Khách mời văn hóa

Khó nhất trong nghề báo là giữ được bản lĩnh [Trò chuyện với nhà báo Trần Hồng Cơ]

Phan Thắng:Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21.6 vừa đi qua. Trong những ngày này, ông nghĩ gì về báo chí Việt Nam giai đoạn hiện nay?

Trần Hồng Cơ:Báo chí Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức nhưng vẫn phát triển. Có người bi quan trước sự lấn át của báo điện tử đối với báo viết. Có người lo ngại trong quy hoạch báo chí sắp tới có nhiều tờ báo sẽ bị “dẹp”. Cạnh tranh thông tin trên mạng Internet ngày càng quyết liệt làm cho các cơ quan báo chí chính thống ngày càng khó hoạt động. Nhưng tôi tin tưởng rằng báo chí vẫn tiếp tục phát triển, bởi bạn đọc vẫn tin và vẫn cần báo chí. Trong lịch sử 85 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta chưa bao giờ bỏ rơi vũ khí báo chí. Nhưng tôi cảm nhận rằng, báo chí Việt Nam đang trải qua “cơn đau” đổi mới. Một trong những thành tựu nổi bật của đổi mới báo chí là chống tiêu cực tham nhũng. Đảng, Nhà nước và nhân dân đều ghi nhận công lao to lớn của báo chí trên mặt trận này. Vinh quang mà bạn đọc dành cho báo chí cũng trên mặt trận này. Nhưng vinh quang nào cũng phải trả giá (tôi nghĩ thế). Sự trả giá của báo chí trên mặt trận chống tiêu cực tham nhũng có nhiều nguyên nhân lắm. Nguyên nhân dễ thấy là một bộ phận làm báo suy thoái về đạo đức nghề nghiệp, biến báo chí thành phương tiện trục lợi. Nhưng một nguyên nhân đáng sợ là sự mua chuộc và trả thù của những thế lực tham nhũng đối với báo chí. Tôi nói thật, mua chuộc hay trả thù đối với nhà báo đều ghê gớm lắm. Khi không mua chuộc được nhà báo chống tiêu cực thì các thế lực tham nhũng quay ra trả thù bằng nhiều thủ đoạn. Cách trả thù thô bạo nhất là hành hung nhà báo, cản trở nhà báo tác nghiệp. Cách trả thù nguy hiểm nhất là đánh vào sinh mệnh chính trị của nhà báo.

Phan Thắng:Những điều trên đây là nói chung về báo chí Việt Nam, cònvớibáo chí Nghệ An?

Trần Hồng Cơ:Báo chí Nghệ An cũng không là ngoại lệ. Nhưng Nghệ An chưa phải là nơi báo chí chống tiêu cực tham nhũng một cách quyết liệt như ở Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng hay một vài địa phương khác. Vì vậy, báo chí Nghệ An chưa phải “trả giá” nhiều trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực tham nhũng. Có chăng là những bài báo phải cải chính xin lỗi, những nhà báo bị phê bình nhắc nhở. Báo chí Nghệ An cũng có những bài viết chống tiêu cực tham nhũng phản ánh sai sự thật nhưng mức độ còn nhẹ nên chưa có tổng biên tập nào bị cách chức, chưa có phóng viên nào bị khởi tố. Nói cách khác, “cơn đau” đổi mới của báo chí Nghệ An, nếu có thì chỉ mới đau nhẹ.

Phan Thắng:Ông có phát hiện ra đặc điểm gì của báo chí Nghệ An so với các địa phương khác?

