Cuộc sống quanh ta

Dân tộc từ những trải nghiệm riêng tư

Lựa chọn tên gọi “Gia đình, bạn bè và đất nước tôi” để đặt tên cho hồi ký được hoàn thành ở tuổi 80 (2008) (Nxb Tri thức ấn hành năm 2012), hẳn nguyên Phó Chủ tịch nước, nữ bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên ở Việt nam, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tại Paris Nguyễn Thị Bình đã có những dụng ý riêng trong biểu đạt. Không chỉ giản dị, gần gũi với tất cả, tên gọi của cuốn sách còn cho thấy cách triển khai đi từ không gian của tình thân đến các mối quan hệ xã hội, những yếu tố định hình nên nhân cách cá nhân. Nói cụ thể hơn, ấy là cá nhân Nguyễn Thị Bình.

Cách tiếp cận ấy của tác giả đã thực sự thuyết phục bạn đọc, bởi lẽ, thật khó để có thể nhìn thấy một bóng dáng Việt Nam khác với sử sách nếu như tác giả vẫn chọn cách tiếp cận theo cảm hứng oai hùng. Nghĩa là, sách của tác giả chẳng là một sự bổ sung nào đáng kể trong góc nhìn về đất nước thời chiến tranh. Tâm tình trong chiêm nghiệm, bà Bình đã phơi trải trong trang viết một Việt Nam hiền hòa, thân thiện nhưng cũng rất linh hoạt, cứng rắn và kiên cường. 14 phần của cuốn sách được mở đầu bằng hai phần rất đỗi riêng tư: “quê hương” và “tuổi thơ”. Ấy là quê hương riêng, tuổi thơ riêng, nhưng phong vị của nó lại là dân tộc. Nói thế để thấy, xứ Quảng “quê hương tôi không giàu nhưng thật phong phú: những đồng lúa xanh ngát, dòng sông giăng khắp” đã gợi nhắc đến một Việt Nam hiền hòa, đáng yêu trong lòng tất cả. Chính bởi vậy, cùng với truyền thống gia đình và tình cảm ba mẹ, anh chị em, bà Bình đã tự nhận “tôi là người hạnh phúc”. Cái hạnh phúc ấy như một biện pháp cấu trúc tác phẩm để nhấn mạnh tới nỗi đau chiến tranh ngay khi bà hồi tưởng lại quê cũ. “Năm 1975, khi miền Nam vừa được giải phóng, trở về thăm quê, tôi xót xa trước cảnh xóm làng bị tàn phá, ủi trắng, san bằng do chủ trương “tự do hủy diệt” của quân Mỹ và chính quyền miền Nam” và: “trên 7.000 bà mẹ anh hùng của Quảng Nam – Đà Nẵng (…) chiếm hơn một phần tư số bà mẹ anh hùng trong cả nước được biểu dương”. Ở phần sau, trang 56, bà lại viết “tôi thật không tưởng tượng nổi con người lại có thể bạo tàn với đồng loại như thế”.

Chiến tranh là thế, gieo rắc nỗi đau day dứt đến muôn đời. Chuyển trạng thái từ hòa bình sang chiến tranh, người Việt Nam đã làm nên sức mạnh phi thường. 6 phần tiếp theo của hồi ký, tác giả tái hiện chiến tranh nhân dân dưới góc nhìn của một người tham gia trên mặt trận ngoại giao. Ở mặt trận này, qua lời kể của bà Bình, dầu không súng đạn nhưng vô cùng cam go, căng thẳng. Từ năm 1962, bà Bình đã thường xuyên đi hoạt động quốc tế, dự các hội nghị, thực hiện các cuộc viếng thăm nhiều nước từ Á, Âu, Phi đến Mỹ - La tinh. Đặc biệt, dấu ấn lớn nhất trong cuộc đời bà Bình là đàm phán lịch sử ở Paris nhằm chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam. Bà Bình viết: “Đây có lẽ là cuộc đàm phán dài nhất trong lịch sử thế giới, bắt đầu tháng 11/1968, kết thúc ngày 27/1/1973. Khi rời Hà Nội lên đường cuối tháng 10/1968, tôi không ngờ nó sẽ kéo dài đến thế”. Trong thời gian đó, phía chúng ta đã có những cuộc đấu tranh cam go với phía Mỹ và ngụy. Không chỉ những điều khoản cụ thể trong hiệp định mà ngay cả việc đấu tranh “Mỹ cho rằng Mặt trận là người của miền Bắc, là cộng sản muốn lật đổ quốc gia ở Miền Nam. Ta nói rằng chính quyền Sài Gòn là do Mỹ dựng lên, là tay sai của Mỹ” cũng diễn ra căng thẳng, vì thực chất đấy là cuộc đấu tranh 4 bên hay 2 bên.

