Bài viết nầy sẽ xoay quanh vấn đề chuyển giao công nghệ để khảo sát quá trình nầy. Luận điểm, giả thuyết trung tâm của bài viết là: Sự chuyển giao công nghệ được thúc đẩy do những thay đổi về phí tổn sản xuất tại các nước đi trước nhưng công nghệ đó có bén rễ và lan rộng tại nước tiếp nhận để thúc đẩy các nước nầy phát triển hay không tuỳ thuộc vào năng lực xã hội (social capability) của nước đó. Khung phân tích (analytical framework) về các khái niệm chuyển giao công nghệ và năng lực xã hội sẽ được trình bày ở Tiết I. Tiết II sẽ khảo sát tình hình chuyển giao công nghệ tại Đông Á trong 4 thập niên qua. Tiết III bàn về năng lực xã hội của các nước trong vùng nầy. Phần kết luận tóm tắt các kinh nghiệm của Đông Á để rút ra vài bài học tham khảo được cho Việt Nam.
I. KHUNG PHÂN TÍCH CÁC KHÁI NIỆM CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ VÀ NĂNG LỰC XÃ HỘI
Trước hết là khái niệm công nghệ (technology). Công nghệ là tri thức khoa học, phương pháp khoa học để sản xuất (hoặc cải thiện sản xuất) một sản phẩm vật chất hay một dịch vụ. Công nghệ ở đây không giới hạn trong công nghệ sản xuất (có thể gọi là công nghệ cứng, hard technology) mà còn bao gồm tri thức quản lý, kinh doanh (công nghệ mềm, soft technology). Các hình thức mà công nghệ cứng được thể hiện, thể hoá (embodied) là máy móc, thiết bị, văn thư, đồ biểu, kỹ sư, chuyên viên, v.v… Công nghệ mềm chủ yếu được thể hoá trong nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, v.v… Qua các hình thức và môi thể nầy, công nghệ được di chuyển từ nước nầy sang nước khác. Hiện tượng nầy được gọi là sự chuyển giao công nghệ (technology transfer).
Chuyển giao công nghệ được thực hiện qua nhiều kênh. Hai kênh chính là hợp đồng công nghệ (licensing arrangement, LA) và đầu tư trực tiếp (foreign direct investment, FDI). Trong kênh LA, thông thường chỉ có công nghệ sản xuất hay công nghệ cứng được chuyển giao và chỉ chuyển giao một lần. FDI thì bao gồm cả công nghệ sản xuất và tri thức quản lý, kinh doanh, thông thường còn di chuyển cả tư bản nữa. Các xí nghiệp đa quốc gia (MNCs) thực hiện FDI là chuyển giao trọn gói tất cả các loại công nghệ và tư bản, và được gọi chung là chuyển giao các nguồn lực kinh doanh (managerial resources). FDI có thể thực hiện bằng việc lập công ty liên doanh giữa MNCs với công ty tại bản xứ hoặc lập công ty 100% vốn nước ngoài. Công nghệ được chuyển giao qua FDI do đó là hình thức chuyển giao trong nội bộ MNCs (từ công ty mẹ sang công ty con).
Chuyển giao công nghệ còn có nhiều kênh khác nhưng hai kênh LA và FDI quan trọng nhất vì có thể ảnh hưởng sâu rộng đến cả nền kinh tế và liên quan nhiều đến chiến lược của MNCs cũng như chính sách của chính phủ các nước đang phát triển [1]. Công nghệ là một hàng hoá có đặc tính là thông tin không đối xứng (asymmetric) nghĩa là người bán và người mua không có cùng một thông tin, một sự hiểu biết về giá trị của công nghệ nên thị trường về công nghệ khó thành lập hoặc được thành lập với phí tổn giao dịch (transaction cost) cao đối với công ty cung cấp công nghệ. Do đó, MNCs có khuynh hướng chọn hình thái FDI hơn là LA để tránh phí tổn giao dịch. Đặc biệt trong trường hợp công nghệ thuộc loại tối tân, MNCs có khuynh hướng chọn FDI để tránh trường hợp bí quyết lọt ra bên ngoài. Tuy nhiên, đối với công nghệ đã được tiêu chuẩn hoá và do đó dễ mô phỏng, phí tổn giao dịch thấp, MNCs cũng có khuynh hướng chọn hình thái LA. Thêm nữa, khi đối tác là những công ty tại các nước đương có nhiều rủi ro (về xã hội, chính trị), MNCs chọn LA hơn là FDI.
Đối với nước du nhập công nghệ (ở đây ta bàn về các nước đang phát triển), hình thái FDI có hiệu quả tăng nhanh năng lực cạnh tranh của sản phẩm vì các loại công nghệ, các nguồn lực kinh doanh được chuyển giao nên dễ tăng năng suất lao động và phẩm chất sản phẩm, ngoài ra còn tận dụng được mạng lưới tiếp thị của MNCs nên dễ tiếp cận với thị trường thế giới. Tuy nhiên mặt khác, các nước đang phát triển trước đây (từ giữa thập niên 1980 trở về trước) lo ngại kinh tế có thể bị MNCs chi phối nếu tuỳ thuộc quá nhiều vào FDI làm kênh du nhập công nghệ. Trong bối cảnh đó, nhiều nghiên cứu, đại biểu là Oman (1984), chủ trương là các nước đang phát triển nên phân chia nguồn lực kinh doanh thành nhiều phần riêng lẻ (công nghệ sản xuất, công nghệ mềm, tư bản) và du nhập từng phần tuỳ theo nhu cầu của mình. Tuy nhiên tôi vẫn chủ trương FDI là kênh có hiệu quả nhất đối với nước tiếp nhận công nghệ và nước đang phát triển về lâu dài có thể tránh sự phụ thuộc vào MNCs bằng chiến lược đuổi bắt nguồn lực kinh doanh (catching-up in managerial resources). Nói dễ hiểu đây là chiến lược thay thế dần các nguồn lực kinh doanh du nhập từ MNCs bằng nguồn lực tự mình tích luỹ trong từng ngành công nghiệp. Tuỳ theo giai đoạn phát triển của mỗi ngành công nghiệp độ phụ thuộc vào nguồn lực kinh doanh có thể khác nhau, khi một công nghiệp nào đó còn non trẻ, độ phụ thuộc có thể rất cao nhưng dần dần với nỗ lực đuổi bắt của nước đang phát triển, độ phụ thuộc giảm dần. Do đó, tại một thời điểm nào đó, các ngành công nghiệp có độ phụ thuộc khác nhau vào nguồn lực kinh doanh nước ngoài nhưng trên bình quân cả nước độ phụ thuộc tổng hợp được duy trì ở mức độ mà xã hội chấp nhận được [2].
