Cuộc sống quanh ta

Kỳ- Dị- Nhân Trần Côn và bài học về tình người

Tôi muốn thắp một nén hương cho anh trước khi kể những chuyện này nhưng không biết bây giờ linh hồn anh đang phiêu diêu nơi nào. Anh, "người lữ hành kỳ dị" đã độc hành suốt một đời như bị giời đầy, đi, đi mãi nhưng không bao giờ tới đích. Tôi biết về anh ít hơn Yên Mạc Phạm Thành Hưng nhưng, như người ta thường nói, " câm hay ngóng, ngọng hay nói" nên biết đến đâu, xin kể đến đấy. Anh là người vốn ít nói nên có thể, thấy anh như thế, tưởng thế nhưng không phải vậy.

Anh người miền Nam. Anh đã có lần kể cho tôi nghe anh là anh em họ với nhà thơ Trần Quang Long- người đã viết những câu thơ nóng bỏng tinh thần thanh niên học đường Sài Gòn những ngày xuống đường bảo vệ văn hoá dân tộc trong "Thưa Mẹ trái tim" gần 50 năm về trước: "Con sẽ mài thơ như kiếm / Chặt đầu văn nghệ tay sai". Nhưng một dị nhân khoa Ngữ văn khác là Hoàng Nghĩa Lễ lại quả quyết với Yên Mạc, Trần thúc Việt, Thái Ngụ và tôi là anh người Tây Nguyên, tên là Ya Jud hay Ạ Jut gì đó. Thế là đời anh lại thêm một điều bí ẩn chưa được giải nữa. Tôi chưa kiểm chứng được điều này nên cứ kể về anh như những gì tôi biết.

Anh được gọi vào đại học từ năm 1961 sau khi tốt nghiệp trường Học sinh miền Nam ở Hải Phòng. Nhưng, vốn nghĩ khác người, anh để ra gần mười năm đi " lấy vốn sống" theo kiểu đi thực tế của nhà văn. Bây giờ, nói ra mấy từ " đi thực tế" nhiều người không hiểu nó mang ý nghĩa gì. Những năm ấy ai cũng nghĩ những người học ở khoa Ngữ văn đều là những " tài năng to tướng" cả, học xong đều là những người làm văn chương nên rất cần đi thực tế thu thập thêm vốn sống, để hiểu cuộc đời. Chắc cũng nghĩ thế nên anh đã để ra hơn 7 năm đi khắp nơi hiểu cuộc sống của mọi người, hiểu xã hội.
Mãi năm 1969 anh mới vào học khoá 14 khoa Ngữ văn. Anh có giọng ca hay lắm. Gần như những sinh hoạt chung nào anh cũng ca bài chòi "Mẹ Suốt" hoặc hát một vài câu lý Nam Bộ. Chúng tôi ngưỡng mộ anh bởi anh lịch lãm, hiểu biết và có tài.

