Lâu nay, trong giới học giả vẫn quan niệm có một không gian văn hóa Khổng giáo. Ngoài Trung Quốc, Việt Nam, thì Nhật Bản cùng với Hàn Quốc/Triều Tiên cũng thuộc về không gian này. Xin ông cho biết những đặc trưng cơ bản, nổi bật nhất của không gian văn hóa này?
Không gian văn hoá Khổng giáo như ông nói, tức là “Khu vực văn hoá chữ Hán” (Hán tự văn hoá quyển, tiếng Nhật gọi là ‘Kanji bunka ken’) được hình thành vào khoảng đầu công nguyên cùng với sự bùng nổ của đế quốc Hán, một trong hai đế chế mạnh nhất thế giới bấy giờ, mà đế chế kia là La Mã ở Địa Trung Hải (từ thế kỷ I đến thế kỷ V sau CN). Châu tuần xung quanh văn minh Hán bấy giờ là các tiểu quốc thuộc quần đảo Nhật Bản, Tam quốc thuộc bán đảo Triều Tiên, các tiểu quốc vùng Hoa Nam và tận cùng ở cực Nam là nước Văn Lang-Âu Lạc của chúng ta. Việt Nam ta bị hút vào khu vực văn hoá chữ Hán, cũng có nghĩa là từ bỏ cơ tầng văn hoá bản địa là Đông Nam Á.
Đặc trưng nổi bật nhất của khu vực văn hoá này là: dùng chữ Hán làm văn tự, chịu sức ép đồng hoá của văn hoá Hán, vừa học tập nền văn hoá Hán để làm giàu cho văn hoá của mình, đồng thời vừa kháng cự văn hoá Hán – “giải Hán hoá” để bảo tồn văn hoá truyền thống. Cho đến nay cả ba nước này đều thành công: đều trở thành các quốc gia văn minh, hiện đại ở mức độ khác nhau với nền văn hoá phong phú đa dạng kết hợp Đông Tây, lại vừa giữ vững được văn hoá dân tộc mình.
Quá trình truyền bá - tiếp nhận văn hóa Hán ở Việt Nam và Nhật Bản là bằng chính sự tỏa sáng, lan tỏa của các giá trị hay là thông qua sự cưỡng bức về chính trị - quân sự? Quá trình đó ở Việt Nam và Nhật Bản có gì khác và giống nhau?
Nói riêng về Việt Nam và Nhật Bản, quá trình tiếp nhận văn hoá Hán ở hai nước khác nhau khá sâu sắc. Do điều kiện địa lý tự nhiên, Việt Nam ở sát Trung Quốc trong khi Nhật Bản thì cách biển. Vì thế Việt Nam bị Trung Quốc xâm lược, gây sức ép thường xuyên, nên việc tiếp nhận văn hoá Hán chủ yếu là do bị cưỡng bức, trong khi đó Nhật Bản chủ động cử các đoàn sứ giả văn hoá sang Trung Quốc học tập – người Nhật gọi là “Khiển Tuỳ sứ”, “Khiển Đường sứ” (sứ giả sang Tuỳ, Đường). Cần phải nói rõ thêm, trong khi nền văn minh Ấn Độ lan truyền sang các nước xung quanh chủ yếu bằng con đường hoà bình thì văn minh Trung Hoa lan truyền chủ yếu bằng con đường bạo lực: xâm lược, mở rộng bờ cõi – mà người Trung Hoa nói là để “giáo hoá”. Trong lịch sử, Nhật Bản chỉ bị Trung Quốc xâm lược hai lần. Cả hai lần đều do quân Nguyên Mông tiến hành vào thế kỷ XIII (lần 1 vào năm 1274, lần 2 vào năm 1281, cả hai lần đều bị bão góp phần đánh bại). Nhật Bản chưa bao giờ nội thuộc Trung Quốc, trong khi đó nước ta bị mất vào tay Trung Quốc cả hàng ngàn năm Bắc thuộc và 20 năm thời quân Minh xâm lược.
