Để hiểu rõ vì sao Fidel lại bắt đầu một quá trình tự phê phán quả không đơn giản. Ông đề cập về những vấn đề mà trước đây ít ai đụng chạm tới, chỉ nêu ra và không đi sâu phân tích nhiều. Điều mà ai cũng biết, đó là Fidel nổi tiếng là một chính trị gia thông minh và lanh lợi.
Trong một số phát biểu gần đây, Fidel tự nhận trách nhiệm về chiến dịch đàn áp những người đồng tính, trăn trở, hối hận vì đã khuyên các đồng minh Liên Xô (cũ) mở cuộc tấn công hạt nhân sang đất Mỹ trong cuộc khủng hoảng năm 1962, và đặc biệt đã thừa nhận “mô hình Cuba” do chính ông dựng lên không còn phù hợp nữa.
Và những ngày sau đó, tại Trường Đại học La Habana, Fidel lại đưa ra những giải thích càng thêm khó hiểu, gây ra nhiều tranh luận khác nhau, từ việc cho rằng ông đã rút lại điều mình từng nói đến việc khẳng định có phát biểu như vậy trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Mỹ…
Tôi (Fernando Ravsberg) là một trong những người luôn tin rằng Fidel Castro không bao giờ nhầm khi đưa ra nhận xét: “Mô hình Cuba không còn phù hợp nữa, kể cả đối với chúng tôi”, và ngay lập tức khẳng định lời tuyên bố của mình đưa ra “không một chút cay đắng và băn khoăn”.
Nhưng sau đó, Fidel lại khẳng định là các nhà báo đã truyền đạt sai ý ông muốn nói. Hầu như có một sự mâu thuẫn, nhưng trong phần tiếp theo ông đưa ra một sự khác biệt rõ ràng. Fidel bỏ dùng từ “mô hình” và chuyển sang từ “hệ thống”, nhấn mạnh rằng “hệ thống tư bản chủ nghĩa không còn tác dụng không những đối với nước Mỹ mà đối với cả thế giới”, rồi tự hỏi: “Lẽ nào một hệ thống tương tự có thể phù hợp đối với một đất nước XHCN như Cuba?”.
Một trí thức thuộc Đảng Cộng sản yêu cầu giấu tên, giải thích với tôi rằng đối với họ chỉ tồn tại hai “hệ thống”, đó là xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Tuy nhiên, có các “mô hình” khác nhau để xây dựng chủ nghĩa xã hội, chẳng hạn như mô hình Trung Quốc, mô hình Liên Xô hay mô hình Nam Tư trước đây v.v.
Cuba, từ năm 1968 – thời kỳ quốc hữu hóa tất cả các nhà máy, xí nghiệp, dịch vụ thương mại, kể cả những người bán hàng rong trên đường phố – bắt đầu theo mô hình Liên Xô (cũ) và đã tồn tại dưới cái bóng của cường quốc Cộng sản lúc bấy giờ.
Mô hình đó và thứ áo giáp được bảo vệ bằng sắc luật và những nghị quyết đến nay đã lỗi thời. Chính các nhà kinh tế thuộc Đảng Cộng sản và những người bị cho là những phần tử bất đồng chính kiến đều đi đến khẳng định mô hình đó là một trở ngại lớn đối với sự phát triển lực lượng sản xuất của đất nước.
Fidel Castro không phải là một khám phá lớn với những tuyên bố của mình. Ông có thể là một người Cuba sau cùng thừa nhận cái điều buộc phải thừa nhận. Tuy nhiên, khi đề cập về một chính trị gia tầm cỡ như Fidel, thì bao giờ những tuyên bố của ông cũng có ý nghĩa sâu xa.
Khi khẳng định mô hình này không còn phù hợp, vị Tổng tư lệnh Cách mạng Cuba muốn mở lối cho người em trai Raul Castro thay đổi những gì mà ông cho là cần thiết, tránh việc một số người khác có thể lợi dụng uy tín của Fidel để cản bước Raul.
Tôi không cho là có mối liên quan mật thiết giữa những tuyên bố của Fidel với những thay đổi hình mẫu được loan báo chỉ vài ngày sau đó, trong đó có việc cho phép hành nghề tự do, thành lập doanh nghiệp tư nhân nhỏ, những điều từng bị cấm trong 40 năm qua.
Mới đầu, nhiều người cho rằng không thể tồn tại đồng thời cách mạng XHCN và mô hình theo kiểu Liên Xô. Có thể Fidel buộc phải chọn lựa giải pháp cứu lấy Cách mạng, mặc dù trên một số khía cạnh, điều đó có nghĩa trở về với điểm xuất phát ban đầu.
Tình hình đã rơi vào thế bí, vì nếu tiếp tục với mô hình kinh tế kém hiệu quả thì có thể dẫn đến những thứ được gọi là “thắng lợi của cách mạng” như y tế, giáo dục, thể thao và văn hóa sẽ đổ bể không gì cứu vãn nổi.
Fidel cũng bật đèn xanh cho Raul trong việc xích lại gần với Oasinhton (nguyên văn: Giơ một cành ô liu với Oasinhton) mà ông từng tuyên bố sau khi lên nắm quyền điều hành đất nước vào năm 2006. Tương tự, Fidel đã chuyển bức thông điệp đến cộng đồng Do Thái đầy ảnh hưởng ở Oasinhton, thông qua hai nhà báo tên tuổi và khá thân cận với họ. Đó là việc lên tiếng phê phán Iran vì đã “làm bẽ mặt” Ixraen và thừa nhận các cuộc truy đuổi dân Do Thái.
Hình tượng Fidel dần dần thể hiện rõ hơn so với mấy tháng trước đây khi chỉ khăng khăng kêu gọi cả thế giới chống lại cuộc chiến tranh hạt nhân chưa được định hình. Gần như chưa gương súng lên ngắm vào đầu kẻ thù, thì chính kẻ thù đã khiến ông phải đưa ra lời tự phê phán trong cuộc khủng hoảng tên lửa Liên Xô – Mỹ năm 1962.
Sự hậu thuẫn của Fidel đối với người em trai của mình không làm bất kỳ ai ngạc nhiên, bởi chính vị Tổng tư lệnh là người đề nghị Raul Castro làm người kế nhiệm ngay từ phút ban đầu, và luôn duy trì ông như một phó sếp trong suốt 50 năm qua.
Có lẽ tốt hơn hết tôi cũng nên khép lại bài viết này với lời tuyên bố là những lời tôi đã nói ở trên “hoàn toàn mang ý nghĩa ngược lại”. Dù sao tôi cũng sẽ mạo hiểm, và mong rằng sự nhầm lẫn của tôi sẽ không bao giờ là điều mà tôi muốn hạ thấp uy tín của một nhà chính trị tầm cỡ như Fidel./.