Góc nhìn văn hóa
Bảo vật quốc gia “Dao găm rắn ngậm chân voi” và tín ngưỡng thờ rắn của người Việt cổ

Hiện vật "Dao găm rắn ngậm chân voi" tại Bảo tàng Nghệ An
Năm 1973, Viện Khảo cổ học phối hợp với Ty Văn hóa Nghệ An (nay là Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An) tiến hành khai quật di chỉ khảo cổ học làng Vạc nay là xã Nghĩa Hòa, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An, các nhà nghiên cứu đã phát hiện khu mộ táng lớn với nhiều hiện vật giá trị, đặc biệt là chiếc dao găm cán tượng rắn ngậm chân voi. Hiện vật này được các chuyên gia khảo cổ học đánh giá là hiện vật gốc độc bản, duy nhất được khai quật từ trong lòng đất thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn mang ý nghĩa tâm linh tôn giáo, thể hiện quyền uy của người đứng đầu bộ lạc của cư dân Việt cổ cũng là một trong những phát hiện khá thú vị về hình tượng rắn một trong những loài vật được chọn làm vật tổ (Tô tem) khá phổ biến của cư dân nông nghiệp Đông Nam Á. Đây là hiện vật có cấu trúc, kiểu dáng, tiêu chí thẩm mỹ đạt đến trình độ thể hiện kỹ thuật đúc đồng đỉnh cao, cũng là hiện vật cổ xưa và duy nhất đã có mặt từ rất sớm tại Việt Nam về rắn hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ An.
Hiện vật dao găm cán tượng rắn ngậm chân voi có chiều dài 12,3cm, gồm có hai phần: lưỡi và chuôi. Phần lưỡi dao mỏng, dài: 5,5cm có hình gần giống hình tam giác. Mũi dao nhọn, hai đầu chắn tay cán dao có hình râu bướm. Phần chuôi dao dài: 6,8cm. Đặc biệt cán dao có hình hai con rắn thân tròn xoắn lấy nhau, miệng rắn mở to, có đôi mắt lồi trong tư thế đang ngậm chặt 4 chân của một con voi. Voi được mô tả có vòi dài, trên lưng voi có hình một chiếc bành rộng, có dây chằng ra cổ và đuôi voi. Trên bành voi có đặt một hình trụ tròn, hơi thắt ở đoạn giữa có hình dạng như chiếc trống đồng. Về niên đại, dao găm tượng rắn ngậm chân voi cách ngày nay hơn 3000 năm..
Chuối dao có hình tượng 2 con rắn đang ngậm chân voi.
Tục thờ rắn, xem rắn là vật tổ đại diện cho một giai tầng văn hóa là một hình thái tín ngưỡng nguyên thuỷ có nguồn gốc từ khi con người đang giai đoạn sống thị tộc, mọi sinh hoạt, ăn ở đi lại đều có quan hệ mật thiết với tự nhiên. Theo các tài liệu nghiên cứu khoa học của các nhà cổ sinh vật học cho biết: Rắn xuất hiện trên trái đất cách ngày này khoảng 200 triệu năm, chúng được xem là loài bò sát có hình thù, tập tính sinh hoạt mang tính đặc thù và bí ẩn từ hình dạng đến quá trình di chuyển; ngủ nhiều vào mùa đông, xuất hiện nhiều vào mùa mưa; phần lớn các loài rắn có thể bơi lội trong nước, sống lâu trên cạn,.. Chính bởi những đặc tính bí ẩn của rắn đã tác động rất lớn đến đời sống và nhận thức của người nguyên thuỷ trong quá trình mò mẫm, thích nghi và chinh phục môi trường tự nhiên xung quanh mình. Phải chăng, đây chính là nguồn cội để con người liên hệ tới loài rắn và xem nó đó là con vật thiêng, là tô tem của nhiều dân tộc trên thế giới trong đó có người Việt.
