Phóng viên (PV):Cả nước đang rầm rộ thực hiện xây dựng nông thôn mới. Tôi không nghi ngờ về ý tưởng, mục đích của chương trình này. Tuy nhiên, tôi thấy, trong cách làm có nhiều vấn đề chưa ổn, chưa phù hợp. Trước hết là bộ tiêu chí. Liệu có nên xây dựng bộ tiêu chí với những con số cụ thể như vậy không, đặc biệt trên lĩnh vực văn hóa. Nói đến văn hóa không chỉ nói đến các cơ sở, các điều kiện vật chất như nhà văn hóa, tủ sách, sân bóng…. Cái chính là các giá trị, các truyền thống. Mà các giá trị, các truyền thống, bản sắc chủ yếu nằm trong cộng đồng, trong mỗi con người. Có nghĩa là, trong xây dựng nông thôn mới, từ ý tưởng đến thực tiễn vẫn chưa thoát ly khỏi tư duy hình khối, vật chất. Văn hóa vẫn được nhận thức như một bộ phận, một cấu thành của chỉnh thể nông thôn mới như hạ tầng kinh tế mà thôi. Là người theo dõi, nghiên cứu khá sâu sát về chương trình trên phạm vi cả nước, ông có bình luận gì về ý kiến này? Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
GS.TS Tô Duy Hợp (TDH):Trước nay, nghiên cứu về nông thôn tập trung nhiều cho kinh tế, xã hội mà sự quan tâm đến văn hóa chưa nhiều, nhất là trong chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay. Nhận xét trên đúng với tình hình thực tế khi người ta quan tâm nhiều đến văn hóa vật thể mà chưa quan tâm đến văn hóa tinh thần của người dân ở nông thôn. Tiêu chí 6 trong bộ tiêu chí chẳng hạn, tập trung nói đến cơ sở vật chất như nhà văn hóa, trường học, thư viện, sân bóng… Có nhà văn hóa nhưng sinh hoạt văn hóa trong đó như thế nào, ai tham gia thì không ai quan tâm. Nhà văn hóa hiện nay chỉ dùng cho một vài hội họp hay cho mượn hoặc cho thuê tổ chức sự kiện. Nó không gắn với sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Hay tiêu chí 16 về làng văn hóa, xã văn hóa còn cứng nhắc, không thực tế, mang tính hình thức. Khi tôi về xã Thụy Hương - một xã điểm nông thôn mới của Hà Nội khá phát triển và hoàn thành gần hết các tiêu chí, tuy nhiên tiêu chí xã văn hóa vẫn không hoàn thành vì một số thôn không đạt do có gia đình sinh con thứ 3. Người dân kiến nghị rằng cần xem xét đưa ra tỷ lệ hộ gia đình sinh con thứ 3 chứ không phải là có gia đình sinh con thứ 3.
Nói tóm lại, người ta đã nhận thức giản đơn về vấn đề văn hóa, thiên về lượng hóa và cả ép chỉ tiêu. Điều này thể hiện bộ tiêu chí là của những người ngồi trong phòng máy lạnh đưa ra không sát thực tế. Văn hóa là mục tiêu và cũng là động lực để phát triển. Nó là vấn đề phức hợp và không thể đơn giản hóa một cách khô khan, máy móc trong quá trình xây dựng nông thôn. Văn hóa còn là con người và trong bộ tiêu chí cũng không chú trọng đến việc phát triển con người tự do, con người văn hóa, văn minh.
PV:Có một đặc điểm của nông thôn Việt Nam suốt hơn nửa thế kỷ qua là phần lớn ở các làng - xã có hai hệ thống thiết chế văn hóa, thậm chí là hai hệ thống giá trị cùng tồn tại. Một là hệ thống thiết chế văn hóa cổ truyền với đình, đền, chùa, miếu… Hai là các nhà văn hóa, nhà truyền thống, tủ sách, thư viện…theo lối mới. Phần lớn các hoạt động của hai hệ thống này không có sự liên hệ với nhau. Cộng đồng cùng lúc chấp nhận cả hai hệ thống. Cũng có những người đồng thời chấp nhận cả hai giá trị. Ngày lên hội trường – nhà văn hóa học chính trị, tập văn nghệ, tối lên chùa tụng kinh. Theo ông, đây có phải là một hiện tượng bình thường không? Ông lý giải về hiện tượng này như thế nào?