Trần Hồng Cơ:Tôi nhớ từ khi bước vào thời kỳ đổi mới, nhiều người nói rằng báo chí Nghệ An “lành nhưng không mạnh”. Đến nay, sau gần 30 năm đổi mới nhưng tôi cho rằng nhận xét đó vẫn đúng. Báo chí Nghệ An “lành” vì trước sau chỉ có một mục đích là tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nêu gương các nhân tố mới điển hình. Báo chí Nghệ An chưa “mạnh” vì chưa quyết liệt trên mặt trận chống tiêu cực tham nhũng; chưa mạnh dạn phát huy vai trò phản biện xã hội của báo chí. Ở Nghệ An cũng đã từng có tờ báo chống tiêu cực khá mạnh mẽ được dư luận nhân dân ủng hộ. Nhưng  tờ báo này phải hoạt động trong điều kiện rất khó khăn. Trong khi đó, có tờ báo mạnh cả về nhân lực và tài chính nhưng (lúc đó) lại coi chống tiêu cực tham nhũng không phải là nhiệm vụ của mình. Tiếng nói phản biện của trí thức Nghệ An trên báo chí vẫn chưa mạnh mẽ như ở Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh. Cán bộ lãnh đạo khi được phỏng vấn hay phát biểu trên báo chí thường nói theo “định hướng”, rất ngại đưa ra chính kiến. Cho nên, nói rằng báo chí Nghệ An “lành nhưng không mạnh” đến nay vẫn đúng.

Phan Thắng:Đặc điểm này do nguyên nhân gì vậy, thưa ông?

Trần Hồng Cơ:Có lẽ đặc điểm này do truyền thống cách mạng của quê hương Xô Viết đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi con người xứ Nghệ trong đó có giới báo chí. Người Nghệ An khi nói đến quê hương luôn gắn với hai từ “cách mạng”. Đó vừa là niềm tự hào vừa là tiềm thức sâu xa của người Nghệ, trong đó có các nhà báo. Bằng kinh nghiệm của một người làm báo, tôi thấy rằng đối với người Nghệ, viết hoặc nói cái gì đó trái với những điều tốt đẹp là không yên lòng. Phải chăng đây là nguyên nhân sâu xa làm cho báo chí Nghệ An “lành nhưng không mạnh”.

Phan Thắng:Những ngày này ông nghĩ gì về nghề báo?

Trần Hồng Cơ:Người ta bảo rằng nghề báo là nghề nguy hiểm, nghề dấn thân, nghề nghiệt ngã. Tôi muốn nói thêm, nghề báo còn là nghề đơn độc. Nhà báo tác nghiệp một mình, hoặc theo nhóm thì cũng chỉ một vài người, không phải là số đông như đội quân ra trận. Vậy mà trước mặt nhà báo là cả một trận tuyến thầm lặng, có bao nhiêu vấn đề phải đấu trí, có bao thế lực phải đối đầu. Nếu nhà báo không có bản lĩnh thì sẽ không vượt qua được nguy hiểm. Bao nhiêu công sức đổ ra để có một bài điều tra, nhưng nếu lỡ xẩy ra sơ suất dẫn đến phản ánh sai sự thật thì hậu quả lãnh đủ. Nói nghề báo là nghề nghiệt ngã là vì vậy. Quả thật, nghề này nếu không đủ bản lĩnh, không có gan và không có trí thì không thể dấn thân. Tất nhiên, có những nhà báo suốt đời không dám viết một bài báo chống tiêu cực, cũng không có nổi một bài báo mang tính phản biện mà chỉ viết những bài gắn với một định ngữ rất hay là “ca ngợi”. Tôi cho rằng, đó là những thợ làm báo chứ không phải nhà báo đích thực.

Phan Thắng:Vừa rồi ông có nghe tin phóng viên của một tờ báo ở Hà Nội đã cùng lưu manh xã hội đen đánh đồng nghiệp ngay tại tòa soạn, và tổng biên tập của báo này đã vô cùng bạc nhược, không dám bảo vệ phóng viên của mình; chưa hết, phóng viên bị đánh vì sợ hãi quá nên đã rút đơn tố cáo.

Trần Hồng Cơ:Thông tin này tôi có đọc trên mạng và thú thực tôi không quan tâm lắm những hành vi “chợ búa” này. Nhưng quả thực, đó là cảnh báo về sự suy thoái đạo đức nghề nghiệp đến mức thảm hại của một bộ phận làm báo hiện nay. Tôi không biết phóng viên này bị đồng nghiệp hành hung vì lý do gì nhưng chắc chắn đó  là hành động khủng bố của xã hội đen đối với báo chí. Một phóng viên cùng bọn lưu manh xã hội đen đánh đồng nghiệp ngay tại tòa soạn thì không còn gì để nói về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Một ông tổng biên tập bạc nhược không dám bảo vệ phóng viên của mình và phóng viên bị đánh sợ hãi quá phải rút đơn tố cáo, hai việc đó phản ánh cùng một bản chất: những người làm báo không có bản lĩnh đã trở nên hèn nhát ngay trước bọn xã hội đen.