Nhưng, rồi một sự cố đáng tiếc xảy ra. Nếu bây giờ những chuyện như vậy sẽ chẳng có gì đáng nói nhưng thời ấy thì to chuyện. Anh kiên quyết không nhận lỗi vì cho rằng mình không có lỗi còn tập thể thì cho rằng anh có lỗi, ngoan cố không chịu nhận. Người ta yêu cầu anh kiểm điểm. Anh rút dao găm bên người ra tuyên bố: " kiểm điểm của tôi đây" rồi đâm thẳng vào tay trái của mình trong một cuộc họp lớp. Người ta đưa anh đi trạm xá, băng lại nhưng vết thương lòng trong anh không lành. Anh trở thành người ghét đời, lánh đời. Anh suốt ngày âm thầm đi lại, sống một mình. Người cao to, tay quấn băng đeo trên cổ. Anh đọng lại trong chúng tôi một cái gì hơi kỳ dị, bí ẩn. Anh xa dần đời hay đời xa anh, tôi không biết. Được một thời gian anh xin nghỉ học.
Mấy năm sau anh mới trở lại trường, khi chiến tranh đã kết thúc. Lúc này, trên nhà vệ sinh tầng 4, C3 (đã bỏ từ lâu) có các anh Đào Anh San, Nguyễn Thế Tường và Yên Mạc Phạm Thành Hưng- ba cựu chiến binh, nguyên sinh viên khoá 14,15, sau khi đã hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ trai thời loạn về học lại với K. 18 ở. Chỉ có ba người có " biên chế chính thức" ấy có giường sắt ở phía ngoài. Trần Côn nằm trên mấy tấm cánh cửa, gác trên bức tường của nhà vệ sinh và tôi- mới ra trường, chưa có chỗ ở, tá túc cạnh đó. Có hôm, anh vừa xay cà fe vừa bảo tôi: " Tao như ông già thời gian, cứ xoay cái cối xay thời gian như thế thôi". Rồi cười. Tiếng cười khô khốc. Anh tức cảnh: "Trần Côn khổ nhất trần đời/ Sống nơi trần tục ở nơi trần nhà". Các anh kia đi học cả. Tôi thì nằm vỗ bụng, đói, chẳng thiết cái gì khác ngoài lo nghĩ đến việc làm sao để tồn tại và anh, chẳng có việc gì làm, không biết đời sẽ đi đến đâu trong cái " tổ đại bàng rù" ấy. Hai anh em rỗi việc, lại thấy tôi cũng biết nghe, anh kể rằng: hết chiến tranh, anh về Nam. Khi bạn bè, người thân hỏi anh đã làm gì ở miền Bắc bằng ấy năm, đã học hành được gì, anh giật mình. Anh bảo tôi: " Anh quay lại để lấy cái bằng rồi về quê, làm gì cũng được. Không có bằng, họ bảo miền Bắc nuôi mày bằng ấy năm mà mày không nên người à?" Anh coi đó là món nợ nên mới quay lại sống vạ vật như vậy. Lúc đó, tôi cũng còn trẻ, lại trẻ con nên cũng chỉ biết nghe thế, thấy thương anh chứ chả biết làm gì. Tôi không lo nổi cho tôi, đã có quyết định ở lại trường làm cán bộ rồi mà vẫn ở trên nóc nhà vệ sinh thì còn nói nỗi gì?

Bạn bè ra trường hết rồi, anh không quen ai. Ăn thì vẫn ăn tập thể, học bổng nộp vào bếp ăn nên ngày nào cũng có ăn dù chỉ lưng lửng dạ dày. Anh vẫn ở một mình trên " tổ đại bàng" hay gác xép nào đó, tôi không nhớ. Sau một sự cố nữa( tôi không biết ai đúng) anh đâm ra chán đời, thành người lập dị. Anh để râu, tóc dài. Câu thơ " Anh chống gậy bước lên bờ tình ái" và " Anh để râu dài cho mặt bớt cô đơn" theo tôi nhớ là thơ của anh nhưng không phải là hai câu liên tục. Anh cứ đi lại trong ký túc xá như thế, ngày nào cũng như ngày nào, một mình, lặng lẽ, miệng luôn lầm bầm điều gì đó. Có câu này nữa, chắc ít người nghe. Hồi ấy, có một anh cán bộ đoàn cứ mở miệng ra là nói câu" ngọn lửa lý tưởng trong chúng ta". Anh ấy cũng nghiện thuốc. Có hôm thấy Trần Côn hút thuốc, anh ta xin lửa, anh Côn đọc luôn câu" Ngọn lửa lý tưởng trong tim/ Bật lên mà hút, xin diêm làm gì" và dứt khoát không cho anh kia lửa.

