Từ đó đến nay, luôn tồn tại song hành cùng với những sinh hoạt thường ngày, các làn điệu dân ca Ví, Giặm là nơi người dân xứ Nghệ gửi gắm tình cảm của mình với quê hương, đất nước và con người. Xuất phát từ lao động, nên với mỗi một loại hình lao động tương ứng dân ca Ví, Giặm đều có những làn điệu, câu hát với đặc trưng riêng, phù hợp với từng ngành nghề. Không gian diễn xướng của dân ca Ví, Giặm gắn liền với lao động sản xuất vì thế cũng trải rộng, trong các làng nghề truyền thống, trên những cánh đồng làng đang trổ bông hoặc ven sông trên bến dưới thuyền, nơi cồn bãi hay bên những gốc đa, đình làng trong lễ hội... Vì thế nên dân ca Ví, Giặm khá đa dạng về thể loại, mỗi nghề nghiệp, mỗi công việc lao động đều có một loại hát riêng như hát ví có ví phường vải (hát ví của những người dệt vải), ví phường cấy (hát ví của những người đi cấy), ví phường củi (hát ví của những người đi củi), ví đò đưa (hát ví của những người đi thuyền),... hát giặm có giặm kể, giặm cửa quyền, giặm ru, giặm vè, giặm nối, giặm xẩm...
Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, các làn điệu dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh vẫn tồn tại, phát triển cho đến ngày nay và hơn thế, trở thành một di sản tinh thần vô giá, thấm sâu vào tâm hồn, trí tuệ, đời sống người dân của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Chính vì thế, đã từ lâu, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được xem là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của người dân xứ Nghệ. Nhìn lại dân ca Ví, Giặm từ khi ra đời cho đến nay, chúng ta thấy đó như một cuốn sách ghi lại đời sống tinh thần vô cùng phong phú của người dân xứ Nghệ trong những chặng đường lịch sử, một tri thức bản địa của cộng đồng về mối quan hệ với môi trường sống, môi trường sinh thái tự nhiên và môi trường xã hội được thể hiện bằng một phương thức riêng, có ca từ, âm vần và nhạc điệu, được thẩm thấu, sàng lọc và cô đọng qua nhiều năm, nhiều thế hệ, mà cho đến nay vẫn còn nguyên những giá trị nhất định về lịch sử, văn hóa và xã hội…
Giá trị xã hội - lịch sử:Cũng như ca dao, dân ca nói chung, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh không xuất hiện từ một khoảng trống, mà là từ một bối cảnh lịch sử xã hội nhất định,thoả mãn được những nhu cầu đời thường của xã hội con người. Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh tiếp tục phát triển, biến đổi trong không gian, thời gian và luôn phản ánh trong nó nội dung hay đặc điểm của từng thời kỳ lịch sử cũng như phản ánh tư duy và ước vọng của cộng đồng từng giai đoạn lịch sử nhất định.
Giá trị văn hoá:Là sản phẩm của văn hoá dân gian, nên dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh không chỉ có ý nghĩa về mặt lịch sử mà hơn hết nó mang giá trị văn hoá và nhân văn sâu sắc. Từ lâu, ví, giặm đã được xem là một sản phẩm văn hoá đại diện, tiêu biểu của vùng đất Nghệ Tĩnh, chỉ tồn tại, phát triển trong cộng đồng cư dân người Việt thuộc hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Và vì thế nó chứa đựng những đặc trưng của nền văn hoá sản sinh ra nó, song đồng thời cũng in đậm màu sắc của nó lên văn hoá của cộng đồng nơi đây. Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã tạo dựng nên văn hoá cho riêng mình bằng cách tiếp nhận những giá trị văn hoá tinh thần và vật chất đời thường của cộng đồng dân cư xứ Nghệ. Do đó dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được coi như một thành tố văn hoá của cộng đồng.
