Văn hóa và đời sống

Văn hóa Thể thao Nghệ An năm 2023: Nỗ lực, sáng tạo và thành công

Festival Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh thu hút nhiều ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng trong nước và quốc tế tham gia biểu diễn. Ảnh: Đức Anh

Năm 2023 - năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội IX của BCH Đảng bộ tỉnh Nghệ An, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Bám sát phương châm hành động của BCH Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả", phương châm của ngành "Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến", cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Văn hóa và Thể thao đã nỗ lực, cố gắng tập trung triển khai có trọng tâm, trọng điểm Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (11/2021); chủ động đổi mới, sáng tạo trong hoạt động và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Những dấu ấn nổi bật

Chủ động rà soát các "khoảng trống" trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực văn hóa, thể thao để tham mưu HĐND, UBND tỉnh nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, từ đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước thông qua công cụ pháp luật, đồng thời "khơi thông" nguồn lực, "kiến tạo" sự phát triển. Dấu ấn quan trọng là tiếp tục tham mưu HĐND tỉnh ban hành 02 Nghị quyết về Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao trên địa bàn tỉnh và Quy định chính sách hỗ trợ đầu tư bể bơi và dạy bơi cho trẻ em tỉnh Nghệ An. Trình UBND tỉnh ban hành 06 Quyết định về: Quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, định mức kinh tế - kỹ thuật, tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện vận động viên thể thao thành tích cao tỉnh nghệ An; phê duyệt Đề cương nhiệm vụ Đề án Quy hoạch hệ thống tuyên truyền quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2024 - 2030, định hướng đến năm 2040; Các danh mục thủ tục hành chính trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm và các quy trình nội bộ, quy trình điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc quyền quản lý của UBND tỉnh, Sở VHTT, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Tập trung tham mưu trúng, đúng, kịp thời cho cấp ủy Đảng trong việc cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về văn hóa. Chuỗi hoạt động mà Nghệ An tổ chức nhân kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam mang đậm tính Dân tộc, Khoa học và Đại chúng. Có thể kể đến: Trưng bày triển lãm "80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam và truyền thống văn hóa con người xứ Nghệ"; Hội nghị lãnh đạo tỉnh gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ; Cuộc thi tìm hiểu văn hóa Việt Nam và truyền thống văn hóa xứ Nghệ; Hội thảo khoa học “Từ Đề cương văn hóa Việt Nam - Định hướng chiến lược phát triển văn hóa tỉnh Nghệ An đến năm 2030”; Tổ chức sáng tác, công bố, phát hành các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị về đề tài ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, văn hóa, con người Việt Nam, văn hóa, con người xứ Nghệ; Tọa đàm, hội thảo về chủ đề "Từ Đề cương về văn hóa Việt Nam đến lý luận văn nghệ Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập"”... Các thành tố Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới được chính quyền các cấp vận dụng linh hoạt trong xây dựng, ban hành Nghị quyết chuyên đề về văn hóa. Điều đó cũng cho thấy nhận thức về văn hóa đã có sự thay đổi theo hướng tích cực và cho phép kỳ vọng "Nhận thức đúng sẽ hành động đẹp".

Công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số được triển khai thống nhất từ quan điểm chỉ đạo đến thực hiện. Toàn ngành tập trung vào các nội dung: Đầu tư hạ tầng số, triển khai các nền tảng số (bảo tàng số, di tích số, di sản số); Dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp được triển khai ngày càng hiệu quả, tăng mức độ hài lòng đối với các dịch vụ công ích; Công tác đảm bảo an toàn, an ninh luôn được chú trọng; Nguồn lực dành cho chuyển đổi số được quan tâm, đặc biệt là kinh phí cho chuyển đổi số phục vụ công tác chuyên môn như triển khai các hệ thống ứng dụng, tạo lập cơ sở dữ liệu, duy trì vận hành, tuyên truyền và đào tạo hàng năm.