TDH:Đời sống nông thôn đang chuyển đổi, đó cũng là quá trình chuyển đổi các giá trị văn hóa cả vật chất lẫn tinh thần. Một số yếu tố văn hóa trong thời bao cấp trước đây đã bị giải thể như đền, chùa, đình, miếu thì nay lại đang được phục hồi, còn các yếu tố mới do hệ thống chính quyền đưa vào đời sống người dân thì chưa được định hình, chưa đi vào tâm thức văn hóa như nhà văn hóa, tủ sách, thư viện... Hiện tượng này vừa bình thường và vừa không bình thường. Bình thường vì văn hóa là sự lựa chọn giá trị của cộng đồng. Trong quá trình phát triển, người dân có quyền lựa chọn các giá trị của mình: có người chọn giá trị cũ, có người chọn giá trị mới. Bất thường là chính quyền địa phương đã cố gắng gượng ép người dân phải lựa chọn yếu tố mới mà họ xem là cái phát triển hơn, lợi dụng các giá trị mới để trục lợi cho riêng mình như thương mại hóa lễ hội ở các làng - xã là không ổn. Giữa hai giá trị cũ và mới, khó để nói cái nào hơn cái nào. Quá trình phát triển cần tích hợp cả hai yếu tố văn hóa cũ và mới, kim cổ giao duyên và sao cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương để làm nền tảng văn hóa cho sự phát triển.
PV:Vậy theo ông, trong chương trình xây dựng nông thôn mới có thể và có nên định hướng mục tiêu kết nối hai hệ thống giá trị này không? Và kết nối như thế nào để nó trở thành một chỉnh thể thống nhất, hài hòa?
TDH:Trên thực tế cho chúng ta có thể nhận thấy nhiều phương án kết hợp các hệ giá trị văn hóa cũ và mới trong các cộng đồng khác nhau, người dân chấp nhận các giá trị cùng tồn tại và mỗi người có sự lựa chọn riêng cho mình. Nhiều nhà quản lý vẫn trung thành với thuyết xóa bỏ - thay thế kiểu cách mạng là cực đoan và hệ quả không như mong muốn. Ví dụ việc xóa bỏ đình làng thay thế bằng nhà văn hóa như đã làm trước đây là không hợp lý và kết quả là giờ lại phải đi xây lại. Hay bảo thủ chỉ giữ nguyên các giá trị cũ cũng không hẳn hợp lý. Quan trọng nhất là tôn trọng sự đa dạng về hệ giá trị để phát triển, chấp nhận đa dạng hóa mô hình văn hóa để đáp ứng nhu cầu phát triển của người dân. Dù rằng đa dạng mô hình có thể có sự xung đột nhưng người dân sẽ tự hòa giải với nhau thông qua những trao đổi và đối thoại. Còn nhà quản lý độc quyền về mô hình, coi mô hình văn hóa mình đưa ra là duy nhất đúng thì sẽ thất bại. Muốn kết nối hài hòa các giá trị văn hóa cũ và mới là không đơn giản, cần coi trọng người dân và kết hợp nhiều nhà vào quá trình xây dựng, từ nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà truyền thông, nhà giáo, …
PV:Theo quy hoạch không gian – kiến trúc, chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay ở các địa phương mà tôi được biết, cùng với cung cách quản lý “ông nhà bà làng”, tôi đang nghĩ đến một xu hướng đô thị hóa nông thôn nửa vời chứ không phải đơn thuần là hiện đại hóa nông thôn. Đô thị hóa là tất yếu nhưng có lẽ không phải là cái cách làm nhà bám mặt đường để buôn bán vặt như ở nông thôn hiện nay. Còn hiện đại hóa nông thôn – mục tiêu của chương trình nông thôn mới thì không được thể hiện nhất quán và rõ ràng. Xin ông cho biết quan điểm của mình về vấn đề này? Và liệu tình trạng này nó sẽ sẽ tác động đến đời sống văn hóa cộng đồng làng xã như thế nào?