Giá trị nghệ thuật: Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được hình thành từ cuộc sống lao động, vì vậy các lối hát đều phản ánh được các hình thức lao động sinh hoạt của cộng đồng như cày cấy, gặt hái, đắp đập đào mương, chăn trâu, cắt cỏ (đồng quê); tung chài kéo lưới, chèo chống thuyền bè (sông nước); hái củi, đốt than, bứt tranh, kéo gỗ, bóc măng (núi non); quay tơ dệt vải, trục lúa, đan lát (xóm thôn)... Lối hát của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh vừa có thủ tục, quy cách cụ thể, vừa mang tính ngẫu hứng in đậm bản sắc của địa phương về âm vần, tiết tấu, giai điệu, ca từ một cách cô đọng súc tích, dễ thuộc dễ hát. Nếu như hát Ví là cách hát tự do, không có tiết tấu từng khuôn nhịp và có thể co dãn tùy thuộc vào âm bằng trắc của ca từ một cách ngẫu hứng thì Giặm là thể hát nói, bằng thơ ngụ ngôn (thơ/ vè 5 chữ) thường có tiết tấu rõ ràng, có phách mạnh phách nhẹ, có nhịp nội nhịp ngoại. Bên cạnh đó, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh rất giàu tính biểu cảm bởi nó tuỳ vào môi trường hoàn cảnh, không gian thời gian và tâm tính của người hát. Đây có lẽ là một đặc tính nổi trội của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.
Giá trị nhân bản:Có thể nói, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh mang tải một ý nghĩa nhân văn cao cả bởi mục đích của nó đều nhằm đến con người, phản ánh giá trị nhân văn vì con người - hướng đến con người. Dù lời ca kể về những công việc hàng ngày, về cảnh đẹp thiên nhiên, về tình yêu đôi lứa hay những răn dạy về cuộc đời, về đạo lý thì cũng nhằm đến đối tượng cuối cùng và duy nhất là con người với mục đích làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp và ấm no.
Ngoài những giá trị nổi trội kể trên, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh còn mang tải trong nó nhiều yếu tố tích cực khác như ý thức về môi trường khi đề cập tới cách sống cho hoà hợp với tự nhiên; tinh thần cố kết cộng đồng khi mà cả cộng đồng bình đẳng và đoàn kết trong lao động và xây dựng cuộc sống; giá trị thẩm mỹ,tính sáng tạo văn hoá bằng việc vươn tới cái đẹp, sáng tạo những hình tượng nghệ thuật, ca dao; tinh thần bảo lưu các giá trị văn hoá, tâm linh khi cộng đồng truyền đạt thông tin, chuyển giao văn hoá qua các thế hệ qua câu hát;tính biểu tượngkhi nhằm đến những điều muốn đề cập mà không thể nêu trực diện...
Có thể nói, chính những giá trị của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã tự thân góp phần làm cho loại hình này được yêu thích ngay từ khi mới xuất hiện, được duy trì và tồn tại cho đến ngày nay. Chính vì vậy, đây chính là một di sản văn hoá phi vật thể đặc sắc có chỗ đứng trong lòng người dân xứ Nghệnói riêng, người dân cả nước nói chung. Tuy nhiên, thực tế trong một thời gian khá dài trước đây, do nhiều nguyên nhân của cả chủ quan và khách quan mà sự tồn tại của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã và đang bị đe dọa. Với các điều kiện chính trị, xã hội và kinh tế hiện nay, sự giao lưu các nền văn hoá, sự phát triển truyền thông đại chúng, sự thay đổi nếp sống, lối sống, sự tấn công vào truyền thống dân gian của các hình thức âm nhạc, múa, vui chơi giải trí, game được du nhập từ phương Tây với sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật và tài chính dồi dào,.. đang khiến cho vị trí của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đang bị lung lay trong lòng dân chúng. Bên cạnh đó, dân ca ví, giặm chủ yếu là những lời hát ra đời bộc phát, tức thì nhằm đáp ứng và phục vụ tại chỗ đời sống lao động của nhân dân nên có rất ít tài liệu ghi lại một cách trọn vẹn các câu hát. Nó thường được lưu truyền bằng hình thức truyền miệng từ đời này qua đời khác nên cũng vì thế mà dân ca ví, giặm đã không còn nhiều, phong phú và đa dạng như xưa cũng như không được gìn giữ một cách nguyên bản như vốn có. Theo nghiên cứu, chúng tôi được biết rằng hiện nay, dân ca ví, giặm xứ Nghệ chỉ lưu giữ được khoảng 15 điệu ví, gần 10 điệu giặm và cũng không còn nhiều