Giáo dục đóng vai trò như thế nào trong quá trình Hán hóa để hình thành không gian văn hóa Hán này? Vai trò của giáo dục ở mỗi nước, Việt Nam và Nhật Bản, khác nhau như thế nào trong quá trình ấy?
Giáo dục và văn học là 2 con đường quan trọng nhất để đưa văn hoá Hán vào nước ta. Nói một cách chính xác, suốt 1000 năm Bắc thuộc, do nội lực của văn hoá Việt mà văn hoá Trung Quốc không truyền vào nước ta được bao nhiêu. Chúng ta không có một đội ngũ trí thức Nho học, một nền văn hoá chữ Hán hoàn chỉnh vào thời Bắc thuộc. Chỉ đến khi chúng ta giành được độc lập, để xây dựng nền văn hoá của mình, chúng ta mới du nhập một cách có hệ thống văn hoá, trong đó có văn hoá tổ chức nhà nước (văn hoá chính trị) và giáo dục vào nước ta.
Điều khác biệt quan trọng giữa Việt Nam và Nhật Bản chính là chế độ khoa cử. Việt Nam du nhập toàn bộ chế độ khoa cử của Trung Quốc có từ đời Tuỳ để lựa chọn đội ngũ lãnh đạo, trong khi đó Nhật Bản hoàn toàn không, họ vẫn áp dụng chế độ thế tập ở trung ương cũng như ở các phiên địa phương. Chế độ khoa cử là một bước tiến lớn trong lịch sử văn minh Trung Quốc. Việt Nam áp dụng chế độ khoa cử này, trong giai đoạn đầu có thể lựa chọn được nhiều nhân tài từ các tầng lớp khác nhau, tạo ra một hình thức “dân chủ” nhất định trong lòng xã hội phong kiến. Nhưng càng về sau, cái học khoa cử càng ngày càng trở nên lạc hậu, vu khoát, xa rời thực tiễn, nó đã tạo ra một tầng lớp trí thức hư học, hoàn toàn không hiểu biết gì về tình hình thế giới cũng như những tiến bộ về kinh tế kỹ thuật của các nước, vì vậy các nho sĩ Việt nam đã thất bại trước sức mạnh đại bác của phương Tây. Trong khi đó ở Nhật Bản, chế độ thế tập lúc đầu rất khắc nghiệt, hạn chế con đường tiến thân của các tầng lớp dưới. Quyền lực chính trị ở Nhật Bản đều nằm trong tay tầng lớp quân nhân (Mạc phủ, võ sĩ), nhưng đến giai đoạn cuối của chế độ phong kiến, Nhật Bản lại thoát ra khỏi cái bẫy hư học của tầng lớp Nho sĩ, họ theo kịp với sự biến chuyển của thời đại. Do tầng lớp võ sĩ mạnh mẽ hơn và thực tiễn hơn nho sĩ, Nhật Bản đã vượt qua được thách thức của các nước phương Tây.
Vẫn biết mọi sự so sánh là khập khiễng, đặc biệt là so sánh về văn hóa. Dẫu sao thì chúng tôi vẫn muốn ông cho biết sự phát triển của nền văn học Nhật Bản và Việt Nam sau khi tiếp thu chữ Hán và văn học Hán đã có những tương đồng và dị biệt gì đáng kể nhất?
Nền văn học Nhật sau khi tiếp thu chữ Hán đã mau chóng được bản địa hoá, tạo thành nền văn học bằng tiếng Nhật hết sức phong phú. Từ thời Nara (TK.VIII) Nhật Bản đã có tuyển tập thơ ca bằng tiếng Nhật rất đồ sộ là Vạn diệp tập/ Manyoshu với gần 4500 bài thơ của hơn 400 tác giả có tên và nhiều tác giả khuyết danh khác. Thời Heian (TK.VIII- TK.XII), Nhật Bản đã có dòng văn học nữ lưu với thơ ca, nhật ký, tuỳ bút và cả tiểu thuyết trường thiên bằng tiếng Nhật, trong đó tiểu thuyết Truyện Genji của nữ sĩ Murasaki Shikibu (TK.XI) trở thành tác phẩm đỉnh cao của văn học cổ điển Nhật Bản, và là một trong những tiểu thuyết sớm nhất của nhân loại. Các học giả Nhật Bản đã sớm có ý thức gìn giữ loại văn học bằng tiếng mẹ đẻ và công khai tự hào về nó, như ta đã thấy trong lời tựa tập thơ ca nổi tiếng Cổ kim Hoà ca tập biên soạn vào thế kỷ X.