TDH:Đúng là đang có sự đô thị hóa nửa vời và hiện đại hóa hình thức trong xây dựng nông thôn mới hiện nay. Nhưng chúng ta cũng cần quan tâm đến hai khái niệm này vì nó có sự độc lập tương đối. Đô thị hóa nhấn mạnh đến sự chuyển đổi kết cấu hạ tầng nhân tạo, chất lượng cuộc sống và lối sống đô thị khác hẳn nông thôn. Trước đây vẫn coi đô thì là lối sống mở còn nông thôn là lối sống khép nhưng thực chất không hẳn như vậy. Nông thôn là đóng cửa làng nhưng mở cửa nhà, trong làng quan hệ chặt chẽ với nhau. Còn đô thị thì ngược lại, mở của phố nhưng đống cửa nhà, hay sự khác nhau về tự do cá nhân và vị thế gia đình… Trong khi đó, hiện đại hóa muốn đề cập đến trình độ phát triển của năng lực con người, đặc biệt là khả năng tiếp cận với trang thiết bị, công nghệ hiện đại. Đô thị đối cặp với nông thôn còn hiện đại đối cặp với truyền thống, là hai cặp khái niệm khác nhau. Đô thị hóa gắn nhiều với công nghiệp hóa nhưng hiện đại hóa thì có thể gắn và có thể không. Trong chương trình nông thôn mới hiện nay, người ta nói nhiều đến hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, tức gần với đô thị hóa trong khi không quan tâm nhiều đến năng lực con người tiếp nhận sự hiện đại hóa đó. Chính vì vậy mà cả đô thị hóa và hiện đại hóa kéo theo nhiều tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa ở nông thôn. Mặt được của nó là mức sống được tăng lên nhanh chóng dựa vào các ngành phi nông nghiệp phát triển, lối sống tiệm cận văn minh hơn, hiện đại hơn. Nhưng cũng mang nhiều rủi ro cho người dân vì lối sống đô thị nửa vời, hủy hoại môi trường, văn hóa truyền thống bị phai nhạt, các tệ nạn xã hội hoành hành, kết cấu hạ tầng chưa tương xứng, thiếu quy hoạch… Và ý thức người dân cũng chưa tương xứng với sự phát triển.
PV.Văn hóa cũng phải vận động. Văn hóa nông thôn, làng - xã cũng vậy. Dựa vào mục tiêu và cách thức thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay, ông có thể phác họa đồ thị vận động của văn hóa làng - xã Việt Nam trong thời gian tới? Nó sẽ có những đặc điểm nào đáng chú ý nhất? Nếu so với quy luật vận động và thực tiễn của các nước phát triển, chúng ta cần lưu ý những vấn đề gì?
TDH:Hiện tại, sự vận động của văn hóa nông thôn đang theo hai hướng do sự lựa chọn tự phát của người dân và sự lựa chọn mang tính áp đặt của nhà nước, nhà quản lý. Hai hướng tồn tại song song vì chưa có xu hướng nào chiếm được ưu thế. Sự lựa chọn của người dân tạo nên sự đa dạng trong hệ thống giá trị nhưng cũng dễ làm rối loạn hệ giá trị, trong khi sự lựa chọn của nhà nước lại muốn thống nhất hệ giá trị, nhưng cũng dễ độc đoán, chuyên quyền!. Để phát triển cần phân nhóm giá trị chứ không thể thống nhất giá trị và ép người dân phải theo. Từ đó có thể thấy, phác đồ vận động hiện nay trong đời sống nông thôn vẫn là chuyển từ nông thôn sang đô thị, từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp và từ truyền thống sang hiện đại. Tuy nhiên, đó chỉ là xu hướng chủ đạo, ngoài ra cũng có ngược lại là truyền thống hóa tính hiện đại vốn rất chưa được chú ý. Sự vận động này cũng hợp với quy luật từ nhiều nước đang phát triển. Chúng ta đang có sự chuyển đổi kép: một mặt, theo tính quy luật chung toàn nhân loại, chuyển đổi từ nông thôn sang đô thị và từ nông thôn cũ sang nông thôn mới; từ nông nghiệp sang công nghiệp và từ nông nghiệp cũ sang nông nghiệp mới; từ nông dân sang thị dân, công nhân, viên chức và từ nông dân cũ thành nông dân mới; mặt khác, theo đặc thù riêng của Việt Nam, chuyển đổi từ cơ chế kinh tế nhà nước tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường do nhà nước quản lý theo định hướng xã hội chủ nghĩa… Đây là một phác đồ phức hợp, đa dạng chứ không đơn giản, đơn tuyến như người ta vẫn nghĩ. Cái quan trọng nhất quyết định phác đồ đó là con người và chính sách nhà nước cần đặt con người làm gốc, làm trung tâm, vừa là động lực vừa là mục tiêu phát triểnđể điều chỉnh phác đồ sao cho hợp lý và năng động. Đừng chủ quan và áp đặt như một thời đã làm để rồi mấy chục năm sau quay lại chỉnh sửa sai lầm.
PV:Có một mâu thuẫn có tính quy luật của văn hóa, đó là luôn tồn tại hai nhu cầu, bảo tồn và phát triển. Mâu thuẫn này càng bộc lộ sâu sắc trong các xã hội có nhu cầu vận động phát triển nhanh. Chương trình xây dựng nông thôn mới đang bộc lộ vấn đề này rất rõ. Về kinh tế chúng ta muốn phát triển thật nhanh nhưng về văn hóa chúng ta lại muốn có sự hài hòa. Theo ông, chúng ta có thể thực hiện được ý định đó không? Các giải pháp và các điều kiện cần có nào để thực hiện?