Công tác xây dựng môi trường văn hóa gắn với xây dựng con người văn hóa đã đi đúng hướng, lấy địa bàn cơ sở làm trọng tâm, Nhân dân là chủ thể để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Nhiều mô hình văn hóa mới, cách làm hay, nhiều điển hình tiên tiến đã xuất hiện, góp phần thiết thực để xây dựng nền tảng đạo đức tốt đẹp, giá trị "chân - thiện - mỹ" của con người, làm cho cuộc sống của mỗi gia đình, của xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Có thể kể đến mô hình bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, dân ca, dân nhạc, dân vũ tại bản Bộng, xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn; các mô hình làng văn hóa: xóm 3, xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn; Xóm Nông Trang, xã Sơn Thành, huyện Yên Thành; Xóm Thắng Lợi, xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương; xóm 5, xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc; Thôn Sơn Thịnh, xã Thanh Thịnh, huyện Thanh Chương;  khối 3, thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu; làng Phan, xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên….đã tích cực khơi dậy các giá trị văn hóa nhân văn, nhân cách, đức tính tốt đẹp của đất và người Nghệ An, phát huy “tình làng, nghĩa xóm”, tinh thần sẻ chia và khát vọng xây dựng, phát triển quê hương, đất nước. Từ quá trình xây dựng các làng văn hóa kiểu mẫu đã nổi lên hình ảnh đẹp về sự tận tâm, tận tụy của những người cán bộ gương mẫu, luôn đồng hành với Nhân dân, gần dân, hiểu dân. Có thể khẳng định, các làng văn hóa kiểu mẫu đã khơi dậy được tinh thần sáng tạo, đổi mới; khơi dậy nguồn năng lượng và truyền cảm hứng tích cực, mang lại những giá trị nhân văn trong đời sống văn hóa xã hội của Nghệ An.

Các chương trình nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật triển lãm, trưng bày bảo tàng "đa dạng về hình thức - phong phú về thể loại - đặc sắc về nội dung" không chỉ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, nhu cầu thụ hưởng các giá trị văn hóa của Nhân dân, phục vụ các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn mà còn thực hiện sứ mệnh củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, quảng bá hình ảnh về quê hương, đất nước, thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế. Điểm mới trong năm 2023 là ngành VHTT đã tổ chức và phối hợp tổ chức các lễ hội đường phố: “Quê hương mùa sen nở” nhân kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Sắc màu di sản” trong khuôn khổ Festival Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh và “Sắc màu văn hóa các dân tộc Nghệ An” trong Đêm hội kết đoàn kỷ niệm   năm ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các màn trình diễn di sản văn hóa các vùng, miền trong cả nước và các nhóm nhảy tại phố đi bộ TP.Vinh,… Các lễ hội đường phố vừa tuyên truyền, quảng bá, tôn vinh di sản văn hóa các vùng miền trong cả nước, vừa làm phong phú thêm hoạt động tại phố đi bộ, TP. Vinh. Các bảo tàng tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm cho học sinh với những buổi học “không bục giảng” tại bảo tàng bổ ích và lý thú, giúp các em hiểu thêm về lịch sử, văn hóa của quê hương.

 

Trình diễn Lễ Xăng Khan của người Thái (di sản văn hóa phi vật thể quốc gia) trong Lễ hội đường phố “Sắc màu văn hóa các dân tộc Nghệ An”tại phố đi bộ TP. Vinh. Ảnh: Ngọc Mai

 Công tác ngoại giao văn hóa được triển khai tích cực. Nhiều chương trình giao lưu văn hóa với các tỉnh bạn, nước bạn được thực thiện đã góp phần quảng bá hình ảnh đất và người Nghệ An tươi đẹp, an toàn với nền văn hóa đặc sắc tới đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế. Tiêu biểu như: Chương trình giao lưu âm nhạc Nghệ An - Hàn Quốc; chương trình tham gia Liên hoan trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại Phú Thọ; Chương trình tham gia Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người tại Lai Châu; chương trình “Ân tình xứ Nghệ” tại Yên Bái và chuyên đề ảnh “Ấm tình quê Bác”, “Tình bạn giữa chí sĩ Phan Bội Châu - Bác sĩ Asaba Sakitaro và mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản” trưng bày tại Huế,…

 Tổ chức nhiều cuộc hội nghị, hội thảo quan trọng về văn hóa. Đáng chú ý là Hội nghị cấp tỉnh bàn giải pháp phát huy hệ thống thiết chế văn hóa thể thao trên địa bàn tỉnh Nghệ An và Hội thảo định hướng Chiến lược phát triển văn hóa Nghệ An đến năm 2030. Các hội nghị, hội thảo được tổ chức thành công không những thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ của tỉnh đối với sự phát triển văn hóa mà còn làm cơ sở cho việc tham mưu tỉnh xem xét, ban hành Chiến lược mới về phát triển văn hóa trong giai đoạn tới.

Thể thao đạt nhiều thành tựu mới, cả thể thao thành tích cao và thể thao cho mọi người. Năm 2023, các chỉ tiêu về TDTT quần chúng (số người luyện tập thường xuyên, số gia đình thể thao, số CLB TDTT) đều tăng so với năm 2022; số trường đảm bảo giáo dục thể chất 100%). Thể thao thành tích cao tiếp tục phát huy thành tích tại một số môn thể thao mũi nhọn. Vận động viên của Nghệ An thi đấu 83 giải, đạt 414 huy chương (124 HCV, 126 HCB, 164 HCĐ. Trong đó, có 01 HCV Giải vô địch thế giới, 12 HCV Giải châu Á, 05 HCV Giải Đông Nam Á, 16 HCV Giải vô địch toàn quốc, 15 HCV), tăng 45 huy chương hơn so với năm 2022.