Về Việt Nam, văn học chữ Hán hình thành khá sớm, nhưng quả thực tôi không hiểu tại sao văn học viết bằng chữ Nôm lại hình thành muộn như vậy – mãi đến thế kỷ XIII mới có. Thành quả văn học Nôm lớn nhất và sớm nhất hiện còn là Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi viết vào thế kỷ XV. Tôi cũng không hiểu tại sao ở ta ý thức gìn giữ, tự hào về văn học viết bằng tiếng dân tộc lại khá yếu như vậy. Trong các thi tuyển như Việt âm thi tập của Phan Phu Tiên, Trích diễm thi tập của Trần Đức Lương (TK.XV),… tuyệt nhiên không tuyển một bài thơ Nôm nào!
Điều khác biệt nữa là nền văn học của chúng ta gần như không có văn xuôi, tiểu thuyết bằng ngôn ngữ dân tộc (chữ Nôm), trong khi đó Nhật Bản có rất nhiều và rất sớm, như đã nói ở trên.
Văn hóa Hán đối với 3 dân tộc – quốc gia lân bang, muốn hay không là lớp trên trong trầm tích văn hóa bản địa của mình. Theo quan sát và nghiên cứu của ông thì ở Nhật Bản và ở Việt Nam,“tầng” văn hóa Hán nơi nào dày hơn, hay là mức độ “Hán hóa” ở đâu sâu sắc hơn?
Không thể nói một cách dứt khoát tầng văn hoá Hán ở Việt Nam hay Nhật Bản dày hơn, mức độ “Hán hoá” ở nước nào sâu sắc hơn. Kho tàng học thuật với Kinh, Sử, Tử, Tập chữ Hán ở Nhật Bản rất đồ sộ. Văn học chữ Hán của hai nhóm Ngũ sơn ở Kyoto và Kamakura rất phong phú, Nhật Bản có rất nhiều học giả Nho học, Phật học uyên bác và trước tác nhiều. Để dễ hình dung, riêng sách nghiên cứu về học thuyết Vương Dương Minh của Nhật Bản phải xếp một giá sách lớn với đủ loại dày mỏng, tuyển tập toàn tập khác nhau. Ở Việt Nam thì sách chuyên về Vương Dương Minh chỉ có mấy quyển, chủ yếu soạn vào TK.XX, và chưa bao giờ có toàn tập Vương Dương Minh cả. Ở Nhật Bản có những chuyên gia về cổ văn tự (chữ khoa đẩu, chữ triện, lệ…) mà người Trung Quốc phải mời sang giúp, nhưng ở Việt Nam hầu như không có trường hợp nào. Ở Nhật Bản có hàng mấy chục, hàng trăm người làm từ khúc chữ Hán, nhưng Việt Nam chỉ có chừng mươi người. Ở Nhật Bản hiện nay, một học sinh tốt nghiệp phổ thông đều phải biết gần 2000 chữ Hán, ở Việt Nam hiện nay thì chỉ có sinh viên chuyên ngành Hán Nôm là có học chữ Hán, còn lại gần như không biết một chữ Hán nào, tất nhiên chữ Nôm cũng không!
Sự tác động hay là vai trò của văn hóa Hán đối với quá trình phát triển của các nước trong không gian Khổng giáo như thế nào?
