương). Hữu sắc vô hương. Ở đây Nguyễn Trãi rõ ràng dùng phong cách khẩu ngữ và đánh tráo khái niệm nghiêm túc nhà Phật bằng lời ăn tiếng nói “nôm na”.
Trong văn học nôm các thế kỷ sau và trong những ghi chép ca dao dân ca sớm của thế kỷ XVIII, ta đã thấy chứa chan những ngữ liệu chơi chữ.
Hiện nay, trên sách vở, báo chí, trình diễn sân khấu cũng như không gian mạng, chúng ta thấy tràn ngập hiện tượng chơi chữ, phản ánh một phần thực tiễn chơi chữ trong xã hội Việt Nam.
3. Các phương thức chơi chữ trong tiếng Việt.
Có thể phân loại các kiểu loại chơi chữ theo những góc nhìn và qua các tiêu chí khác nhau. Chúng tôi chỉ trình bày cách phổ biến và dễ hiểu nhất là: chơi chữ theo ngữ âm, chơi chữ theo từ vựng - ngữ nghĩa, chơi chữ theo ngữ pháp, chơi chữ tổng hợp các cách khác nhau.
3.1. Chơi chữ sử dụng phương thức ngữ âm.
Kiểu chơi chữ này tất nhiên kéo theo việc thể hiện nó trên chữ quốc ngữ, một loại chữ ghi âm tiếng Việt bằng chữ cái la tinh.
Kiểu loại này có thể biểu hiện theo các cách:
- Chơi chữ theo phương thức nói lái (Xem mục NÓI LÁI)
Đây là cách phổ biến hơn cả. Khi khảo sát khoảng 300 tài liệu chơi chữ, bộ phận này chiếm đến 13,66%. Chúng tôi để thành một mục riêng là mục NÓI LÁI.
- Chơi chữ những đoạn khó phát âm để rèn kỹ năng phát âm hoặc vui cười. Ví dụ: Nồi đồng nấu ốc nồi đất nấu ếch, liềm tôi lộn liềm o, con gà nhí nhảy nhà bếp, cụ lý lên núi nùng, buổi trưa ăn bưởi chua, giặt khăn xanh vắt cành chanh, tay phải bắt con cọp - tay trái bóp con cọp, nàng lê lên núi lấy nước nấu lòng, con lươn nó luồn qua lườn, ông bụt ở chùa bùi cầm bùa đuổi chuột…
Khi thực hành loại chơi chữ này, đối tượng chơi là người lớn với trẻ em, trẻ em với trẻ em hoặc người lớn với người lớn khi đùa vui. Rõ ràng, người ta đã nối kết các âm tiết có thể đối nghịch nhau, không thuận lợi khi phát âm nhanh để huấn luyện cho trẻ con khả năng âm thuần thục, liên tục. Đồng thời, với khả năng dễ bị nhịu thành các tiếng mang nghĩa tục, nó tạo nên mỹ cảm hài hước, làm vui cho cuộc chơi.
- Chơi chữ bằng cách bóp méo ngữ âm, nhại nói ngọng nói chệch tiếng địa phương tạo nghĩa mới hoặc vui đùa. Thông thường người ta vứt bỏ thanh điệu, tạo nên từ có nghĩa hài hước. Trong thơ hài hước, sự vứt bỏ thanh điệu dựa vào vị trí cố định của thanh điệu nằm trong một thể thơ nào đó. Như thể lục bát chẳng hạn, vần chỉ có một loại là vần bằng (hoặc không hoặc huyền) nằm ở một số vị trí ổn định. Truyền thống cảm nhận thơ đã trở nên quen thuộc với vần và vị trí vần. Chính ở đó, người ta đặt vào một âm tiết nhưng bỏ thanh điệu đi và mang một ý nghĩa khác. Sự tiếp nhận sẽ bị bất ngờ và có một ý nghĩa khác hẳn. Ví dụ:
+ Một bầy thằng ngọng đứng xem chuông
Nó bảo nhau rằng ấy ái uông…
+ Con tâu tắng buộc bờ te tụi
Ăn no tòn như quả tống teo
(Con trâu trắng buộc bờ tre trụi
Ăn no tròn như quả trống treo)
+ Một phòng nó nhốt bốn cu/Đêm nằm thì lấy cái mu đội đầu (“cu” là “cụ”, “mu” là “mũ”).
+ Ra đi mua một nải chuồi (chuối)
Thăm núi Các Mác, thăm suồi Lê Nin (suối)
+ Mấy cô đi chợ Đồng Xuân
Riêng em sắm được cái quần một ông (ống)
Cái quần vừa dại vừa rông (dài, rộng)
Mặc vào mà tưởng như không mặc gì.