nghệ nhân dân gian am hiểu về loại hình di sản này. Trong nền cảnh chung ấy, nguy cơ di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh sẽ bị suy giảm hay thậm chí là mất đi có thể sẽ trở thành hiện thực. Chính vì vậy, di sản này cần được quan tâm, bảo vệ kịp thời. May mắn là chúng ta đã sớm nhận thức được chân giá trị và vấn đề bảo tồn dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã được đặt ra. Trong thời gian qua rất nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn, giữ gìn, khôi phục và phát huy di sản dân ca ví, giặm đã được thực hiện thông qua các hoạt động thiết thực như việc tổ chức điền dã, sưu tầm, nghiên cứu lập hồ sơ các làn điệu, các nghệ nhân, tăng cường công tác quản lý, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và quảng bá, thúc đẩy xã hội hóa trong các hoạt động, xây dựng các câu lạc bộ hát dân ca,... Và cuối cùng, việc lập hồ sơ khoa học, trình lên UNESCO để công nhận “Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh” là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại nhằm vinh danh loại hình nghệ thuật độc đáo này được xem là nỗ lực kịp thời và cần thiết để giữ gìn, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể này.
Tuy cơ hội để dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là nhiều nhưng để biến cơ hội đó thành hiện thực, hay hơn thế, để giữ gìn và phát huy nét sinh hoạt văn hoá lành mạnh, mang đầy tính dân gian trong đời sống đương đạithì những nỗ lực ấy vẫn chưa đủ và mới chỉ là bước đầu. Bởi làm thế nào vừa bảo tồn dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh cho hiệu quả và hợp lý vừa phát huy được giá trị của di sản phù hợp với từng giai đoạn, từng thời điểm nhất định để loại hình nghệ thuật này có sức sống mãnh liệt và trường tồn, để nó thực sự trở thành một thành tố của văn hoá dân tộc thì đòi hỏi cần phải có những nỗ lực hơn nữa, mang tính đồng bộ, lâu dài và bền vững.Với mong muốn góp một phần vào nỗ lực chung ấy, trong bài tham luận này, chúng tôi bước đầu đưa ra một vài giải pháp về cơ chế chính sách cho việc bảo tồn, khai thác các giá trị của di sản văn hóa này cho phát triển bền vững.
2. Các giải pháp về cơ chế chính sách đối với việc bảo tồn và phát huy dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trong đời sống đương đại
Bởi là một thành tố tạo nên bản sắc văn hoá của địa phương, dân ca Ví, Giặm luôn vận động và phát triển một cách biện chứng cùng với mảnh đất xứ Nghệ. Vì thế, chúng tôi nhận thấy muốn bảo tồn dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trong cuộc sống đương đại thì tốt nhất là bảo tồn một cách chủ động,mang ý nghĩa “bảo tồn” để “phát huy”- bảo tồn trong sự phát triển và vận động chung của xã hội. Có nghĩa bảo tồn bao hàm nhiều mục đích và gắn chặt với nhau bởi bốn quan hệ: giữ gìn, bảo vệ, tôn trọng vàphát huy. Để làm được điều đó, trước hết chúng ta cần có những cơ chế chính sáchnhằm tăng cường sinh lực cho di sản văn hoá này như sau:
Phục hồi không gian diễn xướng cho dân ca Ví, Giặm
Những câu hát, làn điệu ví, giặm ngày xưa vốn được cất lên từ những không gian gắn liền với làng nghề, với cuộc sống sinh hoạt và lao động của người dân xứ Nghệ. Tuy nhiên sự đổi thay của xã hội đã khiến cho các làng nghề, các hình thức sinh hoạt dân gian, các hình thức diễn xướng gắn với loại hình sinh hoạt này ngày càng ít đi hay thậm chí biến mất. Việc không gắn liền với cuộc sống lao động của nhân dân, thiếu đi không gian diễn xướng vốn có đã làm cho các cuộc hát và những làn điệu của dân ca ví, giặm thiếu đi sức sống và sự sinh động mang đậm hồn cốt của loại hình nghệ thuật này. Vì thế, để bảo tồn dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, làm cho loại hình sinh hoạt văn hóa này sống động trong cộng đồng thì trước hết chúng ta cần tuân theo mô hình bảo tồn di sản mà UNESCO đề xướng là bảo tồn trong cộng đồng, trong chính môi trường diễn xướng của loại hình nghệ thuật dân gian đó. Đây chính là cách hữu hiệu nhấtđể tăng cường sinh lực cho loại hình văn hóa này.