Ở đây còn một vấn đề nữa là trong kênh FDI, liên doanh hay công ty 100% vốn nước ngoài có hiệu quả cao hơn về chuyển giao công nghệ? Nếu bàn về công nghệ sản xuất thì không có sự khác biệt đáng kể giữa hai trường hợp. Về công nghệ mềm thì liên doanh có hiệu quả hơn vì người quản lý, nhà kinh doanh bản xứ có cơ hội học hỏi trực tiếp những bí quyết quản lý, tri thức kinh doanh từ đối tác nước ngoài. Tuy nhiên hiệu quả nầy còn tuỳ thuộc thái độ, hành động của người tham gia liên doanh bản xứ. Nếu họ không quyết tâm học hỏi kinh nghiệm để dần dần thay thế được năng lực kinh doanh nước ngoài mà chỉ mong chia lời từ hoạt động của liên doanh thì hiệu quả không đáng kể.
Chuyển giao công nghệ từ MNCs của các nước tiên tiến đến các nước đang phát triển bao hàm ý nghĩa là có một khoảng cách về trình độ công nghệ giữa nước phát sinh chuyển giao công nghệ và nước tiếp nhận. Nhờ chuyển giao công nghệ, nước đi sau có thể xoá bỏ hoặc thu nhỏ khoảng cách với nước đi trước, một hiện tượng có thể xảy ra trước hết là trong từng ngành, từng công nghệ nhưng dần dần theo với thời gian sự tích tụ và lan rộng của hiện tượng nầy sẽ dẫn đến sự rút ngắn khoảng cách phát triển của toàn nền kinh tế. Chẳng hạn tại Đông Á, như sẽ thấy dưới đây, các nền kinh tế công nghiệp mới như Hàn Quốc, Đài Loan rút ngắn khoảng cách với Nhật trong các ngành may mặc, tơ sợi rồi đến đồ điện gia dụng, máy tính..., cuối cùng khoảng cách phát triển của toàn bộ nền kinh tế cũng được rút ngắn.
Tuy nhiên dù có khoảng cách, công nghệ không tất yếu được chuyển giao có hiệu quả từ nước đi trước đến nước đi sau. Chuyển giao có hiệu quả là khi công nghệ nước ngoài vào bén rễ và lan rộng trong nền kinh tế, tạo thành động lực để ngành công nghiệp liên quan nói riêng và nền kinh tế nói chung phát triển. Nói khác đi, vấn đề cốt lõi ở đây là nước tiếp nhận có hấp thu được công nghệ được chuyển giao hay không. Vấn đề năng lực hấp thu (absorptive capacity) công nghệ tại nước tiếp nhận rất quan trọng.
Năng lực hấp thu là khả năng sử dụng một công nghệ nào đó có hiệu suất, làm bén rễ công nghệ đó trong nền kinh tế. Tuy nhiên, để chọn lựa và du nhập thành công từ công nghệ nầy đến công nghệ khác, từ công nghệ thấp đến công nghệ cao và phức tạp, tạo điều kiện để kinh tế phát triển liên tục, rút ngắn khoảng cách với nước đi trước, nước tiếp nhận công nghệ cần một khả năng bao quát hơn cả năng lực hấp thu công nghệ. Ohkawa and Rosovsky (1973) gọi khả năng bao quát đó là năng lực xã hội (social capability) khi khảo sát nguyên nhân phát triển của kinh tế Nhật từ thời Minh Trị duy tân [3].
Vậy năng lực xã hội là gì? Ohkawa and Rosovsky (1973: Ch. 8) cho rằng đó là các yếu tố làm nên năng lực du nhập, ứng dụng những tiến bộ của thế giới về công nghệ và về tổ chức, quản lý. Những yếu tố đó gồm có: một là tư bản nhân lực (human capital) được tăng cường qua giáo dục, đào tạo ; hai là khả năng mở rộng thị trường bao gồm cả chính sách hướng ngoại để sản xuất dựa trên công nghệ du nhập đạt được quy mô kinh tế ; ba là tăng tỉ lệ tiết kiệm để bảo đảm nguồn cung cấp vốn để đầu tư áp dụng công nghệ mới. Theo Watanabe (1979, Ch. 1), năng lực nầy bao gồm lao động lành nghề, năng lực kinh doanh của doanh nghiệp, và một chính phủ mạnh. Abramovits (1989: 222-5) cho rằng các yếu tố cấu thành năng lực xã hội có thể gồm: trình độ giáo dục của dân chúng ; sự xác lập các cơ chế về chính trị, thương mại, tài chánh ; mức độ tự do cạnh tranh của xí nghiệp, v.v... Theo Minami (1992: 99-100), Nhật có năng lực xã hội vì có nguồn lực con người phong phú, khả năng cận đại hoá tổ chức kinh doanh, và khả năng xây dựng các mạng lưới thông tin. Nhưng những ý kiến nầy còn tản mạn, chưa phân tích năng lực xã hội một cách có hệ thống. Theo tôi, xã hội có thể chia thành năm thành phần: giới lãnh đạo chính trị, giới quan chức, giới lãnh đạo kinh doanh, giới trí thức và giới lao động (kể cả nông dân). Để có năng lực xã hội thì mỗi giới phải có những tố chất cần thiết và xã hội phải có các cơ chế cần thiết để các giới nối kết với nhau thành một sức mạnh tổng hợp. Tố chất của giới lãnh đạo chính trị là năng lực lãnh đạo, là khả năng hình thành sự đồng thuận (consensus) cao của toàn dân, nhất là ý thức trách nhiệm cao trong việc tạo cơ chế, điều kiện để khơi dậy các tiềm năng của đất nước, trong đó có phương châm trọng dụng nhân tài. Tố chất cần thiết của quan chức là năng lực quản lý hành chánh, năng lực nghiệp vụ cao và tác phong đạo đức của người công bộc.
Tố chất cần thiết của nhà kinh doanh là tinh thần doanh nghiệp (entrepreneurship) trong đó có tinh thần mạo hiểm, tinh thần và nỗ lực khám phá thị truờng mới, nguyên liệu mới, công nghệ và phương thức quản lý mới. Tố chất đòi hỏi ở trí thức là sự quan tâm cao độ vào các vấn đề hiện thực của kinh tế, xã hội, và nỗ lực nghiên cứu và tìm tòi các biện pháp góp phần cải thiện xã hội, góp phần làm cho kinh tế phát triển. Tố chất cần thiết của giới lao động là trình độ giáo dục ngày càng cao, kỹ năng, năng lực chuyên môn ngày càng được bồi dưỡng và sự hăng say làm việc với tinh thần trách nhiệm.
Các tố chất của các thành phần có thể một phần do bẩm sinh và do kinh nghiệm mà hình thành, nhưng có thể nói phần lớn là do chính sách, cơ chế tạo nên. Chẳng hạn Nhật Bản có đội ngũ quan chức giỏi và nhìn chung hội đủ các đạo đức cần thiết là nhờ chế độ thi tuyển nghiêm minh, chế độ đào tạo bài bản và chế độ đãi ngộ tốt, v.v… [Trần VT 1997: Ch. 3]. Hoặc Hàn Quốc có một đội ngũ lao động lành nghề, trình độ hấp thu công nghệ ngày càng cao là nhờ có chính sách chú trọng giáo dục, đào tạo và đầu tư đúng hướng trong khoa học, công nghệ [Trần VT 1997: Ch. 8].