- Chơi chữ bằng cách đặt bút danh: Trường => Trương Huyền, Thái => Thai Sắc, Thứ Lễ => Thế Lữ…
-Chơi chữ bằng cách sáng tác văn bản có phụ âm đầu là một ký tự hay một phụ âm. Ví dụ: các câu thơ, câu đối, câu truyện có cùng phụ âm đầu:
+Thẳng thắn thật thà thường thua thiệt.
Lọc lừa luồn lọt lại lên lương.
+Chưa chồng chơi chốn chùa chiền
Chanh chua chuối chát chính chuyên chờ chồng.
+ Tết tới túng tiền tiêu, tính toán toan tìm tay tử tế.
Xuân sang xong xóa sổ, say sưa sắm sửa sẵn xu xài (Bắc Bộ phát âm không phân biệt s và x).
+ Tham thì thụt…thơm tho, thích thú thặng thu thun thút, tham thì thâm tham thụt tham than
Nhũng nhập nhem…nhậu nhẹt, nhơn nhơn nhồi nhét nhom nhem, nhũng nhi nhiễu, nhũng nhơ nhũng nhục.
+ Phạm pháp phải phanh phui, phố phường phơi phới
Thông thường thôi thậm thụt, thành thị thảnh thơi.
+ Các câu truyện như Truyện tình toàn T, Chuyện toàn âm K…
3.2. Chơi chữ sử dụng phương thức từ vựng - ngữ nghĩa
-Chơi chữ đồng âm khác nghĩa: ví dụ: lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn (“lợi” trong lợi ích và “lợi” trong răng lợi), lệnh ông không bằng cồng bà (“lệnh” trong từ tôn xưng như lệnh lang, lệnh huynh, lệnh nương, lệnh quan, lệnh ông… với “lệnh” là một nhạc khí bằng đồng cùng loại cồng, chiêng, chuông, chập chõa), công nương không bằng cò bãi (“công” là từ tôn xưng với “công” là con chim công), chị xuân đi chợ mùa hè/mua cá thu về chợ hãy còn đông…, nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc/thương nhà mỏi miệng cái da da (quốc quốc/gia gia).
-Chơi chữ gần âm khác nghĩa: chi hồ giả dã - chi hồ rả rả, học tài thi phận - học tài thi lận, có miếng không có tiếng (“miếng” và “tiếng” gần âm), khoa học xã hội - khoa học xả hơi,…Có thể đưa vào đây việc đọc gần âm rồi chuyển nghĩa của cách nói bồi ngoại ngữ. Ví dụ: chắc tôn ông không bằng lép tôn tôi (“tôn ông” là gọi vui ông Hồ Tôn Trinh, còn “lép tôn tôi” là tên nhà văn Lép Tônxtôi), lê dương thì cũng sợ giương lê (lê dương là nói bồi, nói tắt từ tiếng Pháp légion étrangère với nghĩa là quân đoàn người nước ngoài trong quân đội Pháp).
-Chơi chữ đồng nghĩa khác âm hoặc dùng tập hợp từ trong trường nghĩa. Ví dụ: Thiếp từ thủa lá thắm xe duyên, khi vận tía, lúc cơn đen, điều dại điều khôn nhờ bố đỏ // Chàng ở suối vàng nghĩ lại, vợ má hồng, con răng trắng, tím gan tím ruột với trời xanh (Nguyễn Khuyến - Vợ thợ nhuộm khóc chồng).
Nhiều trường hợp, người chơi chữ sử dụng các từ Hán Việt và từ Việt âm khác nhau nhưng đồng nghĩa để tạo nên sự thú vị. Ví dụ:
+ Chuồng gà kê áp chuồng vịt.
+ Da trắng vỗ bì bạch / Rừng sâu mưa lâm thâm.
+ Thế Chiến quốc, thế Xuân thu, gặp thời thế thế thời phải thế
Khi công hầu, khi khanh tướng, trong trân ai ai dễ biết ai.
+ Năm Giáp tuất gặp hàng thịt chó, đãi bạn bè một bữa cầy tơ
Tết Tân dậu đến cửa hàng gà, mua bà chị hai con mái ghẹ.
+ Tưởng tơ tơ tưởng vì tơ
Trăng lồng bóng nguyệt, gió đưa phong tình.
+ Dở dang dang dở vì sông
Ngày làm công nhật, tối em mong dạ chàng.
- Chơi chữ bằng cách bịa phần vần để tạo từ cho từ nước ngoài hoặc từ viết tắt: SALEM => Sao anh làm em mãi, CAPSTAN => Cho anh phát súng tim anh nát, rồi đọc ngược lai: Nhưng anh tin số phận anh còn, GSTS => Gà sống thiến sót, XHCN => Xếp hàng cả ngày…