+Cần có những chính sách phù hợp nhằm khôi phục các làng nghề, các ngành nghề truyền thốngđể việc hát dân ca được gắn với không gian sinh hoạt và môi trường lao động của cộng đồng.
+ Xây dựng các tổ, đội, nhóm, các câu lạc bộ hát dân ca ở các thôn, làng, thường xuyên sinh hoạt ca hát, gắn với những sinh hoạt văn hóa làng, sinh hoạt văn hóa cộng đồng để dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnhcó môi trường tự thân phát triển.
Bảo tồn nghệ nhân dân gian
Cũng như ca dao, dân ca nói chung, người tạo ra, thực hành, lưu giữ và trao truyền các làn điệu dân ca Ví, Giặm chính là người dân. Việc bảo tồn dân ca Ví, Giặm vì thế rất cần chú ý đến những chủ nhân đích thực của nó, những người am hiểu về loại hình sinh hoạt văn hóa này nhất, đó là những ‘nghệ nhân dân gian’. Tuy nhiên, số lượng các nghệ nhân dân gian của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh hiện còn lại không nhiều và đang có nguy cơ trở nên thưa bóng (trong số 8 nghệ nhân dân gian hiện có thì có đến 7 người đã trên 80 tuổi). Vì thế, việc bảo tồn dân ca Ví, Giặm trước hết cần phải ưu tiên đến những người nghệ nhân dân gian – linh hồn của loại hình sinh hoạt văn hóa này.
+ Để bảo tồn các nghệ nhân dân gian, bên cạnh sự công nhận của công chúng, Nhà nước và chính quyền cần có những chính sách, chương trình tài trợ, trợ cấp đặc biệt nhằm khuyến khích những ‘báu vật nhân văn sống’ để họ chịu trách nhiệm đối với việc bảo vệ dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnhnhư: duy trì và phát triển những kỹ năng và tri thức của họ về dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh; truyền giao và phổ biến những kỹ năng và tri thức về dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh; sẵn sàng cung cấp những hiểu biết của mình, thực hành biểu diễn về dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnhcho công việc sưu tầm, lưu giữ làm tư liệu và ghi thu (băng hình, băng tiếng và các xuất bản phẩm),...
+ Ngoài ra, việc Nhà nước tôn vinh và phong tặng các nghệ nhân dân gian không những sẽ góp phần khuyến khích động viên tinh thần hết sức to lớn đối với từng nghệ nhân, mà còn là sự cổ vũ, niềm vinh dự, tự hào đối với người thân, gia đình, dòng họ của nghệ nhân. Đây cũng là sự khuyến khích những người trẻ tuổi noi theo, học tập để có những tri thức và kỹ năng cần thiết cho sự tiếp nối sự nghiệp của những nghệ nhân già.
+ Coi những nghệ nhân dân gian như tài sản quốc gia, tiến hành kiểm kê thường xuyên để nắm được số lượng các nghệ nhân dân gian am hiểu về dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, từ đó có được những biện pháp bảo tồn hợp lý, kịp thời.
+ Tập hợp các nghệ nhân lại thành một tổ chức: có kế hoạch, chính sách về việc bồi dưỡng, tổ chức cũng như sử dụng họ vào việc truyền bá, làm hạt nhân cho phong trào ca hát ở cơ sở. Việc duy trì, phát huy các tổ nghệ nhân để giữ gìn và truyền dạy cho lớp trẻ những bài dân ca cũ cần đặc biệt lưu ý vì các nghệ nhân ngày càng bị mai một theo thời gian.