Phan Thắng:Ông đã từng thấy, từng biết có hiện tượng, trường hợp nào phóng viên bảo kê cho doanh nghiệp hoặc cho ai đó…?

Trần Hồng Cơ: Hiện tượng phóng viên bảo kê cho doanh nghiệp hoặc cho những nhân vật quyền thế là có thật nhưng không phải ai cũng biết. Sự bảo kê này kín đáo lắm, ngay cả đồng nghiệp nhiều khi cũng không biết hoặc có biết cũng đành làm ngơ. Giữa phóng viên bảo kê và người được bảo kê bề ngoài quan hệ rất bình thường nhưng bên trong rất thân thiết với nhau, thường xuyên trao đổi thông tin cho nhau. Khi vụ việc tiêu cực có nguy cơ bị đưa lên báo, phóng viên bảo kê lập tức thông báo cho đối tác biết để tìm cách ngăn chặn. Khi vụ việc tiêu cực đã đưa lên báo, dù tên tác giả được giữ bí mật nhưng phóng viên bảo kê vẫn biết và thông báo cho đối tác để đối phó. Thậm chí có trường hợp, bài viết chống tiêu cực chưa đăng nhưng phóng viên bảo kê đã thông báo cho đối tác biết để tìm cách ngăn lại. Có tổng biên tập đã phải ngậm ngùi bóc bài chống tiêu cực vì áp lực của cấp trên qua những cuộc điện thoại mà không biết rằng nguyên nhân là từ đồng nghiệp. Phóng viên bảo kê cũng quyết liệt viết bài chống tiêu cực tham nhũng nhưng mục đích là để “đánh” đối phương, bảo vệ doanh nghiệp và người được bảo kê.

Phan Thắng:Ông có cảm thấy chạnh lòng về danh dự nhà báo khi bây giờ có rất nhiều địa phương, doanh nghiệp kêu ca phàn nàn thậm chí khinh khi báo chí khi  họ cho rằng có quá nhiều phóng viên đến quấy quả và vòi quảng cáo?

Trần Hồng Cơ:Không chỉ quấy rầy các doanh nghiệp, địa phương để vòi quảng cáo mà các phóng viên còn có mẹo nhờ tác động của những nhân vật có quyền lực (bằng những lá thư tay hoặc những cuộc điện thoại) để ép quảng cáo. Khi đã có “ông lớn” tác động thì giám đốc doanh nghiệp hay lãnh đạo địa phương phải cắn răng mà ký hợp đồng chứ không thể trốn. Tôi đã chứng kiến những phóng viên xin được thư tay của các vị lãnh đạo chầu chực trước phòng làm việc của giám đốc doanh nghiệp để ký hợp đồng quảng cáo. Có nhiều lý do để doanh nghiệp phải chấp nhận quảng cáo nhưng mục đích tiếp thị là rất ít. Quảng cáo là một dịch vụ của báo chí được pháp luật cho phép, nhưng quảng cáo theo kiểu “vây ép” như hiện nay thì không chỉ nhà báo mất danh dự mà doanh nghiệp cũng mất uy tín.

Phan Thắng:Cái khó nhất  của nhà báo, nghề báo bây giờ là gì, theo ông?