- Chơi chữ nói ngược. Ví dụ các bài ca nói ngược trong kho tàng ca dao dân ca như Bao giờ cho đến tháng ba, Con mèo mà trèo cây cau, Con cò mà đi ăn đêm, Con gà tục tác lá chanh, Ông trăng mà lấy bà trời…
3.3. Chơi chữ sử dụng phương thức ngữ pháp - văn bản
Câu chuyện dân gian về “Phúc thống phục nhân sâm //tắc tử” cho ta ví dụ tốt về việc ngữ pháp và văn bản bị phá vỡ tạo nên hậu quả đáng tiếc.
- Nói lấp lửng, không rõ ràng. Trong hội thoại dân có những cách nói không đủ thành phần ngữ pháp khiến người nghe hiểu sai lạc về thông tin. Truyện cười dân gian thường hay dùng phương thức này. Ví dụ như chuyện Cháy rồi.
-Vắt dòng bất thường câu thơ bằng cách phá vỡ cấu trúc từ vựng hoặc cụm từ. Thông thường, câu thơ Việt Nam chia thành dòng thơ mà mỗi dòng thường là một câu hoặc mệnh đề trọn vẹn. Nhưng người chơi chữ đã phá vỡ sự thông thường đó để tạo nghĩa mới bất ngờ. Ví dụ: Anh đưa em đến vũng Dung / Quất em ở đó rồi cùng nhau quy / Hoạch rồi các cụ sẽ chi / Ra dầu ra khí ra gì thì ra.
-Đảo trật tự các yếu tố tạo câu. Ví dụ: Sai đâu sửa đấy, sai đấy sửa đâu, sửa đâu sai đấy. Lương sao làm thế, lương thế làm sao, làm sao lương thế. Cấm không được hút thuốc – Thuốc hút được không cấm…
-Lẩy Kiều, tập Kiều, nhại tục ngữ ca dao. Ví dụ: Trăm năm trăm nẳm trăm nằm / Tối nay nhất định hai cằm chạm nhau / Trải qua một cuộc bể dâu…. Trên trời có đám mây xanh / Dưới là thủ trưởng, chung quanh nịnh thần…Không mày đố thầy làm nên…
-Chắp tên người, tên tác phẩm thành câu, thành đoạn văn: Ví dụ: Nên – Phong - Tỏa – Mãi (tên bốn cán bộ chủ chốt của TP Hồ Chí Minh trong chống dịch Covid), Dế mèn lưu lạc mười năm / Để o chuột phải ôm cầm thuyền ai / Miền tây sen đã tàn phai / Trăng thề một mảnh lạnh ngoài đảo hoang (Nguyễn Xuân Sanh - Chân dung nhà văn Tô Hoài)…
-Chơi chữ bằng cách làm từ điển tra chéo: - Thường là người chơi bẻ chữ tạo ra văn bản mang nghĩa mới. Ví dụ: Hòa Phát = Chỉ hòa đến phát, Hành chính = Hành là chính, Vững vàng = Có vàng mới vững, Trách nhiệm = Nhiệm vụ trách móc nhau. Tháo vát = Tháo rồi vác mà chạy (phương ngữ)…
+++
Vốn từ “chơi” đã mang bản chất nghĩa của nó là không chịu “quy củ” nào. Bởi vậy sự linh động và phức tạp của nó khiến không ai bằng một định nghĩa mà “quy củ” hoàn toàn. Trên đây chỉ là những miêu tả của chúng tôi về 3 cách chơi chữ cơ bản trong văn hóa Việt Nam mà thôi. Trong thực tiễn chơi chữ, người ta thường cùng lúc sử dụng nhiều phương thức khác nhau, chúng tôi chia ra các mục là để cho tiện miêu tả nó.
(Bài đã đăng VHTT Nghệ An, Số Tết Ất tỵ - Tháng 01/2025)
tin tức liên quan
Videos
Lan tỏa tinh thần Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trong sự nghiệp đổi mới hôm nay
Bàn về “Học thật, thi thật, nhân tài thật” ( Kỳ 2)
Vấn đề tiếp cận Hồ Xuân Hương - Danh nhân và di sản
Tinh gọn tổ chức bộ máy: Từ tư tưởng Hồ Chí Minh đến quyết tâm chính trị của Đảng ta
Ấn tượng chương trình "Vinh của ta" và lễ ra mắt hai cuốn sách: “Tìm dấu Vinh xưa” và “Vinh phố của tôi”
Thống kê truy cập
114553461

263

2258

21157

221004

122920

114553461