 

Niềm vui của 2 VĐV  Nghệ An Nguyễn Thị My (bên trái) và Ngô Thị Ngọc Quỳnh sau khi cùng đội tuyển đoạt chức Vô địch giải Cầu mây thế giới.

Các kết quả trên đây đã thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của ngành Văn hóa và Thể thao Nghệ An, đáp ứng được kỳ vọng của lãnh đạo tỉnh và kế hoạch ngành đã đề ra.

 Những nhiệm vụ trọng tâm năm 2024

1. Tạo bước đột phá trong công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tiếp tục tham mưu các cơ chế chính sách đặc thù để tháo gỡ những nút thắt trong các hoạt động văn hóa thể thao tạo cơ sở nền tảng vững chắc để văn hóa thể thao phát triển ổn định bền vững từ nay đến năm 2030.

Tiếp tục triển khai kế hoạch hành động thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030; Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được giao tại các chiến lược, quy hoạch phát triển Ngành đã được phê duyệt.

Kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức các cơ quan, đơn vị của ngành. Triển khai Đề án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị thuộc phạm vi quản lý của ngành theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực ngành theo hướng chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ trong giai đoạn mới.

Tiếp tục cải tiến công tác chỉ đạo điều hành thông qua các hội nghị đối thoại trực tiếp của lãnh đạo ngành với lãnh đạo các đơn vị thuộc, cùng với việc triển khai thực hiện cam kết của người đứng đầu các đơn vị thuộc ngành với lãnh đạo Sở về thực hiện nhiệm vụ của đơn vị để loại dần sức ỳ, lực cản, tâm lý e dè, thiếu quyết liệt trong thực thi công vụ.

2. Tổ chức tốt các sự kiện kỷ niệm ngày lễ lớn của đất nước trong năm 2024. Trọng tâm là các hoạt động kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Lễ hội làng Sen; các hoạt động kỷ niệm 10 năm dân ca Ví, Giặm được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao bảo đảm an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tạo điều kiện cho Nhân dân được tham gia sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa nghệ thuật. Tăng cường hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch; quản lý và tổ chức lễ hội; trước mắt là trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. 

Đẩy mạnh công tác truyền thông thông qua các kênh báo chí, PTTH trong và ngoài tỉnh, đặc san VHTT, website vanhoanghean.com.vn, Trang thông tin điện tử của ngành VHTT và các đơn trực thuộc để mang đến góc nhìn toàn cảnh về văn hóa, giúp mọi người cảm nhận nhiều "hương vị mới" về văn hóa. Qua đó, góp phần lan tỏa những thành tựu của ngành, ghi nhận và tôn vinh những đóng góp xuất sắc của các tập thể, cá nhân đối với sự nghiệp phát triển VHTT.

3. Chủ động tăng cường, mở rộng các hoạt động giao lưu, hợp tác trong và ngoài nước trên các lĩnh vực của ngành (quan tâm tới liên kết nội vùng, liên kết các vùng, liên kết quốc gia, liên kết quốc tế về văn hóa, thể thao, lễ hội; xây dựng “con đường di sản”; kết nối thể thao; kết nối giữa con người với con người); ký kết, triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác về văn hóa, thể thao theo chương trình công tác năm 2024; tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư cho VHTT; đẩy mạnh xã hội hóa trong các hoạt động VHTT.

4. Tăng cường triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án về VHTT: Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025; Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2030; Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Chương trình Chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình "Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030" năm 2024; Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 01/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh đổi mới hoạt động của thư viện trong xây dựng, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin năm 2024; Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Nghệ An đến năm 2030; Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, Chương trình Bơi an toàn phòng chống tai nạn đuối nước trẻ em, Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030.

5. Đổi mới tư duy, phương thức lãnh đạo quản lý, nội dung các hoạt động văn hóa và thể thao; quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp về văn hóa, thể thao; tạo ra các nguồn thu từ các hoạt động văn hóa, thể thao.

Bám sát phương châm hành động năm 2024 mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quán triệt là “tăng tốc, sáng tạo, về đích”, ngành Văn hóa và Thể thao Nghệ An sẽ quyết liệt hành động để xây dựng và phát triển sự nghiệp Văn hóa, Thể thao Nghệ An xứng tầm là quê hương của Bác Hồ kính yêu./.

 

(Bài đã đăng VHTT Nghệ An, Số Tết Giáp Thìn - Tháng 01/2024)

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114510959

Hôm nay

2317

Hôm qua

2347

Tuần này

21333

Tháng này

217832

Tháng qua

121356

Tất cả

114510959