Tuyên truyền, quảng bá dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh
Như đã trình bày, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnhchính là một tri thức bản địaphản ánh được nhân sinh quan, bản sắc văn hoá và cơ sở đạo đức của cộng đồng. Đồng thời đây cũng là một loại hình văn hóa đáp ứng những nhu cầu về tình cảm, tâm linh và đời sống tinh thần của cộng đồng. Nhà nước cần khẳng định điều này bằng việc chủ động tuyên truyền rộng rãi trong quần chúng làm cho quần chúng hiểu được cái hay, cái đẹp của dân ca Ví, Giặm để từ đó yêu thích loại hình văn nghệ này.
+ Có chính sách ủng hộ và đưa dân ca lên các phương tiện truyền thông đại chúng hay trên các loại ấn phẩm chính thống dành cho công chúng. Sự xuất hiện của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnhtrên phát thanh, truyền hình và các ấn phẩm như lịch, sách khoa học, sách giáo dục,... cũng chính là một biện pháp hữu hiệu nhằm đưa loại hình sinh hoạt văn hóa này ngày càng trở nên gần gũi với cuộc sống đương đại của người dân.
+ Việc đưa dân ca vào trường học hay các buổi nói chuyện chuyên đề là một điều rất cần thiếttrong công tác tuyên truyền, phổ biến để dân ca gần gũi hơn nữa với lớp trẻ, những chủ nhân tương lai của di sản.
+ Thúc đẩy phong trào văn nghệ quần chúng – phong trào hát dân ca thông qua một số hình thức sinh hoạt văn hóa như hội hè, kết bạn, sinh hoạt câu lạc bộ, các cuộc thi hát dân ca.... sao cho phù hợp với điều kiện ngày nay để làm môi trường cho dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnhphát triển.
Gắn kết dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnhvới hoạt động du lịch
Để việc bảo tồn, khôi phục dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnhđạt được hiệu quả và thậm chí phát huy được hết những giá trị của nó thì cần có sự góp sức và phối hợp của ngành du lịch. Những làn điệu dân ca Ví, giặm có khả năng thích ứng đặc biệt. Mọi lúc, mọi nơi, mọi hình thức sinh hoạt đều có thể vận dụng và chuyển tải bằng các làn điệu cổ và cải biên để đưa vào kịch hát sân khấu, trong chương trình văn nghệ. Điều này đồng nghĩa với việc dân ca ví, giặm xứ Nghệcó thể kết hợpmột cách hiệu quảvới các dịch vụ có sẵn (như ăn uống, ngủ nghỉ)tại các khách sạn - nhà hàng để xây dựng cácchương trình du lịch.
+ Xây dựng những chương trình du lịch phù hợp với những đặc thù của loại hình văn hóa dân gian này nhằm giới thiệu cho du khách những giá trị tích cực cũng như sự độc đáo, sinh động của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnhmà chắc chắn sẽ góp phần thu hút, hấp dẫn khách du lịch và rồi chính bằng du lịch, lại để bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá quý giá đó.
+ Xây dựng những chương trình du lịch có kết hợp đưa dân ca Ví, Giặm vào chương trình, tổ chức giao lưu trực tiếp cùng bạn bè bốn phương bằng chính những điệu Ví, câu Giặm, hay tổ chức những chương trình du lịch chuyên đề về dân ca ví, giặm xứ Nghệđể giới thiệu cho du khách vềnétvăn hóa đặc trưng của xứ Nghệ..
Nâng cao vai trò của cộng đồng cư dân trong việc bảo tồn
Hơn ai hết, chính cộng đồng sở hữu di sản, những chủ nhân của di sản phải ý thức được giá trị sản phẩm văn hóa của mình, để rồi gìn giữ, phát huy nhân rộng. Chính vì thế, cần có những biện pháp để người dân nhận thức được vai trò và ý nghĩa quan trọng của dân ca Ví, Giặm và hành động cụ thể, thiết thực thì mới có cơ sở để bảo tồn có hiệu quả.