Các yếu tố cấu thành năng lực xã hội có thể được phân tích như trên nhưng có nhiều yếu tố không định lượng được. Hơn nữa có những yếu tố ít liên quan trực tiếp đến vấn đề chuyển giao, du nhập công nghệ. Vì vậy, trong phần phân tích ở Tiết III ta sẽ dựa vào một số chỉ tiêu có thể định lượng và khảo sát thêm một số mặt về định tính có liên quan mật thiết với việc du nhập công nghệ.
II. Các hình thái chuyển giao công nghệ tại Đông Á
Dựa trên những phân tích ở trên về hình thái chuyển giao công nghệ, về hành động của xí nghiệp đa quốc gia (MNCs) và chính sách của chính phủ các nước tiếp nhận công nghệ, phần nầy sẽ khảo sát các đặc tính, các hình thái chuyển giao công nghệ tại Đông Á và các yếu tố đưa đến các đặc tính đó.
Tình hình chuyển giao công nghệ ở Đông Á trong gần nửa thế kỷ qua có thể lấy giữa thập niên 1980 làm mốc chia thành hai giai đoạn. Có mấy sự kiện quan trọng ở điểm mốc nầy. Một là đồng yên lên giá đột ngột (mùa thu năm 1985) thúc đẩy chuyển giao công nghệ ồ ạt từ Nhật sang các nước đang phát triển ở Đông Á, đặc biệt dưới hình thức FDI. Thứ hai, các nền kinh tế công nghịệp mới như Hàn Quốc, Đài Loan, Xin-ga-po chuyển từ nước chủ yếu là nhập khẩu sang những nước chủ yếu là xuất khẩu công nghệ [4].
1. Giai đoạn từ cuối thập niên 1950 đến giữa thập niên 1980
Các hình thái chuyển giao công nghệ trong giai đoạn nầy hầu hết là LA và FDI.
Sau thế chiến thứ hai, nhiều nước đang phát triển được độc lập về chính trị, bây giờ muốn độc lập cả về kinh tế nên chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hoá trong đó chú trọng du nhập công nghệ từ các nước tiên tiến. Tuy nhiên, công nghệ hầu hết do MNCs sở hữu mà trong giai đoạn nầy MNCs được xem là công cụ của các nước tiên tiến nhằm tiếp tục chi phối kinh tế các nước đang phát triển. Do đó nhiều nước đang phát triển đã kết hợp hai hình thái LA và FDI tương ứng theo từng trường hợp. Trong những lãnh vực mà xí nghiệp bản xứ tương đối đã phát triển, hình thái LA được chọn lựa để tránh bị MNCs chi phối về kinh doanh. Trong những ngành mới, các nước đi sau chấp nhận FDI nhưng đặt ra nhiều điều kiện để hạn chế hoạt động của MNCs, chẳng hạn chỉ cho phép liên doanh trong đó tỉ lệ xuất vốn của MNCs không quá 49%, hạn chế số người nước ngoài làm việc tại các liên doanh, v.v... Dưới đây thử tóm tắt trường hợp vài nước ở Đông Á.
Trong trường hợp của Đài Loan, về số vụ du nhập công nghệ cả 2 hình thái LA và FDI đều quan trọng ngang nhau. Từ năm 1952 đến 1983, có tất cả 3834 vụ trong đó LA 1853 vụ (48% trong tổng số) và FDI có 1512 vụ (39%), phần còn lại các vụ chuyển giao trong nội địa (từ các viện nghiên cứu sang các xí nghiệp). Thống kê nầy bao gồm cả mọi lãnh vực, từ công nghiệp đến dịch vụ. Nếu tính riêng các vụ trong các ngành công nghiệp thì trong giai đoạn 1952-1986 có tất cả 2624 vụ theo hình thái FDI và 2212 vụ theo hình thái LA. FDI phổ biến trong các ngành điện tử, cơ khí, kim thuộc, và hoá chất. Nhưng trong những ngành như tơ sợi tổng hợp là lãnh vực Đài Loan du nhập nhiều công nghệ trong giai đoạn trước thập niên 1970, thì LA là hình thái phổ biến [Trần VT 1992: Ch. 5]. Có thể giải thích hiện tượng nầy như sau: Các chủ thể du nhập công nghệ là những công ty kéo sợi đã có kinh nghiệm hoạt động và tích luỹ nguồn lực kinh doanh từ trước thế chiến hai, họ chỉ cần công nghệ sản xuất tiên tiến, không cần bí quyết quản lý, kinh doanh và tư bản.
Trong các nước đang phát triển có lẽ Hàn Quốc là một trong những nước có tinh thần dân tộc cao nhất. Đặc biệt Hàn Quốc có quan hệ lịch sử phức tạp với nước láng giềng Nhật Bản, nước phát triển duy nhất ở Á châu từ thập niên 1970 trở về trước, nên càng cảnh giác với hoạt động của MNCs. Công nghệ được du nhập lần đầu vào năm 1962, năm khởi đầu kế hoạch ngũ niên lần thứ nhất, và cho đến khoảng năm 1980, hình thái du nhập chính là LA, còn FDI thì tìm cách hạn chế. Từ năm 1962 đến 1978, có tất cả 1180 vụ du nhập công nghệ nhưng trong đó FDI chỉ chiếm 26% và hầu hết là những liên doanh mà MNCs sở hữu không quá 49%. Nghiên cứu kỹ ngành tơ sợi tổng hợp ta thấy có cả hai hình thái LA và FDI. Các công ty kéo sợi đã có từ trước thế chiến thứ hai có khuynh hướng chọn LA và các công ty thuộc các tập đoàn kinh tế mới hình thành có khuynh hướng chọn FDI vì năng lực kinh doanh chưa được tích luỹ. Kinh nghiệm của ngành nầy cũng cho thấy LA hay FDI cũng còn phản ảnh khả năng thương lượng (bargaining of power) giữa MNCs và công ty bản xứ [Trần VT 1988, 1992: Ch. 4].
Các nước ASEAN như Thái và Malaixia trong giai đoạn nầy ý thức dân tộc cũng cao và rất cảnh giác hoạt động của MNCs. Tuy nhiên, khác với Hàn Quốc hay Đài Loan, tư bản dân tộc tại các nước ASEAN còn yếu, tư bản Hoa kiều cũng còn hạn chế trong một số lãnh vực nên năng lực kinh doanh nhìn chung chưa được tích luỹ. Do đó, các nước nầy phải dựa vào FDI để du nhập công nghệ. Theo các điều tra vào đầu thập niên 1980 giới thiệu trong ESCAP (1984), có từ 70 đến 80% số vụ du nhập công nghệ tại Thái Lan và Malaixia là theo hình thái FDI. Kirchbach (1983) cũng cho thấy là có đến 2/3 số tiền sử dụng công nghệ mà Thái Lan trả cho nước ngoài là do các liên doanh trả cho các công ty mẹ (MNCs). Có điều là các nước ASEAN cũng lo ngại nước ngoài chi phối kinh tế nên họ đưa ra nhiều biện pháp để hạn chế hoạt động của MNCs. Đặc biệt vào đầu thập niên 1970, MNCs cùng với tư bản Hoa kiều trở thành đối tượng phê phán tại ASEAN và các chính sách bảo vệ quyền lợi người bản xứ được nhấn mạnh (Malaixia có chính sách Bumiputra, Indônêxia có chính sách Puribumi, Thái Lan ban hành các đạo luật hạn chế hoạt động của MNCs và hạn chế người nước ngoài làm việc tại các liên doanh v. v...).
