Hội nghị cấp cao ASEAN-Mỹ lần thứ nhất năm 2009 đã đánh dấu một bước chuyển trong quan hệ giữa Mỹ, một siêu cường toàn cầu và ASEAN, một tổ chức khu vực năng động, ngày càng có uy tín ở khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung.
Hội nghị cấp cao ASEAN-Mỹ lần thứ nhất năm 2009 đã đánh dấu một bước chuyển trong quan hệ giữa Mỹ, một siêu cường toàn cầu và ASEAN, một tổ chức khu vực năng động, ngày càng có uy tín ở khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung.
Cấp cao ASEAN-Mỹ lần thứ hai: một bước tiến...
Hội nghị cấp cao ASEAN-Mỹ lần thứ hai này được tổ chức tại New York bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc với sự tham gia của 8/10 lãnh đạo cao nhất của các nước ASEAN, Tổng thống Mỹ và Tổng Thư ký ASEAN. Riêng việc Tổng thống Mỹ mời lãnh đạo các nước ASEAN đến Mỹ gặp gỡ và thảo luận với mình cũng đã mang tính biểu tượng rất cao và thu hút được sự chú ý của dư luận.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang có một loạt những động thái cho thấy muốn tăng cường quan hệ với ASEAN. Phát biểu tại Diễn đàn Khu vực ARF 17 vừa rồi tại Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã khẳng định: "Tôi có mặt ở đây để khẳng định rằng làm mới mối quan hệ giữa Mỹ và ASEAN là một phần không thể thiếu trong chính sách đối ngoại của Mỹ".
Trước đó, vào tháng 7 năm 2009, tại ARF 16, Mỹ cũng đã ký tham gia Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ở Đông Nam Á.
Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo ASEAN và Mỹ sau Hội nghị đã khẳng định "ASEAN đánh giá cao cam kết của Mỹ ở mức cao nhất với các nước thành viên ASEAN", đồng thời nhấn mạnh ASEAN và Mỹ"nhất trí thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác hiện nay để cung cấp khuôn khổ cho sự phát triển tiếp tục trong quan hệ ASEAN - Mỹ" và "hoan nghênh ý tưởng nâng quan hệ đối tác tới một tầm chiến lược". Mỹ ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong tiến trình Đông Á và Tổng thống Mỹ sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á vào năm 2011 tại Indonesia.
Những khẳng định mạnh mẽ trên của Tuyên bố chung đã cho thấy quyết tâm cao của cả ASEAN và Mỹ trong việc tăng cường quan hệ. ASEAN và Mỹ đã giao Nhóm Danh nhân kiến nghị nội dung cụ thể và thiết thực cho vấn đề đối tác chiến lược vào năm 2011 và hướng tới một kế hoạch hành động 2011-2015.
Tuyên bố chung cũng đề cập đến nhiều lĩnh vực hợp tác khác như phát triển nông nghiệp và an ninh lương thực, hỗ trợ kỹ thuật, hợp tác kinh tế, chống tham nhũng và buôn lậu, các vấn đề an ninh như vấn đề Myanmar, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt... và nhiều vấn đề khác nữa. Có thể thấy rằng quan hệ ASEAN - Mỹ được hy vọng sẽ ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Tuyên bố chung cũng tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở khu vực, an ninh hàng hải, không cản trở thương mại và tự do hàng hải, tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc và ủng hộ việc giải quyết hòa bình các tranh chấp.
Hội nghị cấp cao lần thứ hai này đã đánh thêm một dấu mốc mới trong quan hệ giữa hai bên. Đây là một sự phát triển tất yếu và bình thường trong quá trình tìm kiếm đối tác của cả ASEAN và Mỹ.
... trên đường dài
Mặc dù Hội nghị lần này là một bước tiến quan trọng, hướng tới một khuôn khổ đối tác lâu dài trong quan hệ giữa ASEAN và Mỹ, vẫn còn đó những dấu hiệu cho thấy quan hệ này còn phải vượt qua nhiều thách thức phía trước mới có thể đưa được tầm nhìn trở thành hiện thực.
Một trong những vấn đề gây tranh cãi và thu hút sự quan tâm của dư luận nhất là địa điểm tổ chức Hội nghị. Thông thường các Hội nghị quan trọng sẽ được tổ chức tại thủ đô của một nước. Theo lẽ đó, Hội nghị cấp cao lần này đáng lẽ phải được tổ chức tại Washington, thế nhưng Nhà Trắng lại quyết định lựa chọn New York.