TDH:Đây là mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa, giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa và phát triển kinh tế. Mối quan hệ này vô cùng phức tạp, mang tính phức hợp biện chứng. Vậy nên cần phải nhận thức đầy đủ, tránh tư duy đơn giản hóa các vấn đề. Phải quan niệm rõ về bảo tồn: không có nghĩa là bảo vệ nguyên xi văn hóa vì văn hóa cũng luôn vận động để thích nghi với sự phát triển. Ngược lại sự phát triển cũng cần dựa trên chiếc phanh văn hóa để cân đối và bền vững hơn, tránh bớt sự rủi ro. Trước đây, khi tinh thần cách mạng lên cao quá khích, chúng ta đã cố xây dựng nền văn hóa mới bằng cách xóa bỏ - thay thế và phải trả giá đắt khi văn hóa bị hủy hoại mà kinh tế không phát triển. Ngày nay, cần phải phát triển dựa trên kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa, không chỉ các giá trị văn hóa truyền thống mà cả tinh hoa văn hóa du nhập. Xem giá trị văn hóa, con người là mục đích đến của sự phát triển kinh tế.
PV:Trở lại câu chuyện cũ nhưng vẫn có tính thời sự, cả về lý luận và thực tiễn, rằng trong bối cảnh mới hiện nay, theo ông, ở nông thôn Việt Nam hiện nay, hiện đại hóa nông thôn là gì? Vấn đề cốt lõi, cơ bản nhất của hiện đại hóa nông thôn là gì? Khoảng cách, hay là sự phân biệt giữa hiện đại hóa nông thôn và đô thị hóa nông thôn là gì?
TDH:Như đã nói trên, hiện đại hóa là quá trình chuyển từ truyền thống sang hiện đại, còn đô thị hóa là quá trình chuyển từ nông thôn sang đô thị. Chúng ta vẫn thường hiểu hiện đại hóa là phương Tây hóa trong khi đó, ở nước ta hiện đại hóa cần nhất là dựa vào truyền thống và hướng đến các mô hình phù hợp với chính mình hơn là theo các mô hình cũ của phương Tây. Hiện đại hóa nông thôn cần trành cái nhìn thuần túy hóa, đơn giản hóa, không phải cứ rải nhựa, đổ bê tông, xây cao tầng là hiện đại. Hiện đại hóa nông thôn cần quan tâm đến hiện đại hóa con người, nâng cao năng lực tiếp cận lối sống và trang thiết vị, mô hình sản xuất hiện đại, quan tâm nhiều đến chất lượng cuộc sống. Đô thị hóa nông thôn, như nói ở trên là vấn đề chuyển đổi kết cấu hạ tầng và lối sống nông thôn sang đô thị. Hai quá trình này có bản chất không giống nhau dù có một số mục tiêu gần nhau, nhưng đô thị hóa chú ý nhiều chuyển đổi lối sống thì hiện đại hóa lại quan tâm nhiều đến chất lượng cuộc sống, trình độ dân trí và quan trí. Ở Việt Nam hiện nay cả hai quá trình này thường gắn với nhau nhưng lại cũng dễ mắc những hạn chế như nhau khi ít quan tâm đến vấn đề con người và nâng cao năng lực con người. Hiện đại hóa nông thôn là phải nâng cao năng lực con người đang sống ở nông thôn, tạo cho họ điều kiện làm chủ, vận dụng, sử dụng các trang thiết bị hiện đại, phục vụ phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống.
PV:Hiện đại hóa văn hóa ở khu vực nông thôn cũng là một nhu cầu thực tiễn. Và điều đó đã và đang diễn ra. Tại thời điểm này, theo ông, hiện đại hóa văn hóa ở khu vực nông thôn Việt Nam cần hướng đến những mục tiêu nào? Tại sao?
TDH:Nói đến văn hóa nông thôn là nói đến văn hóa làng. Muốn hiện đại hóa văn hóa nông thôn cần hiểu về văn hóa làng. Làng là đơn vị quan trọng trong xã hội nông nghiệp, là tế bào sống của văn hóa nông thôn. Hiện đại hóa văn hóa nông thôn không chỉ làm sống động những giá trị truyền thống văn hóa làng như tình làng nghĩa xóm, lễ hội làng, … mà còn cần hướng đến các giá trị văn hóa cộng đồng hiện đại như sự bình đẳng, tự do và hòa hợp. Cần chú trọng các giá trị con người và gia đình vì chính các gia đình, mỗi người dân ở nông thôn xây dựng nông thôn mới chứ không phải Đảng hay nhà nước và nông thôn mới cho người dân chứ không phải cho Đảng, cho nhà nước. Cần phải hiểu đúng và làm đúng phương châm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” trong tiến trình hiện đại hóa văn hóa nông thôn nói chung, văn hóa làng nói riêng.