Có lẽ người Nhật không bị cái bẫy khoa cử làm hỏng đội ngũ trí thức của mình vào giai đoạn cuối của thời trung đại như ở Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam. Người Nhật biết tiếp thu nhiều nguồn học thuật Trung Quốc, chọn lấy những tinh hoa để phát triển. Đơn cử như Nho học, vào giai đoạn cuối trung đại (thời Edo) Nho học Nhật Bản có rất nhiều dòng phái: Chu Tử học phái theo Tống Nho, Cổ học phái với khuynh hướng chú giải kinh điển độc lập với Tống học, Dương Minh học phái chú trọng ở thực tiễn, phái Công lợi chủ trương đưa Nho học vào kinh doanh v.v. Trong khi đó ở ta chỉ có mỗi cái học khoa cử theo Tống Nho, rồi ông Bùi Huy Bích còn soạn gọn lại thành sách Toát yếu để “luyện thi”, thế rồi cứ “thi thiên, phú bách, văn sách năm mươi” (thuộc nghìn bài thơ, trăm bài phú, 50 bài văn sách) rồi lều chõng đi thi. Học như thế, thi như thế, nhai lại mãi cái bã người ta đã nhả từ lâu như thế, văn chương thù tạc tự bốc thơm nhau như thế, thì làm gì mà chẳng yếu đuối, chẳng “ngu hèn” như các chí sĩ duy tân đầu thế kỷ XX đã tự phán một cách cay đắng!
Thưa ông, chúng tôi muốn được tiếp tục câu chuyện phát triển hiện tại từ câu chuyện của hai nước ở TK.XIX. Tại sao Fukuzawa Yukichi thành công mà Nguyễn Trường Tộ thất bại? Có đúng không khi cho rằng vì Fukuzawa Yukichi có tầm tư tưởng cao hơn Nguyễn Trường Tộ? Và Nhật hoàng có quyết tâm chính trị mạnh mẽ hơn vua Tự Đức?
PGS.TS Đoàn Lê Giang:Đây là một vấn đề lớn và thú vị. Fukuzawa thành công còn Nguyễn Trường Tộ thì thất bại, vấn đề không phải do hai ông, mà nguyên nhân có nó phải nhìn rộng hơn và sâu hơn. Nói một cách giản dị về điều ấy thì có thể nói như Phan Bội Châu: Nước Nhật có hàng trăm người như Phúc Trạch Dụ Cát (Fukuzawa Yukichi) nên mới thành công. Tôi nghĩ rằng Nguyễn Trường Tộ thất bại không phải vì cách nghĩ không mới, chủ trương không đúng (dù trong hơn 60 điều trần của ông có không ít chủ trương ảo tưởng), mà cái chính là ông cô đơn trong thời đại của mình. Ông đi đến với tư tưởng canh tân từ cái học ở nhà thờ chứ không phải là từ một trường học thế tục, trong khi đó xung quanh ông các bộ óc thông minh nhất đều chú tâm vào cái học kinh viện với những Khổng Mạnh Chu Trình từ hàng ngàn năm trước. Ông bị lạnh nhạt và chống đối từ chính những người yêu nước, “học rộng hiểu nhiều” ấy! Ông biết rằng không có ai chia sẻ được suy nghĩ và công việc với ông, nên trong các bản điều trần, ông đề nghị làm điều gì thì đều phải tự mình nhận lãnh nhiệm vụ: đề nghị mở trường kỹ thuật ở Huế, ông cũng xin đi liên hệ giáo sư và mua trang thiết bị; đề nghị vay tiền ngân hàng Anh ở Hương Cảng để canh tân đất nước, ông cũng xung phong đi vay vì biết đường đi nước bước; đề nghị mua tàu chiến để đánh Pháp, ông cũng xin đi vì ông từng nghiên cứu về điều này; đề nghị khai mỏ, ông cũng xin dẫn đoàn khảo sát; đề nghị chuẩn bị lực lượng nổi dậy ở Nam Kỳ, ông cũng xung phong đi; đề nghị đào