2. Giai đoạn từ giữa thập niên 1980 đến nay
Từ giữa thập niên 1980 có 4 yếu tố làm thay đổi tình hình chuyển giao công nghệ tại Đông Á.
Thứ nhất, sau hai cuộc khủng hoảng năng lượng 1973 và 1979, kinh tế thế giới trì trệ kéo dài sang thập niên 1980 và ảnh hưởng không ít đến kinh tế các nước Đông Á. Thêm vào đó, các chính sách hạn chế hoạt động của MNCs làm cho FDI liên tục giảm tại nhiều nước. Mặt khác, từ thập niên 1970, Liên Hiệp Quốc bắt đầu giám sát hoạt động của MNCs trên toàn cầu, MNCs cũng ngày càng cạnh tranh với nhau nên việc giữ thanh danh của mình cũng được chú trọng. Do đó, thế giới không còn thấy những sự kiện do MNCs gây ra ảnh hưởng xấu đến nước đang phát triển. Trước tình hình đó, các nước Đông Á bắt đầu nhận thức được vai trò quan trọng của FDI trong việc giúp tăng cường sức cạnh tranh, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Thứ hai, Thoả thuận Plaza giữa những nước tiên tiến vào tháng 9 năm 1985 làm cho đồng yên của Nhật lên giá đột ngột, kéo theo một làn sóng đầu tư ào ạt ra nước ngoài của xí nghiệp Nhật. Qua FDI công nghệ của Nhật di chuyển nhộn nhịp sang các nước Á châu. FDI của Nhật sang Á châu chỉ trong 4 năm 1986-1989 đã vượt qua tổng ngạch của 35 năm trước đó (1951-1985), và trong 8 năm tiếp theo đã tăng gấp năm lần giai đoạn 1986-1989. Dĩ nhiên giá trị đồng tiền trong mỗi thời kỳ rất khác nhau, không thể so sánh một cách giản đơn, nhưng sự chênh lệch quá lớn về qui mô FDI cũng cho thấy một thay đổi đáng kể giữa các thời kỳ.
Từ giữa thập niên 1980, FDI của Nhật ngày càng tập trung vào những ngành có công nghệ cao, chủ yếu là đồ điện, xe hơi và các loại máy móc khác. Sự phát triển nhộn nhịp của các ngành nầy do FDI thúc đẩy làm tăng nhu cầu của những sản phẩm phụ trợ (supporting industries) như linh kiện, bộ phận, từ đó kéo theo FDI của những công ty nhỏ và vừa của Nhật.
Thứ ba, Đài Loan, Hàn Quốc và các nền công nghiệp mới khác trước đây chủ yếu là nhập khẩu nay đã trở thành những nguồn cung cấp đáng kể về công nghệ. Công nghệ của các nước nầy chủ yếu được chuyển giao theo hình thái FDI [Trần VT 1993]. Chẳng hạn, FDI ra nước ngoài của Đài Loan trước năm 1985 mỗi năm chỉ dưới 50 triệu USD nhưng đã tăng lên trên 100 triệu năm 1987, sau đó liên tục tăng nhanh và đã đạt mức 5-7 tỉ mỗi năm vào cuối thập niên 1990 [Amsden and Chu 2003:11]. Từ năm 1993, FDI ra nước ngoài luôn nhiều hơn FDI từ ngoài vào Đài Loan. Đáng chú ý ở đây là FDI của Đài Loan sang ASEAN, kim ngạch tính gộp từ trước đến cuối năm 1987 chỉ có 86 triệu USD, nhưng vào cuối năm 1993 con số đó đã lên tới 2,3 tỉ. Đầu tư của Đài Loan, Hàn Quốc sang các nước ASEAN phần lớn tập trung trong những ngành dùng nhiều lao động như may mặc, giày dép, chế biến thực phẩm ; nhưng từ giữa thập niên 1990 lan rộng sang những ngành máy móc chủ yếu là đồ điện gia dụng.
Thứ tư, sự xuất hiện của Trung Quốc, một nước lớn, phát triển với tốc độ nhanh làm thay đổi cục diện phía du nhập công nghệ. Trung Quốc cải cách từ 1978 và mở cửa từ 1979 nhưng công nghệ qua hình thái FDI du nhập mạnh mẽ từ cuối thập niên 1980 nhất là từ đầu những năm 1990. Trước năm 1986 mỗi năm Trung Quốc du nhập FDI (tính theo những dự án đã thực hiện) dưới 2 tỉ USD nhưng đã tăng lên đến trên 10 tỉ năm 1992 và trên 40 tỉ từ năm 1996. Tỉ lệ của FDI trong tổng tư bản cố định lên tới trên 15% (vào giữa thập niên 1990 và đầu thập niên 2000). FDI chiếm 27% tổng kim ngạch sản xuất công nghiệp và trên 45% tổng kim ngạch xuất khẩu (tư liệu năm 2000). Các tỉ lệ nầy lớn hơn các nước ASEAN nhiều. Qua FDI, các loại công nghệ cứng và mềm ồ ạt du nhập vào Trung Quốc làm cho nước nầy mau chóng trở thành nhà máy của thế giới (world factory)[5].
Như vậy từ giữa thập niên 1980, FDI là kênh du nhập công nghệ quan trọng nhất tại ASEAN và Trung Quốc. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng trong giai đoạn nầy, FDI đã đóng vai trò chủ đạo trong quá trình tăng trưởng (FDI-led growth) của các nước này. Sự tuần hoàn thuận lợi giữa FDI và xuất khẩu (FDI tăng – các loại công nghệ tiên tiến được du nhập – sức cạnh tranh của hàng công nghiệp tăng - xuất khẩu được đẩy mạnh – FDI lại tăng) làm cho kinh tế phát triển nhanh. Trong giai đoạn nầy, FDI đóng vai trò chủ đạo nhưng các hình thái chuyển giao công nghệ khác như LA, OEM (original equipment manufacturing: MNCs chuyển giao công nghệ cho xí nghiệp bản xứ sản xuất rồi mua về tất cả thành phẩm và bán ra thị trường thế giới với thương hiệu của mình), và uỷ thác sản xuất (gần giống hình thái OEM). Các nước đi sau như ASEAN và Trung Quốc do đó có cơ hội được chọn lựa các nguồn cung cấp rất đa dạng của công nghệ để rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước đi trước.