Hình như anh nợ một hai môn gì đó nên không được tốt nghiệp. Khi thi chuyên đề chuyện cổ tích của GS Đinh Gia Khánh, thay vì phải viết về loại hình, motip truyện, vay mượn cốt truyện v.v..., anh viết luôn một bài thơ dài kể chuyện Bác Hồ giúp một cháu bé và cháu bé cứ ngỡ một ông tiên râu dài đã bất ngờ hiện ra giúp đỡ mình. Tôi hỏi anh sao làm thế, anh bảo: " Tao có học gì đâu mà biết viết thế nào. Thôi đành tưởng tượng ra chuyện ấy và viết dưới dạng chuyện cổ tích bằng thơ. Thế mà thầy vẫn cho tao qua đấy"...Tôi không biết chuyện khác thế nào nhưng tôi nhớ, trong một lần họp tổ, các thầy bàn chuyện để anh có điều kiện ra trường nên bộ môn giao cho thầy Lê Đình Kỵ gọi anh lên, viết một cái gì đó tàm tạm rồi cho anh bảo vệ. Anh đã qua được chuyện này nhưng không thể tốt nghiệp, nhận bằng vì môn thi quốc gia Mác Lê Nin anh không làm được bài. Học nhiều mà vẫn còn trượt nữa là anh, người không có chữ nào trong đầu. Thế là anh viết mấy câu" Đại hội 4 rốn tiền đồ/ Lê nin, Lê Duẩn, Bác Hồ muôn năm". Với bài thi như thế, dĩ nhiên không ai cho anh tốt nghiệp.

Lần cuối cùng anh kể cho tôi nghe chuyện về đời mình là chuyện khi đi lang thang ở Hải Phòng, anh gặp một cô gái điếm. Cốt truyện như một câu chuyện thường gặp của văn học hiện thực nhưng lúc đó khiến tôi cảm động. Anh khi đó có hai chỉ vàng nhưng khi biết cô gái đã đi bán mình để lấy tiền cứu chữa cho cha vốn là phu khuân vác, bị ho lao, anh cho cô cả. Cô gái khóc và nói rằng: bố cô sinh ra cô còn anh thì đã cho cô một cuộc đời khác những gì cô đã chịu đựng. Chuyện này, ngoài tôi được nghe kể, còn có đôi ba người nữa. Khi ấy, tôi đã cảm phục anh mà không hề nghi ngờ. Sau này có người bảo tôi là anh nói phét, tôi cứ thấy như mình vừa mất đi một điều gì. Cái gì, lúc đó tôi chưa nghĩ ra nhưng trong mông lung thì đó là hụt hẫng về lòng tin vào người đời.

Không thể tốt nghiệp, nhà trường cắt mọi khoản và anh thành người không còn nơi nào bấu víu nữa. Anh sống lang thang, vật vờ, khổ sở. Dạo ấy có dịp trường đón Đại tướng về thăm, nhiều người sợ để anh ăn mặc thế, cứ đi lang thang thế, bất tiện mới nghĩ ra cách chi một ít tiền để anh Nguyễn Hùng Vĩ mời anh vào quán uống nước, ăn kẹo dồi. Thế là lại có thêm một đôi câu đối, do anh Vĩ tức cảnh mà thành(Lạy Thầy và Đại tướng tha tội, câu này hơi bất kính nhưng nó là sự thực nên cho con kể) "Cờ xí rợp trời Tum đón Giáp/ Thuốc chè đầy quán, Vĩ chờ Côn".

Cuộc sống cứ thế trôi qua. Anh cứ đi bên ngoài lề đời như thế. Anh không phải là người điên nhưng không ít người cứ nghĩ anh điên. Rồi, sau một lần người ta gom anh vào trại, không ai còn được thấy anh nữa. Nghe nhiều chuyện về điều này lắm nhưng anh vĩnh viễn không còn về lại Mễ Trì và cũng không bao giờ về được quê nhà. Viết đến đây, tự dưng câu nói của Nam Cao lại hiện về, day dứt: " Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi...toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương"

Kể một vài chuyện về anh, tôi không có ý định vẽ ra một chân dung nào của anh cả. Tôi chỉ kể những gì đã biết, hoặc ngỡ là đã biết. Đến giờ, trong tôi vẫn có một nỗi day dứt: giá như ngày ấy nhiều người gần anh hơn, hiểu anh hơn chắc anh đã không thành một lữ hành kỳ dị, đau khổ, cô đơn giữa đồng loại mình như vậy. Nhưng, giờ còn biết làm gì? Cầu cho linh hồn anh siêu thoát và không còn phải chịu như câu thơ anh viết về mình" Trần Côn khổ nhất trần đời/ Sống nơi trần tục, ở nơi trần nhà" nữa.

  

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441638

Hôm nay

238

Hôm qua

2317

Tuần này

21542

Tháng này

216812

Tháng qua

112676

Tất cả

114441638