Trần Hồng Cơ:Cái khó nhất của nhà báo, nghề báo bây giờ là giữ được bản lĩnh. Qua trải nghiệm của bản thân trong nghề báo, tôi thấy rằng làm báo giữ được bản lĩnh khó lắm. Là phóng viên, mỗi lần viết bài là một lần thử thách bản lĩnh. Có bản lĩnh mới vượt qua chông gai để đi tìm sự thật. Tìm được sự thật rồi phải có bản lĩnh mới dám nói lên tiếng nói của công lý. Khi sự thật và công lý được đưa lên mặt báo, phóng viên viết bài nhận được sự tôn vinh từ bạn đọc nhưng cũng phải hứng chịu nhiều áp lực. Đối tượng bị phản ánh thì tìm cách mua chuộc hoặc trả thù. Các vị quan chức có liên quan thì gọi điện nhắc nhở hoặc răn đe. Bọn tham nhũng thì đưa những phong bì dày cộm để mua chuộc. Phóng viên viết bài được thử thách nhiều lần như vậy không phải ai cũng giữ được bản lĩnh. Có phóng viên viết bài chống tiêu cực tham nhũng rất quyết liệt, nhưng rồi anh ta cứ giàu lên và trở thành người ít viết. Đối với những người làm tổng biên tập, thử thách bản lĩnh càng nghiệt ngã hơn. Mỗi lần báo đăng bài chống tiêu cực tham nhũng hoặc phản ánh những vấn đề nhạy cảm là một lần bị gọi điện thoại nhắc nhở, có khi được gọi lên làm việc trực tiếp. Bài viết chống tiêu cực tham nhũng có chỗ sai thì phải tiếp thu sữa chữa nghiêm túc đã đành, nhưng bài viết không có gì sai vẫn bị nhắc nhở như: cho đăng vào thời điểm nhạy cảm, lời lẽ phê phán thiếu thiện chí… Nhắc nhở nhiều lần, làm việc nhiều lần mà vẫn không thay đổi thì bị quy là thiếu nhãn quan chính trị, nếu kéo dài có thể bị “cất ghế”. Làm báo là làm chính trị. Mà đã làm chính trị thì không thể tránh khỏi có lúc sai lầm. Nhưng tôi nghiệm thấy làm cán bộ chính trị trên các lĩnh vực khác nếu có sai lầm thường được xử lý nhẹ tay, thậm chí được bao che.  Còn làm tổng biên tập, khi có sai lầm bị xử lý rất nghiêm. Trong làng báo Việt Nam đã có những tổng biên tập mất chức vì sơ suất để xẩy ra sai phạm trong chống tiêu cực tham nhũng. Bởi vậy, không ít tổng biên tập muốn an toàn đã chọn cách im lặng trước các vụ việc tham nhũng. Làm tổng biên tập giữ được nghề không khó, điều khó gấp bội phần là giữ được bản lĩnh.

Phan Thắng:Làm báo nhưng ông có ngại, chán hoặc thậm chí sợ đọc báo không? Bây giờ ông ngán nhất là những bài như thế nào?

Trần Hồng Cơ:Đã làm nghề báo thì phải chịu khó đọc báo. Nhưng với mật độ báo in, báo hình, báo điện tử dày đặc như hiện nay thì không ai đủ thời gian để đọc và xem hết. Phải có cách đọc để nắm bắt thông tin, và cũng phải có cách tránh đọc để bỏ qua những bài báo không có thông tin hoặc thông tin không cần thiết. Là người chịu khó đọc báo, tôi ngán nhất là những bài báo minh họa chủ trương, nghị quyết. Những bài báo này vừa không có thông tin, không có vấn đề, không có tính phản biện, vừa nhàm chán trong cách thể hiện. Phải hiểu rằng, đọc báo cũng là một cách làm báo.

Phan Thắng:Vừa rồi, ngày 10.6, ông Hữu Thọ, nguyên Tổng biên tập báo Nhân dân, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóaT.Ư, có nói tại Khoa báo chí- Truyền thông, Đại họcKhoa học xã hội và Nhân vănHà Nội rằng:"Đau lòng vì chưa bao giờ uy tín báo chí giảm sút như hiện nay". Ông bình luận gì về ý kiến này của ông Hữu Thọ?

Trần Hồng Cơ:Nhận xét của ông Hữu Thọ tôi chỉ tán thành một nửa. Bởi, bên cạnh những tờ báo xa rời tôn chỉ mục đích, chạy theo thị hiếu tầm thường thì vẫn có những tờ báo nêu cao tinh thần chiến đấu, kiên quyết đấu tranh vì lẽ phải, được bạn đọc mến mộ. Bên cạnh những tờ báo thông tin “lá cải” thì vẫn có những tờ báo thông tin đầy trí tuệ (nhất là tạp chí), rất bổ ích đối với bạn đọc. Bên cạnh những nhà báo thoái hóa biến chất vẫn có những nhà báo giữ được bản lĩnh, nêu cao đạo đức nghề nghiệp, được bạn đọc rất tôn trọng. Và điều quan trọng nhất là đông đảo bạn đọc vẫn tin báo chí, giử gắm hy vọng vào báo chí. Nếu được nói lại lời ông Hữu Thọ, tôi xin nói rằng: “Chưa bao giờ uy tín của một bộ phận làm báo giảm sút như hiện nay”. Xin nói thêm, “một bộ phận làm báo” này ít hơn nhiều so với “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” mà Nghị quyết T.Ư 4 đã chỉ ra.