+ Cần có chính sách tôn vinh di sản để làm cho người dân trong cả nước, đặc biệt là những cư dân của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnhý thức được giá trị và vai trò của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, khiến họ cảm thấy tự hào, từ đó yêu quý và có mong muốn lưu giữ nó và tìm cách hòa đồng nó trong đời sống hiện đại.
+ Bên cạnh việc làm cho người dân nhận thức được các giá trị của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh thì cũng cần có biện pháp khiến người dân cảm thấy vai trò to lớn của chính họ đối di sản cũng như việc bảo vệ di sản. Công việc bảo tồn di sản chỉ có thể làm được nếu bản thân người dân cộng đồng, những chủ nhân đích thực của di sản mong muốn và tham gia vào việc bảo tồn.
Truyền dạy dân ca Ví, Giặm cho các thế hệ kế cận
+ Có chính sách hỗ trợ cho việc thực hiện các hoạt động chuyển giao cho các thế hệ trẻ bằng việc truyền dạy thông qua các câu lạc bộ dân ca hay các sinh hoạt văn nghệ của cộng đồng; phổ biến các tri thức và kỹ năng của nghệ nhân dân gian cho lớp trẻ qua các buổi nói chuyện chuyên đề hay chương trình tập huấn.
+ Có những biện pháp thích đáng nhằm phát triển rộng rãi loại hình sinh hoạt này, đặc biệt trên địa bàn haitỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, bằng cách xây dựng được phong trào học tập, sáng tác, ca hát và biểu diễn dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnhmột cách sâu rộng trong quần chúng nhất là lớp người trẻ.
+ Cần có lộ trình xây dựng chương trình giảng dạy những kiến thức cần thiết về dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnhcho các trường học trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, trong đó đặc biệt lưu ý đến việc phổ cập một số bài dân ca có giá trị cao cả về nội dung và nghệ thuật.
Tóm lại, có thể thấy dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnhchứa đựng những giá trị nhất định không thể phủ nhận như giá trị nhân bản, giá trị lịch sử - xã hội, giá trị văn hoá... Chính những giá trị này đã góp phần làm cho dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnhluôn được sống và tồn tại trong đời sống tinh thần của người dân địa phương từ khi ra đời cho đến nay. Trước những thách thức của thời đại mới, khi mà đất nước đang phát triển, mở cửa và hội nhập, loại hình văn hóa dân gian này đang có nguy cơ mất dần chỗ đứng trong cuộc sống hiện đại thì việc bảo tồn loại hình văn hóa dân gian này là một việc làm cần thiết. Tuy vậy, làm thế nào để dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnhtiếp tục tồn tại như một thành tố văn hóa, một “thực thể” tinh thần trong đời sống đương đại của người dân phụ thuộc rất lớn vào những biện pháp và nỗ lực của cả Nhà nước, chính quyền và người dân trong việc bảo tồn loại hình nghệ thuật này.Nếu chúng ta có những chính sách phát triển đúng đắn, kịp thời và phù hợp với xu thế của thời đại, chắc chắn sự nghiệp bảo tồn, phát huy và tôn vinh các giá trị của di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh sẽ thành công./.
Tài liệu tham khảo
-
Nguyễn Chí Bền, Di sản văn hóa phi vật thể, từ sưu tầm, nghiên cứu đến bảo tồn và phát huy in trong cuốn Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam, Viện VHTT, H.,2008, tr.77-95.
-
Tô Vũ, Âm nhạc Việt Nam truyền thống và hiện đại, Viện Âm nhạc, Hà Nội, 2002.
-
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc: Thiết lập hệ thống “báu vật nhân văn sống (tài sản người đang sống) tại UNESCO, in trong cuốn Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam, Viện VHTT, H.,2008., tr.272-280.
-
Ninh Viết Giao,Hát phường Vải - dân ca Nghệ Tĩnh, Nxb.VHTT, Trung tâm VH Ngôn ngữ Đông Tây, 2002.
-
Viện văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Báo cáo tổng quan về kiểm kê khoa học dân ca Ví – Giặm Nghệ Tĩnh được tiến hành từ 2012-2013.
*TS. Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam.