Vấn đề thứ nhất, xin trả lời điều mà nhiều bạn đọc đã đòi hỏi: Tại sao mấy ngày trước, trên trang web của Duy Tân, khoa Dược chỉ có hai chục người, bây giờ lại tăng lên thành năm mươi mốt người? Sự lấp liếm vội vàng ấy vừa bộc lộ khả năng “mua” người của Duy Tân là thượng thừa nhưng đồng thời cũng khẳng định rằng Duy Tân chẳng coi kỷ cương, phép nước ra gì - ngang nhiên coi thường dư luận. Chẳng lẽ Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế có thể làm ngơ trước sự lộng hành ngược ngạo vậy sao? Nhìn vào Danh sách Đội ngũ Giảng viên khoa Dược (kduoc.duytan.edu.vn) vừa được lập ra vội vàng nhằm thay thế cho Bản danh sách 12 giảng viên và 8 trợ giảng mà báo chí đã nêu, chỉ cần có đầu óc phân tích một chút, sẽ phát hiện ra ngay sự dối trá, coi thường dư luận. Khi giới thiệu các khoa khác đều có tên tuổi giảng viên, ảnh màu, riêng cái gọi là “danh sách khoa Dược mới” thì lộn xộn, cẩu thả, vội vàng…Tuy đề rõ ngày lập ra danh sách là tháng 10.2013(?) nhưng nó không có một trật tự nào cả. Danh sách này không xếp theo thứ tự alphabet cũng không phải theo chức vụ. Ví dụ, PGS.TS Lê Văn Truyền, giảng viên cơ hữu, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, xếp thứ 17, đứng sau cả Tạ Thị Thanh, có trình độ trung cấp, xếp thứ 11! Có trường ĐH nào dám ngang nhiên mạo phạm vị nguyên Thứ trưởng như Duy Tân theo cách sắp xếp như vậy không? Câu hỏi tiếp theo là cho đến tháng 7.2013, đảng viên Lê Văn Truyền, thuộc chi bộ IMC, công tác tại IMC, vẫn được Đảng ủy Quận Đống Đa, HN trao huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, vậy ông đến Duy Tân để trở thành “cơ hữu” lúc nào? Và, ông Lê Văn Truyền cho đến nay vẫn đương là Chủ tịch HĐKH Viện Thực phẩm chức năng.
Điều tiếp theo, chỉ cần đọc kỹ và so sánh từ các trang web của Duy Tân sẽ thấy ngay sự mâu thuẫn với nhiều cái NHẤT đáng buồn: Trường ĐH có nhiều phó hiệu trưởng nhất, với 7 phó HT, 2 trong số đó là con ruột của HT; Hiệu trưởng hầu như chưa đi dạy bao giờ nhưng lại được công nhận là nhà giáo ưu tú(?!) Thậm chí, có nhiều người nói rằng chẳng biết ông hiệu trưởng học đại học ở đâu? Có một chi tiết mà ai cũng phải ngỡ ngàng: Ông Lê Công Cơ, là cử nhân (nếu đúng như thế) có nhiều chức vụ nhất ở VN: Hiệu trưởng, Chủ tịch HĐQT, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐ Khoa học – Đào tạo ở một trường ĐH…
Một trong những điều rất khó chấp nhận là ông Lê Nguyên Bảo (con ông HT) có bằng Th.S tháng 12.2005, sau đó được bổ nhiệm làm Phó HT Duy Tân năm 2007, không biết bảo vệ luận án tiến sĩ ở đâu, lúc nào mà vẫn ung dưng đội mũ, khoác áo để trao bằng… sau đại học! Vào trang cmu.duytan.edu.vn sẽ thấy ông Bảo tự nhận là TS nhưng không hề thấy đăng các công trình khoa học ngoài hai bài báo: Tâm lý thiết kế quảng cáo và Ảnh hưởng của quảng cáo: Tìm hiểu khi những hiệu hàng ít danh tiếng được lợi. Ta thấy một sự trùng hợp khá “thú vị”: Pháo “Bình Đà” Duy Tân nổ vang trời giống y chang cái gọi là “sự nghiệp nghiên cứu khoa học” của ông Lê Nguyên Bảo!
Vấn đề học phí cao ngất trời của Duy Tân cũng là điều đáng phải bàn. Với mức học phí 25 triệu/năm; thử hỏi dựa trên cơ sở nào có thể thu cao đến như thế? Liệu Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế có cần thanh tra để biết số học phí thu được chi tiêu như thế nào? Học phí cao, lợi nhuận nhiều nhưng sẽ bất ngờ nếu ta biết lì xì Tết vừa rồi, mỗi giảng viên chỉ nhận được trong cái phong bao rất đẹp là… 20.000 đồng! Cái chuyện rất nhỏ này phản ánh một thực tế là sự đối xử của Duy Tân với cán bộ, giảng viên không phải tốt đẹp như nhiều người nghĩ. Thu lợi nhuận cả trăm tỷ đồng để làm gì? Hàng chục giảng viên phải bỏ DT mà đi dù bề nổi, được nhận vào đó ngỡ như đến với thiên đàng. Có rất nhiều ví dụ mà một trong số đó là việc trong Hợp đồng Lao động, ĐH Duy Tân chỉ mua bảo hiểm cho cán bộ sau… 2 năm công tác liên tục tại trường(?) Sự vi phạm Luật Lao động là rất rõ ràng.