Phan Thắng:Nhiều người cho rằng sở dĩ báo chí bây giờ lâm vào tình trạng như vậy là do cơ chế thị trường. Tôi không tin điều này. Còn ông? Vì sao?

Trần Hồng Cơ:Không nên đổ lỗi cho cơ chế thị trường khi con người sống không tử tế. Nhà báo biết sống tử tế thì sẽ làm việc tử tế, luôn tôn trọng sự thật và tôn trọng bạn đọc. Nhà báo sống không tử tế thì sẽ chạy theo đồng tiền và nhiều thứ cám dỗ khác, không bao giờ biết tôn trọng bạn đọc. Tất nhiên, với cơ chế thị trường người ta có thể mua được nhiều thứ. Nhưng đã là nhà báo chân chính thì không thể mua được. Mặt khác phải hiểu rằng, kinh tế thị trường là thành quả văn minh của nhân loại, là động lực giải phóng mọi tiềm năng của con người, trong đó có tiềm năng báo chí. Phải thấy rằng, báo chí cũng chấp nhận cơ chế thị trường để cạnh tranh phát triển một cách lành mạnh.

Phan Thắng:Tình trạng trên đây là do luật pháp của ta không nghiêm, với tất cả mọi thứ, trong đó có báo chí. Tôi nghĩ vậy, còn ông?

Trần Hồng Cơ: Đúng vậy. Luật pháp không nghiêm nên mới có những kẻ giả danh nhà báo lừa đảo kiếm tiền. Luật pháp không nghiêm nên mới có những nhà báo bán rẻ lương tâm nghề nghiệp để làm những điều bất chính. Luật pháp không nghiêm nên mới có chuyện phóng viên cùng bọn xã hội đen đánh đồng nghiệp ngay giữa tòa soạn. Nếu thực thi pháp luật không nghiêm minh thì trong hoạt động báo chí còn có nhiều thứ “loạn” trong đó đáng lo nhất là “loạn” nhà báo dởm.  

Phan Thắng: Có nguyên nhân từ đào tạo. Các nhà báo được đào tạo có vẻ bài bản hơn nhưng cái “phông”, cái nền tảng văn hóa quá sơ sài,không làm chủ được trong các mối quan hệ xã hội nên mới dẫn đến giảm uy tín nghiêm trọng như ông Hữu Thọ nói.Ông nghĩ thế nào về vấn đề này.

Trần Hồng Cơ: Nhìn bề ngoài, việc đào tạo nhà báo có vẻ bài bản nhưng thực chất vẫn rất chắp vá. Tình trạng khá phổ biến hiện nay là sinh viên tốt nghiệp các trường đại học khác vào làm việc tại các cơ quan báo chí một thời gian rồi đi học khoa báo chí tại chức để có bằng. Đào tạo như vậy nên phóng viên vừa thiếu “phông” văn hóa vừa thiếu kỹ năng nghề nghiệp. Nhiều phóng viên thiếu kiến thức cơ bản trên nhiều lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực xã hội, do đó thiếu lịch lãm trong quan hệ giao tiếp. Do thiếu kiến thức cơ bản nên phóng viên khi chọn đề tài không xác định được bản chất vấn đề, khai thác thông tin thiếu chọn lọc, sử dụng thông tin một cách tùy tiện. Có người nói rằng chưa bao giờ báo chí viết sai sự thật nhiều như hiện nay là vì vậy.

Phan Thắng:Đã từng là TBT một tờ báo khá nổi tiếng, ông có nhận xét gì về việc đào tạo nhà báo qua thực tế sống là các phóng viên trong tòa soạn của mình trước đây?