kênh, ông cũng xin làm “tổng công trình sư”… Trong khi đó vua Tự Đức dù có thừa lòng yêu nước nhưng tầm nhìn và bản lĩnh chính trị yếu kém, nên không biết dùng Nguyễn Trường Tộ vào việc gì cho xứng đáng; không giải quyết nổi mâu thuẫn giữa ánh sáng canh tân của Nguyễn với bóng tối mênh mông của sự u mê và cuồng tín cái học Thánh Hiền; Tự Đức vừa muốn canh tân, lại vừa sợ mất cái học Thánh Hiền – một cái học đã trở thành lẽ sống của ông và đám quan lại bám sau lưng ông. Nói tóm lại, nếu so sánh thì đúng là Fukuzawa có tầm nhìn cao rộng hơn, có chủ trương thiết thực hơn Nguyễn Trường Tộ; đúng là Minh Trị và quần thần quanh ông có bản lĩnh chính trị mạnh mẽ, có hành động quyết đoán hơn Tự Đức; nhưng tiếc thay đó không phải là vấn đề tài năng cá nhân mà vấn đề cơ sở kinh tế xã hội nào quyết định chuyện ấy. Di sản mà Tự Đức nhận lấy và tiếp tục thống trị là một đất nước nghèo nàn, cổ hủ, theo mô hình Trung Hoa lạc hậu, bị thế giới văn minh bỏ rơi. Tự Đức đã yên tâm thực thi một chế độ “văn trị” cổ lỗ trên một đất nước như thế, mà không cần biết gì về thế giới xung quanh. Đến khi đại bác phương Tây bắn vào cửa ngõ thì mới sực tỉnh, lúc ấy thì đã muộn; nhưng ông lại không đủ tầm nhìn và sự quyết đoán để có thể xoay chuyển được tình thế. Nguyễn Trường Tộ là cá nhân kiệt xuất xuất hiện sớm nhưng đơn lẻ; Đặng Huy Trứ, Bùi Viện, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Lộ Trạch xuất hiện muộn hơn và cũng không đủ để xoay chuyển tình hình. Mất nước là có căn nguyên từ lâu chứ phải đâu một hai ngày – đúng như Nguyễn Trãi đã nói: Hoạ phúc hữu môi phi nhất nhật (Hoạ phúc có nguồn đâu phải một lúc).
Có phải kể từ Minh trị Duy tân, với vai trò của Fukuzawa Yukichi, nhờ chấp nhận, lựa chọn các giá trị của phương Tây, từ bỏ các giá trị truyền thống của văn hóa Hán mà nước Nhật đã phát triển, trở thành một quốc gia – dân tộc hùng cường suốt hơn thế kỷ nay?
PGS.TS Đoàn Lê Giang:Đúng là Nhật Bản thời Minh Trị đã tiếp thu văn minh phương Tây để xây dựng được quốc gia cường thịnh. Tuy nhiên cũng phải nói cho rõ, công cuộc duy tân thời Minh Trị được tiến hành không phải là chỉ do Fukuzawa mà là do: (1) nhóm lãnh chúa phương Nam – là nơi có quan hệ mật thiết với phương Tây; (2) các trí thức Tây học là thầy dạy của Thiên hoàng Minh Trị như: Nishimura Shigeki (Tây Thôn Mậu Thọ) – thầy về chính trị và luật pháp của nước Pháp, Fukuhane Mishizu (Phúc Vũ Mỹ Tịnh) – thầy về lịch sử và đạo đức phương Tây, Kato Hiroyuki (Gia Đằng Hoằng Chi) – thầy về luật pháp của Đức; (3) bên cạnh đó còn có vai trò của các chính khách duy tân lẫy lừng như: Kido Takayoshi (Mộc Hộ Hiếu Duẫn), Saigo Takamori (Tây Hương Long Thịnh), Okubo Toshimichi (Đại Cửu Bảo Lợi Thông) gọi chung là nhóm "Duy Tân tam kiệt", (4) các thủ tướng lớp sau: bao gồm Ito Hirobumi (Y Đằng Bác Văn), Okuma Shigenobu (Đại Ôi Trọng Tín)…