III. NĂNG LỰC XÃ HỘI Ở ĐÔNG Á
Như vậy công nghệ chuyển giao khá nhộn nhịp ở Đông Á trong mấy thập kỷ qua. Yếu tố nầy chắc chắn đã góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế vùng nầy, một sự phát triển mà Ngân hàng thế giới đánh giá là thần kỳ [World Bank 1993]. Tại từng nước trong vùng, công nghệ du nhập vào nhiều mới đẩy mạnh đầu tư và mới sản xuất được những mặt hàng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Đầu tư và xuất khẩu cùng tăng tạo nên một sự tuần hoàn thuận lợi làm nên sự năng động của kinh tế vùng nầy [Trần VT 1997: 54-56]. Nhưng như đã phân tích ở Tiết I, các nước Đông Á phải có một năng lực xã hội cao mới hấp thu có hiệu quả công nghệ du nhập và mới tạo ra sự tuần hoàn thuận lợi vừa nói. Vì một số yếu tố cấu thành năng lực xã hội không thể kiểm chứng được, và nhất là không thể kiểm chứng tất cả trong một bài viết, dưới đây ta chỉ chọn lựa vài yếu tố để khảo sát.
1. Trình độ giáo dục và nguồn lực con người ở Đông Á
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy giáo dục được chú trọng ở các nước Đông Á. Các chỉ tiêu về giáo dục như tỉ lệ người lớn biết chữ, tỉ lệ người đi học ở bậc trung học, đại học, v.v… rất cao so với các vùng khác. World Bank (1993) cho thấy giữa những nước có cùng trình độ phát triển (đo bằng thu nhập đầu người), trình độ giáo dục ở các nước ở Đông Á cao hơn nhiều, góp phần làm nên sự phát triển thần kỳ ở vùng nầy. Theo ADB (1997), trong giai đoạn 1980-1992, ngân sách chi cho giáo dục đại học tại các nước Đông Á trung bình mỗi năm tăng 7%, vượt xa các nước ở các vùng khác. Do các nỗ lực nầy, vào cuối thập niên 1990, Hàn Quốc và các nước công nghiệp mới khác đã được UNDP (1999) xếp vào nhóm những nước có nguồn nhân lực phát triển cao (high human development), ngang hàng với các nước tiên tiến, và các nước ASEAN và Trung Quốc cũng được xếp vào loại nguồn nhân lực phát triển trung bình (medium human development).
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng giáo dục và các nỗ lực khác nhằm phát triển nguồn nhân lực sẽ làm tăng năng suất lao động và tạo điều kiện để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỉ lệ những ngành có giá trị gia tăng cao và thúc đẩy kinh tế phát triển [6]. Đối với nước đi sau, phát triển nguồn nhân lực là điều kiện để sử dụng công nghệ du nhập có hiệu quả, và rút ngắn khoảng cách với nước đi trước. Theo Rosenberg, nhà nghiên cứu nổi tiếng về lịch sử kinh tế và công nghệ, trong lịch sử phát triển của thế giới, những nước thành công nhất trong việc du nhập công nghệ là những nước mà con người ở đó được chú trọng giáo dục” [Rosenberg 1982: 247-9].
Nói về sự hình thành nguồn nhân lực ở Đông Á cần nhấn mạnh thêm một điểm nữa là vai trò của những nhân tài được đào tạo ở Mỹ và các nước tiên tiến khác. Theo Yasuba (2002), tỉ lệ của số sinh viên đi du học ở các nước tiên tiến trên tổng dân số của các nước Đông Á cao gấp 10 lần so với các khu vực khác (ở Đông Á là 0,122 trên 1000 dân so với 0,014 ở các khu vực khác). Dĩ nhiên số người ở lại làm việc tại nơi du học không phải ít nhưng số người về nước cũng nhiều như ta đã thấy họ đương nắm giữ vai trò quan trọng trong các giới ở Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, v.v…
Dĩ nhiên tại vùng Đông Á, việc hình thành nguồn nhân lực không hoàn toàn giống nhau giữa các nước. Ở cấp tiểu học và trung học, sự khác biệt có lẽ không đáng kể vì ở các cấp bậc nầy, việc tiêu chuẩn hoá nội dung giảng dạy không khó, và, như Low (1998) đã nhấn mạnh, nước nào cũng tiếp cận như nhau với các nguồn tài trợ từ các nước tiên tiến. Tuy nhiên tình hình ở bậc đại học thì không giống nhau. Nước nào có chiến lược, chính sách và định hướng rõ ràng thì nhân tài được cung cấp đủ cho từng giai đoạn của quá trình công nghiệp hoá. Ở điểm nầy Hàn Quốc là nước thành công nhất. Tỉ lệ của sinh viên học các ngành khoa học tự nhiên như cơ khí, điện tử, trong số sinh viên ở nước nầy rất cao. Hàn Quốc cũng là nước thành công nhất trong việc du nhập công nghệ, thay thế nguồn lực kinh doanh nước ngoài bằng nguồn lực của mình (Trần VT 1988, 1992) và do đó rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước đi trước.
Một yếu tố nữa để thành công trong việc hấp thu, tiêu hoá, cải tiến công nghệ được du nhập là nỗ lực nghiên cứu, triển khai (research and development, R&D) của xí nghiệp và chính phủ nước du nhập công nghệ. Các nước Đông Á cũng hơn hẳn các khu vực khác về điểm nầy. Theo Yasuba (2002), tỉ lệ của R&D trong tổng sản phẩm trong nước (GDP) trung bình tại các nước Đông Á trong giai đoạn 1960-1992 là 0,75%, gấp 3 lần các khu vực khác. Đặc biệt Hàn Quốc từ nửa sau thập niên 1980 con số đó đã vượt quá 2%.
2. Hiệu quả ngoại ứng khu vực ở Đông Á
Hiệu quả ngoại ứng (externalities) là hiệu quả tốt gây ra do hành động của một cá nhân hay một xí nghiệp mang lại cho cá nhân hoặc doanh nghiệp khác mà người/doanh nghiệp được hưởng lợi không phải chịu một phí tổn nào. Một thí dụ về hiệu quả nầy: Mỗi ngày nhìn vườn hoa của nhà láng giềng ta cảm thấy thoải mái, vui thích nhưng không tốn công vun trồng hay chăm bón. Khái niệm nầy có thể áp dụng vào quan hệ giữa các nước trong trong cùng một vùng địa lý. Kinh nghiệm của nước lân cận về chính sách, chiến lược phát triển, chiến lược du nhập công nghệ hoặc sự chuyển dịch cơ cấu của nước lân cận có thể đưa lại hiệu quả tốt cho nước khác. Ta có thể gọi đó là hiệu quả ngoại ứng khu vực (regional externalities). Tại vùng Đông Á hiệu quả nầy có thể được xem là mạnh hơn các vùng khác nhiều và góp phần làm cho công nghệ chuyển giao nhộn nhịp và có hiệu quả, bổ sung vào năng lực xã hội của mỗi nước. Hiệu quả nầy có thể được suy luận qua các yếu tố, các hiện tượng sau:
Thứ nhất là hiệu quả biểu hiện (demonstration effect) của các chính sách và kinh nghiệm của nước đi trước trong vùng. Chính sách phát triển công nghiệp, chính sách tổ chức thị trường, mức độ can thiệp của nhà nước vào thị truờng như thế nào để mang lại hiệu quả phát triển? Đây là vấn đề lớn mà nước nào trong quá trình công nghiệp hoá đều gặp phải. Nhiều nước phải mò mẫm và trả giá không nhỏ về thời gian và các nguồn lực. Ở Đông Á rất may là các nước công nghiệp mới như Hàn Quốc, Đài Loan đã tham khảo được kinh nghiệm của Nhật, sau đó các nước ASEAN rồi Trung Quốc, Việt Nam cũng lại tham khảo được kinh nghiệm của Nhật và các nước công nghiệp mới. World Bank (1993) đã tổng kết kinh nghiệm của Đông Á về vai trò của nhà nước bằng thuật ngữ can thiệp một cách thân thiện với thị truờng (market-friendly intervention), ý nói chính phủ có vai trò tích cực nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ cấu thị trường, không chen vào những lãnh vực mà xí nghiệp tư nhân hoạt động có hiệu quả. Kinh nghiệm nầy cũng như những kinh nghiệm khác thật ra không phải diễn ra đồng loạt, đồng thời tại Đông Á mà có sự kế thừa, phát triển kinh nghiệm của các nước đi trước trong vùng. Chính sách thân thiện với thị trường, cụ thể là nhà nước chỉ chú trọng các lãnh vực như giáo dục, đào tạo, nghiên cứu cơ bản, hoàn thiện hệ thống tín dụng, và khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển, khuyến khích FDI, v.v… đã thúc đẩy du nhập, chuyển giao công nghệ trong thời gian qua.