Hiệp định Paris được ký kết nhưng chiến tranh vẫn kéo dài. Lúc này, bà Bình cùng cộng sự tiếp tục đấu tranh vạch trần âm mưu của Mỹ giúp chính quyền Sài Gòn vi phạm Hiệp định, gây tội ác với nhân dân, đồng thời tích cực vận động các nước công nhận ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam. Trên đường đi Campuchia dọc theo đường Hồ Chí Minh vào năm 1974, bà Bình kể: “vừa bắt đầu con đường lịch sử này đã thấy một hàng chữ to xếp trên vách núi gây xúc động: xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “tôi ấn tượng với các cuộc gặp gỡ với hàng trăm cô gái thanh niên xung phong… nhìn các cô gái độ tuổi hai mươi lem luốc, vừa đào đào bới bới, vừa cười cười nói nói, không nghĩ đến nguy nan, lòng tôi se lại”. Ấn tượng của người chiến đấu “không dùng súng” cũng sâu đậm khi chính bà chứng kiến cảnh chiến đấu, hi sinh của bộ đội: “nhìn các chiến sỹ, hầu hết còn trẻ măng, tôi thương vô cùng. Nếu không có chiến tranh, hẳn những chàng trai trẻ ấy đã có thể là sinh viên, hay công nhân, nông dân đang học tập, lao động ở một nơi nào đó trên quê hương”. Với chiến lược đấu tranh bền bỉ, kiên trì trên các mặt trận, cuối cùng việc phải đến cũng đã đến. Trong tâm trạng sướng vui, hạnh phúc, bà Bình viết ở trang 156: “(…) như một cái tin sét đánh! Các đài, thông tấn báo chí thế giới đều đưa tin: Sài Gòn thất thủ! “Việt cộng” đã chiến thắng! Nhân dân cả nước ra đường, ôm nhau mà khóc, những giọt nước mắt vui sướng!”. Bà Bình tiếp tục kể, khi có nhà báo nước ngoài hỏi nhờ đâu mà Việt Nam chiến thắng, bà đã trả lời: “Có ba điều: chúng tôi có Hồ Chí Minh, lãnh tụ xuất chúng của Việt Nam đã suốt đời phục vụ sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho đất nước; chúng tôi có sự đoàn kết dân tộc rất mạnh mẽ; chúng tôi có miền Bắc một nửa đất nước XHCN làm hậu phương lớn vững chắc”. Trong hồi ký, bà Bình cũng đã giành những lời xúc động để bày tỏ tình cảm giành cho những người bạn nước ngoài luôn ủng hộ Việt Nam, trong đó có những người Mỹ phản đối chiến tranh mà Mỹ áp dụng tại Việt Nam. “Tôi mong muốn nhân dân ta mãi mãi ghi nhớ tên tuổi của 10 người Mỹ, trong đó có 5 thanh niên đã dùng lửa tự thiêu để nói lên sự phẫn uất của đông đảo nhân dân Mỹ đối với cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam”.

Đặc biệt, ở phần “Những điều tôi nghĩ có trách nhiệm phải nói rõ hơn”, tác giả Nguyễn Thị Bình đã đề cập đến lực lượng thứ ba, nói về hòa giải, hòa hợp dân tộc. Trong thời gian chiến tranh, theo lời bà Bình, nhiều tổ chức chính trị đã được thành lập để đòi Tổng thống Thiệu phải thi hành hiệp định, đòi thực hiện hòa giải, hòa hợp dân tộc, đòi Thiệu từ chức. Bà cũng giành những lời kể chi tiết về các nhân vật trong lực lượng thứ ba như luật sư Ngô Bá Thành – lãnh đạo phong trào phụ nữ đòi quyền sống, luật sư Trần Ngọc Liễng – thành lập tổ chức Nhân dân đòi thi hành Hiệp định; các trí thức Lý Chánh Trung, linh mục Nguyễn Ngọc Lan, đại biểu Hồ Ngọc Nhuận, Dương Văn Ba, Ngô Công Đức, Lý Quí Chung… đều là những người có quan niệm “đứng giữa”, đứng ra hòa giải. Bà Bình cũng giành rất nhiều trang viết về hoạt động của lực lượng thứ ba tại Paris trong nỗ lực đòi Mỹ phải từ bỏ Thiệu, tổ chức “Ngày hướng về Miền Nam”.