Đối với cư dân Việt cổ đời sống gắn với trồng trọt, nước là yếu tố then chốt và không thể tách rời, dấu ấn nước được xây dựng trên một motif căn bản nhưng lại giàu bản sắc và gần gũi với cư dân trồng lúa đó là dấu ấn giữa nguồn nước và tín ngưỡng thờ thủy thần (trong đó người ta nói rất nhiều về thần rắn). Đây là một trong những tín ngưỡng được xem là khá quan trọng, phản ánh quan niệm, ứng xử với nước. Vì nước không những là nguồn sống cho con người và vạn vật, tưới tiêu cho mùa màng tươi tốt, bội thu, đảm bảo cuộc sống cho con người mà nước còn gây ra những tai họa với những cơn đại hồng thủy, (nước cũng có tính 2 mặt, nó có thể hủy diệt mọi thứ nhưng đồng thời nước lại là sự hồi sinh). Chính vì vậy đối với người Việt thì nước cũng đồng nhất với quốc gia (Đất + nước), nước là Mẫu = mẹ nước, nhất thủy, nhì hỏa; nhất nước, nhì phân,... Tính hai mặt này dẫn đến tâm lí cần nước, tôn sùng nước cũng vừa sợ nước, vừa muốn chế ngự vừa muốn sùng bái nước. Tục thờ thần rắn đại diện cho nguồn nước theo tính biểu trưng của người Việt có lẽ ra đời cũng từ những cơ sở tâm lí ấy.
Đối chiếu với hình tượng rắn trên hiện vật dao găm đã được khai quật tại làng Vạc đã phần nào chứng minh về tín ngưỡng thờ rắn - biểu trưng cho nước của người Việt cổ đã gắn với đời sống nông nghiệp từ rất lâu đời ít nhất là trên 3.000 năm. Cư dân nông nghiệp lúa nước không xem rắn là con vật bình thường mà là biểu tượng của tâm linh, của tôn giáo, của quyền uy, rắn là biểu tượng của sức mạnh và được tôn lên thành một vị thần tối cao mà không một thế lực nào có thể chế ngự được, điều đó cũng được thể hiện qua hình tượng rất thú vị đó là “hình thượng con rắn nhỏ bé có thể ngậm được 4 chân của con voi để nuốt cả con voi khổng lồ”. Bên cạnh đó, với đặc điểm hình tượng hai con rắn quấn chặt nhau thể hiện tính hai mặt của âm dương cũng là biểu trưng giao hòa mong cho mọi loài sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu cũng chính là sự khẳng định sức mạnh của dân tộc, với tinh thần đoàn kết sẽ chiến thắng thiên nhiên, ác thú và kẻ thù.
Như vậy dao găm cán tượng rắn ngậm chân voi Làng Vạc đã hội tụ đầy đủ 3 yếu tố để trở thành bảo vật quốc gia: Hiện vật gốc độc bản; hiện vật có hình thức độc đáo; hiện vật có giá trị đặc biệt phản ảnh lịch sử dựng nước của dân tộc ta nói chung và Nghệ An nói riêng trong giai đoạn dựng nước và giữ nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam cũng là hiện vật chứng minh cho một nền văn hóa nông nghiệp lúa nước lâu đời và phát triển rực rỡ của cư dân Đông Nam Á. Bên cạnh đó, gắn với hiện tượng thờ rắn cũng đã phần nào khẳng định được ít nhiều về ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng vật tổ của người Việt xưa, trong đó rắn được xem là một trong những linh vật vô cùng gắn bó với đời sống của người dân và tín ngưỡng thờ rắn cũng đã tồn tại cho đến ngày nay.
tin tức liên quan
Videos
20 năm phát huy giá trị công trình Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ
Để văn hóa trở thành nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển
Bế mạc giải vô địch môn Kéo co toàn quốc lần thứ 11 – năm 2023
Lan tỏa tinh thần Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trong sự nghiệp đổi mới hôm nay
Bàn về “Học thật, thi thật, nhân tài thật” ( Kỳ 2)
Thống kê truy cập
114553398

2258

2276

21094

220941

122920

114553398