Thứ hai, trong gần 4 thập kỷ qua, qua các hợp tác, giao lưu về học thuật, về kinh tế, kinh doanh, vùng Đông Á trở thành đối tượng thu thập, nghiên cứu, phân tích và phổ biến thông tin kinh tế, kinh doanh rất nhộn nhịp. Hội nghị mậu dịch và phát triển Thái bình dương (PAFTAD), một tổ chức quy tụ các học giả, các nhà nghiên cứu kinh tế trong vùng, hoạt động từ năm 1968 ; Uỷ ban kinh tế Thái bình dương (PBEC), một tổ chức chủ yếu của các nhà doanh nghiệp trong vùng, bắt đầu hoạt động từ năm 1967; Hội nghị hợp tác kinh tế Thái bình dương (PECC), một diễn đàn phi chính thức của học giả, doanh nhân và quan chức của các nước trong vùng, hoạt động từ năm 1980 đến năm 1989 thì thay thế bằng Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á Thái bình dương (APEC), một tổ chức chính thức. Qua các hoạt động nầy thông tin về kinh tế của các nước được phân tích, thảo luận và phổ biến rộng rãi. Hiệu quả của hiện tượng nầy là yếu tố bất xác định và sự rủi ro về môi trường đầu tư trong vùng được giảm xuống, do đó FDI và các hình thái chuyển giao công nghệ khác diễn ra nhộn nhịp.
Thứ ba, sự gần gũi về địa lý, văn hoá giữa các nước và những mạng lưới (network) kinh tế, xã hội ở vùng Đông Á cho phép ta đưa ra một giả thuyết là phí tổn chuyển giao công nghệ của vùng nầy khá nhỏ. Phí tổn chuyển giao không phải là tiền trả cho giá trị sử dụng của công nghệ (royalty) mà là các phí tổn phát sinh khi du nhập, chuyển giao công nghệ đó. Các phí tổn nầy gồm phí tổn truyền đạt nội dung của công nghệ từ công ty cung cấp đến công ty du nhập, phí tổn huấn luyện nhân viên để điều khiển máy móc, thiết bị liên quan đến công nghệ, phí tổn liên lạc, thông tin khi có vấn đề phát sinh mà bên mua cần bên bán giải thích thêm trong quá trình xử dụng công nghệ, v.v… Theo Teece (1977), phí tổn chuyển giao công nghệ này (bình quân của những dự án được đem ra phân tích), lên tới 19% tổng chi phí mà người mua công nghệ phải trả cho người bán. Như vậy, giữa những nước gần gũi về địa lý và văn hoá, phí tổn chuyển giao công nghệ phải nhỏ hơn những nơi khác. Ở Đông Á, dĩ nhiên Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc có đặc tính đó. Mạng lưới người Hoa ở ASEAN cũng có thể có tác dụng giảm phí tổn chuyển giao công nghệ từ Đài Loan, Hong Kong, Singapore. Các mạng lưới thông tin và tổ chức giữa các loại hình doanh nghiệp Nhật Bản (quan hệ giữa các công ty thương mại tổng hợp và công ty sản xuất, quan hệ giữa các xí nghiệp lớn, nhỏ trong các tập đoàn các công ty sản xuất lớn, v.v…) cũng có khuynh hướng làm giảm phí tổn chuyển giao công nghệ ở Đông Á [7].
Từ những nhận xét trên có thể cho rằng hiệu quả ngoại ứng khu vực ở Đông Á cùng với năng lực xã hội ở các nước đã có tác dụng thúc đẩy chuyển giao công nghệ tại vùng nầy trong thời gian qua [8].
Vài lời kết
Trước khi kết luận xin kể vài mẩu chuyện nổi tiếng liên quan đến chủ đề của bài viết nầy:
Tại Nhật, công ty Toyo Rayon, tiền thân của công ty Toray ngày nay, vào thập niên 1930 đã mua công nghệ nylon của Dupont (công ty hóa chất và tơ tổng hợp của Mỹ) bằng một số tiền lớn hơn vốn pháp định của cả công ty. Toray sau đó đã trở thành một trong những công ty sản xuất tơ sợi tổng hợp hàng đầu của thế giới, góp phần quan trọng vào sự phát triển cao độ của kinh tế Nhật từ thập niên 1950. Thông tin về công nghệ nylon thực ra do công ty thương mại tổng hợp Mitsui (Mitsui & Co) phát hiện và cung cấp cho Toray là công ty thành viên trong tập đoàn Mitsui. Vào thập niên 1950, Toray và Teijin (một công ty tơ sợi tổng hợp lớn khác) cạnh tranh nhau để du nhập công nghệ polyester của ICI (công ty hoá chất và tơ sợi tổng hợp của Anh). Lo ngại rằng cả hai công ty sẽ bất lợi khi cùng tranh nhau một nguồn công nghệ, Bộ công nghiệp và thương mại (MITI) đã đứng ra dàn xếp để Toray và Teijin cùng đi thương lượng, kết cuộc họ đã thành công trong việc ký hợp đồng công nghệ có lợi cho phía Nhật [Ozawa 1980].
Kinh nghiệm của Hàn Quốc cũng rất hay. POSCO (Pohan Steel Corporation) hiện nay là công ty thép lớn thứ tư trên thế giới với sản lượng gần 30 triệu tấn/năm là một câu chuyện cho thấy nỗ lực và thành quả rất ngoạn mục trong việc hấp thu công nghệ nước ngoài của Hàn Quốc. Du nhập công nghệ từ Nhật đầu thập niên 1970, công ty bắt đầu sản xuất năm 1973, sau đó nhiều lần mở rộng nhà máy, tăng năng lực sản xuất và cứ mỗi lần tăng thiết bị là mỗi lần thay thế chuyên viên, kỹ sư người nước ngoài bằng người nước mình. Cứ mỗi tấn thép sản xuất năm 1973 Hàn Quốc phải trả cho chuyên viên, kỹ sư nước ngoài 6,13 USD, nhưng số tiền nầy giảm dần còn 3,81 USD rồi 2,42 USD và đến năm 1981 chỉ còn 0,12 USD. Cần nói thêm là từ 1973 đến 1981 năng lực sản xuất thép của POSCO đã tăng từ 1 triệu lên 8,5 triệu tấn/năm [Westphal et al. 1985]. Còn rất nhiều câu chuyện tương tự trong lịch sử phát triển hiện đại của Hàn Quốc [9].