Trần Hồng Cơ: Từ việc đào tạo chắp vá như vừa nói trên đây nên cơ quan báo chí nào cũng phải tự đào tạo phóng viên của mình qua công việc thực tế. Bằng kinh nghiệm bản thân, tôi thấy rằng đào tạo nhà báo phải đạt hai yêu cầu cơ bản: có bản lĩnh trung thực và có tác phong làm báo nghiêm túc. Phóng viên không trung thực thì sớm muộn cũng vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Phóng viên không có tác phong làm báo nghiêm túc thì không thể nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Qua thực tế tôi nghiệm ra một điều: mình có làm trước thì phóng viên mới làm theo. Muốn phóng viên suy nghĩ đề tài thì mình phải suy nghĩ trước. Muốn phóng viên giữ bản lĩnh thì mình phải thật sự chí công vô tư. Tổng biên tập như thế nào thì phóng viên của mình cũng như vậy.

Phan Thắng: Ở phương Tây họ xác nhận báo chí là quyền lực thứ tư. Ở ta, có người bảo báo chí chẳng có quyền lực gì cả ngoài quyền phục tùng. Tôi không tin điều đó vì tôi thấy báo chí cũng “ghê gớm” lắm. Còn ông, từ thực tiễn công việc và hiện thực đời sống xã hội – báo chí, ông nghĩ sao về cái gọi là quyền lực của báo chí trong xã hội chúng ta?

Trần Hồng Cơ: Nếu nói rằng báo chí của ta chỉ có quyền phục tùng là không đúng, bởi xã hội ta không phải là xã hội mất dân chủ. Tuy nơi này nơikhác vẫn xẩy ra tình trạng quyền làm chủ của nhân dân bị vi phạm (có nơi nghiêm trọng) nhưng bản chất xã hội ta là xã hội dân chủ, quyền con người được tôn trọng, điều đó đã được ghi trong Hiến pháp. Nhưng dân chủ ở nước ta có một điểm khác căn bản với dân chủ ở các nước phương tây: dân chủ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chính “đường biên” này quyết định quyền lực báo chí trong xã hội ta. Viết báo ai cũng muốn được tự do bày tỏ chính kiến, nghĩa là được tự do ngôn luận. Nhưng chính kiến của nhà báo không được trái với quan điểmcủa Đảng. Từ đó suy rộng ra: quyền lực báo chí trong xã hội ta phụ thuộc vào“giới hạn” mà Đảngdành chobáo chí.Báo chí trong xã hội ta có đầy đủ quyền lực để tự do ngôn luận nhưng không được đi quá giới hạn mà Đảng cho phép. Giới hạn này được thể chế hóa bằng những quy định cụ thể trong Luật báo chí và các bộ Luật khác có liên quan.

Phan Thắng: Tôi vẫn biết có nhiều nhà báo rất có uy với nhiều quan chức. Ngày tết, ngày lễ, quan chức cả tỉnh cứ gọi là nườm nượpđưa quà, thậm chí làđưa quà cảngày 8.3, ngày 20.10.ngày 20.11 của vợ anh ta. Dó là do quyền lực hay uy tín cá nhân, thưa ông?

Trần Hồng Cơ:Trong nghề báo, quyền lực và uy tín cá nhân luôn đi liền với nhau. Nhà báo có uy tín mới tạo nên quyền lực từ những bài báo (và tờ báo) tạo được dư luận. Nhưng tôi nói thật, làm báo mà có uy với quan chức không dễ đâu. Có những nhà báo (trong đó có tổng biên tập) làm báo theo kiểu nịnh bợ cấp trên, viết bài báo nào cũng sợ đụng chạm đến lãnh đạo. Bề ngoài, các quan chức tỏ ra rất trân trọng những nhà báo này nhưng trong thâm tâm họ rất xem thường. Ngược lại, có những nhà báo “gai góc”, dám nói thẳng nói thật không sợ ai, khen chê đều rõ ràng sòng phẳng. Đối với những nhà báo này, bề ngoài các quan chức rất ngại nhưng thâm tâm họ rất phục. Còn việc quan chức đưa quà cho các nhà báo cũng phải có sự phân biệt. Tặng hoa, tặng quà cho các cơ quan báo chí trong dịp kỷ niệm ngày 21.6 là một nét đẹp văn hóa nhằm tôn vinh những người làm báo. Tặng phong bì cho tổng biên tập và những người có chức vụ trong cơ quan báo chí vào dịp lễ tết thì cũng giống như tặng phong bì cho các quan chức khác, người ta gọi đây là một hình thức hối lộ nhưng hô hào mãi mà không bỏ được.