Người viết bài này đã có dịp được gặp GS Lê Văn Hóa, tức John LeVan, có 3 bằng TS về Điều trị phóng xạ trong Y học, Vật lý Hạt nhân và Chính trị Kinh tế học ở Chicago RF University of Science and Medicine, North Chcago, Illinois USA, đồng thời là President and CEO, United State-Vietnam Foundation (Chủ tịch, Giám đốc điều hành Quỹ Việt- Mỹ). GS.TS Lê Văn Hóa là một trong những người có công trình nghiên cứu đầu tiên về Tư tưởng Hồ Chí Minh, xuất bản tại Mỹ năm 1989. Công trình này đã được Việt Nam in, tái bản nhiều lần. Bản mới nhất do Nxb Hà Nội ấn hành năm 2005: Nền tảng văn hóa của Tư tưởng Hồ Chí Minh. GS.TS Lê Văn Hóa “được” Duy Tân mời về và bổ nhiệm chức vụ Giám đốc Chương trình Đào tạo TS và sau TS cuối năm 2013, kiêm Phó Chủ tịch HĐKH-ĐT. Mặc dù GS.TS Lê Văn Hóa không nói gì nhiều về Duy Tân nhưng cái cách chỉ sau mấy tháng, ông phải viết đơn từ chức sau khi bị cáo buộc là các nhân viên dưới quyền “đồng loạt không chịu làm việc để phản đối”, buộc chúng ta liên tưởng rằng Duy Tân có cách “trọng dụng” danh tiếng nhằm quảng cáo rồi ngay lập tức vắt chanh bỏ vỏ.
Được biết GS.TS Lê Văn Hóa, là một trong rất nhiều trường hợp mà Duy Tân đã lợi dụng. Ví dụ, trên trang web của Duy Tân có đăng bức ảnh Lễ ký kết với ĐH Y khoa Illinois, Hoa Kỳ nhưng theo thông tin mà chúng tôi nhận được, vị GS ký kết với Duy Tân là tự ý – đồng nghĩa với việc vi phạm pháp luật Hoa Kỳ. Trong dịp đến thăm Đà Nẵng mới đây, GS. Tổng Giám đốc của Hệ thống ĐH Illinois đã vô tình được biết là vị GS, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Illinois thuộc UIC đã lạm dụng danh nghĩa của ĐH Illinois đã ký văn bản để ký văn bản hợp tác với ĐH DT và hiện thời thanh tra của Hệ thống ĐH Illinois đang điều tra và tố cáo sai phạm trầm trọng này. Theo quy định của các trường ĐH Mỹ, việc ký kết hợp tác với nước ngoài phải thông qua Hội đồng Quản trị Nhà trường, nếu cá nhân tự làm sẽ coi như không có hiệu lực và nhất thiết bị truy xét. Duy Tân chỉ cần cái Lễ ký kết trời ơi đó nhằm mục đích xin phép Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế để mở ngành đào tạo Bác sĩ Đa khoa(!) “Tài sản” nhân lực của Duy Tân là một BS chuyên khoa II và một BS chuyên khoa I mà DÁM mở một ngành đào tạo liên quan đến sinh mạng con người (dường như đã được cấp phép?), là điều đau xót chỉ có ở… Việt Nam…
Thứ tư, làm sao chỉ cần Chủ tịch Nước đến thăm là ngay lập tức khẳng định Lãnh đạo Nhà nước tin cậy ĐH Duy Tân? Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang có nghĩ như vậy không? Điều nguy hiểm là sau Duy Tân, bất cứ lãnh đạo nào đến thăm trường học nào đó, cũng mặc định sự tin cậy sao? Cách “nói” của ĐH Duy Tân còn bao gồm một hệ lụy khác rất dễ làm dư luận hiểu sai về sự “bao che” nào đó: Tại sao Chủ tịch Nước đến thăm, ông Thứ trưởng trao cờ xuất sắc, bất kể sự vi phạm rõ ràng quy chế tuyển sinh...?
Với những sai phạm, khuất tất nhiều chiều, liên tục và trầm trọng như thế, Duy Tân không thể xứng đáng với “danh hiệu” có vô vàn cái nhất. Câu hỏi đặt ra là ai hay cơ quan nào có thể làm ngơ để Duy Tân có quyền biến giáo dục đại học thành cái sân chơi của những đồng tiền?
Huế, 9.9.2014