Gần đây nhất là kinh nghiệm của Thái Lan. Vào giữa thập niên 1980, sau khi đồng yên lên giá đột ngột, Thái Lan dự đoán sẽ có một làn sóng đầu tư (FDI) mới phát sinh từ Nhật. Lãnh đạo chính phủ và quan chức Thái Lan đã chuẩn bị đón làn sóng đó để dùng công nghệ và tư bản Nhật làm chuyển dịch cơ cấu công nghịệp nước mình từ thay thế nhập khẩu sang hướng về xuất khẩu. Ngoài việc hiệu suất hoá bộ máy hành chánh, tăng cường nhân viên giỏi tiếng Nhật và hiểu văn hoá Nhật vào cơ quan phụ trách FDI là Tổng cục đầu tư (Board of Invesment), v.v…, chính Thủ tướng Thái đích thân gặp lãnh đạo các công ty lớn của Nhật để tiếp thị trực tiếp. Một trong những thành quả đáng chú ý của nỗ lực tiếp thị trực tiếp nầy là hiện nay Thái Lan đã xây dựng được ngành ô tô lớn mạnh ở Á châu, chỉ sau Nhật và Hàn Quốc.
Các câu chuyện trên đây bổ sung cho những phân tích trong bài viết nầy. Có thể tóm tắt hai kết luận. Thứ nhất, các nước đi sau trong quá trình công nghiệp hoá cần tận dụng công nghệ của nước đi trước mới rút ngắn khoảng cách phát triển. Hình thái du nhập, chuyển giao công nghệ và các chủ thể cung cấp công nghệ ở mỗi thời đại có khác nhau nên chính sách du nhập cũng phải tương thích với điều kiện cung, cầu của mỗi thời đại. Thứ hai, để chọn lựa công nghệ thích hợp với nhu cầu phát triển của nước mình và để công nghệ du nhập được sử dụng có hiệu quả và bén rễ, lan rộng trong nền kinh tế, nước du nhập công nghệ phải có một năng lực xã hội cao. Một nhà nước có khả năng nhìn xa trông rộng, nhiều nhà kinh doanh bản xứ có tinh thần doanh nghiệp, đội ngũ lao động mà trình độ giáo dục luôn được nâng cao, v.v… là những yếu tố tối thiểu cần thiết. Cả xã hội hướng vào một mục tiêu là phải phát triển nhanh để rút ngắn khoảng cách với các nước đi trước. Để đạt mục tiêu nầy, song song với phát huy nội lực (năng lực xã hội) phải biết tận dụng ngoại lực mà công nghệ là một thành tố quan trọng [10].
* Giáo sư Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản
Chú thích:
[1] Liên quan chuyển giao công nghệ có một số kênh khác như: Uỷ thác sản xuất là hình thái trong đó MNCs đặt hàng cho các công ty tại các nước đang phát triển sản xuất để xuất khẩu và trong quá trình đó chuyển giao các công nghệ cần thiết để đảm bảo chất lượng và giảm giá thành ; xây dựng-vận hành và chuyển giao (Build-Operation-Transfer, BOT) là hình thức xí nghiệp nước ngoài chịu trách nhiệm việc xây dựng và vận hành dự án, sau khi thu hồi vốn và lời sẽ chuyển giao toàn bộ cho chính phủ nước đang phát triển (hình thức nầy thường thấy trong trường hợp xây dựng các dự án về cơ sở hạ tầng như cầu, đường,..).
[2] Về chi tiết, xem Trần VT (1997), tr. 153-157 và Trần VT (2004). Ý tưởng nầy được tác giả phát biểu lần đầu bằng tiếng Nhật trong [Tran VT (1992)].
[3] Có lẽ Simon Kuznets là người đâu tiên nhấn mạnh sự quan trọng của năng lực xã hội trong việc du nhập, vay mượn công nghệ nước ngoài tuy ông không trực tiếp dùng thuật ngữ đó mà nói về năng lực vay mượn và chuyển hoán công nghệ (capacity to borrow and transform), năng lực cải tiến công nghệ (capacity for modification), v.v... Xem Kuznets (1968), pp. 388-395. Kuznets phát biểu ý tưởng nầy trong phần tổng kết của một hội thảo về kinh nghiệm phát triển kinh tế Nhật Bản từ thời đại Minh Trị, tổ chức tại Tokyo vào năm 1966. Các bản báo cáo trong hội thảo đã được biên tập và xuất bản (Klein and Ohkawa 1968). Moses Abramovitz, Kazushi Ohkawa, Henry Rososky và nhiều học giả tên tuổi đã tham dự hội thảo và có lẽ đã chịu ảnh hưởng của Kuznets nên sau nầy đã trích dẫn khá nhiều ý kiến của Kuznets (1968) khi bàn về năng lực xã hội và du nhập công nghệ. Xem Ohkawa and Rososky [1973: Ch. 8], Ohkawa and Kohama [1989: 205-208] and Abramovits [1989: 222-5].
[4] Bài viết nầy chủ yếu chỉ bàn về hiệu quả của các hình thái chuyển giao công nghệ và kết nối với vấn đề năng lực xã hội. Để có một cái nhìn toàn diện, bao quát và chi tiết về vấn đề chuyển giao công nghệ tại Á châu, có thể xem Enos (1989) và Enos et al. (1997).
[5] Trong lịch sử kinh tế thế giới cho đến nay có 3 nước được xem là world factory nhưng vai trò của công nghệ được du nhập hoàn toàn khác. Nước Anh ở thế kỷ 19 hầu như không du nhập công nghệ mà tự mình khám phá, khai thác. Nước Nhật ở nửa sau thế kỷ 20 thì tuỳ thuộc nhiều vào công nghệ du nhập nhưng theo hình thái LA là chính (chỉ du nhập công nghệ sản xuất). Nhưng Trung Quốc từ thập niên 1980, nhất là sau năm 1990 thì du nhập ồ ạt cả công nghệ sản xuất và tri thức quản lý, kinh doanh (qua hình thái FDI). Nhờ lợi thế của nước đi sau thể hiện qua các hình thái du nhập công nghệ, công nghiệp của Nhật phát triển nhanh hơn Anh, và Trung Quốc gần đây tăng nhanh với tốc độ cao hơn Nhật trong giai đoạn 1950-1970.
[6] Gannicot (1990) là luận văn bao quát về giáo dục nhìn từ phương diện kinh tế học. Low (1998) giới thiệu các luận điểm liên quan giữa phát triển nguồn nhân lực với phát triển kinh tế tại vùng châu Á Thái bình dương.