Đặc biệt, hồi ký có những trang đặc biệt khi nói về Dương Văn Minh và nhóm của ông. Hồi ký đặt câu hỏi tại trang 207: “Tại sao ông Dương Văn Minh và nhóm của ông thay vì đứng trên lập trường lực lượng thứ ba lại đứng ra thay thế chính quyền Thiệu, thành lập nội các Dương Văn Minh ngay ngày quân ta triển khai Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng Sài Gòn?”. Trong khả năng suy sụp của chính quyền Thiệu được dự báo từ năm 1974, “nhóm Dương văn Minh đề xuất phải đứng ra lật đổ Thiệu, thành lập nội các hòa bình, thương lượng với Chính phủ Cách mạng lâm thời để chấm dứt chiến tranh”. “… đầu tháng 4/1975, họ mới công khai công bố quyết định ra thay Thiệu cho dù phải “cầm cờ trắng” đầu hàng để chấm dứt chiến tranh”. Bà Bình cũng nêu những đánh giá trong một văn bản của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tuyên bố của Dương Văn Minh là “có tác dụng nhất định, làm giảm ý chí đề kháng của đại bội phận quân đội Sài Gòn vào giờ chót của chiến tranh, tạo điều kiện cho quân ta tiến nhanh giải phóng Sài Gòn”. Theo bà, đó là đánh giá thỏa đáng, nhưng nếu nghiên cứu lí lịch cụ thể, thì hành động của Dương Văn Minh là “thức thời và thể hiện ông là người có lòng yêu nước”. Trong sáng 30/4, ông Dương Văn Minh cũng đã khước từ lời gạ gẫm của tình báo Pháp Vanuxem khi khuyên ông nên kêu gọi Trung Quốc can thiệp. Sau khi tình báo Pháp đi, ông đã nói: “Chúng ta đã làm tay sai cho Pháp, cho Mỹ quá đủ rồi, không thể tiếp tục làm tai sai cho kẻ khác nữa”. Từ những tài liệu có được, hồi ký viết: “Tôi cho rằng không nên tách ông Dương Văn Minh và nội các của ông ra khỏi nhóm Dương Văn Minh mà 80% là những người có quan hệ trực tiếp hay gián tiếp, thậm chí là cơ sở của cách mạng trong thành phố Sài Gòn”. Theo bà Bình, “chúng ta cần làm nhiều hơn để hàn gắn vết thương chiến tranh. Không những thế, cần có sự đánh giá công khai và chính thức về sự đóng góp của mỗi người trong chiến thắng vĩ đại của dân tộc vừa qua, kể cả những người tham gia trong các lực lượng đối lập với chính quyền tay sai của Mỹ ở Sài Gòn, và xét việc khen thưởng đối với người có công” (tr.212).

Khép lại cuốn hồi ký được viết từ năm 2007 là 4 phần nói về các hoạt động của cá nhân sau 1976 như tham gia trong ngành Giáo dục, Ngoại giao, trở thành Phó Chủ tịch nước và các cuộc gặp gỡ khi đã về hưu. Bằng tâm sự riêng tư, bà đã thể hiện những cảm xúc gắn với các giai đoạn khó khăn sau giải phóng của đất nước. Tiếp nối tâm niệm với đất nước, với nhân lực Việt Nam, năm 2006, bà trở thành Chủ tịch quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh – quỹ mang tên người ông ngoại của bà, người đã dồn tâm huyết thực hiện khẩu hiệu còn nguyên giá trị đến hôm nay: “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Đó lại là một đóng góp khác của bà Nguyễn Thị Bình trên khía cạnh người trí thức.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443647

Hôm nay

2205

Hôm qua

2333

Tuần này

21460

Tháng này

218821

Tháng qua

112676

Tất cả

114443647