Nhật Bản có từ bỏ “các giá trị truyền thống của văn hoá Hán” – như câu hỏi, để phát triển không? Có thể trả lời là: Không! Cần phải nói chính xác là: Nhật Bản chỉ từ bỏ những cái “vô giá trị”, cái lạc hậu của Trung Quốc để nước Nhật phát triển mà thôi. Cái “vô giá trị” và lạc hậu đó là gì? Tôi nghĩ chủ yếu là 3 thứ: Thứ nhất, nền giáo dục cổ hủ của Trung Quốc: vu khoát, sùng cổ, lạc hậu, xa rời thực tiễn, không chú trọng vào khoa học kỹ thuật và kinh tế; Thứ hai, mô hình chính trị của Trung Quốc với cơ cấu chính trị độc đoán, chuyên quyền ở trên, với sự phân biệt sĩ nông công thương bất bình đẳng ở dưới; Thứ ba, mô hình luật pháp của Trung Quốc: bao che cho kẻ có quyền, trừng phạt người dân một cách tuỳ tiện và dã man. Tất cả những điều ấy đã được Fukuzawa viết trong luận văn nổi tiếng của ông: Thoát Á luận. Thoát Á ở đây không phải là thoát khỏi châu Á về địa lý, mà thoát khỏi cái lạc hậu và dã man của châu Á mà trung tâm là Trung Quốc, chứ Nhật Bản không từ bỏ những giá trị truyền thống của nền văn hoá Hán – những giá trị đã tạo nên một phần văn hoá Nhật. Như chúng đã thấy: người Nhật vẫn học rất nhiều chữ Hán, vẫn học rất kỹ về lịch sử và tư tưởng Trung Quốc, vẫn tiếp thu tinh hoa của nền nghệ thuật và đạo đức Trung Quốc. Vào thời Minh Trị, người Nhật vẫn dùng Luận ngữ của Khổng Tử để giảng dạy trong nhà trường.
Cách đây không lâu, có người nói, nước Nhật ổn định và phát triển là một phần do quay lại các giá trị của Khổng giáo. Điều đó có đúng không?[Và nếu đúng thì] chúng ta cần giải thích như thế nào bởi vì trước đây đã từng nhờ thoát ly Khổng giáo mà phát triển, còn nay lại ngược lại?
PGS.TS Đoàn Lê Giang:Nước Nhật phát triển đúng là có nhờ chứ không phải quay lại những giá trị Khổng giáo. Sự phát triển của một quốc gia không phải do ý chí của một vài cá nhân mà từ những điều kiện cụ thể, trong đó có truyền thống. Nhiều học giả trên thế giới đã chỉ ra rằng: Nhật Bản đã hiện đại hoá thành công bằng mô hình chủ nghĩa tư bản Nho giáo thay vì chủ nghĩa tư bản Tin lành như Phương Tây. Người Nhật đã không bài trừ Nho giáo một cách mù quáng mà biết rút tỉa những tinh hoa của nó để phát triển. Nho giáo đã giúp ích gì cho công cuộc duy tân của Nhật Bản? Người ta cho rằng đó là: lòng trung thành, tín nghĩa, liêm sỉ, hiếu học, cần kiệm. Từ lòng trung quân, người Nhật chuyển thành lòng trung thành với công ty; từ tín nghĩa của Nho gia, người Nhật chuyển thành kinh doanh trọng chữ tín, kinh doanh vì nghĩa; từ liêm sỉ của kẻ sĩ quân tử, người Nhật chuyển thành liêm sỉ trong đạo đức kinh doanh và đạo đức chính trị; từ hiếu học theo kiểu cũ, người Nhật chuyển thành ham thích thực học, học tập suốt đời; từ cần kiệm trong đời tư, người Nhật chuyển thành tiết kiệm trong kinh doanh, tiết kiệm nguyên liệu, tiết kiệm nguồn lực quốc gia. Như vậy người Nhật vừa thoát khỏi cái lạc hậu của mô hình Trung Quốc, vừa phát huy những giá trị truyền thống trong đó có truyền thống Nho giáo của Trung Quốc để phát triển.