[7] Sau khi đồng yên lên giá đột ngột vào cuối năm 1985, rất nhiều công ty Nhật lần đầu tiên triển khai FDI ở ASEAN nhưng họ biết lợi dụng những quan hệ với những công ty cùng tập đoàn ở Nhật đã có kinh nghiệm đầu tư ở vùng nầy nên tiết kiệm được phí tổn điều tra ban đầu và nhiều phí tổn khác. Giao lưu nhân sự (người của công ty nầy sang làm việc ở công ty kia trong một số năm) là một trong những hình thái tiết kiệm được phí tổn chuyển giao công nghệ của MNCs Nhật Bản. Tác giả giới thiệu nhiều trường hợp tương tự trong [Trần VT (1988a)].
[8] Một năm sau khi Ngân hàng thế giới (World Bank 1993) công bố bản báo cáo về sự thần kỳ Đông Á, Krugman (1994) đã đưa ra nghi vấn về chất lượng tăng trưởng của khu vực nầy. Ông ta cho rằng các nước Đông Á, trừ Nhật Bản, trong thời gian qua phát triển nhanh nhưng không có hiệu suất, vì phát triển chủ yếu do sự huy động đầu nhập, đặc biệt là tư bản, chứ không phải nhờ tiến bộ về công nghệ. Người viết đã có dịp bàn về vấn đề nầy và kết luận rằng ý kiến của Krugman không có sức thuyết phục. Xem [Trần VT (1997), Ch. 2]. Chen (1997) đặc biệt bàn sâu về phương pháp tiếp cận vấn đề và cũng không đồng ý với Krugman.
[9] Tác giả có dịp điều tra, phân tích truờng hợp tương tự của quá trình phát triển ngành tơ sợi tổng hợp tại Hàn Quốc [Tran 1988].
[10] Bài nầy không có điều kiện bàn về trường hợp của Việt Nam. Độc giả có thể xem bài viết gần đây của tác giả bàn riêng về nội lực và ngoại lực ở Việt Nam [Trần VT (2004)].
Tư liệu trích dẫn:
Abramovitz, Moses, Thinking about Growth and Other Essays on Economic Growth and Welfare, Cambridge University Press, 1989.
Amsden, Alice H. and Wan-wen Chu, Beyond Late Development: Taiwan’s Upgrading Policies, MIT Press, 2003.
Asian Development Bank (ADB), Emerging Asia: Changes and Challenges, Manila: ADB, 1997.
Chen, Edward K. Y., “The Total Productivity Debate: Determinants of Economic Growth in East Asia,” Asian Pacific Economic Literature, 11 (1): pp.18-38, 1997.
Enos, J. L., “Transfer of Technology,” Asian-Pacific Economic Literature, Vol. 3, No. 1, March, pp. 3-37, 1989.
Enos, John, Sanjaya Lall aand Mikyung Yun, “Transfer of Technology: An Update,” Asian-Pacific Economic Literature, Vol. 11, No. 1, May, pp. 56-66, 1997.
ESCAP, Costs and Conditions of Technology Transfer through Transnational Corporations, Bangkok: ESCAP/UNCTC Publication Series B No. 3, 1984.
Gannicott, K., “The Economics of Education in Asian-Pacific Developing Countries,” Asian-Pacific Economic Literature, Vol. 4, No. 1, March, pp. 41-64, 1990.
Kirchbach, F. V., Economic Policies Towards Transnational Corporations, Baden –Baden: Nomos Verlagsgesellshaft, 1983.
Klein, Lawrence and Kazushi Ohkawa, eds., Economic Growth: The Japanese Experience since the Meiji Era, Illinois: Richard D. Irwin, Inc. (A publication of the Economic Growth Center, Yale University), 1968.
Kosai, Yutaka and Tran Van Tho, “Japan and Industrialization in Asia: An Essay in Memory of Dr. Saburo Okita,” Journal of Asian Economics, 5 (2): pp.155-176, 1994.
Krugman, Paul, “The Myth of Asia’s Miracle,” Foreign Affairs, 73 (November/December): pp.62-78, 1994.
Kuznets, Simon, “Notes on Japan’s Economic Growth” in Klein-Ohkawa, eds., pp.385-422, 1968.
Low, Linda, “Human Resource Development in the Asia-Pacific”, Asian-Pacific Economic Literature, 12 (1): pp. 27-40, 1998.
Ohkawa, Kazushi and Henry Rosovsky, Japanese Economic Growth: Trend Acceleration in the Twentieth Century, Stanford: Stanford University Press, 1973.
Ohkawa, Kazushi and Hirohisa Kohama, Lectures on Developing Economies: Japan’s Experience and Its Relevance, Tokyo: University of Tokyo Press, 1989.
Oman, Charles, New Forms of International Investment in Developing Countries, Paris: OECD Development Center Studies, 1984.
Ozawa Terutomo. "Government control over technology acquisition and firm's entry into new sectors: the experience of Japan's synthetic fibre industry", Cambridge Journal of Economics, 4, pp.133-146.
Rosenberg, Nathan, Inside the Black Box: Technology and Economics, Cambridge University Press, 1982.
Teece, David J., “Technology Transfer by Multinational Firms: The Resource Cost of Transferring Technological Knowhow,” Economic Journal 87 (June): pp. 242-61, 1977.
Tran Van Tho, “Foreign Capital and Technology in the Process of Catching up by the Developing Countries: The Experience of the Synthetic Fiber Industry in the Republic of Korea,” The Developing Economies XXVI (4): pp.386-402, 1988.
Tran Van Tho, Sango-hatten to Takokusekikigyo: Ajia-Taiheiyo Dainamizumu no Jisshokenkyu (Phát triển công nghiệp và các công ty đa quốc gia: Kiểm chứng tính năng động của vùng châu Á Thái bình dương), Tokyo: Toyokeizaishinposha, 1992.
Tran Van Tho, “Technology Transfer in the Asian Pacific Region: Implications of Trends since the Mid-1980s,” in. Trade and Protectionism. eds. by Ito and Krueger, The University of Chicago Press, pp. 243-268, 1993.
Trần Văn Thọ, Công nghiệp hoá Việt Nam trong thời đại châu Á - Thái bình dương, NXB TP Hồ Chí Minh, Thời báo kinh tế Saigon và VAPEC, 1997.
UNDP, Human Development Report, United Nations Development Program, published by Oxford University Press, 1999.
Watanabe, Toshio, Ajia Chushinkoku no Chosen (Thách thức từ các nước vừa mới phát triển ở Á châu), Tokyo: Nihon Keizai Shinbun-sha, 1979.
World Bank, The East Asian Miracle: Economic Growth and Public Policy, Oxford University Press, 1993.
Westphal, L.E., L. Kim and C.J. Dahlman, "Reflections on the Republic of Korea's Acquisition of Technology Capability", in Rosenberg, N. and C; Friskchtak eds., International Technology Transfert: Concepts, Measures, and Comparisons, Praeger Publishers, 1985.
Yasuba Yasukichi, Tonan Ajia no Keizaihatten: Keizaigakusha no Shogen (Phát triển kinh tế tại Đông Nam Á: Lời chứng của nhà kinh tế), Tokyo: Minerva-shobo, 2002.