Phan Thắng:Làm báo bây giờ, viết về đề tài gì là khó nhất?

Trần Hồng Cơ: Về đại thể có thể chia đối tượng phản ánh của báo chí làm hai đề tài khác nhau: viết về nhân tố mới tích cực và phản ánh mặt trái của xã hội. Viết về nhân tố mới tích cực không khó lắm, chỉ có một điều khó duy nhất là khó viết hay và hấp dẫn. Viết về mặt trái của xã hội, tức là viết về các vụ việc tiêu cực tham nhũng, dễ hấp dẫn nhưng lại rất khó viết. Phải rất dày công và có trình độ nghiệp vụ cao mới khai thác được nguồn tin để viết loại đề tài này. Tôi thấy nhiều phóng viên viết điều tra gian nan vất vả lắm, thu thập hồ sơ chứng cứ chẳng khác gì “điệp viên” thu thập tài liệu. Tôi cho rằng, làm báo bây giờ viết về đề tài chống tham nhũng là khó nhất.

Phan Thắng:Vì sao vậy, thưa ông?

Trần Hồng Cơ: Có một nguyên nhân khách quan làtrong thời gian qua, có nhiều bài báo khi phanh phui các vụ việc tham nhũng, do không kiểm chứng nguồn tin nên đã viết sai sự thật, gây ảnh hưởng lớn trong dư luận. Bởi vậy, các cơ quan chức năng siết chặt quản lý báo chí hơn, có những quy định ngặt nghèo hơn về cung cấp thông tin cho báo chí. Thực tế hiện nay là các nhà báo đi tìm nguồn tin để viết bài chống tham nhũng khó hơn rất nhiều so với trước đây. Mặt khác, xu hướng chung của lãnh đạo hiện nay là không thích báo chí viết về đề tài chống tham nhũng với lý do rất chính đáng là: báo chí phải biểu dương nhân tố mới tích cực để cổ vũ, hạn chế phản ánh mặt trái của xã hội gây tư tưởng hoang mang.

Phan Thắng:Sướng nhất của nghề báo, nhà báo bây giờ là gì?

Trần Hồng Cơ: Có người bạn nói với tôi rằng, làm báo bây giờ có ba mục đích: chính trị, kinh tế và làm nghề. Nếu làm báo vì mục đích chính trị thì sướng nhất là từ nhà báo trở thành quan chức hoặc nhờ làm báo mà chi phối được các quan chức. Nếu làm báo vì mục đích kinh tế thì sướng nhất là khi ký được nhiều hợp đồng quảng cáo, nhận được nhiều phong bì, có nhiều tiền nhuận bút. Còn viết báo vì mục đích làm nghề thì chỉ có một cái sướng duy nhất là tìm ra sự thật và đưa sự thật đến với công chúng.

Phan Thắng: Câu hỏi cuối, vì câu chuyện đã hơi dài, với nhà báo, vinh quang nhất lúc nào? Khổ nhất lúc nào? Và nhục nhất là lúc nào?

Trần Hồng Cơ: Với nhà báo, vinh quang nhất là giữ được bản lĩnh, dám nói thẳng nói thật trước mọi vấn đề, mọi sự kiện, tạo được dấu ấn trong lòng bạn đọc. Nhà báo khổ nhất là khi biết sự thật mà không dám nói hoặc không được nói, tạo sự nghi ngờ trong lòng bạn đọc. Nhục nhất là khi nhà báo quay lưng với sự thật để bẻ cong ngòi bút.

Phan Thắng: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi cởi mở này.

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512455

Hôm nay

2392

Hôm qua

2389

Tuần này

2392

Tháng này

219328

Tháng qua

121356

Tất cả

114512455