Chúng tôi được biết, nước Nhật hiện nay có một nền văn hóa phát triển, vừa hòa nhập với thế giới hiện đại nhưng vẫn bảo tồn rất tốt bản sắc và truyền thống văn hóa dân tộc. Ông có thể cho biết một vài kinh nghiệm của họ?
PGS.TS Đoàn Lê Giang:Đúng như ông nói, nước Nhật vừa hiện đại lại vừa rất truyền thống. Tại sao? Có thể tìm nguyên nhân ở những điều sau:
-
Có thể người Nhật không có truyền thống cách mạng chăng? Vì nước Nhật chỉ có một dòng Thiên hoàng từ khi lập quốc đến nay; và suốt hàng nghìn năm họ không có cuộc cách mạng nào đào tận gốc trốc tận rễ cái cũ; họ chỉ thêm vào chứ không vứt đi.
-
Có thể giới lãnh đạo của Nhật có văn hoá cao, họ biết tìm thấy giá trị và sức mạnh từ truyền thống chăng? Tôi chưa thấy một người lãnh đạo nào của Nhật Bản không có một “phông” văn hoá cao cần thiết. Có thể vì thế mà họ biết đối xử đúng mực với truyền thống chăng? Quá khứ nào ngăn cản sự phát triển của đất nước thì họ kiên quyết loại bỏ, truyền thống nào có thể giúp cho hiện tại thì họ phát huy. Họ biết trân quý truyền thống đạo đức, văn hoá, nghệ thuật của cha ông, hiện đại hoá nó để phục vụ cho cuộc sống.
-
Có thể người Nhật tìm thấy bầu khí quyển trong lành từ truyền thống để bảo vệ mình khỏi cơn lốc của kỹ thuật hiện đại chăng? Người ta có thể dễ dàng thấy những đền thờ Thần đạo thâm u, những ngôi chùa trầm mặc, những vườn hoa anh đào rực rỡ giữa những đô thị ồn ào, náo nhiệt và hiện đại. Nếu không có những không gian tâm linh và tĩnh lặng ấy, người ta có thể cảm thấy hạnh phúc trong những khối bê tông, những động cơ ngược xuôi đến chóng mặt không?
Ông có thể lý giải vì sao Nhật Bản đã có 2 giải Nobel văn học còn Việt Nam chúng ta thì có thể nói là chưa dám nghĩ tới?
PGS.TS Đoàn Lê Giang:Công bằng mà nói Nhật Bản hiện đại hoá, quốc tế hoá sâu sắc hơn ta, vì vậy nền văn hoá của họ có một vị trí cao trong bậc thang văn hoá thế giới. Kawabata (giải Nobel 1968) có thể đem nền văn hoá của dân tộc mình ra giới thiệu với thế giới, vì ông biết viết về cái truyền thống qua cái nhìn hiện đại, nên vừa gây thú vị, ngỡ ngàng lại vừa dễ chấp nhận đối với thế giới. Oe Kenzaburo (giải Nobel 1994) thì lại phản ánh nỗi thống khổ của con người hiện đại và phê phán nghiêm khắc xã hội Nhật Bản từ tiêu chuẩn dân chủ của phương Tây. Những vấn đề ấy có giá trị toàn nhân loại chứ không phải là riêng biệt của một quốc gia. Kinh nghiệm cho thấy một nền văn học lớn chỉ có thể được hình thành từ một truyền thống văn hoá-văn học dày dặn, được hiện đại hoá để hoà vào dòng chảy trung tâm của nhân loại, và nhất là được điều hành theo những tiêu chuẩn chung của thế giới văn minh. Giải Nobel chỉ có thể được sinh từ một nền văn học hay rộng hơn, một quốc gia như thế.
Cảm ơn ông nhiều về cuộc trao đổi này.
Phan Thắngthực hiện