PV:Mặc dù bộ tiêu chí xây dựng thôn mới đã có điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế; tuy nhiên, đa phần các nhà xây dựng chính sách vẫn thiếu thông tin từ thực tiễn nên bộ tiêu chí vẫn còn nhiều khoảng cách từ ý chí đến thực tiễn, nhất là về lĩnh vực văn hóa. Các nhà hoạch định chính sách vẫn hiểu văn hóa một cách đơn giản, cơ học và vật chất đơn thuần. Họ quên nhiều yếu tố con người và thế giới tinh thần làng xã – linh hồn của văn hóa làng xã/nông thôn. Nếu là người có quyền hạn và trách nhiệm trong việc thiết kế chương trình xây dựng nông thôn mới, chỉ riêng về lĩnh vực văn hóa thôi, thì ông sẽ kiến nghị những vấn đề gì? Tại sao thế?
TDH:Các nhà nghiên cứu đã nhiều lần lên tiếng nhưng nhà quản lý vẫn lờ đi. Họ vẫn đi hỏi ý kiến chuyên gia nhưng khi được góp ý thì lại cố làm như không nghe thấy, và tiếp tục làm theo ý chủ quan của họ. Tuy vậy, các ý kiến của nhà nghiên cứu cũng phần nào tác động đến quá trình xây dựng nông thôn mới theo nhiều con đường khác nhau. Riêng tôi nghĩ cần chú ý đến một số vấn đề quan trọng sau:
+ Cần nhận thức rõ hơn về văn hóa làng và làng văn hóa. Làng văn hóa là danh hiệu mới xuất hiện sau này còn văn hóa làng tồn tại ngàn năm nay. Bộ tiêu chí cần xem lại các vấn đề cốt lõi, bỏ bớt hình thức, bệnh thành tích của cán bộ quán lý, để người dân lên tiếng đóng góp cho sự phát triển của chính họ.
+ Sau gần 30 năm đổi mới, nông thôn đã biến đổi nhiều theo hướng tích cực. Người nông dân cũng thu được nhiều lợi ích thiết thực từ thành quả đổi mới. Nhưng phải nhìn nhận lại xem, giữa cán bộ quản lý và người dân, ai được hưởng nhiều lợi ích hơn và ai chịu nhiều tác động tiêu cực hơn? Tôi thấy cán bộ nhận được nhiều lợi ích hơn trong khi người dân phải hứng chịu nhiều tác động tiêu cực từ các mặt trái của đổi mới. Tôi đề nghị phải điều chỉnh sao cho cân bằng lợi ích giữa nhà quản lý và người dân.
+ Muốn phát triển nông thôn một cách bền vững cần phải đảm bảo các điều kiện cơ bản về tư liệu sản xuất và quyền quyết định cho người nông dân. Nhà nước phải trả lại quyền sở hữu ruộng đất cho người dân, trả lại quyền phúc quyết các vấn đề quan trọng của đất nước cho người dân một cách công khai, minh bạch.
+ Tôn trọng quyền dân chủ của con người, không áp đảo, triệt tiêu quyền dân chủ bằng mọi hình thức. Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra cũng chưa đủ, quan trọng nữa là dân phải được hưởng thành quả, lợi ích.
+ Văn hóa là con người và là xã hội người. Hãy để người dân ở nông thôn quyết định xây dựng nền văn hóa của họ trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Cần tạo điều kiện để người dân tự xây dựng văn hóa nông thôn chứ Đảng hay nhà nước không xây dựng nông thôn mới cho người nông dân; không được bắt dân làm cho dân mà chỉ được giúp Dân để Dân tự giúp mình . Xây dựng nông thôn mới mà không coi trọng con người là một điều thụt lùi so với văn hóa làng xã xưa của cha ông, không tôn trọng nhân quyền và dân quyền là không tiến kịp nông thôn văn minh của các nước phát triển. Nếu vậy thì làm sao đạt mục tiêu phát triển nông thôn bền vững? Nên nhớ rằng dân chủ làng xã là một giá trị nổi bật của văn hóa làng, của xã hội nông nghiệp – nông thôn Việt Nam đã có cách đây cả ngàn năm!.
PV:Xin cảm ơn Giáo sư!
Phan Thắng và Bùi Hào thực hiện