Các nhà phân tích cho rằng chính quyền Obama chọn New York để tổ chức Hội nghị thay vì Washington là có liên quan đến vấn đề Myanmar. Đến thời Tổng thống Obama, cả Mỹ và ASEAN đều nhận thức được không nên để một vấn đề như vậy cản trở nhưng quan hệ giữa Mỹ và ASEAN không phải là hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi vấn đề Myanmar. Myanmar đang phải chịu lệnh cấm của Mỹ, mà theo đó các quan chức cao cấp của Myanmar bị cấm đi ra khỏi thành phố New York, trụ sở của Liên Hợp Quốc, quá 25 dặm mà không có sự cho phép của chính phủ Mỹ. Với việc bầu cử sắp diễn ra ở Myanmar trong thời gian tới, một Hội nghị ở Washington có sự tham gia của Myanmar có lẽ vẫn còn quá xa vời.
Việc lựa chọn này gây khá nhiều tranh cãi ngay cả trong chính nước Mỹ. Những người ủng hộ việc tổ chức Hội nghị ở Washington cho rằng một Hội nghị cấp cao giữa Mỹ và lãnh đạo các nước khác phải được tổ chức tại Nhà Trắng ở Washington. Tổ chức Hội nghị tại Washington sẽ có thể chuyển tải đúng thông điệp và vào đúng thời điểm. Điều này sẽ là một biểu tượng chắc chắn của Mỹ trong việc tăng cường quan hệ với ASEAN. Còn một Hội nghị tại New York có thể thuận tiện về mặt thời gian và địa điểm nhưng sẽ không chuyển tải được hết tầm quan trọng của Hội nghị.
Một vấn đề khác cũng ảnh hưởng đến Hội nghị là sự vắng mặt của Tổng thống Indonesia. Indonesia là thành viên lớn nhất, đóng vai trò quan trọng trong tổ chức ASEAN. Xung quanh sự kiện này, giới phân tích cũng đưa ra nhiều giả thuyết. Một trong số những giả thuyết đó là do trong năm nay, Tổng thống Mỹ đã hai lần hoãn các chuyến thăm Indonesia, nơi ông này trải qua một phần tuổi thơ của mình, một lần vì bận tập trung vào luật cải cách y tế vào tháng 3 và gần đây nhất là vào tháng 6 vì sự cố tràn dầu ở vịnh Mexico.
Tuy nhiên, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Indonesia Teuku Gaizasyah khi trả lời phỏng vấn báo The Jakarta Post thì đã phủ nhận điều này và nói rằng, Tổng thống Yudhoyno có những vấn đề quốc gia quan trọng khác mà không thể bỏ được, thêm vào đó, lời mời của Tổng thống Mỹ quá gấp, "Chính phủ Mỹ dường như mặc định rằng tất cả các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ tham dự Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc". Còn Dewi Fortuna Anwar thuộc Viện nghiên cứu Khoa học Indonesia thì cho rằng cũng hoàn toàn dễ hiểu khi Tổng thống bỏ qua chuyến thăm Mỹ vì ông vừa mới đến nước này để dự Hội nghị G20.
Ngoài ra, việc Tổng thống Mỹ quyết định tổ chức Hội nghị và gửi lời mời đến các nước ASEAN quá gấp cũng khiến cho nhiều người băn khoăn về thái độ của Mỹ đối với Hội nghị. Việc Hội nghị chỉ diễn ra trong hơn hai tiếng đồng hồ, khoảng thời gian không phải là dài và đủ để 11 nhà lãnh đạo bàn bạc được hết các vấn đề cùng quan tâm.
*
* *
Trong thời đại ngày nay, việc ASEAN và Mỹ tăng cường quan hệ là hoàn toàn tự nhiên và tất yếu, phù hợp với nhu cầu và mục đích của cả hai bên. ASEAN là một khu vực phát triển năng động, bao gồm những nền kinh tế đang nổi và rất có tiềm năng. Mỹ là một nền kinh tế đứng đầu thế giới, có tiềm lực về kinh tế, văn hóa, quân sự hùng mạnh.
Sau Hội nghị cấp cao lần thứ nhất, Hội nghị lần thứ hai này quả thật đã đánh dấu một bước tiến mới trong quan hệ ASEAN - Mỹ, như trong Tuyên bố chung đã khẳng định "hoan nghênh ý tưởng nâng quan hệ đối tác lên một tầm chiến lược". Cùng với quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã được thiết lập, quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ và nhiều nước khác nữa sẽ tăng cường vị thế và vai trò của ASEAN trong khu vực và trên thế giới.
Sau khi Mỹ tham gia Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ở Đông Nam Á tháng 7 năm 2009 và Hội nghị cấp cao lần thứ nhất tháng 11 năm 2009, với Hội nghị cấp cao lần thứ hai này quan hệ ASEAN - Mỹ đã bước thêm một bước tiến mạnh mẽ nữa, nhưng phía trước còn rất nhiều việc cần phải làm để xây dựng mối quan hệ này xứng đáng với tầm chiến lược mà các bên kỳ vọng.
2223
2359
21598
218097
121356
114511224